Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

 "If you operate out of the straitjacket of logic, you remain a clown in the circus of life." - Sadhguru

"Nếu bạn vận hành trong sự bó hẹp của logic, bạn sẽ mãi là một anh hề trong gánh xiếc cuộc đời.'" - Sadhguru

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Chương VIII – Sáu lá thư và cuộc khủng hoảng của nền Phật giáo Thế kỷ thứ V

Chương VIII – Sáu lá thư và cuộc khủng hoảng của nền Phật giáo Thế kỷ thứ V

Sáu lá thư

Nền Phật giáo do Mâu tử và Khương Tăng Hội gầy dựng đến thế kỷ thứ IV vẫn đang còn có những ảnh hưởng mạnh mẽ. Chí Hàm viết Triệt tâm ký mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu ở trên đã nhắc đến Khương Tăng Hội với lòng ngưỡng mộ đặc biệt. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ thứ V thì một số phạm trù cơ bản của nền Phật giáo Mâu Tử, Khương Tăng Hội đã biến thành đề tài tranh cãi, trong đó vấn đề then chốt nhất đối với những người Phật giáo là tại sao thực hành theo Phật giáo mà lại không thấy chân hình của Đức Phật ở đời. Đây là đề tài bàn cãi của Sáu lá thư trao đổi giữa hai pháp sư tên Đạo Cao, Pháp Minh và một “Sứ quân” tên Lý Miễu. Mấy lá thư này là những áng văn xưa nhất của lịch sử văn học Phật giáo, mà còn đối với lịch sử chính trị và văn hóa Việt Nam một cách tổng quát.

Sáu lá thư này bày tỏ cho thấy Phật giáo đã được dân ta tiếp thu như thế nào, những vấn đề gì mà họ quan tâm nhiều nhất, từ đó, giúp ta xác định được sinh hoạt trí thức và văn hóa chung của thời đại, Thực sự mà nói, chúng đã phơi trần một cuộc khủng hoảng có tính chất căn để đối với toàn bộ tư tưởng và tín ngưỡng Phật giáo vào thời ấy, ví chúng chỉa mũi dùi tra hỏi đến vấn đề người theo Phật giáo thực sự có thể thấy Phật được không? Đặt vấn đề như thế là nhắm đến trọng tâm của toàn bộ sinh hoạt Phật giáo, vì sinh hoạt Phật giáo đâu có ý nghĩa gì khác ngoài mục đích làm cho những người thực hành nó giác ngộ, nghĩa là tìm lại bản thân đức Phật của mình, tìm lại bản chất Phật của mình. Do vậy, hỏi sao không thấy chân hình của Phật đối với người Phật giáo là nêu lên những nghi vấn về chính cái mục đích mình đang theo đuổi, là tự hỏi về sự hiện hữu của chính mục đích đó. Có thể nào ta thấy đức Phật chăng? Có thể nào ta giác ngộ chăng?

Nghi vấn và tự hỏi về mục đích như vậy bao gồm luôn một nghi vấn và tự hỏi về giá trị phương pháp nhằm đạt đến mục đích đó. Một mặt, ta hỏi mục đích có hiện hữu không. Mặt khác giá như mục đích đó hiện hữu mà ta không đạt đến được, phải chăng vì phương pháp của ta đã sai lầm? Sáu lá thư này sẽ giúp cho thấy những câu hỏi như thế cần phải giải quyết ra sao trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời đó, Chúng sẽ phơi bày không những nghi vấn về giá trị của những phương pháp thực hành Phật giáo đang lưu hành vào giai đoạn ấy mà còn biểu lộ cho thấy cái quan niệm về Phật do nền Phật giáo Mâu Tử và Khương Tăng Hội thiết định đang mang trong mình một số những mâu thuẫn cần giải quyết.

Sáu lá thư ấy ngày nay xuất hiện trong Hoằng minh tập 11 ĐTK 2145 bản in Đại chính 11 dưới nhan đề “Cao minh nhị pháp sư đáp Lý Giao Châu Miễu nan Phật bất kiến hình sự”. Việc này có thể làm cho ta nghĩ rằng, chúng đã được Hựu sưu tập sau năm 513, nếu không là sau năm 495 – 498, bởi vì Hựu đã cho trích lời tựa của Hoằng minh tập trong Xuất tam tạng kỷ tập quyển 12 ĐTK 2145 tờ 93b12-94a23 viết xong khoảng những năm ấy và bảo là Hoằng minh tập chỉ có 10 quyển chứ không phải có 11 quyển như bản in Đại chính ngày nay điểm chỉ.

Tuy nhiên, nếu ta đọc hết lời tựa cùng bản liệt kê nội dung của nó, thì Sáu lá thư ấy lại được xếp vào quyển thứ bảy cùng với những đối đáp giữa Hà Thượng Chi và Tống Văn đế và một số văn bản khác của Tiêu Tử Lang..v.v. Trong đó, Hựu cho ta biết tại sao và bằng cách nào cuốn Hoằng minh tập ra đời. Ông viết ở tờ 93b26-c3: “hựu dĩ mạt học, chí thâm hoằng hộ, tĩnh ngôn phù tục, phấn khái vu tâm, toại dĩ dược tật vi gian, sơn thê dư hà, soạn cổ kim chi minh thiên, sao đạo tục chi nhã luận, kỳ hữu khắc ý tiển tà vệ pháp, chế vô đại tiểu, mạc bất tất thám, hựu tiền đại thắng sỹ thơ ký văn thuật, hữu ích tam bảo giả, diệc giai biên lục, loại tụ khu quân, liệt vi thập quyển; phù đạo dĩ nhân hoằng, giáo dĩ văn minh, hoằng đạo minh giáo, cố vị chi Hoằng minh tập”. Sáu lá thư do “Cao Minh nhị pháp sư đáp Lý Giao Châu Miễu nạn Phật bất kiến hình sự” như vậy chắc chắn phải thuộc loại “tiền đại thăng sỹ thơ ký văn thuật”, và chắc chắn là được sưu tập nếu không trước những năm 495-498 thì trước năm 513, năm Hựu hoàn thành bộ Xuất tam tạng ký tập.

Tăng Hựu sinh năm 445 và mất lúc ông 74 tuổi vào năm 519. Hai vị pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh cũng như người đệ tử của họ tên Lý Miễu, ngày nay chúng ta không biết một tí gì hết. Những tư liệu lịch sử Trung Quốc và Phật giáo Trung Quốc từ Cao Tăng truyện đến Tống thư đã không có một người nào với những tên ấy. Những tư liệu lịch sử nước ta và Phật giáo nước ta cũng không có. Dẫu thế, vì Tăng Hựu sinh và mất giữa những năm 445 – 519, niên đại của những vị “tiền đại thắng sỹ” này phải rơi vào khoảng thế kỷ thứ V. Điều này bản in đời Minh đã xác nhận với những tiêu đề cho những lá thư ấy như “Đáp Lý Giao Châu thơ Tống Thích Đạo Cao” hay “Dự Đạo Cao pháp sư thơ Lý Miễu”.v.v., định tự một cách rõ ràng, những người liên hệ quả đã sống vào thời Lưu Tống, tức giữa những năm 420 – 478. Nghiêm Khả Quân (1762 – 1843) trng Toàn thượng cổ Tam đại Tấn Hán Tam quốc Lục triều văn cũng đã xếp họ vào trong tập Toàn Tống văn dành cho văn chương nhà Lưu Tống. Và những niên đại đây có thể đẩy về một vài chục năm sớm hơn, như chúng tôi sẽ có dịp chứng tỏ dưới đây, trong đoạn thử truy nhận căn cước những pháp sư và người đệ tử của họ cùng trạng thái có thể của những người này trong lịch sử nước ta. Ở giai đoạn này, chúng tôi cần cho người đọc thấy những lá thư ấy.
Sáu lá thư

Những lá thư này viết bằng Hán văn và xuất hiện trong Hoằng minh tập ĐTK 2102 quyển 11 tờ 70a26-72a19 của bản in Đại chính. Vì chúng tương đối khá dài, chúng tôi do thế chỉ cho xuất bản dịch tiếng ta và xin người đọc tham khảo bản chữ Hán ở bản in vừa nói. Một số điển cố trong chúng, chúng tôi xin để nguyên trong khi dịch và sẽ bàn tới trong những chương tiếp theo.
Những lá thư ấy, theo chúng tôi biết, thì chưa một cuốn văn học sử nào của ta, ngay cả những cuốn mệnh danh viết về “Việt Nam cổ văn học sử” hay “Lịch sử văn học Việt Nam thời Bắc thuộc” kể tới. Chính vì vậy được công bố toàn vẹn ở đây để làm tư liệu cho việc viết một cuốn sách Văn học sử Việt Nam đầy đủ hơn và giúp sửa soạn việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam một cách nghiêm chỉnh hơn sau này.

Lá thư thứ nhất:

Lý Miễu của Giao Châu viết cho Cao pháp sư

Rằng, chỗ đạo trong vắng, bốn đại lẽ thường, nhưng giáo pháp nhiệm mầu lan khắp mọi cõi. Nếu bảo lời dạy ấy khéo hay lợi vật, độ thoát nhiều người thì sao chân hình nó lại không hiện ở đời? Ấy phải chăng chẳng qua là nói suông không thật? Nay chính là lúc phải nên tìm nguồn gốc phương tây của nó. Nguyện xin đại Hòa thượng dũ lòng thương xót, nhận lấy lòng con, mà không tiếc lời dạy thần tình.

Đệ tử Lý Miễu cúi đầu đảnh lễ.
Lá thư thứ hai:
Đáp lại thư của Lý Giao Châu

Thích Đạo Cao thưa rằng:

Nhận được câu hỏi về dấu tích ẩn hiện của đấng Chí Thánh, lý vị đã sâu rộng, mà từ nghĩa lại rõ ràng, trân trọng lại xem qua đọc lại, thì lời hay càng thêm. Sư quân, thành quách cao sâu, nhận được giáo pháp mà tự hỏi, thì đem hết ống ngu của mình, để làm chuyện võng tượng đi tìm huyền châu.

Rằng, đức Như Lai ứng vật, phàm có ba cách, một là hiện ra xác thân, phóng quang động địa; hai là để lại Chính pháp, như khi Phật còn tại thế; ba là để lại tượng giáo từa tựa, Pháp tắc từa tựa, Pháp tắc ngày nay đang đáp lại nhân tình, nhân tình đang cảm lấy tượng giáo thì ai làm cho Phật hiện ra ư? Cho nên kinh Tịnh Danh nói rằng: “Khéo hiểu được pháp tướng thì biết được căn cơ của chúng sinh”. Đến khi có ba hội Long Hoa ở thành Sí-đầu-mạt, nhân tình cảm lấy sự hiện thân thì ai làm cho Phật ẩn đi ư? Cho nên kinh Pháp Hoa nói rằng: “Lúc bấy giờ đức Phật cùng chúng Tăng đều ra khỏi núi Linh Thứu”. Cung vua Nhượng Khư đương nhiên có thể định kỳ như thế, thì nguồn gốc phương Tây sao lại không thấy? Nhưng kẻ nghi ở đời phần nhiều nói lời kinh không hợp, nên mắc phải sự ám muội thiếu tình, ấy là vì lấy chuyện không thấy mà sinh trệ.

Rằng, Tam hoàng Ngũ đế, Tam đại Ngũ bá, Cơ Đán Khổng Khưu san kinh Thi chế sách Lễ, đều chỉ nghe ở sử sách, có ai thấy đâu? Họ Thích gióng trống Pháp tại vườn Nai, đức Phu Tử dương lời đức ở Châu Lỗ, ấy đều là những việc tai mắt không biết được và đều phải tin vào sách vở. Nếu không tin việc sau, thì chẳng nhọc lòng nghi chuyện trước. Nhưng nếu đã hay rõ được việc sau thì sao lại chỉ trệ ở chuyện trước?

Sứ quân nghĩ suy sâu rộng, xem suốt ba đời, thì xin hãy tìm xem lời dạy của Thọ Lượng chưa dứt, gần theo dấu Định Quang Nho Đồng, giữa suy tập Đại Thông Trí Thắng, để cởi mở chỗ trệ mọi người. Như đem mây đùn che lấy thái dương, lời cạn văn quê của bần đạo nói không hết lòng. Mong đến ngày gặp nhau, thì sẽ nói rõ ràng hơn về vấn đề trên.

Kính bạch.
Lá thư thứ ba:
Thư của Lý Miễu viết cho Pháp sư Đạo Cao

Lý con xin cúi đầu đảnh lễ,

Con xem đi xem lại lời bàn thanh nhã của thầy vị thứ đã khu biệt, mà lời lẽ lại sâu đẹp. Con mong đến ngày gặp rất nhiều. Cái gọi là “cảm hóa có lúc khác nhau, Chánh pháp và tượng pháp lời lẽ hơi khác”, thầy đã viện việc ngoài để rõ nghĩa trong, trưng lấy văn để nghiệm sự thật, cẩn thận theo lối mà dẫn tới đích, tất cả chúng không có chỗ nào hở hang hết.

Song rằng, căn do của sự giác ngộ tất phải nhờ nhìn thấy, khi đã mắc vào ám muội thì phải sinh nghi. Nghi ngờ không phải là cội nguồn của sự giác ngộ. Nếu sách vở đang còn, thì những đời khác đều có thể hiểu được, và vạn thế về sau có thể không đợi một bậc thánh để làm thầy. Nếu nay đã nhờ đến cả tiếng tăm lẫn dấu tích, thì lời nói và hiện thân phải giúp đỡ cho nhau. Đạo nghĩa đã bị khó khăn, bọn Nho Mặc đang tranh nhau nổi lên, thì há để cho chính tín lu mờ, làm cho sự hủy báng hiểu lầm càng tăng hấn sao? Có thể nào không thấy sự thị hiện và ấn ký để làm chứng nhằm giữ lấy mình sao? Đấng Đại Thánh ban ra cái trí vô ngại, duỗi lòng thương không cầu, thì sao lại tiếc cái ánh sáng rực rỡ của mình, để làm tăm tối hơn những tài năng đi tìm hiểu, dứt hết cả hy vọng của mọi người sau khi nhập diệt, và gia thêm tội lỗi trước lúc có ba hội Long Hoa? Chó rơm suông đặt, thì ai mà có thể giác ngộ được? Nghi tượng giả bày, thì ai mà có thể tin được?

Đến cái chuyện đế vương Cơ Khổng, thì lời dạy của họ đều dừng lại ở đời này. Việc lai sanh, họ để ra mà không bàn tới. Cho nên, sự ẩn hiện phế hưng quyền thật của họ không cần phải nói. Nay đức Như Lai đạo nghiệp bao gồm cả ba đời, lòng thương thấm nhuần khắp cả, thì không được lấy đời hiện tại mà làm giới hạn. Mọi người mê muội đang tìm xin hiểu biết, thì không được lấy việc nhập diệt mà cho là chỗ cùng. Vì thế, mà việc hóa độ không thể hạn cục vào sách vở, và việc Phật la liệt bày ra hàng vạn. Xin hỏi rằng, cái gọi là việc Phật ấy ngày nay nằm ở đâu ư? Nếu như dẫn chuyệntin bên này, nghiệm bên kia, nhưng đấng Chí Thánh không ra đời, Khổng và Thích hai đường khác nhau, tức sự mà bàn không phải là không mâu thuẫn, thì chúng có cái gì có thể chứng nghiệm cho nhau ư?

Vì chưa thể im lặng bỏ đi, nên con lại phải mượn lời, xin thầy giải rõ thêm một lần nữa, trong khi chờ đợi gặp nhau cho việc trình bày rõ ràng hơn.
Lá thư thứ tư:
Lại đáp thư của Lý Giao Châu

Thích Đạo Cao thưa rằng:

Lại nhận được lời dạy sâu sắc. Ý nghĩa đã đẹp đẽ, mà tôn chỉ lại cao xa, ba đọc chín suy mới nắm hết chỗ uyên áo. Cho nên biết rằng, điều chí lý thì không phải người tầm thường thiển cận có thể lường đo, lẽ vi tế ẩn khúc thì không phải kẻ cạn cợt dốt nát có thể tham hiểu. Nay xin đem sự thường thiển mà trình bày sơ cái sở hoài của mình.

Rằng, lấy muôn điều lành làm lời dạy thì đường đi không phải là một. Có kẻ ngồi thiền trong rừng rú, có người tu đức ở bên cạnh thành, hoặc cung kính chấp tay, hoặc ca hát tán tụng ngâm vịnh, đều là những việc tai mắt cùng biết, và người thực hành chúng cũng rất nhiều. Đó là bến bờ của sự thọ ngộ. Gọi việc mắc sự ám muội, sao lại là nguồn gốc của sự thọ ngộ, ấy là vì nếu đã nhìn thấy thì hà tất lại có sự mắc phải ám muội. Có mắc ám muội thì mới sinh nghi. Nghi ngờ do thế cũng là cỗi gốc của sự giác ngộ. Xin đáng bàn rõ điều này. Có nghi ngờ thì người ta đi tìm sự hiểu biết. Có hiểu biết thì người ta có thể giác ngộ. Đã giác ngộ thì vào đạo. Nếu không phải gốc thì nó là gì?

Tuy Nho Mặc đang tranh nhau nổi lên, các học phái cãi cọ phải trái, ấy là vì ngọn đuốc cháy mãi không dứt, chứ đâu phải trời trăng không sáng chiếu, thì sao lại phải gấp gáp trong việc thị hiện và hấp tấp trong việc đồng qui? Nay không phải là giống lúc đời mạt không chứng. Chứng nghiệm là để bày tỏ sự chân thành, đồng thời cũng để tỏ ra nó không phải là lỗi của đấng Chí Thánh đầy dẫy ánh sáng rực rỡ. Nhưng kẻ nghi cứ lấy việc không thấy bản thân Ngài, rồi dài mê trong đại mộng, ngang ngạnh chìm trôi, để mà chết đắm trong sanh tử. Tiên Nho vãng triết đều có nói sơ điều này từ lâu. Đường không khác lối. Họ chỉ thuật lại mà không làm.

Rằng, quên mình mà đem hết lòng thành thì tất có cảm. Có cảm tất phải có thấy. Không có cảm thì không thấy. Người có thấy đem nói với kẻ không thấy cuối cùng cũng không tin sự thấy. Thánh nhân không phải là không thường ở với quần sanh, đâu phải là không thường thấy ư? Nghe Pháp âm mà bảo là hay, thì chó rơm không thể nói là đặt suông, thấy hình tượng mà cung kính thì linh nghi há là bày giả.

Cơ Khổng cứu đời đọa lạc không nổi, thì rảnh đâu mà bày tỏ sự việc của lai sinh? Nếu Khâu và Đán sinh gặp thời kết nối, họ đã nói rõ chuyện ba đời chẳng thôi. Ngài hỏi, nay việc Phật nằm ở đâu ư, thì cúi đầu chắp tay, không gì là không phải việc Phật. Chúng chỉ nhằm khiến người ta thâm ngộ một cách có phương pháp. Chúng thù đồ mà đồng qui. Thư trước đã dẫn bên này bên kia, kẻ nghi người tin, ấy chính vì người đời hễ không thấy thì cho là không có thật. Cho nên phải nói chuyện không thấy của Chu và Khổng để làm mực thước vậy. Đấy là để dắt dìu mà cùng theo nhau, há có thể gọi là mâu thuẫn sao?

Sứ quân sinh ra đã biết sự không giả dối. Với tài năng phú bẩm, ở vào địa vị của một đấng thiên tử, dùng lấy sự nghĩ suy dĩnh thoát, bơi lội trong rừng nghĩa, đi lại tại vườn sách, thì ngài có thể nghỉ ăn búi tóc tiếp khách, có rỗi bàn hay suốt ngày. Lời hay đã nói thì không thể không lắng nghe. Bần đạo học nghiệp thô thiển, rất thẹn lá thư. Trả lời xằng gọn, sợ làm bẩn vẻ đẹp của văn đầy. Nghĩ lại càng thêm thẹn thùng, mồ hôi lấm tấm.

Kính bạch.
Lá thư thứ năm:
Thư của Lý Miễu viết cho Pháp sư Đạo Cao

Lý con xin cúi đầu đảnh lễ

Lời bàn thanh nhã của thầy đã làm rõ bến bờ của sự thọ ngộ, ấy là sự tự nghi. Được mắc ám muội có thừa, chứ không cần phải nhìn thấy, có cung kính tán tụng thì đều đủ để dẫn vào đạo vậy. Xem đi học lại, con càng thấy sự sâu sắc của nó.

Song, cái gọi là tượng pháp và chính pháp trái nhau, nên đi tìm sự giác ngộ, vì lý thô, phải mượn nơm để chỉ bày tôn chỉ mà không cần phải nhờ đến sự thị hiện, điều này vẫn giống như lý do Cơ và Khổng đã ban ra lời dạy của họ và ánh sáng đã tỏ ra sự chiếu minh của nó. Một khi đã bày tỏ thì ai cũng nhận được. Điểm này, sách vở đời ghi chú cũng đã nhiều đủ. Thế thì phóng quang động địa mà làm chi ư?

Nếu chính tín không dừng lại ở sự lạy lục, và việc Phật gồm đủ cả sự thực hành lẫn giáo hóa, thì nguyên do của sự đại giác phải làm thần diệu cái nét đẹp của nó, để cho việc đi tìm có thể định được sự bắt nguồn. Cho nên, biết rằng, người tin thì tất phải dùng đến Nho Mặc để giải quyết những nghi ngờ, và kẻ học thì sẽ do dự không chứng mà tự hối hận. Tam hoàng Ngũ đế, dù có bỏn sẻn sự minh triết, cũng không phải là lỗi của họ. Mười hiệu của đức Phật, tuy thầm lặng chiếu sáng, đã diễn hết mọi đạo đức. Chúng há lại không biết sao?

Còn về chuyện Cơ và Khổng chỉ trọng đến cứu đời tọa lạc, mà không rảnh để đề cập tới lai sinh, và chuyện giả như họ sống vào thời kết nối thì đã tự nói rõ cả việc ba đời, những chuyện này lại cũng không phải thế. Bảy kinh trình bày, ý nghĩa gồm cả tới những gì chưa đến. Sách Phật phu diễn sự việc thì dừng lại ở duyên báo. Cho nên kinh Dịch nói rằng: “Chứa lành thừa vui, chứa dữ thừa khổ”, và kinh Phật dạy: “Không có chủ thể làm, không có đối tượng làm, không có kẻ bị làm, hành động lành và dữ cũng không mất”. Điều này chứng tỏ lời dạy về duyên báo là một lẽ thường mà giáo huấn cả hai bên đều đã truyền rộng, há có thể bên này vụ điểm này, bên kia chú trọng điểm kia ư?

Bàn lại những điểm ấy lại càng hay, nên con xin nói lại chúng vậy. Hy vọng thầy lại đem điều mới trình bày những chỗ khác để gột rửa cái trệ của xưa nay, khiến cho đường cong thành thẳng, chướng ngại lại thông. Thầm nguyện Đại hòa thượng duỗi lòng thương rộng nhận chút lòng con.

Đệ tử Lý Miễu kính trình.
Lá thư thứ sáu:
Đáp lại thư của Lý ở Giao Châu

Thích Pháp Minh thưa rằng:

Lá thư dài vừa mới tới, trân trọng xem nó suốt ngày. Nó thơm tựa lan rừng, thanh như gió huệ. Bần đạo tài năng không phải là của Sương Dĩnh, thời vận không phải là của Bào Sinh, việc làm thì sai trái, lý luận thì hở hang, chỉ vấp phải nghi ngờ từng đống, ấy đều vì lời dốt ý trệ. Song đã gắt hỏi thì xin trình tỉ mỉ vụn vằn như sau:

Kẻ ngu này cho rằng, nghi ngờ điều mờ ám, ghi nhớ sự lạ lùng, nhìn thấy việc thị hiện, cung kính tán tụng, cảm động linh biến, đều là bến bờ dẫn về chỗ đạo, là cơ hội đẹp đẽ cho sự thăng hoa. Cho nên thắc mắc và nhìn thấy đáng được nêu đều, nghi ngờ và chứng nghiệm đáng phải đi đôi, thì há có thể quăng phăng sự thị hiện, mau tiết lộ vỏ thần thái, để đặt đức Phật ngang hàng với Cơ và Khổng, xếp giáo pháp cùng với lời dạy của đời được sao? Phong quang động địa đều là lời suông.

Rằng, pháp thân ngưng tịch, sắc màu sáng trong, cho nên có thể ẩn hiện theo thời, hành tàng chẳng biết. Hiển thì dựa theo sự thật mà ra. Ẩn thì khéo trôi mà đi. Thế, đã nói đi tìm tôn chỉ, sao lại phải dòng dài về mười hiệu? Tia lóe của một ánh thừa cũng đủ làm sáng rạng cả cái đời đồi trụy này thì người tin há đi lấy một đốm lửa leo lét để làm tăng thêm nỗi nghi ngờ của mình sao? Chỉ cần hướng đến mặt trời mới rạng thì trắng đen sẽ sánh vai nhau. Tháp tượng kinh sách đầy khắp cả thế giới, kẻ học há lại đi lấy điều không chứng để tự hối hận sao?

Ngài lại dẫn đến bảy kinh, ý nghĩa gồm cả những gì thuộc vị lai như “chứa lành thừa vui, chứa dữ thừa khổ”, thì tuy nói thế, chúng đã không nói đến việc sinh diệt đổi mới, đổi vai gánh thay, hành động lành dữ không thể không chịu báo được. Điều này quả đã rõ cả đời, càng rộng rãi sâu sắc hơn cả bảy kinh. Dù vậy, trưng văn để nghiệm lấy sự thật, điểm ấy vẫn được lắm. Thư trước ngài nói rằng “Đế vương Cơ Khổng lời dạy dừng lại ở đời này, viện lai sinh họ để riêng ra mà không bàn tới, cho nên sự ẩn hiện phế hưng quyền thật của họ không cần phải rõ”, thì tựa hồ như có vẻ mâu thuẫn. Song, ý nghĩa nó bây giờ đã ổn ký thì đáng lòng thương không nên trách. Chỉ xin nghe rõ hơn nữa điều sâu sắc.

Thơ đáp trước có nói sơ đến đấng Chí Thánh và sự chìm nổi của chúng sinh, nhưng nghĩa cứ chưa rõ ràng, lời lẽ chưa thông suốt, nên nay xin bàn rõ lại, để cùng nhau rộng truyền đạo lớn.

Rằng, quần sinh dài mê trong ba cõi, chúng thức tối mờ trước sáu trần, trôi chìm với sinh tử là ông chúa của sự cấu xé ăn nuốt, tương tục ở tâm thức là bánh xe của sự lăn lóc luân hồi, xác thân thì đầy dẫy quán trọ của nghịch lữ, tâm hồn thì chỉ đáng cho khách khứa nghỉ chân, lui tới trong ba ác mà khổ sở, qua lại trong tám nạn mà chua cay, hân lạc thì tạm vui mà lo sợ suốt kiếp; một thân chết đi lại chịu một thân khác. Dẫu thế trí biện thông, sách vở đầy bụng, trăm nhà thấu suốt, chín phái rõ qua, biết sống chết có mạng, giàu sang tại trời, quỉ thần không thế đòi hỏi, thánh hiền không thể dự tri, ấy cũng chưa thoát khỏi sự sai lầm để che lấp tâm tình hay sự nghi ngờ từa tựa để lo nghĩ lông bông. Rồi phó thác cho đồng bóng, đầu thành với phù chú, ôm lấy chuyện bậy để hy vọng điều phải, giữ chặt việc giả để chờ đợi sự chân, chần chờ hai lòng, trù trừ đôi ngã, thì Phật dù có phóng quang động địa, ai mà có thể thấy cho ư? Sở dĩ sách Phật lưu bố, ấy là giống như bày nơm mà chờ cơ. Căn cơ động thì tất có cảm. Có cảm thì sau đó tất có lứng vậy.

Tự khi đặt chí vào nhà huyền, dốc hết lòng vào chỗ uyên áo, rõ được mạng người như giọt sương mai, hiểu được ba đời là không giả, thì phải tung mở cái thuật thanh chân, kiểm chận lấy con đường trược giả, gầy đức nhổ tà mà tà vẫn um tùm, trồng phước vun chính mà chính vẫn thưa thớt, khổ tiết giành lấy thời gian với tấc bông, sạch mình tranh lại phút giây với già nua, ôm ấp lòng thành, bảo hoài chí hướng, cho đến khi có cảm thì mọi việc liền thông. Há lại không tự mình đem lấy ánh sáng quang minh mà thấy được sự linh biến của nó đó hay sao? Hoặc qua sự chứng kiến rõ ràng của tai mắt hoặc qua sự mơ thấy trong giấc mộng như Hán Minh đế nhơn mộng mà thấy được đấng Chí Thánh, đại pháp do thế mà đã du nhập Trung Quốc, vua chúa đem hết lòng thành để trở về với bậc đức, anh hào vén áo để được giáo hóa, Sa-môn sánh vai với vương công, tăng ni trực cung trước thiên tử. Đối với 96 thứ ngoại đạo thì ai là cao hơn?

Tống Vũ Hoàng đế, khi mới lên ngôi, nằm mộng thấy một thầy tu mang bát đến xin, nhân thế mà nói rằng: “Ông đời trước vì bố thí cho Phật Di Vệ một bát cơm, nên nay mới được ở ngôi này”, bèn sai đến hỏi Nghiêm công giải bày thực giả. Nghiêm công liền đưa kinh Bảy Phật cho xem. Chúa Ngô là Tôn Quyền ban đầu nghi Phật pháp không nghiệm, đáng nên đình chỉ bãi bỏ, thì liền nhận được ngọc xá lỵ, chiếu sáng rực rỡ, vàng sắt không thể dập nát, lò nung không thể thiêu cháy, nay đang còn thấy ở chùa Kiến sơ tại kinh đô. Ngô quận có một tượng Phật đá, nổi trên nước biển, đạo sỹ đồng cốt, người theo hàng trăm, ra vẻ phù đọc chú, đánh trống nhảy múa, không một tên có thể làm nhúc nhích.

Năm sáu thầy tu cung Chu Trương và khoảng bốn người đã nhẹ nhàng nâng lên và cùng nhau bưng đi một cách dễ dàng, tức nay thấy tại chùa Ngô quận Bắc. Thuần thành chí đáo, thì không gì là không có cảm ứng. Nhà Chu Trương suốt đời thờ Phật, do thế mà thấy được sự ứng nghiệm. Quách Văn Cử sùng phụng Tam bảo, chính tín kiên minh, tay rờ họng cọp, rất biết sự an nguy. Lan công phủi tuyết buốt cho thú dữ, hộ công cảm suối khô thành dòng nước lũ, họ đều là những bậc cao hạnh siêu quần, thanh trần thoát tục mà hành tích khác thường đều có ghi lại ở đời vậy. Ngoài họ ra còn không biết bao nhiêu nữa.

Bần đạo lúc nhỏ học hành nhác nhớm, nên đến khi bạc đầu trở thành quê mùa cạn cợt; tỏ rõ lòng thành của mình, thì lời chẳng văn vụn, vị tất có thể hoa mỹ nên sợ không duẫn đáng. Suy đi nghĩ lại càng thêm thẹn thùng.

Kính bạch.

Hật bút:

Tống cư sĩ ở Kinh Châu làm ra quyển Minh Phật luận, bảo rằng, theo lời thuật của Bác Ích trong Sơn hải kinh thì nước Thân Độc gần người mà thương người. Quách Phác chú thích là, Thân Độc tức là Thiên Trúc, nơi Phù đồ đang nổi lên – Phù đồ tức Phật đó vậy. Liệt tiên truyện của Lưu Hướng kể lại 47 người tiên trong kinh Phật. Đó phải là do cái nhìn hẹp hòi về vấn đề ấy của những học giả, chứ không phải là Phật giáo bắt đầu với Hán Minh đế. Nhờ sự nhân tử thánh thiện tên Trừng vào thời Thạch Lặc và Thạch Hổ đã gọi Hổ bảo rằng: “Tại chỗ chùa vua A Dư xưa trong thành Lâm Truy còn có cái tháp hứng sương có một bức tượng ở dưới một gốc cây lớn tại rừng sâu cách đất khoảng hơn 20 trượng”.

Hổ sai sứ giả y theo bản đồ đào tìm thì được đúng như lời nói – Vua A Dư tức là vua A Dục vậy. Chú của Diêu Lược là Tấn vương ở Phố Pha Hà Đông. Ở chỗ mà những người già gọi là chùa vua A Dục, ông thấy có ánh sáng lóe ra, bèn dục tìm được xương Phật trong một hộp bạc tại một tráp đá sáng tỏa lạ thường, theo đường nghênh về kinh đô ở Nghiệp, dâng lên cho các Tỷ-kheo, nay thấy tại chùa Tấn. Do đó, thấy rằng, Phật sự có khắp đất Tấn đã lâu vậy. Sở dĩ nó không được nói đến ở thời Tam đại, ấy cũng giống như các cuốn sử của Can Bảo và Tôn Thạnh đã không nói đến sự diệu hóa thật rõ của đức Phật đã có tiến bộ và thạnh hành ở Giang tả vậy.

 https://namo84000.org/lich-su-phat-giao-viet-nam-chuong-08-sau-la-thu-va-cuoc-khung-hoang-cua-nen-phat-giao-the-ky-thu-v/#Sau_la_thu

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

ĐÂU LÀ ĐẠO PHẬT CHÂN CHÁNH VÀ ĐÂU LÀ ĐẠO PHẬT BIẾN CHẤT

 ĐÂU LÀ ĐẠO PHẬT CHÂN CHÁNH VÀ ĐÂU LÀ ĐẠO PHẬT BIẾN CHẤT


Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa... Nhiều lắm, không kể xiết đâu:

1- Tôn giáo: Đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì đạo Phật không có một vị thượng đế tối cao hoá sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác.

2- Tín ngưỡng: Đạo Phật có những sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đạo Phật không phải là tín ngưỡng để mọi người đến van vái, cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường.

3- Triết học: Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như của Tây phương.

4- Triết luận: Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.

5- Từ thiện xã hội: Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội nhưng không coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí. Đạo Phật còn có những sinh hoạt cao cả hơn: Đó là giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tu tập thiền định và thiền tuệ nữa. Từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như Bill Gates. Còn giáo dục, văn hoá, nghệ thuật của đạo Phật là nền tảng Mỹ Học viết hoa (nội hàm các giá trị nhân văn, nhân bản) mà không một tôn giáo, môt chủ nghĩa, một học thuyết nào trên thế gian có thể so sánh được. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp của đạo Phật cho thế gian. Còn nữa, nếu không có tu tập thiền định và thiền tuệ thì mọi hình thái sinh hoạt của đạo Phật, xem ra không phải là của đạo Phật đâu!

6- Cực lạc, cực hạnh phúc: Đạo Phật có nói đến hỷ, lạc trong các tầng thiền; có nói đến hạnh phúc siêu thế khi ly thoát tham sân, khổ lạc (dukkha), phiền não của thế gian - chứ không có một nơi chốn cực lạc, cực hạnh phúc được phóng đại như thế.

7- 8 vạn 4 ngàn pháp môn: Đạo Phật có nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến 8 van 4 ngàn pháp môn (dhammadvāra). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này? Còn nữa, xin lưu ý, 8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ thời. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cách tu...

8- Xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu: Những hình thức này không phải của đạo Phật. Trong kinh tụng Pāli có đoạn: “Sunakkhataṃ sumaṅgalaṃ supabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ, sukhno ca suyiṭṭaṃ brahmacārisu. Padakkhinaṃ kāyakammaṃ vācākammaṃ padakkhinaṃ padakkhinaṃ manokammaṃ paṇidhī te padakkhinā...”

Có nghĩa là: Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch; giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt... Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt. Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt. Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt (chữ phát đạt có thể có thêm nghĩa nhiêu ích).

9- Định mệnh: Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh. Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui - chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo.

10- Siêu độ, siêu thoát: Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả. Thời Phật tại thế, nếu có đến nơi người mất, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật giáo Theravāda (nguyên thuỷ) còn duy trì. Có thể có hai trường hợp:

- Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.

- Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.

Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực mà thôi. Tu dựa vào tha lực cũng tương tự như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.

Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.

11- Huyền bí, bí mật: Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín cả!

12- Tâm linh: Ngày nay, người ta tràn lan lễ hội, tràn lan mọi loại điện thờ với những hình thức mê tín, dị đoan, sa đoạ văn hoá... mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy. Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ Trung Quốc. Và rất tiếc, tôi không hề tìm ra nguồn Phật học Pāli hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả!

13- Niết-bàn: Nhiều người tưởng lầm Niết-bàn là ở một cõi nào đó, một nơi chốn nào đó; thậm chí là ở một thế giới ở ngoài thế gian này. Người nào tìm kiếm Niết-bàn kiểu ấy, thuật ngữ thiền tông có cụm từ “lông rùa, sừng thỏ” như ngài Huệ Năng đã nói rõ: “Phật pháp tại thế gian. Bất lý thế gian giác. Ly thế mịch bồ-đề. Cáp như tầm thố giác”. Thố giác là sừng thỏ. Và giác ngộ cũng vậy, chính ở trong khổ đau, phiền não mới giác ngộ bài học được.

14- Bỏ khổ, tìm lạc: Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não!

15- Tu để được cái gì! Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã.

16- Tu là sửa: Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.

17- Vía: Đạo Phật không có vía nào cả. Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía. Ví dụ, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu. Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh - phần tâm, sắc - phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như Cõi trời Vô tưởng của tứ thiền. Tuy nhiên, cõi trời Vô tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các Cõi trời Vô sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên. Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ-tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!

18- Bồ-tát: Bồ-tát là âm của chữ Bodhisatta: Chúng sanh có trí tuệ. Vậy, chúng ta tạm thời bỏ quên “khái niệm Bồ-tát” quen thuộc trong kinh điển mà trở về với nghĩa gốc là “chúng sanh có trí tuệ”. Và như vậy, sẽ có hạng chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Thanh Văn; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Độc Giác; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Chánh Đẳng Giác. Ngoài 3 loại chúng sanh có trí tuệ trên – không có loại chúng sanh có trí tuệ nào khác.

19- Phật: Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ. Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật” từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ. Vậy, có người Giác ngộ do nghe pháp từ bậc Chánh Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chánh Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác. Có vị Giác ngộ do trọn vẹn 30 ba-la-mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Không có vị Giác ngộ (Phật) nào ngoài 3 loại Giác ngộ trên.

20- Thể nhập: Tu là không thể nhập vào cái gì cả. Thể nhập là bỏ cái ngã này để nhập vào cái ngã khác. Cái ngã khác ấy có thể là dòng sông, có thể là ngọn núi, có thể là một cội cây, có thể là một thần linh, thượng đế. Cái cụm từ “thể nhập pháp giới” rất dễ bị hiểu lầm. Khi đi, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái đi; khi nói, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái nói; khi ăn, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái ăn – thì đấy mới đúng nghĩa “thể nhập pháp giới”, ngay giây khắc ấy, mọi tham sân, phiền não không có chỗ để , sanh khởi.

🌹Sādhu! Sādhu! Sādhu🌹

(Sư Ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

NƯỚC TRONG TRĂNG HIỆN


 Nước Trong Trăng Hiện

- Đạo Phật là gì?
- Đạo Phật là không gì cả.
- Ông nói đạo Phật không là gì cả cớ sao người người quay về quy y Tam bảo, nương tựa Phật – Pháp – Tăng?
- Đã bảo đạo Phật là không gì cả mà ông lại mê muội nói rằng nương tựa Phật – Pháp – Tăng là nghĩa lý gì?
- Không có cả Phật – Pháp – Tăng, phải chăng đây là lời đốn ngộ kẻ ngu hạ này nghe qua quả thật càng thêm mờ mịt, tôi xin ngài từ bi khai thị.
- Tam Tạng kinh chung cùng cũng chỉ là một phương pháp chỉ người lắng tâm. Nếu tâm ông phẳng lặng tức nước trong, nước trong thì trăng sẽ hiện. Nếu tâm ông phẳng lặng như gương soi tiếp vật thì đâu cần nương tựa đông tây, nam bắc mà chi nữa.
- Nước trong, trăng hiện – Đạo Phật chỉ thế thôi sao?
- Thế ông còn muốn gì thêm nữa?
- Nước trong, trăng hiện. Thật quá giản đơn. Cả pho Tam Tạng kinh chỉ bày mỗi điều ấy, có lẽ đâu thế.
- Phật không thuyết Tam Tạng kinh.
- Phật không thuyết Tam Tạng kinh vậy ai đã thuyết bộ kinh vi diệu đó.
- Phật nói 49 năm ta không nói một lời nào. Tổ nói ta không có một pháp cho người. Ông sao lại chẳng tin lời Phật, lời Tổ?
- Nước trong, trăng hiện nên hiểu ra làm sao?
- Nước trong, trăng hiện cũng chỉ là mượn lời để nói sao ông không y cứ thuận hành mà lại dùng tri kiến muốn hiểu nó?
- Kẻ ngu hạ này trước pháp đốn thật không đủ duyên khai ngộ, chỉ mong hiểu lý tiệm tu mà thôi. Nay hữu duyên gặp thiện tri thức nên rất mong được chỉ bày.
- Nước trong, trăng hiện như gương soi tiếp vật chẳng nảy sinh tình ý. Chỉ riêng câu nước trong, trăng hiện này mà đến cả những bậc hành giả xưa nay vẫn còn mê lầm chẳng nhận được bản lai huống hồ gì những kẻ tu hành trên môi miệng.
- Khi xưa Thái tử Tất đạt đa lao nhọc, bôn ba tầm đạo ngàn lối vẫn không thể sáng mắt, sáng lòng đến khi mòn mỏi dừng lặng lại mà nếm trải sự vi diệu chân thật của nước trong, trăng hiện. Tam Tạng kinh nói ra chung cùng cũng chỉ bày cho chúng nhân muôn phương nhận biết được điều đó. Nhưng chúng sinh chi loại vô minh dày đặc cứ lầm nhận ngón tay là mặt trăng nên Phật mới nói 49 năm ta không nói một lời nào. Thế mà nay có kẻ lại cho rằng Thiền – Tịnh – Mật là chân truyền của Phật Thích Ca, lời này thật quá mê muội và ấu trĩ.
- Ta hỏi ông khi nước trong xanh phẳng lặng như gương soi thì ông có thể nhìn rõ được hình ảnh chim bay ngang trời, có thể phân biệt được đấy là chim én hay đại bàng thông qua tấm gương nước ấy không?
- Nếu nước phẳng lặng trong xanh như gương soi thì hiển nhiên cảnh vật được phản chiếu lên đúng thật như bản thể của nó rồi.
- Đúng vậy. Chỉ cần ông hành được như thế thì với Phật, với Tổ nào đâu khác gì?
- Để hành được nước trong, trăng hiện thì nên hành Thiền, Tịnh hay Mật?
- Sao ông cứ mê đắm pháp phương tiện nhận lầm đấy là cứu cánh? Ta hỏi ông gương soi tiếp vật khi ấy gương có hành thiền, niệm Phật hay trì chú không?
- Ngài dạy chí phải, Thiền – Tịnh – Mật chỉ là phương pháp để lắng tâm mà thôi. Thưa ngài vậy chẳng lẽ Thiền – Tịnh – Mật không có một thần lực, không có phép màu vi diệu nào?
- Nước lặng, gương soi là vi diệu bản thể. Nước lặng, gương soi cần thần lực, cần phép màu để làm gì? Ông thật vô minh quá thể hay là ham tiếc sinh tử đây?
- Sao ngài nói tôi ham tiếc sinh tử?
- Cổ đức dạy “Cách vật, trí tri; Tình sanh, trí cách”. Như gương soi, nước lặng chẳng động tình thì sự vật thế nào, nó hiện bày thế ấy không yêu, chẳng ghét, khách quan vô cùng, khách quan mà không hạn cuộc rằng khách quan, sự sự rỗng lặng như thế, đâu dấy khởi thị phi. Vậy mà các ông tự lập pháp phương tiện thành pháp môn cho rằng đắc ý Thiền – Tịnh – Mật rồi dấy khởi tạo tác thị phi, tình chấp như thế, trí rỗng rang liền bị ngăn ngại đâu thể nào nếm được ý vị gương soi, tiếp vật; nước trong, trăng hiện nữa.
- Vậy chỉ còn là như gương soi, như là nước lặng; đấy là cái hằng thấy, hằng biết mà Phật, Tổ nói đến.
- Phật, Tổ nào nói còn lại cái hằng thấy, hằng biết. Đúng là ham tiếc sinh tử. Ông có biết rằng cái thấy biết thường hằng là nhân khiến ông cũng như chúng sinh vô minh trôi lăn, chìm nổi trong 6 thú không? Gương soi, nước lặng có bao giờ khởi ý “Ta là gương soi, ta là nước lặng” không?
- Thưa ngài! Thật không có lý đó! Rốt cuộc là không còn gì cả. Điều này rõ thật đúng cơ mà thật khó nghĩ cho thông đặng.
- Ông không tin thì cứ nghi. Chuyện tốt này chẳng dính dáng đến ta.

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Sự Thật Về Đạo Phật (P. 3)

 


Sự Thật Về Đạo Phật (P. 3)
Hôm nay, Ngạo Thuyết sẽ chứng thực cho mọi người thấy rằng sa môn Cù Đàm không hề lập ra đạo Phật.
Ngạo Thuyết tin rằng nội dung bài viết này hứa hẹn sẽ đem đến cho các bạn những điều hay bất ngờ và cả sự vỡ mộng đối với rất nhiều người.
Lẽ nào người học Phật sẽ rất thất vọng và hụt hẫng khi nhận diện được rằng Phật Thích Ca không có chút quyền phép thần kỳ nào cả.
Từ rất lâu xa người học Phật xưa nay đã bị nhồi sọ rằng Phật Thích Ca chứng đạo, đắc Tam Minh, Lục Thông nên thần thông rất kỳ ảo, vô đối.
Thông qua kinh Phật, truyện cổ Phật giáo và cả những bộ phim về cuộc đời Phật Thích Ca, phim Tây Du Ký,... rất nhiều học Phật đã cả tin về quyền phép bất khả tư nghì. Khi ngoại đạo hóa hiện những ngọn núi chực chờ đè chết Phật cùng Tăng đoàn, Phật Thích Ca chỉ tay một cái những ngọn núi lập tức bật lại lơ lửng trên đỉnh đầu ngoại đạo; Khi Thiên Ma đến gây não hại Phật, Phật liền hóa hiện một tràng hoa tuyệt đẹp tặng cho Thiên Ma, Thiên Ma đeo vào cổ tràng hoa liền biến thành sâu chuỗi đầu lâu tanh tưởi, gớm ghiếc và dù dùng tất cả mọi Thần lực để thoát ra nhưng Thiên Ma vẫn không thể tháo gỡ sâu chuỗi đầu lâu ra khỏi cổ; Hoặc khi ngài Xá Lợi Phất khởi tâm suy lường phải chăng Phật Thích Ca khi tu hành tâm không thanh tịnh giải thoát nên cõi Ta Bà, nơi Phật Thích Ca hạ sinh chỉ toàn là gò nỗng, hầm hố với đầy những bẩn dơ thì Phật đã dùng ngón chân điểm xuống mặt đất liền biến cả cõi Ta Bà thành vàng ròng,...
Và những điều này đã mê hoặc rất nhiều người học Phật xưa nay. Thêm vào đó, những kẻ học Phật còn trong lưới vô minh đã phao ra tin đồn rằng người học Phật chứng ngộ sẽ có Thần thông, đây là phần lại quả kèm theo khi người học Phật tu chứng.
Chính những tri kiến vô minh này đã ngăn trở sự thấy biết chánh pháp chân thật mà Phật Thích Ca đã bi mẫn trao truyền.
Do bị mê hoặc ở quyền phép của việc chứng đạo mà người học Phật không nhận ra mục đích cốt lõi của lời Phật Thích Ca thuyết chính là sự thoát khổ và giải thoát hoàn toàn.
Do bị mê hoặc ở sự thần biến mà người học Phật không thể chạm đến sự thật rằng Phật Thích Ca là một con người bình thường như biết bao con người bình thường khác, cũng đói no, ấm lạnh, cũng sinh già bệnh chết. Phật Thích Ca cũng chịu sự tác động, chi phối của vô thường.
Điều khác biệt duy nhất, có giá trị nhất ở Phật Thích Ca chính là sau khi trải qua quá trình học đạo, tìm đạo, hành đạo tin cần mà vẫn mờ mịt lối đi, Phật đã bừng tỉnh và tự mình tìm ra con đường giác ngộ giải thoát; Việc tự thực chứng đó đã mang lại cho Phật một trí tuệ sáng suốt, tròn đầy.
Từ sự sáng suốt của tuệ tri Phật nhận diện rõ được quy luật sinh tử, nhân quả luân hồi và cả cách thức vượt thoát luân hồi chạm đến sự giải thoát hoàn toàn.
Sau khi suy xét, kiểm chứng hẳn hoi Phật Thích Ca đã chia sẻ sự hiểu biết đó cho những người bạn đồng tu - Năm anh em Kiều Trần Như và những người học đạo - cầu đạo chân chính như ba anh em nhà Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, vị Trưởng giả Cấp Cô Độc, kẻ giết người khét tiếng Ương Quật Ma,...
Nếu chúng ta tham cứu kinh Phật ở tầm tổng thể, toàn diện thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những thần thông, quyền phép của Phật chỉ là hoa lá cành nhằm diễn nói trí tuệ viên dung, vô ngại của Phật Thích Ca; Những câu truyện tiền kiếp của Phật và môn đệ cũng chỉ là những câu truyện ngụ ngôn nhằm hướng con người đến việc làm lành, lánh dữ để phần nào tránh được những khốn cùng do nhân vay, quả trả.
Và sau tất cả chúng ta sẽ nhận ra được rằng những kinh sách tán thán thần thông, quyền phép của Phật phần nhiều là sản phẩm của người đời sau; Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt lâu xa thì kinh sách Phật học diễn nói về thần thông, quyền phép của Phật ngày càng nhiều và điều này đã khiến rất nhiều người học Phật bị mê hoặc; Từ đó người học Phật do không nắm bắt được ý kinh, lấy ngụy làm chân đã dẫn đến lệch lạc sự nghiệp học Phật.
Chỉ khi nào người học Phật rũ bỏ được những thứ đầu thừa, đuôi thẹo - Thần thông, bùa chú, quyền phép thì may ra người học Phật mới chạm đến được chánh pháp giác ngộ giải thoát hoàn toàn.
Lúc bấy giờ, người học Phật sẽ trực nhận được rằng cốt lõi của đạo Phật nguyên sơ chính là diễn nói sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Và Phật Thích Ca đến với loài người bằng sự hiểu biết, bằng trí tuệ viên dung chứ không phải bằng vào những thứ thần biến ma mị, hoang đường.
...
Và Phật Thích Ca không hề có ý định lập ra đạo Phật.
Khi chứng nghiệm sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn Phật Thích Ca đã không vội vã hoằng truyền lý thuyết về con đường giác ngộ giải thoát. Phật Thích Ca cần thêm nhiều thời gian để suy xét lại mọi điều, cân phân lại sự nặng nhẹ của việc nên chăng phổ truyền giáo lý chánh pháp.
Và rồi Phật nhớ nghĩ đến sự khát khao hợp thể Đấng quyền năng của những vị thầy đáng kính mà Phật đã từng đến cầu đạo, nhớ đến năm anh em Kiều Trần Như, những người đã tín nhiệm mình về việc chứng nghiệm đạo quả,...
Thương tưởng hà sa chúng sinh học đạo mê lầm trôi lăn nơi 3 cõi, 6 đường nên sau cùng Phật hạ quyết tâm sẽ dấn thân hoằng pháp gieo duyên.
Tương truyền khi tìm đến hai vị thầy danh tiếng mà Phật đã từng thọ pháp là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta thì được biết cả hai người đều đã chết.
Tiếp đến, Phật tìm đến năm anh em Kiều Trần Như. Gặp được năm anh em Kiều Trần Như, Phật Thích Ca sớm nhận ra sự bất tín nhiệm của năm người bạn đối với mình nên Phật Thích Ca đã khẳng khái nói với đại ý rằng "Tôi đã giác ngộ hoàn toàn Thật tướng của vạn pháp, liễu thoát sinh tử, rõ biết luân hồi và cách thoát khỏi luân hồi. Tôi sẽ hướng dẫn các bạn. Và … nếu các bạn thọ nhận, hành trì thì tự các bạn sẽ chứng ngộ sự thật đó. Các bạn sẽ tự giải thoát hoàn toàn cho chính mình".
Vốn đã từng tín nhiệm trí tuệ cũng như năng lực hành trì của Phật và trước sự quả quyết như đinh đóng cột của Phật Thích Ca năm người anh em Kiều Trần Như thêm một lần nữa chinh phục.
Dù vậy Phật Thích Ca vẫn nhận ra sự e dè nghi ngại còn đọng lại nơi tâm trí những người bạn. Sau khi an vị, nghỉ ngơi đâu ra đấy Phật đã xô đổ bức thành trì hoài nghi ở năm người bạn khi thuyết giảng con đường trung đạo.
Nếu người học Phật hiểu đúng về thuyết trung đạo thì vốn dĩ sẽ không có sự tách biệt rạch ròi biệt con đường đạo - con đường đời.
Nói một cách khác là ngay khi thuyết lý trung đạo thì Phật đã xé toan bức rào cản ngăn cách đạo đời. Chính vì vậy ngay khi dấn thân phổ truyền chánh pháp thì Phật Thích Ca đã không chủ trương lập ra thêm một đạo giáo nào cả.
Khi hiểu đúng chúng ta sẽ nhận ra những lời Phật thuyết về con đường giác ngộ giải thoát chỉ là việc chia sẻ thông tin cho những người có ý chí vượt thoát ra mọi khổ não của việc luân hồi quẩn quanh.
Việc trao đổi chánh pháp ban đầu trên tinh thần học hỏi sẻ chia có tính thẳng thắn, khách quan giữa những người bạn chứ không lập nên rào cản thầy trò.
Tuy nhiên, do nhận thức được Phật là người sẽ chỉ bày mình thoát khỏi những khổ não tâm linh nên năm người anh em Kiều Trần Như tôn kính Phật làm vị đạo sự.
Vừa học, vừa hành dưới sự dẫn dắt của người chứng ngộ giải thoát năm người bạn đồng tu của Thái tử Tất đạt đa thuở nào mau chóng chứng nghiệm Chánh trí và dự vào hàng Bất thoái chuyển.
Chánh trí và Bất thoái chuyển chính là giềng mối xác thực việc thâm đạt Tứ quả vị Thánh chứ không phải là chứng nghiệm quả A la hán sẽ đắc Tam Minh, Lục Thông theo lối chú giải của người học Phật còn trong lưới vô minh.
...
Sự xuất hiện của Phật và việc y giáo phụng hành theo lối trung đạo, Bát chánh đạo, Tứ diệu đế sẽ khiến đời sống thường nhật của năm anh em Kiều Trần Như thay đổi; Sự cải biến trạng thái tinh thần từ yếm thế, ủ rủ của những người thọ trì pháp tu khổ hạnh sẽ được thay đổi bằng một tinh thần lạc quan, tươi tắn; Điều này sẽ là hữu xạ tự nhiên hương khiến tín chúng tìm đến Phật lãnh thọ pháp âm vi diệu.
Việc chạm mặt của Phật Thích Ca với ba anh em nhà Ca Diếp cũng với một màu sắc tương tự, Phật cứ dấn thân bước đi và tùy duyên hóa độ.
Mọi việc Phật ra sức vẫn trên tinh thần từ ái, khiêm cung và nhẫn nại; Phật tiếp người với sự bình đẳng xem như bạn và những người cầu đạo chân chính mau chóng nhận ra đây là vị đạo sư dẫn dắt mình vượt thoát những khốn cùng, những nghẽn lối tâm linh đang đeo mang. Và từ đó Phật trở nên là một vị đạo sư đáng kính trong lòng những người mộ đạo.
Ngày nay, chúng ta thường nghe "Nước sâu tĩnh lặng, người khôn kiệm lời". Và hiển nhiên là Phật cũng không phải là điều ngoại lệ.
Điều duy nhất mà Phật Thích Ca quan tâm chỉ là việc phổ truyền giáo lý giác ngộ giải thoát đến với xã hội loài người, giúp loài người nhận thức được sáng rõ giá trị chánh pháp và sự giác ngộ giải thoát.
Ngày nay, do học Phật theo lối truyền thống hầu hết người học Phật tin rằng giới luật do Phật Thích Ca lập ra.
Tuy nhiên, nếu chúng ta suy xét lại sẽ nhận ra rằng thực tế là Phật Thích Ca không lập ra giới cũng như Tam Quy.
Các bạn hãy tự ngẫm xem "Khi Phật chỉ bày giáo pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như, ba anh em nhà Ca Diếp, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên,... Phật có cần răn dạy giới luật không?".
Cá nhân Ngạo Thuyết cho rằng với những người có tâm cầu đạo, họ sẽ tự ý thức được hành vi sống đúng mực với đời sống lành mạnh, tri túc, thiểu dục; Dù họ không mang danh nghĩa giữ giới nhưng đã là sống trọn vẹn với đời sống phạm hạnh rồi nên sẽ không phiền đến Phật phải chỉ bày nên sống ra sao.
Lâu về sau, khi giáo đoàn Khất sĩ lớn mạnh thì trong Tăng đoàn đã xuất hiện những hạng sa môn không có lòng cầu sự giác ngộ giải thoát, cụ thể là:
1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
2. Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang.
3. Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
Những hạng tu sĩ này hiển nhiên có đời sống phóng túng, hưởng thụ, tâm tánh chất chứa nhiều sự bất thiện. Do đó, phẩm hạnh của những vị tu sĩ này làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Tăng Đoàn, ngặt nỗi những hạng tu sĩ có tâm tà vạy lại thường chiếm số lượng đông đảo trong giáo đoàn Khất sĩ từ xưa đến nay.
Thấy sự nguy hại của đời sống phóng túng nơi các Tì kheo sẽ gây họa hại cho giáo đoàn Khất sĩ, những người đệ tử thượng thủ của Phật mới đề xuất ra việc lập giới luật để quản trị Tăng Đoàn vào đời sống phạm hạnh.
Sau khi bàn thảo cẩn thận những vị đệ tử Phật trình lên cho Phật và Phật tùy thời đồng thuận. Vậy nên phần nhiều giới luật là do đệ tử Phật xác lập chứ không phải do Phật Thích Ca chế định.
...
Không chỉ vậy. Có rất nhiều giới luật khi chúng ta xem xét sẽ cảm nhận được rằng đấy chỉ là tư kiến của một người hay một nhóm người.
Nhưng có lẽ để dễ dàng được phổ truyền người học Phật đã nhét chữ vào miệng Phật nhằm mau chóng đưa ra kết luận sau cùng nhằm chế định tín chúng.
Ngày nay, đất nước Ấn Độ hơn 1,3 tỷ người nhưng cách đây hơn 2550 năm về trước liệu các nước quanh lưu vực sông Hằng có được bao nhiêu người?
Từ đó, chúng ta phải nhận thức được rằng ngay khi Phật Thích Ca tại thế, dân số các nước quanh lưu vực sông Hằng thưa thớt; cách biệt địa lý, sự hạn chế của giao thông và khả năng lan truyền thông tin,... sẽ dẫn đến kết quả là thực sự không có rất nhiều người quy y đạo Phật. Bởi lẽ khi ấy ngoài đạo Phật ra thì có đến 6 giáo phái tôn giáo vốn rất vững mạnh, đạo Phật lúc bấy giờ chỉ mới tượng hình quả thật là chẳng thể tranh giành hết tín đồ của các tôn giáo khác.
Và chúng ta có thể lấy số tín đồ Phật giáo ngày nay tham chiếu với tín đồ các tôn giáo khác cũng sẽ nhận diện được ít nhiều điều:
- Kito Giáo: 2,4 tỷ người
- Hồi Giáo: 1,5 tỷ người
- Ấn Độ Giáo: 900 triệu người
- Đạo Giáo: 400 triệu người
- Tôn Giáo Dân Gian Trung Quốc: 394 triệu người
- Phật Giáo: 365 triệu người.
- Nho Giáo: 150 triệu người
...
...
Ở đây chúng ta cần nhận thức được một điều rằng Phật chủ động thuyết lý trung đạo là nhằm phá bỏ lớp rào cản nẻo đạo - nẻo đời. Do đó, Phật sẽ không có chủ trương tạo lập ra đạo Phật
Việc Phật ra sức chỉ là phổ truyền giáo lý chánh pháp giác ngộ giải thoát hoàn toàn vào mọi giai tầng xã hội.
Và chính do định chế cũng như quy ước xã hội vô hình chung tạo lập ra thêm một tôn giáo gọi là đạo Phật.
Chúng ta được biết sau khi Phật nhập diệt 3 tháng ngài Ca Diếp đã tiến hành Đại hội kết tập kinh Phật; Điều này cũng cho thấy rằng Phật Thích Ca không chủ trương lập ra một chủ thuyết, một giáo lý đạo Phật.
Chúng ta đều tin nhận Phật Thích Ca là người thông tuệ, nhìn xa trông rộng, thần thông vô lượng; Điều đó có nghĩa là lẽ ra Phật Thích Ca đã thấy được mầm mống sự chia rẽ mỗi khi kết tập kinh Phật.
Và nếu thấy biết được điều này và có ý kết tập kinh Phật thì Phật Thích Ca đã chủ trì kết tập kinh Phật trước khi nhập diệt.
Thế nên có thể khẳng định Phật Thích Ca không hề chủ trương việc tạo lập đạo Phật, Phật chỉ ra sức phổ truyền giáo lý chánh pháp giác ngộ giải thoát vào tri thức nhân loại mà thôi.
Và chúng ta cũng như người học Phật ở thế kỷ 21, 22 phải nhận diện và ý thức được rằng có rất nhiều những bộ kinh Phật hoàn toàn không do Phật Thích Ca thuyết, trong đó có phần lớn những câu chuyện tiền kiếp của Phật.
Đã có rất nhiều người học Phật vô minh đã nhét chữ vào miệng Phật và biến Phật Thích Ca thành một giống loài thần biến quái dị chứ không còn là một con người bằng xương, bằng thịt có trí tuệ sáng suốt.
Rồi thì đạo Phật tồn tại bằng vào những bộ kinh Phật được truyền miệng, được chú giải lệch lạc; Những vị Luận sư thuộc đạo Phật ra đời ra sức vá lỗi, và những sự chú giải lệch lạc cũng theo đó tăng trưởng.
Vài trăm năm về sau có một vị hành giả thông qua tâm pháp giác ngộ giải thoát của Phật Thích Ca mà chứng nghiệm sự Toàn Giác. Bởi do là người đời sau Phật Thích Ca những vài trăm năm nên vị Giác Giả thứ hai nhận diện sáng rõ tính Tiểu Thừa bảo thủ của giới Thanh Văn học Phật cũng như hiện trạng lệch lạc của đạo Phật, vị Giác Giả này đã ra sức phổ truyền giáo lý Kinh Phật đại thừa phát triển nhằm hóa giải những mê lầm của người học Phật xưa nay và gieo duyên sáng đạo cho người học Phật đời sau.
Thần thông, bùa phép, huyễn thuật được vị Giác Giả lồng ghép vào Kinh Phật nhằm giúp người học Phật đương thời vững tin vào giáo lý Phật Thích Ca và hàng loạt pháp dụ được dựng lên để dẫn dụ người học Phật vào chánh pháp.
Sau khi hoàn mãn việc phổ truyền pho giáo lý Phật giáo Bắc Truyền vị Giác Giả thứ hai đã dùng chiêu "qua cầu rút ván - qua sông bỏ bè" ngõ hầu giúp người học Phật thoát khỏi bến mê - Bốn mươi chín năm Như Lai không nói một lời nào; Đấy là sự phá mê trọn vẹn của vị Giác Giả thứ hai dành cho chúng sinh học Phật.
Người học Phật khi sáng đạo sẽ nhận ra phương tiện là phương tiện sẽ tùy duyên dùng phương tiện độ người.
Kẻ học Phật vô minh tức những kẻ mắt mù, tai điếc khi tìm đến đạo Phật mà không tỏ ngộ sẽ vin níu, vào pháp môn - vào phương tiện ra sức giảng thuyết sự thù thắng của pháp phương tiện một cách si mê, nói như đúng rồi nhưng lại thiếu khuyết trí tuệ chính thật là người đang diễn nói những điều mà họ không hề rõ biết tức là nói dóc, nói dối vậy. Họ phạm ngay giới cấm đầu tiên của người học Phật - Giới không nói dối.
Và đáng tiếc thay người học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay phạm giới Không Nói Dối rất nhiều. Thế là đạo Phật ngày càng trở nên u mê, tối tăm qua sự diễn nói của đại chúng học Phật không sáng đạo.
Bạn tìm đến đạo Phật với mục đích gì?
Nếu bạn tìm đến đạo Phật nhằm mục đích cứu khổ, giác ngộ giải thoát hoặc tìm cầu chánh trí thì bạn nhất thiết phải đặt xuống những cơ cầu thần thông, phép màu,...
Nếu bạn tìm đến đạo Phật nhằm mục đích tìm sự mầu nhiệm, thần thông thì điều đó đồng nghĩa rằng bạn đang hành phép tà vì con đường đó sẽ không là là đích đến của đạo Phật. Đó là Ngũ Thông của ngoại đạo và phần nhiều thần thông của ngoại đạo chỉ là những tin đồn - Bánh vẽ chẳng no lòng.
Và Ngũ Thông còn gây ra sự nhiễu loạn nhân quả luân hồi khiến bạn chìm đắm trong si mê trả vay.
Tóm lại, Phật Thích Ca không hề tạo lập đạo Phật. Người đời sau cùng với những si mê đã lập ra đạo Phật. Và cũng không có người học Phật nào thời Phật Thích Ca chứng ngộ A la hán đắc thành Lục Thông theo lối hư cấu hoang đường như sau:
1. Thần túc thông: biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, đi vào trong núi, đi trên mặt nước, một thân biến nhiều thân, nhiều thân biến thành một thân, tay có thể chạm vào Mặt Trời, mặt trăng, các ngôi sao,... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
2. Thiên nhãn thông: Thấy sự lưu chuyển của Chúng Sinh trong các cõi giới luân hồi.
3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi.
4. Tha tâm thông: biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
5. Túc mệnh thông: Đối Đức Phật và các Vị A la hán - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình vị ấy nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì.
6. Lậu tận thông: Vị ấy thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.
Tri kiến Tam Minh, Lục Thông là phần chú giải lệch lạc của người học Phật đời sau.
Vị Giác Giả thứ hai trước hiện trạng đạo Phật suy vi và nền tảng đạo Phật trong lòng nhân loại chưa đủ vững chải đã phổ truyền pho giáo lý Kinh Phật Đại Thừa.
Ngày nay, đạo Phật đã phổ truyền sâu rộng trong lòng nhân loại nhưng với những tri kiến Phật học mê mờ, lệch lạc.
Và đây là sự đúng thời để Ngạo Thuyết giải mã đạo Phật nhằm trả chánh pháp giác ngộ giải thoát sáng rõ vào trong lòng nhân loại.
Lý trung đạo sẽ xé toạc những bức tường thành đạo và đời. Đấy là sự thật về đạo Phật.
Nam Mô Di Lặc Tôn Phật Thiên Bá Ức Hóa Thân!
...