Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

10 Huyền Môn. Bài 26 - 8/. Đồng thời cụ túc tương ứng môn- Hải ấn tam muội.

Đây là lý duyên sanh. Cái này có là vì cái kia có, đồng thời có trong nhau.
Tất cả hiện tượng đồng thời tương ứng, đồng thời đầy đủ, theo lí duyên khởi mà thành lập, một và nhiều dung hợp nhau thành một thể, không có trước sau sai khác.
Đây là nói về sự cộng đồng liên hệ, trong đó vạn vật cộng đồng hiện hữu và đồng thời hiện khởi. Tất cả đều cộng đồng hiện hữu không những chỉ trong quan hệ không gian mà cả trong quan hệ thời gian; không có sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi thời bao hàm các thời phần khác. Mặc dù chúng có vẻ sai biệt và cách biệt trong thời gian, nhưng tất cả đều được hợp nhất thành một thực thể, theo quan điểm viên dung.
* Các pháp trong vũ trụ đều vô ngã, vô thường, dung thông vô ngại. Thới gian, không gian, động lực, sự sống v.v…cùng một lúc đồng thời tồn tại, tương tức, tương nhập, tương sinh, tương diệt, không có pháp nào có tự tướng riêng biệt, độc lập cả. Trong khi nêu lên một pháp gì, đồng thời có đủ ngay các pháp khác trong đó,Muôn pháp đều ảnh hưởng lẫn nhau theo thế giây chuyền trùng trùng điệp điệp.
Kinh Hoa Nghiêm ghi: "Hết thảy mọi pháp như một biển lớn vô tận, cùng chung một đạo tràng. Mỗi pháp ví như một giọt nước biển, có đủ mùi vị của nước trong trùng dương bát ngát do muôn sông ngòi to nhỏ đổ vào".
Đồng thời xuất hiện, đã đầy đủ ý nghĩa không cần phải truy nguyên, suy diễn theo ý người, cũng như ý ta để cố tạo ra một sự đồng cảm, đồng điệu nào. Vì mọi sự chuyển động từ sinh đến diệt trong những hoàn cảnh thời gian nào đều duyên nhau không rời.
* Cụ túc là đồng thời cùng một lúc, như trong ví dụ sư tử vàng.- Khi vàng hiển hiện thì sư tử và vàng có mặt cùng một lúc, tương ứng với nhau, không tính cái nào có trước cái nào có sau thì gọi là cụ túc tương ứng môn.
* Trong kinh có một hình ảnh hồi xưa Đức Thế Tôn hay dùng, đó là hình ảnh giao lô. Giao lô là những cây sậy dựa vào nhau. Lô là cây sậy.
Đức Thế Tôn thấy ba cây sậy chụm lại thì đứng vững không ngã xuống được. Nếu lấy đi một cây thì hai cây kia rớt xuống. Lấy đi bất cứ cây nào trong ba cây thì hai cây còn lại sẽ rớt xuống. Sự đứng vững của cây này tạo thành sự đứng vững của hai cây kia. Chúng ta không thể nói cây này đứng vững được rồi thì mới tới cây kia. Không có sự vững chãi của cọng lau này trước rồi mới có sự vững chãi của cọng lau kia sau. Sự vững chãi của mấy cây lau xảy ra đồng thời.Tương ứng là hưởng ứng với nhau cùng có một lúc.
Cũng giống như một tam giác ABC. Khi vạch một đường thẳng từ A xuống H chúng ta có hai tam giác nhỏ T và S. Không thể nói tam giác S có trước rồi tam giác T có sau hay T có trước rồi S có sau. Hai tam giác T và S đồng thời câu khởi và có mặt cùng một lúc gọi là đồng thời cụ túc tương ứng. Tương ứng là hưởng ứng với nhau cùng có một lúc.
Hỏi: Nếu nhân quả đồng thời thì nhân là quả. Nhân mà thành quả ư? Sao có thể nói chẳng mất nhân quả?[17]
Đáp: Như Địa Luận nói “Y nơi duyên có 2 loại mà thị hiện 2 loại thời. Y nơi nghĩa của nhân gọi là nhân. Y nơi nghĩa của quả gọi là quả”. Há có thể mất nhân quả sao? Đã nói nhân quả đồng thời, sao gọi là mất được? Nếu nó mất sao lại gọi là nhân quả đồng thời? Nhân quả đồng thời đã vậy thì giáo nghĩa, lý sự v.v… đồng thời cũng vậy.
Hỏi: Đã nói đồng thời tương ưng, nay nêu một việc nhân quả là đủ hết 10 môn giáo nghĩa … phải không?
Đáp: Đây chỉ nêu 10 môn là muốn hoàn thành nghĩa vô tận. Nếu luận về 3 thứ thế gian viên dung thì chỉ một sự là đủ 10 môn, cũng đủ vô tận vô lượng pháp giới, hư không, pháp môn, thành vô tận lại vô tận. Nếu y nơi việc riêng lẽ mà luận thì chẳng thành vô tận, chỉ đồng với Đại thừa.
Tính cách đồng thời vừa nói chính là nhân quả đồng thời, nhưng không xét theo tự thể mà chỉ xét theo tác động. Không xét theo tự thể, tức là không nói sự thể này đã sinh ra sự thể kia như thế nào. Nói tác động là nói sự phản chiếu, và là phản chiếu trong toàn diện. Trong cái chủ động, phản chiếu toàn diện cái bị tác động, và ngược lại. Sự phản chiếu ấy lập nên nhân quả đồng thời.
Từ lý luận trên, người ta nói, khi một sự thể tự biểu lộ toàn diện của nó, đồng thời biểu lộ toàn diện tất cả sự thể khác. Đến lượt mỗi sự thể trong cũng tự biểu lộ và biểu lộ tất cả. Như vậy mọi sự thể xuất hiện trong tương quan, và vì tương quan ấy là tương tại và tương thị nên trở thành tương quan vô tận; trật tự nhân quả vẫn không rối loạn.
Thế giới vô hạn là cái một duy nhất, tức là một toàn thể. Cái một toàn thể được chứa đựng, không dư hay thiếu, trong cái một sai biệt. Đây chỉ là luận ly, thuần túy lý luận. Bởi vì người ta cần có một thế giới vô tận và vô tận như vậy để thiết lập mọi tác dụng của mình trong sự sống, và vận dụng chúng cho một cứu cánh độc nhất.
Trước một thế giới vô hạn và vô tận ấy, người ta cảm thấy khỏi cần vượt qua ngoài vị trí cá biệt của mình mà vẫn có thể thực hiện vô biên tác dụng. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tất cả các pháp môn như một biển cả vô tận điều tụ hội ở một pháp trong đạo tràng". Đó là kinh nói về phương tiện vô biên của Phật. Tất cả những điều Phật nói phát ra từ Hải ấn tam muội. Cũng như tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú, vân vân. Đều in bóng trong lòng biển - hải ấn, vừa như là một - vì có vị trí cố định - và như là tất cả - vì khắp mọi nơi trong lòng biển. Cũng vậy, từ Hải ấn tam muội, thân của Phật như một biển cả, trong mỗi lỗ chân lông xuất hiện vô biên thế giới.
Nói tóm lại, mỗi sự thể phản chiếu tất cả mọi sự thể, và trong tất cả đó, mỗi sự thể này cùng phản chiếu tất cả mọi sự thể. Thế gọi là cụ túc - có đủ. Chúng đồng thời phản chiếu lẫn nhau tạo thành thế giới trùng vô tận.
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm xúc:
3

Không có nhận xét nào: