Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Thập Huyền Môn . Bài 4.- VTQ- 4 Pháp Giới.

 Các Pháp Giới trong Hoa Tạng giới là vô lượng vô số. Nhưng tựu chung. Chúng là các Thế giới Chủng (chủng loại khác nhau) có thể chia làm 4 Pháp Giới:

1. Sự Pháp Giới. 2. Lý Pháp Giới. 3. Lý Sự Pháp Giới. 4. Sự Sự Pháp Giới.
1/. Sự pháp giới: thế giới của sự vật như chúng ta vẫn thấy bằng giác quan: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… Sự là sự vật, là tướng, là chân lý quy ước, tương đối. Đây là thế giới của hiện tượng.
Sự pháp giới thì người thường chúng ta đều kinh nghiệm. Đó là thế giới hiện bày cho mắt tai mũi lưỡi thân ý của chúng ta. Với cái nhìn của người thường, đây là thế giới của sự khác biệt, phần tử, hữu hạn, của không gian và thời gian. Như vậy đó cũng là thế giới của sanh tử, có sanh già bệnh chết, có khổ đau vô thường, có được có mất, có đến có đi…
Tóm lại, sự pháp giới là cảnh giới vật chất của chúng sanh chúng ta.- Đây là Thế Giới thế tục, vật chất, thuộc về chân lý quy ước, tương đối (thế đế hay tục đế).- Có thể tiếp xúc bằng 6 Giác quan.
2/. Lý pháp giới: thế giới của tánh, hay tánh Không, pháp tánh, Phật tánh, Như Lai tạng tánh… Đây là thế giới của bản thể, của chân lý tuyệt đối, tối hậu.(Do Thiền quán mà thấy được).
Lý pháp giới là thế giới của bản thể, bản tánh không sanh không diệt, không đến không đi, không dơ không sạch, không tăng không giảm… như hư không. Đây là chỗ hướng đến của mọi chúng sanh, của mọi triết học, mọi tôn giáo, mọi khoa học – đi tìm bản chất đầu tiên và cuối cùng của mọi sự, bản thể của mọi hiện tượng, và do đó thoát khỏi thế giới vô thường của sự vật và hiện tượng. Kinh Hoa Nghiêm, cũng như kinh Pháp Hoa, thường nói đến “thật tướng của tất cả các pháp”. Thật tướng là Lý, tất cả các pháp là Sự.
Trong Phật giáo, lý là tánh Không, Niết-bàn, Pháp thân, Như Lai tạng, Phật tánh, cái vô hạn, cái toàn thể, cái nền tảng của mọi sự. Mọi sự và chúng sanh từ đó xuất sanh, hiện hữu trong đó và tiêu tan trong đó. Lý là ba phương diện đã nói ở trước: tánh Không, quang minh, và như huyễn.
Lý là chân lý tuyệt đối và tối hậu.- Như các vị Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát thấy được.
3/.Lý Sự vô ngại pháp giới: thế giới của sự đồng nhất, dung thông, tương tức tương nhập. tương dung tương nhiếp giữa tánh và tướng, giữa Không và sắc, giữa bản thể và hiện tượng.
Lý Sự vô ngại pháp giới là sự hòa nhập, hợp nhất giữa sự và lý, giữa sắc và Không, giữa sanh tử và Niết-bàn. Điều này là đặc trưng của Đại thừa. Ngay khi phát Bồ-đề tâm là đã có sự hòa nhập ấy. “Nguyện đạt đến giác ngộ” nghĩa là nguyện đạt đến chân lý tuyệt đối là tánh Không. “Để cứu giúp tất cả chúng sanh” nghĩa là vẫn ở trong sanh tử, trong chân lý tương đối mà hoạt động.- Đây là Cảnh giới tu chứng của hàng Đệ Tử Phật.
4/. Sự Sự vô ngại pháp giới: thế giới của sự tương tức tương nhập tương dung tương nhiếp giữa sự vật và sự vật, giữa tướng và tướng, giữa hiện tượng và hiện tượng.
Sự sự vô ngại pháp giới. Khi đã thấu đạt cùng tận lý tánh Không và cùng tận bản tánh của sự tướng, Khi tâm thanh tịnh ở mức độ vi tế nhất, thì lý sự vô ngại trở thành sự sự vô ngại. Pháp giới sự sự vô ngại được thấy rõ ràng từ địa thứ tám trở lên.
Tại sao sự vô ngại, tương nhập tương nhiếp với sự? Vì sự hay sắc thanh hương vị xúc pháp là vô biên, không có biên bờ, và vô lượng, không có hạn lượng.
“Sắc là vô biên. Tại sao thế? Sắc tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc. Sắc thọ tưởng hành thức là rộng lớn. Tại sao thế? Sắc thọ tưởng hành thức tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc.
Vì sắc vô lượng nên Bát-nhã ba-la-mật vô lượng, vì sắc lượng bất khả đắc vậy. Như hư không lượng bất khả đắc, cũng vậy, sắc lượng bất khả đắc. Hư không vô lượng nên sắc vô lượng. Vì sắc vô lượng nên Bát-nhã ba-la-mật vô lượng.
Sắc vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật của Bồ-tát vô biên. Vì sao thế? Sắc tiền tế, hậu tế, trung tế đều bất khả đắc. Vì duyên tất cả các pháp vô biên nên Bát-nhã ba-la-mật vô biên”. (Đại Bát-nhã, phẩm Tán hoa).
Làm sao để thấy như vậy? Bằng tâm và mắt thanh tịnh mà kinh điển nói là “con mắt pháp thanh tịnh”. Tâm và mắt thanh tịnh đến đâu thì pháp giới Hoa Nghiêm hiện ra đến đó.
Để được tâm và mắt thanh tịnh, chúng ta thực hành tất cả pháp môn trong kinh Hoa Nghiêm, nghĩa là tất cả Phật pháp. Thực hành được nhiều pháp chừng nào càng tốt chừng ấy.
* Chữ “vô ngại” là một từ được nói đến nhiều trong kinh Hoa Nghiêm. Bốn pháp giới do Đại sư Đỗ Thuận (558-640), tổ sáng lập ra Hoa Nghiêm tông, nêu lên. Ba pháp giới đầu thường thấy trong các luận giải về các kinh Đại thừa, dù bằng những thuật ngữ khác. Đặc biệt, từ ‘pháp giới sự sự vô ngại’ là một sáng tạo đặc biệt của Đại sư Đỗ Thuận, nói lên cảnh giới tột bực và đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm.
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm xúc:
5

Không có nhận xét nào: