Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Chứng kiến - Đồng nhất

Trong con người, chiều thứ ba của tâm thức bắt đầu. Con người tồn tại chỉ như tảng đá tồn tại, con người kinh nghiệm sự hiện hữu của mình cũng như bất kì con vật nào kinh nghiệm, nhưng con người cũng có thể nhận biết về hai trạng thái khác. Con người có thể tồn tại, con người có thể biết rằng mình tồn tại, và con người cũng có thể biết rằng mình biết rằng mình tồn tại. Việc kinh nghiệm này tại điểm thứ ba được gọi là chứng kiến.




Tảng đá vô ý thức, con vật có ý thức, nhưng con người thậm chí còn có ý thức về việc có ý thức của mình. Con người nhận biết về tâm thức của mình. Nhưng điều này chỉ là tiềm năng trong con người; mọi người không sẵn sàng trong trạng thái này. Nó có thể là như vậy, nhưng nó lại không là hoàn cảnh. Phần lớn con người đều ở mức con vật: họ tồn tại, họ kinh nghiệm rằng họ tồn tại, nhưng họ không có kinh nghiệm về bất kì cái gì của trạng thái thứ ba, của việc chứng kiến. Nhưng đây là điều đúng duy nhất trong trạng thái thức của họ. Trong trạng thái ngủ, họ rơi lại vào cùng trạng thái như tảng đá - tồn tại đấy, nhưng không nhận biết về điều đó.
Khi bạn ngủ, thế thì không có khác biệt giữa trạng thái của bạn và trạng thái của đá. Trong giấc ngủ của mình bạn chỉ giống như tảng đá. Nếu bạn muốn, bạn cũng có thể nói điều đó theo cách đối lập: tảng đá là hệt như bạn ngoại trừ rằng tảng đá bao giờ cũng trong ngủ sâu. Khi bạn không có kinh nghiệm về việc chứng kiến nhưng bạn lại ý thức về sự tồn tại của mình, thế thì bạn ở trong cùng trạng thái như con vật. Lần nữa, bạn có thể nói điều đó theo cách đối lập: con vật là trong cùng trạng thái như bạn bởi vì nó cũng không kinh nghiệm việc chứng kiến. Và việc sinh của con người thực bắt đầu bằng việc chứng kiến.
Cố hiểu nghĩa của từ chứng kiến đi. Có lẽ đây là từ quan trọng nhất trong toàn thể ngôn ngữ con người, đặc biệt là các từ đã được dùng trong tìm kiếm tâm linh. Chúng ta có thể nói về quá trình chứng kiến về sau, nhưng trước tiên, sẽ là rất tốt nếu bạn có thể hiểu nghĩa của từ này.
Nếu tay bạn bị thương và có đau, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn đang trong cơn đau. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn đang trong cơn đau, thế thì chưa có việc chứng kiến đâu. Nếu bạn cảm thấy rằng tay bạn đang trong cơn đau và bạn cũng nhận biết về điều đó, thế thì nhân chứng đã đi vào trong cảm nhận của bạn. Có cơn đói trong dạ dầy bạn, và nếu bạn cảm thấy rằng bạn đói, thế thì không có nhân chứng; bạn bị đồng nhất với cơn đói. Nếu bạn chú ý rằng có cơn đói, nếu bạn nhận biết về điều đó và bạn đơn giản vẫn còn nhận biết; khi bạn không trở nên bị mất hút trong kinh nghiệm này và bạn vẫn còn ở bên ngoài nó, ở một khoảng cách; khi bạn có khoảng cách giữa bạn và kinh nghiệm đó, thế thì khoảng cách này càng lớn, việc chứng kiến sẽ càng lớn. Khoảng cách càng nhỏ, nhân chứng sẽ bị mất. Từ được dùng cho việc thiếu chứng kiến là “đồng nhất” - trở thành bị mất trong cái gì đó.
Việc chứng kiến nghĩa là tách rời khỏi cái gì đó, không bị đồng nhất. Khi một người vẫn còn tách rời với mọi kinh nghiệm của mình - dù nó là đau đớn hay vui thú, dù nó là chết hay sinh, không thành vấn đề cái gì đang xảy ra - khi tâm thức người đó không trở thành một với bất kì cái gì đang xảy ra mà vẫn còn ở ngoài nó, mùi vị của nhân chứng đã bắt đầu. Nếu ai đó quen dùng ngôn ngữ xúc phạm, điều đó lập tức giữ bạn lại; khoảng cách bị phá vỡ. Mũi tên của xúc phạm xuyên vào bạn và khoảng cách bị phá vỡ. Thế thì bạn không nhớ rằng có ai đó người đang xúc phạm, có ai đó người bị xúc phạm - và bạn là một với người đang quan sát cả hai người xúc phạm và người bị xúc phạm.
Trong thực nghiệm thường xuyên của mình với việc chứng kiến, dần dần, dần dần Swami Ramateertha thậm chí đã thay đổi ngôn ngữ của mình. Có lẽ, ngôn ngữ của ông ấy đã thay đổi theo cách riêng của nó bởi vì ông ấy đã thực nghiệm nhiều thế.
Ông ấy ở New York. Vài người xúc phạm ông ấy trên đường, nhưng ông ấy trở về nhà cười to. Ông ấy nói với bạn bè của mình, “Hôm nay là một ngày thật vui! Rama đi ra chợ” - Rama là điều ông ấy tự gọi mình - “và vài người bắt đầu chửi ông ta và xúc phạm ông ta, và ông ta đã phải chịu rắc rối nào đó!”
Bạn ông ta nói, “Ông đang nói dường như ai đó khác đã bị xúc phạm và phải chịu rắc rối.”
Ramateertha nói, “Nhưng đó đích xác là điều đã xảy ra! Bởi vì tôi đã quan sát cả hai - người xúc phạm và người bị xúc phạm.”
Rất khó vẫn còn tách rời khi bạn bị xúc phạm bằng lời. Bạn bỗng nhiên sẽ trở nên hoàn toàn bị đồng nhất và hấp thu việc xúc phạm.
Chính tiềm năng của tâm thức là nó có thể hoặc trở nên bị đồng nhất, hoặc nó có thể ra xa và đứng ở một khoảng cách. Đây là toàn thể tiềm năng của tôn giáo. Nếu tiềm năng này không có đó, thế thì sẽ không có khả năng nào cho tôn giáo tồn tại. Và nếu không có khả năng nào cho trạng thái chứng kiến xảy ra, cũng sẽ không có cách nào để chấm dứt khổ.
Có một triết gia ở Hi Lạp, Epitectus. Có tin đồn về ông ấy rằng ông ấy đã đạt tới trạng thái chứng kiến, nhưng nhà vua không được thuyết phục. Nhà vua nói, “Làm sao người nào có thể chỉ là nhân chứng được? - nhưng chúng ta sẽ thấy...”
Epitectus được triệu tới. Nhà vua cũng triệu tới hai lực sĩ và bảo họ đập gẫy cả hai chân của Epitectus. Epitectus duỗi cả hai chân ra và vua nói, “Sao ông không kháng cự hay tranh đấu lại?”
Epitectus nói, “Tranh đấu là hoàn toàn vô nghĩa bởi vì các lực sĩ khoẻ hơn tôi nhiều. Mọi kháng cự sẽ hoàn toàn là vô ích. Vả lại, kéo dài hành động của tự nhiên này sẽ tạo ra nhiều đau đớn cho Epitectus, cho nên chân ông ta càng bị bẻ gẫy sớm chừng nào, câu chuyện sẽ càng kết thúc sớm chừng ấy.”
Vua nói, “Ông ngụ ý gì?”
Epitectus nói, “Người được gọi là Epitectus, chính là cái tên được trao cho thân thể này và trao cho người ông ấy triệu tới, sẽ bị đau quá nhiều.”
Vua hỏi, “Thế về ông thì sao?”
Epitectus đáp, “Ta sẽ quan sát! Ta sẽ quan sát sự ngu xuẩn của ông, ta sẽ quan sát sức mạnh của các lực sĩ của ông, ta sẽ quan sát rắc rối của Epitectus - ta sẽ quan sát tất cả những điều đó.”
Thế rồi vua nói, “Việc nói chẳng chứng minh được cái gì. Chân ông sẽ phải bị đập gẫy.”
Chân ông ấy bị đập gẫy, và Epitectus liên tục quan sát. Thế rồi ông ấy nói, “Nếu ông xong việc rồi, bây giờ ta muốn đưa Epitectus về nhà.”
Nhà vua bắt đầu khóc! Ông ta chưa bao giờ quan niệm nổi rằng điều này lại là có thể. Ông ta sụp xuống dưới chân Epitectus và hỏi về bí mật của hiểu biết này.
Epitectus nói, “Ngay cả bây giờ ta cũng không phải là người mà ông đang chạm vào chân. Ta đang thấy rằng nhà vua đang khóc. Bây giờ Epitectus lại trong rắc rối, một loại rắc rối khác - bây giờ chân của ông ấy đang bị chạm vào! Một thoáng trước đây chúng đã bị giữ để bị bẻ gẫy, bây giờ chúng lại bị giữ trong kính trọng... nhưng ta đang quan sát tất cả mọi điều này.”
Việc chứng kiến nghĩa là không có sự đồng nhất với bất kì kinh nghiệm về bất kì cái gì - với bất kì kinh nghiệm nào, tôi nói thế! Không kinh nghiệm nào chạm vào bạn cả. Bạn đứng ở một khoảng cách, bên ngoài nó. Sự tách rời của bạn với kinh nghiệm không bị ảnh hưởng bởi bất kì lí do nào.
Khi bạn bước đi trên đường, bạn có thể làm điều đó theo cách bạn vẫn bước, hay bạn cũng có thể bước đi theo cách mà hành động bước đang xảy ra và bạn đang chứng kiến nó, quan sát nó. Sự đồng nhất của bạn với từng hành động sẽ phải bị phá vỡ; sự đồng nhất với tất cả các kinh nghiệm sẽ phải bị bỏ lại đằng sau. Khi bạn đang ăn, bạn có thể ăn theo cách bạn vẫn ăn, nhưng bạn cũng có thể ăn theo cách hành động ăn đang xảy ra và bạn chỉ đang quan sát nó.
Khi bạn bắt đầu trở nên nhận biết theo cách này trong từng mọi khoảnh khắc, thế thì với nỗ lực thường xuyên này để nhận biết, nhân chứng sẽ được sinh ra. Thế thì bên trong bạn sẽ có một tâm thức chỉ quan sát. Nó chỉ là người quan sát, người biết; nó không bao giờ là người làm.
Dù đó là trong trạng thái thức hay trong trạng thái mơ hay trong trạng thái ngủ, trong từng trạng thái đó, mọi kinh nghiệm đều có ba khía cạnh: hiện tượng của việc kinh nghiệm, đối thể của kinh nghiệm, và người kinh nghiệm. Đối thể của kinh nghiệm là điều bạn kinh nghiệm hay có liên quan theo cách nào đó. Nếu bạn đang ăn, thế thì thức ăn là đối thể của kinh nghiệm; bạn ăn nó, cho nên bạn là người kinh nghiệm, người làm hành động này; và mối quan hệ giữa đối thể của kinh nghiệm và người kinh nghiệm là hiện tượng kinh nghiệm. Việc kinh nghiệm là mối quan hệ giữa hai điều này. Hay bạn cũng có thể hiểu nó theo cách này: mặt trời mọc và bạn đang ngắm nhìn nó: mặt trời là cái được thấy, bạn là người thấy, và mối quan hệ giữa hai điều này là việc thấy. Chiếc gai đâm vào chân bạn và nó gây đau: cái đau là cái được biết, bạn là người biết, và cây cầu giữa hai điều này là việc biết, việc cảm nhận.
Mọi kinh nghiệm đều có thể được chia ra thành ba khía cạnh này: đối thể ở bên ngoài bạn và là cái mà bạn, người kinh nghiệm, đang kinh nghiệm; cái tôi đây, bản ngã, cái đang kinh nghiệm, và cây cầu, mối quan hệ giữa hai điều này, cái là kinh nghiệm. Bạn có thể hiểu ba điều này. Và nếu có cái gì đó ở bên ngoài ba điều này, cái thứ tư, cái cũng ở bên trong bạn, là nhân chứng.
Nếu có chiều thứ tư bên trong bạn đang quan sát ba điều này từ bên trên - cái đang quan sát thức ăn được ăn, người đang ăn và cây cầu của việc kinh nghiệm giữa hai điều này - nếu cái gì đó trong bạn có thể quan sát toàn thể mọi sự từ một khoảng cách, thế thì khả năng thứ tư này được gọi là nhân chứng.
Bạn kinh nghiệm ba điều đầu tiên, nhưng bạn không kinh nghiệm điều thứ tư. Bạn kinh nghiệm chỉ ba trạng thái của tâm thức mà tôi đã nhắc tới trước đây. Trong cả trạng thái thức và mơ, chỉ có cái được kinh nghiệm, người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Khi bạn đi vào ngủ sâu, thế rồi khi bạn thức dậy vào buổi sáng bạn nói, “Sảng khoái làm sao! Giấc ngủ của tôi thảnh thơi và dễ chịu làm sao!” Cảm nhận này về vui thích rút lại thành sự phân chia giữa cái được kinh nghiệm, người kinh nghiệm và kinh nghiệm - nhưng bạn chẳng có ý tưởng nào về cái thứ tư. Trong tất cả những kinh nghiệm này, bạn thậm chí không có một thoáng nhìn về cái thứ tư.
Thiền là cách để đánh thức trạng thái thứ tư, để gợi mở nó, để cho nó một cơ sở và để đi vào nó. Bất kì điều gì bạn có thể làm, trở nên nhận biết về ba điều này và chú ý liệu điều thứ tư cũng có đó không. Và khi bạn tiếp tục nhớ nó, điều thứ tư sẽ bắt đầu nảy sinh ra - bởi vì nó thức tỉnh chỉ qua việc hồi tưởng. Không có cách khác để đánh thức nó.

Từ "Chuyến bay từ một mình tới một mình"




Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

DẠY DỖ BẬC ĐẠI TRÍ THỨC


Ngoại ô Vesāli, thuộc cộng hòa Licchavī, có hai vợ chồng bà-la-môn nổi tiếng thông thái, uyên bác, có tài hùng biện; mỗi người không những học hiểu rất nhiều triết thuyết khác nhau mà còn nắm vững các phương pháp lý luận – nên tài vấn đấp của ông bà không ai sánh nổi. Con trai lớn là Saccaka được di truyền dòng máu thông minh, mẫn tuệ ấy, lại còn được kế thừa sở học của cha mẹ nên nghiễm nhiên trở thành một ngôi sao vô địch trên các luận trường. Thế vẫn chưa đủ, người con ưu tú của dòng tộc này còn nghiên cứu sâu rộng tư tưởng các giáo phái trong và ngoài truyền thống đương thời, biết điểm ưu, điểm khuyết, sở trường, sở đoản của các chủ thuyết ấy nữa. Bởi thế, càng lớn lên, tiếng tăm của Saccaka càng vượt trội cha mẹ, trở thành tay hùng biện vô địch. Chưa có một sa-môn, bà-la-môn luận sư nào khả dĩ trổ tài miệng lưỡi – có thể xứng đáng là đối thủ của chàng! Và thế là Saccaka sanh tâm ngã mạn, coi thế gian như cỏ rác. Quá kiêu căng tự phụ về sở học của mình, Saccaka sắm một sợi giây da to bản cột bụng lại. Mọi người xúm lại hỏi tại sao, Saccaka cười mũi đáp:

- Chữ nghĩa, văn tự, cú pháp, thiên kinh, vạn quyển... chúng sống nhung nhúc đầy đặc ở trong này! Nếu không cột lại, ta sợ một lúc nào đó sẽ vỡ bụng ra mà chết!
Danh tiếng Saccaka lại càng vang dội. Ba đức vua và hội đồng tướng lãnh trị vì liên bang Licchavī đóng tại Vesāli mời Saccaka làm thầy giáo phụ đạo cho con cháu họ. Chàng vỗ bụng nói:
- Có sẵn đây. Nếu chia chung cho thiên hạ cũng còn chưa hết, huống hồ chỉ một tiểu quốc. Thế là các vị đã tìm đúng người!
Bọn tiểu nhân vô trí, thiểu học thì tung hô, ca ngợi; còn kẻ có trí thì họ khinh bỉ nhưng họ im lặng, thầm hổ thẹn giùm cho chàng trai trẻ.
Trong thời gian ấy, đức Phật, chư vị trưởng lão và rất đông tỳ-khưu đã lui tới Vesāli, cư ngụ ở đại lâm Mahāvana. Tin ấy nhanh chóng đến tai Saccaka, chàng tự nghĩ:“Thời gian gần đây, ta đã nghe danh tôn giáo này cùng người sáng lập ra nó. Ông sa-môn Gotama xuất thân dòng dõi sát-đế-lỵ, vốn là một thái tử văn võ toàn tài, bỏ vương vị xuất gia, bây giờ tự xưng là Phật, một vị đại A-la-hán! Thật là điên rồ và ngông cuồng! Tuy ta chưa nắm được giáo pháp của ông ta, nhưng thử hỏi, triết học và tư tưởng của con người thì có được bao nhiêu? Cho dẫu ông ta có sáng lập ra một giáo thuyết mới, có múa mép, khua môi ỏm tỏi... thì cũng thảm nhục, thân bại, danh liệt tại đất này mà thôi!”
Hôm ấy, đứng trước hội chúng của mình, Saccaka ngạo nghễ tuyên bố rằng:
- Ta không thấy một sa-môn, bà-la-môn nào - dù là giáo phái chủ, giáo phái sư hoặc là bậc đạo sư lỗi lạc tự xưng mình là Phật, Thánh phương nào chăng nữa - một khi đối đáp với ta, chẳng có ai là không hồi hộp, run sợ! Thậm chí, nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức thì nó cũng sợ hãi, rung chuyển, toát mồ hôi hột!
Cả hội trường vỗ tay, tán thán Saccaka không hết lời rồi nói:
- Sa-môn Gotama rất giỏi, rất nổi danh, nhưng rồi sẽ bị đo ván!
- Đúng như thế không sai!
Saccaka mỉm cười:
- Cái đó thì các ngươi đừng có nôn nóng, không chóng thì chầy sẽ có cuộc tranh biện thú vị ấy!
Saccaka thò tay siết chặt lại sợi dây da nịt bụng!
Nghe tin đức Phật đang ở Mahāvana, tôn giả Assaji bộ hành từ nước cộng hòa Videha về thăm ngài. Nghỉ đêm ở một khu rừng ngoại ô, sáng sớm tôn giả đi vào thành phố Vesāli trì bình khất thực.
Lúc ấy, Saccaka đang ưỡn bụng đi dạo với chừng mười mấy đồ chúng, trông thấy tôn giả Assaji - do râu tóc sạch sẽ, đi đứng trang nghiêm, đoán là đệ tử của đức Phật - hắn bèn dừng lại, lịch sự chấp tay với cung cách của một bậc thức giả:
- Thưa ngài sa-môn! Ngài có liên hệ gì với giáo phái của đại sa-môn Gotama?
Ngước lên, tôn giả Assaji trông thấy một chàng trai trẻ to lớn, cao ráo - với dây nịt to buộc chặt bụng cùng đám thanh niên mặt trơn, da láng - biết đấy là ai rồi, nên đáp:
- Tôi là đệ tử ít học của đức Đạo Sư ấy, thưa hiền giả!
- Thật là hân hạnh – Saccaka giả vờ cúi đầu khiêm tốn - từ lâu tôi đã nghe danh đại danh của đại sa-môn Gotama như sấm dậy bên tai! Vậy chẳng hay, vị ấy thường dạy các hàng đệ tử như thế nào? Nói rõ hơn, là sa-môn Gotama hay nói giáo pháp gì cho môn đệ?
- Này Aggivesana! Này chàng trai trẻ! Đức Thế Tôn thường dạy cho chúng đệ tử rằng: Sắc uẩn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn là vô thường, hành uẩn là vô thường, thức uẩn là vô thường...
Vừa nghe vị sa-môn gọi đúng tên mình, Saccaka đã cảm giác lành lạnh – nhưng y lại cười lạt:
- Hóa ra chỉ có vậy thôi sao, thưa ngài sa-môn?
  - Còn nữa, này chàng trai trẻ! Vì sắc thọ tưởng hành thức ấy là vô thường nên chúng còn là vô ngã nữa! Và, tất cả pháp đều vô ngã!
Saccaka nhíu mày:
- Đấy là tinh yếu giáo pháp của đại sa-môn Gotama ư?
- Với kẻ trí, với người có tai để nghe thì đấy là tinh yếu – còn đối với người ngu, kẻ không có tai để nghe – thì nó rất tầm thường, thưa ngài đại bác học!
Nói xong, tôn giả Assaji mỉm cười. Nhưng Saccaka không lãnh hội được ý tứ tinh tế ấy, hắn nói to với mọi người:
- Thiên hạ có rõ không? Hay chỉ có tôi, chính tôi mới vừa nghe được những điều chẳng lành? Sắc uẩn vô thường... vô ngã, thọ uẩn vô thường, vô ngã...; các pháp đều vô ngã? Cái gì vậy? Lời dạy ấy quả là tàn tệ, quả là nguy hại cho thế gian! Chính lời giáo huấn ấy là bóng tối, là quỷ dữ, là thuốc độc... đã phản bội con người và hủy diệt tất cả những gì cao đẹp, thiêng liêng trên đời này! Xin chư vị hãy nguyền rủa giáo pháp ấy đi! Nó là trá hình của Ma vương, của Diêm sứ! Hãy lột mặt nạ giáo pháp phi nhân tính ấy!
Rồi Saccaka quay sang tôn giả Assaji:
- Ngài sa-môn hãy nghe cho kỹ đây! Tôi, Saccaka, bậc giáo thọ, bậc đạo sư của hoàng tộc Licchavī – tôi sẽ đích thân đến gặp sa-môn Gotama để luận chiến và đấu trí! Thế nào tôi cũng phải vạch trần, lột truồng mớ giáo lý sai lầm đầy tệ hại của ông ta!
Nói xong, Saccaka quay lưng bỏ đi. Đám đệ tử còn nói vọng lại:
- Nghe rõ chưa? Giáo lý ấy chưa đáng một đồng xu mà đem rao bán giữa chợ đời! Ai mua? Đồ mặt dày!
Hoàng tộc Licchavī đang hội họp tại một giảng đường rộng lớn để giải quyết những công việc liên hệ đến kinh tế đang gặp lúc khó khăn thì Saccaka đột ngột bước vào. Vì Saccaka là thầy giáo giỏi của con em họ - nên hoàng tộc có vị đứng dậy chào, có người gật đầu, có người chỉ liếc mắt xem, có người niềm nở mời chỗ ngồi và tiếp nước.
Saccaka chưa yên vị đã vội đứng dậy, chắp tay chào hội chúng rồi nói:
- Thưa chư vị đại nhân, quý nhân khả kính! Một cơ hội hiếm có sẽ làm cho kinh thành Vesālinhỏ bé của chúng ta vang danh thiên hạ! Phải biết thò bàn tay vàng ra mà nắm lấy!
Mọi người ngơ ngác đưa mắt có vẻ dò hỏi. Saccaka cất giọng hùng hồn:
- Sa-môn Gotama và đệ tử của ông ta hiện đang đến hóa đạo tại xứ sở của chúng ta mấy lúc gần đây. Từ lâu, tôi đã nghe đến tài trí của sa-môn Gotama. Ông ta đã luận thắng hầu hết các giáo phái chủ, giáo phái sư trong và ngoài truyền thống trên đời này. Đức vua của các đại quốc, tiểu quốc ven thung lũng sông Gaṅgā; những đại phú gia, bá hộ, công tử, vương tử, đại thần, đại trưởng giả... hữu danh đều quy giáo sa-môn Gotama! Tuy nhiên, đến đây, tại lãnh thổ này, sa-môn Gotama sẽ thất vọng, sẽ chuốc lấy thảm bại nhục nhã rồi cuốn xéo đi nơi khác...
- Tại sao? Có người hỏi.
Saccaka cười đắc chí:
- Sao nữa! Vì sẽ có một cuộc luận chiến, đấu trí, tranh tài vô tiền khoáng hậu xảy ra giữa tôi và sa-môn Gotama! Tôi chờ đợi cơ hội này từ lâu lắm. Vậy thì hôm nay, tôi đến đây là để mời chư vị đại nhân hoàng tộc Licchavī hãy cùng đi với tôi. Và dịp này, chư vị đại nhân sẽ chứng kiến được một sự kiện hy hữu, trọng đại: Sa-môn Gotama sẽ không có đất dung thân!
Một vị lão thần cất giọng thận trọng:
- Tôi không phủ nhận là thầy giáo thọ Saccaka có kiến thức, sở học và tài hùng biện xuất chúng, lỗi lạc! Tôi cũng đã có nghe, ngài đã nghiên cứu thấu đáo mọi triết học trong và ngoài truyền thống đến độ thâm uyên và bác lãm nhất. Nhưng đại sa-môn Gotama thì sao? Dường như mọi điều vừa kể trên, ông ta đều ưu việt, đều vượt trội thế gian mấy cái đầu! Không những thế, giáo pháp mà ông ta xiển dương, khai mở - là một loại giáo pháp độc sáng, thiên tài, trước đây chưa hề có, mai sau cũng không thể có được - chẳng hay thầy giáo thọ của chúng ta đã nắm chắc phần thắng chưa nhỉ?
Saccaka vỗ ngực đáp:
Chư vị đại nhân hãy yên trí! Những lời giáo huấn của sa-môn Gotama tôi biết rất rõ; và tôi còn thấy cả những lỗ hổng, những khiếm khuyết, những luận điểm thô thiển và tệ hại của nó nữa. Đấy là những tư tưởng bi quan, yếm thế, một loại hư vô chủ nghĩa càn quấy, mưng độc, ấu trĩ và ngốc nghếch nhất trên đời này. Thật không xứng đáng cho con em chúng ta nghe lọt vào lỗ tai! Phải lấy chổi chà mà quét nó ra khỏi xứ sở trong sạch và hiền thiện này. Vậy, quý vị đại nhân hãy cùng đi với tôi, hôm nay, rồi chư vị đại nhân sẽ thấy rõ sự thực!
Một người cất giọng nghiêm trang:
- Xin ngài giáo thọ trẻ tuổi lưu ý cho! Cả hoàng tộc Licchavī và hội đồng tướng lãnh với địa vị tôn quý, danh giá cùng đi với ngài là cả một chuyện hệ trọng! Là một điều cần phải thận trọng! Chúng tôi không muốn bị bẽ mặt, không muốn bị bêu xấu trước mặt mọi người! Phải tin chắc, phải quyết thắng một ngàn phần trăm, chúng tôi mới cho người tháp tùng cùng ngài!
Saccaka với giọng đanh thép, tự tin:
- Đúng vậy! Chắc vậy! Người bị bẽ mặt, bôi xấu phải là sa-môn Gotama và chúng đệ tử của ông ta! Tôi đã xác quyết như thế - như đá hằn sâu vết chém - trước khi đến đây hội diện với chư vị đại nhân.
- Xin cho nghe những luận cứ của ngài giáo thọ - vị trưỡng lão kia tiếp tục chất vấn - với những ví dụ cụ thể, có hình tượng chứ không phải là những lý lẽ xa vời, trống không như thế!
Saccaka hơi ngạc nhiên, hụt hẫng một chút nhưng y lấy lại phong độ rất nhanh:
- Thật xứng đáng là những cật vấn minh triết - y giả vờ khen! Được thôi! Tôi sẽ vặn hỏi, sẽ bắt bẽ lý lẽ của sa-môn Gotama bằng lý lẽ của tôi. Ví như một thanh niên khỏe mạnh, đầy sức lực với bắp tay có vồng, với gân tay nổi cuồn cuộn; một tay y nắm cứng cần cổ một con cừu - nặng như một quả núi đè – không thể nhúc nhích được; tay kia y nắm lông cừu dài rồi lôi tuột tất tần tật không chừa một mảy. Thì tôi cũng vậy. Tôi sẽ nắm cứng cần cổ giáo pháp của sa-môn Gotama rồi tôi sẽ lột trần sạch sành sanh tất cả da vảy của lý thuyết tệ hại ấy - bằng trí tuệ, đa văn và quảng kiến của tôi! Đấy là một ví dụ cụ thể, có hình tượng, có xương, có thịt – chư vị đại nhân có đồng ý vậy không?
Một số người phấn khích, lao nhao:
- Vâng, đúng vậy! Rất là ấn tượng!
Saccaka được dịp trổ tài hùng biện bằng miệng lưỡi:
- Còn nữa! Ví như một trung niên lực lưỡng làm việc lâu năm tại xưởng nấu rượu. Tay y cầm vợt một cách điêu luyện, thiện xảo. Chẳng cần nhìn vào chảo rượu sôi, y cũng có thể thò cây vợt xuống một cách chính xác để vớt bột rượu từ bên này sang bên kia - rồi vòng quanh miệng chảo một cách dễ dàng. Khó có một tí bọt nào thoát khỏi cây vợt thiên tài của hắn! Thưa chư vị đại nhân – Saccaka cất cao giọng, sang sảng – Giáo pháp của sa-môn Gotama được ví như bọt rượu dính đầy bụi bặm, tạp chất ấy. Tôi sẽ sử dụng cây vợt thiện xảo, điêu luyện, thiên tài để vớt mớ giáo pháp ô nhiễm của sa-môn Gotama từ đầu này sang đầu kia - vớt vòng quanh cả sở học lẫn kiến thức ác uế của ông ta nữa! Đấy là vị dụ cụ thể thứ hai! Chư vị đại nhân nghe rõ cả chứ?
- Nghe rõ! Một người cười hì hì rồi nói lớn – Nhưng cây vợt của ngài giáo thọ ở đâu?
Saccaka cười xòa:
- Đấy là lý lẽ của tôi! Quý vị giỡn hoài!
Có một người rất cứng cỏi, cất giọng chậm rãi:
- Ví dụ ấy khá sống động nhưng không tương hợp rồi, nếu không muốn nói là tác dụng ngược chiều – thưa ngài giáo thọ khả kính! Tại sao vậy? Vì khi mà ngài vớt hết phần bụi bặm, tạp chất, ô nhiễm ra tuốt tuồn tuột – thì giáo pháp của sa-môn Gotama sẽ còn lại cái trong sạch, thuần tịnh, tinh khiết nhất trên trần đời rồi! Chắc ý ngài không muốn thế chứ?
Saccaka thoáng tái mặt, nghĩ thầm: “ Không thể xem thường hội chúng ăn trắng mặc trơn này!” Rồi óc y làm việc cực nhanh, đáp rằng:
- Rất chính xác là lập luận ấy – nhưng chư vị tôn túc nghe lầm rồi. Tôi nói giáo pháp của sa-môn Gotama là bụi bặm, ô nhiễm, tạp chất – hãy vớt tất cả chúng - chứ không phải là vớt phần bụi bặm, ô nhiễm, tạp chất của giáo pháp ấy!
- Thế thì nghe được!
- Vậy chư vị đại nhân có cần nghe thêm ví dụ nữa chăng?
- Có thể cho nghe!
Saccaka tiếp tục:
- Ví như một người nghiện rượu, hễ thấy rượu là uống. Tay y cầm chung rượu khi úp, khi ngửa, khi đặt bên này, khi đặt bên kia hoặc nốc cạn sạch – tùy theo ý muốn. Cũng vậy, giáo pháp của sa-môn Gotama là chung rượu ấy. Tôi sẽ tùy nghi, tùy lúc, khi đặt bên này, khi đặt bên kia, khi úp, khi ngửa hoặc nốc cạn sạch một cách dễ dàng - bằng lý lẽ, bằng sự thực, bằng tài nghị luận sắc bén của tôi!
Có tiếng cười ha ha rồi cắc cớ hỏi:
- Thế có say không?
Lại vẳng lên những tiếng cười hô hố. Không khí vui vẻ tràn đầy hội trường. Tưởng vậy là tất cả mọi người đều đã bị thuyết phục, nào ngờ, một lão trượng quắc thước lại nói:
- Không chắc đâu, thưa ngài giáo thọ! Không dễ gì nốc cạn sạch sành sanh một hơi đâu! Sa-môn Gotama chẳng phải là kẻ hữu danh vô thực, chẳng phải là kẻ sàng sàng như tất cả chúng ta ở đây! Sở học, đạo hạnh, trí tuệ lẫn cả biện tài của ông ta đã vang danh khắp cả châu Diêm-phù-đề - không phải là không có sở y!
- Đúng vậy! Một giọng nói khác phụ họa – Giáo pháp ấy không dễ gì chịu nằm yên để cho ngài giáo thọ kéo tuốt tuồn tuột như lông cừu; như vớt tất tần tật bọt rượu; như úp, ngửa chung rượu hoặc nốc cạn sạch sành sanh dễ dàng như vậy đâu! Rất nhiều con em hoàng tộc, tướng sĩ của chúng ta đã quy giáo theo ông ta đã khá đông rồi đấy!
- Một số cự phú, danh gia vọng tộc và cả dân chúng nữa đã trở thành tín đồ của họ. Một người khác tiếp lời.
Sự thận trọng ấy quả là cần thiết. Nhưng những lời nhắc nhở chân tình kia đã bị đám đông làm cho tan loãng. Rất đông người đồng loạt đứng dậy, cổ vũ Saccaka:
- Chúng ta hãy cùng đi! Nhất định sa-môn Gotama sẽ chuốc lấy thảm bại! Nhất định kinh thành Vesāli của chúng ta sẽ vang danh khắp thiên hạ!
Thế rồi, Saccaka cùng với hội chúng - chừng hơn một nửa số người lớn tuổi - kéo thêm chừng trăm môn sinh nữa rầm rộ mở cờ, gióng trống, khua chiêng ... huyên náo lên đường.
Đến khu rừng lớn ngoại thành Vesāli - thấy thấp thoáng xa xa bên kia ngọn đồi, có một ngôi tịnh xá rộng lớn - họ dừng chân lại. Ở xung quanh đây có một số tỳ-khưu đang thiền tọa hoặc kinh hành giữa những hàng cây. Mặc dầu nắng hạn nhưng nơi này vẫn còn giữ được màu xanh thanh bình và mát mẻ. Thoáng nhìn khung cảnh tĩnh lặng, lòng Saccaka gợn lên nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng y trấn tỉnh lại ngay. Saccaka đến gần một vị tỳ-khưu, lịch sự cất tiếng hỏi:
- Thưa ngài sa-môn! Hiện giờ đức Đạo Sư Gotama đang ở đâu?
Vị tỳ-khưu dừng bước, đưa mắt dịu dàng hỏi:
- Chư vị là ai?
Saccaka giới thiệu:
- Tôi là giáo thọ sư của hoàng tộc Licchavī cùng với môn đệ - và đây là mấy trăm bậc đại nhân của kinh thành Vesāli cổ xưa, muốn đến diện kiến cái vị được gọi là đức Thế Tôn ấy!
Vị tỳ-khưu mỉm cười:
- Vậy mà tôi cứ ngỡ là chư vị đang xuất quân lâm trận, tình cờ ghé ngang đây! Xin lỗi, tôi đã hiểu lầm! Rồi vị tỳ-khưu vừa nói vừa đưa tay chỉ - thưa ngài đại hùng biện Saccaka Aggivesana!Đức Tôn Sư đang ở kia, dưới một cội cây to ngay khu rừng trước mặt. Dường như đức Đạo Sư của chúng tôi đã biết đến sự thăm viếng huênh hoang và vui vẻ này!
Thêm một lần nữa, Saccaka thoáng sợ hãi, tái mặt. Cả tên tộc, tên hiệu và cả ý đồ tranh biện – chàng chưa xưng ra, chưa nói lên – mà một sa-môn tầm thường như thế này cũng đã biết rồi!
Đã thế, vị tỳ-khưu còn nói tiếp:
- Ngài hãy thít chặt lại sợi dây nịt bụng thêm một tí nữa! Những cái gọi là chữ nghĩa, văn tự, cú pháp, thiên kinh, vạn quyển ở trong ấy - dường như chúng đang náo động, lúc nhúc không yên!
Saccaka hối hả bước nhanh cùng với hội chúng của mình. Chàng tự nghĩ:“Có những dấu hiệu, những triệu chứng không được tốt lành cho lắm! Không những trí, những tuệ, những minh, những hạnh của sa-môn Gotama ta chưa nắm bắt được – ngay cả một tỳ-khưu đệ tử vô danh mà những câu nói, cách nói, tia mắt nhìn... đã hàm tàng bên trong những năng lực, những thắng trí... cũng đã bất khả tư nghì rồi! Chưa gặp sa-môn Gotama mà ta đã bủn rủn, chao đảo đến thế này hay sao?”
Saccaka và tùy tùng đã đến chỗ đức Thế Tôn, và, chàng nhìn sững! Đức Phật ấy tướng hảo quang minh quá! Ở nơi ngài, bất cứ cái gì tỏa rạng từ ngài cũng đều toát ra sự trong sạch, thanh khiết, từ hòa, tinh giản, nghiêm oai, định tĩnh, trầm hùng, hỷ mãn và trọn vẹn...!
Trong số hội chúng tùy tùng của Saccaka – có một số người cũng đứng sững và say mê chiêm ngưỡng ngài như thế. Có số quỳ xuống đảnh lễ. Nhóm người khác thì cất tiếng chào thân mật. Có người chỉ xưng tên họ và dòng dõi của mình. Có kẻ chỉ chắp tay. Một số thì đưa mắt nhìn hờ hững, im lặng không nói gì. Tất cả, sau đó đều tìm chỗ ngồi thích hợp...
Saccaka từ từ, nhè nhẹ hít một hơi sâu đầy phổi để lấy lại sự tỉnh táo, an ổn - rồi cất giọng ngang tàng cố hữu:
- Này sa-môn Gotama! Hôm nay, tôi với hội chúng hoàng tộc, tướng lãnh Licchavī cùng một số môn đệ đến đây để vấn đạo. Xin ông hãy vui lòng trả lời cho những câu hỏi phải lẽ của chúng tôi!
Đức Phật biết rõ tất cả tâm tư, ý đồ của chàng thanh niên và hội chúng; biết rõ cả suy nghĩ và những câu hỏi đang nằm trong óc của Saccaka - nhưng ngài chỉ thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra:
- Này Aggivesana! Như Lai rất sẵn lòng, ngươi cứ tùy nghi!
- Vâng! Saccaka đáp – Không biết sa-môn Gotama thường chỉ dạy cho các hàng đệ tử như thế nào? Và thật sự, nguyên văn lời giáo huấn ấy ra sao?
Aggivesana! Hãy nghe đây!Như Lai thường giáo giới chư đệ tử rằng: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn đều vô thường – vì vô thường nên vô ngã. Và, tất cả pháp đều vô ngã! Đấy chính là nguyên văn minh thuyết giáo pháp của Như Lai!
Saccaka vặn hỏi:
- Chỉ có thế thôi sao?
- Vâng, Như Lai thường chỉ dạy có bấy nhiêu!
Saccaka cười lạt:
- Vậy thì sa-môn Gotama có thể cho tôi đưa ra ví dụ, để từ đó, sa-môn Gotama tự thấy rõ cái ấu trĩ, cái thô thiển, cái tệ hại của giáo pháp ấy không?
- Hãy tự do, hãy tùy thích, này Aggivesana! Như Lai rất muốn nghe ví dụ của ngươi.
- Này, sa-môn Gotama, hãy nghe đây! Ví như các loại cây, các loại giống có đủ nhựa sống để từ đó phát triển tốt, tăng trưởng tốt; tất cả chúng đều nương nhờ từ đất, lớn lên bởi đất, xanh thắm rồi đơm hoa kết trái – cũng nhờ ân huệ của đất. Ví như các công việc đồng áng, vườn tược, trồng dâu, nuôi tằm... cũng nương tựa đất, sau đó chúng ta mới có cơm ăn áo mặc. Không có đất thì không có sự sống của các loài hữu tình, phải vậy không, thưa sa-môn Gotama?
Đức Phật mỉm cười:
- Đấy mới chỉ là tiền đề, ngươi còn đi vào nội dung chính nữa mà, Aggivesana!
- Vâng! Saccaka đáp - Từ ví dụ ấy, bây giờ tôi đi đến luận điểm để phá vỡ, đập tan ác kiến mê muội của sa-môn Gotama! Sa-môn Gotama bảo rằng: Ngũ uẩn là vô thường, ngũ uẩn vô ngã; tất cả pháp đều vô ngã! Còn luận điểm của tôi thì ngược lại. Tại sao? Vì nhờ có ngũ uẩn, nương nhờ nơi ngũ uẩn mà người ta ăn, nói, đi, đứng, nghĩ suy, làm việc để tạo tác những khổ vui, thiện ác trên đời này. Muôn loài thảo mộc nương nhờ bởi đất mà tồn tại như thế nào – thì chúng hữu tình nương nhờ nơi ngũ uẩn để tồn tại, sinh trưởng y như thế ấy – thưa sa-môn Gotama!
Đức Phật điềm đạm nói:
- Này Aggivesana! Có phải đây là điều mà ngươi đã kết luận cho quan điểm của mình: Sắc uẩn là cái ngã của ta, thọ uẩn là cái ngã của ta; và, tưởng, hành, thức cũng y như thế? Muôn loài thảo mộc nương nhờ bởi đất thì chúng sanh cũng nương nhờ nơi ngũ uẩn – cái tự ngã ấy - để tạo tác khổ lạc, thiện ác trên đời này?
Saccaka đáp khá dè dặt:
- Vâng, thưa sa-môn Gotama! Tôi nghe rất nhiều người lập luận như thế!
- Người khác thì không liên quan gì ở đây! Như Lai chỉ muốn nghe sở kiến của ngươi! Và chính ngươi phải xác định quan điểm ấy là của mình.
- Vâng, tôi xin xác quyết là như thế! Sắc thọ tưởng hành thức chính là cái ngã của ta. Chính chúng sanh nương nhờ nơi cái ngã ấy để tồn tại, tạo tác cảnh giới và làm nên thế giới. Nếu chẳng có cái ngũ uẩn ấy, cái ngã ấy làm căn cứ địa; nếu toàn bộ ngũ uẩn là không phải ta, tự ngã của ta – thì chúng sanh làm sao hiện hữu hở sa-môn Gotama? Xem chừng cái luận thuyết vô thần, hư vô chủ nghĩa của ông - với cái gọi là vô ngã ấy – không phù hợp với chân lý, với sự thật, không tương hợp với chánh trí rồi!
Một số người hời hợt trong hội chúng của Saccaka nghe giáo thọ sư của mình lập luận với lý lẽ minh chứng rất xác thực, rất thuyết phục bèn vỗ tay tán thán. Một số khác thâm trầm hơn thì dè dặt, cẩn trọng vì nhìn thấy thần sắc của sa-môn Gotama vẫn bình lặng như đáy biển sâu không chao sóng. Saccaka thì có vẻ tự phụ, nghênh ngáo ra mặt.
Đức Phật mỉm nụ cười ở trong tâm, chậm rãi nói:
- Này Aggavesana! Vậy Như Lai sẽ hỏi ngươi, ngươi vừa lòng điều nào thì hãy trả lời điều ấy, được chăng?
- Thưa vâng! Saccaka đáp – xin sa-môn Gotama hãy tự nhiên cho!
- Như Lai hỏi ngươi. Ví như đức vua Pasenadi nước Kosala, đức vua Seniya Bimbisāra nước Māgadha đã làm lễ quán đỉnh lên ngôi, trị vì vương quốc của mình. Các đức vua ấy có quyền giết người đáng tội chết, có quyền tịch thu của cải, tài sản của người đáng bị tịch thu, có quyền lưu đày những người đáng tội lưu đày được chăng?
- Thưa được, sa-môn Gotama! Những đức vua nhỏ cai trị cộng hòa Vajjī, cộng hòa Malla, cộng hòa Videha cũng có được cái quyền để làm việc ấy - huống nữa là các vị đại vương kia!
- Tại sao các đức vua họ có được cái quyền ấy hở Aggivesana?
- Thưa, vì đức vua là chủ một nước nên ông ta có đủ thẩm quyền quyết định tội trạng cũng như ban thưởng bổng lộc cho con dân của mình.
Đức Phật gật đầu:
- Đúng vậy, này Aggivesana! Ngươi đã nói đúng. Các đức vua có quyền - vì họ sở hữu quốc độ của mình!
Saccaka cũng gật đầu:
- Đương nhiên rồi, sa-môn Gotama!
Đức Phật tiếp lời:
- Vậy này Aggivesana! Nếu sắc thọ tưởng hành thức là ta, là của ta – thì phải chăng cái ta ấy lấy ngũ uẩn kia làm sở hữu, như thần dân trong quốc độ của mình vậy?
- Đương nhiên rồi, sa-môn Gotama!
- Nói cách khác, cái ngã chính là ông vua, và, ngũ uẩn chính là bá tánh?
- Đương nhiên là phải có cái ngã ấy, sở hữu ấy!
- Vậy ngươi nghĩ như thế nào, này Aggivesana! Ví dụ về sắc uẩn - tức là cái thân xác sinh vật lý do đất nước lửa gió tạo thành này – nó là ta, sở hữu của ta  thì ta có đủ thẩm quyền quyết định rồi. Vậy khi cái thân này nó bệnh, ta có quyền bảo nó đừng bệnh? Khi cái thân này nó già, ta có quyền bảo nó đừng già? Khi cái thân này nó chết, ta có quyền bảo nó đừng chết? Chúng ta làm vậy có được không? Hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào, Aggivesana?
Chỉ với một ví dụ mở ở trên, một câu hỏi thắt ở dưới của đức Phật – Saccaka biết rất rõ rằng, luận thuyết của chàng đã bị sụp đổ hoàn toàn, đã bị buộc tròng, vô phương tháo gỡ - nhưng vì hổ thẹn, không dám thú nhận sự thật, đành cúi đầu im lặng.
Đức Phật hỏi đến lần thứ hai với cách diễn đạt khác:
- Này Aggivesana! Cái thân này là do nghiệp sanh, do cơm cháo vật thực nuôi dưỡng – nó sẽ bị các định luật chi phối, nó phải chịu ốm bệnh, già lão và tử vong. Chẳng thể nào bảo nó đừng già lão, đừng ốm bệnh, đừng tử vong được! Hóa ra chúng ta hoàn toàn bất lực, đã bị tướt mất quyền sở hữu, đã thấy rõ nó không phải là ta, là tự ngã của ta nữa rồi!
Sắc mặt Saccaka đã tái đi – nhưng chàng cũng không thể mở miệng được trước hội chúng của mình.
Đức Phật cất giọng sư vương:
- Này Aggivesana! Bây giờ là lúc mà ngươi phải trả lời, không phải là lúc ngươi giữ im lặng. Khi Như Lai đã hỏi người nào, về một vấn đề gì, hợp với sự thật, đúng với chân lý - đến lần thứ ba mà người ấy vẫn không chịu mở miệng – thì cái đầu của y sẽ bị vỡ thành bảy mảnh!
Lúc ấy, thiên chủ Sakka liền hóa ra một con quỷ Yakka (Dạ-xoa) tay cầm chùy kim cang phát ra luồng ánh sáng khiếp người, ngồi trên đỉnh đầu Saccaka, nói vào tai chàng rằng: “Này Aggivesana! Nếu đức Thế Tôn hỏi ngươi đến lần thứ ba mà ngươi vẫn ương ngạnh, ngoan cố không chịu trả lời – thì ta sẽ dùng cái chày kim cang này, với thần lực, đánh cho cái đầu của ngươi vỡ ra đúng bảy mảnh, không thừa một, không thiếu một!”
Sự việc xẩy ra như trên chỉ có đức Phật và Saccaka nhìn thấy. Hắn ta kinh sợ, khiếp đảm vô cùng. Tóc trên đầu dựng đứng cả lên và mồ hôi của chàng vả ra như tắm! Đến nước này thì Saccaka chỉ còn biết nương nhờ vào oai lực của đức Phật mà thôi – bèn lắp bắp nói:
- Bạch đức Thế Tôn! Xin ngài hãy hỏi lại và con sẽ tức khắc trả lời!
- Này Aggivesana! Nếu sắc uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta – thì ta có quyền sai bảo, rằng là, sắc uẩn ngươi hãy đừng bệnh, đừng già, đừng chết được chăng?
- Điều ấy là không thể được, bạch đức Thế tôn!
Đức Phật tiếp tục:
- Ngươi hãy suy xét kỹ càng, thấu đáo, thận trọng rồi mới trả lời. Đừng để cho lời sau không hợp với lời trước hoặc ngược lại. Nếu lời trước và sau không tương hợp, không đồng nhất - sẽ đưa đến sự đập vỡ, sự chối bỏ ngay chính luận điểm của ngươi.
Saccaka cúi gằm mặt xuống:
- Con hiểu, bạch đức Thế Tôn!
- Vậy thì Như Lai sẽ hỏi tiếp. Không những sắc thân này – mà cho chí cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), các trạng thái tâm lý (tâm hành), ý thức, nhận thức (thức) – chúng có phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta, là sở hữu của ta  chăng?
- Thưa, thật không phải thế!
- Ta có quyền lực để bảo rằng hãy vui đi đừng có buồn? Ta hãy nắm bắt tưởng tốt đừng nắm bắt tưởng xấu? Hãy ghi nhận, kinh nghiệm, lưu giữ việc tốt lành - đừng có ghi nhận, kinh nghiệm, lưu giữ việc xấu ác - được chăng?
- Thưa, thật không thể!
- Như vậy là ta chẳng thể nào sai khiến, ra lệnh gì cho ngũ uẩn được cả - đấy phải chăng là điều mà ngươi đã xác định?
- Thưa vâng!
- Vậy có hữu lý không khi bảo rằng ngũ uẩn ấy là ta, là của ta, là tự ngã của ta?
- Điều ấy là sai lầm, là mê muội, là tà kiến, bạch đức Thế Tôn!
- Vậy khi ngũ uẩn ấy không phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta – thì nó tự sinh diệt, thay đổi, biến hoại theo định luật của chính nó?
- Thưa vâng, đúng vậy!
- Vậy thì chúng – ngũ uẩn ấy là thường hay vô thường?
- Bạch, chúng vô thường!
- Vô thường thì chúng là khổ hay lạc?
- Cả khổ hay lạc đều vô thường, cho nên chúng là dukkha -  bạch đức Thế Tôn!
Đức Phật cao giọng:
- Này Aggivesana! Cái gì vô ngã thì cái ấy vô thường; vì vô ngã, vô thường nên tất cả chúng là dukkha - đấy là hệ luận đi liền, tất yếu. Vô ngã, vô thường, dukkha là sự thật, là chân lý. Đấy không phải là quan điểm, là luận kiến, là luận điểm, là chủ tri, là lý thuyết của Như Lai - chúng chính là sự thấy biết của trí tuệ - ngươi đã thấy rõ như vậy chưa?
- Bạch, con đã thấy rõ!
- Người chấp thủ ngũ uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta – thì chẳng khác gì chấp dukkha ấy là ta, là của ta, là tự ngã của ta – có hữu lý không chứ?
- Thưa, chẳng hữu lý chút nào!
- Này Aggivesana! Chính nhờ vô thường, vô ngã của ngũ uẩn – mà con người xấu ác mới có thể trở nên tốt lành. Chính nhờ vô thường, vô ngã nên đạo đức, luân lý, lẽ phải, tình thương trên thế gian mới được thành lập. Chính nhờ vô thường, vô ngã của pháp, phàm tính mới diệt mất, thánh tâm mới được sinh khởi. Vậy thì giáo pháp ấy đâu phải là bi quan, yếm thế, tiêu cực, một thứ hư vô chủ nghĩa tàn tệ, độc hại, tung bóng tối cho cuộc đời – như ngươi đã từng tuyên bố trươc hội chúng ở Vesāli? Thế ra ngươi đã từng làm đạo sư của thiên hạ, làm giáo thọ cho cả một hội chúng – mà kiến thức sơ đẳng về chánh, về tà, về cái thực và cái không thực, điều cần liễu tri và điều không nên chấp thủ - ngươi cũng chưa nắm được thì thử hỏi làm sao bước vào giáo pháp của Như Lai? Chưa hiểu, chưa thấy giáo pháp của Như Lai thì làm sao xóa sổ, đập nát giáo pháp ấy?
Saccaka cúi gằm mặt xuống, không dám đưa mắt nhìn một ai. Lúc ấy, hầu quanh đức Phật có  ba tôn giả Vappa, Bhaddiya, Nadīkassapa - họ cùng thấy rằng, bọn hội đồng hoàng gia, quý tộc và tướng lãnh này đa phần ngã mạn, và con em họ cũng thế - nên tôn giả Vappa chợt lên tiếng:
- Bạch đức Thế Tôn! Có một ví dụ khởi lên trong tâm của đệ tử, xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử được nói vài lời...
- Ừ, ông cứ nói.
- Này ngài giáo thọ khả kính! Tôn giả Vappa nói - Có người mong muốn lõi cây, cần lõi cây nên cầm búa đi vào rừng. Thấy một cây chuối rừng cao, to, lớn, sung sức, chưa trổ buồng - người ấy bèn chặt cây chuối đến tận gốc, chặt ngọn, lìa tất cả nhánh rồi lột tuốt tuồn tuột tất cả những bẹ chuối ra hết. Người ấy từ từ lột từ ngoài vào trong - nhưng không hề tìm thấy giác cây huống hồ là lõi cây! Tôn giả Vappa chợt cao giọng - Cây chuối không có giác cây, không có lõi cây - chính là ngươi đấy, ngài Aggivesana! Đức Đạo Sư của chúng tôi đã chặt tận gốc, đã chặt cụt ngọn rồi lột trần tất cả sở học và kiến thức của nhà ngươi ra – nhưng bên trong không có gì cả! Dù cho cái sợi dây da to, nịt chặt cái bụng to của nhà ngươi – thì bên trong ấy cũng trống không, rỗng tuếch. Nếu là có thì trong ấy chỉ có thịt, mỡ, vật thực, lục phủ ngũ tạng, phẩn, đàm và nước tiểu mà thôi! Thế mà nhà ngươi dám vỗ ngực với mọi người ở Licchavī rằng: “ Ta không thấy có sa-môn hay bà-la-môn dù ở trường phái nào, học phái nào, dù là giáo phái chủ, giáo phái sư, hay bậc đạo sư tự xưng là Phật, là Thánh phương nào - mỗi khi đối đáp với ta, chẳng có người nào là không hồi hộp, cả kinh, run sợ! Thậm chí, nếu ta cật vấn cây cột không có tâm thức, nó cũng rung chuyển, kinh hãi, toát mồ hôi hột - huống nữa là con người!” Chuyện ấy bây giờ sự thực như thế nào hở ngài giáo thọ Aggivesana? Đàm thoại với đức Tôn Sư của chúng tôi, luận chiến, đấu trí, hùng biện với đức Toàn Giác – mà sao mồ hôi của ngươi toát ra từ trán, chảy dài xuống mặt, thấm qua áo rồi rơi xuống đất – còn đức Tôn Sư của chúng tôi thì không? Đức Đạo Sư của chúng tôi bao giờ cũng như bao giờ - luôn an trú ở cõi Tịnh cư thiên - là tại làm sao thế, hở Aggivesana?
Lúc ấy, Saccaka ngồi co rúm lại, gục đầu, da mặt tái ngắt, người toát mồ hôi lạnh - chàng im lặng, không dám ngó ai, không dám thốt ra một lời.
Trong hội chúng tùy tùng của Saccaka, có người thấy Saccaka như vậy, tức giận quá, thốt lên:
- Rõ là không biết hổ thẹn, đồ trơ tráo!
- Cái gì cũng thưa phải, dạ phải, bạch sa-môn Gotama - Người khác tiếp lời - Ngươi có đưa ra được một chủ kiến nào đâu mà bảo là tranh luận, đấu chiến, đấu trí đã chứ?
Tháp tùng Saccaka có ông hoàng Dummukkha là người trực tính, thâm trầm, hiểu biết - khi thấy Saccaka đã hoàn toàn cùn nhụt tất cả nhuệ khí ban đầu, đang chết lặng vì thảm bại - muốn giáo dục tính ngông cuồng của chàng trai, bèn hướng đến chỗ đức Phật, nói rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Xin cho phép con đưa ra một ví dụ. Ở gần xóm làng kia có một ao nước cạn, trong ấy có một con cua đang sống. Hôm nọ có một nhóm trẻ em hoang nghịch, chúng lội xuống ao bắt con cua ấy lên để chơi. Hễ con cua đưa cái càng nào ra là chúng lấy cây và đá đập gãy cái càng ấy. Cứ như vậy cho đến lúc con cua không còn một cái càng nào, bèn phải nằm yên không cựa quậy, chẳng bò đi đâu được nữa.
Bạch đức Thế Tôn! Cũng như thế ấy, những tà kiến, ngu si, nông cạn, tự cho mình hơn người, hơn đời, chàng trẻ tuổi Saccaka này - vị giáo thọ khả kính của con em chúng con - như những càng cua đã bị trí tuệ của đức Thế Tôn bẻ gãy. Từ rày về sau, có lẽ Saccaka sẽ khá hơn, sẽ không còn những ý nghĩ ngông cuồng, tự cao tự đại như vậy nữa!
Xấu hổ quá, Saccaka quát lên:
- Này Dummukha đại nhân! Ngài đừng nói nữa. Tôi biết là tôi sẽ làm gì rồi!
Nói thế xong, Saccaka bước ra, cung kính đảnh lễ đức Phật rồi nói rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay con đã thật sự thấy rõ tầm vóc trí tuệ của ngài! Giáo pháp tưởng là đơn giản, tưởng là nông cạn, tưởng là hời hợt hóa ra rất cao siêu, rất thâm viễn, rất độc sáng – có thể xua tan vô lượng mây khói, sa mù đã che phủ tất cả tư tưởng và triết học truyền thống từ xưa đến nay. Con đã lầm! Vệ-đà, Áo nghĩa thư và mọi giáo phái cũng đã sai lầm như thế! Một cái lầm chua cay, đắng chát, ngu si, thảm hại - nhưng con lại vô cùng cảm kích, sung sướng khi được vén mở con mắt pháp, thấy rõ sở học, kiến thức đầy nông nổi và đầy khiếm khuyết của mình. Kính xin đức Đại Giác từ bi xá tội cho những gì mà con đã mạo phạm!
Đức Phật biết rõ sự thay đổi từ trong tư duy, tâm ý của chàng trai trẻ như thế nào – nên mở lời, cốt để tạo duyên cho Saccaka bước được bước chân đầu tiên vào giáo pháp:
- Này Aggivesana! Có gì thắc mắc ngươi cứ hỏi, Như Lai sẽ trả lời.
- Bạch đức Thế Tôn! Về cái thấy biết sai lầm của con về ngũ uẩn là ta, là của ta, là sở hữu của ta rõ là ác kiến, mê muội; nhưng lời giáo huấn của đức Thế Tôn về ngũ uẩn là vô ngã, con chưa được tận tường cho lắm. Xin đức Thế Tôn triển khai thêm ở chỗ: Nhờ vô ngã nên người xấu ác có thể trở nên lành tốt, phàm tính có thể thành thánh tính; đồng thời nói thêm về những lợi ích và những kết quả thù thắng khi chân lý vô ngã đã được nhìn thấy, đã được áp dụng vào đời sống tu tập.
Đức Phật khen ngợi:
- Này Aggivesana! Câu hỏi ấy thật là chính xác. Là ngón trỏ chỉ đúng vào cốt lõi của giáo pháp! Vậy hãy nghe đây! Giáo pháp vô ngã ấy không phải là cái để nhận thức suông, mà phải thực sự chiêm nghiệm, lặn sâu vào, minh sát cho rốt ráo. Người nào thực hành giáo pháp ấy, thấy rõ ngũ uẩn là vô ngã sẽ đoạn tận được hoài nghi, đạt được trí tuệ, xa lìa khổ đau, phiền não - mọi dukkha - để được sống an vui, siêu thoát trong phạm hạnh của bậc sa-môn. Người như thế ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử trong giáo pháp của Như Lai vậy.
- Bạch đức Thế Tôn! Saccaka thưa hỏi tiếp – Xin ngài hãy nói thêm cho con nghe về trí tuệ ấy - trí tuệ xa lìa, giải thoát tất thảy mọi dukkha - để một vị tỳ-khưu được gọi là bậc thánh A-la-hán, đã tận diệt mọi phiền não, đã hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh, đã làm xong mọi phận sự trên đời này, đã bỏ mọi gánh nặng ngũ uẩn, chẳng còn một gốc rễ ràng buộc nào có thể dẫn đến tái sanh trong tương lai?
- Này Aggivesana! Muốn được như vậy thì thầy tỳ-khưu phải thấy rõ ngũ uẩn bằng trí tuệ - thấy rõ bằng trí tuệ nghĩa là phải thấy đúng như thực tánh, đúng như bản chất của nó. Theo đó, tất thảy mọi sắc uẩn ở quá khứ, sắc uẩn ở vị lai, sắc uẩn ở hiện tại, sắc uẩn bên trong, sắc uẩn bên ngoài, sắc uẩn thô, sắc uẩn tế, sắc uẩn cao sang, sắc uẩn thấp hèn, sắc uẩn gần, sắc uẩn xa...; tất thảy sắc uẩn ấy không phải ta, không phải của ta, chẳng phải tự ngã của ta. Chúng đều vô thường, duyên sanh, không có tự tính, không có thực tính, không có ngã tính! Các cảm giác(thọ), tri giác (tưởng), các trạng thái tâm lý (hành) và nhận thức (thức) cũng phải được minh sát bằng tuệ quán như thực ấy. Khi thấy rõ ngũ uẩn không phải là ta, là của ta - thầy tỳ-khưu xa lìa được mọi sở hữu. Nhờ xa lìa được mọi sở hữu, thầy tỳ-khưu cắt đứt được những sợi dây chấp thủ tham ái. Cũng nhờ thoát ly ta và của ta - thấy rõ mọi vô ngã tánh - thầy tỳ-khưu rời xa những so sánh ta-ngườihơn-thua... để dập tắt, để tận trừ tất cả các mạn (tăng thượng mạn, ngã mạn, mạn, liệt mạn, ti liệt mạn). Cũng nhờ thấy rõ vô ngã, duyên sanh - vị tỳ khưu thấy rõ các pháp chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường - nên vĩnh ly tất thảy tà kiến.
Này Aggivesana! Với tất cả tham ái đã được cắt đứt, với tất cả các mạn đã được ly thoát, với tất cả tà kiến đã được đoạn trừ - thầy tỳ-khưu biết rõ mình: Tử sanh đã được bứng tận, phiền não đã được đoạn lìa, mọi gánh nặng đã được đặt xuống, mọi bổn phận đã được làm xong - sẽ không còn tái sanh vào kiếp sau nữa! Và đấy chính là bậc thánh A-la-hán đã hoàn toàn giải thoát mọi khổ ách đeo mang trên trần thế!
Nghe đức Thế Tôn thuyết giảng cặn kẽ như thế, Saccaka hoan hỷ quá, thốt lên:
- Ôi! Thật là thẳm sâu, rộng lớn mà cũng tinh tường, tế vi đến kinh ngạc! Một sợi lông, một hạt bụi của tà kiến cũng không thể có chỗ đứng trong đôi mắt của tuệ minh sát này! Quả thật, đức Thế Tôn là bậc đại trí tuệ đã soi rọi tận tường chỗ tối tăm, mê lầm của con và của cả thế gian; thậm chí, những kẽ tóc chân tơ của những cái gì là ta, là của ta, là tự ngã của ta – bây giờ con mới thật thấy, thật hiểu! Không những là con, mà tất cả mọi người ở đây - mới thật sự hé mở được con mắt, mới thật sự biết trí tuệ là gì - phải vậy không chư vị đại nhân?
Cả hội chúng đồng đáp vang rân:
- Quả thật vậy!
Có một vị bước ra, đảnh lễ đức Phật rồi nói:
- Dường như từ lâu chúng tôi xem trọng kiến thức và hiểu biết suông - kiến thức và hiểu biết suông ấy chỉ để tăng trưởng, tích lũy, tô bồi cho cái bản ngã mà thôi. Nhờ đức Thế Tôn mà chúng tôi biết trí tuệ là gì, trí tuệ ấy là để thấy và để sống cho đúng với chân lý chứ không phải để mà phô phang, huyền đàm, hí luận... Tri ân đức Thế Tôn!
Saccaka đã lấy lại sự tự tin, phong độ cũ – khoát tay cho mọi người im lặng rồi phát biểu với hội chúng của mình:
- Thưa chư vị đại nhân cùng với học chúng của tôi! Tôi có vài ví dụ cụ thể, sống động về điều này, về sự kiện hôm nay. Rằng là, nếu có người đương cự với một con voi say, hắn còn chút hy vọng thoát thân được; nhưng nếu thế gian có kẻ ngông cuồng dám đấu trí với đại sa-môn Gotama – thì hắn sẽ không biết chạy trốn vào đâu! Tương tự thế, một người đang ở trong vòng lửa cháy ngun ngút bốn bề; tuy nhiên hắn còn chút may mắn thoát ra – nhưng nếu đã lỡ ngu si mà luận chiến với đại sa-môn Gotama – thì một tí tẹo kẽ hở an toàn cũng bị bít chặt! Một người bị rắn độc cắn, hắn còn chút hy vọng chữa trị được – nhưng nếu có kẻ thách thức đàm luận với đại sa-môn Gotama – thì một cơ hội hy hữu để phòng thân cũng hoàn toàn tuyệt vọng!
Rồi Saccaka hướng đến đức Phật:
- Kính bạch bậc đại trí tuệ! Vài ví dụ xưng tán vừa rồi của con đối với ngài thì thật là vô nghĩa và phù phiếm – nó là một thứ bụi bặm, ô nhiễm, cấu uế mà đức Thế Tôn đã xa lánh, đoạn trừ từ lâu rồi! Nhưng đấy là tư duy và ngôn lời chân thật của con – khi mắt con đã được mở, tâm trí con đã được sáng. Hôm nay, con đã bại trận một cách thảm hại, đã thua cháy túi tất cả mọi gia tài, tài sản kiến thức được tích lũy từ nhiều đời cha ông, đã khánh tận mọi hiểu biết, sở tri, cao mạn... kể cả thiên kinh vạn quyển được nịt chặt trong cái bụng đầy đặc thịt mỡ, vật thực, ngoan cố và bất tịnh này. Nhưng con lại rất sung sướng, an lạc và hạnh phúc... vì đã cởi bỏ được rất nhiều, cả bên ngoài lẫn bên trong!
Nói thế xong, Saccaka tự tháo sợi dây da nịt bụng, với cử chỉ chậm rãi, bỏ xuống bên chân rất từ tốn - rồi cúi đầu ôm chân bụi của đức Tôn Sư, nói rằng:
- Con, Saccaka Aggivesana! Hôm nay đã hoàn toàn được nhiếp phục, đã nhu thuận – xin đôi chân có ngàn căm bánh xe của đức Tôn Sư chứng minh cho! Và con cũng đã thực sự hồi đầu hướng thiện, cải tà quy chánh – vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc lâu dài cho con về sau!
Saccaka đặt hai tay lên sát đỉnh đầu, nói tiếp:
- Để minh chứng cho tất cả lòng thành này, ngay ngày mai, con xin cung thỉnh đức Thế Tôn cùng Tăng chúng thánh hiền quang lâm đến tệ xá, để cho con cùng hội chúng hoàng tộc, tướng lãnh Licchavī được dịp cúng dường đặt bát ngọ trai!
Đức Phật im lặng nhận lời.
Trở về trú xứ của mình, Saccaka thông báo rộng rãi đến cho hoàng tộc, hội đồng tướng lãnh Licchavī hay biết rằng:
- Này chư vị đại nhân cao quý và hiền thiện! Đây là cơ hội ngàn năm một thuở mới có một đức Đại Giác ra đời! Đức Thế Tôn ấy có trí tuệ vô song, đại bi vô lượng, biện thông vô ngại, hùng lực vô úy, đức tài vô biên, kiến thức vô tận, hiểu biết vô cùng, nhân cách vô thượng, thần thông vô tỷ, ngữ ngôn vô đối, phước tướng vô ngần... Vậy hãy nghe tôi! Ngay ngày mai, chư vị hãy chuẩn bị chu đáo, tươm tất – mang đến tư thất của tôi những thức ăn thượng vị, ngon bổ và cao quý nhất - để cúng dường đức Thế Tôn vĩ đại cùng Tăng chúng thánh hạnh! Làm như thế, phước báu sang cả và thù thắng nhiều đời sẽ trổ hoa thơm ngát, kết trái sung mãn cho chư vị. Hãy nghe tôi!
Thế rồi, lúc đêm đã tàn, bình minh ló dạng, các gia đình hoàng tộc, quý tộc Licchavī mang hơn trăm phần vật thực thượng vị được nấu nướng công phu đến tư gia Saccaka để góp chung phần thiết lễ cúng dường khá trọng thể. Họ đã làm hết sức mình vì là lúc kinh tế khó khăn, nạn đói kém do hạn hán, mất mùa đang xẩy ra tại xứ sở này.
Đúng giờ, đức Phật đắp y màu san hô đỏ, mang bát lõi mít màu cam thảo chín cùng với trăm tỳ-khưu phạm hạnh đi đến chỗ Saccaka. Các vị tướng quân đầy kiêu căng hống hách dòng dõi Licchavī nghe cha chú hoàng tộc kể lại về nhân cách, trí tuệ biện tài của sa-môn Gotama – có một số sinh tâm ngưỡng mộ cũng góp sức một tay cho lễ cúng dường này.
Khi đức Phật và Tăng chúng thọ thực xong, Saccaka quỳ một bên phải lẽ, chắp tay thưa rằng:
- Cầu xin quả báu của sự phước thiện này sẽ thành tựu hạnh phúc và an lạc đến cho tất thảy mọi người trong hoàng tộc, quý tộc Licchavī.
Đức Phật biết sau này Saccaka sẽ trở thành một nhân cách hữu dụng – ngài có ý nâng đỡ, nên dạy rằng:
- Này Aggivesana! Tâm nguyện của ngươi thế là tốt, nhưng quả báu phước thiện trong sự cúng dường ngày hôm nay không đơn giản như vậy đâu.
- Con xin được nghe!
- Hội chúng Licchavī này nương nhờ bởi ngươi, và ngươi thì nương nhờ bởi Như Lai, có phải vậy không?
- Thưa vâng!
- Lại nữa, sụ bố thí cúng dường này thành tựu được là do sự chủ động của ngươi, tư tác của ngươi, có phải vậy chăng?
- Thưa phải!
- Vậy, Như Lai sẽ chứng minh cho sự thật ấy rằng: Quả báu phước thiện của sự bố thí, cúng dường này - do nương nhờ bởi ngươi, là người chưa diệt tận phiền não - sẽ thành tựu đến cho tất cả thí chủ trong hoàng tộc, quý tộc Licchavī! Và, quả báu phước thiện của sự bố thí cúng dường này – do nương nhờ bởi Như Lai, là người đã đoạn tận mọi phiền não - sẽ thành tựu đến cho ngươi, này Aggivesana!
Hiểu được sự mầu nhiệm về nhân quả, trí tuệ cũng như tâm từ vô lượng của đức Phật, Saccaka xiết bao cảm động – chàng cúi đầu, đỏ lệ, đáp nho nhỏ:
- Con hiểu, bạch đức Thế Tôn! Tri ân đức Thế Tôn!


Trích: Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt
Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

ĐỐN NGỘ ĐẠI THỪA CHÍNH LÝ QUYẾT

Bản chép tay đời Đường ở Đôn Hoàng:ĐỐN NGỘ ĐẠI THỪA CHÍNH LÝ QUYẾTViệt dịch: DIỆU TRAI cư sĩ (Nguyễn Thành Sang).Email: thanhsang.nsb@gmail.comPhone: 0125.550.0131
đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla)
Đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla)
Sử tịch Tây Tạng ghi chép, Phật giáo tiền kỳ đất Tạng đã dấy lên cả hai lần đại nạn, một là nạn bên trong, hai là nạn bên ngoài. Nạn bên ngoài gọi là cuộc diệt phápcủa vua Lãng-đạt-ma (Glan-dar-ma), Thánh giáo đoạn tuyệt hơn một trăm năm, đến thời Triệu Tống mới đượcphục hưng, là giáo nạn trọng đại nhất trong sử Tây Tạng. Nạn bên trong là Thánh giáo Tây Tạng dựng lên chưa lâu, sau khi các vị như luận sư Tĩnh Mệnh thị tịch(đời vương triều Trĩ-tùng Tây Tạng, khoảng thời Đường Đại Tông) có sự hiểu lầm nghĩa Không, hủy báng hòa thượng Chi-na mang danh Ma-ha-diễn[1] phương tiệnsang Tạng, đề xướng Thiền tông, chia Phật giáo làm hai môn Đốn – Tiệm, bảo các hành giả tiệm tu theo tam học, lục độ… là Tiệm môn. Những người nhìn thẳng vô tư vô tưởng ly phân biệt là Đốn môn. Lại bảo sự phân biệt dù thiện hay ác cũng đều là chướng Thánh đạo, duyvô phân biệt mới chứng Bồ-đề. Lại nói các hành giảrộng hiểu Tam tạng Thánh giáo thì họ là hạng thượng căn lợi trí nếu nói theo chúng sinh độn căn thời Mạt, nhìn thẳng tự tâm, diệt những phân biệtđốn ngộ thành Phật, vốn không cần tu các thiện hạnh. Do vậy dị kiếncạnh tranhgiáo đồ tranh chấp, cuộc chiến suốt nhiều năm vẫn chưa giải quyết. Sau nhờ Tạng vương thỉnh luận sư Liên Hoa Giới Ấn-độ sang Tạng biện luận mới khôi phục lại phép thường. Tương truyền khi Ma-ha-diễn chuẩn bị biện luận từng soạn ba bộ sách, một nói rõ tự tông, chỉ diệt phân biệt, chẳng cần tuhành, thụy miên (ngủ mê) tức là thành cái ý của Phật, gom lại trích dẫn hơn 80 bài đại kinh xưng tán sựvô phân biệt chứng minh sở thuyết của mình, sắp sẵn mười phiên vấn đáp nhằm giải thích cho cuộc tra hỏi.
Song khảo xét sử tịch Hán văn, không thấy có người tựa như thế, cũng không thấy có loại sách giống vậy, tức là ba bộ sách này cũng đã sớm thất truyền tại Tây Tạng rồi, nay trong các văn bản in hình hang đá Đôn Hoàng của Bắc Kinh đồ thư quán được lưu giữ tại Paris, chợt có được bộ sách Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết do Ma-ha-diễn biểu tấu xưng phổ, tức là soạn ra sẵn lối vấn đáp nhằm giải thíchcuộc tra hỏi, thực là sử liệu hy hữu đáng quý. Xem cái lí được bàn trong đó vốn chỉ là rỗng tuếch vô nghĩa, không phải là lời thật ngữ thiền đức, giáo được dẫn trong đó cũng thuộc loại tầm chương trích cú, gần như hiểu lệch. Ba bài Tu thứ đệ luận của Liên Hoa Giới cùng với Bồ-đề Đạo thứ đệ luận của Tông-khách-ba biện chính toản tường, rất đáng tham khảoTiến tới khảo về sư thừa của Ma-ha-diễn thì bảo “pháp hiệu Hàng Ma Tiểu Phúc Trương hòa thượng, chuẩn ngưỡng Đại Phúc Lục hòa thượng”, có lẽ làhậu duệ của Thần Tú[2]. Vì nối pháp của Thần Tú chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 4 cóthiền sư Tiểu Phúc người Kinh Triệu và Hàng Ma Tạng thiền sư người Duyện Châu. Nếu vậy, niềm tinsuy tàn đối với thiền Bắc tông cũng là có lý do.     
Ngày 29 tháng 11 năm 1950, nhà yoga Đạo Tại ghi.

BÀI TỰA 
“ĐỐN NGỘ ĐẠI THỪA CHÍNH LÝ QUYẾT”
Tiền Hà Tây Quan sát sứ phán quan Triều tán đại phu Điện trung Thị ngự sử Vương Tích soạn;

Từ khi đức Thích-ca hóa diệt, niên đại xa vời, Kinh chép lá bối, pho bộ tuy nhiều, hoặc có chân ngôn, ý kiêm bí mật, lí đã sâu sắc, chẳng dễ qua bờ. Thế là chư Bộ trỗi dậy, tà chấp giằng co, cho nên có Tiểu Thừa thiển tríđại nghĩa trái khuấy, cái ánh le lói của đom đóm mà đòi tranh sáng tỏ với vầng thái dương. Hiềm nỗi phiên quốc quạt tục gió tà, không truyền Phật giáo, chẳng lường Thiền tông. Ôi ngã Thánh xưng phổ, sớm trồng gốc thiện, chóng ngộ lẽ thật. Thương muôn tính cứ mãi mê lâu bèn diễn áo chỉ của Chính thừa. Vốn biết lời nói trái lẽ thì tính (chúng sinh) sẽ trái Thừa, không tin Pháp mà đi theo Phi pháp.Chạy theo thế đế (lẽ đời), sẵn rộng căn cơ, không bỏ Thanh văn, uốn dòng văn tự, ban truyền trong cõi, để lại tinh tu. Tiếp xúc lân bang mở bày long tượng. Ở nước Ngũ Thiên Trúc thỉnh ba mươi vị Bà-la-môn tăng, nơi nước Đại Đường thỉnh ba vị Hán tăng đại thiền sư Ma-ha-diễn cùng hội tịnh giới, chung thuyếtChân tôngĐại sư ta ngầm viện Thiền môn, nêu rõ Pháp ấn, hoàng hậu Một-lô thị tự mình kiền thành, vạch đường khai ngộ, cắt bỏ tóc xanh, mặc áo nâu sòng. Giới châu sáng tỏ nơi ruộng tình, thấu suốtThiền tông nơi nước định, tuy hoa sen không nhiễm nhưng chưa đủ làm gương. Khéo hay làm phương tiện, dạy dỗ sinh linh, thường xưng phổ cho mẹ dì Tất-nang-nam thị cùng các đại thần phu nhân hơn ba mươi người nói pháp Đại Thừa, đều xuất gia cùng lúc cả, cũng có khác gì chuyện đầu têu từ bà Ba-xà-ba-đề làm Tỳ-khưu-ni đâu. Lại có Tăng thống đại đức Bảo Chân, vốn tục họ Nghịch, chẳng lầm thiền – luật nơi ruộng tình, kinh – luận sẵn bàn nơi bể miệng, hộ trì Phật Pháp, tinh tu gấp bội. Hoặc chi giải sắc thân, chẳng hề nhiễu động, tập thiền cũng thế. Lại có tăng Tu-già-đề con nối vua Tô-tì, tiết tháo tinh tu,giới châu sáng sủa, mình mặc trăm áo, tâm khớp ba Không, bảo đại sư ta rằng:
- Hận là đại sư đến muộn, không được sớm nghe lời Pháp!
Bắt đầu năm Thân, đại sư ta chợt vâng minh chiếu về lời tâu của những Bà-la-môn tăng, Thiền tông đốn ngộ được Hán tăng truyền dạy chẳng phải là sở thuyết từ kim khẩu, xin ngừng bỏ lập tứcThiền sư ta vẫn điềm nhiên cười rằng:
- Lạ thay! Chúng sinh cõi này há không có chủng tính Đại Thừa, bị quân Ma nhiễu động hay sao? Chúng bảo giáo pháp của ta không khớp lẽ Phật, tự chuốc diệt vong ư?
Thương xót hàm linh, ròng ròng nước mắt, bèn cúi đầu cung kính trước Phật mà thưa rằng:
- Nếu chúng sinh vùng này có duyên với Đại Thừathiền pháp sẽ mở lại không sai, xin luận nghị với Tiểu Thừa để xét đoán đúng sai, gióng lên hồi trống Pháp làm chấn động càn khôn, thổi loa Pháp mà xếp lại non nhạc. Nếu nói không hợp lý thì nguyện cho Mật tích Kim cương băm nát bần đạo ra làm bụi nhỏ.
Bậc thánh chủ đứng trước, lập tức tâu rằng:
- Thầm mong thánh thượng trách vấn với những Bà-la-môn tăng, cật nạn lẫn nhau, so sánh kinh nghĩa, nên có chỉ quy để giảm thiểu sai sót, xin ngừng bỏ đi.
Vua nói:
- Được thôi!
Những Bà-la-môn tăng qua nhiều năm tháng tìm tòi kinh nghĩa để tâu vấn đề, cóp nhặt tì vết, đại sư ta thì tâm trong lẽ thật, đáp theo lời hỏi, như gió mát cuốn bay sương mù, nhìn thấy trời xa, khác gì tấm gương thật dựng lên soi sáng mọi hình tượng. Những Bà-la-môn lời lẽ đuối lý, cùng cạn từ nghĩa, ngọn giáo bị gãy, đâm lòng chống đối, bèn mê hoặc lũ đại thần âm mưu kết bè đảng, có hai vị tăng Thổ-phồn là Khất-xa-di và Thi-tì-ma-la, biết thân như bọt bóng, khế sâu thiền kỹ, quyên sinh vì Pháp, đâu dám ngoan cố, chui đầu vào lửa, bèn thân gỡ dao sắc mà nói:
- Ta không nỡ thấy bè đảng kết giao, hủy báng Thiền pháp.
Bèn chết đi. Lại có hơn ba mươi vị tăng Thổ-phồn đều thâm ngộ chân lý, chung một lời tâu lên:
- Nếu thiền pháp không hành thì chúng tôi xin cởi hết cà-sa, vứt thân hiểm hóc.
Bọn Bà-la-môn bèn trừng mắt uốn lưỡi, kinh hồn vỡ mật, lo ảnh sửa tường, nghĩ thẹn toán chiến. Tiểu Thừa đã loạn cách há còn dấy quân, xem cờ Đại Thừa giương vẫn vậy dũng mãnh. Đến ngày 15 tháng giêng năm Tuất đại tuyên chiếu mệnh rằng: “Thiền nghĩa do Ma-ha-diễn khai thông suốt Kinh văn, không chút sai lầm, từ nay về sau dù đạo hay tục cũng đều y pháp tu tập”. Tiểu tử chẳng tài, đại sư chầm chậmgọi bảo:
- Mực chữ công văn được lời vấn đáp lấy làm đề mục, kiêm viết trình tựa, nên đặt mục là Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết.
Hỏi rằng:
- Nay thấy tâm trừ tập khí, ra Kinh văn gì?
Cẩn đáp:
- Đúng Kinh Phật Đỉnh dạy: một căn ngược về nguồn, sáu căn thành giải thoát. Theo Kinh Kim Cương và các Kinh Đại Thừa đều dạy: lìa tất cả vọng tưởng tập khí gọi là chư Phật. Cho nên khiến thấy tâm trừ tất cả tâm vọng tưởng tập khí.
Hỏi:
- Lời Kinh Đại Thừa nói sao gọi là nghĩa Đại Thừa?
Đáp:
Kinh Lăng-già nói: duyên có vọng tưởng thì thấy có Đại Thừanếu không vọng tưởng thì lìa Đại Tiểu thừa, cái không thừa và thừa không có kiến lập thừa, ta nói là Đại Thừa.
Hỏi thứ nhất:
- Hoặc có người nói Phật từ vô lượng nhiều kiếp tới nay vô lượng công đức trí tụ tròn sẵn, rồi mới thành Phật. Lìa mỗi vọng tưởng không được thành Phật. Vì cớ sao? Nếu người chỉ lìa vọng tưởng được thành Phật cũng không cần nói Sáu Ba-la-mật, mười hai bộ kinh, chỉ cần nói khiến diệt vọng tưởng. Nếu đã không nói như vậy thì trái với lí.
Đáp:
- Tất cả chúng sinh duyên vô lượng kiếp tới nay thường không lìa khỏi ba độc phiền nãotâm tưởng vô thủy tập khí vọng tưởng cho nên trôi lăn sinh tử, không được giải thoát. Theo Kinh Chư Pháp Vô Hànhquyển thượng nói: nếu trong tất cả pháp vì trừ được tâm duyên tướng ấy là bất khả đắc nên người đó gọi là người đã được độ. Lại Kinh Kim Cương Tam-muội dạy: Phật nói một niệm tâm động thì năm ấm cùng sinh. Khiến chúng sinh kia an tọa tâm thiền, trụ Kim Cương địa, cái không một niệm này đúng như cái lí vậy, đủ hết mọi pháp. Lại Kinh Kim Quang Minh thứ hai nói: tất cả phiền não cuối cùng diệt tận, bởi vậypháp như như, cái trí như như nhiếp tất cả Phật Pháp. Lại Kinh Lăng-già thứ hai nói: chỉ lìa tâm vọng tưởng thì Pháp thân Như Lai của chư Phật trí tuệ bất tư tự nhiên hiển hiện. Lại Pháp thân tức chợt hiện, tỏ Báo thân cũng như Hóa thân. Lại Kinh Chư Pháp Vô Hành Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “nếu có người hỏi ngươi đoạn tất cả bất thiện pháp, thành tựu tất cả thiện pháp gọi là Như Lai, ngươi đáp thế nào?” Văn-thù-sư-lợi nói: “như Phật ngồi nơi đạo tràng, vả thấy pháp có sinh diệt chăng?” Phật nói “không thấy”. “Thế Tôn! Nếu pháp không sinh không diệt, không đoạn tất cả bất thiện pháp, không thành tựu tất cả thiện pháp, là sở kiến gì? Sở đoạn gì? Sở chứng gì? Sở tu gì? Sở đắc gì? Chỉ là tâm tưởng vọng tưởng tức làtự nhiên trọn đủ ba mươi bảy đạo phẩm, tất cả công đức cũng đều trọn sẵn, rộng thuật Kinh văn không thể nói hết, cứ tự xét tìm sẽ thấy Kinh nghĩa cứ lí.
Hỏi:
- Cái không trái đối với lí nếu có chúng sinh lìa khỏi ba độc phiền não, liền được giải thoát tâm tưởng vô thủy tập khí vọng tưởng, cũng được thành Phậtcông đức như vậy không thể so lường.
Đáp:
Mười hai bộ kinh theo Kinh Lăng-già nói: Kinh Phật đã dạy đều có nghĩa vậy, tuệ lớn, các Tu-đa-la dạytùy thuận theo tâm tất cả chúng sinh chứ chẳng phải chân thật ở trong lời, chẳng phải đều hiển thị cáipháp trí chứng nơi chân thật. Tuệ lớn phải tùy thuận nghĩa, chẳng thấy ngôn thuyết. Lại Kinh dạy: Phật nói “Ta đêm nọ thành đạo, đêm đó nhập Niết-bàn, ở hai khoảng giữa đó không nói một chữ, không từng nói, nay nói hay sẽ nói”. Không nói tức là Phật nói. Lại Kinh Niết-bàn dạy: kẻ nghe Phật không nói pháp là người trọn đủ đa văn. Lại Kinh Kim Cương dạy: cho đến không có chút pháp đáng nắm được, đó là Vô thượng Bồ-đề. Lại Kinh ghi: không pháp có thể nói, đó gọi thuyết pháp. Theo đạo lí này nên không trái nhau.
Lại hỏi:
- Có trời người chế ra vọng tưởng, vì chế vọng tưởng nên sinh Trời Vô Tưởng, bọn này không đến Phật đạo, biết rõ trừ tưởng không được thành Phật.
Cẩn đáp:
- Những trời người kia có quán có hướng, lấy định Vô tưởng vì vọng tưởng này mà sinh Trời kia, nếu có thể lìa quán lìa Vô tưởng định thì không còn vọng tưởng, chẳng sinh Trời kia. Kinh Kim Cương dạy: lìa tất cả các tướng gọi là chư Phật. Nếu nói kẻ lìa vọng tưởng không thành Phật vậy đi ra từ Kinh văn nào?
Hỏi:
- Theo Kinh Lăng-già dạy: người không Tam thừa là kẻ bất định tính trong năm chủng tính chúng sinh làgiả thuyết, không nên chấp như vậy chứ.
Lại đáp:
- Cách gọi năm chủng tính chỉ duyên chúng sinh có năm loại vọng tưởng bất đồng, cho nên nói tên có năm chủng, nếu lìa được vọng tưởng thì một loại cũng không, làm gì có năm, há lại lập phương tiện khác ư?
Hỏi:
Kinh Lăng-già nói: lời đã nói với Thanh văn thụ ký, hóa Phật – hóa Thanh văn thụ ký, theo điều này chỉ là mấy cái nghĩa Trung Niết-bàn đạo phương tiện điều phục chúng sinh, là Tam thừa. Nếu lìa khỏi tưởng thì không thể nói là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, bảo Vô tưởng không quán Đại – Tiểu thừa, chẳng phải không Đại – Tiểu. Thí như bậc Thanh văn sau khi chứng Niết-bàn thì không có chỗ quán gì thêm với Đại Thừahay Tiểu Thừa. Hạng Thanh văn này há nói là nhập Đại Thừa đạo chăng?
Cẩn đáp:
- Cách nói hóa Phật và hóa Thanh văn thụ ký là vì người Thanh văn chưa thấy Pháp thân cũng như Báo thân, chỉ thấy Hóa thân, cho nên Hóa thân thụ ký chính hợp lẽ ấy.
Lại hỏi:
Kinh Lăng-già dạy: lời ta đã nói thì tắt ngọn lửa thức gọi là Niết-bàn, không nói Niết-bàn đạo là Tam thừa.
Đáp:
- Kệ Kinh Lăng-già bảo những bậc Dự lưuNhất laiBất hoàn, A-la-hán quả đều là chư Thánh nhân, tâm họ mê hoặc hết. Tam thừaNhất thừa và Phi thừa mà ta lập ra, là nói cho ngu phu thiểu trí ưa tịch chư Thánh. Pháp môn đệ nhất nghĩa lánh xa ba hướng, trụ vào không cảnh giới, dựng Tam thừa nào nữa. Chư thiền và vô lượng, tam-ma-địa vô sắc cho đến Diệt thụ tưởngduy tâm bất khả đắc. Theo nghĩa lí Kinh ấy, Tam thừa đã nói đều là pháp môn phương tiện dẫn dắt chúng sinh. Lại Kinh Tư Ích nói: Võng Minh Bồ-tát hỏi Tư Ích Phạm Thiên rằng “Hành tất cả hành mà chẳng phải hành là gì?” Phạm Thiên nói: “Nếu người ngàn muôn ức kiếp hành đạo, nơi lẽ Pháp tính không thêm không bớt, bởi vậy nói hành tất cả hành mà chẳng phải hành. Tôi nhớ quá khứ a-tăng-kỳ kiếp, gặp vô lượng a-tăng-kỳ Như Lai thừa sự không sơ sót và thực hành mười hai đầu-đà khổ hạnh, vào núi học đạogiữ giới tinh tiếntrí tuệ đọc tụngtư duy đã nghe là chư Như Lai cũng không thấy thụ ký. Vì cớ sao? Vì y chỉ sở hành, do vậy nên biết là Bồ-tát làm ra tất cả các hạnh thì được thụ ký. Theo đạo lí này, cái nhìn Đại Thừa trong lẽ Pháp tính đều là tưởng giả dối, nếu lìa vọng tưởng thì không có nhìn Đại – Tiểu. Lại theo Kinh Lăng-già Mật Nghiêm nói:Thanh văn tuy lìa vọng tưởng phiền não, nơi bùn đất tập khí thí như người say mê sau đó tỉnh rượu dậy,Thanh văn kia cũng vậy, tham trước tịch diệt, ưa tam-muội lạc, vì sự say đó cho đến trường kiếp không giác (tỉnh dậy), sau khi giác sẽ thành PhậtThanh văn tham trước tịch diệt lạc cho nên không được nhậpĐại Thừa.
Lại hỏi:
- Cách nói Thanh văn trụ vô tướng, được nhập Đại Thừa không?
Đáp:
- Theo Kinh Lăng-già nói: nếu trụ vô tướng, không thấy nơi Đại Thừa, cho nên không chuốc lấy Vô tưởng định. Bởi vậy Kinh văn “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.
Hỏi thứ hai:
- Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật, Kinh nào nói vậy?
Cẩn đáp:
Kinh Kim Cương dạy: lìa tất cả tướng, tức gọi chư Phật. Lại trong các kinh Đại Bát-nhãLăng-giàHoa Nghiêm… cũng nói rộng đủ.
Lại hỏi mới hơn:
Kinh Kim Cương dạy: nếu liễu đạt các pháp, quán rồi sau đó không quán ấy là trí tuệ; nếu tu trọn tất cả thiện rồi sau đó không tu vì hóa chúng sinhĐại trí tự nhiên thành tựu, vì trước tiên nói nguyện lực. Vìphàm phu vọng tưởng chẳng sinh. Phàm phu vốn dĩ không đạt tất cả, còn chưa đủ các công đức, chỉ diệt vọng tưởng không được thành Phật. Để nói tóm gọn, hiểu tất cả pháp là trí, tu tất cả thiện pháp là phúc, là vì thành tựu tất cả như vậy cho nên trải qua nhiều kiếp vì nhân các phúc trí lực nên tam-muội vô quán từ đó mới tỏ. Lại Kinh Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội nói: vì mới tập quán được Tam-muội này, thínhư học bắn, ban đầu bắn giỏ tre, to như thân bò, về sau nhỏ dần, giống như lông tóc, cũng đều bắn trúng. Từ tập nơi quán là tiệm tu hành, lời chư Phật nói đều là Tiệm môn, không thấy Đốn môn.
Đáp câu hỏi mới thứ hai:
- Theo Kinh Lăng-già dạy: Phật bảo Đại Tuệ Bồ-tát nên chớ xem văn tựtùy nghi thuyết pháp, ta và chư Phật vì đều theo giải phiền não chúng sinh nên muốn khai diễn cho muôn loài bất đồng, khiến biến các pháp được hiện nơi tự tâm. Lại Kinh Tư Ích nói: nói lẽ Pháp tính, nếu người ngàn muôn ức kiếp hành đạo, với lẽ Pháp tính không thêm không bớt, nếu hiểu rõ lẽ này gọi là Đại trí tuệ. Ở trong lẽ Pháp tính tu và không tu đều là vọng tưởng. Theo đạo lí Pháp tính, nếu lìa vọng tưởngĐại trí vốn tự nhiên thành tựu. Nếu luận phúc – trí, càng không có đạo lí Pháp tính. Cũng như Pháp tính tam-muội đã nói: Tiệm – Đốn đều dochúng sinh tâm tưởng vọng tưởng thấy, bởi vậy Kinh dạy: Đại tuệ, vì vậy nên sinh thấy trong tưởng hòa hợp lìa nhân duyên sở tác, nếu lìa tất cả tưởng vọng tưởng, Tiệm – Đốn không thể nắm được. Nếu nói người lìa vọng tưởng không thành Phật đi ra từ Kinh nào? Cách nói Kinh Thủ-lăng-nghiêm dạy: người học bắn dần dà không duyên tâm tưởng tăng trưởng vọng tưởng, chỉ hợp khiến trừ vọng tưởng.
Hỏi câu hỏi thứ ba cũ:
- Nói tất cả tưởng thì tưởng ấy thế nào?
Đáp:
- Tưởng là tâm niệm khởi động và nắm ngoại cảnh, nói tất cả nghĩa là dưới đến địa ngục, trên đến chư Phật trở xuống. Kinh Lăng-già nói: các pháp vô tự tính, đều là vọng tưởng tâm thấy.
Câu hỏi mới thứ ba tưởng trên đến chư Phật, dưới đến địa ngụccần phải lâu dài thành tựu thiện pháp,lánh xa ác phápthực hành theo đó. Nếu không hiểu Phật, không biết địa ngục, như nói Vô minh trongmười hai nhân duyên, hạng phàm phu không hợp tu hành pháp này.
Câu hỏi mới thứ ba:
- Tất cả chúng sinh vì cớ xưa nay vọng tưởng phân biệt chấp trướcvọng tưởng về thiện ác pháp, hoặc giỏi thiện hoặc giỏi ác, do nhân duyên đó trôi lăn sinh tửxuất ly không được, vì vậy Kinh văn phàm hết mọi tưởng đều là giả dối, nếu thấy các tướng chẳng phải tưởng thì thấy Như Lai. Nếu công đức hiểu rõniệm này, qua vô lượng kiếp tu tập thiện pháp, không bằng một niệm công đức này. Lại còn bảo trong ngôi phàm phu không thích hợp học pháp này, tất cả sự tu tập thiện pháp thành Đẳng Giác của chư Phật Bồ-tát vô lượng kiếp đều lưu lại pháp cho chúng sinh Mạt Pháp đời sau giáo lệnh tu học, đã nói chúng sinh phàm phu không hợp học pháp này thì chư Phật Bồ-tát truyền dạy để lại cho ai? Phàm phu không hợp học pháp này lấy ra từ Kinh nào?
Hỏi:
- Tưởng có lỗi gì?
Đáp:
- Lỗi của tưởng là có thể ngăn Nhất thiết trí bản lai của chúng sinh, và ba nẻo ác lâu mãi trong luân hồi, nên có lỗi này. Kinh Kim Cương nói: cũng khiến lìa tất cả các tưởng thì gọi là chư Phật.
Câu hỏi mới thứ tư:
- Hoặc có cớ khiến tưởng được sinh trưởng hoặc khiến tưởng và xứ không sinh. Khi bậc phàm phu mớitu hành không được trừ tất cả tưởng?
Đáp:
- Các Kinh Đại Thừa nói: tất cả chúng sinh vì có phân biệt chấp trướcvọng tưởng lúc sinh lúc không bởi vậy trôi lăn sinh tửnếu có thể không chấp trước vọng tưởng lúc sinh lúc không liền giải thoátChúng sinh phàm phu không trừ được tưởng lấy ra từ Kinh nào?
Câu hỏi cũ:
- Nhìn tâm như thế nào?
Đáp:
- Soi ngược nguồn tâm, xem tâm tưởng nếu động có sạch hay không sạch, không hay chẳng không… tận đều không nghĩ không quán, ngay người không nghĩ cũng không nghĩ luôn. Cho nên trong Kinh Tịnh Danh nói: chẳng quán là Bồ-đề.
Câu hỏi mới thứ năm:
Bát địa Bồ-tát cứ trong Kinh Thập Địa chỉ nhập chẳng quán, Phật khiến nhập tu hành, theo sự này, phàm phu sơ địa ngay chẳng quán còn chưa được thì làm sao mà được?
Đáp:
- Theo Kinh Lăng-già nói: Bát địa Bồ-tát lìa tất cả quán và tập khí phân biệt, nghiệp thiện ác đã chịu vô lượng kiếp nay như tòa thành Càn-thát-bà, như huyễn hóa vậy, biết rõ bậc Bồ-tát vượt qua tất cả hành, đắc Vô sinh pháp nhẫn, sau đó được thụ ký, không nghe Bát địa Bồ-tát giáo lệnh tu hành. Kinh văn nói thế nào, chỉ hợp tìm kỹ lời trong Kinh dạy thì phàm phu chưa đắc sơ địa, kẻ không hợp không quán thì nghĩa này hợp hành chẳng hành, câu hỏi trước đã nói qua.
Câu hỏi cũ:
Phương tiện làm sao để trừ được vọng tưởng cũng như tập khí?
Đáp:
Vọng tưởng khởi không tỉnh gọi là sinh tửgiác tỉnh rồi không gây nghiệp theo vọng tưởng, không nắm không trụ, niệm niệm tức là giải thoátBát-nhã Bảo Tích Kinh dạy: không được chút pháp nào gọi là Vô thượng Bồ-đề.
Câu hỏi mới thứ sáu:
- Như trước đã nói, phàm phu sơ học há hiểu được Phật, Phật là đấng đã thành tựu?
Đáp:
Phàm phu tuy không bằng Phật và pháp mà Phật đã ngộ, theo Kinh văn đều lưu lại cho chúng sinh Mạt Pháp đời sau giáo lệnh tu họcnếu không như vậy thì pháp giáo để lại cho ai?
Lại hỏi:
- Phật nói không có chút pháp nào nắm được thì không thể chấp trước ngôn thuyếtNếu không chút pháp nào nắm được, người không nghĩ không quán lợi ích tất cả có thể không như vậy được chăng?
Đáp:
- Nghĩa này trước đã trả lời rồi, nay sẽ nói lặp lại lần nữa, Phật từ vô lượng kiếp tới nay đã lìa tâm được hay chẳng được, không tâm không nghĩ, giống như gương sángkhông tâm không nghĩ, lìa được hay chẳng được, nhưng ứng vật hiện hình theo chúng sinh, như dụ về nước hay dụ ánh mặt trời đều đồng đẳng nhau. Lại theo Kinh Nhập Như Lai Công Đức nói: chẳng phải không được chút pháp nào, là được tất cả pháp trái nghịch với nghĩa, câu hỏi trước đã nói phàm phu không hợp học pháp này, thế thì khi được vin vào Kinh văn Đại Thừa được công đức vô lượng vô biên như vậy huống gì tin nhận tu hành. Vì cớ nói vậy, đáp việc như vậy, vì vô sở đắc nên gọi đó là đắc, thật không hề trái với lí.
Câu hỏi cũ:
- Sáu Ba-la-mật và các pháp môn cần hay không cần?
Đáp:
Như pháp Thế đế: sáu Ba-la-mật vì bằng phương tiện hiển thắng nghĩa nên chẳng phải là không cần. Như thắng nghĩa lìa ngôn thuyết thì sáu Ba-la-mật và các pháp môn không thể nói là cần và không cần, các Kinh rộng nói.
Câu hỏi mới thứ bảy:
Thế gian và Đệ nhất nghĩa đế là một hay là khác?
Đáp:
- Không một cũng chẳng khác. Thế nào là không một? Vọng tưởng chưa tận đến nay thấy có Thế đế. Thế nào là chẳng khác? Lúc tất cả vọng tưởng tập khí, một hay khác chẳng thể phân biệt. Lại hỏi vìphương tiện này là hiển bày Đệ nhất nghĩa đế nên chỉ là kẻ độn căn, lại còn phải cùng cần thiết lợi và độn nữa ư?
Đáp:
Độn căn không hiểu rõ thắng nghĩa là cần, kẻ lợi căn chẳng luận cần hay không cần.
Lại hỏi:
- Sáu Ba-la-mật bằng với pháp môn khác, không nói là cần hay không cần, vì sao không thể nói?
Đáp:
- Là pháp, tính lí tức không thể nói. Cứ trong pháp tính lí, cần hay không cần, có một và khác hay không đều không thể được.
Lại hỏi rằng:
- Kinh văn rộng nói, làm sao nói là ngôn thuyết chẳng nên bảo cần hay không cần?
Đáp:
- Kinh văn rộng nói là nói cốt cho kẻ độn cănlợi căn chẳng luận cần hay không cần. Thí như người bệnh cần thuốc, người muốn vượt sông cần thuyền, người không bệnh thì chẳng nói cần hay không cần, vượt sông rồi thì không cần thuyền nữa.
Câu hỏi cũ:
- Khi sáu Ba-la-mật là cần thì làm sao tu hành?
Đáp:
- Kẻ tu hành sáu Ba-la-mật là trong là ngoài. Trong ngoài có hai loại, trong là tự độ, ngoài là lợi ích chúng sinhPhương tiện được tu hành là theo Kinh Bát-nhã, Lăng-già, Tư Ích, khi sáu Ba-la-mật không nghĩkhông quán với tất cả pháp, ba nghiệp thanh tịnh, như ánh dương ảo[3], không nắm không trụ với tất cả.
Câu hỏi mới thứ tám:
- Sáu Ba-la-mật khi đã nói tam nghiệp thanh tịnhphàm phu chưa thể làm được và tu tập trung gianchẳng quán, không tu hành đãi tam nghiệp thanh tịnh sau đó tu tập, còn chưa thể tịnh được tam nghiệpđể gắng tu, làm sao tu hành?
Đáp:
- Đã nói sáu Ba-la-mật có bốn loại, một là Ba-la-mật thế gian, hai là Ba-la-mật xuất thế gian, ba là Ba-la-mật xuất thế gian thượng thượng, bốn là sáu Ba-la-mật nội. Theo Kinh Lăng-già nói: khi rộng nói hay lược nói, lúc nếu được chẳng quán chẳng nghĩ, sáu Ba-la-mật tự nhiên viên mãn, chưa được trung gianchẳng quán chẳng nghĩ, việc cần làm sáu Ba-la-mật, chẳng mong mỏi quả báo.
Lại hỏi rằng:
- Ngựa hoang hay ánh dương thật là không hiểu?
Đáp:
- Ngựa hoang dụ cho tâm vọng tưởng, ánh dương dụ cho tất cả pháp tất cả thế gianVí như ngựa hoang khát thấy ánh dương tưởng là nước, thật chẳng phải nước, nếu lúc thấu rõ pháp thế gian như vậy tức làtam nghiệp thanh tịnh.
Câu hỏi cũ:
Tu pháp môn này sớm muộn được giải thoát chứ?
Đáp:
- Như Kinh Lăng-già và Kim Cương nói: lìa tất cả tưởng thì gọi là chư Phật, tùy căn tính mình lợi hay độn mà tu tập như vầytập khí vọng tưởng cạn hết rồi thì được giải thoát ngay.
Câu hỏi cũ:
- Lại hành pháp nghĩa này, có công đức gì?
Đáp:
Công đức của sự chẳng quán chẳng tưởng, nghĩ và quán chiếu không thể đong lường, mọi công đứccủa Phật nên thấy như vậy và chút phần như thế. Theo Kinh Bát-nhã nói nếu làm tất cả chúng sinh trời, người, Thanh vănDuyên giác chứng hết Vô thượng Bồ-đề, chẳng bằng nghe nghĩa Bát-nhã Ba-la-mậtnày, công đức kính tin tính toán không gì bằng nổi. Vì cớ sao? Người, trời, Thanh vănDuyên giác và các hàng Bồ-tát đều ra từ Bát-nhã Ba-la-mật, người – trời và hàng Bồ-tát không thể ra khỏi Bát-nhã Ba-la-mật. Lại hỏi sao gọi là Bát-nhã Ba-la-mật? Đáp: cái gọi không tưởng không nắm không xả không chấp gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Lại Kinh Nhập Như Lai Công Đức nói: hoặc có chuyện vâng hầu cúng dường Phậtsố vi trần khắp tam thiên đại thiên thế giới cho đến sau khi chư Phật kia diệt độ lại dùng bảy báu trang nghiêm tháp Ngài cao rộng ví như đại thiên thế giới, lại công đức cúng dường qua vô lượng kiếp, không bằng nghe pháp nghĩa này lắng nghe mà lòng không nghi, phước đức đạt được hơn cái kia gấp trăm ngàn lần. Lại Kinh Kim Cương nói: nếu có người đã dùng đầy bảy báu tam thiên đại thiên thế giới bố thícũng như hằng ha sa số thân mạng bố thí, chẳng bằng nghe một bài kệ bốn câu, phước ấy rất nhiều, không thể tỉ dụ. Trong các Kinh Đại Thừa rộng nói nghĩa này, phước đức ấy trừ Phật ra không có ai biết.
Câu hỏi mới thứ chín:
- Người khiến tất cả chúng sinh chứng hết Vô thượng Bồ-đề vì không bằng phước kia, Vô thượng Bồ-đềnày mới thành ra có cái hơn. Thế có phải không? Tiếp sau nói rằng hàng Vô thượng Bồ-đề đi ra từ Bát-nhã Ba-la-mậtVô thượng Bồ-đề không ra khỏi Bát-nhã Ba-la-mật, người không ra khỏi nói là dạng Bồ-tát nào? Nếu nói Vô thượng Bồ-đềtheo như nay hiện Bát-nhã Ba-la-mật tựa như thế, chỉ nói như vậy thìkhông thể là Vô thượng Bồ-đề.
Đáp:
- Đã nói người khiến tất cả chúng sinh chứng hết Vô thượng Bồ-đề vì không bằng phước này, phía trước đã nói chúng sinh phàm phu không hợp thực hành pháp này, vì vậy vin các kinh điển Đại Thừa và Bát-nhã Ba-la-mậtchúng sinh nghe pháp này sinh một niệm tịnh tín được công đức vô lượng vô biên như vậy, là so sánh công đức nên mới nói như vậy. Hiện có Kinh văn nói tất cả chư Phật và pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề của chư Phật đều từ Kinh này ra. Nay lại hỏi có cái hơn Vô thượng và dạng Bồ-tát nào, Kinh văn hiện tại cứ kiểm thì biết.
Câu hỏi cũ:
- Nếu lìa tưởng chẳng nghĩ chẳng quán, làm sao đắc Nhất thiết chủng trí?
Đáp:
- Nếu vọng tâm không khởi, lìa tất cả vọng tưởng thì chân tính bản hữu và Nhất thiết chủng trí tự nhiênhiển hiện. Như các Kinh Hoa Nghiêm và Lăng-nghiêm nói: như mặt trời ló dạng, nước đục lọc trong, gương được sáng sạch, như bạc khai khoáng…
Câu hỏi mới thứ mười:
- Lời này là thật, thế thì đã thành tựu đủ pháp của đấng thế lực, chẳng phải là pháp của phàm phu.
Đáp:
- Nghĩa này đã trả lời ở trước rồi, nay lại hỏi nữa, ví như bông sen ra khỏi bùn lầy thì sạch sẽ tươm tất, rời khỏi bụi nhơ, chư Thiên và quý nhân nhìn thấy kính trọngA-lại-da thức cũng lại như thế, rời bùn tập khí mà được trong sáng, được chư Phật Bồ-tát và trời người kính trọngchúng sinh phàm phu cũng lại như vậy, nếu được ra khỏi bùn lầy tập khí phân biệt vọng tưởng ba độc vô lượng kiếp nay vẫn đượcthành tựu cái thế đại lực. Phàm phu vì bị vọng tưởng ba độc che lấp cho nên không ra khỏi cái sức đại thế.
Câu hỏi cũ:
- Nếu quán trí làm sao lợi ích chúng sinh?
Đáp:
- Người chẳng nghĩ chẳng quán lợi ích chúng sinh trong Kinh Nhập Như Lai Công Đức có nói, như ánhmặt trăng mặt trời chiếu soi tất cả, ngọc báu như ý xuất trọn tất cả, mặt đất có thể sinh tất cả. Lại hỏi rằng chấp cảnh, chấp thức, chấp trung luận trong ba pháp này, nay theo nguồn nào? Đáp: nghĩa này làBát-nhã Ba-la-mật vô tư Đại Thừa Thiền môn, trong nghĩa vô tư (không nghĩ) làm gì có ba luận. Rộng nói Kinh Bát-nhã thì một cũng chẳng lập.
Câu hỏi mới thứ mười một:
- Nghĩa này là Bát-nhã Ba-la-mật vì cầu Bát-nhã Ba-la-mật, nếu người đủ Trí tuệ Ba-la-mật, năm Ba-la-mật kia tu với không tu cũng được.
Lại đáp rằng:
- Đã nói Thiền không tương tự thì trong Kinh Bảo Tích nói Thiện Trụ Ý thiên tử bạch Văn-thù-sư-lợi rằng: “Đại sĩ đã nói bậc Tỳ-khưu thiền hành, những gì gọi là bậc Tỳ-khưu thiền hành?” Văn-thù-sư-lợi nói: “Thiên tử! Không có chút pháp nào nắm được đó là thiền hành.” Lại trong Kinh Mật Nghiêm nói nếu có aitu hành được định nhiệm mầu của Như Lai, khéo biết uẩn vô ngã, thấy các thứ đều trừ diệtKinh Tư Íchnói: không trụ gì với các pháp đó gọi là Thiền Ba-la-mậtKinh Lăng-già nói: chẳng sinh phân biệt, không khởi quan điểm Niết-bàn của ngoại đạo thì đó gọi là Thiền Ba-la-mật. Và các kinh điển Đại Thừa đều nói như vậy. Theo đạo lí này, chúng sinh Mạt Pháp giáo lệnh tu học. Vì sao được biết? Các Kinh Đại Thừanói: vì chúng sinh Mạt Pháp trí tuệ kém cỏi cho nên rộng nói. Nếu có người nghe thấy pháp này tức công đức không thể lường, huống gì tin nhận vâng làm.
Câu hỏi cũ:
- Nghĩa đã như vậy, vì sao các Kinh rộng nói?
Đáp:
- Như các Kinh đã nói, chỉ nói vọng tưởng chúng sinh, nếu lìa vọng tưởng thì còn pháp nào đáng nói nữa. Cho nên Kinh Lăng-già nói: tất cả các Kinh chỉ nói vọng tưởng chúng sinhChân như không nằm trongngôn thuyết.
Lại hỏi:
Chúng sinh vốn dĩ là có Phật tính, vì sao biết được cái vốn dĩ đó? Như ngoại đạo nói có ngã, khác gì nhau đâu?
Đáp:
- Vốn dĩ có Phật tính như mặt trời ló dạng, nước đục lọc trong, gương mài trong sáng. Như chín mươi lăm thứ ngoại đạo phải nói tóm lại là không biết sự biến đổi ba cõi duy tâm, bạc ra trong mỏ, nung thép lại nguội, trước đã nói rồi. Chẳng giống với cái ngoại đạo kêu là có ngã đâu, thấy có sự làm; thấy có sự biến đổi theo thời; hoặc chấp có không, quán Không trụ; thấy một bên, vì vậy chẳng giống. Kinh Lăng-già rộng nói.
Lại hỏi:
- Gọi chúng sinh là sao?
Đáp:
Chúng sinh là từ đủ thứ vọng tưởng và năm ấm ba độc nên mới có.
Lại hỏi:
- Gọi người Nhị thừa là sao?
Đáp:
- Người Nhị thừa là thấy tất cả hữu từ nhân duyên sinh, hiểu tất cả được sinh bởi nhân duyên hòa hợp,vô thường – khổ – không, vì chán nỗi khổ nên ưa Niết-bàn, trụ nơi rỗng lặng, duyên hữu thủ xả, nên gọiNhị thừa. Kệ rằng: “Vốn không mà có sinh, sinh rồi thì lại diệt”, nhân duyên có chẳng có không trụ giáo pháp Ta. Đãi có nên thành không, đãi không mới thành có, không thì chẳng thể nắm, có cũng chẳng thể nói, không hiểu ngã hay vô ngã, nhưng chấp vào ngôn ngữ thì kẻ đó chìm vào hai lằn (nhị biên), hoại mình lẫn hoại người, nếu có thể hiểu điều này thì chẳng hủy đạo của bậc đại sư, đó gọi là Chính quán. Nếu tùy lời nắm nghĩa, dựng lên với các pháp, vì sự dựng lên kia nên chết đọa vào địa ngục.
Thần, Sa-môn Ma-ha-diễn nói:
- Thần nghe người có thể hoằng đạo chẳng phải là người hoằng đạo, nhờ Đại Thánh lâm triều xiển dương Chính Pháp, tuy được hóa độ bằng Tam thừa nhưng khiến quay về cánh cửa Bất nhị, vì thương sinh mê ngu mà xét tận Thắng đế. Điều thần đã nói không nghĩa đáng nghĩ, Bát-nhã chân tông khó tin khó nhập, chẳng phải bậc đại trí có thể dò ý, há kẻ hiểu biết nhỏ nhen lần nghe được nổi sao. Vào thuở đức Phật mở giáo, dựng ra năm trăm Tỳ-khưu, Như Lai vẫn còn chưa chế, lời lui cũng rất đẹp. Huống chi thần già nua, tâm phong đã nói, quên mất trước sau, chỉ mong bệ hạ phước lực gia hộlí tính trợ tuyên, thật mong mỏi và từ bi, dứt hết tranh luận này thì chư Thiên thảy đều hoan hỷtăng ni họ và tôi tự không có gì. Thần theo lời hỏi mà diễn Kinh, chẳng phải là tin miệng mà nói dối, mà cậy theo lá bối truyền thẳng mở cửa Thiền, nếu tìm văn cứu nguồn vẫn giống nói thuốc mà cầu khỏi bệnh. Biết rằng cư sĩ im lặng, khen ngợi điềm lành, tâm tương ưng thì danh nào có. Nếu cần vặn hỏi thì thần có học trò giỏi giắn vàthông minh lợi căn còn hậu sinh khả úy. Thầm mong chấp nhận lời cầu của thần, sai tu lẫn tục vâng noi theo, kiêm bản tập Thiền tông của thần, cẩn ghi như sau tiến dâng. Theo Kinh Tư Ích nói: Võng Minh Bồ-tát vì sao tất cả hành chẳng phải hành? Phạm Thiên nói: nếu người hành đạo trong ngàn muôn ức kiếp, không tăng không diệt với lí pháp tính. Lại Kinh Tư ÍchPhạm Thiên bạch Phật: “Bồ-tát vì sao làm chưPhật thụ ký?” Phật nói: “Nếu Bồ-tát không hành tất cả, chư Phật bèn thụ ký.” Phật nói: “Ta nhớ quá khứgặp gỡ vô lượng a-tăng-kì chư Phật Như Lai thừa sự không sơ sót và thực hành sáu Ba-la-mật, kiêm hành đầu-đà khổ hạnh, Phật trọn không thụ ký, vì cớ sao? Vì tâm sở hành. Vì vậy nên biết nếu Bồ-tát ra khỏi tất cả các hành, Phật bèn thụ ký. Ta nhớ quá khứ hành vô lượng đầu-đà khổ hạnh và sáu Ba-la-mật hạnh, tất cả hành, chẳng bằng một niệm không làm công đức. Lại hỏi: “Văn-thù-sư-lợi, vả có vô sở hành gọi là Chính hạnh không?” Đáp rằng: “Có. Nếu không hành tất cả pháp hữu vi, gọi là Chính hạnh.” Bất Thối Chuyển Bồ-tát bạch Phật rằng: “Đã nói hành giả tùy pháp gọi là gì?” Phật bảo thiên tử: “Hành giả tùy pháp không hành tất cả pháp, gọi là tùy pháp hành.” Trong Kinh Lăng-già nói Đại Tuệ Bồ-tát bạch Phậtrằng: “Trong Tu-đa-la nói Như Lai Tạng bản tính thanh tịnhthường hằng chẳng đoạn, không có biến dị, đủ ba mươi hai tướng, ở trong thân của tất cả chúng sinh, do bị vấy bẩn bởi sình nhơ phân biệt vọng tưởng như tham, đắm, giận, si… trói buộc trong tấm áo dơ uẩn – giới – xứ, như ngọc vô giá nằm trong áo bẩn. Ngay Mật NghiêmPháp HoaKim Cương tam-muội, Pháp Hoa Phổ Siêu tam-muội, cùng tất cả các Kinh Đại Thừa chuyền đủ ý nghĩa này. Theo đạo lí ấy, Phật tính bản hữu chẳng phải tu hành. Nhưng lìa ba độc giả dối, áo dơ tập khí vọng tưởng, bèn được giải thoát. Như thức A-lại-da ra khỏi bùn tập khí, chư Phật Bồ-tát gặp đều tôn trọngKinh Tư Ích nói: nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ có thể tin hiểu pháp nghĩa như vậy thì nên biết người đó được giải thoát các kiến, nên biết người đó được Đà-la-ni, nên biết người đó thực hành Chính niệm quán, nên biết người đó hiểu thấu nghĩa thú các pháp. Các Kinh Lăng-già, Tư ÍchThiền tông nói không Thừa và Thừa là không có Thừa để kiến lập, ta nói là Nhất thừa.Kinh Pháp Hoa dạy: mười phương nước chư Phật không hai cũng không ba, chỉ có Nhất Phật thừa, trừ Phật phương tiện thuyết. Trộm cho thấy Tam thừa này mới là pháp môn dẫn dắt chúng sinhKinh Đại Phật Đỉnh nói: vì mê nên nói ngộ, nếu ngộ rồi thì mê ngộ đều không thể nắm được. Do chúng sinh mê vọng tưởng nên mới nói lìa vọng tưởng, nếu mê được tỉnh ngộ thì tự đâu có vọng tưởng nào mà lìa. Nay các câu hỏi mà thần trả lời đều dẫn Kinh văn. Phật vì người tin thi hành khiến công đức bất hủ, thánh đứcbỗng nhiều, mãi mãi thấm nhuần thứ dân, kính dâng biểu cho nghe, không bằng lòng xấc xược nào cả. Thần là Sa-môn Ma-ha-diễn thật vui thật mừng lạy đầu lạy đầu. Cẩn nói: ngày 17 tháng 6. Thần Sa-môn Ma-ha-diễn dâng biểu.
Thần, Sa-môn Ma-ha-diễn nói:
- Vào ngày Sa Châu giáng xuống, vâng ơn lệnh Tán-phổ (Tsenpo) đi xa để khai thị Thiền môn và đến người La-sa cùng hỏi thiền pháp, vì chưa phụng tiến ngưng, đâu dám nói càn, lại đi đến Cát-lũ nhờ thánh chủ hỏi han, lại đi đến La-sa giáo lệnh dạy thiền, lại ở Chương-tha và Đặc-tiện La-sa mấy tháng răn dạy, lại ở Bột-bằng-mạn tra xét nguồn cơn, chẳng phải một dịp. Bệ hạ đã hiểu tông chỉ Thiền môn thần giảng nói là đúng đắn mới sai cho đồng khai Thiền giáo cùng vị Đạt-ma, bắt đầu sắc lệnh ban xuống các nơi khiến trăm họ quan liêu biết hết. Bệ hạ còn xem qua sáng trọn thắng nghĩa, hiểu thấu lời lẽ bâng quơ của thần, nói vua tôi theo làm, tự nay nếu có người nghi thì thầm mong thiên ân giải quyết. Vả điều thần nói trước sau đều trả lời câu hỏi theo Kinh văn, cũng không phải bản tông Thiền môn của thần. Nguồn tông của thần là lìa tất cả tướng ngôn thuyếtlìa tướng phân biệt tự tâm, tức là Chân đế, đều mặc truyền thầm trao, dứt đường ngôn ngữ. Nếu khổ luận chẳng phải được mất, lại thành có tịnh tam-muội. Như nước cùng một vị, dù thấy khác nhau, trí năng nhỏ lớn, thật khó dùng ngang. Chỉ mong tùy cái người vui tu hành, tự mình chặt đứt pháp và ngã, thì thần rất ư vinh hạnhthỏa lòng mọi người, kính dâng biểu trần tình để nghe, cho thỏa tấc lòng tâm huyết. Thần Ma-ha-diễn kính sợ rạp cúi đầu cúi đầu cẩn nói: Ma-ha-diễn nghe tâu là Phật Pháp nghĩa tịch Thiền giáo lí, trước sau luôn nhờ cho câu hỏi mới có kiến giải, hết mực đối đáp, kể cả sáu Ba-la-mật và các thiện pháp cần tu hay không tu? Ân sắc luôn răn, kiêm cả sư tăng liêu cũng luận sáu Ba-la-mật và các điều thiện, tự mình không làm, đệ tử và người khác cũng không dạy tu hành, các đệ tử cũng học như vậy, lại có người tâu nghe. Nhưng đệ tử thần truyền dạy đều theo chỉ thị Kinh văn, làm việc thần làm và dạy pháp môn cho đệ tử kiêm trình mức đệ tử đã tu, đủ các thứkiến giải tiến dâng. Vì chúng sinh phàm phu sức yếu, theo lí tu hành và sáu Ba-la-mật cũng không trái nhau. Sáu Ba-la-mật và các điều thiện đó cần làm hay không làm, điều trước sau trả lời ước theo thắng nghĩa, không nói là làm hay không làm. Luận pháp thế gian cho đến tam quy y một chắp tay phát nguyệnlớn nhỏ các điều thiện trên dưới đều vì nói hết, thảy khiến tu hành. Diễn hòa thượng dạy nơi môn đồ con em, Sa-môn Thích Diễn nói: pháp tính khắp ngôn thuyết chỗ mà trí không với tới, người tập thiền khiến nhìn tâm nếu lúc niệm khởi chẳng quán chẳng nghĩ có hay không, người không nghĩ cũng chẳng nghĩ đến, nếu lúc tâm tưởng khởi chẳng giác tùy thuận tu hành tức luân hồi sinh tử, nếu giác không thuậnvọng tưởng gây nghiệp tức niệm niệm giải thoát, lìa tất cả chư Phật. Ở trong thắng nghĩa lìa tu không tu, nếu luận pháp thế gian, giả ba nghiệp thanh tịnh, không trụ không nhìn thì thực hành sáu Ba-la-mật. Bên ngoài lại giữ giới Thanh văn, bên trong giữ giới Bồ-tát, hai loại giới này có thể trừ tập khí ba độc. Người đã tu hành thì nói suông vô ích, sự cần tu hành theo không thủ xả, tuy nói ba đường ác, trời, người, ngoại đạoNhị thừa thiền khiến họ hiểu biết, không bắt làm theo, tất cả chúng sinh ba cõi từ nghiệp nhà hiện sự thay đổi của tâm giống như ảo ảnh ánh dương, nếu thông đạt lí tính Chân như tức là tọa thiền, nếu chưathông đạt thì nên giở Kinh rồi chắp tay lễ bái tu thiện, phàm tu công đức chẳng qua dạy răn khiến hiểupháp môn Đại Thừa, giống như ngọn đèn tỏa ra trăm ngàn chuyện, pháp thí để lợi quần sinhCả đời Ma-ha-diễn đến nay chỉ tập thiền Đại Thừa, không phải pháp sư, nếu muốn nghe pháp tướng thì khiến cho nghe bên cạnh pháp sư Bà-la-môn. Điều Ma-ha-diễn nói không theo sớ luận mà theo chỉ thị Kinh văn Đại Thừa, cái mà Ma-ha-diễn tu tập là tin nhận vâng làm theo các Kinh: Đại Bát-nhãLăng-giàTư ÍchMật NghiêmKim CươngDuy-maĐại Phật ĐỉnhHoa NghiêmNiết-bànBảo TíchPhổ Siêu Tam-muội… Ma-ha-diễn y chỉ hòa thượng pháp hiệu Hàng Ma Tiểu Phúc Trương hòa thượng, kính ngưỡng Đại PhúcLục hòa thượng, cùng dạy răn Thiền môn Đại Thừa. Từ khi nghe pháp đến nay, qua 5-60 năm, cũng từng ở lâu dưới cây nơi rừng cội, tài vật tín thí có được từ xuất gia tới giờ cũng từng cất chứa, tùy thờiđều chuyển thí hết cả, mỗi sớm mai làm thí chủ đến tất cả chúng sinh một quyển Kinh Đại Thừađốt hương tùy pháp thế gian đều phát nguyện xin thế gian yên bình, muôn loài lặng vui, sớm được thành Phật. Cũng đã từng lên ba chốn trong kinh thành đệ tử nghe pháp tin nhận chừng hơn năm ngàn người, hiện khiến đệ tử Sa-di chưa thể tu thiền, đã dạy tụng được một bộ Lăng-già, một bộ Duy-ma, mỗi ngày luôn tụng. Những đệ tử mà Ma-ha-diễn đã dạy dỗ ngày nay mỗi người hỏi theo chỗ mình kiến giải, duyênbố thí ruộng sự, nếu có người xin thân, đầu, mắt và cần các vật thì thề nguyện xả hết, ngoại trừ mười tám việc, ít có người chứa tiền vật đáng giá. Cũng có ngoại trừ giới Thanh văn còn trì thêm giới Bồ-tát và hành mười hai đầu-đà kiêm kiên cố, lại tin thắng nghĩatinh tiến ngồi thiền, vẫn luôn tập Đà-la-ni, vì lợi íchchúng sinhxuất gia cúng dường Tam Bảo, chuyển tụng tu thiện, trong thiền vô quán của Đại Thừachẳng phân duyên sự, thường tập bằng trí tuệ không vu vơ, hay tụng nghĩa lớn, nắm nghĩa tin ưa Bát-nhã Ba-la-mật rất nhiều, cũng vì Tam Bảo khi lợi ích chúng sinh, không tiếc thân mạng nguyện lòng rất nhiều, lúc vì người khác nói nghĩa Niết-bàn vượt qua ngôn thuyết kế độ giới, hoặc tùy thế gian quy y Tam Bảolần lượt tu thiện, không học văn tự cũng như chuyện vô ích, nên học tu hành. Lúc chưa tọa thiềny GiớiBa-la-mật, Tứ vô lượng tâm… và tu các điều thiện, thừa sự Tam Bảo, mọi điều đã nói trong Kinh, điềusư tăng đã dạy, người nghe như thuyết tu hành, thế nhưng tu các điều thiện nếu lúc chưa thể chẳng quán thì mọi công đức hồi hướng thí cho chúng sinh, đều khiến thành Phật.
Nguyễn Thành Sang.
Thủ Dầu Một, 31-5-2017, dịch xong. 


[1] Ma-ha-diễn chính là tác giả của bộ Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết. Kham-bố Ma-ha-diễn tức làhòa thượng Ma-ha-diễn, Ma-ha-diễn là phiên âm của Mahāyāna trong tiếng Phạn, nghĩa là Đại Thừa hòa thượng. Ma-ha-diễn nguyên là một thiền tăng người Hán đời Đường, thuộc pháp môn Đông Sơn. Ông làthiền sư của Thiền phái Bắc tông (hệ Thần Tú), trụ trì chùa Ly Sơn ở Trường Sa. Thiền Bắc tông về sau bị sự phê phán và đả kích mạnh mẽ từ phía thiền sư Nam tông của Hà Trạch Thần Hội. Sau đó ông rời khỏi Trường Sa, đi đến dải Sa Châu (thuộc Đôn Hoàng) để hoằng pháptrở thành nhân vật trọng yếu củaThiền Bắc tông. Năm 786, dưới sự thống trị của vua Xích-tùng-đức-tán (Trisong Detsen), Thổ-phồn (Tây Tạng) vây đánh Sa Châu, bấy giờ Phật giáo hưng khởi tại Thổ-phồn, vì thế thiền tăng Sa Châu đượcthỉnh mời đến Lhasa hoằng pháp và dịch kinh không ít, Ma-ha-diễn chính là vị thiền tăng rất nổi tiếng trong số đó. Trong thời gian hoằng pháp tại Lhasa, Thiền tông dùng những giáo lý dễ hiểu như vô niệmvô tưởng, không tác ý… giành được số lượng lớn tín chúng. Theo ghi chép Hán văn khai quật ở Đôn Hoàngvương phi của Xích-tùng-đức-tán là Một-lô Tát-trì-khiết-mạc-tán (pháp danh là Giáng-cầu-khiết-tán), di mẫu và vương tử Da-tì (Sumpa) đều tu theo và bái Ma-ha-diễn làm thầy. Ngược lại, Mật tông đến từ Thiên Trúc lại bị đòn giáng cực mạnh, hai bên trở nên đối nghịch chẳng dung như nước với lửa, mỗi bên tự viết luận phẩm để tiến hành công kích và hủy mạ đối phương. Năm 792, tăng nhân Thiên Trúc làđại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) dâng thỉnh xin cấm chỉ Thiền tông, Ma-ha-diễn tâu xin biện luận với tăng nhân Thiên Trúc, kẻ nào thua phải chủ động rời khỏi Lhasa. Thiền tông Hán truyền và Mật tông Thiên Trúc cử hành tranh luận tại chùa Tang-da (Samye Gompa). Cuộc biện luận đó được gọi là “pháp tranh Lhasa”, kéo dài 3 năm, cuối cùng hai bên đã lắng cơn biện luận, nhưng kết quả vẫn mơ hồ không rõ. Sử thư Tạng truyền Phật giáo về sau phần nhiều ghi chép rằng: Xích-tùng-đức-tán nhận định là Thiền tôngđã thua, tăng nhân Thiên Trúc giành được thắng lợi, Ma-ha-diễn bị thua phải dâng vòng hoa lên cho Liên Hoa Giới và sau đó chủ động dắt tăng nhân Thiền tông rời khỏi Lhasa quay về Đường triều. Tuy nhiên, trong văn bản Đốn Ngộ Đại Thừa Chính Lý Quyết khai quật tại Đôn Hoàng (năm 794) lại ghi ngược lại: Ma-ha-diễn giành thắng lợiThiền tông được Xích-tùng-đức-tán cho là hệ phái chính thống và được hoằng dương.     
[2] Thần Tú: cùng thời với Lục Tổ Huệ Năng đều là đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trong Thiền tông Trung Quốc. Sau này Huệ Năng là tổ của thiền Nam tôngThần Tú là tổ của thiền Bắc tông.
[3] Trong Phật giáo hay dùng từ “dương diễm” tức là ảo ảnh của ánh nắng mặt trời. Buổi trưa ra đường hay gặp ánh nắng mặt trời phả xuống phía trước hiện nên ảo giác giống như có nước, nhưng thật ra không phải.