Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát nhã ba la mật đa tâm kinh là bài kinh cô động lại của bộ kinh bát nhã, lời kinh súc tích gãy gọn nhưng không vì thế mà giảm đi chân giá trị. Những ai hành trì miên mật bài kinh này, tự khắc trí tuệ khai mở. Khi cơ duyên đến, tùy nghi đại ngộ sẽ đạt sự giải thoát mầu nhiệm ngay trong hiện đời.
Tôi tự thẹn Hán văn ngu muội, không dám tranh hơn luận thắng với các bậc tôn trưởng, cao đức. Chỉ vì muốn lời kinh trở nên gần gũi hơn với người học Phật, tôi đành một phen mạo muội. Đắc tội!

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung. Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc, vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố. Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam muội tam bồ đề.
Cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Lời kinh như lời nhắn gửi của Đức Phật Thích Ca đến với người học Phật, y kinh hành trì miên mật sẽ mau chóng liễu thoát sinh tử.
Phật thuyết:
Khi ta quan sát một vị bồ tát đã đạt được sự tự tại giải thoát, ta sẽ nhận thấy vị này chuyên tâm hành trì bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy mà vị Bồ tát này nhận ra sắc thọ tưởng hành thức đều là tướng hư huyễn, không thật vì tất cả do duyên hợp. Do nhận biết lẽ thật đó mà vị Bồ tát vượt qua mọi khổ não, tai ách và phiền muộn.
Sắc do vật chất gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, đầu, cổ, tay chân, thân hình, máu huyết,… hợp thành. Thọ do cảm giác vui buồn, giận thương, yêu ghét,… hợp thành. Tưởng là những nhận thức nghĩ nhớ, ghi nhận, chuyện đã qua, việc hiện tại, tương lai,… hợp thành. Hành là tri giác, là những tâm ý dao động, lăn xăn, dừng nghĩ,… hợp thành. Thức là ý thức do tâm phân biệt, so sánh, đánh giá,… hợp thành. Bồ tát nhận thức rõ khi tách rời sắc thọ tưởng hành thức, và các phần nhỏ mắt tai, mũi lưỡi, vui buồn, nhớ nghĩ, sự lăn xăn tâm ý, ý thức so sánh,… thì sẽ không có ai là bồ tát và ngay cả khi hợp nhất chúng lại cũng không có vị bồ tát nào vì sắc thọ tưởng hành thức khi hợp lại vẫn không dừng lặng mà diễn ra quá trình sinh trụ dị diệt,... Chỉ có sự tự tại của chân tâm là thường còn. Vì thế vị Bồ tát không còn tham đắm dính mắc những tranh giành, hơn thua, được mất, thật giả,… nên không còn bị sự đau khổ, lo lắng bức hại.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết! Có thì không khác gì không, không thì không khác gì có. Có tức là không, không tức là có.
Vì lẽ thân xác người chết khi tan hoại vào đất thì thân người sẽ không còn mà con người thì phải chết. Nhưng khi còn sống, thân xác chưa tan hoại thì vẫn có thân người. Thế nên có thì đâu khác gì không, không đâu khác gì có và nói một cách khác thì có tức là không, không tức là có vì nó biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững mãi mãi.
Cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức cũng đều như thế.
Chúng cũng biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững. Ai có thể giữ mình vui hoặc buồn cả ngày; nhận thức, ý thức, tri giác của mỗi người cũng không dừng lặng được; việc đẹp xấu, những chuyện ngày mai, hôm qua,... chạy loạn trong đầu. Vì thế chúng cũng không khác gì không, cũng không khác gì có. Chúng cũng chính là không mà cũng chính là có.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết. Tất cả các pháp đều không phải tồn tại ở dạng có hay không, cũng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Tất cả các pháp đều không có hình tướng, không có cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, tư duy. Cũng không có cái gì gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi , thân, ý; Cũng không có gì là màu sắc, âm thanh, mùi hương, khẩu vị, sự xúc chạm và các sự vật, các pháp. Cũng không có cái bị thấy, không có cái bị nhận biết phân biệt. Không có sự hiểu biết không sáng rõ, cũng không có sự hiểu biết sáng rõ. Không có sự già chết cũng không có sự không già chết. Không có sự khổ, không có nguyên nhân gây ra sự khổ, không có dứt trừ sự khổ, cũng không có dứt khổ. Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Vì bởi rõ biết có tức là không, không tức là có. Khi người học Phật sống được với cái biết đó thì sẽ rõ biết vạn pháp - Mọi sự vật, hiện tượng đều không phải tồn tại ở dạng có hay không? Tất cả chỉ do duyên, đủ duyên thời nhận thấy rằng có nhưng khi duyên biến diệt không còn nữa thời nhận thấy là không. Thế nên người học Phật sẽ nhận biết vạn vật sẽ không có sinh diệt, không có dơ sạch, không có tăng giảm. Sở dĩ có sự sinh diệt, dơ sạch, tăng giảm là do tâm phân biệt của con người, do con người quan sát, đánh giá ở góc nhìn hạn hẹp chứ không đặt sự vật hiện tượng ở góc nhìn tổng thể khách quan. Cụ thể, khi ta nhìn một đống phân bò bên một gốc cây mận, ta sẽ thấy sự nhòm gớm, dơ bẩn. Sau một thời gian ta không thấy đống phân bò nữa và cây mận trước kia chưa có trái, bây giờ đã có nhiều trái chín mọng. Ta hái vài trái mận cho vào miệng ăn và nhận định cây mận có trái ngon ngọt, thanh mát. Vì không nhìn ở góc nhìn tổng thể nên ta vội quên cây mận tốt tươi, nhiều trái là do chuyển hóa đống phân bò gớm bẩn thành quả ngọt. Mọi vật trong cuộc sống cũng đều như vậy chúng không thể tự có mà nương nhờ các duyên, đủ duyên thì mới có thể sinh ra. Điều này đồng nghĩa với việc vạn pháp sẽ không có gì cả. Không hình tướng, cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác,… Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Nhiều người tham cứu, học hỏi Phật đến đây thì mê mờ lý sự. Vạn pháp đều là không thì có gì để tu học, không có pháp để đắc thì tu hành mà làm chi. Những người theo ngoại đạo chỉ trích Phật giáo chấp không cũng ở lý này. Vì không nhìn nhận, đánh giá ở góc nhìn tổng thể, khách quan nên chúng sinh 3 cõi 6 đường mê mờ, lầm lạc. Qua đoạn kinh văn này, bạn thấy vạn pháp là không nhưng ai là người nhận thấy vạn pháp là không? Đó là người tu học đạt quả vị Bồ tát. Vậy ra không phải vạn pháp hoàn toàn không mà còn có một vị Bồ tát tự tại. Bồ tát là ai? Bồ tát là người tự cứu mình thoát khổ và độ người thoát khổ. Vì lẽ con người tự nhận mình có thân, tham đắm thân sinh ra khổ. Hiểu lý lẽ đó vị Bồ tát đã hành thâm bát nhã ba la mật quán chiếu nhận rõ thân không thật, các pháp không thật để không còn dính mắc, nhằm xa lìa sự khổ. Cái mà vị Bồ tát cầu đắc chính là cái không có gì để đắc, là không có người để đắc - Vô sở đắc.
Khi đạt cái pháp không có gì để đạt, vị Bồ tát đã y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ hành trì miên mật, và đạt được tâm không lo lắng, tâm không sợ sệt, tâm không kinh hoảng, từ đó xa rời sự mộng tưởng điên đảo về Niết bàn - cõi thường lạc ngã tịnh. Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí huệ hành trì miên mật mà chứng ngộ được quả vị chánh đẳng, chánh giác.
Khi đạt được pháp không có gì đạt được, vị Bồ tát tiếp tục hành trì miên mật sáu phép ba la mật cho đến khi tâm không còn xao động, sợ sệt, lo lắng thì đạt được chánh định, đạt được chánh định rồi thì vị Bồ tát không còn động loạn, mong cầu về cõi Niết bàn thường lạc ngã tịnh nữa. Phật còn khẳng định “Cũng bằng việc hành trì liên tục, tùy thuận, không rời bỏ sáu pháp ba la mật mà chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, đắc quả vị Phật”.
Vì vậy người học Phật phải rõ biết hành trì sáu pháp ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận mọi lúc, mọi nơi thì đó chính là câu thần chú lớn nhất, là câu thần chú sáng rõ nhất, là câu thần chú cao tột nhất, là câu thần chú không có câu thần chú nào có thể so bì. Câu thần chú này sẽ có công năng diệt trừ hết mọi sự khổ nạn, tai ách. Đây là lời nói chân thật không có hư dối.
Ý từ của đoạn kinh văn rất rõ ràng, người học Phật phải tùy thuận, siêng năng hành trì sáu phép ba la mật thì sẽ đạt được sự tỏ ngộ và nhận ra đây là câu thần chú cao tột có công năng độ thoát con người ra khỏi mọi cảnh khổ. Người học Phật sẽ tự biết lời nói đó không chút hư vọng, là lời nói đúng thật.
Có thể trình bày Bát nhã ba la mật đa tâm kinh theo một cách khác, cách nói như sau:
Giải thoát giải thoát, giác ngộ giải thoát, giác ngộ sẽ được giải thoát. Đó là tự tánh bồ đề thường tại trong mỗi chúng sinh.
Cuối cùng, Phật lại thuyết có một cách đơn giản, ngắn gọn hơn để người học Phật trì bộ kinh chứa trí tuệ bát nhã ba la mật đa. Đó là:
Người học Phật sẽ tự giải thoát bằng sự hiểu biết cùng tột về sự giải thoát hoàn toàn - Sự hiểu biết về không có cái tôi thường tại trong mỗi chúng sinh, khi sống được với sự hiểu biết giải thoát thì sẽ được giải thoát hoàn toàn. Và đó chính là tự tánh bồ đề trong mỗi chúng sinh không bao giờ dứt mất.
Có lẽ phần trình bày về Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải chỉ được những người tu học quan tâm nhưng thôi bạn hãy kiên nhẫn xem hết vì lẽ việc đọc một đoạn sách sẽ không hại gì. Tôi sẽ tóm gọn toàn bộ quyển sách “Hãy là đường xưa mây trắng bay…” qua hàm ý ẩn chứa trong câu chú “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. Bồ đề tát bà ha”.
Trong Tam tạng kinh, Phật cũng chỉ trình bày một vấn đề duy nhất, đó chính là con đường của sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mà bất kỳ chúng sinh nào có hiểu biết, biết dừng lại, nhìn nhận và hành trì tùy thuận đều có thể đạt được.
Trong câu chú trên cũng không ngoài mục đích khuyên người tìm về nẻo sáng giác ngộ giải thoát.
Phật thuyết “Người học Phật hãy tự giải thoát bằng sự hiểu biết giải thoát”. Đó cũng là Phật tánh thường còn của mọi chúng sinh.
Nếu bạn hỏi:
- Tại sao phải tự giải thoát? Tôi có bị nhốt đâu? Ai nhốt tôi?
Tôi sẽ trả lời:
- Bạn đã tự nhốt bạn. Bạn nhốt mình trong xác thân giả tạm, luôn luôn tàn hoại. Bạn nhốt mình trong cái tôi điên đảo trôi lăn trong 6 đường.
Vì lẽ gì tôi biết điều đó?
Vì tôi bắt gặp bạn trong những lo toan, phiền muộn, khổ đau. Bạn tham đắm, u mê với tranh giành được mất. Bạn bước qua cuộc đời mình vội vã. Và ở tuổi xế chiều, bạn hụt hẫng, hoang mang. Bạn chỉ là nô lệ của cái xác thân vay mượn. Bạn chỉ thực sự là ông chủ khi hòa cái tôi nhỏ bé vào cái vô ngã viên dung của vũ trụ, của nhân loại. Ngay khi đó, bạn sẽ tự nhận biết những điều tôi nói là những lời chân thật. Bạn sẽ không còn khổ đau, không tham đắm, hoài nghi, si mê,… bạn chỉ giữ lại niềm an lạc, tự tại và sự giải thoát hoàn toàn khỏi thân tâm.
Để làm một ông chủ trong cuộc đời, bạn hãy tùy thuận hành trì sáu phép ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Việc làm thiết thực này sẽ giúp bạn sớm nhận ra con đường của sự hiểu biết giải thoát là thật có và khi đó đạo - đời chỉ là một mà thôi.

Bạn cũng không phải tìm sáu phép ba la mật ở đâu xa. Bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là sẵn có trong con người bạn. Bạn chỉ việc lấy chúng ra và tùy thuận sử dụng.




Không có nhận xét nào: