Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Vạn Pháp Quy Tâm

Vạn Pháp Quy Tâm

Vũ trụ vạn hữu hay nói một cách khác là mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong vũ trụ từ những vật vô tri như gỗ, đá, mưa, gió,… đến những vật hữu tri như chim cá, muôn thú và loài người,…

Những sự vật, hiện tượng có thể nhận biết bằng mắt thường như sấm chớp, băng tan, sự sinh trụ dị diệt của vạn vật,… cho đến những sự vật, hiện tượng không thể dùng mắt mà phân định được như không khí, chân không và các cõi vô hình,…
Chúng đều hiện diện trước ngôn ngữ mà loài người dùng để giao tiếp. Chúng có trước cả loài người. Thế nên trước khi loài người có sự hiểu biết và dùng tiếng nói giao tiếp thì chẳng có bất kì loài gì, vật gì có tên gọi.
Đến khi con người có chút hiểu biết, biết phân biệt so sánh thì loài người mới tiến hành đặt tên cho muôn vật. Sự phân định, đặt tên này ban đầu hoàn toàn là ngẫu nhiên và khách quan.
Bởi lẽ khi chưa có ngôn ngữ thì con vật nào cũng không có tên nên việc đặt cho con vật đó là con hổ hay con bò đều không có sự khác biệt. Việc đặt tên mọi vật vì thế rất lộn xộn, tùy tiện và trùng lập.
Về sau những người có hiểu biết nhận thấy sự rối rắm đó đã đề xuất ý kiến “Đưa ra những quy ước chung để đặt tên các sự vật, các giống loài,…”.
Việc làm đúng đắn, cần thiết này được loài người chấp nhận và tất cả các sự vật, hiện tượng mà con người nhận biết về sau đều có được tên gọi.
Ban đầu, việc đặt tên muôn vật rất khách quan. Lâu về sau, việc đặt tên có phần mang tính chủ quan nhằm chia nhóm các sự vật, hiện tượng, muôn loài và muôn vật,…
Qua những điều tôi trình bày ở trên cho thấy. Cùng với sự hiểu biết ngày càng cao, con người đã dùng tâm ý, ý thức phân biệt để đặt tên vạn vật có trong vũ trụ. Những việc làm đó của con người được gói gọn vào cụm từ “Vạn pháp quy tâm” - Vạn vật có trong vũ trụ nhờ tâm phân biệt và ngôn ngữ của con người mà thành hình và có tên gọi.
Như tôi đã từng khẳng định về sự hiện hữu của thế giới tâm linh tồn tại song hành với thế giới vật chất. Thế giới vật chất hữu hình thì bạn đã rõ biết, tôi chỉ trình bày thêm về thế giới tâm linh vô hình.
Tuy nhiên, muốn trình bày về thế giới vô hình thì tôi vẫn phải chia nhóm và đặt tên gọi cho từng nhóm. Tôi đã nói trước đó việc đặt tên về sau là do sự chủ quan của con người, hoặc dựa vào số đông, hoặc dựa vào việc đặt tên của người đi trước,…
Cõi giới vô hình lại không thể nhìn thấy được. Chúng chỉ do tâm ý mà sinh ra những rung cảm thăng hoa, vui tươi, sầu khổ, hoảng loạn, dè dặt, hạnh phúc, chán chường, nặng nề,…
Dựa vào những rung cảm khác nhau đó, những người có sự hiểu biết về thế giới vô hình mới phân định ra cõi Thiên đàng, cõi Địa ngục, cõi Ma quỷ,…
Tùy sự hiểu biết mà họ có những sự phân định khác nhau. Nhiều người đã dùng sự hiểu biết này trở thành giáo chủ những tôn giáo và thế hệ đi sau tiếp nối thế hệ đi trước xây dựng tôn giáo dựa trên giáo lý, kinh điển được truyền thừa.
Tuy nhiên, không phải vị giáo chủ nào cũng có sự hiểu biết rành rẽ về cõi vô hình nên giáo lý, kinh điển cũng có ít nhiều khiếm khuyết.
Thêm nữa, mãi về sau tư dục của con người khiến cho giáo lý, kinh điển càng thêm mai một, mất dần sự thật.
Phật Thích Ca ra đời. Trong quá trình tìm đạo, hành đạo, Người tham cứu, học hỏi phần lớn các giáo lý, kinh điển các tôn giáo khác nhau. Người không thể phân định được tôn giáo nào cao tột. Người cũng không quá quan tâm về sự phân chia đó vì lẽ người đang chú tâm đi tìm con đường xa lìa sự khổ cho loài người.
Đến ngày thành đạo, Phật nhìn rõ vạn pháp là hư huyễn, không thật có cũng không thật không, biến chuyển liên tục. Nhìn lại chính mình, Phật nhìn rõ xác thân này rồi cũng tàn hoại, sự vui buồn, được mất, hơn thua, cũng biến chuyển,… Phật nhận ra đó chỉ là ý, là vọng tâm lưu xuất ra từ bản tâm vắng lặng, tĩnh tại của người. Bởi vì Phật nhận biết Người đang dùng bản tâm vắng lặng để nhìn rõ sự luân chuyển của vạn pháp.
Khi nhận biết rõ sự lý vô thường của vạn pháp, của xác thân,… Phật không còn tham đắm, dính mắc và Người đạt được sự an lạc, tự tại và giải thoát.
Tuy nhiên, Người vẫn nhớ bi nguyện cứu khổ loài người và muôn vật. Người đã từng quán chiếu thế giới tâm linh vô hình và thế giới vạn hữu nhận ra sự luân chuyển lên xuống, qua lại của muôn loài.
Nhằm giúp con người dễ lĩnh hội, nắm bắt về sự hiểu biết, giác ngộ và sự giải thoát, Phật nhận biết Người cần có phương pháp truyền đạt hiệu quả.
Vì thế Phật đã gọi muôn vật - Những chủng loài có sự sống luân chuyển giữa hai phần hữu hình và vô hình với cùng cái tên chung là chúng sinh.
- Phần hữu hình, Phật chia ra hai nhóm gồm loài người và súc sinh.
- Phần vô hình, Phật dựa vào tâm thức rung cảm của những chúng sinh tồn tại trong phần vô hình chia ra làm bốn nẻo gồm Trời, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục.
Phật đã không áp đặt tính chủ quan vào việc phân chia 3 cõi vì lẽ Phật đã đạt bản tâm vắng lặng, tịch diệt, rõ biết vạn pháp đều là tướng hư vọng.
Việc dùng ngôn ngữ phân chia 3 cõi chỉ là phương tiện nhằm truyền đạt giáo lý về con đường giải thoát mầu nhiệm cho chúng sinh trong 6 nẻo được thuận tiện, hiệu quả.
Thế nên việc Phật chia thế giới vô hình và hữu hình ra làm 3 cõi 6 đường là tùy thuận vào nhận thức, sự hiểu biết của con người thời Phật tại thế - Vạn pháp quy tâm.

Chữ tâm trong vạn pháp quy tâm chứa hàm ý là tâm phân biệt của con người.




Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải

Bát nhã ba la mật đa tâm kinh là bài kinh cô động lại của bộ kinh bát nhã, lời kinh súc tích gãy gọn nhưng không vì thế mà giảm đi chân giá trị. Những ai hành trì miên mật bài kinh này, tự khắc trí tuệ khai mở. Khi cơ duyên đến, tùy nghi đại ngộ sẽ đạt sự giải thoát mầu nhiệm ngay trong hiện đời.
Tôi tự thẹn Hán văn ngu muội, không dám tranh hơn luận thắng với các bậc tôn trưởng, cao đức. Chỉ vì muốn lời kinh trở nên gần gũi hơn với người học Phật, tôi đành một phen mạo muội. Đắc tội!

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung. Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc, vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố. Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam muội tam bồ đề.
Cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Lời kinh như lời nhắn gửi của Đức Phật Thích Ca đến với người học Phật, y kinh hành trì miên mật sẽ mau chóng liễu thoát sinh tử.
Phật thuyết:
Khi ta quan sát một vị bồ tát đã đạt được sự tự tại giải thoát, ta sẽ nhận thấy vị này chuyên tâm hành trì bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy mà vị Bồ tát này nhận ra sắc thọ tưởng hành thức đều là tướng hư huyễn, không thật vì tất cả do duyên hợp. Do nhận biết lẽ thật đó mà vị Bồ tát vượt qua mọi khổ não, tai ách và phiền muộn.
Sắc do vật chất gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, đầu, cổ, tay chân, thân hình, máu huyết,… hợp thành. Thọ do cảm giác vui buồn, giận thương, yêu ghét,… hợp thành. Tưởng là những nhận thức nghĩ nhớ, ghi nhận, chuyện đã qua, việc hiện tại, tương lai,… hợp thành. Hành là tri giác, là những tâm ý dao động, lăn xăn, dừng nghĩ,… hợp thành. Thức là ý thức do tâm phân biệt, so sánh, đánh giá,… hợp thành. Bồ tát nhận thức rõ khi tách rời sắc thọ tưởng hành thức, và các phần nhỏ mắt tai, mũi lưỡi, vui buồn, nhớ nghĩ, sự lăn xăn tâm ý, ý thức so sánh,… thì sẽ không có ai là bồ tát và ngay cả khi hợp nhất chúng lại cũng không có vị bồ tát nào vì sắc thọ tưởng hành thức khi hợp lại vẫn không dừng lặng mà diễn ra quá trình sinh trụ dị diệt,... Chỉ có sự tự tại của chân tâm là thường còn. Vì thế vị Bồ tát không còn tham đắm dính mắc những tranh giành, hơn thua, được mất, thật giả,… nên không còn bị sự đau khổ, lo lắng bức hại.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết! Có thì không khác gì không, không thì không khác gì có. Có tức là không, không tức là có.
Vì lẽ thân xác người chết khi tan hoại vào đất thì thân người sẽ không còn mà con người thì phải chết. Nhưng khi còn sống, thân xác chưa tan hoại thì vẫn có thân người. Thế nên có thì đâu khác gì không, không đâu khác gì có và nói một cách khác thì có tức là không, không tức là có vì nó biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững mãi mãi.
Cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức cũng đều như thế.
Chúng cũng biến chuyển liên tục, không dừng nghỉ, không bền vững. Ai có thể giữ mình vui hoặc buồn cả ngày; nhận thức, ý thức, tri giác của mỗi người cũng không dừng lặng được; việc đẹp xấu, những chuyện ngày mai, hôm qua,... chạy loạn trong đầu. Vì thế chúng cũng không khác gì không, cũng không khác gì có. Chúng cũng chính là không mà cũng chính là có.
Này người học Phật! Hãy tự nhận biết. Tất cả các pháp đều không phải tồn tại ở dạng có hay không, cũng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm. Tất cả các pháp đều không có hình tướng, không có cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, tư duy. Cũng không có cái gì gọi là mắt, tai, mũi, lưỡi , thân, ý; Cũng không có gì là màu sắc, âm thanh, mùi hương, khẩu vị, sự xúc chạm và các sự vật, các pháp. Cũng không có cái bị thấy, không có cái bị nhận biết phân biệt. Không có sự hiểu biết không sáng rõ, cũng không có sự hiểu biết sáng rõ. Không có sự già chết cũng không có sự không già chết. Không có sự khổ, không có nguyên nhân gây ra sự khổ, không có dứt trừ sự khổ, cũng không có dứt khổ. Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Vì bởi rõ biết có tức là không, không tức là có. Khi người học Phật sống được với cái biết đó thì sẽ rõ biết vạn pháp - Mọi sự vật, hiện tượng đều không phải tồn tại ở dạng có hay không? Tất cả chỉ do duyên, đủ duyên thời nhận thấy rằng có nhưng khi duyên biến diệt không còn nữa thời nhận thấy là không. Thế nên người học Phật sẽ nhận biết vạn vật sẽ không có sinh diệt, không có dơ sạch, không có tăng giảm. Sở dĩ có sự sinh diệt, dơ sạch, tăng giảm là do tâm phân biệt của con người, do con người quan sát, đánh giá ở góc nhìn hạn hẹp chứ không đặt sự vật hiện tượng ở góc nhìn tổng thể khách quan. Cụ thể, khi ta nhìn một đống phân bò bên một gốc cây mận, ta sẽ thấy sự nhòm gớm, dơ bẩn. Sau một thời gian ta không thấy đống phân bò nữa và cây mận trước kia chưa có trái, bây giờ đã có nhiều trái chín mọng. Ta hái vài trái mận cho vào miệng ăn và nhận định cây mận có trái ngon ngọt, thanh mát. Vì không nhìn ở góc nhìn tổng thể nên ta vội quên cây mận tốt tươi, nhiều trái là do chuyển hóa đống phân bò gớm bẩn thành quả ngọt. Mọi vật trong cuộc sống cũng đều như vậy chúng không thể tự có mà nương nhờ các duyên, đủ duyên thì mới có thể sinh ra. Điều này đồng nghĩa với việc vạn pháp sẽ không có gì cả. Không hình tướng, cảm giác, nhận thức, tri giác, ý thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác,… Không có sự hiểu biết trí tuệ, cũng không có pháp để đắc.
Nhiều người tham cứu, học hỏi Phật đến đây thì mê mờ lý sự. Vạn pháp đều là không thì có gì để tu học, không có pháp để đắc thì tu hành mà làm chi. Những người theo ngoại đạo chỉ trích Phật giáo chấp không cũng ở lý này. Vì không nhìn nhận, đánh giá ở góc nhìn tổng thể, khách quan nên chúng sinh 3 cõi 6 đường mê mờ, lầm lạc. Qua đoạn kinh văn này, bạn thấy vạn pháp là không nhưng ai là người nhận thấy vạn pháp là không? Đó là người tu học đạt quả vị Bồ tát. Vậy ra không phải vạn pháp hoàn toàn không mà còn có một vị Bồ tát tự tại. Bồ tát là ai? Bồ tát là người tự cứu mình thoát khổ và độ người thoát khổ. Vì lẽ con người tự nhận mình có thân, tham đắm thân sinh ra khổ. Hiểu lý lẽ đó vị Bồ tát đã hành thâm bát nhã ba la mật quán chiếu nhận rõ thân không thật, các pháp không thật để không còn dính mắc, nhằm xa lìa sự khổ. Cái mà vị Bồ tát cầu đắc chính là cái không có gì để đắc, là không có người để đắc - Vô sở đắc.
Khi đạt cái pháp không có gì để đạt, vị Bồ tát đã y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ hành trì miên mật, và đạt được tâm không lo lắng, tâm không sợ sệt, tâm không kinh hoảng, từ đó xa rời sự mộng tưởng điên đảo về Niết bàn - cõi thường lạc ngã tịnh. Ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều y tựa vào bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí huệ hành trì miên mật mà chứng ngộ được quả vị chánh đẳng, chánh giác.
Khi đạt được pháp không có gì đạt được, vị Bồ tát tiếp tục hành trì miên mật sáu phép ba la mật cho đến khi tâm không còn xao động, sợ sệt, lo lắng thì đạt được chánh định, đạt được chánh định rồi thì vị Bồ tát không còn động loạn, mong cầu về cõi Niết bàn thường lạc ngã tịnh nữa. Phật còn khẳng định “Cũng bằng việc hành trì liên tục, tùy thuận, không rời bỏ sáu pháp ba la mật mà chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, đắc quả vị Phật”.
Vì vậy người học Phật phải rõ biết hành trì sáu pháp ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ tùy thuận mọi lúc, mọi nơi thì đó chính là câu thần chú lớn nhất, là câu thần chú sáng rõ nhất, là câu thần chú cao tột nhất, là câu thần chú không có câu thần chú nào có thể so bì. Câu thần chú này sẽ có công năng diệt trừ hết mọi sự khổ nạn, tai ách. Đây là lời nói chân thật không có hư dối.
Ý từ của đoạn kinh văn rất rõ ràng, người học Phật phải tùy thuận, siêng năng hành trì sáu phép ba la mật thì sẽ đạt được sự tỏ ngộ và nhận ra đây là câu thần chú cao tột có công năng độ thoát con người ra khỏi mọi cảnh khổ. Người học Phật sẽ tự biết lời nói đó không chút hư vọng, là lời nói đúng thật.
Có thể trình bày Bát nhã ba la mật đa tâm kinh theo một cách khác, cách nói như sau:
Giải thoát giải thoát, giác ngộ giải thoát, giác ngộ sẽ được giải thoát. Đó là tự tánh bồ đề thường tại trong mỗi chúng sinh.
Cuối cùng, Phật lại thuyết có một cách đơn giản, ngắn gọn hơn để người học Phật trì bộ kinh chứa trí tuệ bát nhã ba la mật đa. Đó là:
Người học Phật sẽ tự giải thoát bằng sự hiểu biết cùng tột về sự giải thoát hoàn toàn - Sự hiểu biết về không có cái tôi thường tại trong mỗi chúng sinh, khi sống được với sự hiểu biết giải thoát thì sẽ được giải thoát hoàn toàn. Và đó chính là tự tánh bồ đề trong mỗi chúng sinh không bao giờ dứt mất.
Có lẽ phần trình bày về Bát Nhã Tâm Kinh Mộc Giải chỉ được những người tu học quan tâm nhưng thôi bạn hãy kiên nhẫn xem hết vì lẽ việc đọc một đoạn sách sẽ không hại gì. Tôi sẽ tóm gọn toàn bộ quyển sách “Hãy là đường xưa mây trắng bay…” qua hàm ý ẩn chứa trong câu chú “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. Bồ đề tát bà ha”.
Trong Tam tạng kinh, Phật cũng chỉ trình bày một vấn đề duy nhất, đó chính là con đường của sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mà bất kỳ chúng sinh nào có hiểu biết, biết dừng lại, nhìn nhận và hành trì tùy thuận đều có thể đạt được.
Trong câu chú trên cũng không ngoài mục đích khuyên người tìm về nẻo sáng giác ngộ giải thoát.
Phật thuyết “Người học Phật hãy tự giải thoát bằng sự hiểu biết giải thoát”. Đó cũng là Phật tánh thường còn của mọi chúng sinh.
Nếu bạn hỏi:
- Tại sao phải tự giải thoát? Tôi có bị nhốt đâu? Ai nhốt tôi?
Tôi sẽ trả lời:
- Bạn đã tự nhốt bạn. Bạn nhốt mình trong xác thân giả tạm, luôn luôn tàn hoại. Bạn nhốt mình trong cái tôi điên đảo trôi lăn trong 6 đường.
Vì lẽ gì tôi biết điều đó?
Vì tôi bắt gặp bạn trong những lo toan, phiền muộn, khổ đau. Bạn tham đắm, u mê với tranh giành được mất. Bạn bước qua cuộc đời mình vội vã. Và ở tuổi xế chiều, bạn hụt hẫng, hoang mang. Bạn chỉ là nô lệ của cái xác thân vay mượn. Bạn chỉ thực sự là ông chủ khi hòa cái tôi nhỏ bé vào cái vô ngã viên dung của vũ trụ, của nhân loại. Ngay khi đó, bạn sẽ tự nhận biết những điều tôi nói là những lời chân thật. Bạn sẽ không còn khổ đau, không tham đắm, hoài nghi, si mê,… bạn chỉ giữ lại niềm an lạc, tự tại và sự giải thoát hoàn toàn khỏi thân tâm.
Để làm một ông chủ trong cuộc đời, bạn hãy tùy thuận hành trì sáu phép ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Việc làm thiết thực này sẽ giúp bạn sớm nhận ra con đường của sự hiểu biết giải thoát là thật có và khi đó đạo - đời chỉ là một mà thôi.

Bạn cũng không phải tìm sáu phép ba la mật ở đâu xa. Bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là sẵn có trong con người bạn. Bạn chỉ việc lấy chúng ra và tùy thuận sử dụng.




Người Học Phật Thấy Phật, Gặp Bồ Tát Do Nhân Gì?

Người Học Phật Thấy Phật, Gặp Bồ Tát Do Nhân Gì?

Có hai vấn đề mà người học Phật xưa nay đặc biệt quan tâm, quan tâm hơn cả việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn, đó là vấn đề ái dục và các cõi giới vô hình.
Vì sao?

Vì việc chứng ngộ giải thoát hoàn với người học Phật dường như là một điều viễn vông, không thực tế, khó kiểm chứng. Trên thực tế mỗi khi rơi vào bức ngặt, khốn cùng con người mới khởi ý đến việc thoát khổ, giải thoát hoàn toàn ngay lập tức. Tuy nhiên, khi mọi việc đau thương qua rồi thì con người sẽ dễ dàng quên đi ý tưởng giải thoát hoàn toàn, trong tâm khảm con người luôn muốn được sống, dẫu có khổ cũng được nhưng có vui, có buồn.

Vì lẽ đó người học Phật ngày nay ít người phát tâm giác ngộ giải thoát hoàn toàn, hay nói một cách khác việc luân hồi sinh tử chưa khiến người học Phật ngày nay chán ngán đến mức quyết liễu rời bỏ?
...
Còn việc sắc dục là chuyện gắn liền với người học Phật hàng ngày. Giới luật của đạo Phật được diễn giải nhiều lối, việc diễn giải giới luật ở những người mê luôn ẩn chứa nhiều cực đoan lẫn ngộ nhận dẫn đến lắm sự chống trái, điên đảo. Điều này không chỉ khiến người học Phật chơi vơi, mông lung trong đời sống vợ chồng mà cả người đời cũng phần nào nhận thấy sự bế tắc trong lối truyền thừa ở những người đảm nhận vai trò hoằng dương đạo Phật.

Nhiều người học Phật lâm vào tình cảnh nửa đời, nửa đạo đã rối ren trong đời sống vợ chồng, kết quả là dẫn đến việc gia đình ly tán, hôn nhân đổ vỡ...

Có người học Phật trót mang ý nguyện xuất gia học Phật nhằm thoát khổ, giải thoát hoàn toàn, họ phải xa lìa, trốn tránh ái dục trong khi lòng lại khắc khoải mong cầu được nếm trải trái cấm.
...
Cùng với những lý do khác ái dục, giới dâm luôn được người học Phật từ xưa đến nay đặc biệt quan tâm.

Ngược lại, các cõi giới vô hình, cõi Phật, cõi ma quỷ,... thường được rất nhiều người quan tâm ở khía cạnh hiếu kỳ, tò mò muốn được biết.

Người học Phật đặc biệt quan tâm đến thế giới vô hình là vì họ muốn biết thêm về một đề tài mà con người gần như không thể rõ biết. Và con người xưa nay luôn ngờ vực muốn biết có thật là người chết sẽ tồn tại ở các cõi giới vô hình hay chết là hết, chết là không còn gì nữa cả.
...
Các cõi giới vô hình vì sự muốn biết của con người mà tồn tại và đa thù theo tâm tưởng của loài người. Chính các hệ thống tôn giáo đã dựng nên các cõi giới vô hình với "thiên hình, vạn trạng" và loài người mê ngộ đã tùy tiện phân tầng cũng như đặt cho các cõi giới vô hình những cái tên.
...
Có một điều đáng lưu tâm ở đây là dù 3 cõi, 6 đường được trình bày có đến 4 nẻo vô hình - Nẻo Trời, Nẻo A Tu La, Nẻo Địa ngục, Nẻo Ngạ Quỷ nhưng đa phần chúng ta chỉ nghe thấy người học Phật gặp Ma, Quỷ, Phật và Bồ tát chứ ít khi nghe nói đến việc gặp các vị Trời, A Tu La hay chúng sinh nẻo Địa ngục. Và trên thực tế giáo lý đạo Phật không bao giờ xác nhận Phật, Bồ tát là một dạng chúng sinh thuộc nẻo giới vô hình.

Vậy người học Phật nói gặp Phật, gặp Bồ tát thì sẽ gặp ở đâu, chủng chúng sinh đó thuộc nẻo giới nào?

Đây là điều mà những người học Phật nói gặp Phật, Bồ tát cũng như những người được nghe kể về việc gặp Phật, Bồ tát đã chủ quan không lưu tâm và thiếu sự suy xét lại.

Ngạo Thuyết tin rằng rất nhiều người học Phật được nghe bạn đạo kể lại rằng họ đã gặp Phật, gặp ma. Một số người học Phật khác không chỉ được nghe kể mà chính họ từng gặp Phật, gặp Ma.

Về việc người học Phật gặp Phật, thấy ma cũng như những chuyện huyền bí tâm linh Ngạo Thuyết được nghe kể khá nhiều. Và chính Ngạo Thuyết cũng đã từng trải nghiệm việc tiếp xúc những chúng sinh thuộc nẻo giới vô hình.

Việc gặp ma quỷ, vong ảnh, linh hồn ở nẻo giới vô hình ở người học Phật cũng như người đời là điều bình thường vì những chúng sinh đó thuộc về cõi giới vô hình.

Tuy nhiên, việc gặp Phật, Bồ tát ở cõi giới vô hình thì lại không ổn, không đúng với giáo lý đạo Phật. Người học Phật phải nhận thức được rành rõ một điều là Phật, Bồ tát không phải là hồn ma, bóng quế hay nói cách khác dễ nắm bắt và dịu giọng hơn thì cả Phật, Bồ tát chưa bao giờ là chủng chúng sinh thuộc cõi giới vô hình.

Vậy nên bất kì ai xác quyết rằng đã gặp Phật, thấy Bồ tát ở cõi vô hình thì câu chuyện đó sẽ rơi vào hai trường hợp. Một là người đó đang khoác lác, tự lừa mình, dối người; Hai là người này đã ngộ nhận việc gặp Phật, Bồ tát ở cõi giới vô hình. Họ gặp ma tưởng mà ngỡ rằng gặp Phật.
...
Cách đây nhiều tháng có một vị học Phật tự nhận mình là hành giả đã kể rằng một khoảng thời gian xa xưa trước kia anh ta thọ trì pháp môn niệm Phật A Di Đà, anh ta rất siêng năng niệm Phật và có một ngày anh ta thấy Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và một vị Phật khác mà anh ta không biết tên cùng với đông đảo các vị Bồ tát hiện thân đi quanh anh ta vào thời điểm buổi trưa. Tiếp đến, anh ta kể tên rất nhiều vị Bồ tát, trong đó có Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Chuẩn Đề (Thực ra Bồ Tát Quan Thế Âm và Chuẩn Đề tương truyền vốn dĩ chỉ là một vị). Và Ngạo Thuyết không rõ bằng cách nào mà anh ta nhận ra danh hiệu các vị Phật, Bồ tát; Lẽ nào các vị Phật, Bồ tát có đeo bảng tên.

Tuy nhiên, anh ta khẳng định việc gặp Phật, Bồ tát là sự thật sở dĩ anh ta kể cho mọi người nghe không phải vì cậy thế, khoe tài mà vì muốn sách tấn người học Phật Tịnh Độ Tông về sự linh ứng của việc niệm Phật. Trước đây, Ngạo Thuyết đã từng chất vấn anh ta nên được biết anh ta đã không còn tu theo pháp môn niệm Phật mà đã nhảy sang tu Thiền, tu Mật; Anh ta còn thể hiện rằng anh ta đã từng thực hành Thiền Luân Xa và có những sự chứng đắc nhất định.
...
Với vị hành giả này thì Ngạo Thuyết không đánh giá cao tất cả những điều mà anh ta diễn nói, cách thể hiện của anh ta cho thấy rằng anh ta bị loạn tưởng nhập tâm, những câu chuyện anh ta kể xuất phát từ Tâm Ma mà ra, gốc bệnh của anh ta có lẽ do sự mong cầu chứng ngộ, đắc đạo thần thông và việc hám danh.
...
Nhân chuyến Hành Trình Đi Để Mà Đi Ngạo Thuyết có gặp một người bạn ở miền trung, người bạn này kể rằng khi tìm về đạo Phật và có những nỗ lực hành trì người bạn này đã từng chứng nghiệm trạng thái hỷ lạc trong khoảng thời gian một tuần lễ, một trạng thái khinh an, thơi thới vi diệu. Tiếp đến anh ta đã nảy sinh vọng tưởng dùng dục để "thử thách", song ở trạng thái thơi thới đó, sắc dục không khiến anh động lòng. Sau đó, trạng thái hỷ lạc đó mất đi và anh ta mãi vẫn không thể tìm lại.
...
Cuộc trò chuyện lại được tiếp tục với nhiều đề mục, trong đó có cả những vấn đề về cõi vô hình, người bạn này nói đã từng gặp Phật A Di Đa, Phật Thích Ca. Ngạo Thuyết vấn hỏi làm sao nhận biết đấy là Phật, biết đâu là ma hóa hiện ra; Người bạn nói dựa vào trường khí, tiếp xúc với họ người bạn cảm nhận được trường năng lượng ấm áp, từ ái và an tịnh.

Ngạo Thuyết nói với đại ý về phần Phật A Di Đà khoan hãy nói đến nhưng ông bạn cũng nên ghi nhận Phật A Di Đà hay tất cả vị Phật cũng như Bồ tát có trong kinh Phật vốn không có nơi đời thật, người học Phật chỉ biết đến họ thông qua kinh Phật được mặc định là những lời do Phật Thích Ca thuyết.

Về phần Phật Thích Ca thì chúng ta đều biết Phật Thích Ca đã nhập niết bàn tịch diệt, vậy anh bạn liệu có cơ may gặp được Phật Thích Ca không, có thể gặp ở đâu? Trong giấc chiêm bao chăng? Bởi lẽ nếu người học Phật có thể gặp Phật Thích Ca thì đâu thể nói Phật đã nhập niết bàn tịch diệt.

Người bạn ấy liền hỏi vậy việc gặp Phật của anh ta là do nguyên nhân gì, anh ta không mong cầu gặp Phật? Không chỉ vậy, anh ta còn gặp Bác Hồ ở vai trò là một vị Bồ tát. Tại sao lại xảy ra những cuộc gặp gỡ như thế?
...
Do người bạn này những năm gần đây có tham cứu Thiền Tông nên Ngạo Thuyết đã "tranh thủ" ôn lại bài. Lời rằng "Môn sinh Thiền Tông xưa nay luôn phải thuộc nằm lòng câu "Gặp Phật, giết Phật; Gặp ma, giết Ma" để phá Ma cảnh khi tham thiền". Vì thế mọi cảnh giới mà hành giả học Phật chứng nghiệm đều là huyễn cảnh, chúng được dựng lên do tâm tưởng, đều là ma tưởng công tâm do đó các vị Thầy Tổ Thiền Tông đã bi mẫn cảnh tỉnh môn đồ "Chớ thấy ma mà loạn, chớ thấy Phật mà mê nên "khắc cốt, ghi tâm" rằng "Mọi cảnh giới chứng nghiệm đều là hư vọng, chớ lầm nhận mà sa vào việc đắc thất, ngộ nhận sự chứng ngộ, đạt đạo".

Người bạn lại nói "Thế việc gặp Bác Hồ giảng dạy pháp Phật thì sao?", cá nhân tôi nhận biết thì đây không phải là một giấc mơ. Ngạo Thuyết đáp "Cũng chỉ là Ma cảnh lưu xuất từ tâm, thêm nữa Bác Hồ vốn dĩ là tín đồ của duy vật biện chứng, thượng tôn chủ nghĩa vô thần, Bác Hồ dạy bảo pháp Phật thật sự là điều hư vọng.

(Thời gian gần đây có một số người có thể là "Thấy người sang bắt quàng làm họ" nên đã mở ý núp bóng Bác Hồ để chiêu mộ tín đồ mà ra sức biện giải Bác Hồ từng quy y Tam Bảo, có rất nhiều năm tháng sống ở các ngôi chùa. Chỉ bằng vào những điều đó mà "đặt để" Bác Hồ là tín đồ đạo Phật là không thỏa đáng vì thực tế đã chứng minh Đảng cộng sản Việt Nam thượng tôn chủ nghĩa duy vật vô thần, đã từng triệt hạ chủ nghĩa duy tâm cũng như các hệ thống tôn giáo, bao gồm đạo Phật một cách cực đoan, không khoan nhượng ngay cả khi Bác Hồ là đương kim chủ tịch của nước Việt Nam).
...
Người bạn đó thừa nhận rằng "Đúng là tôi không thể nghĩ ra được việc Bác Hồ chỉ dạy Phật pháp là vì lẽ gì? Thật kỳ lạ!". "Nhưng cũng như cảm giác gặp Phật ngày trước, những sự việc đó xảy ra rất tự nhiên, rất xác thực hoàn toàn không phải là việc tôi ngủ mơ. Trước đó tôi cũng không trông mong gặp Bác Hồ, gặp Phật". Và tôi cũng được nghe nhiều người học Phật kể rằng họ gặp Phật, Bồ tát; Họ cũng cảm nhận việc gặp Phật, Bồ tát của họ rất rõ ràng, đáng tin cậy".

Sau cùng, người bạn đấy hỏi Ngạo Thuyết do nguyên nhân nào mà nhiều người học Phật chứng nghiệm việc gặp Phật, Bồ tát?

Câu trả lời của Ngạo Thuyết là "Trí tưởng sinh tâm bệnh".

Người bạn phản vấn những người gặp Phật, Bồ tát đâu phải ai cũng mong gặp Phật, gặp Bồ tát nên nói họ mong cầu mà bị tâm ma mê hoặc là có sự gượng ép, thiếu khách quan.
....
Ngạo Thuyết tiếp tục trình bày, nói về Tưởng - Thức của con người thì thật là không dễ nhận biết được hết. Ở phương diện thực tại ta không nghĩ ngợi, không mong cầu gì không đồng nghĩa với việc ta không có chút mảy may mong ước nào, không phải là tịch diệt như thể "Tro tàn, lửa tắt, nguội lạnh tuyệt đối. Bản thân A Lại Da Thức, Tàng Thức vẫn thường vận hành vi tế, kín kẽ ngoài tầm nhận thức của mỗi người".

Ngày nay, rất nhiều người học Phật quan tâm đến các cõi giới vô hình, tìm đọc các dạng thiền bệnh như tham cứu 50 hiện tượng ấm ma ở Kinh Thủ Lăng Nghiêm hoặc việc lắng nghe chuyện ma quỷ, chuyện gặp Phật, Bồ tát,... Có người lắng nghe rồi ghi nhận, chứa giữ; Có người nghe rồi ngỡ từ tai nọ sang tai kia và trôi tuột đi... Nhưng kì thực là tàng thức không hề buông, không hề xóa sạch những thông tin tiếp nhận. Không chỉ vậy tàng thức còn lưu xuất ra những cảnh gặp Phật, thấy Bồ tát về sau, sở dĩ phát sinh những việc gặp Phật, gặp Bồ tát là vì tâm thức mỗi người học Phật luôn có những mong muốn tăng tiến tâm linh, chứng ngộ pháp Phật. Khi tâm chứa vọng tùy thời mà cảnh sẽ hiện ra. Sự kín kẽ, vi tế của tàng thức đã khiến rất nhiều người học Phật ngộ nhận việc chứng ngộ. Do cả nghĩ về sự chứng đắc nhiều người học Phật trải qua ma cảnh gặp Phật liền trở nên cống cao, ngã mạn đinh ninh khai thị dẫn dắt, chỉ bày những người học Phật sơ cơ. Kết quả là một người mù dẫn đường cho một đoàn người có bệnh về mắt.
...
Ngạo Thuyết khẳng định lại rằng các cõi giới vô hình có tồn tại nhưng việc gặp Phật, Bồ tát ở người học Phật là điều không thể xảy ra vì Phật, Bồ tát không trụ ở các cõi giới vô hình.

Việc gặp Phật, Bồ tát ở người học Phật chỉ do sự dính mắc thô tế nơi tâm thức học nhân, là tâm vọng của hành giả. Nói nôm na thì những cuộc gặp gỡ ấy chỉ là Ma cảnh, người học Phật đừng kỳ vọng vào việc gặp Phật, Bồ tát là sự tăng tiến tâm linh, trừ phi "Gặp Phật, giết Phật; Gặp Ma, diệt Ma" thì may ra người học Phật mới trưởng thành hơn đôi chút.

Và Ma cảnh gặp Phật, Bồ tát có thể do nội tâm hành nhân lưu xuất hoặc có thể do ngoại ma dò được vọng tâm của người học Phật mà bày trò đa đoan.

Nói tóm lại, việc gặp Phật, Bồ tát ở loài người xưa nay đều do nguyên nhân mê vọng.



Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Rất nhiều người tìm đến đạo Phật ngày nay có xu hướng tìm cầu một pháp hành ngõ hầu mau chóng chứng ngộ. Mong muốn này của người học Phật là hợp lẽ song lại vấp lỗi "Theo ngọn, bỏ gốc", chính vì lẽ đó mà việc chứng ngộ ở người học Phật ngày càng trở nên xa vời.

Có câu "Lý thông, sự đầy" nhưng người học Phật ngày nay phần nhiều lại chú trọng pháp hành - phần sự mà xem nhẹ phần lý - việc hiểu đúng chánh pháp mà Phật Thích Ca trao truyền tức việc trau dồi, hàm thụ chánh tri kiến Phật.

Lẽ ra người học Phật phải xác định được rằng chỉ khi có được chánh tri kiến Phật - Chánh Trí thì người học Phật mới có được pháp hành tương hợp và từng bước dự vào hàng Bất thoái chuyển. Tiếc thay do mê lầm nơi lý nên sự - pháp hành nơi người học Phật mãi mông lung dù trải qua biết bao kiếp mộng ảo luân hồi.

Người học Phật đúng mực nhất thiết phải tin nhân quả, tin vào sự thường tiếp nối của quy luật luân hồi sinh tử. Lĩnh hội được nhân quả luân hồi người học Phật sẽ biết rằng không phải mãi đến tận kiếp hiện tại mới biết đến pháp Phật mà thực ra người học Phật đã học pháp Phật trải qua rất nhiều kiếp.

Và trong ngần ấy kiếp luân hồi người học Phật đã lẩn quẩn xuôi ngược qua lại giữa các pháp môn được định danh là Thiền - Tịnh - Mật, Bắc Tông - Nam Tông và cả các pháp tu thuộc về những tôn giáo khác.

Sở dĩ người học Phật có sự quẩn quanh ngược xuôi như thế cũng vì bởi không thỏa mãn pháp hành đã thọ trì, cứu cánh chứng ngộ không chạm đến nên hành nhân vẫn mãi là kẻ đi tìm theo dọc chiều dài của tháng năm.

Vì sao người học Phật vẫn cứ mãi hoài như thế?

Vì vô minh ở người học Phật ngày càng thêm chất chồng theo tháng năm. Khối sở tri chướng nơi người học Phật ngày càng sâu dày dẫn đến vô minh chồng lấp vô minh.
...
Người học Phật ngày nay có xu hướng chú trọng phần hành với "Hãy tu Đi! Hãy hành Đi!" nhưng vấn hỏi cụ thể "Tu pháp tu gì, hành pháp hành gì để thành Phật" thì tất cả đều ngọng nghịu gượng nói sự thù thắng ở pháp môn mà họ nương tựa, điển hình như niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, khán thoại đầu, trì Mật chú,... hoặc gượng gạo lập ngôn "Tự đầy đủ; Tự thắp đuốc mà đi",... Những lời nói tựa như đúng rồi đó tiếc thay chỉ dựa trên "Y kinh giải nghĩa", kết quả là "Oan uổng pháp hành mà Phật đã ra sức trao truyền".

Bây giờ chúng ta hãy xét lại xem Giác Giả Thích Ca đã làm gì để giúp 5 anh em Kiều Trần Như tìm về chánh pháp?

Phải chăng Phật Thích Ca chỉ dẫn 5 anh em Kiều Trần Như những pháp hành đại loại như giữ giới, niệm Phật, trì chú, Tham thiền,... không?

Thực tế là Giác Giả Thích Ca không vội chỉ dẫn pháp hành mà là thông qua phần giáo Phật giúp 5 anh em Kiều Trần Như xô đổ tri kiến mê lầm tức việc xé toạc bức màn vô minh. Tứ diệu đế, Bát chánh đạo là phần giáo lý được Phật diễn nói nhằm giúp 5 anh em Kiều Trần Như ngộ nhập tri kiến Phật, khi chánh trí lưu xuất học nhân tức 5 anh em Kiều Trần Như lúc bấy giờ sẽ y giáo phụng hành. Điều này có nghĩa là pháp hành phải dựa trên nền tảng giáo lý chứ không có pháp hành tách rời giáo lý mà thành tựu Phật đạo.

Ngạo Thuyết muốn mọi người lưu tâm một cách rất rõ ràng là bức màn vô minh ở người học Phật phải cần được tháo gỡ trước khi người học Phật "sống chết" với pháp hành. Hay nói một cách khác là pháp hành đầu tiên mà người học Phật phải thành tựu đó chính là việc tháo gỡ được sự vô minh nơi tri kiến, những pháp hành về sau chỉ có giá trị góp phần chứng nghiệm lại phần giáo lý Phật pháp mà người học Phật đã thu thập được.

@ Sự Khác Biệt Giữa Giác Giả Thích Ca và Người Học Phật:
.
Giác Giả Thích Ca là người giác ngộ ra sự giải thoát hoàn toàn còn người học Phật đúng Phật pháp chỉ là người chứng ngộ lại sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Phật là người tiên phong, là người khai mở con đường giải thoát hoàn toàn và những người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn về sau chỉ là người tiếp thu, lĩnh hội, hằng sống với sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn mà Phật Thích Ca truyền thừa. Kết quả cuối cùng cho cả Phật Thích Ca và người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn là liễu thoát sinh tử, đoạn dứt luân hồi.
...
Khi 5 anh em Kiều Trần Như tiếp thu và tin nhận chánh tri kiến được Phật truyền thừa, Phật Thích Ca sẽ tùy thời điểm hóa chỉ dẫn họ việc thiền quán tương ưng với tri kiến ngõ hầu chuyển hóa, lĩnh hội hoàn toàn và sống đúng với con đường mang lại việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.
...
Vậy nên vấn đề của người học Phật ngày nay không phải là ở pháp hành nào mang lại sự chứng ngộ giải thoát. Vấn đề ở người học Phật ngày nay chính là việc phá vỡ bức màn vô minh - sở tri kiến nơi mỗi người học Phật.

Khi bức màn vô minh ở người học Phật bị xé toạc thì bất kỳ pháp hành nào kể cả pháp tu của ngoại đạo vẫn hoàn toàn có thể mang lại cho người học Phật việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn bởi lẽ khi chánh trí phát sinh thì mọi tà kiến đều sẽ tùy thời rơi rụng.
...
@ Bức màn vô minh ở người học Phật ngày nay là gì?

Sẽ có nhiều người học Phật cho rằng vô minh chính là sự hiểu biết sai lạc của chúng sinh nơi 3 cõi. Và Phật đã chỉ ra sự vô minh của con người thông qua giáo lý Tứ Diệu Đế. Bài toán vô minh Phật Thích Ca đã giảng giải xong cách đây hơn 2550 rồi, Ngạo Thuyết đâu cần phải lăn tăn diễn nghĩa vô minh làm chi nữa, đấy chỉ là việc "trên đầu gắn thêm đầu, trên mỏ gắn thêm mỏ", càng ra sức làm càng thêm phần dị hợm, bày ra chỗ ngu lâu nơi tự thân mà thôi.
...
Đúng vậy. Hơn 2550 trước Phật Thích Ca đã thuyết kinh Chuyển Pháp Luân diễn nói Tứ Diệu Đế để phá mê cho loài người. Nội dung Tứ Diệu Đế diễn nói về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Cách diệt Khổ và Dứt Khổ. Rất nhiều người học Phật biết đến Tứ Diệu Đế nhưng họ vẫn không thể thoát khổ, phần nhiều vẫn đang loay hoay kiếm tìm một pháp hành ngõ hầu chứng ngộ giải thoát hoàn toàn. Điều này phải chăng Tứ Diệu Đế mà Phật Thích Ca từng trao truyền không giúp được người học Phật đột phá bức màn vô minh ngày nay?

Hay người học Phật ngày nay đã không coi trọng, không "đặt để" giáo lý "Tứ Diệu Đế" đúng chỗ khi học Phật và hành đạo?
...
Có một điều chúng ta cần phải nhìn nhận, thừa nhận và công nhận, đó là người đời và người học đạo xưa tri thức đơn thuần, tâm hồn chất phác, tinh khôi hơn con người ngày nay. Chính sự đơn thuần, trong sáng đó giúp người học Phật thuở xa xưa dễ dàng thâm nhập chánh trí, chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Khi tiếp nhận giáo lý Tứ Diệu Đế người học Phật đa văn xưa sẽ được học hỏi mở rộng thành "Tâm vô thường, Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Pháp vô ngã". Tất cả sau rốt sẽ gói gọn vào hai từ Vô Ngã.

Nếu gặp người chậm lụt thì Phật và những vị cao đồ - đệ tử sẽ chỉ họ cách Quán Thân bất tịnh, Quán Tâm vô thường, Quán Thọ thị khổ, Quán Pháp vô ngã. Tùy chỗ gút mắc ở học nhân mà người thấy pháp chỉ bày pháp quán tương hợp.

Pháp hành ở người học Phật xưa sơ khởi chỉ là việc thiền định và thiền quán với những phép quán chiếu giản đơn. Với những pháp hành đó người học Phật xưa sẽ từng bước phát sinh chánh trí tiến đến việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Ngay thời Phật Thích Ca tại thế do cách trở địa lý cũng như việc hạn chế các phương tiện truyền thông và khả năng ghi nhận, lưu trữ lời Phật thuyết mà người học Phật thời bấy giờ không dễ dàng biết hết tất cả những gì Phật Thích Ca đã từng thuyết giảng.

Vì thế nên một khi người học đạo có niềm tin đối với đạo Phật và hữu duyên gặp Phật hoặc các vị đệ tử lớn của Phật liền học hỏi pháp yếu, nghiêm cẩn thọ trì. Cơ duyên chứng ngộ của họ quả thật là không hề ít, do bởi tấm màn vô minh nơi họ hãy còn mỏng mảnh, tâm phân biệt dính mắc nơi họ không quá nặng nề, đa đoan.
...
Ngược lại, với tri kiến loài người không ngừng nâng cao theo chiều hướng phát triển đa diện, phần nhiều việc phát triển sự hiểu biết của loài người xưa nay đều dựa trên lòng tham; Bên cạnh đó, kinh sách Phật học trải qua rất nhiều đời đã bị "Tam sao, Thất bản", xen tạp giáo lý ngoại đạo cũng như việc "Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan" ở người chưa ngộ khiến người học Phật ngày nay khó thể tiếp cận giáo lý chánh pháp Phật môn chân thật, đúng pháp.
...
Việc minh sư thiếu khuyết, bậc Long tượng nơi đạo Phật bặt dấu càng khiến cho giáo lý đạo Phật thêm phần hỗn độn, nhiễu nhương, tạp loạn. Người học Phật sơ cơ đến với đạo Phật mau chóng ngổn ngang trăm mối tơ vò đa phần ngộ nhận giá trị chân thật của đạo Phật, rơi vào sự vô minh chồng lấp vô minh.
...
Trong khi người học Phật xưa rất khó khăn để tìm được một vị thầy Tăng bảo hay thỉnh được một bộ kinh để thọ trì thì người học Phật ngày nay dễ dàng tiếp cận hà sa sư thầy Tăng bảo, dễ dàng trở thành một pho Tam Tạng kinh sống. Nhưng đáng tiếc là những pho Tam Tạng kinh sống đấy biết cả pho Tam Tạng kinh nhưng lại không thể tự biết mình.

Việc học Phật trên lý ở những người học Phật không giúp họ thông suốt Phật đạo, phát sinh chánh trí. Từ đó, người học Phật bắt đầu với việc "đuổi hình, bắt bóng", tìm cầu pháp hành bằng việc xuôi ngược quanh các pháp môn Phật học. Nhưng chánh trí nơi người học Phật không phát sinh, bức màn vô minh nơi người học Phật không được tháo gỡ đã dẫn đến mọi pháp hành kiếm tìm được đều trở nên hư vọng, từng bước trở thành những pháp tà, kết quả là người học Phật ngày nay vẫn mãi mông lung trong chính mớ tri kiến đồ sộ hỗn độn của tự thân.

@ Bức màn vô minh nơi người học Phật ngày nay có những gì?

Đó là kho tàng tri kiến Phật học bất liễu nghĩa đã được người học Phật huân tập rất nhiều đời với khi mờ, lúc tỏ. Và cả một kho tri thức đồ sộ của nhân loại không ngừng cập nhật, canh tân với muôn vàn sự lầm lạc duy ngã.

Tư tưởng chủ đạo của mỗi thời đại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với người học Phật ngày nay. Cụ thể là bước vào kỷ nguyên khoa học phát triển và chủ nghĩa duy vật biện chứng lên ngôi con người thời hiện đại bị chi phối bởi luận thuyết "Chết là Hết", con người sẽ chìm đắm trong chủ thuyết đó và người học Phật cũng không ngoại lệ.

Việc đột phá tri kiến mê lầm "Chết Là Hết" của giới khoa học và các nhà duy vật biện chứng ở người học Phật ngày nay quả thật là một điều không hề dễ dàng; Ở các nước theo đường lối cộng sản Bôn sê vích, tôn thờ chủ nghĩa vô thần, các vấn đề tâm linh bị quy chụp thành việc mê tín dị đoan thì việc xé rào vô minh nơi người học Phật càng thêm phần nhiêu khê, việc phải len lén xé rào.

Nếu việc tham cứu kinh sách Phật học cũng như giáo lý các tôn giáo khác người học Phật thoát ra khỏi tri kiến mê lầm - Chết Là Hết thì người học Phật ngày nay dễ thường lại chìm đắm vào bức màn vô minh thứ hai - Bức màn vô minh mê tín dị đoan của Thần giáo, của tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống lâu đời.

Giáo lý sáng rõ của chánh pháp giác ngộ giải thoát trải qua hơn 2550 năm thăng trầm đã bị diễn giải sai lạc, người học Phật chưa ngộ đã năng thuyết, bất năng hành, đã cầm đèn chạy trước ô tô, điều này càng khiến người học Phật ngày nay khó tiếp cận chánh trí Như Lai.

Tóm lại, người học Phật ngày nay muốn thông đạt pháp Phật, muốn y tựa pháp hành ngõ hầu chứng ngộ nhất thiết phải phá vỡ khối vô minh đang chứa giữ nơi mỗi người.

Vùng miền lãnh thổ và cả giới tính luôn ẩn chứa những điều vô minh mà người học Phật cần phải phá vỡ.

Việc mê huyền, đắm diệu, chứa giữ thần thông, huyễn thuật là sản phẩm của duy ngã. Việc học Phật là học và thọ trì vô ngã nên người học Phật khá nên nhìn nhận, gạn lọc các pháp chủ về duy ngã hoang đường ngõ hầu có sự tinh tấn trên con đường giác ngộ giải thoát.