Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay

Rất nhiều người tìm đến đạo Phật ngày nay có xu hướng tìm cầu một pháp hành ngõ hầu mau chóng chứng ngộ. Mong muốn này của người học Phật là hợp lẽ song lại vấp lỗi "Theo ngọn, bỏ gốc", chính vì lẽ đó mà việc chứng ngộ ở người học Phật ngày càng trở nên xa vời.

Có câu "Lý thông, sự đầy" nhưng người học Phật ngày nay phần nhiều lại chú trọng pháp hành - phần sự mà xem nhẹ phần lý - việc hiểu đúng chánh pháp mà Phật Thích Ca trao truyền tức việc trau dồi, hàm thụ chánh tri kiến Phật.

Lẽ ra người học Phật phải xác định được rằng chỉ khi có được chánh tri kiến Phật - Chánh Trí thì người học Phật mới có được pháp hành tương hợp và từng bước dự vào hàng Bất thoái chuyển. Tiếc thay do mê lầm nơi lý nên sự - pháp hành nơi người học Phật mãi mông lung dù trải qua biết bao kiếp mộng ảo luân hồi.

Người học Phật đúng mực nhất thiết phải tin nhân quả, tin vào sự thường tiếp nối của quy luật luân hồi sinh tử. Lĩnh hội được nhân quả luân hồi người học Phật sẽ biết rằng không phải mãi đến tận kiếp hiện tại mới biết đến pháp Phật mà thực ra người học Phật đã học pháp Phật trải qua rất nhiều kiếp.

Và trong ngần ấy kiếp luân hồi người học Phật đã lẩn quẩn xuôi ngược qua lại giữa các pháp môn được định danh là Thiền - Tịnh - Mật, Bắc Tông - Nam Tông và cả các pháp tu thuộc về những tôn giáo khác.

Sở dĩ người học Phật có sự quẩn quanh ngược xuôi như thế cũng vì bởi không thỏa mãn pháp hành đã thọ trì, cứu cánh chứng ngộ không chạm đến nên hành nhân vẫn mãi là kẻ đi tìm theo dọc chiều dài của tháng năm.

Vì sao người học Phật vẫn cứ mãi hoài như thế?

Vì vô minh ở người học Phật ngày càng thêm chất chồng theo tháng năm. Khối sở tri chướng nơi người học Phật ngày càng sâu dày dẫn đến vô minh chồng lấp vô minh.
...
Người học Phật ngày nay có xu hướng chú trọng phần hành với "Hãy tu Đi! Hãy hành Đi!" nhưng vấn hỏi cụ thể "Tu pháp tu gì, hành pháp hành gì để thành Phật" thì tất cả đều ngọng nghịu gượng nói sự thù thắng ở pháp môn mà họ nương tựa, điển hình như niệm Phật, sám hối, ngồi thiền, khán thoại đầu, trì Mật chú,... hoặc gượng gạo lập ngôn "Tự đầy đủ; Tự thắp đuốc mà đi",... Những lời nói tựa như đúng rồi đó tiếc thay chỉ dựa trên "Y kinh giải nghĩa", kết quả là "Oan uổng pháp hành mà Phật đã ra sức trao truyền".

Bây giờ chúng ta hãy xét lại xem Giác Giả Thích Ca đã làm gì để giúp 5 anh em Kiều Trần Như tìm về chánh pháp?

Phải chăng Phật Thích Ca chỉ dẫn 5 anh em Kiều Trần Như những pháp hành đại loại như giữ giới, niệm Phật, trì chú, Tham thiền,... không?

Thực tế là Giác Giả Thích Ca không vội chỉ dẫn pháp hành mà là thông qua phần giáo Phật giúp 5 anh em Kiều Trần Như xô đổ tri kiến mê lầm tức việc xé toạc bức màn vô minh. Tứ diệu đế, Bát chánh đạo là phần giáo lý được Phật diễn nói nhằm giúp 5 anh em Kiều Trần Như ngộ nhập tri kiến Phật, khi chánh trí lưu xuất học nhân tức 5 anh em Kiều Trần Như lúc bấy giờ sẽ y giáo phụng hành. Điều này có nghĩa là pháp hành phải dựa trên nền tảng giáo lý chứ không có pháp hành tách rời giáo lý mà thành tựu Phật đạo.

Ngạo Thuyết muốn mọi người lưu tâm một cách rất rõ ràng là bức màn vô minh ở người học Phật phải cần được tháo gỡ trước khi người học Phật "sống chết" với pháp hành. Hay nói một cách khác là pháp hành đầu tiên mà người học Phật phải thành tựu đó chính là việc tháo gỡ được sự vô minh nơi tri kiến, những pháp hành về sau chỉ có giá trị góp phần chứng nghiệm lại phần giáo lý Phật pháp mà người học Phật đã thu thập được.

@ Sự Khác Biệt Giữa Giác Giả Thích Ca và Người Học Phật:
.
Giác Giả Thích Ca là người giác ngộ ra sự giải thoát hoàn toàn còn người học Phật đúng Phật pháp chỉ là người chứng ngộ lại sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Phật là người tiên phong, là người khai mở con đường giải thoát hoàn toàn và những người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn về sau chỉ là người tiếp thu, lĩnh hội, hằng sống với sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn mà Phật Thích Ca truyền thừa. Kết quả cuối cùng cho cả Phật Thích Ca và người chứng ngộ giải thoát hoàn toàn là liễu thoát sinh tử, đoạn dứt luân hồi.
...
Khi 5 anh em Kiều Trần Như tiếp thu và tin nhận chánh tri kiến được Phật truyền thừa, Phật Thích Ca sẽ tùy thời điểm hóa chỉ dẫn họ việc thiền quán tương ưng với tri kiến ngõ hầu chuyển hóa, lĩnh hội hoàn toàn và sống đúng với con đường mang lại việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.
...
Vậy nên vấn đề của người học Phật ngày nay không phải là ở pháp hành nào mang lại sự chứng ngộ giải thoát. Vấn đề ở người học Phật ngày nay chính là việc phá vỡ bức màn vô minh - sở tri kiến nơi mỗi người học Phật.

Khi bức màn vô minh ở người học Phật bị xé toạc thì bất kỳ pháp hành nào kể cả pháp tu của ngoại đạo vẫn hoàn toàn có thể mang lại cho người học Phật việc chứng ngộ giải thoát hoàn toàn bởi lẽ khi chánh trí phát sinh thì mọi tà kiến đều sẽ tùy thời rơi rụng.
...
@ Bức màn vô minh ở người học Phật ngày nay là gì?

Sẽ có nhiều người học Phật cho rằng vô minh chính là sự hiểu biết sai lạc của chúng sinh nơi 3 cõi. Và Phật đã chỉ ra sự vô minh của con người thông qua giáo lý Tứ Diệu Đế. Bài toán vô minh Phật Thích Ca đã giảng giải xong cách đây hơn 2550 rồi, Ngạo Thuyết đâu cần phải lăn tăn diễn nghĩa vô minh làm chi nữa, đấy chỉ là việc "trên đầu gắn thêm đầu, trên mỏ gắn thêm mỏ", càng ra sức làm càng thêm phần dị hợm, bày ra chỗ ngu lâu nơi tự thân mà thôi.
...
Đúng vậy. Hơn 2550 trước Phật Thích Ca đã thuyết kinh Chuyển Pháp Luân diễn nói Tứ Diệu Đế để phá mê cho loài người. Nội dung Tứ Diệu Đế diễn nói về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Cách diệt Khổ và Dứt Khổ. Rất nhiều người học Phật biết đến Tứ Diệu Đế nhưng họ vẫn không thể thoát khổ, phần nhiều vẫn đang loay hoay kiếm tìm một pháp hành ngõ hầu chứng ngộ giải thoát hoàn toàn. Điều này phải chăng Tứ Diệu Đế mà Phật Thích Ca từng trao truyền không giúp được người học Phật đột phá bức màn vô minh ngày nay?

Hay người học Phật ngày nay đã không coi trọng, không "đặt để" giáo lý "Tứ Diệu Đế" đúng chỗ khi học Phật và hành đạo?
...
Có một điều chúng ta cần phải nhìn nhận, thừa nhận và công nhận, đó là người đời và người học đạo xưa tri thức đơn thuần, tâm hồn chất phác, tinh khôi hơn con người ngày nay. Chính sự đơn thuần, trong sáng đó giúp người học Phật thuở xa xưa dễ dàng thâm nhập chánh trí, chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Khi tiếp nhận giáo lý Tứ Diệu Đế người học Phật đa văn xưa sẽ được học hỏi mở rộng thành "Tâm vô thường, Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Pháp vô ngã". Tất cả sau rốt sẽ gói gọn vào hai từ Vô Ngã.

Nếu gặp người chậm lụt thì Phật và những vị cao đồ - đệ tử sẽ chỉ họ cách Quán Thân bất tịnh, Quán Tâm vô thường, Quán Thọ thị khổ, Quán Pháp vô ngã. Tùy chỗ gút mắc ở học nhân mà người thấy pháp chỉ bày pháp quán tương hợp.

Pháp hành ở người học Phật xưa sơ khởi chỉ là việc thiền định và thiền quán với những phép quán chiếu giản đơn. Với những pháp hành đó người học Phật xưa sẽ từng bước phát sinh chánh trí tiến đến việc chứng ngộ giác ngộ giải thoát.

Ngay thời Phật Thích Ca tại thế do cách trở địa lý cũng như việc hạn chế các phương tiện truyền thông và khả năng ghi nhận, lưu trữ lời Phật thuyết mà người học Phật thời bấy giờ không dễ dàng biết hết tất cả những gì Phật Thích Ca đã từng thuyết giảng.

Vì thế nên một khi người học đạo có niềm tin đối với đạo Phật và hữu duyên gặp Phật hoặc các vị đệ tử lớn của Phật liền học hỏi pháp yếu, nghiêm cẩn thọ trì. Cơ duyên chứng ngộ của họ quả thật là không hề ít, do bởi tấm màn vô minh nơi họ hãy còn mỏng mảnh, tâm phân biệt dính mắc nơi họ không quá nặng nề, đa đoan.
...
Ngược lại, với tri kiến loài người không ngừng nâng cao theo chiều hướng phát triển đa diện, phần nhiều việc phát triển sự hiểu biết của loài người xưa nay đều dựa trên lòng tham; Bên cạnh đó, kinh sách Phật học trải qua rất nhiều đời đã bị "Tam sao, Thất bản", xen tạp giáo lý ngoại đạo cũng như việc "Y kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan" ở người chưa ngộ khiến người học Phật ngày nay khó thể tiếp cận giáo lý chánh pháp Phật môn chân thật, đúng pháp.
...
Việc minh sư thiếu khuyết, bậc Long tượng nơi đạo Phật bặt dấu càng khiến cho giáo lý đạo Phật thêm phần hỗn độn, nhiễu nhương, tạp loạn. Người học Phật sơ cơ đến với đạo Phật mau chóng ngổn ngang trăm mối tơ vò đa phần ngộ nhận giá trị chân thật của đạo Phật, rơi vào sự vô minh chồng lấp vô minh.
...
Trong khi người học Phật xưa rất khó khăn để tìm được một vị thầy Tăng bảo hay thỉnh được một bộ kinh để thọ trì thì người học Phật ngày nay dễ dàng tiếp cận hà sa sư thầy Tăng bảo, dễ dàng trở thành một pho Tam Tạng kinh sống. Nhưng đáng tiếc là những pho Tam Tạng kinh sống đấy biết cả pho Tam Tạng kinh nhưng lại không thể tự biết mình.

Việc học Phật trên lý ở những người học Phật không giúp họ thông suốt Phật đạo, phát sinh chánh trí. Từ đó, người học Phật bắt đầu với việc "đuổi hình, bắt bóng", tìm cầu pháp hành bằng việc xuôi ngược quanh các pháp môn Phật học. Nhưng chánh trí nơi người học Phật không phát sinh, bức màn vô minh nơi người học Phật không được tháo gỡ đã dẫn đến mọi pháp hành kiếm tìm được đều trở nên hư vọng, từng bước trở thành những pháp tà, kết quả là người học Phật ngày nay vẫn mãi mông lung trong chính mớ tri kiến đồ sộ hỗn độn của tự thân.

@ Bức màn vô minh nơi người học Phật ngày nay có những gì?

Đó là kho tàng tri kiến Phật học bất liễu nghĩa đã được người học Phật huân tập rất nhiều đời với khi mờ, lúc tỏ. Và cả một kho tri thức đồ sộ của nhân loại không ngừng cập nhật, canh tân với muôn vàn sự lầm lạc duy ngã.

Tư tưởng chủ đạo của mỗi thời đại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với người học Phật ngày nay. Cụ thể là bước vào kỷ nguyên khoa học phát triển và chủ nghĩa duy vật biện chứng lên ngôi con người thời hiện đại bị chi phối bởi luận thuyết "Chết là Hết", con người sẽ chìm đắm trong chủ thuyết đó và người học Phật cũng không ngoại lệ.

Việc đột phá tri kiến mê lầm "Chết Là Hết" của giới khoa học và các nhà duy vật biện chứng ở người học Phật ngày nay quả thật là một điều không hề dễ dàng; Ở các nước theo đường lối cộng sản Bôn sê vích, tôn thờ chủ nghĩa vô thần, các vấn đề tâm linh bị quy chụp thành việc mê tín dị đoan thì việc xé rào vô minh nơi người học Phật càng thêm phần nhiêu khê, việc phải len lén xé rào.

Nếu việc tham cứu kinh sách Phật học cũng như giáo lý các tôn giáo khác người học Phật thoát ra khỏi tri kiến mê lầm - Chết Là Hết thì người học Phật ngày nay dễ thường lại chìm đắm vào bức màn vô minh thứ hai - Bức màn vô minh mê tín dị đoan của Thần giáo, của tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống lâu đời.

Giáo lý sáng rõ của chánh pháp giác ngộ giải thoát trải qua hơn 2550 năm thăng trầm đã bị diễn giải sai lạc, người học Phật chưa ngộ đã năng thuyết, bất năng hành, đã cầm đèn chạy trước ô tô, điều này càng khiến người học Phật ngày nay khó tiếp cận chánh trí Như Lai.

Tóm lại, người học Phật ngày nay muốn thông đạt pháp Phật, muốn y tựa pháp hành ngõ hầu chứng ngộ nhất thiết phải phá vỡ khối vô minh đang chứa giữ nơi mỗi người.

Vùng miền lãnh thổ và cả giới tính luôn ẩn chứa những điều vô minh mà người học Phật cần phải phá vỡ.

Việc mê huyền, đắm diệu, chứa giữ thần thông, huyễn thuật là sản phẩm của duy ngã. Việc học Phật là học và thọ trì vô ngã nên người học Phật khá nên nhìn nhận, gạn lọc các pháp chủ về duy ngã hoang đường ngõ hầu có sự tinh tấn trên con đường giác ngộ giải thoát.



Không có nhận xét nào: