Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa !
“ Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng. Các bậc cao tăng thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tiền, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc; nay chỉ còn lại bóng mờ, và quên lãng.”
“Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma Vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức.”
Thích Tuệ Sỹ
Đôi nét về Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tên thật là Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2, 1943 tại tỉnh Pakse, nước Lào, nguyên quán Quảng Bình, Việt Nam.
Từ năm 6 tuổi Thầy đã thọ giới Sa Di ở Huế. Năm 12 tuổi Thầy về Sài Gòn, sau đó trở lại tu học tại chùa Từ Đàm ở Huế, Phật Học Viện ở Nha Trang, rồi về thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Gò Vấp. Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965. Thầy được đặc cách bổ nhiệm Giáo Sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị rất cao, như Đại Cương Về Thiền Quán, Triết Học Về Tánh Không. Thầy rất giỏi về chữ Hán và biết nhiều ngọai ngữ như Anh, Pháp, Đức, thông thạo tiếng Pali và tiếng Phạn.
Thầy Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa. Thầy làm nhiều thơ, chơi dương cầm, viết một số truyện ngắn đặc sắc. Thầy ở trong Ban Biên Tập của tạp chí Khởi Hành và là chủ bút tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Thầy say mê hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật, chứa đầy những vị Bồ Tát xả thân vào đời để cứu nhân độ thế. Với những ảnh hưởng cao đẹp của các vị đó, Thầy Tuệ Sỹ đã xả thân cứu đời, tích cực tranh đấu ôn hòa cho quyền của con người và bảo vệ Phật Pháp từ năm 1975. Và thầy đã trở thành một cái gai trước mắt nhà cầm quyền .
Sau năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ về Nha Trang làm rẫy. Đến năm 1977 Thầy vào Sài Gòn sống ở chùa Già Lam. Đầu năm 1978, Thầy bị nhà cầm quyền bắt giam trong nhà tù cải tạo cho tới đầu năm 1981.
Ba năm sau Thầy lại bị bắt cùng với giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 17 tăng ni trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày vào cuối tháng 9 năm 1988, không có luật sư biện hộ, toà án đã kết án tử hình hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu vì tội âm mưu võ trang lật đổ chính quyền qua việc lập ra tổ chức Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam. Chùa Già Lam bị công an vây bắt người, tịch thu tài sản.
Nhờ sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai. Tháng 10, 1994, cùng với 200 tù nhân, Thầy tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và đòi hỏi các quyền khác, nên bị đầy ra Bắc. Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards ngày 3 tháng 8, 1998.
Năm 1998, Hà Nội phóng thích thầy cùng với một số người khác. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu Thầy ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch Trần Đức Lương. Thầy trả lời, “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt thực. Cuối cùng Hà Nội đã phải phóng thích Thầy sau 10 ngày tuyệt thực.
Tháng 4 năm 1999, Hòa Thượng Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đề cử Thầy Tuệ Sỹ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Ngày 14-9-1999 Công An bắt Thầy lên trụ sở làm việc về “những hành động phạm pháp” phát hiện trong máy vi tính của Thầy bị tịch thu. Thầy Tuệ Sỹ phản đối những lời vu cáo của Công An trong khi bị thẩm vấn.
Với trách nhiệm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thầy Thích Tuệ Sỹ hiện nay là một trong những nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là người đóng góp rất nhiều cùng với nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ trong công cuộc đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Trong mấy năm gần đây, Hòa Thượng Tuệ Sỹ đã rời chùa Già Lam, lên sống ở Lâm Đồng. Hay như lời viết của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (ở San Diego) trong một bài viết đầu năm 2017: “Tuệ Sỹ - Người gầy trên quê hương điêu tàn. Tuệ Sỹ - Người ẩn mình dưới lòng hố thẳm hun hút, Tuệ Sỹ - Trên đỉnh Trường Sơn chót vót sương mù, mây trắng. Những hình dung từ tiêu biểu cho một con người như còn lảng vảng đâu đó, náu mình trong khói đá. Ẩn hiện trên khói sóng. Nhấp nhô trên những lượng nước bạc đầu của đại dương. Hiển hiện trên quê hương điêu tàn. Núp sâu trong lòng người khốn khó. Ngày cũng như đêm luôn có ở những nơi đó. Có như một linh hồn mục nát, đọa đày giữa muôn triệu linh hồn đau thương, gầy guộc. Luôn kêu gào thấu trời xanh, nhưng những kẻ quyền uy tham vọng ở nơi đó vẫn bịt tai, nhắm mắt như loài khỉ nhảy nhót trên cành cây vô lương tri. Như bầy thú hoang dẫm nát núi rừng nơi chúng ở.”
Phật Pháp tại thế gian chẳng lìa thế gian giác.
Mọi thứ đều không ra ngoài nhân quả. Tạo ác gặp ác , gieo thiện được thiện.
Người xưa nói sinh ra được làm người là quí.
Làm người mà đầy đủ lục căn không bị khiếm khuyết là quí.
Làm người mà được làm Thầy là quí….
Đức Phật cũng nói : con người sau khi chết, tái sinh lại làm người thì chỉ như ít đất dính nơi móng tay.
Thế mới biết nhân quả như hình với bóng. Thiện giả thiện báo , ác giả ác báo.
Hôm nay nhân đoạn video về vụ bạo hành các em nhỏ được đăng tải trên mạng intenet tại thành phố Hồ Chí Minh, Dũng tôi xin mạo muội nói một chút về nhân quả, trong cái nhìn của người học Phật. 
Kính thưa tất cả mọi người, chúng ta hãy bắt đầu từ việc kiếm kế sinh nhai , tồn tại và thể hiện những gì mà con người được thừa hưởng những gì có sẵn hơn tất cả những loài khác . đó là tư duy và biết phân biệt thiện ác.
Hãy nhìn vào thự tế, đồng là miếng cơm manh áo mà có biết bao con người phải lam lũ chật vật chạy ngược chạy xuôi trong một ngày , thức khuya dậy sớm, vay dật khắp nơi, thậm chí phải cầm cố mọi thứ, còn có cả những trường hợp cầm vợ, cầm con , bán trâu, bán bò…. Mà vẫn cứ hoài hoài đói khổ. Lại nữa không ít những người vì đường cùng không lối thoát, đâm ra nói dối lừa gạt mọi người chẳng kể thân tình , anh em ruột thịt, lại cũng có người nổi lòng gian ác , cướp của diết người, tạo muôn vàn nghiệp xấu.
Nay nhìn vào mấy người bảo mẫu . thật là một điều may mắn mà không phải ai ai trong số những con người mới có được. Vừa được một công việc làm chẳng đầu tắt mặt tối, dãi nắng dầm mưa, vừa có cơ hội thực hành thiện tâm gieo nhân lành, tạo quả phước sau này, lại vừa được xã hội quan tâm quí trọng … trong cùng đồng thời một suy nghĩ và việc làm không hai và không sai biệt.
Tôi nghĩ rằng nhờ có phước lành mà mấy người bảo mẫu đó mới có cơ duyên được làm bảo mẫu của các cháu nhỏ. Những thiên thần bé nhỏ hồn nhiên trong lành đã là niềm cảm hứng và là động lực cho những người bảo mẫu trẻ có cơ hội thực hành làm một bà mẹ hoàn hảo , có cơ hội để khảo nghiệm những tình cảm yêu ghét với con người của chính mình, có cơ hội để nói lên tiếng nói và giá trị nhân bản , khẳng định những giá trị đạo đức nhân phẩm nơi con người, cùng với quan điểm cộng đồng của một xã hội. cơ hội đem lại niềm vui mà không có việc làm nào lại có nhiều hạnh phúc, và chân chính hơn là dạy dỗ con người, nhất là ngay từ thuở ấu thơ của các cháu.
Tôi là người trực tiếp chăm cháu nhỏ trong gia đình, được gặp gỡ nhiều cô giáo dạy cháu, đương nhiên không phải ai cũng thấu hiểu và thấy vinh dự của nghề nghiệp và có tấm lòng nhân hậu. nhưng có nhiều cô giáo đã làm tôi rất xúc động. nhiều khi tôi có ước muốn nếu tôi là một người giàu có , tôi sẽ bù đắp cho các cô giáo ấy phần nào về vật chất , nhưng mà quả thực mình không có điều kiện làm việc đó . và chỉ có chút tấm lòng nghĩ về các cô giáo với một niềm kính trọng.
Trở lại với sự nghiệp mà ở mỗi người đã có ít nhiều may mắn trên bước sinh tồn, mà ở đó mỗi việc làm , hành động , suy nghĩ đều là việc tạo tác gieo nhân thiện , ác để tương lai sẽ phải phải chịu nhân quả.
Đấy! ngay nơi thực tế của các bảo mẫu trong video là chứng tỏ sự suy nghĩ và hành động thiếu hiểu biết , sự chà đạp, đánh đập, bạo hành các em bé đã đem lại một hậu quả mà các bảo mẫu phải gánh chịu , là phải đối diện với pháp luật. nhưng cái thiệt thòi và đánh mất lớn lao nhất là đã bỏ lỡ cơ hội có thể là nhiều đời chưa chắc đã gặp. một điều may mắn cho ai đó được thực hành những giáo pháp của Đức Phật ngay trong việc làm trồng người như những bảo mẫu đã có được. một may mắn hiếm có để cho ai đó sớm được thoát khỏi những khổ đau đã trải qua bao kiếp sống, để đến với cõi giới tràn đầy niềm vui , an lạc trong tương lai. Vâng nói về nhân quả thì không bao giờ hết. chỉ tạm đưa ra cái hiểu thiển cận của bản thân để cùng mọi người đóng góp và chia sẻ.
Lời cuổi chỉ mong rằng, nếu ai đó là bảo mẫu , cô giáo của các thiên thần bé nhỏ vào đây đọc những dòng này, hãy vững tin vào con đường và sự nghiệp mà phước báu ngàn đời mới có được, đừng bỏ lỡ cơ hội thực hành giáo pháp của Đức Phật trong sự nghiệp dạy người và giải thoát chính mình ra khỏi vô minh , đau khổ. Nhân loại nhờ cậy vào các chị , các cô giáo và bảo mẫu hiền lành nhân hậu và đầy trí tuệ.
Cám ơn mọi người đã đọc bài này
Bạo Hành Trẻ Em ở Quận 12 Trường Mầm Xanh

Giác ngộ là nhìn thấu sự thật, và hiểu rõ chính mình cần làm như thế nào ....
Chỉ cần Đạo Phật hãy làm những gì theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là được. muốn vậy người xuất gia là Tăng Bảo, phải thực sự là những tấm gương trong sạch nhất , xứng đáng là những con người có phẩm hạnh cao nhất, phải lấy phụng sự tha nhân làm mục đích của đời sống tu hành và giác ngộ., thực hành và giáo hóa chúng sinh trên nền tảng cơ bản của giáo lý đích thực mà Đức Phật để lại. phải loại bỏ mọi suy nghĩ và lối sống thế tục ra ngoài đời sống tu hành của toàn bộ người xuất gia. mọi hình thức sinh hoạt quản lý, gìn giữ và phát triển Đạo Phật, phải lấy giác ngộ là mục đích của người tu học từ xuất gia đến tại gia. phải thực sự làm sáng tỏ chân lý mà Đức Phật đã hướng dẫn tất cả con người có thể thoát khỏi khổ đau và sống chan hòa hạnh phúc bên nhau , bất kể là màu gia , chủng tộc, hay ranh giới giữa các quốc gia với nhau. lấy từ bi , trí tuệ để ứng xử với tất cả mọi tình huống bất đồng trong cuộc sống, lấy sự buông xả , hy sinh vô điều kiện lợi ích cá nhân,đặt lợi ích dân tộc , cộng đồng nhân loại lên trên hết. thực sự hướng dẫn con người thực hành đúng, giáo pháp của đức Phật để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho nhân loại. Người Tu sĩ, phải thật sự mẫu mực, là ngọn đèn chiếu rọi vào mọi góc khuất tối tăm nơi cuộc sống, làm sống lại giáo pháp Từ Bi Hỉ Xả của Đức Phật.... được vậy thì như quốc gia vững vàng không cần nghênh chiến mà kẻ thù cũng phải lui. Trong ngoài hòa hợp, là con đường tiến đến ở mỗi quốc gia, dù cho là đạo nào mà đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, đi ngược lại những gì mà con người và thiên nhiên có cái quyền cơ bản là phải được sống yêu thương và cùng nhau tồn tại , phải khẳng định vạn sự là do chính con người quyết định sự khổ đau hay hạnh phúc, thiên nhiên có cùng chung sống với chúng ta hay không cũng là do con người quyết định. và một quy luật bất khả kháng là mọi suy nghĩ và hành động của con người , hay của một nhóm người , hay một tôn giáo , hay một đạo đều không nằm ngoài nhân và quả. nếu Đạo nào mà đi ngược lại qui luật đó, đi ngược lại sự bình an hạnh phúc, mà không giải thoát mọi khổ đau về thể chất và tinh thần của nhân loại, mà lại áp đặt vào cuộc sống nhân sinh những triết lý mơ hồ, thiếu thực tế, không mang tính bình đẳng và tôn trọng ý chí tự do chọn lựa nơi con người, mà ngược lại , là lợi dụng lòng tin, sự thật thà và thiếu hiểu biết của đại đa số những người mù quáng mà thực hiện lòng tham , ích kỷ , sa đọa trước mọi cám dỗ của cuộc sống thì chắc chắn sẽ như tự mình uống thuốc độc và chờ ngày ....... và cuối lời chỉ nhắn với mọi người là kẻ thù nguy hiểm nhất chính là mình. hi vọng Đời - Đạo - Tôn Giáo, tôn trọng , ôn hòa và cùng nhau phát triển để phụng sự nhân sinh, như khát khao, hạnh nguyện của mọi Thánh Nhân đã từng có mặt trên thế gian này

Chúc Mừng Năm Mới






Giáo viên bất bình vì phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối
Trước hết tôi xin mời tất cả những ai là giáo viên - giáo dục, hãy đọc trích đoạn một tác phẩm . Tâm & Đạo - Ajahn Sumedho.
Chương 17
GIÁO DỤC CON NGƯỜI VỀ CUỘC ĐỜI
"Trong tiếng La tinh, "giáo dục" là "educere," có nghĩa là "dẫn đến" hay "hướng đến." Hiểu được nghĩa gốc của từ nầy, chúng ta có thể suy rộng ra ý nghĩa của hai chữ "giáo dục". Nếu giáo dục là "dẫn dắt hay hướng con người đến một cái gì đó" thì nó sẽ dẫn và hướng chúng ta đến cái gì? Mục tiêu của người làm giáo dục là gì? Tôi cũng xin nói thêm về ý nghĩa của giáo dục, cụm từ "hướng dẩn con người" gợi cho chúng ta một cái gì đó nhẹ nhàng phải không các bạn? Khi bạn hướng dẫn người nào đó, bạn không thể ép buộc họ. Và muốn hướng dẫn ai đó, bạn phải là tấm gương để họ kính trọng và tự nguyện noi theo.
HƯỚNG DẪN BẰNG CÁCH LÀM GƯƠNG
Không ai muốn học bất cứ điều gì, cho dù đó là những ý tưởng cao đẹp nhất, từ một ông thầy mà bản thân ông ta không sống và thể hiện thật sự những gì ông ta thuyết giảng. Dưới con mắt của học trò, ông ta chỉ là một người đạo đức giả. Chúng ta chán ghét và phẫn nộ khi có ai đó bảo chúng ta phải sống tốt trong khi bản thân họ lại xấu xa đê tiện. Vì thế, nếu người làm giáo dục mà không xứng đáng với vai trò của họ, thì thay gì hướng dẫn, họ phải ép buộc và cưỡng bức người khác. Kết quả là chúng ta sẽ có một nền giáo dục áp đặt, mua chuộc, và chỉ biết kích thích bản năng ganh đua và tranh chấp giữa con người.
Phần lớn ai cũng có xu hướng muốn chứng tỏ mình giỏi hơn người khác. Khi khuynh hướng nầy được khuyến khích trong giáo dục, nó sẽ kích thích mạnh mẽ sự ganh tỵ, mặc cảm tự ty, hay thái độ tự mãn và tự tôn giữa con người với nhau. Đây là những tình cảm sẽ đưa con người đến khổ đau và tuyệt vọng. Trong hệ thống giáo dục dựa trên sự tranh đua, điều quan trọng là phải thắng lợi và thành đạt, và trong cuộc đua nầy, chỉ có một người được thắng cuộc. Nhưng hệ thống giáo dục dựa trên sự đoàn kết và hợp tác sẽ giúp mọi người phát triển tiềm năng để trở thành hữu ích cho bản thân họ và xã hội. Vì thế, trong nền giáo dục lấy sự đoàn kết và hợp tác làm căn bản, việc giáo dục hay "hướng dẫn con người" cũng có nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến từng con người cá nhân trong đó.
Trong đời đi học, tôi đã gặp nhiều vị thầy không thật sự làm đúng bổn phận của "người hướng dẩn." Vì ai cũng phải đi làm để sống nên nhiều người đã chọn nghề dạy học để sống. Khi hồi tưởng lại những ngày đi học, tôi nhớ là có rất ít vị thầy đã thật sự cống hiến đời mình cho học trò và hiếm khi họ là những người thật sự đáng kính trọng. Nhưng thông thường, nhà trường cũng không đòi hỏi các thầy giáo phải trở thành những người hướng dẫn xứng đáng. Trường học chỉ trả lương để các thầy dạy học trong một thời gian rồi sau đó về nhà nghỉ Trong môi trường đó, người thầy sẽ xem dạy học là để kiếm tiền như bao nhiêu việc làm khác, thay vì là cái nghề mà qua đó, họ có thể hiến dâng và phục vụ cho xã hội.
Các thầy giáo và trường học nên thấy rằng giáo dục là một cái gì đó cao hơn là việc đào tạo nghiệp vụ. Tuy các thầy cô không phải là nam hay nữ tu sĩ, nhưng nhiệm vụ của họ cũng gần giống như thế, đó là hiến dâng và bố thí. Họ phải có tâm nguyện cao cả để trở thành người hướng dẫn xứng đáng; họ phải được người khác kính trọng và tin tưởng. Đây là thể hiện quan trọng nói lên bản chất của xã hội, phải không các bạn? Xã hội cần có những người công dân gương mẩu, không những gồm các tu sĩ mà cả thầy giáo, các vị có nghiệp vụ chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, luật sư, và công chức nhà nước -- thậm chí cả vị Thủ Tướng hay Tổng thống và tất cả những công dân bình thường ở lứa tuổi trưởng thành.
GIÁO DỤC LÀ CÁI GÌ CAO HƠN VIỆC ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ
Lý tưởng mà nói, giáo dục phải chuẩn bị cho con người đi vào cuộc đời. Nhưng thông thường người ta chỉ nhìn giáo dục như một quá trình dạy cho học sinh biết đọc và biết viết. Mục đích của giáo dục thường chỉ là dạy học sinh học hành, thi cử đỗ đạt, kiếm được việc làm, và làm ra tiền rất sớm. Ngoài ra, nó không chuẩn bị con người khả năng đối diện với tuổi già hay thất nghiệp. Trong chừng mực nào đó, giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của nhiều người vì nó không chuẩn bị cho họ gì hết ngoại trừ tìm được việc làm.
Nhưng có được việc làm chỉ là một phần của cuộc sống. Chúng ta chỉ làm việc một số giờ nào đó trong ngày, và một số năm tháng nào đó trong đời. Và hiện nay, xã hội đang phát triển theo hướng là sẽ giảm số giờ và số năm làm việc của con người; hiện nay, người ta có khả năng về hưu sớm. Nhưng cũng chính khả năng nầy lại làm cho nhiều người lo sợ. Họ than vãn, "Tôi sẽ phải làm gì với thời giờ còn lại nếu phải về hưu lúc năm mươi lăm tuổi?" Các tu sĩ Phật giáo không thể nghỉ hưu lúc năm mươi lăm tuổi. Lúc năm mươi lăm tuổi, tôi xin phép về hưu nhưng Giáo hội đã từ chối. Tuy nhiên, đối với những người không phải là tu sỉ, khả năng không phải làm việc suốt đời là có. Đây là khả năng có thật.
Tuy nhiên, chúng ta luôn xem thất nghiệp là con bệnh của xã hội. Chúng ta thường nói, "Nạn thất nghiệp thật là kinh khủng", chứ không bao giờ nói, "Thất nghiệp là điều tốt và đáng mừng vì công nhân sẽ không phải làm việc trong những hãng xưởng hay văn phòng buồn bã và tẻ nhạt nữa, không phải lập đi lập lại những công việc nhàm chán, thiếu hứng thú và chỉ mang lại bực bội và phiền não." Chúng ta không cho thất nghiệp là điều đáng hoan hỷ; chúng ta cho đó là cái gì rất kinh khủng. Khi có thất nghiệp, chúng ta tự trách là đã không làm tròn trách nhiệm đối với giới trẻ vì đã không tạo cho họ những việc làm mà thực chất là nhàm chán, lập đi lập lại, và không hứng thú chút nào, và qua đó đã không giúp họ kiếm ra tiền. Nền giáo dục hiện đại làm cho chúng ta tin rằng nếu không làm ra tiền, thì về thực chất, chúng ta không làm gì cả. Trong mức độ nào đó, nhân phẩm chúng ta sẽ bị hạ thấp hoặc chúng ta sẽ mất hẳn giá trị làm người.
Nền giáo dục hiện đại không giúp chúng ta tìm hiểu những giới hạn của đời sống con người. Nó không nêu những vấn đề như, "Đời sống là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của con người sống trên trái đất nầy là gì?" Những câu hỏi đại loại như trên đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và quán tưởng; Chúng ta phải mở rộng tâm thức để tiếp nhận và ý thức về những tình cảm, tư duy, kinh nghiệm, và cảm giác của chúng ta -- nói khác đi, để tiếp cận với những giới hạn của kiếp sống con người. Nếu không biết giới hạn của mình, chúng ta sẽ không tự lượng được sức và dễ đi đến chỗ quá đà. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ bị mặc cảm tự ti và co rút lại trong đời. Cả hai thái cực nầy đều dẫn con người đến những khó khăn tâm lý và tình cảm về sau nầy.
Trong con người thường có nhiều loại xung lực tâm lý, có loại tốt đáng được trân trọng; có loại xấu cần loại bỏ. Những xung lực tâm lý nầy nối kết với nhau thành một chuỗi liên tục từ cái cao thượng nhất đến cái hạ tiện nhất. Vì thế, trong khi hành thiền và thực hành giáo Pháp, chúng ta sẽ tiếp cận và làm quen với những xung lực tâm lý đáng được trân trọng bên trong chúng ta. Thấy được những xung lực tâm lý nầy trong nội tâm và tìm cách thể hiện chúng ra trong cuộc sống là điều rất quan trọng. Suy nghĩ và quán tưởng về những vấn đề như "Làm người trong xã hội nầy, tôi phải sống như thế nào? Như một người cha, mẹ, vợ, chồng, thầy giáo, luật sư, nhà kinh doanh, người buôn bán, thợ thủ công, hay bất cứ nghề nào đi nữa, tôi nên sống như thế nào? Làm sao tôi có thể hướng những khả năng và đức tính của mình đến những mục tiêu mà tôi hằng kính trọng?" là rất quan trọng. Khi nêu lên và tìm giải đáp cho những câu hỏi này, đó chính là lúc mà chúng ta đang "giáo dục" hay "hướng dẫn" chúng ta về cuộc đời và hướng cuộc đời chúng ta đến những mục tiêu cao cả; lúc đó nhận thức của chúng ta sẽ thống nhất và hòa làm một với Sự Thật và Sự Thánh Thiện.
Ngược lại, chúng ta có thể đưa một cá nhân hay cả một dân tộc vào con đường sai lầm. Tâm chúng ta có thểđầy ấp với những mê tín dị đoan hay với những niềm tin và nhận thức hoàn toàn sai lạc về cuộc đời.
Khác với những xã hội sơ khai, xã hội hiện đại dễ đi vào con đường sai lầm. Trong thế giới hiện đại, môi trường sống của con người ít nhiều rất giả tạo và có nguy cơ là sẽ cắt đứt chúng ta khỏi quá trình phát triển tự nhiên của cuộc sống; để cuối cùng chúng ta sẽ rơi vào những tháp ngà đầy ô nhiễm và ảo tưởng. Chúng ta có thể xem thường những bộ lạc sơ khai, cho thế giới của họ là đầy dị đoan và mê tín, nhưng chúng ta nên nhớ rằng họ vẫn sống gần gủi với thiên nhiên. Thế giới quan của họ có thể khác với chúng ta, nhưng họ rất ý thức, tỉnh giác và thường xuyên sống nhu thuận và hòa hợp với môi trường tự nhiên chung quanh.
Khi nền văn minh hiện đại phát triển và con người bị tác động bởi những hệ tư tưởng khác nhau, chúng ta có khuynh hướng bị lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi xem truyền hình, tâm chúng ta chỉ tiếp thu những loại tin tức rác rưởi và vô ích. Chúng ta sống một thế giới hoàn toàn giả tạo và quên hẳn đi những dòng vận động tự nhiên của trái đất nầy. Thậm chí, chúng ta mất hẳn liên hệ với thân thể vật chất của chính mình. Nếu không nhờ gia đình, truyền thống tôn giáo, hay nhà trường nhắc nhở, chúng ta sẽ mất hẵn ý niệm về sự thiêng liêng của cuộc sống; chúng ta sẽ bị chìm đắm trong những thú vui thô thiển của ngũ dục, những trò tiêu khiển giải trí, hay những cuộc phiêu lưu tình cảm. Và dĩ nhiên, sau khi đắm mình trong những dục lạc trên, chúng ta sẽ càng điên loạn và sụp đổ tinh thần. Tất cả những vấn đề của xã hội hiện đại đều bắt nguồn từ những ô nhiễm và ảo tưởng trong tâm chúng ta và từ việc chúng ta đã mù quáng chấp nhận những cái giả tạo mà xã hội nầy cung cấp.
Trở lại chuyện về Đức Phật, Ngài luôn khuyên các tu sĩ vừa thọ giới tỳ kheo nên vào rừng để sống. Ngài khuyên như thế với mục đích gì? Hãy tưởng tượng khi ngắm cảnh núi rừng, tâm bạn sẽ như thế nào? Kinh nghiệm của riêng tôi cho thấy là khi nhìn và tiếp cận với thiên nhiên chưa bị tàn phá, chưa bị hoen ố bởi dục vọng và lo sợ của con người, tôi thường cảm thấy bình an và thanh tịnh. Cùng thế ấy, nếu sống lâu trong rừng, bạn sẽ cảm thấy an tịnh. Cây cỏ và đời sống ở rừng không làm ô nhiễm tâm chúng ta. Chúng chỉ là chúng; chúng không giả vờ và ngụy tạo. Trong khi đó, rất nhiều điều mà con người tạo tác, xây dựng, hay tái tạo lại giả tạo và khó có thể mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn chúng ta.
GIÁO DỤC VỀ TÍNH CHẤT CHUNG NHẤT CỦA CON NGƯỜI
Tuy nhiên, xã hội hiện đại cũng có thuận lợi của nó. Nhờ vào khoa học kỹ thuật mà chúng ta có được cái nhìn toàn cầu. Luân Đôn không xa Băng Cốc, Hoa Thịnh Đốn, hay bất cứ nơi nào khác trên trái đất nầy. Đã có thời nước Anh chỉ dành cho người Anh; phần đông dân chúng Anh theo đạo Ky Tô, và thuộc Giáo Hội Anh Quốc. Lúc đó người Anh rất dễ đoàn kết, vì họ có chung một văn hóa, tôn giáo, và giá trị đạo đức. Nhưng hiện nay, nước Anh đã mất đi sự thống nhất và ổn định đó. Không ai biết được những mong ước, cảm nhận và sở nguyện của phần đông dân chúng Anh hiện nay. Sự thống nhất và đoàn kết về tôn giáo không còn nữa. Nước Anh trở thành đa tôn giáo, đa màu da, đa nguyên và đa dạng trong mọi lãnh vực. Và trong chừng mực nào đó, đây cũng là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới.
Xu hướng đa nguyên này có những thuận lợi và bất thuận lợi. Một trong những bất thuận lợi là sự rối loạn và mất phương hướng của xã hội. Xã hội Anh có những lý tưởng của nó; Người Anh cũng muốn làm những điều đúng đắn và hợp lý. Chắc chắn nó không phải là một xã hội hạ tiện, ích kỷ, chỉ biết bo bo bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng hiện nay nước Anh đang mất hướng vì cơ sở chung của toàn xã hội đang sụp đổ. Các giai cấp và tôn giáo không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Không ai đồng ý với ai về bất cứ vấn đề gì.
Trên thế gian nầy, không có yếu tố chung nào hết giữa con người với nhau ngoại trừ cái "chất người" trong mỗi con người chúng ta. Là con người, chúng ta đều có chung một loại đau khổ. Đó là tất cả chúng ta đều sẽ già, bệnh, rồi chết. Tất cả chúng ta đều sầu bi và khổ não, cho dù chúng ta nói những thứ tiếng khác nhau, có hình dáng khác nhau, cách thức ăn uống khác nhau, và những phản ứng khác nhau với cuộc đời. Vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ về cái "chất người" chung nầy, nói khác đi, cần ý thức rõ về kinh nghiệm khổ đau chung nầy của con người. Và đây là điều mà những ai làm công tác giáo dục phải lưu ý và nhấn mạnh. Chúng ta cần ghi nhớ điều nầy trong tâm và nhắc nhở người khác nhớ về điều này. Chúng ta cần nhận thức về kinh nghiệm khổđau chung nầy của con người, cho dù kinh nghiệm khổ đau đang xảy ra ở Ethiopia hay tại cung điện hoàng gia Anh Buckingham, ở Tòa Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ hay tại Baghdad bên Trung Đông, tất cả kinh nghiệm khổ đau đều giống nhau. Con người, cho dù nam hay nữ, của tất cả các chủng tộc hay quốc gia đều có cùng một kinh nghiệm, đó là được sanh ra, đau đớn, bệnh tật, già nua, rồi chết. Là con người, chúng ta bị kiềm chế và giam hãm liên tục trong một trạng thái bất toại nguyện, và cũng chính vì thế mà chúng ta đã dành phần lớn cuộc đời mình để phấn đấu đi tìm sự thoải mái và toại nguyện. Chúng ta phấn đấu một cách tuyệt vọng để được hạnh phúc và thoải mái -- và cuộc đấu tranh giành hạnh phúc và thoải mái nầy đã biến thành mục đích của toàn bộ cuộc đời chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả những lúc chúng ta đã có được an toàn và hạnh phúc, lo âu và sợ hãi vẫn không rời chúng ta. Vì thế, khổ đau là kinh nghiệm chung của tất cả con người.
Và tâm từ và tâm bi cũng thế. Khái niệm tâm từ hay metta trong đạo Phật có nghĩa là khả năng kham nhẫn và chịu đựng những bất toàn của cuộc đời, xã hội, và của chính chúng ta. Thái độ từ bi nầy là giá trị chung và phổ biến cho tất cả mọi người. Bạn có thể từ bi với người Công giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, với bất cứ hội đoàn chính trị nào, và với tất cả giai cấp trong xã hội.
Tất cả mỗi người trong chúng ta đều có tâm từ nầy. Vấn đề là chúng ta thường không nhận ra nó, bỏ quên nó trong lúc chạy theo những ham muốn và thôi thúc điên đảo của chúng ta. Chúng ta bị cuốn hút trong cuộc sốngđến nỗi chúng ta quên đi những đức tính có công năng đem lại sự quân bình trong tâm như nhẫn nhục, tha thứ, tử tế, và dịu dàng. Nhưng khi mở rộng và giải phóng tâm khỏi những ô nhiễm và ảo tưởng về cuộc sống, chúng ta sẽ tiếp cận với tâm từ. Tâm từ là tâm chung và phổ biến có mặt trong tất cả mọi người cho dù đó là người có học hay dốt nát, là nam hay nữ. Tâm từ không phải là đặc quyền của bất cứ giai cấp thống trị hay nhóm tôn giáo nào. Một tâm thức mở rộng bao la và phủ trùm tất cả là mảnh đất chung cho tất cả mọi người;chính từ mảnh đất đầy từ bi nầy, chứ không phải từ những lập trường cực đoan, mà chúng ta có thể nhận diện cuộc đời một cách trong sáng và rõ ràng.
Nền giáo dục đúng đắn là nền giáo dục hướng dẫn trẻ con, người lớn, nam hay nữ tu sĩ, người Ky tô giáo, người Ấn độ giáo, người Hồi giáo -- và cùng bao nhiêu người khác nữa -- tiến về cái chung và phổ biến của con người, thay vì hướng về sự chia rẽ và phân liệt."
Giờ tôi xin được nói suy nghĩ của riêng mình như là một công dân của một nước có được quyền tự do ngôn luận...và với tình cảm của một con người . xét dưới góc độ mà mọi người hay nói là nhân văn, thì sự sỉ nhục của cô giáo đối với học sinh và sự quì gối của cô giáo trước phụ huynh đều bình đẳng như nhau , sự nhục nhã và bị chà đạp lên danh dự và thể chất của người lớn đối với trẻ em , của cô giáo và thầy giáo đối với học sinh và ngược lại đều có chung một tính chất không khác. Vậy cớ sao sự sỉ nhục của cô giáo với học sinh thì có thể chấp nhận và xử lý theo cách mà cái gọi là hành chính nội bộ hay đại loại là kỷ luật... mà ngược lại cô giáo phải quì xin lỗi phụ huynh là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được? với tư cách là một con người bất cứ ai khi đã vi phạm sai lầm thì có thể tự mình, thể hiện sự hối lỗi theo cách mà mình có thể chấp nhận với sự thành thật. đó cũng là một lối ứng xử có giáo dục và nhân văn. Đứng trên góc độ pháp luật, thì quyền con người được nhà nước bảo hộ về thân thể , nhân phẩm... đều bình đẳng như nhau. đứng trên tinh thần nghề nghiệp thì giáo dục phải chịu đựng hy sinh mới có thể cảm hóa con người , và phải là tấm gương trong sáng , trung thực , chân thành và trí tuệ cho mọi người noi theo. Hơn nữa những người làm giáo dục, đều rất rõ về những qui định của pháp luật về việc giáo dục , những nghị định, những luật về nhân quyền của con người trong lĩnh vực giáo dục đều rất thành thạo , nhưng lại vẫn vi phạm. vậy ai nên phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất. Tôi không đồng thuận về sự trả thù của phụ huynh với cô giáo bằng những hành vi cũng mang tính thô bạo hay chà đạp danh dự con người…. nếu đó là sự thật
Khi mà xã hội vẫn còn có sự thiên lệch đứng về người thực thi pháp luật hay là công chức nhà nước, ví như người thi hành pháp luật có lúc sai trái , đã gây bức xúc với người dân , khi bị người dân phản ứng thì qui cho cái tội là chống người thi hành công vụ….
Một thực tế nơi xã hội chúng ta , sự xúc phạm , làm nhục thân thể , uy hiếp về tinh thần với học sinh từ mẫu giáo đến cả đại học vẫn còn tồn tại. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí là những người cha , người mẹ của những thiên thần bé nhỏ không may bị những thầy , cô giáo hành hạ , chà đạp…. và cũng tự đặt mình vào cương vị là những người giáo dục , để từ đó thấu hiểu sự khó khăn , phức tạp và đa dạng trong muôn vàn tính cách của lớp trẻ.
Tôi thiết nghĩ ngành giáo dục phải thay đổi , định hướng và tuyển dụng đào tạo thế hệ giáo viên theo một tiêu chuẩn mới , ở đó vai trò giáo dục con người, phải là niềm tự hào hãnh diện và đầy trách nhiệm của những người xung phong, xứng đáng đứng trong hàng ngũ giáo dục, là những thầy , cô giáo lấy tình thương yêu và trí tuệ đem đến cho những thế hệ con em những niềm hạnh phúc và sự cống hiến tràn đầy năng lực và thành quả….cho gia đình và xã hội, hơn là sự loại bỏ , kỷ luật có tính xoa dịu , hàn gắn mà không bền vững.