Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương 27 - 30

 Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương

Nguyên tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên dịch: Từ Thông Thiền Sư
Sài Gòn 1998 – 2543
THI CA 27 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CẢNH
GIÁC VỀ Ý NIỆM CHẤP CỦA CHÍNH MÌNH
Phiên âm:
Hoát đạt không bát nhân quả
Mảng mảng đãng đãng chiêu ương họa
Khí hữu trước vô bệnh diệc nhiên
Hoàn như tịch nhi đầu hỏa
Dịch nghĩa:
* Kẻ thiển trí, chủ trương: RỖNG TUẾCH
Cõi đời KHÔNG, NHÂN, QUẢ cũng KHÔNG
Khù khờ thay! Một hiểu biết đáng thương!
Rước tai họa cho bản thân mà không hay biết
* Kẻ chấp CÓ bị khổ đau vì CÓ
Người chấp KHÔNG sẽ đau khổ bởi KHÔNG
Tránh lửa thiêu, đâm đầu chạy nhảy sông
Khỏi chết nóng, chết lạnh cũng là một cách chết!
---o0o---
TRỰC CHỈ
Chữ CHẤP ở trong đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng. Chấp đồng nghĩa
như chữ "cho là". Sự vật tôi "cho là" CÓ hoặc tôi "cho" sự vật "là" KHÔNG.
Cho là CÓ: CHẤP CÓ. Cho là KHÔNG: CHẤP KHÔNG. Cho là KHÔNG
NHÂN QUẢ: CHẤP KHÔNG NHÂN, KHÔNG QUẢ.
CHẤP thế gian là có, chấp thế gian là không, đồng nghĩa với "chấp
thường", "chấp đoạn", không hợp với chánh pháp.
Cho vạn pháp thực có, con người sẽ bị sa lầy, vì đam mê vạn pháp. Vì
vạn pháp mà tạo nghiệp mà chiêu báo. Cho vạn pháp là không, con người
mất hết lý tưởng để sống. Và nếu sống cũng dễ mất hết lương tâm, lương tri,
không biết vấn đề thiện ác là gì. Cho rằng không có nhân quả, cũng là hạng
người rất đáng sợ, vì người ta không quan tâm, không lượng định việc làm
và hậu quả của việc làm, nếu việc làm đó là "bất thiện nghiệp".
Không CHẤP CÓ, vì chán ý niệm có, vì ý niệm CHẤP CÓ gây ra nhiều
nguyên nhân đau khổ. Bấy giờ xoay lại nảy sanh ý niệm CHẤP KHÔNG.
CHẤP KHÔNG vẫn là một ý niệm chấp sai lầm chân lý. Dính líu vào ý
niệm chấp có đã không đem lại an lạc hạnh phúc được. Dính líu vào ý niệm
chấp không, làm sao có được sự an vui. Vả lại ở trên cõi đời làm sao phủ
định vạn pháp, làm sao trốn chạy vạn pháp, khiến cho vạn pháp trở thành
KHÔNG, cho được?
Mà người học đạo phải hướng về "Thật tướng", phải chứng cho được
"Thật tướng" thì mới khỏi vướng hai bên.
---o0o---
THI CA 28 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VẤN
ĐỀ XẢ BỎ VÀ TÌM LẤY
Phiên âm:
Xả vọng tâm, thủ chân lý
Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy
Học nhân bất liễu dụng tu hành
Chân thành nhận tặc tương vi tử
Dịch nghĩa:
Bỏ tâm vọng. Vọng tìm không có
Chân lý tìm? Chân lý biết ở đâu?
Sai lầm ngay trong ý niệm BỎ, TÌM
Lơi cảnh giác, tưởng con mà là giặc!
---o0o---
TRỰC CHỈ
Hễ có ý niệm LẤY, BỎ thì cũng có các ý niệm tốt, xấu, thương, ghét,
thân, sơ, sang, hèn, phải, quấy, ta, người… Đó là những ý niệm phát xuất từ
vô minh vọng động, khiến cho CHÂN TÂM thanh tịnh vốn có của con
người bị ẨN mất. Ví như sóng mòi, bọt bèo của nước biển không thể hiện
được tánh phẳng lặng như tờ của biển.
Theo giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, pháp sai lầm trái chân lý trừ bỏ đã đành
mà pháp gọi là chánh là đúng, cũng phải bỏ nốt.
Một bàn tay cầm nắm phải bùn đất, cần buông bỏ đã đành, bàn tay cầm
nắm kim cương, vàng ròng thì bàn tay đó cũng bị "nắm cứng" vì mớ vàng
ròng và kim cương ấy. Bàn tay sẽ không dùng được vào một việc gì khác,
trong khi công dụng của bàn tay có thể phát huy diệu dụng, lợi ích vô cùng.
Sai lầm của THỦ, XẢ nó không đóng khung trong "thủ xả" mà nó liên
can lôi cuốn theo nhiều thứ khác. Vì vậy, tác giả nói:
"Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy…"
---o0o---
THI CA 29 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO CHẾ
TÂM NHỨT XỨ…
Phiên âm:
Tổn Pháp tài, diệt công đức
Mạc bất do tư tâm ý thức
Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm
Đốn nhập vô sinh tri kiến lực
Dịch nghĩa:
Công đức giảm, pháp tài sa sút mãi
Thảy đều do: Tâm, Ý, Thức mà ra
Thế cho nên, Thiền Đạo đối với Tâm
Cần Trực Diện, un đúc sức Vô Sinh Tri Kiến
---o0o---
TRỰC CHỈ
TÂM tức là đệ bát thức, cũng gọi "A lại da", là "Di thục" hay "Nhất thiết
chủng thức". Nó là tổng thể, hàm chứa hết mọi thứ: cả SẮC cả TÂM. Tên là
ĐỆ BÁT THỨC TÂM VƯƠNG, nhưng nó còn có cái tên "Tàng". Vì vậy,
nó không phải chỉ có phần "tâm" mà nó hàm tàng cả "sắc".
Ý: ở đây chỉ cái công dụng chấp ngã tức là "đệ thất thức". Ý làm "tổn
pháp tài", "diệt công đức" thuộc hành đầu.
THỨC ở đây chỉ cho "tiền lục thức", công dụng tiếp thu, xuất nhập "lục
cảnh": sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Người đạo sĩ, chừng nào chưa chuyển thức thành trí, chưa làm chủ được
bát thức tâm vương, chưa tăng tiến bồi dưỡng sức TRI KIẾN VÔ SINH thì
hãy còn bị sự phân biệt, sự chấp nê, sự thị phi nhơn ngã tác động hoành
thành. Do vậy mà "tổn pháp tài" và "công đức" suy mòn dần mất hết. Và
cũng do vậy. Thiền gia rất xem trọng cái TÂM. Thiền gia chủ trương đối với
TÂM phải trực diện với nó, phải nhìn thẳng vào mặt nó mà nhất cử nhất
động của nó Thiền giả phải thấy hết, biết hết. Biết rõ từng nguyên nhân của
ý nghĩ, biểu hiện lời nói và hành động: Đã khởi, đang khởi và sẽ khởi. Biết
rõ cả hậu quả của nguyên nhân, dù còn trong ý niệm. Con người của mình,
mình phải biết mình là ai. TÂM mình, mình phải "trực diện" với nó mọi nơi
mọi lúc.
Thiền gia gọi đó là cách tu:
"Trực chỉ nhân tâm"
và "Kiến tánh thành Phật"
---o0o---
THI CA 30 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO BÁT
NHÃ PHONG HỀ…
Phiên âm:
Đại trượng phu, bỉnh tuệ kiếm
Bát nhã phong hề kim cang diệm
Phi đản năng thôi ngoại đạo tâm
Tảo tằng lạc khước thiên ma đảm
Dịch nghĩa:
Chuôi kiếm tuệ, đại trượng phu nắm lấy
Bát nhã gươm, lóe sáng ánh kim cang
Không những xưa, sàm sở của "đạo ngoài"
Làm vỡ mật, bọn thiên ma nhếu nháo
---o0o---
TRỰC CHỈ
Tôn chỉ của đạo Phật, có TUỆ là có tất cả. Quả VÔ THƯỢNG BỔ ĐỀ là
đỉnh cao tột của TUỆ. Quả VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN là diệu dụng của
TUỆ. Trong tam vô lậu học, GIỚI, ĐỊNH là hạt, là cây, là cành, là lá mà
TUỆ là hoa, là trái. Tu GIỚI, tu ĐỊNH cốt để có được TUỆ. Hiểu được chân
lý đó, người đệ tử Phật chân chính có học Phật, tu hành không sợ lầm lạc.
Tu GIỚI, ĐỊNH phát sanh TUỆ GIÁC là tu đúng chánh pháp. Gọi là GIỮ
GIỚI, gọi là TỌA THIỀN tốn công, khổ luyện, dù phải trải qua mấy mươi
năm, mà không sanh TRÍ TUỆ, không có khả năng nhận thức chân lý, tư duy
về chân lý, đó là tu sai lầm. Nhọc mệt thân tâm không đem lợi ích luống
uổng một đời.
Nói một cách khẳng định rằng, tu hành mà không phát sanh TUỆ GIÁC
thì không nên theo pháp đó nữa, vì đã sai lạc pháp tu, trồng phải một thứ cây
không có hoa trái thì nên chặt bỏ nó đi.
"Đại trượng phu" là người phải nắm cho được cái chuôi "kiếm tuệ". Phải
có khả năng sử dụng "gươm" BÁT NHÃ KIM CANG để "tồi tà phụ chánh",
để đối phó ngoại đạo, thiên ma, phải làm cho chúng vỡ mật bay hồn, khiến
cho chúng "chích luân bất phản", tấn công chúng "phiến giáp bất hoàn". Để
"sử tri Phật giáo ta bà chi hữu chủ"!
Dưới mắt của người chứng đạo, người đệ tử Phật phải bồi dưỡng trí tuệ.
Đó là ý nghĩa: DUY TUỆ THỊ NGHIỆP
---o0o---

Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương 24 - 26

 Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương

Nguyên tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên dịch: Từ Thông Thiền Sư
Sài Gòn 1998 – 2543
THI CA 24 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO SỰ LÝ
TƯƠNG HỒ
Phiên âm:
Hàng long bát, giải hổ tích
Lưỡng cô kim hoàn minh lịch lịch
Bất thị tiêu hình hư sự trì
Như Lai bảo trượng thân tung tích
Dịch nghĩa:
* Gậy đuổi cọp, đến nay còn chứng tích
Bát thu rồng, của Lục Tổ hãy còn lưu
Thấy vật xưa, như gặp lại người xưa
Nhìn kỷ vật, để nhủ lòng thêm tinh tấn
* Cầm tích trượng, tưởng như nắm trong tay chân lý
Tứ diệu đề với thập nhị duyên sinh…
Trượng của Như Lai là biểu tượng của "bần tăng"
Chân đạo sĩ, chớ nên nghĩ: Đó là HƯ SỰ!
---o0o---
TRỰC CHỈ
Người học Phật, phải học, hiểu những vấn đề then chốt của nền giáo lý
Phật, trước khi vào nhà Phật học đồ sộ. Đó là vấn đề:
 Sự - Lý
 Phương tiện – Cứu cánh
 Bất liễu nghĩa – Liễu nghĩa.
 Tục đế – Chơn đế
Hiểu được ý nghĩa và công dụng của những cặp phạm trù đó, người đạo
sĩ thấy biết rộng sâu vào vấn đề:
- Lý pháp giới
- Sự pháp giới
- Lý sự pháp giới
- Sự sự pháp giới
- Lý vô ngại
- Sự vô ngại
- Lý sự vô ngại
- Sự sự vô ngại
Hiểu tõ tánh chất "vô ngại" qua bốn cách nhìn "pháp giới", người đạo sĩ
chợt nhận ra chân lý "Pháp giới nhất chân". Sự là "sự" của "lý". Lý là "lý của
"sự". SỰ LÝ VIÊN DUNG. Bấy giờ nhìn thấy gậy đuổi cọp, bát thu rồng,
bình bát, tích trượng như nhìn thấy Phật, Pháp và Tăng. Thấy được chân lý:
"Một là tất cả". "Tất cả là một". Thế cho nên với người chứng đạo những
chứng tích "hữu vi", "sự tướng" đó không ngoài "bản thể nhất chân" thì sao
được gọi là HƯ SỰ TRÌ?
Tuy nhiên, với người chưa tỏ ngộ châ lý, ôm giữ bình bát tích trượng, ba
y, chánh gốc của Phật tổ Như Lai, để mà "lễ bái" mà "cầu nguyện" mà "van
xin" mà "hy vọng", mà trông nhờ sự "phù hộ" sự "cứu rỗi" của Phật thì rõ là
HƯ SỰ TRÌ. Vì sự chỉ là sự "hữu vi pháp" thì của ai cũng đều như huyễn,
như hóa, như sương mai, như điện nhoáng mà thôi. Bo bo ôm giữ "sự tướng"
là dẫm chân một chỗ. Mà phải hiểu:
Sự để đạt đến Lý
Phương tiện để đạt đến cứu cánh
Bất liễu nghĩa để đưa lên liễu nghĩa
Tục đế để nhận thức tư duy chân đế".
---o0o---
THI CA 25 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỌNG, CHÂN
ĐỀU VỌNG
Phiên âm:
Bất cầu chân, bất đoạn vọng
Liễu tri nhị pháp không vô tướng
Vô tướng vô không vô bất không
Tức thị Như Lai chân thực tướng
Dịch nghĩa:
* Chân đạo sĩ chẳng cầu chân bỏ vọng
Vốn biết rằng: Chân, vọng không có gì!
Bảo rằng "KHÔNG", nhưng không được hiểu "NGOAN KHÔNG"
Rằng là "CÓ", mà không nói là "THỰC CÓ"
* Nhận thức rõ, "Như Lai chân thực tướng"
Sắc là không, không là sắc, bất tương ly
Chân lý duyên sanh, một đạo lý nhiệm mầu
Nhìn "đương thể": SẮC là KHÔNG, KHÔNG là SẮC
---o0o---
TRỰC CHỈ
Giáo lý liễu nghĩa thượng thừa trong đạo Phật, vần đề CHÂN, VỌNG
không là vấn đề đáng được bàn cãi đúng sai chân vọng nữa.
"Tánh chân thực của pháp hữu vi là KHÔNG
Vì duyên sinh
Ví như huyễn
Bản chất của pháp vô vi, không sinh không diệt
Vì không có thật
Ví như hoa đốm trong hư không"
Chỉ cái vọng, cốt hiển bày CHÂN. Không vọng tự nó CHÂN. Không có
CHÂN nào ngoài VỌNG. Vọng và Chân đều không tự tướng. Không tự
tướng đồng nghĩa với "không có gì". Gọi là CÓ chỉ là sự hội tụ duyên sinh
còn hòa hợp. Gọi là KHÔNG chỉ là sự phân tán của duyên sinh tan rã.
Người học Phật khi nói CÓ phải ý thức, mình đang nói CÓ cái gì. Lúc
nói KHÔNG cũng phải ý thực, mình đang nói KHÔNG cái gì!
SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC là vấn đề của người học đạo, hành đạo và
chứng đạo mới thấy rõ:
"… Đạt giả đồng du Niết-bàn lộ…"
"… Duy chứng nãi tri nan khả trắc…"
Đó không phải là vấn đề nên "thảo luận" trong những buổi "tửu hậu trà
dư". Càng không được nói để chứng minh rằng đó là sai hay đúng. Nếu cả
đời mà ta chưa gặp "đạt giả" để "đồng du" thì chỉ còn một cách: "độc hành
độc bộ" mà thôi! Rồi thỉnh thoảng chờ nghe tiếng vọng trong không gian thủ
thỉ:
"Vui thì vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai…"
---o0o---
THI CA 26 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO …
NHẤT THIẾT DUY TÂM…
Phiên âm:
Tâm cảnh minh, giám vô ngại
Hoát nhiên huýnh triệt châu sa giới
Vạn tượng sum la ảnh hiện trung
Nhất lỏa viên quang phi nội ngoại
Dịch nghĩa:
Gương tâm sáng, rõ soi không ngăn ngại
Thoắt ngộ rồi, thu hết thế giới hằng sa
Vạn tượng sum la, là ảnh hiện của tâm này
Có TUỆ GIÁC, "trong" "ngoài" không ranh giới
---o0o---
TRỰC CHỈ
Trong giáo lý Phật, đề cập TÂM là đi vào lãnh vực "chuyên", vào chiều
sâu thăm thẳm của tư duy và quán chiếu. Nói cách khác, người học Phật
muốn nhận thức về TÂM, thưởng thức được hương vị giải thoát của TÂM,
công dụng tuyệt vời thánh thiện của TÂM, người đạo sĩ phải thực hiện
THIỀN, phải vận dụng CHÁNH QUÁN.
Bởi vì TÂM ở trong đạo Phật nói có nhiều tên gọi. Mỗi tên gọi, một công
dụng, một giá trị lợi hay bất lợi, "bạn" hay "thù", chỉ người thực học, thực
tu, mới hiểu hết, hiểu kỹ từng công dụng của các thứ TÂM.
1. Nhục đoàn tâm
2. Vọng tâm
3. Chân tâm
4. Thường trú chân tâm
5. Như Lai Viên Giác diệu tâm
6. Duyên lự tâm
7. Bát thức tâm
8. Tích tụ tinh yếu tâm
Tâm có nhiều tên gọi như vậy, cho nên nghiên cứu đạo Phật sơ sài, hời
họt mà bàn luận về TÂM thì khó mà quán triệt vấn đề.
TÂM CẢNH MINH, chỉ cho cái tâm được loại bỏ "vọng tâm", loại bỏ
"duyên lự tâm", nhưng thứ tâm nghĩ ngợi lăng xăng, tạp nhạp, thứ tâm gây
ra một nguyên nhân và hậu quả khổ đau cho con người.
TÂM CẢNH MINH là NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM là THƯỜNG
TRÚ CHÂN TÂM của con người vốn có. Theo giáo lý đạo Phật, đó là "bản
thể" của vũ trụ vạn hữu. Hiện tượng vạn hữu là pháp "duyên sinh" từ tâm thể
đó mà ra:
"Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO"
"Duy tâm tạo" là "tâm thể" bao hàm thu tóm hết vạn tượng sum la, không
còn vật nào "ở trong", cái gì "ở ngoài" nữa. Cũng như sóng mòi, bọt bong
bóng, không có cái gọi là "trong", là "ngoài", vì là cùng loại duyên sinh trên
mặt biển bao la vô tận của nước đại dương.
---o0o---

Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương 21 - 23

 Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương

Nguyên tác: Huyền Giác Thiền Sư
Biên dịch: Từ Thông Thiền Sư
Sài Gòn 1998 – 2543
THI CA 21 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO KHÔNG
NÊN TRỤ PHÁP TU PHƯƠNG TIỆN
Phiên âm:
Giác tức liễu, bất thi công
Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng
Trụ tướng bố thí sanh thiên phước
Do như ngưỡng tiễn xạ hư không
Thế lực tận, tiễn hoàn trụy
Chiêu đắc lai sanh bất như ý
Tranh tự vô vi thật tướng môn
Nhất siêu trực nhập Như Lai địa.
Dịch nghĩa:
* Giác là hết, chẳng cần tu với chứng!
Pháp hữu vi nhiều lắm kể sao cùng
Bố thí ra, lòng chấp, phước sanh thiên
Lúc phước hết, sinh lại cuộc đời không như ý
* Như tên bắn, xé hư không bay vút
Sức mỏn rồi, tên rớt biết về đâu!
Sao bằng ta, thẳng tiến THẬT TƯỚNG MÔN
Nhảy một nhảy, đến ngay vùng đất Phật
---o0o---
TRỰC CHỈ
Muốn đi con đường Phật, phải chú ý những điều cần biết ban đầu:
Về pháp môn, đại để có phương tiện và cứu cánh…
Về chủng tánh, đại để có tiểu thừa và đại thừa…
Về giáo lý, đại để có tiệm, đốn, viên…
Về căn cơ, đại để có lợi, độn…
Có hiểu những điều cốt lõi đó, trong quá trình nghiên cứu, học Phật mới
không sửng sốt, ngạc nhiên, kinh hãi, thậm chí phản đối và nguyền rủa, khi
đọc:
"Giác là hết, chẳng cần tu với chứng".
Đối với tư tưởng Đại thừa của người chủng tánh Đại thừa, đó là sự thật,
không hề cường điệu, đại ngôn, càng không hề dụng ý phủ định, chê bai, bôi
bác sự tu hành của người khác không cùng căn cơ, chủng tánh, trình độ và
pháp tu giống mình.
Người Đại thừa nhận thức rõ, pháp hữu vi "thiên sai vạn biệt", pháp tu thì
"vô lượng pháp môn", chạy theo nó mình sẽ làm gì đây? Làm cái nào cho
mau hiệu quả? Tu món gì để được "phước nhiều"? Hành kiểu chi để mau
thành Phật? v.v… Vô số vấn đề, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, chắc chắn
chẳng ai biết chắc phải làm gì để được thành công sớm nhất và to lớn đến cỡ
nào!
Riêng về pháp môn tu THIỀN của THIỀN TÔNG cũng còn không biết
cơ man nào rắc rối. Nếu không có duyên tu học VÔ VI THẬT TƯỚNG
MÔN thì đa số, người ta chỉ dạy nhau và tu với nhau những pháp môn
THIỀN LÁ SẢ mà thôi! Với người Đại thừa "Nhảy một nhảy đến ngay vùng
đất Phật".
Đó là chuyện có thật. Nhưng có điều chua chát là lời thật không phải ai
cũng bằng lòng. Tuy nhiên, không vì vậy mà người chứng đạo không vì lẽ
thật, nói ra lời thật để cho ai đó "đạt giả đồng du…" chứng nhập quả bồ đề
chân thật.
---o0o---
THI CA 22 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO NHÌN
BAO QUÁT NẮM TRỌNG TÂM
Phiên âm:
Đản đắc bổn, mạc sầu mạt
Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt
Ký năng giải thử như ý châu
Tự lợi, lợi tha chung bất kiệt
Dịch nghĩa:
* Cần ôm gốc, quan tâm chi cành ngọn
Gốc vững rồi, cành ngọn sẽ sum suê
Như lưu ly, thu hết ánh trăng vàng
Sáng vằng vặc, sáng mơ màng, châu lưu ly thu trọn vẹn
* Cũng như thế, tâm ta là châu NHƯ Ý
NHƯ Ý châu, giá trị lớn vô cùng
Tỉnh thức rồi, với THƯỜNG TRÚ CHÂN TÂM
Dùng tự lợi, dẫu lợi tha đời không bao giờ hết.
---o0o---
TRỰC CHỈ
Nhìn bao quát nắm lấy trọng tâm là cách nhìn của người khôn ngoan
trong cuộc sống.
Nhà quân sự, cất cánh chiếc máy bay thám thính, bay lượn một vùng trời
hàng trăm "cây số" để nhìn bao quát và tìm nắm lấy một mục tiêu, một
"trong tâm" của đối phương trong một vài điểm.
Tiều phu vào rừng. Ngư phủ ra khơi. Người nội trợ đi chợ. Cô bán hàng
rong… đều vận dụng cách "nhìn bao quát, nắm lấy trọng tâm" trong nghề
nghiệp của mình. Đến như những bậc tiền bối dòng dõi tiên rồng cũng dạy
cho con cháu cách "nhìn bao quát nắm lấy trọng tâm" để chọn cho mình một
ý trung nhân trong lứa tuổi "xuân xanh xấp xỉ" búi tóc cài trâm rằng:
"Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giũa chốn ba quân".
Người đạo sĩ cũng có cái nhìn "bao quát" trong đường học đạo và hành
đạo. Người ta thường gặp nó trong một cái từ đẹp đẽ mới nghe qua tưởng
như hữu lý:
"Bồ-tát đa hạnh"
Thực vậy, "đa hạnh" không có gì phải chê trách và chối bỏ. Nhưng "đa
hạnh" chỉ là cách "nhìn bao quát" mà người thông minh, cần phải biết "trọng
tâm" để nắm lấy. Đa hạnh chỉ là lá, ngọn, cành… Lá, cành, ngọn, đọt có thể
tiêu ma tàn tụi dễ dàng nếu gốc sùng, hà, mục ruỗng.
Trọng tâm của đạo sĩ, qua cái thấy của người chứng đạo là TÂM. Tâm ở
đây được ví "tịnh lưu ly". Tịnh lưu ly thu hết ánh trăng vàng. "Chân tâm
thường trú", "Như Lai Viên Giác Diệu Tâm" mà phát hiện, mà tỉnh thức, mà
tỏ ngộ, mà thể nhập thì diệu dụng sẽ vô cùng vô cực. Dùng cho việc lợi
mình, dùng cho việc lợi chúng sinh từ đời nầy cho đến vĩnh viễn vô lượng
đời sau công đức không bao giờ cạn kiệt.
---o0o---
THI CA 23 - CÁI THẤY CỦA NGƯỜI CHỨNG ĐẠO VỮNG
CHÁNH NIỆM TRONG MỌI THỜI
Phiên âm:
Giang nguyệt chiếu, tòng phong xuy
Vĩnh dạ thanh tiêu hà sở vi?
Phật tánh giới châu tâm địa ấn
Vụ lộ vâ hà thể thượng y
Dịch nghĩa:
* Trăng vằng vặc, lung linh vờn đáy nước
Gió ngọn tùng, nghe như cật vấn lương tri
Cảnh đêm thanh, trăng sáng: Đã làm gì?
Rằng, Phật tánh, giới châu tôi in sâu vào tâm địa.
* Tôi lấy cả ráng, mây, làm màu áo
Lấy mù mai, sương sớm để làm màn
Vui trăng sông, tùng núi, gió vi vu
Ôm Phật tánh, giới châu làm bạn đường chung chăn gối!
---o0o---
TRỰC CHỈ
Cái thấy của người chứng đạo đối với việc "tu hành" nhẹ nhàng, cởi mở,
tự tại mà hiệu quả rất cao, người chứng đạo họ có giải thoát thật sự, họ có
giác ngộ chân lý thật sự, vì vậy không có gì ràng buộc được thân tâm con
người chứng đạo. Dưới mắt của người chứng đạo, vạn pháp đồng nhất thể.
Tùy duyên biến hiện mà dáng vẻ hình hài có sai khác đó thôi. Tất cả đều
cùng chung một tự tánh thanh tịnh bản nhiên của tự nó. Từ nhận thức chân
lý đó, cho nên vấn đề gọi là TU HÀNH chẳng có gì cực khồ khó khăn.
Van xin, cầu nguyện. Không cần
Lạy ngũ bách danh, tam thiên Phật. Không cần.
Tụng kinh, tay chuông, tay mỏ, ngày sáu thời. Không cần.
Tay lần chuỗi, miệng niệm danh hiệu Phật suốt ngày. Không cần.
Vậy người đạo sĩ, cần gì?
- Cần vững CHÁNH NIỆM. Có chánh niệm là có tất cả. Có chánh niệm
người đạo sĩ sẽ không rời Phật tánh. Luôn luôn tỉnh thức sống bằng Phật
tánh, đương nhiên có "giới châu", có "định châu", có "tuệ châu". Giới, định,
tuệ mà in sâu tâm địa thì còn cái gì ràng buộc được, lý do nào làm cho hành
giả "bận lòng"!
Như vậy, người đạo sĩ:
"Tôi lấy cả ráng, mây, làm màu áo
Lấy mù mai, sương sớm để làm màn
Vui trăng sông, tùng núi, gió vi vu
Ôm Phật tánh, giới châu làm bạn đường chung chăn gối!"
Đó là việc có thật. Có thật, tuy nhiên:
"Duy chứng nãi tri, nan khả trắc…"
---o0o---