Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

10 Huyền Môn. Bài 19 - Môn Thuần tạp ẩn tàng đầy đủ công đức - Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại.

+ Thuần là tinh thuần,
+ Tạp là hổn tạp.
(Trong giáo lý Đạo Phật) Phàm trong thực tế thì sự vật do duyên sanh, nên là "tạp", nhưng trong cái "tạp" là hàm chứa cái "thuần".- Đó là "Thể NHƯ".
Lại trong cái "thuần" (Như), lại hàm chứa cái "tạp" (duyên sanh). Ví như chúng sanh do 5 uẩn hợp lại mà có (tạp). Nhưng mỗi uẩn thật chất đều là "Tánh không", là NHƯ (thuần). Đó là lý CHƯ TÀNG THUẦN TẠP CỤ ĐỨC MÔN.
Chân lý này nói ý nghĩa Thuần và Tạp, Chủ và Khách, Tâm và Vật, Tính và Tướng, Lý và Sự, Chất lượng và năng lượng, Vật chất và Tinh thần, hay Bản thể và Hiện tướng …đều dung thông vô ngại, khiến cho cái nọ trở thành cái kia, cái kia trở thành cái nọ, không còn mâu thuẩn với nhau, do đó mà mọi sự xích mích đều có thể giải tỏa, mọi bất đồng đều có thể tiêu tan, không còn phân biệt Ngã và Phi ngã, không còn cái ta nào hơn cái ta của toàn thể sự vật chung quanh mà ta ý thức được.
Mỗi chúng sinh là một phần tử của toàn thể.Mỗi chúng sinh đều có phật tính, điểm linh quang của toàn khối Chân Như.
Vậy, chúng sinh này với chúng sinh khác chỉ là một, không khác. Xã hội với cá nhân đều liên quan mật thiết với nhau, Hai bên đều là Chủ, là Bạn cho nhau để cùng sinh tồn, biến dịch..
Thuần là cái tự thân, cái riêng, tạp là cái hòa đồng, cái chung.
Tất cả các nhóm hiện hữu có đầy đủ tất cả các tính thuần và tạp của nó cùng một lúc.
Lấy ví dụ con xúc xắc để giúp cho ta hiểu thêm được ý của “cái một nằm trong cái tất cả”. Con xúc xắc có sáu mặt: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục. Nếu để như thế này thì ta chỉ thấy mặt lục thôi nhưng thật ra đàng sau nó có cả một nền tảng, mà nếu không có thì làm gì có mặt lục này. Nhìn thì thấy một mặt hiển, những mặt ẩn phía sau thì ta không thấy được. Hãy tưởng tượng nếu năm mặt kia không có thì mặt này có hay không? Lấy năm mặt kia đi thì mặt này cũng tiêu luôn. Chúng ta biết rằng cái một chứa đựng cái tất cả. Chúng ta tưởng đó là một nhưng nhìn cho sâu thì cái một đó chứa cái tất cả.
Ban đầu mình thấy mặt trên không phải là mặt dưới, mặt trái không phải là mặt phải. Nhưng mặt trên làm gì có nếu không có mặt dưới? Mặt dưới làm gì có nếu không có mặt trên? Một cái chứa đựng tất cả các cái. Mỗi cái có đầy đủ thuần và tạp, đó gọi là chư tạng thuần tạp cụ đức.
Đây là lối diễn tả của huyền môn cũ (cựu huyền môn) của tổ thứ nhất tông Hoa Nghiêm là thầy Đỗ Thuận. Sau này thầy Pháp Tạng, tổ thứ ba, có sửa lại cho hay hơn. Huyền môn mới (tân huyền môn) của thầy Pháp Tạng là:
* Quảng Hiệp Tự Tại Vô Ngại
Quảng là rộng, hiệp là hẹp. Cái rộng chứa cái hẹp mà cái hẹp cũng chứa cái rộng một cách rất tự do, không hề có sự ngăn ngại nào. Chúng ta cứ tưởng cái lớn chứa cái nhỏ, ai ngờ cái nhỏ cũng chứa được cái lớn. Con mắt sư tử chúng ta tưởng nó nhỏ, ai ngờ con mắt sư tử thâu chứa cả toàn thân sư tử. Nếu không có toàn thân sư tử đứng sau lưng thì không có con mắt đó. Con mắt sư tử nhỏ nhưng chứa được toàn thân sư tử. Một hạt bụi cũng vậy, một thiền sư đời Lý đã nói:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Có nghĩa là trời đất có thể đặt gọn lên đầu một sợi tóc. Càn khôn là trời đất. Mao là sợi lông, mao đầu là đầu sợi lông. Đem hết tất cả trời đất đặt lên đầu một sợi lông. Đó chứng tỏ rằng cái một chứa đựng cái tất cả (the whole is in the one).
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung có nghĩa là mặt trời và mặt trăng có thể được nhét gọn vào trong một hột cải. Hột cải rất nhỏ nhưng nó bao trùm được cả thế giới. Cái một bao trùm cái tất cả.
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm xúc:
3

Không có nhận xét nào: