Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

10 Huyền Môn. Bài 11 - Nhất đa tương dung- Vạn vật đồng nhất thể.

Để xây dựng một nền tảng hợp lý xác chứng quan điểm nhận thức phát xuất từ Thiền quán cho rằng vạn vật đồng nhất trên cơ bản và chỉ hiện hữu trong thế tương giao vô tận, Pháp Tạng trong Ngũ giáo chương tìm cách giải thích tại sao và như thế nào vạn hữu hiện khởi hỗ tương nhiếp nhập vô ngại. Luận chứng đại cương có thể tạm chia làm ba phần. Phần đầu đề cập tánh đồng nhất của vạn hữu, kế tiếp là vấn đề hỗ tương y tồn, và cuối cùng chứng minh một là tất cả, tất cả là một.
Trước tiên, Pháp Tạng thuyết minh sự bao hàm và dung nạp lẫn nhau giữa Hiện tượng và Bản thể, giữa Sự và Lý, đúng theo ý nghĩa câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Tâm kinh. Đó là bước đầu cần thiết cho sự thiết lập hệ thống tư tưởng gọi là thuyết sự sự vô ngại. Ba khí cụ được sử dụng trong giai đoạn mở đầu này. Một là lý duyên khởi, căn cứ sở y của hệ thống, thứ đến là thuyết ba tánh dùng làm khung ý niệm để thảo luận các vấn đề duyên khởi, và cuối cùng là phép tứ cú của Trung quán, phương thức thích hợp nhất để quán sát và phân tích ba tánh.
Có nhiều nguyên nhân được nêu ra khác với lý do cần thiết để cắt nghĩa tại sao Pháp Tạng dùng thuyết ba tánh của phái Duy thức theo truyền thống Huyền Tráng làm khung ý niệm để luận chứng về thuyết sự sự vô ngại hay pháp giới trùng trùng duyên khởi. Bao gồm một học thuyết quan trọng của phái Duy thức như thuyết ba tánh có thể là để hiển bày đặc tính viên dung của hệ thống tư tưởng của Ngài. Lại nữa, đưa thuyết ba tánh làm một phần của toàn bộ tư tưởng của Ngài là một cách gián tiếp chỉ trích thuyết này có tính cách phiến diện chỉ soi sáng một phần của toàn thể mà thôi. Ngoài ra, theo một số học giả Nhật bản, Pháp Tạng muốn chứng tỏ với triều đình nhà Đường rằng triết lý viên dung của Hoa nghiêm theo cách Ngài giải thích đầy đủ hơn thuyết Duy thức của Huyền Tráng và cung cấp một cơ bản lý do thích ứng với các mối quan hệ giữa Triều đình Thiên tử và các nước chư hầu lúc bấy giờ. Ngang đây, tác giả bài này không thể không băn khoăn về tình thế hiện tại trên hoàn cầu và không ngăn chận được ý nghĩ nếu Hoa kỳ mê muội không biết học hỏi và tìm cách ứng dụng lý thuyết tương dung của Hoa nghiêm trong chính sách toàn cầu hóa thời quả là một điều bất hạnh cho nhân loại!
Trái với quan điểm Duy thức, Pháp Tạng cho rằng cái gọi là chơn và vọng không phải là hai thứ trật tự của thực tại hoàn toàn riêng biệt và đối nghịch nhau mà thật ra chúng bất tương ly và vô sai biệt. Để chứng minh chỉ có một thực tại trong đó chơn vọng hòa hiệp, không một không khác, Pháp Tạng trước hết giải thích tánh nào trong ba tánh cũng có hai nghĩa giống nhau là vọng và chơn hay Hữu và Không. Từ đó Ngài đồng nhất hóa ba tánh, giảm trừ khoảng cách và sự sai biệt giữa hai đối cực, biến kế và viên thành, vọng và chơn, mê và ngộ, luân hồi và niết bàn, tục đế và chân đế, ... đến độ chúng hóa đồng nhất. Hơn nữa, bằng phương pháp rút ba về hai Pháp Tạng chỉ cho thấy cái thế giới ngoài kia chẳng những là một thế giới sắc tướng mà còn chính là Pháp thân của chư Phật.
* Đồng nhất trong dị biệt.
Sau bước đầu chứng minh sự bao hàm và dung nạp lẫn nhau giữa hiện tượng và bản thể, giữa Sự và Lý, nay đến giai đoạn giải thích thế nào là vạn hữu đồng nhất thể. Vì “Do tánh Không mà tất cả pháp được thành tựu và hợp lý” (Trung luận) và “Cái Một luân lưu toàn vẹn trong thế giới đa thù” (dẫn chứng kinh Hoa nghiêm trong Lăng già sư tư ký của Huệ Khả), cho nên vạn vật dù tướng dạng sai khác đến đâu, chúng cũng đồng nhau ở chỗ tất cả đều Không. Đồng nhất ở đây là đồng nhất trong dị biệt, nghĩa là sự vật giống nhau vì chúng khác nhau.
Chủ trương đồng nhất trong dị biệt của Pháp Tạng được thấy trong cách phân tích mọi hữu thành hai thể, đồng thể và dị thể. Đây là kết quả của luận chứng phân tích ba tánh. Riêng mỗi tánh và toàn ba tánh đều có hai nghĩa, tùy lúc gọi tên khác nhau, khi thời chơn và vọng, khi thời Không và Hữu. Vì ba tánh là các pháp sở tri cho nên pháp sở tri nào cũng theo đó mà có hai nghĩa như vậy. Lần này, hai nghĩa là đồng thể và dị thể và do hai nghĩa này mà các pháp thành tương tức tương nhập. “Sở dĩ có hai môn này là vì trong các duyên khởi môn đều có hai nghĩa: 1. Không hỗ tương quan hệ (bất tương do nghĩa); bởi vì mỗi cái tự thân đầy đủ các phẩm tính (cụ đức), như trong nhân không cần hội đủ duyên (bất đãi duyên). 2. Hỗ tương quan hệ (tương do nghĩa), như cần hội đủ các duyên vậy. Nghĩa đầu là đồng thể; nghĩa sau là dị thể.” (T. 45, 1866, 503b. Tuệ Sỹ dịch).
Hiểu một cách tiêu cực, đồng thể có nghĩa là hết thảy pháp đều giống nhau ở chỗ có tự thể Không. Tuy nhiên, tất cả pháp là dị thể tại vì trên phương diện Hữu mỗi pháp có mỗi cách khác nhau. Như lửa và nước đồng nhất thể vì bản thể chúng là Không, nhưng cách thức mỗi môn hiện có thời rõ ràng là dị biệt.(Tham khảo: Hồng Dương Nguyễn Văn Hai - NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI)
* Nhất đa tương dung.- Có nghĩa là - Vạn vật đồng nhất thể.- Tức là Đồng một Thể Tánh Không- Thể Chân Như- Thể Pháp Thân của Phật
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm xúc:
2

Không có nhận xét nào: