Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Vạn Pháp Quy Tâm

Vạn Pháp Quy Tâm

Vũ trụ vạn hữu hay nói một cách khác là mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong vũ trụ từ những vật vô tri như gỗ, đá, mưa, gió,… đến những vật hữu tri như chim cá, muôn thú và loài người,…

Những sự vật, hiện tượng có thể nhận biết bằng mắt thường như sấm chớp, băng tan, sự sinh trụ dị diệt của vạn vật,… cho đến những sự vật, hiện tượng không thể dùng mắt mà phân định được như không khí, chân không và các cõi vô hình,…
Chúng đều hiện diện trước ngôn ngữ mà loài người dùng để giao tiếp. Chúng có trước cả loài người. Thế nên trước khi loài người có sự hiểu biết và dùng tiếng nói giao tiếp thì chẳng có bất kì loài gì, vật gì có tên gọi.
Đến khi con người có chút hiểu biết, biết phân biệt so sánh thì loài người mới tiến hành đặt tên cho muôn vật. Sự phân định, đặt tên này ban đầu hoàn toàn là ngẫu nhiên và khách quan.
Bởi lẽ khi chưa có ngôn ngữ thì con vật nào cũng không có tên nên việc đặt cho con vật đó là con hổ hay con bò đều không có sự khác biệt. Việc đặt tên mọi vật vì thế rất lộn xộn, tùy tiện và trùng lập.
Về sau những người có hiểu biết nhận thấy sự rối rắm đó đã đề xuất ý kiến “Đưa ra những quy ước chung để đặt tên các sự vật, các giống loài,…”.
Việc làm đúng đắn, cần thiết này được loài người chấp nhận và tất cả các sự vật, hiện tượng mà con người nhận biết về sau đều có được tên gọi.
Ban đầu, việc đặt tên muôn vật rất khách quan. Lâu về sau, việc đặt tên có phần mang tính chủ quan nhằm chia nhóm các sự vật, hiện tượng, muôn loài và muôn vật,…
Qua những điều tôi trình bày ở trên cho thấy. Cùng với sự hiểu biết ngày càng cao, con người đã dùng tâm ý, ý thức phân biệt để đặt tên vạn vật có trong vũ trụ. Những việc làm đó của con người được gói gọn vào cụm từ “Vạn pháp quy tâm” - Vạn vật có trong vũ trụ nhờ tâm phân biệt và ngôn ngữ của con người mà thành hình và có tên gọi.
Như tôi đã từng khẳng định về sự hiện hữu của thế giới tâm linh tồn tại song hành với thế giới vật chất. Thế giới vật chất hữu hình thì bạn đã rõ biết, tôi chỉ trình bày thêm về thế giới tâm linh vô hình.
Tuy nhiên, muốn trình bày về thế giới vô hình thì tôi vẫn phải chia nhóm và đặt tên gọi cho từng nhóm. Tôi đã nói trước đó việc đặt tên về sau là do sự chủ quan của con người, hoặc dựa vào số đông, hoặc dựa vào việc đặt tên của người đi trước,…
Cõi giới vô hình lại không thể nhìn thấy được. Chúng chỉ do tâm ý mà sinh ra những rung cảm thăng hoa, vui tươi, sầu khổ, hoảng loạn, dè dặt, hạnh phúc, chán chường, nặng nề,…
Dựa vào những rung cảm khác nhau đó, những người có sự hiểu biết về thế giới vô hình mới phân định ra cõi Thiên đàng, cõi Địa ngục, cõi Ma quỷ,…
Tùy sự hiểu biết mà họ có những sự phân định khác nhau. Nhiều người đã dùng sự hiểu biết này trở thành giáo chủ những tôn giáo và thế hệ đi sau tiếp nối thế hệ đi trước xây dựng tôn giáo dựa trên giáo lý, kinh điển được truyền thừa.
Tuy nhiên, không phải vị giáo chủ nào cũng có sự hiểu biết rành rẽ về cõi vô hình nên giáo lý, kinh điển cũng có ít nhiều khiếm khuyết.
Thêm nữa, mãi về sau tư dục của con người khiến cho giáo lý, kinh điển càng thêm mai một, mất dần sự thật.
Phật Thích Ca ra đời. Trong quá trình tìm đạo, hành đạo, Người tham cứu, học hỏi phần lớn các giáo lý, kinh điển các tôn giáo khác nhau. Người không thể phân định được tôn giáo nào cao tột. Người cũng không quá quan tâm về sự phân chia đó vì lẽ người đang chú tâm đi tìm con đường xa lìa sự khổ cho loài người.
Đến ngày thành đạo, Phật nhìn rõ vạn pháp là hư huyễn, không thật có cũng không thật không, biến chuyển liên tục. Nhìn lại chính mình, Phật nhìn rõ xác thân này rồi cũng tàn hoại, sự vui buồn, được mất, hơn thua, cũng biến chuyển,… Phật nhận ra đó chỉ là ý, là vọng tâm lưu xuất ra từ bản tâm vắng lặng, tĩnh tại của người. Bởi vì Phật nhận biết Người đang dùng bản tâm vắng lặng để nhìn rõ sự luân chuyển của vạn pháp.
Khi nhận biết rõ sự lý vô thường của vạn pháp, của xác thân,… Phật không còn tham đắm, dính mắc và Người đạt được sự an lạc, tự tại và giải thoát.
Tuy nhiên, Người vẫn nhớ bi nguyện cứu khổ loài người và muôn vật. Người đã từng quán chiếu thế giới tâm linh vô hình và thế giới vạn hữu nhận ra sự luân chuyển lên xuống, qua lại của muôn loài.
Nhằm giúp con người dễ lĩnh hội, nắm bắt về sự hiểu biết, giác ngộ và sự giải thoát, Phật nhận biết Người cần có phương pháp truyền đạt hiệu quả.
Vì thế Phật đã gọi muôn vật - Những chủng loài có sự sống luân chuyển giữa hai phần hữu hình và vô hình với cùng cái tên chung là chúng sinh.
- Phần hữu hình, Phật chia ra hai nhóm gồm loài người và súc sinh.
- Phần vô hình, Phật dựa vào tâm thức rung cảm của những chúng sinh tồn tại trong phần vô hình chia ra làm bốn nẻo gồm Trời, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục.
Phật đã không áp đặt tính chủ quan vào việc phân chia 3 cõi vì lẽ Phật đã đạt bản tâm vắng lặng, tịch diệt, rõ biết vạn pháp đều là tướng hư vọng.
Việc dùng ngôn ngữ phân chia 3 cõi chỉ là phương tiện nhằm truyền đạt giáo lý về con đường giải thoát mầu nhiệm cho chúng sinh trong 6 nẻo được thuận tiện, hiệu quả.
Thế nên việc Phật chia thế giới vô hình và hữu hình ra làm 3 cõi 6 đường là tùy thuận vào nhận thức, sự hiểu biết của con người thời Phật tại thế - Vạn pháp quy tâm.

Chữ tâm trong vạn pháp quy tâm chứa hàm ý là tâm phân biệt của con người.




Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát nhã ba la mật đa tâm kinh là bài kinh cô động lại của bộ kinh bát nhã, lời kinh súc tích gãy gọn nhưng không vì thế mà giảm đi chân giá trị. Những ai hành trì miên mật bài kinh này, tự khắc trí tuệ khai mở. Khi cơ duyên đến, tùy nghi đại ngộ sẽ đạt sự giải thoát mầu nhiệm ngay trong hiện đời.
Tôi tự thẹn Hán văn ngu muội, không dám tranh hơn luận thắng với các bậc tôn trưởng, cao đức. Chỉ vì muốn lời kinh trở nên gần gũi hơn với người học Phật, tôi đành một phen mạo muội. Đắc tội!

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung. Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc, vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố. Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam muội tam bồ đề.
Cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Lời kinh như lời nhắn gửi của Đức Phật Thích Ca đến với người học Phật, y kinh hành trì miên mật sẽ mau chóng liễu thoát sinh tử.
Phật thuyết:
Khi ta quan sát một vị bồ tát đã đạt được sự tự tại giải thoát, ta sẽ nhận thấy vị này chuyên tâm hành trì bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy mà vị Bồ tát này nhận ra sắc thọ tưởng hành thức đều là tướng hư huyễn, không thật vì tất cả do duyên hợp. Do nhận biết lẽ thật đó mà vị Bồ tát vượt qua mọi khổ não, tai ách và phiền muộn.
Sắc do vật chất gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, đầu, cổ, tay chân, thân hình, máu huyết,… hợp thành. Thọ do cảm giác vui buồn, giận thương, yêu ghét,… hợp thành. Tưởng là những nhận thức nghĩ nhớ, ghi nhận, chuyện đã qua, việc hiện tại, tương lai,… hợp thành. Hành là tri giác, là những tâm ý dao động, lăn xăn, dừng nghĩ,… hợp thành. Thức là ý thức do tâm phân biệt, so sánh, đánh giá,… hợp thành. Bồ tát nhận thức rõ khi tách rời sắc thọ tưởng hành thức, và các phần nhỏ mắt tai, mũi lưỡi, vui buồn, nhớ nghĩ, sự lăn xăn tâm ý, ý thức so sánh,… thì sẽ không có ai là bồ tát và ngay cả khi hợp nhất chúng lại cũng không có vị bồ tát nào vì sắc thọ tưởng hành thức khi hợp lại vẫn không dừng lặng mà diễn ra quá trình sinh trụ dị diệt,... Chỉ có sự tự tại của chân tâm là thường còn. Vì thế vị Bồ tát không còn tham đắm dính mắc những tranh giành, hơn thua, được mất, thật giả,… nên không còn bị sự đau khổ, lo lắng bức hại.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết! Có thì không khác gì không, không thì không khác gì có. Có tức là không, không tức là có.
Vì lẽ thân xác người chết khi tan hoại vào đất thì thân người sẽ không còn mà con người thì phải chết. Nhưng khi còn sống, thân xác chưa tan hoại thì vẫn có thân người. Thế nên có thì đâu khác gì không, không đâu khác gì có và nói một cách khác thì có tức là không, không tức là có vì nó biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững mãi mãi.
Cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức cũng đều như thế.
Chúng cũng biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững. Ai có thể giữ mình vui hoặc buồn cả ngày; nhận thức, ý thức, tri giác của mỗi người cũng không dừng lặng được; việc đẹp xấu, những chuyện ngày mai, hôm qua,... chạy loạn trong đầu. Vì thế chúng cũng không khác gì không, cũng không khác gì có. Chúng cũng chính là không mà cũng chính là có.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết. Tất cả các pháp đều không phải tồn tại ở dạng có hay không, cũng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Tất cả các pháp đều không có hình tướng, không có cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, tư duy. Cũng không có cái gì gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi , thân, ý; Cũng không có gì là màu sắc, âm thanh, mùi hương, khẩu vị, sự xúc chạm và các sự vật, các pháp. Cũng không có cái bị thấy, không có cái bị nhận biết phân biệt. Không có sự hiểu biết không sáng rõ, cũng không có sự hiểu biết sáng rõ. Không có sự già chết cũng không có sự không già chết. Không có sự khổ, không có nguyên nhân gây ra sự khổ, không có dứt trừ sự khổ, cũng không có dứt khổ. Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Vì bởi rõ biết có tức là không, không tức là có. Khi người học Phật sống được với cái biết đó thì sẽ rõ biết vạn pháp - Mọi sự vật, hiện tượng đều không phải tồn tại ở dạng có hay không? Tất cả chỉ do duyên, đủ duyên thời nhận thấy rằng có nhưng khi duyên biến diệt không còn nữa thời nhận thấy là không. Thế nên người học Phật sẽ nhận biết vạn vật sẽ không có sinh diệt, không có dơ sạch, không có tăng giảm. Sở dĩ có sự sinh diệt, dơ sạch, tăng giảm là do tâm phân biệt của con người, do con người quan sát, đánh giá ở góc nhìn hạn hẹp chứ không đặt sự vật hiện tượng ở góc nhìn tổng thể khách quan. Cụ thể, khi ta nhìn một đống phân bò bên một gốc cây mận, ta sẽ thấy sự nhòm gớm, dơ bẩn. Sau một thời gian ta không thấy đống phân bò nữa và cây mận trước kia chưa có trái, bây giờ đã có nhiều trái chín mọng. Ta hái vài trái mận cho vào miệng ăn và nhận định cây mận có trái ngon ngọt, thanh mát. Vì không nhìn ở góc nhìn tổng thể nên ta vội quên cây mận tốt tươi, nhiều trái là do chuyển hóa đống phân bò gớm bẩn thành quả ngọt. Mọi vật trong cuộc sống cũng đều như vậy chúng không thể tự có mà nương nhờ các duyên, đủ duyên thì mới có thể sinh ra. Điều này đồng nghĩa với việc vạn pháp sẽ không có gì cả. Không hình tướng, cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác,… Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Nhiều người tham cứu, học hỏi Phật đến đây thì mê mờ lý sự. Vạn pháp đều là không thì có gì để tu học, không có pháp để đắc thì tu hành mà làm chi. Những người theo ngoại đạo chỉ trích Phật giáo chấp không cũng ở lý này. Vì không nhìn nhận, đánh giá ở góc nhìn tổng thể, khách quan nên chúng sinh 3 cõi 6 đường mê mờ, lầm lạc. Qua đoạn kinh văn này, bạn thấy vạn pháp là không nhưng ai là người nhận thấy vạn pháp là không? Đó là người tu học đạt quả vị Bồ tát. Vậy ra không phải vạn pháp hoàn toàn không mà còn có một vị Bồ tát tự tại. Bồ tát là ai? Bồ tát là người tự cứu mình thoát khổ và độ người thoát khổ. Vì lẽ con người tự nhận mình có thân, tham đắm thân sinh ra khổ. Hiểu lý lẽ đó vị Bồ tát đã hành thâm bát nhã ba la mật quán chiếu nhận rõ thân không thật, các pháp không thật để không còn dính mắc, nhằm xa lìa sự khổ. Cái mà vị Bồ tát cầu đắc chính là cái không có gì để đắc, là không có người để đắc - Vô sở đắc.
Khi đạt cái pháp không có gì để đạt, vị Bồ tát đã y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ hành trì miên mật, và đạt được tâm không lo lắng, tâm không sợ sệt, tâm không kinh hoảng, từ đó xa rời sự mộng tưởng điên đảo về Niết bàn - cõi thường lạc ngã tịnh. Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí huệ hành trì miên mật mà chứng ngộ được quả vị chánh đẳng, chánh giác.
Khi đạt được pháp không có gì đạt được, vị Bồ tát tiếp tục hành trì miên mật sáu phép ba la mật cho đến khi tâm không còn xao động, sợ sệt, lo lắng thì đạt được chánh định, đạt được chánh định rồi thì vị Bồ tát không còn động loạn, mong cầu về cõi Niết bàn thường lạc ngã tịnh nữa. Phật còn khẳng định “Cũng bằng việc hành trì liên tục, tùy thuận, không rời bỏ sáu pháp ba la mật mà chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, đắc quả vị Phật”.
Vì vậy người học Phật phải rõ biết hành trì sáu pháp ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận mọi lúc, mọi nơi thì đó chính là câu thần chú lớn nhất, là câu thần chú sáng rõ nhất, là câu thần chú cao tột nhất, là câu thần chú không có câu thần chú nào có thể so bì. Câu thần chú này sẽ có công năng diệt trừ hết mọi sự khổ nạn, tai ách. Đây là lời nói chân thật không có hư dối.
Ý từ của đoạn kinh văn rất rõ ràng, người học Phật phải tùy thuận, siêng năng hành trì sáu phép ba la mật thì sẽ đạt được sự tỏ ngộ và nhận ra đây là câu thần chú cao tột có công năng độ thoát con người ra khỏi mọi cảnh khổ. Người học Phật sẽ tự biết lời nói đó không chút hư vọng, là lời nói đúng thật.
Có thể trình bày Bát nhã ba la mật đa tâm kinh theo một cách khác, cách nói như sau:
Giải thoát giải thoát, giác ngộ giải thoát, giác ngộ sẽ được giải thoát. Đó là tự tánh bồ đề thường tại trong mỗi chúng sinh.
Cuối cùng, Phật lại thuyết có một cách đơn giản, ngắn gọn hơn để người học Phật trì bộ kinh chứa trí tuệ bát nhã ba la mật đa. Đó là:
Người học Phật sẽ tự giải thoát bằng sự hiểu biết cùng tột về sự giải thoát hoàn toàn - Sự hiểu biết về không có cái tôi thường tại trong mỗi chúng sinh, khi sống được với sự hiểu biết giải thoát thì sẽ được giải thoát hoàn toàn. Và đó chính là tự tánh bồ đề trong mỗi chúng sinh không bao giờ dứt mất.
Có lẽ phần trình bày về Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải chỉ được những người tu học quan tâm nhưng thôi bạn hãy kiên nhẫn xem hết vì lẽ việc đọc một đoạn sách sẽ không hại gì. Tôi sẽ tóm gọn toàn bộ quyển sách “Hãy là đường xưa mây trắng bay…” qua hàm ý ẩn chứa trong câu chú “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. Bồ đề tát bà ha”.
Trong Tam tạng kinh, Phật cũng chỉ trình bày một vấn đề duy nhất, đó chính là con đường của sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mà bất kỳ chúng sinh nào có hiểu biết, biết dừng lại, nhìn nhận và hành trì tùy thuận đều có thể đạt được.
Trong câu chú trên cũng không ngoài mục đích khuyên người tìm về nẻo sáng giác ngộ giải thoát.
Phật thuyết “Người học Phật hãy tự giải thoát bằng sự hiểu biết giải thoát”. Đó cũng là Phật tánh thường còn của mọi chúng sinh.
Nếu bạn hỏi:
- Tại sao phải tự giải thoát? Tôi có bị nhốt đâu? Ai nhốt tôi?
Tôi sẽ trả lời:
- Bạn đã tự nhốt bạn. Bạn nhốt mình trong xác thân giả tạm, luôn luôn tàn hoại. Bạn nhốt mình trong cái tôi điên đảo trôi lăn trong 6 đường.
Vì lẽ gì tôi biết điều đó?
Vì tôi bắt gặp bạn trong những lo toan, phiền muộn, khổ đau. Bạn tham đắm, u mê với tranh giành được mất. Bạn bước qua cuộc đời mình vội vã. Và ở tuổi xế chiều, bạn hụt hẫng, hoang mang. Bạn chỉ là nô lệ của cái xác thân vay mượn. Bạn chỉ thực sự là ông chủ khi hòa cái tôi nhỏ bé vào cái vô ngã viên dung của vũ trụ, của nhân loại. Ngay khi đó, bạn sẽ tự nhận biết những điều tôi nói là những lời chân thật. Bạn sẽ không còn khổ đau, không tham đắm, hoài nghi, si mê,… bạn chỉ giữ lại niềm an lạc, tự tại và sự giải thoát hoàn toàn khỏi thân tâm.
Để làm một ông chủ trong cuộc đời, bạn hãy tùy thuận hành trì sáu phép ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Việc làm thiết thực này sẽ giúp bạn sớm nhận ra con đường của sự hiểu biết giải thoát là thật có và khi đó đạo - đời chỉ là một mà thôi.

Bạn cũng không phải tìm sáu phép ba la mật ở đâu xa. Bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là sẵn có trong con người bạn. Bạn chỉ việc lấy chúng ra và tùy thuận sử dụng.




Người Học Phật Thấy Phật, Gặp Bồ Tát Do Nhân Gì?

Người Học Phật Thấy Phật, Gặp Bồ Tát Do Nhân Gì?

Có hai vấn đề mà người học Phật xưa nay đặc biệt quan tâm, quan tâm hơn cả việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn, đó là vấn đề ái dục và các cõi giới vô hình.
Vì sao?

Vì việc chứng ngộ giải thoát hoàn với người học Phật dường như là một điều viễn vông, không thực tế, khó kiểm chứng. Trên thực tế mỗi khi rơi vào bức ngặt, khốn cùng con người mới khởi ý đến việc thoát khổ, giải thoát hoàn toàn ngay lập tức. Tuy nhiên, khi mọi việc đau thương qua rồi thì con người sẽ dễ dàng quên đi ý tưởng giải thoát hoàn toàn, trong tâm khảm con người luôn muốn được sống, dẫu có khổ cũng được nhưng có vui, có buồn.

Vì lẽ đó người học Phật ngày nay ít người phát tâm giác ngộ giải thoát hoàn toàn, hay nói một cách khác việc luân hồi sinh tử chưa khiến người học Phật ngày nay chán ngán đến mức quyết liễu rời bỏ?
...
Còn việc sắc dục là chuyện gắn liền với người học Phật hàng ngày. Giới luật của đạo Phật được diễn giải nhiều lối, việc diễn giải giới luật ở những người mê luôn ẩn chứa nhiều cực đoan lẫn ngộ nhận dẫn đến lắm sự chống trái, điên đảo. Điều này không chỉ khiến người học Phật chơi vơi, mông lung trong đời sống vợ chồng mà cả người đời cũng phần nào nhận thấy sự bế tắc trong lối truyền thừa ở những người đảm nhận vai trò hoằng dương đạo Phật.

Nhiều người học Phật lâm vào tình cảnh nửa đời, nửa đạo đã rối ren trong đời sống vợ chồng, kết quả là dẫn đến việc gia đình ly tán, hôn nhân đổ vỡ...

Có người học Phật trót mang ý nguyện xuất gia học Phật nhằm thoát khổ, giải thoát hoàn toàn, họ phải xa lìa, trốn tránh ái dục trong khi lòng lại khắc khoải mong cầu được nếm trải trái cấm.
...
Cùng với những lý do khác ái dục, giới dâm luôn được người học Phật từ xưa đến nay đặc biệt quan tâm.

Ngược lại, các cõi giới vô hình, cõi Phật, cõi ma quỷ,... thường được rất nhiều người quan tâm ở khía cạnh hiếu kỳ, tò mò muốn được biết.

Người học Phật đặc biệt quan tâm đến thế giới vô hình là vì họ muốn biết thêm về một đề tài mà con người gần như không thể rõ biết. Và con người xưa nay luôn ngờ vực muốn biết có thật là người chết sẽ tồn tại ở các cõi giới vô hình hay chết là hết, chết là không còn gì nữa cả.
...
Các cõi giới vô hình vì sự muốn biết của con người mà tồn tại và đa thù theo tâm tưởng của loài người. Chính các hệ thống tôn giáo đã dựng nên các cõi giới vô hình với "thiên hình, vạn trạng" và loài người mê ngộ đã tùy tiện phân tầng cũng như đặt cho các cõi giới vô hình những cái tên.
...
Có một điều đáng lưu tâm ở đây là dù 3 cõi, 6 đường được trình bày có đến 4 nẻo vô hình - Nẻo Trời, Nẻo A Tu La, Nẻo Địa ngục, Nẻo Ngạ Quỷ nhưng đa phần chúng ta chỉ nghe thấy người học Phật gặp Ma, Quỷ, Phật và Bồ tát chứ ít khi nghe nói đến việc gặp các vị Trời, A Tu La hay chúng sinh nẻo Địa ngục. Và trên thực tế giáo lý đạo Phật không bao giờ xác nhận Phật, Bồ tát là một dạng chúng sinh thuộc nẻo giới vô hình.

Vậy người học Phật nói gặp Phật, gặp Bồ tát thì sẽ gặp ở đâu, chủng chúng sinh đó thuộc nẻo giới nào?

Đây là điều mà những người học Phật nói gặp Phật, Bồ tát cũng như những người được nghe kể về việc gặp Phật, Bồ tát đã chủ quan không lưu tâm và thiếu sự suy xét lại.

Ngạo Thuyết tin rằng rất nhiều người học Phật được nghe bạn đạo kể lại rằng họ đã gặp Phật, gặp ma. Một số người học Phật khác không chỉ được nghe kể mà chính họ từng gặp Phật, gặp Ma.

Về việc người học Phật gặp Phật, thấy ma cũng như những chuyện huyền bí tâm linh Ngạo Thuyết được nghe kể khá nhiều. Và chính Ngạo Thuyết cũng đã từng trải nghiệm việc tiếp xúc những chúng sinh thuộc nẻo giới vô hình.

Việc gặp ma quỷ, vong ảnh, linh hồn ở nẻo giới vô hình ở người học Phật cũng như người đời là điều bình thường vì những chúng sinh đó thuộc về cõi giới vô hình.

Tuy nhiên, việc gặp Phật, Bồ tát ở cõi giới vô hình thì lại không ổn, không đúng với giáo lý đạo Phật. Người học Phật phải nhận thức được rành rõ một điều là Phật, Bồ tát không phải là hồn ma, bóng quế hay nói cách khác dễ nắm bắt và dịu giọng hơn thì cả Phật, Bồ tát chưa bao giờ là chủng chúng sinh thuộc cõi giới vô hình.

Vậy nên bất kì ai xác quyết rằng đã gặp Phật, thấy Bồ tát ở cõi vô hình thì câu chuyện đó sẽ rơi vào hai trường hợp. Một là người đó đang khoác lác, tự lừa mình, dối người; Hai là người này đã ngộ nhận việc gặp Phật, Bồ tát ở cõi giới vô hình. Họ gặp ma tưởng mà ngỡ rằng gặp Phật.
...
Cách đây nhiều tháng có một vị học Phật tự nhận mình là hành giả đã kể rằng một khoảng thời gian xa xưa trước kia anh ta thọ trì pháp môn niệm Phật A Di Đà, anh ta rất siêng năng niệm Phật và có một ngày anh ta thấy Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và một vị Phật khác mà anh ta không biết tên cùng với đông đảo các vị Bồ tát hiện thân đi quanh anh ta vào thời điểm buổi trưa. Tiếp đến, anh ta kể tên rất nhiều vị Bồ tát, trong đó có Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Chuẩn Đề (Thực ra Bồ Tát Quan Thế Âm và Chuẩn Đề tương truyền vốn dĩ chỉ là một vị). Và Ngạo Thuyết không rõ bằng cách nào mà anh ta nhận ra danh hiệu các vị Phật, Bồ tát; Lẽ nào các vị Phật, Bồ tát có đeo bảng tên.

Tuy nhiên, anh ta khẳng định việc gặp Phật, Bồ tát là sự thật sở dĩ anh ta kể cho mọi người nghe không phải vì cậy thế, khoe tài mà vì muốn sách tấn người học Phật Tịnh Độ Tông về sự linh ứng của việc niệm Phật. Trước đây, Ngạo Thuyết đã từng chất vấn anh ta nên được biết anh ta đã không còn tu theo pháp môn niệm Phật mà đã nhảy sang tu Thiền, tu Mật; Anh ta còn thể hiện rằng anh ta đã từng thực hành Thiền Luân Xa và có những sự chứng đắc nhất định.
...
Với vị hành giả này thì Ngạo Thuyết không đánh giá cao tất cả những điều mà anh ta diễn nói, cách thể hiện của anh ta cho thấy rằng anh ta bị loạn tưởng nhập tâm, những câu chuyện anh ta kể xuất phát từ Tâm Ma mà ra, gốc bệnh của anh ta có lẽ do sự mong cầu chứng ngộ, đắc đạo thần thông và việc hám danh.
...
Nhân chuyến Hành Trình Đi Để Mà Đi Ngạo Thuyết có gặp một người bạn ở miền trung, người bạn này kể rằng khi tìm về đạo Phật và có những nỗ lực hành trì người bạn này đã từng chứng nghiệm trạng thái hỷ lạc trong khoảng thời gian một tuần lễ, một trạng thái khinh an, thơi thới vi diệu. Tiếp đến anh ta đã nảy sinh vọng tưởng dùng dục để "thử thách", song ở trạng thái thơi thới đó, sắc dục không khiến anh động lòng. Sau đó, trạng thái hỷ lạc đó mất đi và anh ta mãi vẫn không thể tìm lại.
...
Cuộc trò chuyện lại được tiếp tục với nhiều đề mục, trong đó có cả những vấn đề về cõi vô hình, người bạn này nói đã từng gặp Phật A Di Đa, Phật Thích Ca. Ngạo Thuyết vấn hỏi làm sao nhận biết đấy là Phật, biết đâu là ma hóa hiện ra; Người bạn nói dựa vào trường khí, tiếp xúc với họ người bạn cảm nhận được trường năng lượng ấm áp, từ ái và an tịnh.

Ngạo Thuyết nói với đại ý về phần Phật A Di Đà khoan hãy nói đến nhưng ông bạn cũng nên ghi nhận Phật A Di Đà hay tất cả vị Phật cũng như Bồ tát có trong kinh Phật vốn không có nơi đời thật, người học Phật chỉ biết đến họ thông qua kinh Phật được mặc định là những lời do Phật Thích Ca thuyết.

Về phần Phật Thích Ca thì chúng ta đều biết Phật Thích Ca đã nhập niết bàn tịch diệt, vậy anh bạn liệu có cơ may gặp được Phật Thích Ca không, có thể gặp ở đâu? Trong giấc chiêm bao chăng? Bởi lẽ nếu người học Phật có thể gặp Phật Thích Ca thì đâu thể nói Phật đã nhập niết bàn tịch diệt.

Người bạn ấy liền hỏi vậy việc gặp Phật của anh ta là do nguyên nhân gì, anh ta không mong cầu gặp Phật? Không chỉ vậy, anh ta còn gặp Bác Hồ ở vai trò là một vị Bồ tát. Tại sao lại xảy ra những cuộc gặp gỡ như thế?
...
Do người bạn này những năm gần đây có tham cứu Thiền Tông nên Ngạo Thuyết đã "tranh thủ" ôn lại bài. Lời rằng "Môn sinh Thiền Tông xưa nay luôn phải thuộc nằm lòng câu "Gặp Phật, giết Phật; Gặp ma, giết Ma" để phá Ma cảnh khi tham thiền". Vì thế mọi cảnh giới mà hành giả học Phật chứng nghiệm đều là huyễn cảnh, chúng được dựng lên do tâm tưởng, đều là ma tưởng công tâm do đó các vị Thầy Tổ Thiền Tông đã bi mẫn cảnh tỉnh môn đồ "Chớ thấy ma mà loạn, chớ thấy Phật mà mê nên "khắc cốt, ghi tâm" rằng "Mọi cảnh giới chứng nghiệm đều là hư vọng, chớ lầm nhận mà sa vào việc đắc thất, ngộ nhận sự chứng ngộ, đạt đạo".

Người bạn lại nói "Thế việc gặp Bác Hồ giảng dạy pháp Phật thì sao?", cá nhân tôi nhận biết thì đây không phải là một giấc mơ. Ngạo Thuyết đáp "Cũng chỉ là Ma cảnh lưu xuất từ tâm, thêm nữa Bác Hồ vốn dĩ là tín đồ của duy vật biện chứng, thượng tôn chủ nghĩa vô thần, Bác Hồ dạy bảo pháp Phật thật sự là điều hư vọng.

(Thời gian gần đây có một số người có thể là "Thấy người sang bắt quàng làm họ" nên đã mở ý núp bóng Bác Hồ để chiêu mộ tín đồ mà ra sức biện giải Bác Hồ từng quy y Tam Bảo, có rất nhiều năm tháng sống ở các ngôi chùa. Chỉ bằng vào những điều đó mà "đặt để" Bác Hồ là tín đồ đạo Phật là không thỏa đáng vì thực tế đã chứng minh Đảng cộng sản Việt Nam thượng tôn chủ nghĩa duy vật vô thần, đã từng triệt hạ chủ nghĩa duy tâm cũng như các hệ thống tôn giáo, bao gồm đạo Phật một cách cực đoan, không khoan nhượng ngay cả khi Bác Hồ là đương kim chủ tịch của nước Việt Nam).
...
Người bạn đó thừa nhận rằng "Đúng là tôi không thể nghĩ ra được việc Bác Hồ chỉ dạy Phật pháp là vì lẽ gì? Thật kỳ lạ!". "Nhưng cũng như cảm giác gặp Phật ngày trước, những sự việc đó xảy ra rất tự nhiên, rất xác thực hoàn toàn không phải là việc tôi ngủ mơ. Trước đó tôi cũng không trông mong gặp Bác Hồ, gặp Phật". Và tôi cũng được nghe nhiều người học Phật kể rằng họ gặp Phật, Bồ tát; Họ cũng cảm nhận việc gặp Phật, Bồ tát của họ rất rõ ràng, đáng tin cậy".

Sau cùng, người bạn đấy hỏi Ngạo Thuyết do nguyên nhân nào mà nhiều người học Phật chứng nghiệm việc gặp Phật, Bồ tát?

Câu trả lời của Ngạo Thuyết là "Trí tưởng sinh tâm bệnh".

Người bạn phản vấn những người gặp Phật, Bồ tát đâu phải ai cũng mong gặp Phật, gặp Bồ tát nên nói họ mong cầu mà bị tâm ma mê hoặc là có sự gượng ép, thiếu khách quan.
....
Ngạo Thuyết tiếp tục trình bày, nói về Tưởng - Thức của con người thì thật là không dễ nhận biết được hết. Ở phương diện thực tại ta không nghĩ ngợi, không mong cầu gì không đồng nghĩa với việc ta không có chút mảy may mong ước nào, không phải là tịch diệt như thể "Tro tàn, lửa tắt, nguội lạnh tuyệt đối. Bản thân A Lại Da Thức, Tàng Thức vẫn thường vận hành vi tế, kín kẽ ngoài tầm nhận thức của mỗi người".

Ngày nay, rất nhiều người học Phật quan tâm đến các cõi giới vô hình, tìm đọc các dạng thiền bệnh như tham cứu 50 hiện tượng ấm ma ở Kinh Thủ Lăng Nghiêm hoặc việc lắng nghe chuyện ma quỷ, chuyện gặp Phật, Bồ tát,... Có người lắng nghe rồi ghi nhận, chứa giữ; Có người nghe rồi ngỡ từ tai nọ sang tai kia và trôi tuột đi... Nhưng kì thực là tàng thức không hề buông, không hề xóa sạch những thông tin tiếp nhận. Không chỉ vậy tàng thức còn lưu xuất ra những cảnh gặp Phật, thấy Bồ tát về sau, sở dĩ phát sinh những việc gặp Phật, gặp Bồ tát là vì tâm thức mỗi người học Phật luôn có những mong muốn tăng tiến tâm linh, chứng ngộ pháp Phật. Khi tâm chứa vọng tùy thời mà cảnh sẽ hiện ra. Sự kín kẽ, vi tế của tàng thức đã khiến rất nhiều người học Phật ngộ nhận việc chứng ngộ. Do cả nghĩ về sự chứng đắc nhiều người học Phật trải qua ma cảnh gặp Phật liền trở nên cống cao, ngã mạn đinh ninh khai thị dẫn dắt, chỉ bày những người học Phật sơ cơ. Kết quả là một người mù dẫn đường cho một đoàn người có bệnh về mắt.
...
Ngạo Thuyết khẳng định lại rằng các cõi giới vô hình có tồn tại nhưng việc gặp Phật, Bồ tát ở người học Phật là điều không thể xảy ra vì Phật, Bồ tát không trụ ở các cõi giới vô hình.

Việc gặp Phật, Bồ tát ở người học Phật chỉ do sự dính mắc thô tế nơi tâm thức học nhân, là tâm vọng của hành giả. Nói nôm na thì những cuộc gặp gỡ ấy chỉ là Ma cảnh, người học Phật đừng kỳ vọng vào việc gặp Phật, Bồ tát là sự tăng tiến tâm linh, trừ phi "Gặp Phật, giết Phật; Gặp Ma, diệt Ma" thì may ra người học Phật mới trưởng thành hơn đôi chút.

Và Ma cảnh gặp Phật, Bồ tát có thể do nội tâm hành nhân lưu xuất hoặc có thể do ngoại ma dò được vọng tâm của người học Phật mà bày trò đa đoan.

Nói tóm lại, việc gặp Phật, Bồ tát ở loài người xưa nay đều do nguyên nhân mê vọng.



Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Rất nhiều người tìm đến đạo Phật ngày nay có xu hướng tìm cầu một pháp hành ngõ hầu mau chóng chứng ngộ. Mong muốn này của người học Phật là hợp lẽ song lại vấp lỗi "Theo ngọn, bỏ gốc", chính vì lẽ đó mà việc chứng ngộ ở người học Phật ngày càng trở nên xa vời.

Có câu "Lý thông, sự đầy" nhưng người học Phật ngày nay phần nhiều lại chú trọng pháp hành - phần sự mà xem nhẹ phần lý - việc hiểu đúng chánh pháp mà Phật Thích Ca trao truyền tức việc trau dồi, hàm thụ chánh tri kiến Phật.

Lẽ ra người học Phật phải xác định được rằng chỉ khi có được chánh tri kiến Phật - Chánh Trí thì người học Phật mới có được pháp hành tương hợp và từng bước dự vào hàng Bất thoái chuyển. Tiếc thay do mê lầm nơi lý nên sự - pháp hành nơi người học Phật mãi mông lung dù trải qua biết bao kiếp mộng ảo luân hồi.

Người học Phật đúng mực nhất thiết phải tin nhân quả, tin vào sự thường tiếp nối của quy luật luân hồi sinh tử. Lĩnh hội được nhân quả luân hồi người học Phật sẽ biết rằng không phải mãi đến tận kiếp hiện tại mới biết đến pháp Phật mà thực ra người học Phật đã học pháp Phật trải qua rất nhiều kiếp.

Và trong ngần ấy kiếp luân hồi người học Phật đã lẩn quẩn xuôi ngược qua lại giữa các pháp môn được định danh là Thiền - Tịnh - Mật, Bắc Tông - Nam Tông và cả các pháp tu thuộc về những tôn giáo khác.

Sở dĩ người học Phật có sự quẩn quanh ngược xuôi như thế cũng vì bởi không thỏa mãn pháp hành đã thọ trì, cứu cánh chứng ngộ không chạm đến nên hành nhân vẫn mãi là kẻ đi tìm theo dọc chiều dài của tháng năm.

Vì sao người học Phật vẫn cứ mãi hoài như thế?

Vì vô minh ở người học Phật ngày càng thêm chất chồng theo tháng năm. Khối sở tri chướng nơi người học Phật ngày càng sâu dày dẫn đến vô minh chồng lấp vô minh.
...
Người học Phật ngày nay có xu hướng chú trọng phần hành với "Hãy tu Đi! Hãy hành Đi!" nhưng vấn hỏi cụ thể "Tu pháp tu gì, hành pháp hành gì để thành Phật" thì tất cả đều ngọng nghịu gượng nói sự thù thắng ở pháp môn mà họ nương tựa, điển hình như niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, khán thoại đầu, trì Mật chú,... hoặc gượng gạo lập ngôn "Tự đầy đủ; Tự thắp đuốc mà đi",... Những lời nói tựa như đúng rồi đó tiếc thay chỉ dựa trên "Y kinh giải nghĩa", kết quả là "Oan uổng pháp hành mà Phật đã ra sức trao truyền".

Bây giờ chúng ta hãy xét lại xem Giác Giả Thích Ca đã làm gì để giúp 5 anh em Kiều Trần Như tìm về chánh pháp?

Phải chăng Phật Thích Ca chỉ dẫn 5 anh em Kiều Trần Như những pháp hành đại loại như giữ giới, niệm Phật, trì chú, Tham thiền,... không?

Thực tế là Giác Giả Thích Ca không vội chỉ dẫn pháp hành mà là thông qua phần giáo Phật giúp 5 anh em Kiều Trần Như xô đổ tri kiến mê lầm tức việc xé toạc bức màn vô minh. Tứ diệu đế, Bát chánh đạo là phần giáo lý được Phật diễn nói nhằm giúp 5 anh em Kiều Trần Như ngộ nhập tri kiến Phật, khi chánh trí lưu xuất học nhân tức 5 anh em Kiều Trần Như lúc bấy giờ sẽ y giáo phụng hành. Điều này có nghĩa là pháp hành phải dựa trên nền tảng giáo lý chứ không có pháp hành tách rời giáo lý mà thành tựu Phật đạo.

Ngạo Thuyết muốn mọi người lưu tâm một cách rất rõ ràng là bức màn vô minh ở người học Phật phải cần được tháo gỡ trước khi người học Phật "sống chết" với pháp hành. Hay nói một cách khác là pháp hành đầu tiên mà người học Phật phải thành tựu đó chính là việc tháo gỡ được sự vô minh nơi tri kiến, những pháp hành về sau chỉ có giá trị góp phần chứng nghiệm lại phần giáo lý Phật pháp mà người học Phật đã thu thập được.

@ Sự Khác Biệt Giữa Giác Giả Thích Ca và Người Học Phật:
.
Giác Giả Thích Ca là người giác ngộ ra sự giải thoát hoàn toàn còn người học Phật đúng Phật pháp chỉ là người chứng ngộ lại sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Phật là người tiên phong, là người khai mở con đường giải thoát hoàn toàn và những người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn về sau chỉ là người tiếp thu, lĩnh hội, hằng sống với sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn mà Phật Thích Ca truyền thừa. Kết quả cuối cùng cho cả Phật Thích Ca và người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn là liễu thoát sinh tử, đoạn dứt luân hồi.
...
Khi 5 anh em Kiều Trần Như tiếp thu và tin nhận chánh tri kiến được Phật truyền thừa, Phật Thích Ca sẽ tùy thời điểm hóa chỉ dẫn họ việc thiền quán tương ưng với tri kiến ngõ hầu chuyển hóa, lĩnh hội hoàn toàn và sống đúng với con đường mang lại việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.
...
Vậy nên vấn đề của người học Phật ngày nay không phải là ở pháp hành nào mang lại sự chứng ngộ giải thoát. Vấn đề ở người học Phật ngày nay chính là việc phá vỡ bức màn vô minh - sở tri kiến nơi mỗi người học Phật.

Khi bức màn vô minh ở người học Phật bị xé toạc thì bất kỳ pháp hành nào kể cả pháp tu của ngoại đạo vẫn hoàn toàn có thể mang lại cho người học Phật việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn bởi lẽ khi chánh trí phát sinh thì mọi tà kiến đều sẽ tùy thời rơi rụng.
...
@ Bức màn vô minh ở người học Phật ngày nay là gì?

Sẽ có nhiều người học Phật cho rằng vô minh chính là sự hiểu biết sai lạc của chúng sinh nơi 3 cõi. Và Phật đã chỉ ra sự vô minh của con người thông qua giáo lý Tứ Diệu Đế. Bài toán vô minh Phật Thích Ca đã giảng giải xong cách đây hơn 2550 rồi, Ngạo Thuyết đâu cần phải lăn tăn diễn nghĩa vô minh làm chi nữa, đấy chỉ là việc "trên đầu gắn thêm đầu, trên mỏ gắn thêm mỏ", càng ra sức làm càng thêm phần dị hợm, bày ra chỗ ngu lâu nơi tự thân mà thôi.
...
Đúng vậy. Hơn 2550 trước Phật Thích Ca đã thuyết kinh Chuyển Pháp Luân diễn nói Tứ Diệu Đế để phá mê cho loài người. Nội dung Tứ Diệu Đế diễn nói về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Cách diệt Khổ và Dứt Khổ. Rất nhiều người học Phật biết đến Tứ Diệu Đế nhưng họ vẫn không thể thoát khổ, phần nhiều vẫn đang loay hoay kiếm tìm một pháp hành ngõ hầu chứng ngộ giải thoát hoàn toàn. Điều này phải chăng Tứ Diệu Đế mà Phật Thích Ca từng trao truyền không giúp được người học Phật đột phá bức màn vô minh ngày nay?

Hay người học Phật ngày nay đã không coi trọng, không "đặt để" giáo lý "Tứ Diệu Đế" đúng chỗ khi học Phật và hành đạo?
...
Có một điều chúng ta cần phải nhìn nhận, thừa nhận và công nhận, đó là người đời và người học đạo xưa tri thức đơn thuần, tâm hồn chất phác, tinh khôi hơn con người ngày nay. Chính sự đơn thuần, trong sáng đó giúp người học Phật thuở xa xưa dễ dàng thâm nhập chánh trí, chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Khi tiếp nhận giáo lý Tứ Diệu Đế người học Phật đa văn xưa sẽ được học hỏi mở rộng thành "Tâm vô thường, Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Pháp vô ngã". Tất cả sau rốt sẽ gói gọn vào hai từ Vô Ngã.

Nếu gặp người chậm lụt thì Phật và những vị cao đồ - đệ tử sẽ chỉ họ cách Quán Thân bất tịnh, Quán Tâm vô thường, Quán Thọ thị khổ, Quán Pháp vô ngã. Tùy chỗ gút mắc ở học nhân mà người thấy pháp chỉ bày pháp quán tương hợp.

Pháp hành ở người học Phật xưa sơ khởi chỉ là việc thiền định và thiền quán với những phép quán chiếu giản đơn. Với những pháp hành đó người học Phật xưa sẽ từng bước phát sinh chánh trí tiến đến việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Ngay thời Phật Thích Ca tại thế do cách trở địa lý cũng như việc hạn chế các phương tiện truyền thông và khả năng ghi nhận, lưu trữ lời Phật thuyết mà người học Phật thời bấy giờ không dễ dàng biết hết tất cả những gì Phật Thích Ca đã từng thuyết giảng.

Vì thế nên một khi người học đạo có niềm tin đối với đạo Phật và hữu duyên gặp Phật hoặc các vị đệ tử lớn của Phật liền học hỏi pháp yếu, nghiêm cẩn thọ trì. Cơ duyên chứng ngộ của họ quả thật là không hề ít, do bởi tấm màn vô minh nơi họ hãy còn mỏng mảnh, tâm phân biệt dính mắc nơi họ không quá nặng nề, đa đoan.
...
Ngược lại, với tri kiến loài người không ngừng nâng cao theo chiều hướng phát triển đa diện, phần nhiều việc phát triển sự hiểu biết của loài người xưa nay đều dựa trên lòng tham; Bên cạnh đó, kinh sách Phật học trải qua rất nhiều đời đã bị "Tam sao, Thất bản", xen tạp giáo lý ngoại đạo cũng như việc "Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan" ở người chưa ngộ khiến người học Phật ngày nay khó thể tiếp cận giáo lý chánh pháp Phật môn chân thật, đúng pháp.
...
Việc minh sư thiếu khuyết, bậc Long tượng nơi đạo Phật bặt dấu càng khiến cho giáo lý đạo Phật thêm phần hỗn độn, nhiễu nhương, tạp loạn. Người học Phật sơ cơ đến với đạo Phật mau chóng ngổn ngang trăm mối tơ vò đa phần ngộ nhận giá trị chân thật của đạo Phật, rơi vào sự vô minh chồng lấp vô minh.
...
Trong khi người học Phật xưa rất khó khăn để tìm được một vị thầy Tăng bảo hay thỉnh được một bộ kinh để thọ trì thì người học Phật ngày nay dễ dàng tiếp cận hà sa sư thầy Tăng bảo, dễ dàng trở thành một pho Tam Tạng kinh sống. Nhưng đáng tiếc là những pho Tam Tạng kinh sống đấy biết cả pho Tam Tạng kinh nhưng lại không thể tự biết mình.

Việc học Phật trên lý ở những người học Phật không giúp họ thông suốt Phật đạo, phát sinh chánh trí. Từ đó, người học Phật bắt đầu với việc "đuổi hình, bắt bóng", tìm cầu pháp hành bằng việc xuôi ngược quanh các pháp môn Phật học. Nhưng chánh trí nơi người học Phật không phát sinh, bức màn vô minh nơi người học Phật không được tháo gỡ đã dẫn đến mọi pháp hành kiếm tìm được đều trở nên hư vọng, từng bước trở thành những pháp tà, kết quả là người học Phật ngày nay vẫn mãi mông lung trong chính mớ tri kiến đồ sộ hỗn độn của tự thân.

@ Bức màn vô minh nơi người học Phật ngày nay có những gì?

Đó là kho tàng tri kiến Phật học bất liễu nghĩa đã được người học Phật huân tập rất nhiều đời với khi mờ, lúc tỏ. Và cả một kho tri thức đồ sộ của nhân loại không ngừng cập nhật, canh tân với muôn vàn sự lầm lạc duy ngã.

Tư tưởng chủ đạo của mỗi thời đại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với người học Phật ngày nay. Cụ thể là bước vào kỷ nguyên khoa học phát triển và chủ nghĩa duy vật biện chứng lên ngôi con người thời hiện đại bị chi phối bởi luận thuyết "Chết là Hết", con người sẽ chìm đắm trong chủ thuyết đó và người học Phật cũng không ngoại lệ.

Việc đột phá tri kiến mê lầm "Chết Là Hết" của giới khoa học và các nhà duy vật biện chứng ở người học Phật ngày nay quả thật là một điều không hề dễ dàng; Ở các nước theo đường lối cộng sản Bôn sê vích, tôn thờ chủ nghĩa vô thần, các vấn đề tâm linh bị quy chụp thành việc mê tín dị đoan thì việc xé rào vô minh nơi người học Phật càng thêm phần nhiêu khê, việc phải len lén xé rào.

Nếu việc tham cứu kinh sách Phật học cũng như giáo lý các tôn giáo khác người học Phật thoát ra khỏi tri kiến mê lầm - Chết Là Hết thì người học Phật ngày nay dễ thường lại chìm đắm vào bức màn vô minh thứ hai - Bức màn vô minh mê tín dị đoan của Thần giáo, của tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống lâu đời.

Giáo lý sáng rõ của chánh pháp giác ngộ giải thoát trải qua hơn 2550 năm thăng trầm đã bị diễn giải sai lạc, người học Phật chưa ngộ đã năng thuyết, bất năng hành, đã cầm đèn chạy trước ô tô, điều này càng khiến người học Phật ngày nay khó tiếp cận chánh trí Như Lai.

Tóm lại, người học Phật ngày nay muốn thông đạt pháp Phật, muốn y tựa pháp hành ngõ hầu chứng ngộ nhất thiết phải phá vỡ khối vô minh đang chứa giữ nơi mỗi người.

Vùng miền lãnh thổ và cả giới tính luôn ẩn chứa những điều vô minh mà người học Phật cần phải phá vỡ.

Việc mê huyền, đắm diệu, chứa giữ thần thông, huyễn thuật là sản phẩm của duy ngã. Việc học Phật là học và thọ trì vô ngã nên người học Phật khá nên nhìn nhận, gạn lọc các pháp chủ về duy ngã hoang đường ngõ hầu có sự tinh tấn trên con đường giác ngộ giải thoát.



Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Tông Chỉ Phái Lâm Tế

 

Tông Chỉ Phái Lâm Tế

Việt dịch:  Thích Đồng Tiến - Thích Chúc Hiền
Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu dạy chúng rằng: 
Bậc thánh xưa nói: Một câu có đủ Tam huyền[1], trong mỗi Huyền cần đầy đủ Tam yếu. Thế nào là câu Tam huyền, Tam yếu? Hãy mau chóng lãnh hội, mỗi mỗi tự suy ngẫm đã được thỏa ñaùng hay chưa? Các bậc cổ đức đi hành cước[2], khi nghe một nhân duyên[3] mà chưa tỏ ngộ thì ăn không ngon, ngủ không yên, khẩn cấp giải quyết. Đâu thể cho là việc nhỏ? Vì thế Đức Phật xuất hiện ở thế gian là vì một Đại sự nhân duyên[4]. Xét ra những bậc cổ đức từ xưa đến nay, hành cước không phải để du sơn, ngoạn thủy; không phải để ngắm những cảnh xa hoa ở đô thị; không phải vì miếng cơm, manh áo mà đều vì chưa tỏ ngộ tâm Thánh. Sở dĩ họ dong ruổi hành cước là vì giải quyết những chỗ sâu kín, xiển dương giáo pháp, thưa hỏi bậc tiền bối, gần gũi bậc cao đức; vì giữ gìn đèn Phật tâm, nối tiếp giống Phật tổ, hưng thịnh giòng Thánh, tiếp dẫn người sau, tự lợi lợi người mà không quên hành nghi của chư tổ. Như ngày nay có ai thương lượng chăng? Nếu có, hãy bước ra cùng đại chúng thương lượng!
Vị tăng hỏi: Thế nào là câu tiếp dẫn người sơ cơ?
Đáp: Ông là vị tăng hành cước.
Lại hỏi: Thế nào là câu phân biệt nạp tăng?
Đáp: Mặt trời mọc ở hướng tây vào giờ mão.
Hỏi tiếp: Thế nào là câu Chính lệnh hành[5]?
Đáp: Nghìn dặm mang đến để trình mặt mũi xưa nay.
Hỏi: Thế nào là câu thành lập trời đất?
Đáp: Lúa Bắc-cu-lô châu, người ăn thì không giận cũng không vui.
Sư nói: Chỉ đem bốn chuyển ngữ[6] này mà nghiệm nạp tăng trong thiên hạ. Cho nên, vừa thấy ông đưa ra thì đã biết rồi.
Tăng hỏi: Thế nào là chỗ dụng công của người học?
Đáp: Gia Châu đánh pho tượng lớn.
Hỏi: Thế nào là chỗ chuyển thân của người học?
Đáp: Thiểm Phủ tắm trâu sắt.
Hỏi: Thế nào là chỗ thân thiết của người học?
Đáp: Tây Hà vờn sư tử.
Sư nói: Nếu người nào lãnh hội ba câu này thì đã phân biệt được Tam huyền. Lại còn có Tam yếu, cần phải biết rõ, không nên bỏ qua. Sư tụng kệ:
Tam huyền Tam yếu thật khó phân
Được ý quên lời đạo dễ gần
Một câu thấu suốt trùm vạn tượng
Tiết trùng dương[7]đến cúc tươi nhuần.
Lãnh hội chăng? Nếu lãnh hội được thì không phải là nạp tăng nóng tính. Còn về nhân duyên Tam huyền, Ông lãnh hội được chăng? Chỉ cần lãnh hội được ý chỉ của người xưa thì tự tâm sáng tỏ, lại được biến thông cùng khắp, tự tại thọ dụng vô cùng, đó gọi là tự thọ dụng thân Phật, không cần người khác dạy mà cũng biết kế sống nhà mình[8]. Do đó ngài Nam Tuyền nói: “Vương lão sư[9] hơn 80 tuổi mới hiểu kế sống”
Tăng hỏi tiếp: Người xưa 80 tuổi mới hiểu kế sống, nhưng chưa biết tạo kế sống gì?
Đáp: Hai con trâu đực, hai sừng không cong.
Lại nói: Nếu muốn tỏ ngộ việc này, chỉ cần đạt chỉ thú Tam huyền, lúc ấy thọ dụng tự tại, nhà mình khóai lạc, sung sướng một đời. Bậc đại trượng phu chớ tự cô phụ, gặp việc không thông, không ích lợi gì cho người. Ta nói cho ông và mọi người nghe:
Huyền thứ nhất:
Pháp giới rộng vô biên,
Sum la và vạn tượng
Đều hiện đủ trong gương.
Huyền thứ hai:
Thích-ca hỏi A-nan,
A-nan theo việc đáp,
Bình bát thể vuông tròn.
Huyền thứ ba:
Chỉ hiện trước vua xưa,
Ngoài tứ cú bách phi[10],
Lư Thị [11]hỏi Phong Can[12].
Sư nói: “Đây là bài tụng về Tam huyền. Còn thế nào là ý thú Tam huyền? Dầu cho ông phân biệt rõ ràng đi nữa, cùng chỉ hiểu một cách sai lầm, không căn cứ. Ta từng gần gũi hòa thượng và đã nghe dạy: “Ví như dùng lời hư dối, lừa gạt người khác, có ngày ăn gậy sắt, chớ bảo rằng ta không nói trước”.
Lại nhân việc hái hoa cúc, Sư bảo chúng rằng: “Hoa vàng khắp đất, nhụy ngọc rợp trời, mặt trời trên không, càn khôn sáng rực, mây giăng làm mưa, lộ kết thành sương, không làm tổn vật, hại nghĩa. Thử nói một câu được không? Nếu nói không được, tức trong mắt có bụi, cần phải lấy ra mới được.” Do đó, ngài Phong Huyệt nói: “ Nếu lập một trần, đất nước hưng thịnh, kẻ quê mùa lo buồn. Không lập một trần, đất nước suy vong, kẻ quê mùa an vui”.
Ngay đây tỏ ngộ thì xà-lê không có phần, toàn là phần của lão tăng. Ngay đây mà tỏ ngộ thì lão tăng chính là xà-lê. Lão tăng với xà-lê cũng có thể khai ngộ người trong thiên hạ, cũng có thể che mắt người trong thiên hạ. Ông muốn biết lão tăng và xà-lê ở đâu chăng? Sư vỗ đùi nói rằng: “Đây là Xà-lê! Đây là lão tăng”. Lại hỏi các Thượng tọa: “Lão tăng và xà-lê giống hay khác. Nếu nói giống thì thượng tọa tự là thượng tọa, lão tăng tự là lão tăng. Nếu nói là khác, thì lão tăng chính là xà-lê”. Nếu ngay đây mà hiểu được thì trong một câu có Tam huyền, Tam yếu, Chủ khách rõ ràng, việc bình sinh giải quyết xong, hoàn tất việc tham cứu. Cho nên, Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Xương tan thịt nát cũng đền, thấu rõ được một câu, vượt tất cả”.
Lại nói hai vị Thủ tọa ở hai nhà tăng, một hôm gặp nhau cùng hét. Vị Tăng hỏi Lâm Tế: “Có chủ, có khách không?” Đáp: “Chủ khách rõ ràng”. Sư làm kệ rằng:
Hai vị Thủ tọa đều tác gia
Trong đây đạo lý có phân ra.
Chủ khách rõ ràng như gương sáng
Tông sư mắt nhặm thấy không hoa[13].
Cư sĩ Vô Tận nói với tôi rằng: “Phần Dương[14] là đích tôn năm đời của Lâm Tế, người học trong thiên hạ đều tôn sùng, xem đề cương thì rất sâu rộng, nhưng chỉ bàn về Tam huyền, Tam yếu. Ngày nay pháp phái này đều cho Tam huyền, Tam yếu là lời lập ra cho một giai đoạn, không có ích cho đạo, nhưng đối với các pháp không sinh dị kiến. Tất cả bình thường, chính là hợp ý tổ xưa nay. Lời ấy đúng chăng?” Tôi nói: “Cư sĩ nghe lời ấy, rõ ràng đã thấu hiểu, sao lại nghi ngờ cương yếu Phần Dương?”
Cư sĩ lại nói: “Tôi vẫn còn nghi mà chưa giải quyết được”.
Tôi bảo: “Đó chính là lý do lập ra Tam huyền Tam yếu. Nói trong một câu có đủ Tam huyền, trong một huyền có đủ Tam yếu. Có Huyền có Yếu chính là pháp tràng thanh lương tịch diệt ở trong biển nhiệt não của tất cả chúng sinh. Dựng pháp tràng này thì như bôi chất độc lên trống rồi đánh thì những người nghe đều chết; người ở xa thì chết sau. Nếu như người không bị nghiệp hoạnh tử[15] thì dù nghe cũng không chết. Lâm Tế lúc còn tại thế, các vị Hưng Hóa Tôn Tưởng, Tam Thánh Huệ Nhiên, Bảo Thọ, thượng tọa Định vừa nghe liền chết. Sau hơn trăm năm có người nghe ngộ ý chỉ ấy, tức là người chết sau. Nhưng các pháp phái cho rằng không ích gì cho đạo, là nói người không bị hoạnh tử. Tông phong của Tổ như vách cao vạn trượng, con cháu sợ, nên thích đi con đường bằng phẳng bình dị. Đó là Phật pháp suy đồi. Như sĩ đại phu tự xưng là học trò của Khổng Tử mà chê phần Hệ từ[16] của kinh Dịch thì đứa bé ba tuổi sẽ cười cho! Lâm Tế chỉ nói trong một câu đủ Tam huyền, trong một Huyền đủ Tam yếu, có Huyền có Yếu mà thôi. Ban đầu thì chưa thấy được Huyền trong câu, Huyền trong ý, Huyền trong thể, nên Tháp chủ lầm lẫn ba câu của Huyền Sa là Tam huyền. Nên chỉ phân Tam huyền mà bỏ sót Tam yếu. Trong tùng lâm [17]vẫn để như thế mà không cho là sai, thật đáng buồn! Huyền Sa nói: “Chơn thường lưu chú là pháp bình đẳng, chỉ là dùng lời bác lời, dùng lý đuổi lý. Vì vậy, rõ trước mà không rõ sau. Bởi lượng phần chứng Pháp thân chưa có câu siêu việt, nên chết dưới câu ấy. Nếu như biết lượng siêu việt thì không bị tâm ma sai sử, nắm chắc trong tay, xoay chuyển tự tại. Đó gọi là thông đại đạo, vượt ra ngoài cái thấy bình thường. Đây là câu thứ nhất, người xưa gọi đó là Huyền trong câu. “Xoay cơ chuyển vị, sinh sát tự tại, nắm buông tự nhiên, vào sinh ra tử, làm lợi ích cho tất cả mọi người, thoát xa cảnh sắc dục, ái kiến”. Đây là câu thứ hai, xưa gọi đó là Huyền trong ý. Rõ suốt được trời đất, trùm khắp pháp giới. Một thể tánh chơn thường diệu dụng hiện tiền, ứng hóa không cùng, toàn dụng mà toàn chẳng dụng, toàn sinh mà toàn chẳng sinh, tạm gọi là cửa Từ định[18]”. Đây là câu thứ ba, người xưa gọi là Huyền trong thể.
Phù Sơn Viễn công cũng nói: “Huyền trong ý chẳng phải là ý của ý thức”. Người xưa thật không đáng nói, Viễn Công cũng còn mê lầm. Tôi không thể không trình bày, cư sĩ Vô Tận gật đầu đồng ý.
Cư sĩ nói: “Có lần tôi thấy sư từ biệt chúng nói rằng: ‘Tăng đất Ngô tên Giản Trình có đại tri kiến; Chân Điểm Hung[19] đích thân thấy được Từ Minh; Dương Kỳ và Đạo Ngô khi tiếp người, phần nhiều đều nêu Thập trí đồng chơn’. Xin được nghe thuyết này!”.
Tôi nói: “Thập trí đồng chơn và Tam huyền, Tam yếu đồng một yếu chỉ”. Ngài Phần Dương nói: “Người thuyết pháp cần đầy đủ Thập trí đồng chân. Nếu không đầy đủ thì không phân biệt được tà chính, không rõ được Thánh phàm, không thể làm con mắt cho trời người để quyết đoán đúng sai, giống như con chim làm sao có thể bay lên bầu trời khi bị gãy cánh; tên làm sao có thể bắn trúng đích khi cung bị đứt dây? Dây chắc, cánh khỏe thì bầu trời và đích đều thấu suốt. Thế nào là Thập trí đồng chân? Ta nêu ra cho các thượng tọa[20] biết: một là Đồng nhất chất trí, hai là Đồng đại sự trí, ba là Tổng đồng tham trí, bốn là Đồng chân trí trí, năm là Đồng biến phổ trí, sáu là Đồng cụ túc trí, bảy là Đồng đắc thất trí, tám là Đồng sinh sát trí, chín là Đồng âm hống trí, mười là Đồng đắc nhập trí”. Lại nói: “ Đồng đắc nhập với ai? Đồng âm hống với người nào? Thế nào là Đồng sinh sát? Vật gì Đồng đắc thất? Cái gì Đồng cụ túc? Cái gì là Đồng biến phổ? Người nào Đồng chân trí? Ai có thể Tổng đồng tham? Cái gì Đồng đại sự? Vật nào Đồng nhất chất?”. Có ai nêu ra được không? Nếu nêu ra được thì ta không tiếc tâm từ bi. Nếu như không nêu ra được thì các ông chưa có con mắt tham học, cần mau chóng đạt được, phải biết đúng sai, thấy được mặt mũi hiện tại.”
Ngày nay, hầu hết các tùng lâm đều sợ pháp môn này, không muốn nghe. Vì sao phải nói đến? Chư phương[21] chỉ thích những kiến giải bình thường, chấp chặt vào đó, không chịu buông, chỉ muốn truyền trao mà không tin có liễu ngộ. Giá như ngài Phần Dương sống lại, đích thân phân tích thì họ cũng cho là sai. Thuở xưa, ngài A-nan kinh hành vào ban đêm, nghe đồng tử tụng bài kệ:
Nếu người sống trăm tuổi
Không thấy được con hạc
Chẳng bằng sống một ngày
Mà được thấy con hạc.
A-nan liền dạy đồng tử nên đọc là: Thấy rõ Phật pháp chớ chẳng phải thấy được con hạc. Đồng tử trở về thưa với thầy của mình. Thầy cười và nói: “A-nan già nên lú lẫn rồi, con phải xem lời ta là đúng”. Nói chỉ thú Tam huyền, Thập trí cho người học bây giờ thì khác gì việc này?
Khi ấy, cư sĩ Vô Tận than rằng: “Như vậy, chỉ thú này há chẳng phải là phương tiện sao?”. Ta liền làm kệ:
Thập trí đồng chân toàn diện mục
Trong đó nhất trí là cội nguồn
Nếu như thấy được Phần Dương lão
Bổ tách Tam huyền trở thành hai.
Lại hỏi: “Bốn tân chủ[22] cũng là pháp môn do Lâm Tế kiến lập ư?”
Tôi đáp: “Đó là phương tiện mà chư Phật trong ba đời và các tổ sư đã dùng để dẹp bỏ những tình kiến[23]phàm thánh, chẳng phải chỉ riêng Lâm Tế sử dụng, như ngài Long Sơn Bản diện kiến Mã Tổ. Một hôm, Thiền sư Động Sơn Lương Giới cùng đi du phương với Mật Sư Bá. Một hôm đi ngang qua Long Sơn ở Trường Sa, thấy suối khe, cây cỏ um tùm , Giới quay lại nhìn núi non chập chùng xanh thẳm, rồi nói với Mật rằng: “Trong đây chắc chắn có ẩn sĩ”, liền men theo suối, đi khoảng mười dặm thì gặp một vị tăng gầy ốm, chắp tay trước trán hỏi: “Nơi đây không có đường, các vị từ đâu đến?”.
Giới nói: Hãy gác lại việc không có đường, Am chủ từ đâu vào?
Đáp: Ta chưa hề du phương.
Giới hỏi: Am chủ ở đây bao lâu rồi?
Đáp: Không can hệ đến ngày tháng.
Giới tiếp: Am chủ trụ ở đây trước hay núi này trụ trước?
Đáp: Không biết.
Giới gạn lại: Vì sao không biết?
Đáp: Ta chẳng từng từ cõi trời người lại.
Giới hỏi: Được đạo lý gì mà trụ núi này?
Đáp: Ta thấy hai con trâu đất chọi nhau rồi chìm xuống biển[24], mãi đến ngày nay không có tin tức.
Mật Sư Bá và Lương Giới đầy đủ oai nghi lễ bái rồi hỏi: Thế nào là khách trong chủ?
Đáp: Núi xanh mây trắng phủ
Lại hỏi: Thế nào là chủ trong chủ?
Đáp: Lâu năm không ra khỏi cửa.
Hỏi tiếp: Chủ khách xa nhau bao lâu?
Đáp: Sóng trên dòng Trường giang.
Lại hỏi: Chủ khách gặp nhau có lời gì?
Đáp: Ban ngày gió mát thổi.
Giới đảnh lễ xin y chỉ. Lão tăng cười và nói:
Xưa nay an trú mái ba gian
Một đạo thần quang[25] muôn cảnh nhàn
Chớ đem thị phi cùng ta nói
Thế gian đàm luận chẳng tương quan.
Ngay đó, Am chủ đốt am rồi đi vào trong núi sâu. Về sau Lương Giới trụ ở núi này.
Giới hỏi vị tăng: Ai là chủ nhân ông của ngươi?
Đáp: Người đang trả lời đó!
Giới ngửa mặt than thở: “Đây gọi là việc của kẻ tôi tớ, vì sao nhận là chính mình? Đây là điềm Phật pháp suy vi. Chủ trong khách còn chưa rõ, huống gì chủ trong chủ?”
Tăng hỏi: Thế nào là chủ trong chủ?
Giới nói: Ngươi tự nói xem!
Đáp: Nói được tức là chủ trong khách. Thế nào là chủ trong chủ?
Giới im lặng một lúc[26] rồi nói: “Không ngại nói cho ngươi nghe, nhưng giữ cho tương tục cũng rất khó. Ta xem ý lão tăng Long Sơn như Tiêu Hà [27]hiểu Hàn Tín[28], há có pháp ư?” Nhưng lập luận của Giới công như sự lập triều của Hoắc Quang[29], đi đứng cũng có phép tắc. Than ôi! Người sau nhất định không hiểu hết ý người xưa, còn Giới cũng để chủ trong chủ ở trong lòng, thì thật đáng nghi!
Tôi từng đến Lâm Xuyên kết giao với Chu Thế Anh. Một hôm trưởng lão Thượng Lam đến nói với Thế Anh rằng: “Giác Phạm[30] nổi tiếng làm thơ, Nhưng Thiền thì thầy ông ấy vẫn còn sai lầm, huống gì đệ tử?”.
Thế Anh cười, nói: “Sư có thể nghiệm xét việc đó chăng?”
Thượng Lam đáp: Ừ.
Cả hai ở lại một ngày rồi cùng nhau đến Sơ Sơn[31], dùng cơm ở khách xá. Thượng Lam lấy tay vẽ lên bàn và nói với tôi rằng: “Trên gáy kinh nhất định ghi chữ dĩ (以), là nghĩa gì?”. Tôi liền vẽ một vòng tròn và gạch ngang rồi nói: “Là nghĩa này”. Thượng Lam ngạc nhiên. Tôi làm bài kệ:
_ Chữ dĩ (以) không thành, bát (八) cũng sai [32]
Pháp thân say ngủ, chẳng che ngăn
Nạp tăng đối diện tên không biết
Trăm người trước mắt gọi chẳng hay.
Thượng Lam trở về thuật lại cho Thế Anh, Thế Anh vỗ tay nói: “Ai là thi tăng[33] cũng có thể biết nghĩa của từ ngữ ư ?”. Nhân đó cùng nhau xem bài kệ “ Làm con nghé” của Phần Dương:
Đầu có, sừng không, thật buồn thay!
Trăm năm khó tránh tác gia[34] này
Phàm thánh cũng không sao biết hết
Hiện tiền tướng mạo có mảy may.
Tôi nói với Thế Anh rằng: “Kệ này là giải thích tự nghĩa[35]”.
Thế Anh hỏi tôi: “Kinh Hoa nghiêm chép: “Vị tiên Tì-mục nắm tay Thiện Tài, lập tức Thiện Tài tự thấy thân mình trụ trong thế giới nhiều như số vi trần của mười cõi Phật, rồi đến chỗ chư Phật nhiều như số vi trần của mười cõi Phật, thấy cõi Phật và chúng hội ở đó, các Đức Phật có đủ tướng tốt trang nghiêm, như vậy trải qua số kiếp nhiều như vi trần của trăm nghìn ức bất khả thuyết cõi Phật. Đến khi vị tiên buông tay ra thì Thiện Tài lập tức thấy thân mình trở về chỗ cũ”. Ý nghĩa đoạn này giải thích thế nào?”
Tôi đáp: “Đều là biểu tượng. Vừa mới nắm tay tức là lúc nhập vào phép quán, thấy mình và người không cách nhau mảy may, trước sau không lìa đương niệm. Khi buông tay tức là lúc xuất định. Ngài Vĩnh Minh nói: “Cho nên biết, chẳng động bản vị mà các cõi xa gần rõ ràng. Một niệm chẳng rời mà thời gian dài ngắn đã xác thực”. Vì Thế Tôn lấy hoa sen làm thí dụ nên thế gian chẳng có ai biết, chỉ ta nhận biết: Khi hoa mới nở, trong đó đã có hạt, trong hạt đã có tim sen, trong nhân có quả, trong quả có nhân, ba đời đồng thời, hạt phân tán nhưng lại có thứ lớp, liên tục không gián đoạn, mười phương không cách nhau”.
Lại hỏi: Kinh Pháp hoa chép: “Trước Đại chúng, Thế Tôn hiển hiện đại thần lực, xuất tướng lưỡi rộng dài lên đến cõi trời Phạm”, thật khó hiểu! Nhưng có người giải thích rằng: “Âm thinh Phật vi diệu, mọi nơi đều nghe, siêu việt thánh phàm thì tướng lưỡi của Phật rộng dài lên đến cõi trời Phạm Thế”. Lời giải thích này như thế nào ?
Ta đáp: “Đây là hiểu trên ngôn ngữ, chẳng phải là ý của Thế Tôn”. Ngài Quy Sơn nói: “Ý phàm thánh bặt, thể lộ chân thường[36]; lý sự chẳng hai, tức như như[37] Phật”. Người học không thể hiểu ý vị sâu xa lời nói này, tạm chấp nhận theo suy đoán mà thôi. Thí như người mù sờ voi, tùy bộ phận được chạm biết mà cho là voi, cho nên đối với họ, con voi chỉ là đuôi, là chân, là lưng, là ngà mà toàn bộ con voi đã bị ẩn đi. Kinh Bát-nhã ghi: “Vì không hai, không hai phần, không sai biệt, không đoạn tức là chân thường, chẳng phải là chân thường của một vật lặng lẽ siêu việt, không biến hoại”. Tướng lưỡi rộng dài đến cõi trời Phạm, đâu có thể dùng ý thức biết được? Ngài Huyền Tráng đến Tây Trúc gặp luận sư Giới Hiền, lúc đó Giới Hiền đã 106 tuổi, được mọi người kính ngưỡng tôn là Chính Pháp Tạng. Ngài Huyền Tráng cung kính làm lễ, đến bên luận sư, luận sư mời ngồi, rồi hỏi: “Từ đâu đến?” Đáp: “Từ Trung Quốc đến, muốn học các bộ luận như Du-già v.v”.... Lúc đó luận sư rơi lệ gọi đệ tử là Giác Hiền đến và hỏi: “Cơn mộng trước đây của ta như thế nào?”
Vị đệ tử nói với ngài Huyền Tráng rằng: “Ba năm trước, hòa thượng bị cơn bịnh hiểm nghèo, đau đớn như người lấy dao rạch bụng. Hòa thượng định tuyệt thực đến chết. Đêm đó, hòa thượng nằm mộng thấy một người nam, thân màu vàng đến bảo rằng: “Ông chớ chán tấm thân mà xưa ông từng yêu quý. Trước đây, ông thường hại mạng vật, phải nên ăn năn, tự sát có ích gì? Có vị tăng Trung Quốc đến đây học Phật pháp, đang trên đường đi, ba năm nữa sẽ đến, hãy truyền thọ pháp Phật để vị ấy truyền bá thì tội ông tự diệt. Ta là Mạn-thù-thất-lợi, cố ý đến báo cho ông rõ”. Hòa thượng bị bịnh đã ba năm, nay thầy đã đến, mộng trước thật có linh ứng”.
Tôi sống ở đời đã trải qua nhiều gian khổ, đó là do nghiệp xưa vậy. Nay biết rằng nghe lời dạy của ngài Mạn-thù-thất-lợi đem pháp trao cho người thì tội tự diệt. Cho nên, mục đích soạn cuốn Phật tổ chỉ quyết là muốn giúp cho người diệt trừ nghiệp chướng đời trước của mình, chứ chẳng phải cầu việc khác.


Chú thích:
[1] Tam huyền, Tam yếu: ba huyền môn và ba yếu tố dùng để tiếp dẫn người học của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, nhằm kích thích hành giả phát khởi nghi tình.
Tam huyền là:
a. Thể trung huyền: câu nói hoàn toàn không trau chuốt, là câu nói được biểu hiện y cứ vào chân tướng và đạo lý của tất cả sự vật.
b. Cú trung huyền: lời nói chân thật, không dính dáng đến tình thức phân biệt, tức không câu nệ nơi lời nói mà ngộ được chỗ huyền áo của nó.
c. Huyền trung huyền (Dụng trung huyền): câu nói huyền diệu, lìa tất cả những sự trói buộc, đối đãi về luận lý và ngữ cú.
Tam yếu là: trong lời nói không có phân biệt tạo tác, nghìn thánh vào chỗ huyền áo, đường ngôn ngữ dứt. (Theo TĐPHHQ, tập 5, tr. 4111).
[2] Hành cước: còn gọi là du phương, du hành, vân thủy. Nghĩa là tăng lữ không có chỗ ở nhất định, hoặc vì tìm kiếm danh sư hoặc vì tự mình tu trì, hoặc vì giáo hóa kẻ khác, mà đi chu du bốn phương. tăng du phương gọi là hành cước tăng. (Theo TĐTTHV, tr. 269).
[3] Nhân duyên: có hai nghĩa:
a. Thiền tông cho cơ ngữ hoặc hành vi động tác thị cơ, ứng cơ là nhân duyên, ý nghĩa giống như công án.
b. Giáo môn cho rằng những tư tưởng ngôn hạnh có thể dẫn đến quả báo là nhân duyên, tức là nhân trong nhân quả báo ứng. (Theo TĐTTHV, tr. 507).
[4] Đại sự nhân duyên: cảm ứng một việc lớn. Tam tạng pháp số ghi: “Nhất tức là nhất thật tướng, vì thể tính của nhất thật tướng rộng lớn nên gọi là “đại”; nghi thức mà Như Lai xuất thế độ sinh gọi là “sự”. Chúng sinh vốn có nhất thật tướng này mà khéo thành cơ cảm Phật, nên gọi là “nhân”. Như Lai đã chứng nhất thật tướng này mà khởi ứng độ sinh nên gọi là “duyên”. Tất cả Như Lai xuất hiện ở đời đều vì khai thị thật tướng vốn có của chúng sinh, khiến tất cả được ngộ nhập tri kiến Phật. Lìa việc này thì chẳng phải là bản hoài xuất thế của Như Lai. Một việc lớn (Nhất đại sự), chỉ việc chuyển mê khai ngộ”. Luận theo các kinh thì đại sự trong kinh Pháp hoa là tri kiến Phật, kinh Niết-bàn là Phật tính, kinh Vô Lượng Thọ là vãng sinh Cực lạc. Phẩm Phương tiện, kinh Pháp hoa, ghi: “Chư Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời ” (Theo TĐPHHQ, tập 2, tr. 1307).
[5] Chính lệnh hành: đạo Phật tổ lưu hành ở đời. Tắc 63, Bích nham lục (Đại 48, 194 hạ) ghi: “Lấy một câu chính lệnh đương hành, thập phương tọa đoạn để chỉ cho ngoài việc đánh hét chẳng lập một pháp nào khác mới là tông chỉ Giáo ngoại biệt truyền”. (Theo TĐTTHV, tr. 103).
[6] Tứ chuyển ngữ: lời lẽ sắc bén tự tại tùy cơ nghi chuyển biến. Khi người học Thiền còn mờ mịt chưa liễu ngộ, trong lúc tiến thoái lưỡng nan thì thiền sư liền xoay chuyển cơ phong, hạ chuyển ngữ, để cho người học khai ngộ. (TheoTĐPHHQ, tập 1, tr. 989).
[7] Tiết trùng dương nhằm ngày 9 tháng 9.
[8] Kế sống (hoạt kế):
a. Nghề nghiệp mưu sinh, công việc. Trong các trước tác Thiền tông, phần nhiều dùng từ này để dụ cho thiền pháp hoặc hành vi cơ dụng. Mật am ngữ lục ghi: “Vuông tròn không dùng đến cơ mưu, dài vắn chớ đem nói nín tìm. Một chiếc búa cũng là nghề nghiệp chân chính, suy nghĩ chi làm phí thời gian”.
b. Công cụ, gia sản sinh sống. Chương Khuông Ngộ thiền sư trong CĐTĐL q.17 ghi: “Hỏi: Thế nào là đóng cửa tạo xe? Sư đáp: Gia sản không có gì cả”. (Theo TĐTTHV, tr. 298).
[9] Vương lão sư: thiền sư Phổ Nguyện ở Nam Tuyền Trì Châu, họ Vương, thừa pháp ngài Mã Tổ , hoằng đạo ở Nam Tuyền, thường được xưng là Vương lão sư. (Theo PHĐTĐ của Đinh Phúc Bảo).
[10] Tứ cú bách phi: bốn câu và trăm phủ định thường dùng trong Phật giáo. Bốn câu: hữu, vô, vừa hữu vừa vô, chẳng phải hữu chẳng phải vô”; hoặc chỉ cho bốn câu: khẳng định, phủ định, một phần khẳng định một phần phủ định, cả hai đều phủ định; để làm hình thức phán đoán các luận nghị. Trong Thiền tông cũng thường chỉ cho Tứ liệu giản của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền: 1. Đoạt nhân bất đoạt cảnh. 2. Đoạt cảnh bất đoạt nhân. 3. Nhân cảnh câu đoạt. 4. Nhân cảnh câu bất đoạt. Ngoài ra, Duy-ma Kinh Huyền Sớ cho rằng có hơn 10 thuyết khác nhau về Tứ cú.
Bách phi chỉ cho sự phủ định hoàn toàn, như kinh Đại Bát niết-bàn 21 (Bản Bắc) nói niết-bàn của Như Lai là: phi hữu, phi vô, phi hữu vi, phi vô vi, phi hữu lậu, phi vô lậu, cho đến phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại....., cho nên biết tứ cú bách phi đều là những khái niệm giả danh được thiết lập y cứ vào lập trường của tất cả sự phán đoán và luận nghị, nhưng tông chỉ cứu cánh của Phật giáo là vượt ngoài những khái niệm giả danh này và đạt đến cảnh giới dứt bặt nói năng, suy nghĩ. Cho nên trong Thiền lâm lưu truyền rộng rãi danh ngôn “Ly tứ cú tuyệt bách phi”. Thiền tông có rất nhiều công án về tứ cú bách phi, là kim chỉ nam cho người tham thiền học đạo. (Theo TĐPHHQ, tập 5, tr. 4721).
[11] Lư Thị: tức ông Lư Khâu Dận.
[12] Phong Can: thiền sư Trung Quốc, sống vào đời Đường, không rõ năm sinh và mất. Ban đầu, Sư trụ chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai, ngày giã gạo, đêm ngâm vịnh, lời nói không nhất định, phần nhiều giống như những lời dự ký. Nếu có người hỏi thì Sư đáp hai chữ “tùy thời”, chứ không nói gì khác. Khoảng năm 712-713, Sư hành hóa đến Kinh Triệu (Trường An), trị bệnh cho Lư Khâu Dẫn. (Theo TĐPHHQ, tập 4, tr. 3703).
[13] Không hoa: hoa đốm trong hư không. Trong hư không không có hoa, nhưng vì người mắt bệnh nhặm nên vọng thấy có hoa đốm huyễn hiện. Phật thường dùng từ ngữ này để dụ cho cảnh giới vốn không thật thể, vì hiểu biết sai lầm nên thấy có một cái ngã thường trụ, hoặc có thật thể, gọi là không hoa. (Theo TĐPHHQ, tập 3, tr. 2312).
[14] Phần Dương: ngài Thiện Chiêu, thiền sư Trung Quốc, dòng Lâm Tế, đời Tống, họ Du, người ở Thái Nguyên (nay là tỉnh Sơn Tây). Thuở nhỏ Sư thông minh, tự nhiên thông hiểu văn tự. Mười bốn tuổi cha mẹ qua đời, Sư xuất gia, thọ giới Cụ túc, đi tham phỏng 71 vị thạc đức tôn túc, đến Thủ Sơn ở Nhữ Châu tham phỏng thiền sư Tỉnh Niệm được đại ngộ và được nối pháp. Sau, Sư đến Hành Tương, Tương Miện, quan Quận thủ mời Sư về trụ trì các chùa nổi tiếng, nhưng Sư không nhận. Khi ngài Tỉnh Niệm thị tịch, Sư mới nhận lời thỉnh của tăng tục ở Tây Hà đến trụ viện Thái Tử ở Phần Dương, giảng rộng về tông yếu, dùng các cơ dụng như tam cú, tứ cú, tam quyết, thập bát xướng... để tiếp hóa người học, nổi tiếng một thời. Ba mươi năm, Sư không ra khỏi cửa, tăng tục gọi ngài là Phần Dương. Sư thị tịch năm 1024 đời Tống, hưởng thọ 78 tuổi. Thụy hiệu là Vô Đức Thiền Sư. (Theo TĐPHHQ, tập 6, tr. 5547).
[15] Hoạnh tử: chết bất ngờ do găp tai họa. Có chín thứ: bệnh mà không có thầy thuốc phải chết, bị luật vua xử tử, phi nhân đoạt tinh khí, lửa cháy, nước nhận chìm, ác thú ăn thịt, té từ cao xuống, bị thuốc độc, bùa chú trù ếm, đói khát. (Theo TĐPHHQ, tập 2, tr. 1905).
[16] Hệ từ: Kinh Dịch có 7 loại: Thoán, tượng, văn ngôn, hệ từ, thuyết quái, tự quái, tạp quái. Thoán, tượng, hệ từ, mỗi loại chia ra 2 thiên. Như vậy có 10 thiên. Người đời Hán gọi là Thập dực (Theo Ngữ Văn Hán Nôm tập hai, Ngũ Kinh, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, tr 507).
[17] Tùng lâm: giới Phật giáo, tự vịên, thiền tự, từ mà chư tăng dùng để gọi các thiền sư. (Theo TĐTTHV, tr. 906).
[18] Từ định: ở trong thiền định, khi hành giả muốn chúng sinh được an lạc thì trong tâm số pháp sinh định, gọi là từ định. (Theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn).
[19] Chân Điểm Hung: tức thiền sư Thúy Nham Khả Chân. Sư đắc pháp nơi Thạch Sương Sở Viên.
[20] Thượng tọa: trưởng lão, thượng lạp, thủ tọa, trụ vị. Vị tăng hay vị ni có tuổi hạ cao và ở địa vị trên, một trong tam cang. Kinh Tì-ni-mẫu 6 y cứ vào tuổi hạ cao. (TĐPHHQ, tập 6, trg 5730).
[21] Chư phương: thiền sư ở các nơi hoặc chỉ cho thiền viện. (Theo TĐTTHV, tr. 110).
[22] Tứ tân chủ: bốn câu này để đo lường cơ phong, tiếp dẫn người học của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Trong đó, tân là vị khách đến tham vấn, chủ là vị thầy. Tứ tân chủ gồm có:
a- Tân khán chủ: người khách xem xét thấy rõ ông chủ, như tiếng hét của người học chân chính là đưa ra cái chậu đựng keo. Thiện tri thức chẳng biết là cảnh bèn dính mắc cảnh đó mà làm dáng làm điệu, liền bị người học hét thêm tiếng nữa, thiện tri thức chẳng chịu buông xuống. Ấy là bệnh tuyệt vọng chẳng thể trị.
b- Chủ khán tân: người chủ nhìn tường tận được khách, như thiện tri thức chẳng đưa ra vật gì, tùy chỗ hỏi của người học liền đoạt, người học bị đoạt thà chết chẳng chịu buông.
c- Chủ khán chủ: người chủ nhìn lại mình, như có người học đưa một cảnh thanh tịnh ra trước mắt thiện tri thức, thiện tri thức biết là cảnh, liền quăng vào hầm sâu. Người học nói: “Tốt lắm thiện tri thức”. Thiện tri thức liền nói: “Ngốc thay! Chẳng biết tốt xấu”. Người học bèn lễ bái.
d- Tân khán tân: người khách nhìn rõ về họ, như có người học bị còng tay còng cổ ra trước mắt thiện tri thức. Thiện tri thức lại còng thêm một lớp, người học hoan hỷ, hai bên đều chẳng biết. (Theo TĐTTHV, tr. 923).
[23] Tình kiến: tục tình vọng kiến. Bích nham lục q.1 ghi: “Tuyết Đậu sợ người ta chạy theo tình kiến. Vì thế rút hẳn chốt cửa, bày kiến giải của mình, nói: “Thôi nhớ nhau, gió mát khắp nơi bao giờ ngưng”. (Theo TĐTTHV, tr. 814).
[24] Nê ngưu nhập hải: con trâu đất chìm xuống biển. Dụ cho mất dấu vết, không tin tức; có nghĩa là một đi không trở lại. Nê ngưu (trâu đất) dụ cho tác dụng suy tư phân biệt. Hải (biển): pháp tính bình đẳng. Thiền tông dùng cụm từ này để chỉ cảnh giới của người khai ngộ, vọng tình hòa tan vào chân tâm. (Theo TĐTTHV, tr. 475).
[25] Nhất đạo thần quang: một luồng ánh sáng thần diệu, tức ánh sáng sẵn có của chính mình, là tâm sáng suốt linh diệu không mờ mịt. Tắc 31, Thung dung lục (Đại 48, 248 thượng) ghi: “Một luồng ánh sáng thần diệu, từ trước đến nay chẳng hề che giấu”. (Theo TĐTTHV, tr. 814).
[26] Lương cửu: lặng lẽ hoặc thản nhiên một hồi. Nguyên ý là thời gian hơi lâu. Thiền tông dùng từ này chỉ cho trạng thái vô ngôn vô ngữ. Lúc vị thầy tiếp dẫn người học, người học đưa ra nghi vấn, hoặc trình bày kiến giải của mình, hoặc trả lời câu hỏi của thầy, thầy thường dùng thái độ lặng lẽ một hồi để biểu thị sự đồng ý hoặc phản đối. (Theo TĐTTHV, tr. 428).
[27] Tiêu Hà: Thừa tướng của Hán vương Lưu Bang.
[28] Hàn Tín: Đại tướng của Hán vương Lưu Bang. Nhờ Tiêu Hà và Hàn Tín mà Lưu Bang diệt Hạng Vũ và lên ngôi Hoàng đế, tức Hán Cao Tổ (206 BC). Tiêu Hà, Hàn Tín, Trương Lương được gọi là “Hán sơ tam kiệt”, nghĩa là ba người hào kiệt đầu đời Hán. (Theo Lịch Sử Trung Quốc 4000 năm, tập 1, tr. 277-294).
[29] Hoắc Quang: Đại tướng 3 đời: Hán Vũ Đế, Hán Chiêu Đế và Hán Tuyên Đế. Ông nắm đại quyền triều chính khi Hán Vũ Đế băng. Lúc đó, Hán Chiêu Đế lên ngôi mới 8 tuổi. (Theo Lịch Sử Trung Quốc 4000 năm, tập 1, tr. 369-373).
[30] Giác Phạm: thiền sư Bảo Giác ở chùa Thanh Lương, đất Đoan Châu đời Tống, tên Đức Hồng, tự Giác Phạm, ban đầu tên Huệ Hồng, ngộ đạo nơi thiền sư Chơn Thanh Khắc Văn, trước tác bộ Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện, 30 quyển và Lâm Gian Lục. Sư thị tịch tháng 5 niên hiệu Kiến Viêm đời Cao Tông, thọ 58 tuổi, được vua ban tặng hiệu Bảo Giác Viên Minh. (Theo PHĐTĐ của Đinh Phúc Bảo).
[31] Sơ Sơn: núi thuộc huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, nằm cách trung tâm huyện 29km về hướng tây bắc. Trong núi có chùa Sơ Sơn. Núi này vốn là chỗ đọc sách của ẩn sĩ Hà Tiên Đan đời Đường, nên có khi gọi là Thư Sơn. Khoảng niên hiệu Trung Hoa (881-884) đời Đường, thiền sư Khuông Nhân, tông Tào Động đến núi này cất chùa, Vua ban bảng hiệu là Bạch Vân. Vào đời Nam Đường, đổi tên là Sơ Sơn. Đời Minh có thiền tăng Tự Tính trụ trì. (Theo TĐTTHV, tr. 639).
[32] Chữ dĩ (以) không thành, bát (八) cũng sai: Chữ “dĩ’ chỉ cho chữ “ ” viết trên đầu lá bùa hộ mạng, ấy là biến hình của chữ “ ” trong các chữ tất-đàm. Tuy nhiên, nếu nhìn theo chữ Trung Quốc thì chẳng phải là chữ “dĩ” cũng chẳng phải chữ “bát”. Thiền tông căn cứ vào việc trên để chỉ cho bản lai diện mục rất khó diễn đạt, dù bằng bất cứ phương tiện nào. (Theo TĐPHHQ, tập 2, tr. 1060).
[33] Thi tăng còn gọi là văn tăng. Vị tăng giỏi thơ văn. Đặc biệt chỉ cho các vị thi tăng ở Giang Tả, sống vào đời Đường, Trung Quốc. (Theo TĐPHHQ, tập 6, tr. 5421).
[34] Tác gia còn gọi là Tác giả: bậc tu hành tài giỏi có cơ dụng vượt hơn người. (Theo TĐTTHV, tr. 652).
[35] Tự nghĩa: ý nghĩa từ ngữ.
[36] Thể lộ chân thường: vật thể hoàn toàn hiển bày tướng trạng chân thật, vĩnh hằng, là điều mà nhà Phật gọi là chơn như. Đây là cảnh giới của người ngộ Thiền. Tiết Bách Trượng Hoài Hải Thiền sư trong NĐHN q.3 ghi: “Linh quang sáng tỏ, thoát khỏi căn trần, thể lộ chân thường, chẳng mắc văn tự. Tâm tính không nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật”. (Theo TĐTTHV, tr. 719).
[37] Như như: chân thật tướng của vạn sự vạn vật bình đẳng không hai, gọi là như như. Đoạn tế tâm yếu ghi: “Vô tâm là không có tất cả tâm. Thể như như bên trong như gỗ đá không lay không động; bên ngoài như hư không không bít không ngại, không năng sở không chỗ nơi, không tướng mạo không được mất”. (Theo TĐTTHV, tr. 541).