Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

CON ĐƯỜNG THIỀN
qua chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải
Nguyễn Thế Đăng

Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) và Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726) là hai vị thiền sư của thế kỷ XVII, nổi tiếng nhất, sống lâu nhất và để lại nhiều tác phẩm nhất, với số tác phẩm thuộc loại đồ sộ nhất của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu những chỉ dạy của Thiền sư Hương Hải, sắp xếp chúng thành một trình tự dầu chưa hẳn đã hoàn chỉnh, chúng ta có thể nhận ra Thiền tông vào thế kỷ XVII của Việt Nam như thế nào, và rộng ra, con đường Thiền của Việt Nam như thế nào. Những chỉ dạy của ngài không phân thành từng đề mục, nhưng ở đây chúng ta cố tìm cho ra những điểm chính và đặt thành tiêu đề phù hợp với con đường Phật giáo nói chung, để hình dung ra một cách có hệ thống con đường Thiền cho những người tu học đời sau như chúng ta.

1.     Quy y:
Thiền sư đã quy y cho nhiều người. Đoạn văn này cho thấy. “Một hôm, Tổ sư dạy chúng, ‘Từ ngày ta đến ở chùa Nguyệt Đường, lập viện Thiền Tịnh, đệ tử mười phương cùng đến vân tập, học đạo, quy y…’.”. Cũng trong đoạn này cho biết, đệ tử “thì cành lá rất nhiều, số lượng kể không hết”.
Quy y là tạo lập một sự nối kết với Phật, Pháp, Tăng. Sự nối kết này đem lại căn bản để tiến bộ trên con đường Thiền.
Quy y là đã tin nhận nhân quả, cho nên sống một đời sống đúng đắn, không tự phá hoại mình bằng những hành vi và ý nghĩ sai lầm. Do đó, thân tâm có sự ổn định và trong sạch để có thể ngộ nhập được Phật tánh vốn trong sạch từ xưa nay.

2.     
Niềm tin vào Phật tánh của chính mình:

“Muốn cầu thấy Phật, thì chỉ cầu biết chúng sanh. Nếu ngộ tự tánh thì chúng sanh là Phật... Tự thể của chân tâm chẳng phải là cái chúng ta nói được. Nó trong suốt như hư không, như tấm gương trong sạch tròn sáng… Chỉ có người ngộ nhập nó, thì biết ngay nơi tâm mình… Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba đều là một”.
Tin được rằng tâm chúng sanh chúng ta là một với tâm Phật, đây là niềm tin cần thiết để tinh tấn đi trên con đường. Cho đến khi thấy điều đó là một sự thật không thể nghi ngờ, và tiếp tục đi cho đến khi tròn vẹn, hoàn toàn chứng ngộ tâm mình là tâm Phật, ở mặt thể cũng như ở mặt dụng. Đó là con đường Thiền.
      Nếu so sánh với Đại Toàn Thiện (Dzogchen), tâm chúng sanh chính là tâm Phật, đó là Nền tảng. Nền tảng ấy phải được Thấy, từ cái thấy Nền tảng ấy có Thiền định, tức là liên tục hộ trì nó. Rồi có Hạnh, tức là làm sâu rộng cái Thấy ấy trong mọi sinh hoạt của mắt tai mũi lưỡi thân ý. Hạnh tròn đầy, đó là Quả, tất cả sanh tử biến thành Niết-bàn, không chỗ nào không là tâm Phật, không là Đại Toàn Thiện.

3.     Phát Bồ-đề tâm:
Bồ-tát là người phát nguyện Bồ-đề tâm, “Nguyện đạt đến giác ngộ để độ thoát cho chúng sanh”. Đó là Bồ-đề tâm nguyện , và thực hiện lời nguyện ấy trải qua nhiều kiếp là Bồ-đề tâm hạnh. Với lời nguyện ấy, Bồ-tát tích tập trí huệ (giác ngộ) và phước đức (độ thoát chúng sanh do lòng bi). Khi hai sự tích tập ấy đã tròn đủ thì đó là Phật quả. Phước huệ hay trí bi là con đường Bồ-tát. Trong Sự lý dung thông, Thiền sư nói:   
                             “Đường lên hiền thánh Phật tiên
                         Gồm no phước huệ vẹn tuyền chẳng sai”.
Và:   
                     “Tẩy không non mạn thành nghi
                         Một lòng bình đẳng trí bi độ người”.  
Và:

                    “Bể từ rạt sạch nguồn mê
                         Máy thiêng mở khép đề huề độ sanh”.
Ngài nói về nguyện hạnh trong Kim Cương kinh giải lý mục:
“Phát nguyện là trong kinh giáo dạy khiến hạnh nguyện đầy đủ hài hòa. Tuy có công hạnh mà chẳng có chí nguyện thì hạnh ắt chẳng định. Dầu có chí nguyện mà chẳng có công hạnh, nguyện ắt hư vong vậy. Phải nên hạnh nguyện tương ưng hài hòa, bèn hợp được chẳng lỗi mới nên phát nguyện vậy”.
Tóm lại, muốn đạt đến Trí Bi đầy đủ phải hành công hạnh Bồ-tát, và muốn hành công hạnh Bồ-tát, phải phát nguyện Bồ-đề tâm.

4.     Ba pháp tu Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu

Ba pháp tu chủ yếu của Phật giáo là Chỉ, Quán, và Chỉ Quán song tu hay Thiền.
Yếu chỉ tu hành là, “Đó là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.
“Năm hai mươi lăm tuổi, sư học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ. Sau sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học. Sau khi xuất gia sư dùng thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh để tu. Ở đây sư chuyên tu thiền định và giữ gìn giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng. Những nơi này vắng vẻ, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng chẳng làm gì được sư, nhưng sư cho rằng chỗ này là ác địa, khó giáo hóa, bèn về làng cũ… Sau đó sư lại ra Tim Bút La và ở đó hơn tám năm”.
Về Chỉ Quán song tu hay Thiền, chúng ta trích một số đoạn trong Ngữ lục của ngài:
                              “Hằng gìn pháp nhẫn vô sanh
                         Chỉ quán vằng vặc phân minh rạch ròi”.      
Và:
                             “Máy thiền cơ trong nơi định tuệ
                             Phải tham tường mới kể chân tu”.
                                                                   (Sự lý dung thông)
Chỉ là tịch, quán là chiếu. Chỉ quán đồng thời là tịch chiếu đồng thời. Chân tâm, hay tánh giác, hay Pháp thân vốn có sẵn cái tịch chiếu đồng thời hay chỉ quán đồng thời này.
“Tịch mà hằng chiếu gọi là trí huệ Bát-nhã. Chiếu mà hằng tịch gọi là Giải thoát. Chiếu tịch đồng thể gọi là Pháp thân. Thí dụ minh ngọc viên châu. Minh là Bát-nhã, tịnh là giải thoát, viên là Pháp thân” (Kim Cương kinh giải lý mục).
Tu thiền là xoay ánh sáng trở lại quan sát tâm mình, nhìn ra bản tánh của tâm ấy:
“Nếu biết xoay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không. Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”.
“Trí năng chiếu vốn không, cảnh sở duyên cũng lặng. Cảnh và trí đều vắng thì tâm ý an nhiên. Đó mới là đường chính yếu của việc trở về nguồn”.
Trong bản tánh của tâm, không có chủ thể và đối tượng. Khi đi đến cùng cái tâm hàng ngày, mới thấy tâm chủ thể “vốn không”, tức thời cảnh đối tượng cũng lặng. Không tâm không vật, đó là nguồn cội, hay là bản tánh, của tâm.
Bản tánh của tâm, hay nguồn cội, hay tự tánh, không có vật gì và không có tư tưởng, phân biệt gì, giống như hư không. Nhưng cái giống như hư không ấy không phải vô tri, mà là thấu biết, nên gọi là tánh biết.
“Tự tánh rõ biết nên không đồng với gỗ đá. Tay không cầm ngọc như ý, cũng không tự nắm lại, nhưng như vậy không phải là không có tay. Vì tay an nhiên tự tại, nên không giống với sừng thỏ. Thời gian trước không có phiền não có thể bỏ. Thời gian giữa không có tự tánh có thể giữ. Thời gian sau không có Phật có thể thành. Đó gọi là ba thời đoạn dứt. Đó gọi là ba nghiệp trong mát”.
Bản tánh ấy không tăng không giảm, không dơ không sạch, không sanh không diệt, xưa nay thanh tịnh, chưa từng tách hở chúng ta mảy tóc. Đó là tâm ta, mà cũng là Phật tâm của ta.
“Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí (thói quen ô nhiễm) che ám, cảnh ngoài xoay chuyển bèn tự mê lầm mà thôi. Nếu nơi tâm mà vô tâm thì đó là Phật quá khứ. Vắng lặng bất động đó là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật, đó là Phật hiện tại. Thanh tịnh không nhiễm đó là Phật ly cấu. Ra vào không ngại đó là Phật thần thông. Đến đâu cũng an vui đó là Phật tự tại. Nhất tâm trong sáng đó là Phật quang minh. Niệm đạo kiên cố đó là Phật bất hoại. Biến hóa vô cùng, duy chỉ là một tánh chân”.

5.     Đốn ngộ

Đốn ngộ là thấy trực tiếp tự tánh, hay Phật tánh, hay tánh Không, hay Pháp thân: “Mặt Thầy sẽ thấy trên mặt mình”. Thấy được Phật tánh (Kiến đạo vị hay Thông đạt vị), vào con đường đạo và đi trên đó (Tu tập vị, con đường thiền định), cho đến lúc không còn tu tập nữa, không thiền định nữa (Vô công dụng đạo), cho đến viên mãn (Cứu cánh vị).
Thiền sư Hương Hải nói về điều này như sau: “Nếu biết xoay ánh sáng soi lại chính mình, bỏ cảnh mà quan sát tâm, thì mắt Phật sáng rõ mà bóng nghiệp thành không, Pháp thân hiện ra mà những dấu vết của trần dứt tuyệt”. Pháp thân hiện ra đó là đốn ngộ, và rồi tiếp tục tu cho đến khi chứng ngộ hoàn toàn Pháp thân.
Ngộ là thấy trực tiếp tự tánh hay “đạo”, và sau đó là tu bằng cách tương ưng không hở sót với nó:
                             “Thấy đạo mới tu đạo
                             Không thấy làm sao tu
                             Tánh đạo như hư không
                             Hư không làm sao có
                             Xem khắp người tu đạo
                             Khơi lửa tìm bọt nổi
                             Chỉ cần xem con rối
                             Dây dứt dừng hết cả”.
Ngộ là thấy nền tảng của cuộc sống thân tâm mình, nền tảng ấy Thiền gọi là tâm địa:
                             “Cần phải thầm tương ưng tâm địa 
                             Mới ngộ bình sanh đời trong mộng”.6.     Tiệm tu

Tiệm tu là y nơi tánh mà tu sau khi đã thấy phần nào thật tánh hay Pháp thân.
Đốn ngộ là thấy được một phần Pháp thân, tiệm tu là thấy và sống cho được trọn vẹn Pháp thân.  
“Pháp thân hiện ra, những vết trần dứt tuyệt. Dùng lưỡi dao huệ tự giác mà mở lấy chân tâm bị ràng rịt bên trong, dùng gươm huệ của nhất niệm mà chặt đứt những lưới kiến của bụi trần. Ấy là ý chỉ nghiên cứu cùng tột cái tâm, rõ nguồn cái thức”.
Tiệm tu là nhập sâu xa sau ngộ, theo quá trình Khai Thị Ngộ Nhập trong kinh Pháp Hoa. Thiền sư Hương Hải nói:
“Ấy lời khuyên dặn người thiền tử
Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu
Hằng rèn giới hạnh công phu
Lên đường tinh tiến nhẫn phù yên tâm
Ngày càng chuyển nhập chuyển thâm
Nguồn nhân bể quả chớ lầm tóc tơ”.
Dầu có nói đốn, nói viên thì cũng phải đốn viên trên con đường khách quan của Đại thừa gồm Thập tín, Thập hạnh, Thập trụ, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.
“Miễn lòng rồi tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hỏa chí bền kim cương
Nhân thiên mấy đấng phong quang
Tam hiền thập thánh một đường cao siêu”.
Đốn ngộ là một niệm tương ưng với Pháp thân, vượt khỏi tam hiền, đi vào dòng thập địa. Tiệm tu là niệm niệm tương ưng với Pháp thân cho đến viên mãn.
“Liền nay niệm niệm không dừng, đó là Phật hiện tại. Niệm niệm tương ưng tức niệm niệm thành Phật, đó là pháp môn phương tiện tối sơ”.

7.     Hạnh Bồ-tát

Hạnh Bồ-tát ở trong phần tiệm tu, một khi đã thấy tánh thì “xứng tánh làm Phật sự”. Do đó sự ngộ nhập Pháp thân càng thêm rộng thêm sâu.
Hạnh Bồ-tát là sống trọn vẹn với Phật tánh bằng tất cả thân tâm, mắt tai mũi lưỡi thân ý. Những chân lý Phật giáo được tìm thấy và sống ngay trong cuộc sống trần thế này, do đó chuyển hóa cuộc đời sanh tử bình thường thành Niết-bàn vô trụ xứ:
“Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy
Đứng ngồi cùng theo nhau
Nói nín cùng trong định
Chẳng lìa một mảy may
Như bóng, hình tương tợ
Muốn biết chỗ Phật đến
Chỉ lời, âm thanh vậy”.
Sống nhuần nhuyễn trong hạnh thì cõi này là Tịnh độ, chỗ nào cũng có Phật.
Y vào tánh Không hay Phật tánh để thực hành các ba-la-mật thì dần dần thâm nhập tánh Không, đến chỗ ba cái Không, là Không, Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện:
                                   “Kẹp non nhảy bể mới tài
                             Dùng ba-la-mật chứng ngoài Tam Không”.
Các hạnh Bồ-tát được làm y trên tánh Không và ở trong tánh Không nên như mộng như huyễn, hành động mà vẫn không hành động, hành động mà vẫn giải thoát:
                                   “Nhân đà lịch kiếp dụng công
                             Tu hành như ảo mộng trung hồi trình”.
Dần dần không còn chân và vọng, ta và người, phải và trái…  mọi phân biệt chia cắt đều tiêu tan hết, chỉ còn một Tánh Chân, một Phật tánh:
“Không trụ không trước, chẳng nhiếp chẳng thu, phải trái đều quên, năng sở đều dứt. Cái vắng lặng này cũng tức là Bát-nhã hiện tiền, tâm tâm làm Phật, không một tâm nào mà chẳng phải là tâm Phật, chốn chốn thành đạo, không một chốn nào chẳng phải là cõi Phật. Cho nên chân và vọng, vật và ta, nêu lên một mà thâu tất cả. Tâm, Phật, chúng sanh nhất như một thể”.
Đây là điều kinh Hoa Nghiêm  gọi là Nhập Pháp giới, hay đi vào Hải ấn tam-muội:
“Hết thảy chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chẳng ra khỏi Pháp tánh tam-muội. Dầu khi mặc áo ăn cơm, nói năng cử chỉ, đối đãi sáu căn, thường hành nhậm vận, thật là diệu dụng của Pháp tánh” (Kim Cương kinh giải lý mục).
Bảy đề mục ở trên là bảy phương tiện tu hành. Bảy phương tiện pháp môn này đều khởi xuất từ một nền tảng là Pháp tánh hay Phật tánh, cho nên chúng cùng ở trong nền tảng và hỗ trợ lẫn nhau cho thiền giả tiến tu. Càng đầy đủ phương tiện pháp môn, và mỗi phương tiện pháp môn càng phát huy sức mạnh thì sự tiến tu càng nhanh chóng và có nhiều kết quả. Nhưng nói riêng về một pháp môn, thì vì pháp môn nào cũng được thiết lập trên nền tảng Pháp tánh hay Phật tánh, nên ngay nơi một pháp môn, người ta vẫn có thể tìm thấy nền tảng pháp tánh hay Phật tánh. Và nơi mỗi pháp môn tu hành, mỗi pháp môn đều có đầy đủ các pháp môn khác. Trong sự dung thông vô ngại của các pháp môn đồng thời tiến bộ như vậy, hành giả tự tin và hoan hỷ đi trên con đường Thiền. (Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 212)

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

THƯỢNG THỪA TAM HỌC KHUYÊN CHÚNG PHỔ THUYẾTNguyên tác: Thiền sư Pháp Loa
Huệ Chi Lê Hữu Nhiệm dịch


blank
Phù học Phật chi lưu, tiên tu kiến tính. Kiến tính giả, phi vị hữu khả kiến chi vị kiến, nãi kiến vô khả kiến xứ nhi kiến chi. Có kiến kiến phi kiến, tắc chân tính thiện. Tính kiến vô sinh, tắc sinh kiến phi hữu; phi hữu tính thực, nhi thực kiến bất thiên. Cố danh chân thực kiến tính giả.
Kiến tính chi hậu, kiên trì tịnh giới. Vân hà tịnh giới? Dĩ thập nhị thời trung; ngoại tức chư duyên, nội tâm vô suyễn. Tâm vô suyễn động, cảnh đáo như nhàn. Nhãn bất vị thức sở duyên xuất; thức bất vị cảnh sở duyên nhập. Xuất, nhập bất giao, cố danh chế chỉ. Tuy danh chế chỉ, phi chỉ chỉ cố. Cố tri: nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý, diệc phục như thị. Thị danh Đại thừa giới; thị danh Vô thượng giới; diệc danh Vô đẳng đẳng giới.
Thử tịnh giới giả, tuy tiểu tăng dĩ chí đại tăng, giai khả trụ trì. Nhân trì đắc giới, kiên xác bất dao, thứ nãi tập thiền, thân tâm câu xả.
Thả tiền định chi yếu, tiên định kỳ tâm, thường tự tư duy: thân tòng hà lai? tâm tòng hà đắc? Tâm bất khả đắc, hà sở đắc thân? Thân tâm câu vô, pháp tòng hà hữu? pháp phi thực hữu, vô hữu hữu cố. Hữu phi hữu hữu, hữu hữu hà hữu? Hữu hữu dĩ vô, vô hữu hữu pháp. Pháp pháp bất pháp, pháp pháp hà y? Vô cứ vô y, pháp phi pháp pháp. Thử pháp phi thực, diệc phi bất thực. Đắc thực pháp chứng, năng chứng nhập thiền. Tu tập thiền thiền định, bất trứ công dụng. Dụng vô khả dụng, danh Thượng thừa thiền.
Ngoại tham "thoại đầu", vô sử gián đoạn; miên mật tương liên, diệc vô phùng hả, diệc bất điên đảo, diệc bất trạo cử, diệc bất trầm hôn. Hoạt bát bát để, như bàn tẩu châu; quang quýnh quýnh để, như đài phóng kính, Đáo giá điền địa, hành dã đắc, trú dã đắc, tọa dã đắc, ngọa dã đắc, ngữ dã đắc, mặc dã đắc, hà xứ bất vi chi đắc. Ký nhậm ma đắc, nhiên hậu đề đoạn tam quan ngộ cú, tam huyền, tam yếu, ngũ vị. Thuyên lượng tứ liệu giản, tứ tân chủ, tứ chiếu dụng, đẳng chư thiền tổ chi cơ quan; thất xuyên bát huyệt, đả khứ đả lai, chân nguyên thấu triệt. Phương năng tá Đăng vương chi pháp tọa, niêm thố giác, bỉnh qui mao, hoa phách nhất hồi, nhiệt mãn tứ chúng. Thủy khả chính nhậm ma thời, tiện phát vô thượng diệu tuệ, chiếu diệu vô phương, ư tứ lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô úy; bát chính đạo, Phật thập lực, thập bát bất cộng pháp, nãi chí bát vạn tứ thiên Đà-la-ni môn. Trần trần, sát sát, nhất thiết chư tam muội môn, giai tòng tự kỷ lưu xuất; nhất nhất cụ túc. Tuệ ký cụ túc, thí dữ chúng sinh, nguyện lực vô cùng, Giác tự giác tha, tứ sinh cửu loại, nhất thiết phổ triêm.
Cái tuệ nhi bất đắc định giả, do danh càng tuệ, định nhi bất đắc tuệ giả, diệc danh si thiền. Cái thiền hữu ngũ đẳng: nhất phàm phu, nhị  ngoại đạo, tam Tiểu thừa, tứ Đại thừa, ngũ Thượng thừa. Thử sở vị thiền giả, nãi Thượng thừa chi thiền dã. Tự Tỳ-lư-giá-na, kinh lịch bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp số. Đãi vu Thích Ca Mâu Ni, truyền hạ Tây thiên nhị thập bát tổ, Đông độ lục tổ, tổ tổ thụ thủ, chí vu dương dương yên, số chi bất tận, giai do thử giới, thử định, thử tuệ, nhi đắc chứng ngộ, phi hữu dư dã.
Chư tiểu tử! Ký nhập tùng lâm, trước nhất tử địa. Đồ hoa  nhi dĩ cầu danh dự, bất phục tham thủ đế xứ. Ná cá thị chư Phật, tổ, sư hạ thủ xứ; ná cá thị nhị thừa, ngoại đạo dụng tâm xứ. Đồ tự nhật lai nguyệt vãng,  dịch dịch tha cầu; nhất đán bất húy, tương nại chi hà! Ná thị yên thân lập mệnh xứ để. Thả tam thiên uy nghi, bát vạn tế hạnh, vô nhất thu hào vi tự kỷ phần. Tha nhật Diêm-la vương tất bất phóng nhữ tại! Nhĩ hà bất phản tự tư? Vật dĩ mộng trung sự vi ngôn, bát vô nhân quả, mãng mãng đãng đãng, chiêu ương họa, phi duy huy thế tông môn, diệc nãi đố tàn chính pháp.
Y! Ngô mạt như chi hà dã dĩ!
Dịch nghĩa
PHỔ THUYẾT KHUYÊN MỌI NGƯỜI VỀ TAM HỌC THƯỢNG THỪA
Người học Phật, trước tiên cần thấy tính. Thấy tính, không phải là nói về cái có thể nhìn thấy. Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy. Cho nên, nhìn thấy "cái thấy không thể thấy" thì chân tính sẽ hiện ra. Bản tính của cái thấy là vô sinh, nên "cái thấy sinh nẩy" là không có. Cũng không có sự thực hữu của tính, mà cái thấy chân thực thì không thay đổi, cho nên mới nói: thấy tính một cách chân thực.
Sau khi đã thấy tính rồi thì phải kiên trì tịnh giới. Thế nào là tịnh giới? Ấy là trong khoảng mười hai thời khắc của một ngày, bên ngoài tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không  xao động. Tâm không xao động thì cảnh dù hiện đến cũng như không. Mắt không bị thức lôi cuốn mà hướng ra ngoài; thức không bị cảnh níu kéo mà hướng vào trong. Ra, vào không giao tiếp với nhau, cho nên gọi là chế ngự sự dừng. Tuy gọi là chế ngự sự dừng, không phải là dừng hẳn cái cớ nên dừng. Từ đó mà biết rằng, đối với các "thức" khác như tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng đều như vậy. Đấy gọi là Đại thừa giới, là Vô thượng giới, cũng gọi là Vô đẳng đẳng giới.
Phép tịnh giới này, từ người tiểu tăng cho đến bậc đại tăng, ai cũng có thể nắm giữ và an trụ trong đó được. Từ chỗ  giữ được giới, vững vàng không lay chuyển, sau mới tu tập thiền định, thân và tâm đều cùng vứt bỏ. Vả lại điều cốt yếu của phép thiền định, là trước hết định cái tâm của mình. Luôn luôn tự mình suy nghĩ: thân từ đâu tới? Tâm từ đâu thành? Tâm đã không có thì do đâu mà có thân? Thân và tâm đều là không thì pháp từ đâu mà có được? Pháp đã không phải là cái "hữu" có thực thì "vô" cũng có duyên cớ từ "hữu". "Hữu" không phải là "cái có hiện hữu", vậy thì cái có hiện hữu lấy gì mà có được? Cái có hiện hữu đã là không, "vô" cũng có phép tắc của "hữu", "pháp" là bắt chước cái "không pháp", vậy thì cái "pháp tự nó" là dựa vào đâu? Không có căn cứ, không có chỗ dựa, "pháp" chẳng phải là cái pháp tự nó. Cái pháp đó không phải là thực cũng không phải không thực. Có được thực pháp chứng ngộ, thì mới có năng lực chứng ngộ nhập thiền. Việc tu tập thiền định mà không cần bám vào công dụng, thì sẽ dùng được cái không thể dùng, đó gọi là Thượng thừa thiền vậy.
Bên ngoài thì tham cứu "thoại đầu", chớ để gián đoạn. Liên miên, mật thiết, không xen kẽ chắp vá, cũng không chao đảo; không tròng trành, cũng không đắm chìm mê muội. Tươi roi rói như ngọc lăn trên mâm; sáng lung linh như gương rọi trên đài. Đạt đến cõi đất ấy rồi, đi cũng đặng, đứng cũng đặng, ngồi cũng đặng, nằm cũng đặng, nói cũng đặng, làm thinh cũng đặng. Còn có nơi nào mà không làm đặng? Khi đã đạt được như vậy thì mới thấu hiểu "tam quan ngộ cú", "tam huyền", "tam yếu", "ngũ vị", mới suy xét kỹ về "tứ liệu giản", "tứ tân chủ", "tứ chiếu dụng",và cơ vi của các thiền tổ, "bảy khe tám lỗ", xào đi xáo lại, thấu triệt chân nguyên. Bấy giờ mới có thể mượn pháp tọa của Đăng vương, nhổ sừng thỏ, vặt lông rùa tung bay rực rỡ một phen,  làm nóng bừng mặt và tối mắt muôn loài. Đúng vào lúc ấy mới có thể phát sinh vô thượng diệu tuệ, chiếu dọi muôn phương, soi vào tứ lượng tâm, tứ niệm xứ, tứ vô ý bát chính đạo, Phật thập lực, mười tám bất cộng pháp, cho đến tám vạn bốn nghìn cửa Đà-la-ni. Dài lâu hay chóng vánh, hết thảy các cửa Tam muội đều từ trong chính mình mà tỏa ra, nhất nhất đều đầy đủ. Tuệ đã đầy đủ, thì bố thí ra chúng sinh, nguyện lực vô cùng. Giác ngộ mình và giác ngộ người khác; bốn giống chín loài, tất cả đều được thấm gội cả.
Bởi vì, tuệ mà không đạt được định, thì còn gọi là tuệ cằn, định mà không đạt được tuệ, cũng gọi là thiền si. Còn nói về thiền thì có năm bậc: thứ nhất là phàm phu; thứ nhì là ngoại đạo; thứ ba là Tiểu thừa; thứ tư là Đại thừa; thứ năm là Thượng thừa. Cái gọi là "thiền" ở đây là thiền Thượng thừa vậy. Từ Tỳ-lư-giá-na, trải qua không biết bao nhiêu số kiếp mới đến Thích Ca Mâu Ni. Truyền xuống đến hai mươi tám vị tổ Tây thiên, sáu vị tổ Đông độ, tổ này trao tay cho tổ khác, đến mức mênh mông tít tắp, kể không hết được. Tất cả đều từ cái "giới" ấy, cái "định" ấy, cái "tuệ" ấy mà được chứng ngộ; không nhờ đâu khác.
Này các môn đệ! Đã vào rừng sâu, nên cắm lấy một miếng đất. Luống chỉ  chăm vào hoa lá để cầu tiếng tăm, không quay lại cân nhắc, lựa chọn nơi nào là nơi các vị Phật, tổ, sư đã trực chỉ, nơi nào là nơi đám nhị thừa và ngoại đạo dụng tâm; luống tự để cho ngày qua tháng lại, loay hoay tìm kiến những đâu, một mai nằm xuống thì biết làm thế nào? Còn biết chốn nào là nơi an thân lập mệnh nữa? Vả chăng, giữa ba nghìn uy nghi, tám vạn tế hạnh, không một mảy lông tơ nào là thuộc phần riêng mình. Ngày đó, vua Diêm-la tất không buông tha cho ngươi ở lại đâu. Vậy sao bọn các ngươi không  tự mình suy nghĩ lại? Chớ lấy việc trong mộng ra mà bàn, rồi gạt bỏ điều nhân quả, thả mình trong mịt mù hoang rậm, tự khoác lấy tai họa. Chẳng những làm sa sút tông môn mà còn làm ruỗng mọt chính pháp.
Ôi! Ta còn biết làm thế nào nữa đây!