Tùy Duyên
***
“Đại Bồ tát vận dụng Thập Vô tận cú… để dẫn dắt chúng sinh” (Kinh Lăng Già).
“Nếu có chúng sinh nào… không tin pháp này thì nên vận dụng những phương pháp khác để dẫn dắt…” (Kinh Pháp Hoa / phẩm Chúc lụy).
Vì thế, chúng ta không nên quá cứng ngắt với một phương pháp nào (pháp môn nào); chúng ta phải biết tùy duyên vận dụng những phương pháp thích hợp để thuyết phục những chúng sinh lưu trú trong tâm thức của chúng ta… như thế, chúng ta mới có đủ kinh nghiệm để dẫn dắt chúng sinh trong pháp giới giác ngộ tu hành… siêu xuất trần lao, trang nghiêm tịnh địa.
* Thế nào là tùy duyên?
Tùy theo tuệ lực, nguyện lực, nghiệp lực, đối tượng chúng sinh và tùy theo hoàn cảnh, môi trường… mà chúng ta vận dụng những phương pháp thích hợp để giúp chúng ta và chúng sinh hữu duyên tiêu mòn và đoạn tận ý nghiệp.
I. Tuệ lực: Tuệ lực là động lực giúp chúng ta có những nhận định chính xác về thân, tâm và cảnh (tâm cảnh, ngoại cảnh) từ chỗ từng phần đến chỗ toàn phần. Tuệ lực hình thành 4 loại tuệ là: Tuệ minh giải, Tuệ tri kiến, Tuệ song chiếu và Tuệ vô thượng.
* Thế nào là Tuệ minh giải?
Tuệ minh giải là Tuệ giúp chúng ta biết chắc chắn rằng:
1.Thân tứ đại giả hợp… vay mượn từ 4 thứ đại diện là đất, nước, lửa, khí; nó không tồn tại liên tục: Sinh ra rồi lớn, rồi già… rồi đau, rồi chết, rồi qua một đời; nó không phải là một cái gì cố định; vì thế, chúng ta đừng bắt buộc nó phải là một cái gì…
2. Cái suy nghĩ của chúng ta thì: Thoáng vui rồi lại đến buồn; thương rồi lại ghét… ghét thương não lòng; cuộc đời vất vả long đong, bởi vì suy nghĩ lung tung đó mà; nghĩ suy… không phải là ta, vì nó thay đổi bôn ba không ngừng; nó như “con ngựa không cương”, nếu không theo nó… không vương vấn gì; mới mong thoát khỏi sân si, mới mong không khởi ai bi… mơ hồ; mới mong thoát khỏi đôi bờ; Đạo, đời… hai nẻo… không về, không đi!
3. Cảnh: Cảnh bên ngoài (ngoại cảnh) và cảnh lưu trú trong ở trong tâm thức (tâm cảnh) duyên sinh… hình thành những đợt sóng liên tiếp: Một sóng vừa nhô… vạn sóng theo, như đàn rắn lượn khắp hồ ao… ánh trăng tan nát, hồ ao đục… nước hồ… không ảnh hiện trăng sao; “cảnh trong tâm thức” mở cửa đón rước cảnh ở bên ngoài (ngoại cảnh) bày mưu tính kế để đánh úp chúng ta, chúng ta cần phải cảnh giác; nếu con thuyền (tuệ giác) mong manh và người lái thuyền (tri kiến trong sáng khách quan) không thiện nghệ (kinh nghiệm chưa có đủ) thì con thuyền khó mà cập bến an toàn!
- Cảnh bên ngoài (ngoại cảnh) liên tiếp thay đổi, nó không phải là một cái gì cố định… vì thế, chúng ta không nên bắt buộc nó phải là một cái gì!
- Cảnh bên trong tâm thức là ảnh chiếu của ngoại cảnh và ảnh lưu trú mà tâm thức đã dung nạp từ vô thỉ… nó sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, nó không phải là một cái gì cố định… vì thế, chúng ta không nên chạy theo nó… đồng thời, chúng ta cũng không nên xua đuổi nó, vì... nếu chúng ta cố ý xua đuổi nó… thì khái niệm về nó sẽ đậm nét hơn… giam nhốt chúng ta, khiến chúng ta mãi lẫn quẫn trong “lao tù khái niệm”, làm sao chúng ta có được những cảm giác nhẹ nhàng thanh thản!
Nếu chúng ta xác định được rõ ràng như vậy… và khi chúng ta đối diện nhị cảnh (ngoại cảnh và tâm cảnh), chúng ta không chạy theo nó… và cũng không xua đuổi nó… thì “cái gọi là Như Lai” có sẵn trong mỗi chúng ta sẽ phát huy tác dụng… lúc đó, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng! Đây chính là pháp vị Niết bàn, đây chính là lúc mà “cái gọi là Đạo” có sẵn trong mỗi chúng ta xuất hiện. Vì lý do này cho nên: Chúng ta không nên khởi tâm tìm kiếm Đạo, khởi tâm tìm kiếm… Đạo xa nghìn trùng; buông xả… không mong… Đạo liền xuất hiện!
* Thế nào là “Tuệ tri kiến”?
Dựa vào Tuệ minh giải, chúng ta phát hiện được 2 món không (nhị không) là Ngã không và Pháp không.
1. Ngã không (Ta không):
Cái mà chúng ta nhận lầm là ta… nó không phải là ta, vì nó không tồn tại liên tục! Nếu chúng ta không mắc kẹt ở “những cái ta sinh diệt” thì chúng ta sẽ không còn mắc kẹt ở bất kỳ một khái niệm nào… lúc đó, “cái không sinh diệt” sẽ xuất hiện. Cái không sinh diệt là cái “thật ta”(chân ngã), nó là cái mà chúng ta quen gọi là “bản lai diện mục”, là “chân như”…
2. Pháp không:
Các pháp không tồn tại liên tục: Pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu tướng, pháp vô tướng… tất cả đều là pháp đối đãi sinh diệt!
Mặc dù “chân như vô vi” là “bản lai diện mục”… bất biến trong dòng thiên biến, nhưng nếu chúng ta mắc kẹt ở cái gọi là “bản lai diện mục”, mắc kẹt ở cái gọi là “chân như” thì nó sẽ trở thành “pháp sinh diệt”! Pháp phương tiện cũng như vậy… nó không phải là thật pháp, nó như “ngón tay chỉ mặt trăng”! Chúng ta phải nương theo ngón tay chỉ… để thấy mặt trăng (nhất thiết Tuđala giáo… như tiêu nguyệt chỉ), chúng ta “không nên lầm tưởng ngón tay là mặt trăng”! Vì thế cho nên: Thật pháp còn phải xả… huống là phi pháp! (Pháp thượng ưng xả… hà huống phi pháp…/ Kinh Kim Cang).
Nếu xác định được rõ ràng như vậy… đồng thời chúng ta “kiềm chế được thân nghiệp và khẩu nghiệp” ở bất cứ nơi nào và tại bất kỳ thời điểm nào… như thế là “Tuệ tri kiến” đã khai mở!
* Thế nào là “Tuệ song chiếu”?
Dựa vào “Tuệ tri kiến”, chúng ta “kiềm chế được thân nghiệp và khẩu nghiệp” ở bất cứ nơi nào và tại bất kỳ thời điểm nào. Vì thế, ý nghiệp bị cô lập (không có cơ hội phát triển)… cho nên, chúng ta từng bước “kiềm chế được ý nghiệp”. Khi tam nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp) được kiềm chế ở bất kỳ nơi nào và tại bất cứ thời điểm nào (mặc dầu ý nghiệp chưa hoàn toàn được lọc sạch)… như thế là “Tuệ song chiếu” đã khai mở!
* Thế nào là “Tuệ vô thượng”?
Dựa vào “Tuệ song chiếu”… chúng ta hành đạo trên đất chúng sinh… đến khi “ý nghiệp được hoàn toàn lọc sạch” ở bất cứ nơi nào và tại bất kỳ thời điểm nào… như thế là “Tuệ vô thượng” đã khai mở, viên thành vô thượng đạo!
II. Nguyện lực:
Nguyện lực là động lực giúp chúng ta tiến mãi không ngừng (bất thoái chuyển) đến cứu cánh bồ đề vô thượng. Bồ đề có 3 loại là Tiểu Bồ đề, Đại Bồ đề và Vô thượng Bồ đề.
1. Tiểu Bồ đề:
Tiểu Bồ đề là Bồ đề (giác ngộ) của chúng Nhị thừa (thinh văn thừa và Duyên giác thừa) chỉ cầu thoát khổ cho riêng mình… với chủ trương “trầm không, thủ tịch”… mong cầu “Niết bàn tịch diệt”.
2. Đại Bồ đề:
Đại Bồ đề là Bồ đề (giác ngộ) của chúng “Bồ tát lầm nhận tánh bản lai là không”, tích cực dấn thân độ tận chúng sinh… với mong cầu được sớm thành Phật đạo.
3. Vô thượng Bồ đề:
Vô thượng Bồ đề là Bồ đề (giác ngộ) của chúng “Bồ tát tỏ ngộ tánh bản lai” xử dụng tri kiến Phật (tri kiến trong sáng khách quan) nhìn chúng sinh bằng cặp mắt bình đẳng: Không khinh cái Phật của chính mình, không khinh cái Phật của chúng sinh; tạo điều kiện để cho cái Phật của chính mình và cái Phật của chúng sinh hữu duyên phát huy tác dụng! Không khởi tâm mong cầu bất kỳ một điều gì… vì biết rằng: Khởi tâm mong cầu thì “ma nghiệp” liền xuất hiện!
III. Nghiệp lực:
Nghiệp lực là động lực dẫn dắt chúng ta vào trong thập đạo (lục đạo và tứ thánh đạo). Nghiệp lực hình thành từ tam nghiệp (thân, miệng, ý); có 3 loại nghiệp lực là ác nghiệp lực, thiện nghiệp lực và giải thoát nghiệp lực.
1. Ác nghiệp lực:
Ác nghiệp lực là sức mạnh của nghiệp ác… lôi kéo chúng ta vào 3 con đường ác là Địa ngục, Ngạ quỷ (ma đói) và Cầm thú.
2. Thiện nghiệp lực:
Thiện nghiệp lực là sức mạnh của nghiệp thiện… dẫn dắt chúng ta vào 3 con đường thiện là Atula (Quỷ thần), Người, Trời.
3. Giải thoát nghiệp lực:
Giải thoát nghiệp lực là sức mạnh của nghiệp giải thoát… dẫn dắt chúng ta vào 4 thánh đạo là Thinh văn , Duyên giác (Độc giác), Bồ tát và Phật khái niệm.
Tùy theo từng loại nghiệp… chúng ta vận dụng những phương tiện thích hợp… giúp chúng ta và chúng sinh ra khỏi “lao tù thập đạo” (lục đạo và tứ thánh đạo). Chúng ta “không nên áp đặt một phương pháp nào”: Học sinh lớp nào… xử dụng kiến thức lớp nấy… không nên cưỡng cầu!
IV. Đối tượng chúng sinh:
* Kinh Pháp Hoa / phẩm phương tiện thứ 2:… Xá Lợi Phất thỉnh Phật thuyết pháp, nhưng Phật không nhận lời… đến khi 5000 người “tăng thượng mạn” ra khỏi hội chúng, Phật mới nhận lời thuyết pháp, tại sao Phật lại hành động như vậy… Phật có thiên vị hay không?
Kinh Pháp Hoa là kinh pháp giúp chúng ta “khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật” (tri kiến trong sáng khách quan); có thông qua Bát Nhã (tỏ ngộ tánh bản lai) mới có thể lĩnh hội giáo nghĩa Pháp Hoa. Nếu học Bát Nhã… mắc kẹt ở cái không… thì không thể “tỏ ngộ tánh bản lai”, những thành phần “tăng thượng mạn” bị mắc kẹt ở cái không (không tỏ ngộ tánh bản lai) nên không thể nào lĩnh hội được giáo nghĩa Pháp Hoa; vì thế, Phật phải đợi cho 5000 người “tăng thượng mạn” ra khỏi hội chúng… Phật mới nhận lời thuyết pháp. Đây là bài học “ứng cơ thuyết pháp”, chúng ta phải học tập theo Phật: Tùy trình độ của mỗi đối tượng chúng sinh… chúng ta vận dụng những phương pháp thích hợp để dắt dìu… không nên cưỡng lý! Để biết được trình độ của mỗi chúng sinh… chúng ta chỉ cần tiếp xúc nói chuyện với họ… như thế chúng ta mới có thể xử dụng những phương pháp thích hợp với họ, giúp họ từng bước “thoát khỏi lao tù khái niệm”… trở về với cái Phật có sẵn trong mỗi con người họ, chính cái Phật có sẵn trong mỗi con người của họ… đã, đang và sẽ dẫn dắt họ… không phải là chúng ta dẫn dắt họ, mà chúng ta chỉ đóng vai trò “đánh thức cái Phật của họ”, chúng ta không nên tự hào! Được như thế, tri kiến Phật trong chúng ta sẽ liên tục phát huy tác dụng, như thế mới có thể hoàn thành sứ mệnh: “Hành Như lai sứ, tác Như lai sự”!
V. Hoàn cảnh sống:
“Có thực mới vực được đạo”… nếu chúng ta “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc” cũng khó mà tiến tu! Nếu chúng sinh “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”… ngày ngày “ đầu tắt mặt tối” vì cơm áo… thì những lý thuyết cao siêu đối với họ đều vô tác dụng; vì thế, cải thiện hoàn cảnh sống là yếu tố quan trọng… giúp chúng ta và chúng sinh hữu duyên “tiến tu giải thoát”, vì lý do này cho nên: “Phước Huệ song tu là đôi cánh” giúp chúng ta an toàn bay đến chân trời giải thoát. “Phật là đấng phước trí vẹn toàn”, vì thế chúng ta phải kết hợp tu phước và tu trí: Phước Trí hợp tu… giúp chúng ta tiến mãi không ngừng, không bao giờ bị dẫn sinh vào Tam đồ ác đạo (trừ trường hợp thị hiện độ sinh).
- Thấy rõ tri kiến Phật (tri kiến trong sáng khách quan) có sẵn trong chúng ta và tất cả chúng sinh. Tạo điều kiện để cho tri kiến Phật có sẵn trong ta và tất cả chúng sinh hữu duyên… phát huy tác dụng… đây là tu trí! Để cho Trí tuệ ngày càng tăng trưởng, chúng ta cần phải có cái nhìn bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, không bảo thủ cố chấp, không phong kiến gia trưởng…
- Cải thiện môi trường sống, giúp chúng sinh bớt đi những khổ đau và bất hạnh… đây là tu phước… giúp chúng ta và chúng sinh hữu duyên tiến tu đến khi viên thành Phật đạo.
VI. Môi trường sống:
Chúng sinh được sinh ra trên cõi đời này chỉ có 2 lý do là đòi nợ hoặc trả nợ (trường hợp thị hiện độ sinh rất ít); vì thế, chúng ta phải tùy thuận môi trường (không chạy theo cũng không chống đối). Nếu thuận duyên, thuận cảnh… thì “Pháp phục nghiêm thân, hành hóa độ sinh”; nếu nghịch duyên, nghịch cảnh…thì nên ẩn cư… tùy duyên dẫn dắt chúng sinh hữu duyên, không nên liều mạng! Nếu ra đời không gặp Phật pháp… phải tu mò… thường phải liều mạng để có kinh nghiệm; nếu ra đời gặp được Phật pháp, tỏ ngộ Phật pháp… thì nên hành đạo tùy duyên! Tùy duyên: Không mắc kẹt ở một khái niệm nào… thì Đạo sẽ xuất hiện, đây là Phật đạo, là Vô thượng đạo! Quá khích liều mạng đấu tranh, đây là Atula đạo (Quỷ thần đạo), không vào được Phật đạo… cần phải cảnh giác để không lãng phí một đời tu học!
Tóm lại:
Tùy duyên là hạnh Phật, nếu tỏ ngộ được “Tri kiến Phật” (tri kiến trong sáng khách quan) có sẵn trong mỗi chúng ta và tất cả chúng sinh… và thực hành “hạnh thường bất khinh” thì chúng ta sẽ tiến mãi không ngừng… đến khi viên thành Phật đạo.