Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Pháp Hành Quyết Định Thành Phật Cho Người Học Phật Ngày Nay (P.2)

Pháp Hành Quyết Định Thành Phật Cho Người Học Phật Ngày Nay (P.2)
Tụng kinh, niệm Phật, Trì giới, Tọa thiền, làm lành, lánh dữ, tham công án, chiếu cố thoại đầu, thọ trì Tứ Niệm Xứ,... có phải là pháp hành chính thống của Phật môn không?
Có câu "Tất cả các pháp đều là Phật pháp" thì có điều chi không là pháp hành của Phật đạo kia chứ? Nhẫn đến việc quy y ngoại đạo, hành thiền luân xa, rèn luyện Pháp Luân Công hay niệm Chúa Jesu, Thánh Alah,... thảy đều là Phật pháp.
Vậy tất cả pháp hành mà người học Phật xưa nay thuận hành hay nghịch hành đã tồn đọng khiếm khuyết gì mà nên nỗi người học Phật xưa nay trải qua muôn vài ức hiếp vẫn chưa thành tựu được Phật quả, chứng ngộ việc giải thoát hoàn toàn?
Các pháp vốn tròn đầy, chẳng tổn khuyết. Người thấy pháp nhìn chiếc lá rơi vẫn có thể chứng ngộ trọn vẹn sự giác ngộ giải thoát. Vậy nên lập chế định có pháp hành cố định thành Phật là đã tự giam hãm Tuệ tri, tự đâm mù mắt huệ của chính mình.
Vậy vấn đề gì đã khiến người học Phật xưa nay không thể chứng ngộ trọn vẹn Phật quả dù rằng tinh tấn học hỏi, nỗ lực thọ trì những pháp hành Phật pháp?
...
Vấn đề chính là ở chỗ người thọ trì pháp hành nhận lầm phương tiện cho là cứu cánh, từ đó chấp thủ nơi "cứu cánh lầm nhận" dẫn đến việc chướng ngại sự đột phá nơi tuê tri, mãi mãi lệ thuộc nơi ngã kiến - Lạc đọa ở sở tri chướng.
Qua lời Thầy Tổ, thiện tri thức người học Phật biết các pháp môn chỉ là cái bè, nương vào bè người học Phật sẽ có cơ may qua được bờ bên kia. Song người học Phật xưa nay một khi biết chiếc bè là chiếc bè, liền ôm níu chiếc bè của mình trải qua một thời gian dài thọ trì, gìn giữ lại cho rằng đây là cứu cánh rồi rơi vào việc chấp pháp sâu nặng, ra sức xưng tán, bảo hộ phương tiện đang nương gá bằng việc khẳng định đây là pháp môn thù thằng, từng bước rơi vào việc lạm bàn tranh hơn thua, luận cao thấp - Việc ôm giữ pháp phương tiện trở thành việc đội chiếc bè trên đầu, kết quả là thêm phần gánh nặng đâu dễ qua sông.
...
Có rất nhiều người tham cứu kinh sách Phật học một thời gian liền vướng vào sở kiến tự đầy đủ, lại biết kinh Phật là ngón tay chỉ trăng, biết pháp môn là phương tiện nhưng thay vì nương vào phương tiện ngõ hầu qua sông thì lại ngồi đấy ôm giữ phương tiện mãi chẳng buông cho rằng đó là hạ thủ công phu, rồi tiến đến việc gặp ai cũng marketing về phương tiện pháp bảo thù thắng, rồi lập đạo tràng ôm giữ chiếc bè. Và người học sẽ mãi giữ chiếc bè, chẳng dám rời chiếc bè bởi lẽ người thọ trì e sợ việc rời phương tiện sẽ bị đuối nước, sẽ bị chìm đắm. Phương tiện bỗng chốc trở thành gánh nặng.
...
Người học Phật ngày nay hành pháp Phật muốn thành tựu Phật quả sao chẳng xét lại xem Thái tử Tất đạt đa đã thực hành pháp gì mà thành Phật?
- Thái tử Tất đạt đa có giữ giới, có tụng kinh, có niệm Phật, có trì chú, có tọa thiền, có làm lành, lánh dữ, có cầu nguyện, có thực hành các pháp tu của ngoại đạo,... hay không?
- Xin thưa rằng Thái tử Tất đạt đa trước khi thành Phật đã thọ trì tất cả những điều đó, việc thọ trì không chỉ dừng lại ở "đầu môi, chóp lưỡi" mà còn chạm mức tín tâm hạ thủ công phu một cách dũng mãnh, quyết liệt thông qua việc từ bỏ vương quyền, dòng tộc - gia đình - vợ con để thực hành tất cả các pháp phương tiện đã từng được người đời tin nhận, tầng lớp Bà la môn tán thán.
...
Thông qua hành trạng dấn thân tìm đạo của Phật mỗi người chúng ta sẽ thấy được sự khát khao giải tỏa những trăn trở, những bế tắc tâm linh trong tâm hồn của Thái tử Tất đạt đa. Điều này cho thấy động cơ và mục đích của việc tìm đạo, cầu đạo, hành đạo sẽ đóng một vai trò quyết định cho việc thành tựu đạo quả. Việc bức ngặt là thật sự cần thiết, người học Phật đến với đạo Phật chỉ bằng vào hình thức hoặc chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" thì khó thể thành tựu được cứu cánh niết bàn vô sở đắc có chăng chỉ nếm trải được sự an tịnh nhất thời.
...
Xét lại các pháp hành mà Phật đã từng trải khi chưa chứng ngộ ta sẽ thấy Thái tử Tất đạt đa thực sự đã thực hành tất cả những pháp hành của ngoại đạo mà chứng ngộ.
Có thể sẽ có người cắc cớ chất vấn Ngạo Thuyết rằng Thái tử Tất đạt đa đã niệm Phật hiệu là gì mà giác ngộ thành Phật?
- Xin thưa rằng Thái tử Tất đạt đa đã niệm Phật là Đấng Braham, đã niệm Phật là Thần Lửa,... niệm Phật là những Đấng quyền năng mà dân chúng cũng như các tầng lớp Sát Đế Lợi, Bà La Môn ở quanh lưu vực sông Hằng lúc bấy giờ tin nhận. Phật đã từng quy thuận ngoại đạo để cầu đạo thì việc tín thành hành pháp hành ngoại đạo là lẽ đương nhiên.
...
Vậy phải chăng các pháp hành giữ giới, có tụng kinh, có niệm Phật, có trì chú, có tọa thiền, có làm lành, lánh dữ, có cầu nguyện, có thực hành các pháp tu của ngoại đạo,... vốn thật đều là pháp hành của ngoại đạo đồng thời cũng là pháp phương tiện, là chiếc bè đã một thời giúp Thái tử Tất đạt đa vượt dòng sinh tử luân hồi?
...
Xem đến đây hẳn là khá nhiều người học Phật sẽ khá bất ngờ với luận thuyết giữ giới, có tụng kinh, có niệm Phật, có trì chú, có tọa thiền, có làm lành, lánh dữ, có cầu nguyện, có thực hành các pháp tu của ngoại đạo,... song thực tế là vậy. Nếu tấm lòng người tham cứu trang Nikaya & Đốn Ngộ mà có sự cởi mở, khách quan thì nhận định này không hề trái đạo hay lệch lạc với chánh pháp mà Phật Thích Ca trao truyền.
Thực tế là không phải chỉ vì thêm chữ Phật vào sau các pháp hành của ngoại đạo mà pháp hành đó trở thành là sản phẩm của đạo Phật. Nếu nói về giới luật thì Ngạo Thuyết e rằng tín đồ Kì Na Giáo sẽ giữ giới nghiêm cẩn hơn người học Phât rất nhiều lần; Nếu nói về trì chú, tụng kinh, niệm hồng danh các Đấng quyền năng, ngồi thiền,... Ngạo Thuyết tin rằng ngoại đạo thực hành bài bản nghiêm túc hơn người học Phật rất nhiều... Và người học Phật sáng suốt phải thừa nhận một sự thật là phần lớn các pháp hành mà người học Phật ngày nay đang thọ trì là một sự kế thừa, một sự cải biên ít nhiều từ các pháp hành của ngoại đạo.
Và một điều quan trọng khác mà người học Phật ngày nay phải nhìn nhận lại, đó là không phải một khi người học Phật xướng tụng "Một quy y Phật, hai quy y Pháp, ba quy y Tăng" là đã bước vào đạo Phật. Hình thức "Tam quy y" chỉ là hình tướng người học Phật gõ lên cánh cửa Phật môn mà thôi.
...
Một điều đáng lưu ý khác khi nhìn nhận việc Thái tử Tất đạt đa thực hành các pháp hành của ngoại đạo mà thành tựu quả vị Phật chính là ở chi tiết Phật tham cứu tất cả giáo lý ngoại đạo và nghiêm túc, tín thành thực hành cùng chuyên cần. Chính điều đó đã giúp cho kiến thức của Thái tử Tất đạt đa về đạo học dàn trải, rộng khắp và khi nhận ra các pháp hành của ngoại đạo đã giam hãm sở tri vào những Đấng quyền năng không có toàn tri như con người lầm tưởng.
Nhận thức được điều đó Thái tử Tất đạt đa đã từ bỏ những pháp hành chủ về xưng tán của ngoại đạo mà thực hành việc nội quán, ngoại quán sâu xa.
Chính nền tảng của thiền định, kết quả của việc thực hành pháp tọa thiền của ngoại đạo đã phát huy những hiệu quả nhất định mỗi khi Thái tử Tất đạt đa thực hành thiền quán, những sở kiến mê lầm nương nơi giáo lý ngoại đạo từng bước rơi rụng. Những pháp phương tiện vay mượn từ ngoại đạo Thái tử Tất đạt đa từ bỏ dần và sau cùng ngay cả chiếc bè thiền định, thiền quán Thái tử Tất đạt đa cũng bỏ lại sau lưng. Thái tử Tất đạt đa chạm đến sự giải thoát hoàn toàn khi nhận ra sự vô ngã ngay nơi chính tự thân cũng như vạn pháp. Và nền tảng tri kiến ngoại đạo dồi dào giúp Thái tử Tất đạt đa trở nên là một Giác Giả giác ngộ hoàn toàn.
...
Ngạo Thuyết trình bày việc Thái tử Tất đạt đa thành Phật lao nhọc nhằm mở ra một nhận thức rành rõ là "Muốn Thành Phật Phải Trau Dồi Tri Kiến Phật. Và Tri Kiến Phật Sẽ Là Bao Gồm Tất Cả Tri Kiến Cùng Pháp Hành Của Ngoại Đạo". Tiếp đến là việc nội hóa thông qua việc thiền định, thiền quán.
...
Đấy là pháp hành quyết định thành Phật cho người học Phật ngày nay.
...
Còn bạn? Bạn đến với đạo Phật với niềm mong mỏi gì?
Nếu chỉ đơn thuần là thoát khổ, giải thoát hoàn toàn thì không cần phải lao nhọc như thế nhưng việc "tháo gỡ" những tri kiến mê lầm về đạo Phật, về pháp hành luôn là sự cần thiết nếu bạn muốn tiến bộ trên con đường đạo.
...
Việc thành tựu giác ngộ giải thoát ở người học Phật ngày nay sẽ khó khăn hơn người học Phật thuở xưa. Lý do dẫn đến việc khó khăn tiến tu ở người học Phật ngày nay là người học Phật ngày nay phải đột phá được bức màn vô minh do Sở Tri Chướng lập ra.
...
Mời các bạn xem bài viết Cách Thức Phá Vỡ Bức Màn Vô Minh Cho Người Học Phật Ngày Nay. Đây là một bài viết trong loạt bài viết Pháp Hành Quyết Định Thành Phật Cho Người Học Phật Ngày Nay.

Không có nhận xét nào: