Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

10 Huyền Môn. Bài 8 .- Tương Dung An vị.- Lục Tướng:

Trong pháp giới, mỗi pháp đều có đủ 6 tướng: Tổng tướng-Biệt tướng, Đồng tướng-Dị tướng, Thành tướng-Hoại tướng.
Tổng đối với Biệt; Đồng đối với Dị; Thành đối với Hoại.
Tổng tướng: Là tướng bao quát toàn thể một vật hay một vật nào đó.
Biệt tướng: Là tướng đặc biệt của mỗi một bộ phận cấu thành toàn thể sự vật đó. Nhiều biệt tướng cọng thành một Tổng tướng. Đã có Tổng thì có Biệt, nếu không có Biệt thì cũng không có Tổng. Trong Biệt tướng lại có Đặc dị tính; trong Dị tướng có Sai biệt tính.
Ví dụ, sư tử là tổng tướng. Tổng tướng là tướng chung (universal). Năm căn của sư tử (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tượng trưng cho biệt tướng. Biệt tướng là tướng riêng (particular). Tổng tướng do biệt tướng làm ra. Biệt tướng hợp lại thành tổng tướng.
Đồng tướng: Là tướng giống nhau của một số vật. Đó cũng là tính dung hòa không ngăn ngại, không chống đối nhau của mọi vật.
Dị tướng: Là tướng riêng biệt của vật này, vật khác. Hình tướng của mọi vật tuy có khác nhau, nhưng về mặt lý tính thì không có sai khác.
Theo kinh Hoa Nghiêm, thì không có một ngăn ngại, mâu thuẫn nào giữa Đồng và Dị, và giữa Dị và Dị
Dị là Sự, có nghĩa là mọi vật, mọi việc riêng rẽ nhau. Đồng là Lý hay là Nhất, mà Lý là Thể của Sự nằm trong Sự. Tất cả sự vật trên đời này không có thực thể đồng nhất bất biến, mà chỉ là một hiện tượng của nguyên thể hay chân thể, tức là Lý mà thôi.
Khi nhìn một Tổng tướng là cái nhà – Biệt tướng là các nhân tố để làm thành cái nhà. Tuy là từng viên gạch khác nhau, từng tấm ván khác nhau nhưng có một cái gì đó làm cho những cái khác nhau đến với nhau để làm thành một cái tổng quát. Trong cái đồng có cái dị và trong cái dị có cái đồng. Từng viên gạch, từng tấm ván là những cái khác nhau. Nhưng khi những cái khác nhau tới với nhau hòa hợp lại với nhau và làm thành một cái gọi là đồng tướng (sameness). Tất cả đều là nhà, nhìn vào viên gạch nào cũng thấy nhà mà nhìn vào tấm ván nào cũng thấy nhà. Tất cả những cái trong nhà, những chi tiết, những yếu tố, những mảnh nhỏ đều là nhà, không có cái nào không là nhà. Cái nào cũng có đồng tướng, tại vì nó là một phần của nhà, nó là nhà.
Thành tướng: Là tướng thành tựu của nhiều bộ phận hợp thành sự vật.
Hoại tướng: Là sự tan rã một sự vật lớn thành nhiều phần tử nhỏ.
Thành hoại là quy luật tất yếu do nhân duyên, mỗi sự mỗi vật trong Tổng-Biệt tướng đều trải qua từ Dị tới đồng – Đồng Đồng-Dị Dị mà hình thành, mà tan rã.
Khi nói Tổng-Đồng-Thành là đứng về phương diện toàn thể viên dung, bình đẳng của bản thể; Khi nói đến Biệt-Dị-Hoại là đứng về phương diện hiện tượng , trong đó mọi sự vật đều phơi bày riêng rẽ hình tướng khác nhau. Vạn hữu trong vũ trụ tựu trung đều gồm 2 tính cách Bình đẳng và Sai biệt.
Ba tướng Tổng-Đồng-Thành đều có tính cách viên dung, vô sai biệt; Ba tướng Biệt-Dị-Hoại đều có tính cách sai biệt bất bình đẳng và ngăn ngại nhau. Hết thảy mọi pháp trên thế gian này đều có đủ 6 tướng nói trên, không một pháp nào lại không viên dung tự tại, bởi thế nên gọi là 6 tướng viên dung.
Vạn vật đều gồm đủ 2 nghĩa: Sai biệt (trên mặt hiện tượng- Huyễn Tướng); và bình đẳng-vô sai biệt (trên mặt bản thể- Như Tướng). Không một pháp nào lại không có đủ cả hai mặt hiện tượng và bản thể. Hai lẽ ấy không lúc nào rời nhau, một ẩn bên trong; một hiện ra ngoài, bao bọc lấy nhau, trong-ngoài cùng là một vật. Và trên thực tế thì bên ngoài (hiện tượng- Huyễn Tướng) tức là bên trong (bản thể- Như Tướng). Chân như tức là Vạn pháp-Vạn pháp tức là Chân như. Lý tức Sự; Sự tức Lý theo tư tưởng Bất nhị.
Có thể là hình ảnh về đền thờ
Tất cả cảm xúc:
4

Không có nhận xét nào: