Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Sự Thật Về Đạo Phật (P. 3)

 


Sự Thật Về Đạo Phật (P. 3)
Hôm nay, Ngạo Thuyết sẽ chứng thực cho mọi người thấy rằng sa môn Cù Đàm không hề lập ra đạo Phật.
Ngạo Thuyết tin rằng nội dung bài viết này hứa hẹn sẽ đem đến cho các bạn những điều hay bất ngờ và cả sự vỡ mộng đối với rất nhiều người.
Lẽ nào người học Phật sẽ rất thất vọng và hụt hẫng khi nhận diện được rằng Phật Thích Ca không có chút quyền phép thần kỳ nào cả.
Từ rất lâu xa người học Phật xưa nay đã bị nhồi sọ rằng Phật Thích Ca chứng đạo, đắc Tam Minh, Lục Thông nên thần thông rất kỳ ảo, vô đối.
Thông qua kinh Phật, truyện cổ Phật giáo và cả những bộ phim về cuộc đời Phật Thích Ca, phim Tây Du Ký,... rất nhiều học Phật đã cả tin về quyền phép bất khả tư nghì. Khi ngoại đạo hóa hiện những ngọn núi chực chờ đè chết Phật cùng Tăng đoàn, Phật Thích Ca chỉ tay một cái những ngọn núi lập tức bật lại lơ lửng trên đỉnh đầu ngoại đạo; Khi Thiên Ma đến gây não hại Phật, Phật liền hóa hiện một tràng hoa tuyệt đẹp tặng cho Thiên Ma, Thiên Ma đeo vào cổ tràng hoa liền biến thành sâu chuỗi đầu lâu tanh tưởi, gớm ghiếc và dù dùng tất cả mọi Thần lực để thoát ra nhưng Thiên Ma vẫn không thể tháo gỡ sâu chuỗi đầu lâu ra khỏi cổ; Hoặc khi ngài Xá Lợi Phất khởi tâm suy lường phải chăng Phật Thích Ca khi tu hành tâm không thanh tịnh giải thoát nên cõi Ta Bà, nơi Phật Thích Ca hạ sinh chỉ toàn là gò nỗng, hầm hố với đầy những bẩn dơ thì Phật đã dùng ngón chân điểm xuống mặt đất liền biến cả cõi Ta Bà thành vàng ròng,...
Và những điều này đã mê hoặc rất nhiều người học Phật xưa nay. Thêm vào đó, những kẻ học Phật còn trong lưới vô minh đã phao ra tin đồn rằng người học Phật chứng ngộ sẽ có Thần thông, đây là phần lại quả kèm theo khi người học Phật tu chứng.
Chính những tri kiến vô minh này đã ngăn trở sự thấy biết chánh pháp chân thật mà Phật Thích Ca đã bi mẫn trao truyền.
Do bị mê hoặc ở quyền phép của việc chứng đạo mà người học Phật không nhận ra mục đích cốt lõi của lời Phật Thích Ca thuyết chính là sự thoát khổ và giải thoát hoàn toàn.
Do bị mê hoặc ở sự thần biến mà người học Phật không thể chạm đến sự thật rằng Phật Thích Ca là một con người bình thường như biết bao con người bình thường khác, cũng đói no, ấm lạnh, cũng sinh già bệnh chết. Phật Thích Ca cũng chịu sự tác động, chi phối của vô thường.
Điều khác biệt duy nhất, có giá trị nhất ở Phật Thích Ca chính là sau khi trải qua quá trình học đạo, tìm đạo, hành đạo tin cần mà vẫn mờ mịt lối đi, Phật đã bừng tỉnh và tự mình tìm ra con đường giác ngộ giải thoát; Việc tự thực chứng đó đã mang lại cho Phật một trí tuệ sáng suốt, tròn đầy.
Từ sự sáng suốt của tuệ tri Phật nhận diện rõ được quy luật sinh tử, nhân quả luân hồi và cả cách thức vượt thoát luân hồi chạm đến sự giải thoát hoàn toàn.
Sau khi suy xét, kiểm chứng hẳn hoi Phật Thích Ca đã chia sẻ sự hiểu biết đó cho những người bạn đồng tu - Năm anh em Kiều Trần Như và những người học đạo - cầu đạo chân chính như ba anh em nhà Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, vị Trưởng giả Cấp Cô Độc, kẻ giết người khét tiếng Ương Quật Ma,...
Nếu chúng ta tham cứu kinh Phật ở tầm tổng thể, toàn diện thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những thần thông, quyền phép của Phật chỉ là hoa lá cành nhằm diễn nói trí tuệ viên dung, vô ngại của Phật Thích Ca; Những câu truyện tiền kiếp của Phật và môn đệ cũng chỉ là những câu truyện ngụ ngôn nhằm hướng con người đến việc làm lành, lánh dữ để phần nào tránh được những khốn cùng do nhân vay, quả trả.
Và sau tất cả chúng ta sẽ nhận ra được rằng những kinh sách tán thán thần thông, quyền phép của Phật phần nhiều là sản phẩm của người đời sau; Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt lâu xa thì kinh sách Phật học diễn nói về thần thông, quyền phép của Phật ngày càng nhiều và điều này đã khiến rất nhiều người học Phật bị mê hoặc; Từ đó người học Phật do không nắm bắt được ý kinh, lấy ngụy làm chân đã dẫn đến lệch lạc sự nghiệp học Phật.
Chỉ khi nào người học Phật rũ bỏ được những thứ đầu thừa, đuôi thẹo - Thần thông, bùa chú, quyền phép thì may ra người học Phật mới chạm đến được chánh pháp giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Lúc bấy giờ, người học Phật sẽ trực nhận được rằng cốt lõi của đạo Phật nguyên sơ chính là diễn nói sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Và Phật Thích Ca đến với loài người bằng sự hiểu biết, bằng trí tuệ viên dung chứ không phải bằng vào những thứ thần biến ma mị, hoang đường.
...
Và Phật Thích Ca không hề có ý định lập ra đạo Phật.
Khi chứng nghiệm sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn Phật Thích Ca đã không vội vã hoằng truyền lý thuyết về con đường giác ngộ giải thoát. Phật Thích Ca cần thêm nhiều thời gian để suy xét lại mọi điều, cân phân lại sự nặng nhẹ của việc nên chăng phổ truyền giáo lý chánh pháp.
Và rồi Phật nhớ nghĩ đến sự khát khao hợp thể Đấng quyền năng của những vị thầy đáng kính mà Phật đã từng đến cầu đạo, nhớ đến năm anh em Kiều Trần Như, những người đã tín nhiệm mình về việc chứng nghiệm đạo quả,...
Thương tưởng hà sa chúng sinh học đạo mê lầm trôi lăn nơi 3 cõi, 6 đường nên sau cùng Phật hạ quyết tâm sẽ dấn thân hoằng pháp gieo duyên.
Tương truyền khi tìm đến hai vị thầy danh tiếng mà Phật đã từng thọ pháp là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta thì được biết cả hai người đều đã chết.
Tiếp đến, Phật tìm đến năm anh em Kiều Trần Như. Gặp được năm anh em Kiều Trần Như, Phật Thích Ca sớm nhận ra sự bất tín nhiệm của năm người bạn đối với mình nên Phật Thích Ca đã khẳng khái nói với đại ý rằng "Tôi đã giác ngộ hoàn toàn Thật tướng của vạn pháp, liễu thoát sinh tử, rõ biết luân hồi và cách thoát khỏi luân hồi. Tôi sẽ hướng dẫn các bạn. Và … nếu các bạn thọ nhận, hành trì thì tự các bạn sẽ chứng ngộ sự thật đó. Các bạn sẽ tự giải thoát hoàn toàn cho chính mình".
Vốn đã từng tín nhiệm trí tuệ cũng như năng lực hành trì của Phật và trước sự quả quyết như đinh đóng cột của Phật Thích Ca năm người anh em Kiều Trần Như thêm một lần nữa chinh phục.
Dù vậy Phật Thích Ca vẫn nhận ra sự e dè nghi ngại còn đọng lại nơi tâm trí những người bạn. Sau khi an vị, nghỉ ngơi đâu ra đấy Phật đã xô đổ bức thành trì hoài nghi ở năm người bạn khi thuyết giảng con đường trung đạo.
Nếu người học Phật hiểu đúng về thuyết trung đạo thì vốn dĩ sẽ không có sự tách biệt rạch ròi biệt con đường đạo - con đường đời.
Nói một cách khác là ngay khi thuyết lý trung đạo thì Phật đã xé toan bức rào cản ngăn cách đạo đời. Chính vì vậy ngay khi dấn thân phổ truyền chánh pháp thì Phật Thích Ca đã không chủ trương lập ra thêm một đạo giáo nào cả.
Khi hiểu đúng chúng ta sẽ nhận ra những lời Phật thuyết về con đường giác ngộ giải thoát chỉ là việc chia sẻ thông tin cho những người có ý chí vượt thoát ra mọi khổ não của việc luân hồi quẩn quanh.
Việc trao đổi chánh pháp ban đầu trên tinh thần học hỏi sẻ chia có tính thẳng thắn, khách quan giữa những người bạn chứ không lập nên rào cản thầy trò.
Tuy nhiên, do nhận thức được Phật là người sẽ chỉ bày mình thoát khỏi những khổ não tâm linh nên năm người anh em Kiều Trần Như tôn kính Phật làm vị đạo sự.
Vừa học, vừa hành dưới sự dẫn dắt của người chứng ngộ giải thoát năm người bạn đồng tu của Thái tử Tất đạt đa thuở nào mau chóng chứng nghiệm Chánh trí và dự vào hàng Bất thoái chuyển.
Chánh trí và Bất thoái chuyển chính là giềng mối xác thực việc thâm đạt Tứ quả vị Thánh chứ không phải là chứng nghiệm quả A la hán sẽ đắc Tam Minh, Lục Thông theo lối chú giải của người học Phật còn trong lưới vô minh.
...
Sự xuất hiện của Phật và việc y giáo phụng hành theo lối trung đạo, Bát chánh đạo, Tứ diệu đế sẽ khiến đời sống thường nhật của năm anh em Kiều Trần Như thay đổi; Sự cải biến trạng thái tinh thần từ yếm thế, ủ rủ của những người thọ trì pháp tu khổ hạnh sẽ được thay đổi bằng một tinh thần lạc quan, tươi tắn; Điều này sẽ là hữu xạ tự nhiên hương khiến tín chúng tìm đến Phật lãnh thọ pháp âm vi diệu.
Việc chạm mặt của Phật Thích Ca với ba anh em nhà Ca Diếp cũng với một màu sắc tương tự, Phật cứ dấn thân bước đi và tùy duyên hóa độ.
Mọi việc Phật ra sức vẫn trên tinh thần từ ái, khiêm cung và nhẫn nại; Phật tiếp người với sự bình đẳng xem như bạn và những người cầu đạo chân chính mau chóng nhận ra đây là vị đạo sư dẫn dắt mình vượt thoát những khốn cùng, những nghẽn lối tâm linh đang đeo mang. Và từ đó Phật trở nên là một vị đạo sư đáng kính trong lòng những người mộ đạo.
Ngày nay, chúng ta thường nghe "Nước sâu tĩnh lặng, người khôn kiệm lời". Và hiển nhiên là Phật cũng không phải là điều ngoại lệ.
Điều duy nhất mà Phật Thích Ca quan tâm chỉ là việc phổ truyền giáo lý giác ngộ giải thoát đến với xã hội loài người, giúp loài người nhận thức được sáng rõ giá trị chánh pháp và sự giác ngộ giải thoát.
Ngày nay, do học Phật theo lối truyền thống hầu hết người học Phật tin rằng giới luật do Phật Thích Ca lập ra.
Tuy nhiên, nếu chúng ta suy xét lại sẽ nhận ra rằng thực tế là Phật Thích Ca không lập ra giới cũng như Tam Quy.
Các bạn hãy tự ngẫm xem "Khi Phật chỉ bày giáo pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như, ba anh em nhà Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên,... Phật có cần răn dạy giới luật không?".
Cá nhân Ngạo Thuyết cho rằng với những người có tâm cầu đạo, họ sẽ tự ý thức được hành vi sống đúng mực với đời sống lành mạnh, tri túc, thiểu dục; Dù họ không mang danh nghĩa giữ giới nhưng đã là sống trọn vẹn với đời sống phạm hạnh rồi nên sẽ không phiền đến Phật phải chỉ bày nên sống ra sao.
Lâu về sau, khi giáo đoàn Khất sĩ lớn mạnh thì trong Tăng đoàn đã xuất hiện những hạng sa môn không có lòng cầu sự giác ngộ giải thoát, cụ thể là:
1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
2. Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang.
3. Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
Những hạng tu sĩ này hiển nhiên có đời sống phóng túng, hưởng thụ, tâm tánh chất chứa nhiều sự bất thiện. Do đó, phẩm hạnh của những vị tu sĩ này làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Tăng Đoàn, ngặt nỗi những hạng tu sĩ có tâm tà vạy lại thường chiếm số lượng đông đảo trong giáo đoàn Khất sĩ từ xưa đến nay.
Thấy sự nguy hại của đời sống phóng túng nơi các Tì kheo sẽ gây họa hại cho giáo đoàn Khất sĩ, những người đệ tử thượng thủ của Phật mới đề xuất ra việc lập giới luật để quản trị Tăng Đoàn vào đời sống phạm hạnh.
Sau khi bàn thảo cẩn thận những vị đệ tử Phật trình lên cho Phật và Phật tùy thời đồng thuận. Vậy nên phần nhiều giới luật là do đệ tử Phật xác lập chứ không phải do Phật Thích Ca chế định.
...
Không chỉ vậy. Có rất nhiều giới luật khi chúng ta xem xét sẽ cảm nhận được rằng đấy chỉ là tư kiến của một người hay một nhóm người.
Nhưng có lẽ để dễ dàng được phổ truyền người học Phật đã nhét chữ vào miệng Phật nhằm mau chóng đưa ra kết luận sau cùng nhằm chế định tín chúng.
Ngày nay, đất nước Ấn Độ hơn 1,3 tỷ người nhưng cách đây hơn 2550 năm về trước liệu các nước quanh lưu vực sông Hằng có được bao nhiêu người?
Từ đó, chúng ta phải nhận thức được rằng ngay khi Phật Thích Ca tại thế, dân số các nước quanh lưu vực sông Hằng thưa thớt; cách biệt địa lý, sự hạn chế của giao thông và khả năng lan truyền thông tin,... sẽ dẫn đến kết quả là thực sự không có rất nhiều người quy y đạo Phật. Bởi lẽ khi ấy ngoài đạo Phật ra thì có đến 6 giáo phái tôn giáo vốn rất vững mạnh, đạo Phật lúc bấy giờ chỉ mới tượng hình quả thật là chẳng thể tranh giành hết tín đồ của các tôn giáo khác.
Và chúng ta có thể lấy số tín đồ Phật giáo ngày nay tham chiếu với tín đồ các tôn giáo khác cũng sẽ nhận diện được ít nhiều điều:
- Kito Giáo: 2,4 tỷ người
- Hồi Giáo: 1,5 tỷ người
- Ấn Độ Giáo: 900 triệu người
- Đạo Giáo: 400 triệu người
- Tôn Giáo Dân Gian Trung Quốc: 394 triệu người
- Phật Giáo: 365 triệu người.
- Nho Giáo: 150 triệu người
...
...
Ở đây chúng ta cần nhận thức được một điều rằng Phật chủ động thuyết lý trung đạo là nhằm phá bỏ lớp rào cản nẻo đạo - nẻo đời. Do đó, Phật sẽ không có chủ trương tạo lập ra đạo Phật
Việc Phật ra sức chỉ là phổ truyền giáo lý chánh pháp giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào mọi giai tầng xã hội.
Và chính do định chế cũng như quy ước xã hội vô hình chung tạo lập ra thêm một tôn giáo gọi là đạo Phật.
Chúng ta được biết sau khi Phật nhập diệt 3 tháng ngài Ca Diếp đã tiến hành Đại hội kết tập kinh Phật; Điều này cũng cho thấy rằng Phật Thích Ca không chủ trương lập ra một chủ thuyết, một giáo lý đạo Phật.
Chúng ta đều tin nhận Phật Thích Ca là người thông tuệ, nhìn xa trông rộng, thần thông vô lượng; Điều đó có nghĩa là lẽ ra Phật Thích Ca đã thấy được mầm mống sự chia rẽ mỗi khi kết tập kinh Phật.
Và nếu thấy biết được điều này và có ý kết tập kinh Phật thì Phật Thích Ca đã chủ trì kết tập kinh Phật trước khi nhập diệt.
Thế nên có thể khẳng định Phật Thích Ca không hề chủ trương việc tạo lập đạo Phật, Phật chỉ ra sức phổ truyền giáo lý chánh pháp giác ngộ giải thoát vào tri thức nhân loại mà thôi.
Và chúng ta cũng như người học Phật ở thế kỷ 21, 22 phải nhận diện và ý thức được rằng có rất nhiều những bộ kinh Phật hoàn toàn không do Phật Thích Ca thuyết, trong đó có phần lớn những câu chuyện tiền kiếp của Phật.
Đã có rất nhiều người học Phật vô minh đã nhét chữ vào miệng Phật và biến Phật Thích Ca thành một giống loài thần biến quái dị chứ không còn là một con người bằng xương, bằng thịt có trí tuệ sáng suốt.
Rồi thì đạo Phật tồn tại bằng vào những bộ kinh Phật được truyền miệng, được chú giải lệch lạc; Những vị Luận sư thuộc đạo Phật ra đời ra sức vá lỗi, và những sự chú giải lệch lạc cũng theo đó tăng trưởng.
Vài trăm năm về sau có một vị hành giả thông qua tâm pháp giác ngộ giải thoát của Phật Thích Ca mà chứng nghiệm sự Toàn Giác. Bởi do là người đời sau Phật Thích Ca những vài trăm năm nên vị Giác Giả thứ hai nhận diện sáng rõ tính Tiểu Thừa bảo thủ của giới Thanh Văn học Phật cũng như hiện trạng lệch lạc của đạo Phật, vị Giác Giả này đã ra sức phổ truyền giáo lý Kinh Phật đại thừa phát triển nhằm hóa giải những mê lầm của người học Phật xưa nay và gieo duyên sáng đạo cho người học Phật đời sau.
Thần thông, bùa phép, huyễn thuật được vị Giác Giả lồng ghép vào Kinh Phật nhằm giúp người học Phật đương thời vững tin vào giáo lý Phật Thích Ca và hàng loạt pháp dụ được dựng lên để dẫn dụ người học Phật vào chánh pháp.
Sau khi hoàn mãn việc phổ truyền pho giáo lý Phật giáo Bắc Truyền vị Giác Giả thứ hai đã dùng chiêu "qua cầu rút ván - qua sông bỏ bè" ngõ hầu giúp người học Phật thoát khỏi bến mê - Bốn mươi chín năm Như Lai không nói một lời nào; Đấy là sự phá mê trọn vẹn của vị Giác Giả thứ hai dành cho chúng sinh học Phật.
Người học Phật khi sáng đạo sẽ nhận ra phương tiện là phương tiện sẽ tùy duyên dùng phương tiện độ người.
Kẻ học Phật vô minh tức những kẻ mắt mù, tai điếc khi tìm đến đạo Phật mà không tỏ ngộ sẽ vin níu, vào pháp môn - vào phương tiện ra sức giảng thuyết sự thù thắng của pháp phương tiện một cách si mê, nói như đúng rồi nhưng lại thiếu khuyết trí tuệ chính thật là người đang diễn nói những điều mà họ không hề rõ biết tức là nói dóc, nói dối vậy. Họ phạm ngay giới cấm đầu tiên của người học Phật - Giới không nói dối.
Và đáng tiếc thay người học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay phạm giới Không Nói Dối rất nhiều. Thế là đạo Phật ngày càng trở nên u mê, tối tăm qua sự diễn nói của đại chúng học Phật không sáng đạo.
Bạn tìm đến đạo Phật với mục đích gì?
Nếu bạn tìm đến đạo Phật nhằm mục đích cứu khổ, giác ngộ giải thoát hoặc tìm cầu chánh trí thì bạn nhất thiết phải đặt xuống những cơ cầu thần thông, phép màu,...
Nếu bạn tìm đến đạo Phật nhằm mục đích tìm sự mầu nhiệm, thần thông thì điều đó đồng nghĩa rằng bạn đang hành phép tà vì con đường đó sẽ không là là đích đến của đạo Phật. Đó là Ngũ Thông của ngoại đạo và phần nhiều thần thông của ngoại đạo chỉ là những tin đồn - Bánh vẽ chẳng no lòng.
Và Ngũ Thông còn gây ra sự nhiễu loạn nhân quả luân hồi khiến bạn chìm đắm trong si mê trả vay.
Tóm lại, Phật Thích Ca không hề tạo lập đạo Phật. Người đời sau cùng với những si mê đã lập ra đạo Phật. Và cũng không có người học Phật nào thời Phật Thích Ca chứng ngộ A la hán đắc thành Lục Thông theo lối hư cấu hoang đường như sau:
1. Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, đi vào trong núi, đi trên mặt nước, một thân biến nhiều thân, nhiều thân biến thành một thân, tay có thể chạm vào Mặt Trời, mặt trăng, các ngôi sao,... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
2. Thiên nhãn thông: Thấy sự lưu chuyển của Chúng Sinh trong các cõi giới luân hồi.
3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi.
4. Tha tâm thông: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
5. Túc mệnh thông: Đối Đức Phật và các Vị A la hán - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình vị ấy nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì.
6. Lậu tận thông: Vị ấy thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.
Tri kiến Tam Minh, Lục Thông là phần chú giải lệch lạc của người học Phật đời sau.
Vị Giác Giả thứ hai trước hiện trạng đạo Phật suy vi và nền tảng đạo Phật trong lòng nhân loại chưa đủ vững chải đã phổ truyền pho giáo lý Kinh Phật Đại Thừa.
Ngày nay, đạo Phật đã phổ truyền sâu rộng trong lòng nhân loại nhưng với những tri kiến Phật học mê mờ, lệch lạc.
Và đây là sự đúng thời để Ngạo Thuyết giải mã đạo Phật nhằm trả chánh pháp giác ngộ giải thoát sáng rõ vào trong lòng nhân loại.
Lý trung đạo sẽ xé toạc những bức tường thành đạo và đời. Đấy là sự thật về đạo Phật.
Nam Mô Di Lặc Tôn Phật Thiên Bá Ức Hóa Thân!
...

Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 3)

 


Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 3)
Một đoạn hỏi đáp giữa ngài Na Tiên tỳ kheo và vua Mi Lan Đà - Kinh Mi Tiên Vấn Đáp:
- Cái gì là cao thượng, thật sự cao thượng của người xuất gia, thưa đại đức?
- Thưa, khi người xuất gia không còn bị sinh lão bệnh tử của ngũ uẩn ma vương ấy chi phối nữa, vị ấy thân chứng một trạng thái quân bình tuyệt hảo, hạnh phúc tuyệt hảo, vượt lên trên tất cả hạnh phúc của trần thế, siêu việt ý niệm, ngữ ngôn, cái ấy giả danh gọi là Niết bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau và phiền não nữa! Đấy là sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng, tâu đại vương!
Đức vua rất hoan hỷ hỏi tiếp:
- Tất cả sa môn đều có nguyện vọng như thế sao?
- Tâu đại vương! Cứu cánh sa môn hạnh thì như thế, nhưng trong hàng Tăng lữ hiện có bảy hạng người xuất gia vì lý do khác nhau:
1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
2. Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang.
3. Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.
Thấy đại đức Na-tiên trả lời đâu ra đó rất rõ ràng, minh bạch, lại tự nhiên như hít thở khí trời, vua Mi Lan Đà phục lắm, ướm hỏi:
- Vậy chắc chắn đại đức vì mục đích cao thượng của hạng người thứ bảy mà xuất gia làm sa môn?
Đại đức Na-tiên mỉm cười gật đầu:
- Thưa, không phải thế! Bần tăng rời khỏi gia đình lúc bảy tuổi, còn rất nhỏ thì nào biết gì! Sau dần lớn lên, nhờ Thầy tổ, nhờ các vị trưởng lão dày công giáo hóa, trí óc mới khơi mở được chút ít. Hiện giờ thì có thể nói rằng, bần tăng tu là cốt ý để diệt khổ, đấy không còn là lời nói dối nữa!
...
Đoạn kinh văn bên trên đã nói rõ về sự cao thượng của việc xuất gia. Đây là điều mà Tứ chúng học Phật rất nên ghi nhận và giới Tăng Ni xuất gia càng phải thấu cảm để xứng tánh hạnh.
Đoạn kinh văn còn nói đến một sự thật ở giới học Phật xuất gia trẻ tuổi, phần nhiều họ sẽ không hiểu biết đầy đủ về duyên phận xuất gia của chính mình. Có không ít chú tiểu, sa di sống ở chùa từ thơ bé là do gia đình ruồng bỏ, nhà nghèo khó không thể nuôi con, số khác thì bị cha mẹ bỏ rơi vì có thai ngoài ý muốn,...
Những người xuất gia theo lối này là do hoàn cảnh đẩy đưa, chí hướng xuất trần là hoàn toàn không có. Họ như lục bình trôi gặp thời đạo Phật hưng thịnh thì theo nước bồng bềnh trên cao, gặp cảnh đạo Phật suy tàn thì rũ rượi bên những mái chùa xiêu đổ, phát chán thì họ sẽ hoàn tục kiếm cơm nơi chợ đời.
Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng, tuyệt đối quan trọng của vị thầy Tăng Bảo hướng đạo cho học Tăng. Nếu vị Tăng Bảo hướng đạo là minh sư sáng mắt thì lối đạo giác ngộ giải thoát ở học Tăng sẽ rộng mở thênh thang; Nếu vị Tăng Bảo hướng đạo là vị Tăng cơm áo hám danh, tham lợi thì sẽ khiến những vị học Tăng kế thừa sự lệch lạc chánh đạo, ngộ nhận về Phật pháp. Việc xuất gia với cốt ý diệt khổ, vượt thoát luân hồi khi ấy sẽ trở nên mông lung, thành điều huyền thoại. Và đây quả thật là hiện tướng của đạo Phật ngày nay.
...
Ở đoạn kinh văn trên còn trình bày về 7 hạng xuất gia khác nhau ở thời kỳ Phật giáo giai đoạn tượng hình.
Ngày nay, trong hàng ngũ Tăng lữ xuất gia có đến ít nhất 8 hạng xuất gia khác nhau.
Cụ thể là ngoài 7 hạng xuất gia được nêu ở Kinh Mi Tiên Vấn Đáp còn có một hạng xuất gia đặc biệt, đây là thành phần xuất gia nòng cốt có ở các Tổ chức Phật giáo chính quy như Giáo hội Phật Giáo, Hội Phật Giáo, các chùa chiền, tự viện trọng điểm,... Hạng xuất gia này là hạt giống đỏ của các nhà lãnh đạo đất nước.
Điển hình như ở Việt Nam, những hạt giống đỏ Tăng Bảo sẽ là những Đảng viên thấm nhuần lý tưởng Cộng Sản. Họ sẽ nằm vùng trong hàng ngũ Tăng Bảo và sẽ được đặc cách đảm nhiệm những chức vụ cao, những vị trí then chốt có vai trò lèo lái, định hướng sự phát triển của Tăng đoàn, của đạo Phật theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, ngày nay trong hàng ngũ Tăng đoàn sẽ có một lượng lớn Tăng Bảo là hạng xuất gia mượn đạo, tạo đời. Hạng Tăng Bảo này vì hám danh, tham lợi mà xuất gia. Hạng Tăng Bảo này xuất gia chỉ nhằm vào việc kiến tạo chùa to, Phật lớn, tiền của chất đầy, vinh thân, phì gia; Việc trau dồi trí tuệ giác ngộ giải thoát với họ là điều thứ yếu, không đáng quan tâm. Họ sống bằng niềm tin họ đang hộ trì Tam Bảo và lẽ dĩ nhiên công đức, phước báu sẽ tự đong đầy. Thậm chí có cả những vị Tăng Bảo không hề quan tâm công đức, phước báu; họ đang sống thật bằng vào lối sống thực dụng đang thời cực thịnh.
Bởi do đã từ lâu đại chúng học Phật cả Tăng lẫn tục hiểu sai giáo lý đạo Phật, lấy ngụy làm chân; Sự ngộ nhận của người học Phật đã tạo duyên cho việc tu phước bùng phát như nấm mọc sau mưa. Kết quả của việc gieo rắc si mê phước báu ở sự tu học của Tứ chúng học Phật đã làm vùi lấp trí tuệ của người học Phật, người học Phật ngày càng điên đảo, chìm đắm trong muôn điều mê tín, huyễn hoặc.
...
Và trước sự sa đọa hàng loạt ở giới Tăng Bảo ngày nay đã có rất nhiều người học Phật nhận ra được chân tướng của những vị Tăng Bảo vốn không phải là những người xuất gia học Phật thực thụ, những kẻ mượn đạo, tạo đời.
Từ đó, trong lòng của những người học Phật chân chính dấy lên nỗi bi thương khi cho rằng ngoại đạo đã xâm thực đạo Phật và rồi đạo Phật sẽ bị hủy diệt.
Mai này, đạo Phật còn đâu nữa những bậc chân tu, khi tất cả những vị Tăng Bảo đều là những kẻ ngoại đạo đột lốt sa môn. Đạo Phật rồi sẽ về đâu khi sự mục rỗng đến từ bên trong?
...
Các bạn đã đúng rồi đấy. Vì lẽ đó chúng ta hãy đánh thức và đặt giới Tăng Bảo vào đúng vị trí Thanh Văn học Phật với vai trò giữ gìn Kinh Phật, hộ trì Tam Bảo.
Và các bạn hãy nâng tầm góc nhìn ở vị trí max - Vị trí tối ưu, ở góc nhìn đó các bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng hầu hết những vị Tăng Bảo xưa nay đều là ngoại đạo.
Các bạn hãy chú ý cho rằng Ngạo Thuyết nói hầu hết các vị Tăng Bảo đều là ngoại đạo chứ không đơn thuần là các vị ấy trước khi xuất gia học Phật đã từng là ngoại đạo.
Thật vậy! Từ xưa đến nay hầu hết các vị Tăng Bảo đều là ngoại đạo dẫu cho họ có chánh tín xuất gia, nghiêm trì giới luật thì họ vẫn là ngoại đạo. Chỉ khi nào người xuất gia học Phật phát khởi chánh trí, thâm nhập liễu nghĩa kho tàng Như Lai Tạng thì khả dĩ họ mới trở nên là thầy của Trời - Người, là một vị đạo sư Phật môn đúng nghĩa.
Và nơi góc nhìn nâng ở vị trí tối ưu chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận giới Tăng Bảo xưa nay đích thực đều là ngoại đạo. Qua đó, chúng ta và cả giới Tăng Bảo ý thức được rằng không phải chỉ cần quy y Tam Bảo, cắt tóc xuất gia liền trở thành thầy của Trời - Người, trở thành đại diện đúng pháp của đạo Phật.
Do đó, với góc nhìn sáng rõ đại chúng học Phật sẽ không dễ bị hình tướng Tăng Bảo mê hoặc và cũng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận hạt giống đỏ của ngoại đạo đang là lực lượng nòng cốt của Tăng đoàn. Cả thảy đều là ngoại đạo hà tất phải chứa giữ điều kỳ thị, khinh chê.
Chúng ta tôn kính giới Tăng Bảo xuất gia là vì họ là thành phần chính danh được Phật gửi gắm vai trò giữ gìn Pháp Bảo, họ là một trong số ba viên ngọc quý Tam Bảo.
Vì thế chỉ cần giới Tăng Bảo giữ giới nghiêm túc, thường tu phạm hạnh thì họ đã đạt yêu cầu của hàng Thanh Văn học Phật. Dẫu cho họ có là ngoại đạo xuất gia học Phật với tư tâm muốn thâu tóm, lãnh đạo Tăng đoàn hay việc quản lý đại chúng học Phật theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì họ vẫn là một vị Tăng Bảo chính danh.
- Sự tồn tại hạt giống đỏ của thành phần quản lý xã hội ở giới Tăng Bảo liệu có gây ra những họa hại gì? Liệu sự tồn tại của họ có gây ra sự hủy hoại giáo lý giác ngộ giải thoát không?
Một khi chúng ta nhận ra giới Tăng Bảo là thành phần Thanh Văn học Phật và đặt để họ vào đúng với vai trò là thành phần giữ gìn Kinh Phật, hộ trì Tam Bảo thì sẽ không có sự nguy hại lớn nào xảy ra cho đạo Phật cả.
Chỉ khi chúng ta phó mặc trí tuệ và cả con đường giác ngộ giải thoát của chúng ta cho giới Tăng Bảo, chúng ta không tự thắp đuốc trí tuệ mà đi thì mới thật là sự hung hiểm cho đạo Phật.
Và khi chúng ta nhận ra và chấp nhận giới Tăng Bảo là ngoại đạo, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc cảm thông những người đã chọn lựa việc "Cắt ái, ly gia" để học hỏi Phật pháp, gìn giữ ngọn đuốc chánh pháp được lan truyền.
Tương tự như thế, khi đó chúng ta sẽ cảm thông cho những hạt giống đỏ vì lý tưởng cách mạng, vì lý tưởng xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã phải ẩn nhẫn, trà trộn vào hàng ngũ Tăng đoàn, ra sức học hỏi Phật pháp, gắng sức giữ giới để thu phục được sự tín nhiệm của đại chúng học Phật.
Mục đích cuối cùng của những hạt giống đỏ cộng sản trà trộn trong giới Tăng Bảo không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt đại chúng học Phật theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Những vị Tăng Bảo cộng sản còn phải nghe ngóng, nắm bắt thông tin hoạt động của những thành phần phản động, chống phá việc xây dựng đất nước lẩn trốn ở các tổ chức tôn giáo, chùa chiền cũng như nhà thờ. Đây là việc khó làm và đáng trân trọng.
Tại sao Ngạo Thuyết lại cho rằng sự tồn tại của hạt giống đỏ trong giới Tăng Bảo là việc khó làm và đáng trân trọng?
Chúng ta đều biết nước Việt Nam đã từng trải qua những năm tháng trường kỳ kháng chiến rất đỗi đau thương. Dân tộc Việt Nam đã rất gian khổ mới giành được nền hòa bình, độc lập.
Do đó, việc nhà quản lý đất nước Việt Nam e dè sự ẩn nhẫn chờ thời của các thế lực thù địch núp lùm trong các tổ chức tôn giáo là điều đương nhiên.
Vì lẽ đó để đảm bảo việc nắm giữ quyền lực ở vai trò quản lý đất nước các nhà lãnh đạo cộng sản đã tiến hành việc cài cắm cán bộ nằm vùng ở mọi vùng miền, mọi giai tầng xã hội và cả ở các hệ thống tôn giáo; Đây là điều có thể chấp nhận được và không hề sai.
Các đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam đã từng ở trong chăn nên thừa biết những tấm chăn tôn giáo thường luôn có rận.
Tóm lại, việc tồn tại hạt giống đỏ ngoại đạo trong hàng ngũ Tăng đoàn ngày nay là điều không thể tránh khỏi, song ngoại đạo nào cũng chỉ là ngoại đạo. Và khi họ giữ giới nghiêm cẩn, xứng tánh hạnh thì họ xứng đáng được cúng dường.
@ Bây giờ, Ngạo Thuyết sẽ trình bày vấn đề liên quan đến công đức và phước báu.
Thật vậy! Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào.
Ngạo Thuyết vốn là hạng gà mờ học Phật, lại không thầy không bạn nên khi dấn thân học Phật sẽ lần dò góp nhặt thông tin và tri kiến Phật.
Khi buổi đầu tìm đến đạo Phật có hai chữ khiến Ngạo Thuyết chú ý, đó là chữ Tâm và chữ Đạo. Tiếp tục dò tìm thì Ngạo Thuyết biết được chữ Tâm được trình bày ở Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Riêng chữ Đạo thì Ngạo Thuyết không tìm ra bộ Kinh Phật nào nói rành rõ, chuyên sâu.
Lần dò ở đạo Phật mãi tìm không ra chữ Đạo và Ngạo Thuyết đã tìm ra chữ Đạo ở quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Với sự ngây ngô, không chấp chặt ngoại đạo hay đạo Phật, việc tham khảo Đạo Đức Kinh giúp Ngạo Thuyết vỡ ra được nhiều điều. Cơ hồ như chữ Đạo, chữ Đức, chữ Phước,... vốn được trình bày sáng rõ ở sách Đạo Đức Kinh.
Không chỉ vậy, Đạo Đức Kinh còn viết rõ rằng Phước thường sẽ liền kề với Họa. Và Ngạo Thuyết cũng nhận ra Phước là đầu mối của Tham Sân Si Mạn Nghi.
...
Với nhận thức ngu ngơ như thế Ngạo Thuyết khởi lên suy tư rằng không hẳn Kinh Phật sẽ chứa duy nhất những lời Phật thuyết; Rõ thật là ngay như chữ Đạo đã cho thấy giao lý đạo Phật đã vay mượn từ ngoại đạo và một người đã giác ngộ giải thoát hẳn sẽ không dùng Phước Báu, Công Đức để mê hoặc tín chúng.
...
Vụng nghĩ như thế nên Ngạo Thuyết lần dò xem Công Đức, Phước Báu thật sự mang lại lợi ích gì cho giới Tăng Bảo xuất gia và cư sĩ tại gia.
- Công Đức, Phước Báu liệu có mang đến cho Tứ chúng học Phật sự giác ngộ giải thoát không?
Dường như là không. Và Công Đức, Phước Báu cũng không mang lại trí tuệ cho người học Phật. Thậm chí Công Đức, Phước Báu còn khiến người học Phật đắm nhiễm trong việc hùn phước, xây chùa, độ Tăng, phóng sanh, cầu nguyện một cách mê mê và làm vùi lấp cả định huệ của người học Phật.
Ngẫm nghĩ đến đây, Ngạo Thuyết ngỡ ngàng - Ô hay! Sao kỳ lạ vậy? Dường như có cái gì đó sai sai...
Ngạo Thuyết lại tiếp tục truy nguyên nguồn cội. Thời Phật Thích Ca tại thế, người xuất gia ngày ăn một bữa, ba y một bát, ngã đâu là nhà, ngủ đâu là giường thì Phật Thích Ca thuyết Công Đức, Phước Báu làm gì?
Truyền thống của người dân ở các nước thuộc lưu vực sông Hằng từ trước thời Phật Thích Ca tại thế là cúng dường cho giới Tu sĩ bất kể tôn giáo, đạo phái nào; Trong mắt của những người dân tín ngưỡng tâm linh ở các nước quanh lưu vực sông Hằng thì giới Tăng sĩ, Bà La Môn,... là sứ giả, là hiện thân của những vị Thần linh.
Do đó, Phật Thích Ca và Tăng đoàn học Phật chân chính không cần việc rêu rao Công Đức, Phước Báu mới có cái ăn, cái mặc; Và họ cũng không cần đến những giảng đường cao rộng hay việc được ăn ngon, mặc đẹp,... Những dục lạc dễ sinh điều ràng buộc, việc rơi vào lợi dưỡng, danh tiếng và cả việc bị chôn chân ở một chỗ không đúng với cứu cánh sa môn hạnh.
Vậy ra Công Đức, Phước Báu khó thể là sản phẩm của người sáng mắt, người học Phật chân chính.
...
Vừa rồi, Ngạo Thuyết có được một thông tin từ một người bạn ở Châu Âu cho biết rằng có vị Tăng Bảo người Đức đã về lại ngôi chùa mà anh ta đã thọ giới để xin xả giới hoàn tục. Nguyên nhân của việc người Tăng Bảo này xả giới là vì dịch bệnh Covid - 19 lây lan và người Âu Mỹ không có truyền thống cúng dường nên đời sống người tu sĩ Phật giáo phương Tây khá chật vật.
Vậy nên truyền thống cúng dường là tùy thuộc vào vùng miền lãnh thổ chứ không do việc tuyên truyền PR cái gọi là Công Đức, Phước Báu.
...
Chúng ta lại được nghe việc cúng dường, bố thí, niệm Phật, tụng Kinh, trì chú, phóng sanh, cầu nguyện, độ Tăng, sám hối, cầu nguyện, bố thí pháp,... sẽ mang lại Công Đức, Phước Báu rất lớn lao. Những điều này gần như là chủ thuyết, là tâm pháp của người học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay.
Và chúng ta hãy nhìn sang các nước Âu Mỹ, đây là những nước có sự phát triển của Công Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo,... để thấy sự hiện đại, văn minh và giàu có.
Chúng ta hãy đánh giá xem "Phải chăng đã có cái gì đó sai sai vể Công Đức và Phước Báu?".
Chúng ta hãy nhìn sang các nước có đạo Phật là quốc giáo thuần khiết để nhận ra sự chậm tiến, đói nghèo, kém văn minh ở những nơi đấy - Campuchia, Myanma, Srilanka, Nepal,... Hóa ra Công Đức, Phước Báu ở đạo Phật có nghĩa gì đâu.
Chúng ta là những người học Phật và rất nhiều người trong chúng ta khinh chê ngoại đạo, tán thán Công Đức, Phước Báu của sự nghiệp học Phật.
Nhưng thực tế là sự yếm thế, cực đoan, vị kỷ ở đạo Phật đã đang sẽ hủy hoại đạo Phật và làm chậm tiến sự phát triển xã hội. Đây là điều mà người học Phật thuộc thế kỷ 21, 22 khách quan nhìn nhận; Nhìn nhận ở góc nhìn tổng thể, toàn diện. Việc gì rơi vào thái quá hoặc cực đoan đều sẽ gây ra sự phản tác dụng.
- Tại sao đất nước Việt Nam tựa như lấy đạo Phật làm quốc giáo lại có sự phát triển về Kinh Tế - Khoa Học - Kỹ Thuật - Giáo Dục có vẻ hiện đại, văn minh hơn so với các nước có đạo Phật là nền quốc giáo thuần khiết?
Chúng ta cần phải tôn trọng sự thật, sự thật là không phải do Công Đức, Phước Báu của đại chúng học Phật Việt Nam mà đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển như thế.
Nếu người Việt Nam chỉ biết việc cúng dường, bố thí, niệm Phật, tụng Kinh, trì chú, phóng sanh, cầu nguyện, độ Tăng, sám hối, cầu nguyện, bố thí pháp,... thì chắc chắn rằng đất nước Việt Nam khó tránh khỏi việc đói nghèo, kém phát triển.
Thực tế là cuộc xâm lược của Thực dân Pháp đã khai sáng dân tộc Việt Nam. Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ đã góp phần bứng dân tộc Việt Nam ra khỏi nền văn minh lúa nước lạc hậu, chậm tiến.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ khiến người Việt Nam khôn ra và kích hoạt tinh thần tự lực, tự cường.
Rồi giai đoạn lịch sử bao cấp lại đẩy dân tộc Việt Nam vào tận cùng của sự đói nghèo, thiếu thốn.
Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã ra sức kéo người Việt Nam ra khỏi những tín điều mê tín dị đoan, rời xa luôn cả những tín ngưỡng tâm linh ủy mị, lệ thuộc Thần linh.
Việc ra sức xóa bỏ sự ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm và thay bằng chủ nghĩa duy vật đã góp phần khiến người Việt Nam hăng say lao động, phát huy sáng kiến, sống theo ý chí có làm thì mới có ăn - Những nền tảng cho sự phát triển lối sống thực dụng.
Với những nền tảng thực dụng khi Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa đã mau chóng hội nhập với sự phát triển công nghệ của quốc tế. Nhờ vào tính thực dụng ở toàn dân mà đất nước Việt Nam đã phát triển thần tốc so với những nước có nền quốc giáo là đạo Phật. Chính ngoại đạo đã làm nên sự lột xác phát triển của đất nước Việt Nam.
Và ngoại đạo cũng đã đang đẩy dân tộc Việt Nam vào chủ nghĩa thực dụng, mở ra một lối sống khốn cùng cho người Việt ở tương lai gần.
...
Bần cùng sinh đạo tặc, Phú quý sinh lễ nghĩa. Đạo Phật ở Việt Nam trỗi dậy khi đời sống bon chen, giành giật đẩy người Việt tìm đến những bến đỗ, những ngôi nhà tâm linh.
Và việc hiểu sai chánh pháp đã khiến người học Phật cả Tăng lẫn tục PR cho Phước Báu, biến Phước Báu thành niềm tin Thần Thánh. Người học Phật và đất nước Việt Nam sẽ về đâu sau những sự dối trá ngọt ngào?
Nghiêng về đạo cũng hỏng; Lệch về đời cũng hư. Tìm đâu trung đạo?
...
Có người đã nhắc nhở Ngạo Thuyết là Công Đức, Phước Báu là ngón tay chỉ mặt trăng. Ngạo Thuyết không hiểu hay sao mà vọng chấp, trách cứ Công Đức, Phước Báu là sự dối trá ngọt ngào.
Ồ! Ngạo Thuyết thì chẳng chấp chi cả, Ngạo Thuyết chỉ tùy thời nói nín.
Và chúng ta phải chăng đã quá mê hoặc phương tiện Công Đức, Phước Báu rồi tự huyễn chính mình?
Chúng ta đã cúng dường, bố thí, niệm Phật, tụng Kinh, trì chú, phóng sanh, cầu nguyện, độ Tăng, sám hối, cầu nguyện, bố thí pháp... để vọng cầu phước báu. Chúng ta chỉ là thả con săn sắt bắt con cá rô, thả con tép bắt con tôm,...
Chúng ta ra sức tích lũy Công Đức, Phước Báu không vì tâm Từ Bi Hỷ Xả. Do đó, chúng ta hiện không phải là đang tích lũy những tánh hạnh tốt mà chúng ta đang nuôi lớn chủng tử toan tính, 5 lừa 10 lọc; Những hạt giống hư xấu này sẽ chèn ép tâm Từ Bi Hỷ Xả và trở thành nghiệp lực đeo đuổi, vùi lấp định huệ của những người học Phật lầm đường.
Và người học Phật cả Tăng lẫn tục đang PR, đang tiếp thị cho cái bánh vẽ Phước Đức, chúng ta đang xô đẩy đời nhau vào những nẻo thâm u. Quả thật là bánh vẽ chẳng thể no lòng.
...