Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

10 Huyền Môn. Bài 23- Bí mật ẩn hiển câu thành môn .- Pháp Thân - Báo Thân

Nhìn vào ta, ta có thể thấy ta với tư cách là một chúng sinh có tham, sân, si. Ta không thấy được mặt kia của ta. Mặt kia là Bụt vì ta cũng có hạt giống vô tham, vô sân, vô si và hạt giống từ bi. Hạt giống Bụt bị ẩn, hạt giống chúng sanh hiển. Nhưng nhìn cho kỹ thì thấy có Bụt ở trong ta. Ta có thể làm như thế nào để Bụt hiển ra và chúng sanh ẩn đi. Ví dụ khi ta tập thở, tập thiền hành thì ta làm cho Bụt hiển ra và chúng sanh ẩn đi. Bụt càng hiển lâu chừng nào thì ta càng được hưởng chừng đó. Bụt không ở ngoài ta, Bụt ở trong ta.
Khi vào chùa, ta chắp tay lạy Bụt. Ta thấy có người lạy (tức là ta) và người được lạy (tức là Bụt) đang ngồi trên bàn thờ. Có hai cái rõ ràng đứng ngoài nhau: ta ở đây và Bụt ở trên bàn thờ, hai người hoàn toàn khác nhau. Đó là trật tự ngoại nhiếp. Ta ở ngoài Bụt và Bụt ở ngoài ta. Nhưng nếu quán chiếu thì ta thấy Bụt trong ta và ta ở trong Bụt. Trong kinh Mười nguyện Phổ Hiền ta có thể quán chiếu được có ta trong Bụt, ở đâu có Bụt là có ta.
Trước khi lạy xuống, ta phải quán chiếu theo giáo lý Hoa Nghiêm, có nghĩa là phải thấy Bụt ở trong ta chứ không phải Bụt ngồi trên bàn thờ: "Bạch Đức Thế Tôn, con quán chiếu rằng, Ngài không phải ở ngoài con, Ngài ở trong con và con có thể tiếp xúc được với Ngài ngay ở trong con. Ở đâu có con là ở đó có Ngài, ở đâu có Ngài là ở đó có con." Thấy được thì mới nên lạy xuống. Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt. Như vậy, ta mới tiếp xúc được với Bụt thật. Nếu không, ta chỉ tiếp xúc được với cái tượng Bụt mà thôi.
Lạy Bụt không phải là một sự cầu nguyện, một sự cầu xin hay một hành động tín mộ (act of devotion) mà là một sự quán chiếu.
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Thực tập cho sâu sắc, cái lạy sẽ trở thành phương pháp thiền quán để quán chiếu sự tiếp xúc với Bụt trong tự thân chứ không phải là sự cầu xin, tín mộ nữa. Ta thấy được sự tương tức giữa ta và Bụt (interbeing between the Buddha and yourself). Ta không có mặc cảm ta là con số không, ta chỉ là khổ đau, còn Bụt là tất cả. Có như vậy thì sự thực tập mới thành công, ta không còn mặc cảm thua sút, đau khổ nữa.
Học giáo lý Hoa Nghiêm, ta phải biết quán chiếu khi nhìn vào hình hài của mình. Chúng ta thấy sự liên hệ của bốn yếu tố (đất, nước, gió và lửa) trong nội thân và ở ngoại thân. Đi sâu hơn nữa ta thấy không khí ta thở không phải là ở trong nội thân chế tạo ra. Chính rừng cây ở ngoài làm ra dưỡng khí cho ta thở. Ta thở và sống được là nhờ không khí ở ngoài thân. Vì vậy thân của ta không phải chỉ là hình hài này, nó là ở ngoài kia nữa. Thái Hư Đại Sư có viết một bài thơ trong đó có câu: Thân ngoại phi thân khước thị thân. Cái không phải thân, ở ngoài thân đó mới chính là thân của mình. The non-body elements out there is your true body. (Như vậy ta hình thành được Pháp Thân- Pháp giới vũ trụ là Thân ta).
Đó là quán thân trong thân. Chúng ta thấy thân của mình lớn như vậy. Ngay trong đạo Bụt nguyên thỉ, quán thân là tiếp xúc được với hình hài của mình. Tiếp xúc cho sâu sắc thì ta thấy hình hài ta cũng là hình hài của tổ tiên, của đất nước, của dòng họ. Vì vậy cái tất cả có trong cái một.
Trong ánh sáng của Hoa Nghiêm thì khi nhìn vào thân, ta phải thấy được những yếu tố “không thân” làm ra thân của ta. Ta tiếp xúc được với cái hiển mà cũng tiếp xúc được với cái ẩn. Ta tiếp xúc được với tổ tiên, quê hương, dòng họ trong thân thể này.
Nhìn vào một mặt ta chỉ thấy mặt đó thôi. Thành ra thực tập là để nhìn vào một mặt để thấy được tất cả các mặt còn lại. Tất cả đều hiển hoặc tất cả đều ẩn, và ta thấy được sự tương tức giữa ẩn và hiển: cái này ẩn thì cái kia hiển, cái này hiển thì cái kia ẩn. Có như vậy thì sự thực tập đi tới một mức rất cao. Khi chúng ta thở vào thì tất cả tổ tiên, ông bà, con cháu đều thở theo. Thấy được như vậy thì chúng ta không bị giam vào ý niệm ta chỉ là hình hài này, cảm thọ này, tri giác này, từ đó chúng ta buông bỏ được tất cả các mặc cảm, thấy được ta là một vị Bụt và báo thân của ta có thể bao trùm cả thế giới. Cho nên sự an vui của ta có liên hệ đến sự an vui của cả thế giới.
(trích học Hoa Nghiêm kinh.-TS. Thích Nhất Hạnh)
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Dharmakaya Dharma Body (The totality of space) Sambhogikakaya Bliss Body who hints at the Dharmakaya Sambhogikakaya Bliss Body Nirmanakakaya Emanational bodies The disciple must see and fully understand tand that his own Guru is all of the kayas at once'
Tất cả cảm xúc:
5

Không có nhận xét nào: