Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.3)

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.3) - ( Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)
508. HỎI: Thể tánh của Phật là thể tánh không, thế thì tại sao bày ra đủ thứ pháp môn này pháp môn kia như Tổ sư thiền chẳng hạn, không khéo lại đem bụi bậm vào thể tánh đó?
ĐÁP: Tất cả pháp của Phật Thích Ca dạy đều là phương tiện, mục đích để đạt đến chỗ hiện ra bản lai diện mục của tâm mình, tất cả danh từ chỉ là danh từ chứ chẳng có thực tế.
Nói đến cái Không đó, bởi do tâm của mọi người chẳng hình tướng số lượng, “Không” là để hiện bày cái dụng, muốn dùng thì phải có cái Không đó. Ví như cái tách này, nếu chẳng có cái không, ấy là tách chết, dùng không được; cái bàn này, bình này, căn nhà này v.v… cũng vậy. Mà cái Không này là vô sở hữu, vô sở hữu mà dung nạp tất cả, tất cả đều ở trong vô sở hữu này, và tất cả đều phải nhờ cái vô sở hữu này mới hiển bày được sự dụng.
Nếu vô sở hữu thì chẳng nghĩa lý, chẳng lời nói chẳng danh từ nào để nói; bây giờ muốn nói, đặt ra những danh từ là phương tiện cho mọi người hiểu được cái dụng. Ví như bản thể của tâm khắp hư không chẳng khứ lai, nên đặt tên Như Lai, là đúng như bản lai; vì khắp thời gian thì chẳng sanh diệt, nên đặt tên Niết-bàn, vì trống rỗng chẳng có gì cả nên đặt tên Tánh Không v.v…
509. HỎI: Nếu như thế thì đâu cần bàn là giải thoát hay không giải thoát? Vì thể tánh vốn như thế!
ĐÁP: Phải. Cho nên có người đến với Tổ sư, Tổ sư hỏi: Muốn gì?
- Muốn cầu giải thoát.
Tổ hỏi: Ai trói buộc ngươi?
Vốn là không trói buộc thì đâu cần cầu giải thoát, phải không? (Dạ phải). Nhưng chính bây giờ ông bị trói buộc rồi, do tâm ông tự trói nên mới cầu giải thoát.
510. HỎI: Bạch Hòa Thượng, đúng. Nhưng nếu con bị trói buộc thì ngay bản thân con phải tự giải thoát chứ đâu nhờ ai giải thoát cho con được? Sở dĩ đặt ra những phương pháp đó chẳng qua chỉ là phương tiện thôi!
ĐÁP: Nếu không đặt ra thì ông làm sao biết để đi đến giải thoát? Cho nên Đức Phật mới đặt ra phương tiện. Mặc dù đặt ra, nhưng ngài lại sợ người ta chấp vào lời nói của Phật, nên nói: “Ta bốn mươi chín năm chưa từng thuyết một chữ”, “Ai nói ta có thuyết pháp là phỉ báng Phật”. Vậy ông có hiểu không?
- Dạ hiểu.
- Thế thì khỏi hỏi nữa.
511. HỎI: Mỗi người đều có một viên minh châu, vậy đâu là viên minh châu của Hòa thượng?
ĐÁP: Bây giờ nói chỉ là lời nói, ví như nói về cái tâm, cũng chỉ là danh từ để nói thôi. Mặc dù Phật đặt ra những danh từ, nhưng ngài nói là chẳng có nói. Tại sao? Vì cái thực tế nói không được.
Đức Phật đặt ra danh từ rồi bảo chúng ta phải thực hành, phải đi đến chỗ thực tế của danh từ đó. Muốn đến chỗ thực tế của danh từ đó phải tu.
512. HỎI: Qua những câu hỏi trên, khiến con nhận thức rằng những tri kiến được tiếp thu qua vạn pháp ở thế gian đều là những phương tiện, chẳng phải cứu cánh. Những văn tự ngôn từ diễn đạt tình trạng tâm linh mà người ta thường dùng, vô tình đã gây chướng ngại cho sự phát triển minh tâm kiến tánh. Vậy xin Sư phụ từ bi khai thị phương pháp độc đáo của Tổ sư thiền cho chúng con hầu thấu triệt công phu trên đường tu tập.
ĐÁP: Cái độc đáo nhất ấy là vô sở hữu, tức hư không trống rỗng vô sở hữu. Tất cả chúng sanh, vũ trụ vạn vật, núi sông đất đai, nhà cửa cây cối, đều phải ở trong vô sở hữu này; trong cuộc sống hàng ngày, mặc áo ăn cơm, nói năng tiếp khách… đều phải nhờ cái vô sở hữu này.
Tâm của con người luôn muốn có sở hữu: Tiền này là sở hữu của tôi, nhà này là sở hữu của tôi, bất cứ tài sản gì đều muốn thuộc về sở hữu của tôi, từ đó sanh ra đủ thứ phiền não, chướng ngại cái dụng vô sở hữu.
Sự dụng của vô sở hữu vốn khắp không gian, thời gian, chẳng có hạn chế, nay hễ sanh ra một mảy may cầu sở hữu liền bị hạn chế, chướng ngại cái dụng của tâm vô sở hữu. Nên pháp tham thiền là dùng cái không biết để tu, vì không biết thì chẳng thể có tâm muốn sở hữu, hễ mống tâm mong cầu là biết vậy.

Không có nhận xét nào: