Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

NƯỚC TRONG TRĂNG HIỆN


 Nước Trong Trăng Hiện

- Đạo Phật là gì?
- Đạo Phật là không gì cả.
- Ông nói đạo Phật không là gì cả cớ sao người người quay về quy y Tam bảo, nương tựa Phật – Pháp – Tăng?
- Đã bảo đạo Phật là không gì cả mà ông lại mê muội nói rằng nương tựa Phật – Pháp – Tăng là nghĩa lý gì?
- Không có cả Phật – Pháp – Tăng, phải chăng đây là lời đốn ngộ kẻ ngu hạ này nghe qua quả thật càng thêm mờ mịt, tôi xin ngài từ bi khai thị.
- Tam Tạng kinh chung cùng cũng chỉ là một phương pháp chỉ người lắng tâm. Nếu tâm ông phẳng lặng tức nước trong, nước trong thì trăng sẽ hiện. Nếu tâm ông phẳng lặng như gương soi tiếp vật thì đâu cần nương tựa đông tây, nam bắc mà chi nữa.
- Nước trong, trăng hiện – Đạo Phật chỉ thế thôi sao?
- Thế ông còn muốn gì thêm nữa?
- Nước trong, trăng hiện. Thật quá giản đơn. Cả pho Tam Tạng kinh chỉ bày mỗi điều ấy, có lẽ đâu thế.
- Phật không thuyết Tam Tạng kinh.
- Phật không thuyết Tam Tạng kinh vậy ai đã thuyết bộ kinh vi diệu đó.
- Phật nói 49 năm ta không nói một lời nào. Tổ nói ta không có một pháp cho người. Ông sao lại chẳng tin lời Phật, lời Tổ?
- Nước trong, trăng hiện nên hiểu ra làm sao?
- Nước trong, trăng hiện cũng chỉ là mượn lời để nói sao ông không y cứ thuận hành mà lại dùng tri kiến muốn hiểu nó?
- Kẻ ngu hạ này trước pháp đốn thật không đủ duyên khai ngộ, chỉ mong hiểu lý tiệm tu mà thôi. Nay hữu duyên gặp thiện tri thức nên rất mong được chỉ bày.
- Nước trong, trăng hiện như gương soi tiếp vật chẳng nảy sinh tình ý. Chỉ riêng câu nước trong, trăng hiện này mà đến cả những bậc hành giả xưa nay vẫn còn mê lầm chẳng nhận được bản lai huống hồ gì những kẻ tu hành trên môi miệng.
- Khi xưa Thái tử Tất đạt đa lao nhọc, bôn ba tầm đạo ngàn lối vẫn không thể sáng mắt, sáng lòng đến khi mòn mỏi dừng lặng lại mà nếm trải sự vi diệu chân thật của nước trong, trăng hiện. Tam Tạng kinh nói ra chung cùng cũng chỉ bày cho chúng nhân muôn phương nhận biết được điều đó. Nhưng chúng sinh chi loại vô minh dày đặc cứ lầm nhận ngón tay là mặt trăng nên Phật mới nói 49 năm ta không nói một lời nào. Thế mà nay có kẻ lại cho rằng Thiền – Tịnh – Mật là chân truyền của Phật Thích Ca, lời này thật quá mê muội và ấu trĩ.
- Ta hỏi ông khi nước trong xanh phẳng lặng như gương soi thì ông có thể nhìn rõ được hình ảnh chim bay ngang trời, có thể phân biệt được đấy là chim én hay đại bàng thông qua tấm gương nước ấy không?
- Nếu nước phẳng lặng trong xanh như gương soi thì hiển nhiên cảnh vật được phản chiếu lên đúng thật như bản thể của nó rồi.
- Đúng vậy. Chỉ cần ông hành được như thế thì với Phật, với Tổ nào đâu khác gì?
- Để hành được nước trong, trăng hiện thì nên hành Thiền, Tịnh hay Mật?
- Sao ông cứ mê đắm pháp phương tiện nhận lầm đấy là cứu cánh? Ta hỏi ông gương soi tiếp vật khi ấy gương có hành thiền, niệm Phật hay trì chú không?
- Ngài dạy chí phải, Thiền – Tịnh – Mật chỉ là phương pháp để lắng tâm mà thôi. Thưa ngài vậy chẳng lẽ Thiền – Tịnh – Mật không có một thần lực, không có phép màu vi diệu nào?
- Nước lặng, gương soi là vi diệu bản thể. Nước lặng, gương soi cần thần lực, cần phép màu để làm gì? Ông thật vô minh quá thể hay là ham tiếc sinh tử đây?
- Sao ngài nói tôi ham tiếc sinh tử?
- Cổ đức dạy “Cách vật, trí tri; Tình sanh, trí cách”. Như gương soi, nước lặng chẳng động tình thì sự vật thế nào, nó hiện bày thế ấy không yêu, chẳng ghét, khách quan vô cùng, khách quan mà không hạn cuộc rằng khách quan, sự sự rỗng lặng như thế, đâu dấy khởi thị phi. Vậy mà các ông tự lập pháp phương tiện thành pháp môn cho rằng đắc ý Thiền – Tịnh – Mật rồi dấy khởi tạo tác thị phi, tình chấp như thế, trí rỗng rang liền bị ngăn ngại đâu thể nào nếm được ý vị gương soi, tiếp vật; nước trong, trăng hiện nữa.
- Vậy chỉ còn là như gương soi, như là nước lặng; đấy là cái hằng thấy, hằng biết mà Phật, Tổ nói đến.
- Phật, Tổ nào nói còn lại cái hằng thấy, hằng biết. Đúng là ham tiếc sinh tử. Ông có biết rằng cái thấy biết thường hằng là nhân khiến ông cũng như chúng sinh vô minh trôi lăn, chìm nổi trong 6 thú không? Gương soi, nước lặng có bao giờ khởi ý “Ta là gương soi, ta là nước lặng” không?
- Thưa ngài! Thật không có lý đó! Rốt cuộc là không còn gì cả. Điều này rõ thật đúng cơ mà thật khó nghĩ cho thông đặng.
- Ông không tin thì cứ nghi. Chuyện tốt này chẳng dính dáng đến ta.

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021