Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P. 1)

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P. 1) - ( Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)

502. HỎI: Khi quán Đức Phật trăm phước trang nghiêm, cái quán đó có phải vọng tưởng không?

ĐÁP: Thầy nói cái quán đó nằm trong tông phái nào?
Hỏi: Dạ, cũng như thay vì quán hơi thở mà nay quán trăm phước trang nghiêm của Đức Phật?
Đáp: Quán hơi thở gọi là Sổ tức quán, là một trong năm thứ thiền quán của thừa Thanh-văn, gọi là Ngũ đình tâm quán, bao gồm: Từ bi quán, Nhân duyên quán, Lục thức quán, Bất tịnh quán và Sổ tức quán, ấy là thiền quán riêng biệt của thừa Thanh-văn dùng để đình chỉ cái tâm.
Lại nữa, cách đếm hơi thở gọi là Lục diệu môn, cũng là của Tiểu thừa, nếu theo đó tu có thể đạt đến diệu cảnh của Niết-bàn Tiểu thừa. Trong cuốn Danh từ Thiền học chú giải của tôi cũng có giải thích những danh từ đó.
Còn bây giờ thầy hỏi là thiền quán nào? Nếu nói về Tổ sư thiền thì đó là vọng tưởng, nếu nói là Tịnh độ thì không phải, vì trong mười sáu thứ thiền quán có quán tượng Phật của A Di Đà, chứ không quán trăm phước trang nghiêm của Đức Phật.
Nếu tham thoại đầu mà quán Phật là vọng tưởng, chớ nói là quán, ở trong Thiền đường của Tòng lâm Thiền tông, niệm một tiếng Phật phải phạt rửa thiền đường ba ngày! Còn Tịnh độ thì phải niệm Phật. Bởi vậy, hễ theo pháp thiền quán nào phải theo đúng tông chỉ tông phái đó, chứ chẳng phải đều giống nhau, do đó Đức Phật mới dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn.
503. HỎI: Có một cô Phật tử năm nay sáu mươi lăm tuổi, chồng cô ta mắc bệnh tâm thần hơn bốn mươi năm nay, chạy đủ thầy thuốc chẳng hết bệnh, cũng chẳng chết. Cô ấy muốn lập đàn sám hối thay chồng, vậy có lợi ích gì cho người chồng không?
ĐÁP: Nhân quả là ai làm nấy chịu, chứ chẳng thể người này làm thế cho người khác được.
Hỏi: Chồng của cô ấy trước kia cũng làm ra một số tiền, nay cô muốn đem số tiền bố thí cúng dường hoặc làm một việc gì đó cho chồng được nhẹ bớt bệnh?
Đáp: Nhưng người chồng phải biết sự phát tâm đó, vì có biết mới có tâm tạo, hễ tâm tạo một niệm thiện, có thiện nhân mới được thiện quả.
Hỏi: Vậy ông đó phải phát tâm mới được?
Đáp: Phải.
504. HỎI: Con là học Tăng mới, trong quá trình công phu con gặp phải những hiện tượng bức xúc như cảm thấy thân không còn nữa, hoặc như đứng trước ngã tư đường, bốn phía đều bị vây chặt, phía trước lại là hố thẩm chẳng thể bước tới; hoặc như đứng trước một bức tường chẳng thể xuyên qua… vậy đó có phải thiền bệnh chăng?
ĐÁP: Tất cả thiền đều có thể trải qua những cảnh giới đó. Theo Kinh Lăng Nghiêm, những cảnh giới đó nếu không cho là thù thắng thì là cảnh giới tốt, nếu cho là thù thắng sẽ lọt vào tà ma.
Còn Tổ sư thiền đối với tất cả cảnh giới đều không biết, hễ có biết ấy là vọng, là nghịch với Tổ sư Thiền, là chướng ngại sự kiến tánh. Phải dùng nghi tình để quét sạch những cảnh giới đó, dẫu cho Phật Thích Ca đến rờ đầu thọ ký vẫn là không biết, cứ nhìn và hỏi, những cảnh giới đó tự nhiên tiêu diệt. Vì pháp môn này là dùng cái không biết để tu, đến chừng biết được rồi thì tất cả đều biết, gọi là Chánh Biến Tri.
505. HỎI: Khi đọc Kinh Pháp Bảo Đàn, con gặp hai bài kệ; “Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng, năng đoạn bá tư tưởng, đối cảnh tâm bất khởi, Bồ-đề nhật nhật trưởng”. Còn ngài Lục Tổ lại nói: “Huệ Năng một kỹ lưỡng, bất đoạn bá tư tưởng, đối cảnh tâm số khởi, Bồ-đề tác ma trưởng”. Ý của hai bài này như thế nào?
ĐÁP: Bài kệ của Lục Tổ là để phá sự chấp thật của Ngọa Luân, vì Ngọa Luân có tư tưởng chấp thật, mà thực tế thì chẳng có cái nào thật. Tại sao? Vì tất cả đang biến hóa, hễ có biến đổi thì chẳng thật. Ví như mặt mũi của thầy, nhìn vào hình như lúc nào cũng giống nhau, nhưng sự thật có thay đổi, sát-na trước và sát-na sau đều khác nhau. Cũng như đốt lên cây đèn cầy, thấy ngọn lửa như y hệt, nhưng ngọn đèn sát-na trước và sát-na sau đã hoàn toàn khác, chúng sanh không biết, chỉ cho là giống nhau thôi.
506. HỎI: Đức Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ của chúng sanh để hành trì, mục đích là tới thanh tịnh tâm; nhưng tại sao ngài Lục Tổ lại phủ nhận toàn bộ bài kệ của Ngọa Luân?
ĐÁP: Do thầy cũng có tư tưởng chấp thật nên có câu hỏi này, vì chấp thật mới cho là cái này đúng, cái kia sai. Nếu không chấp thật tức nghĩa vô trụ, chẳng trụ chỗ nào cả. Hễ vô trụ thì cái nào cũng như cái nấy, ăn cơm cứ ăn, nói năng tiếp khách cứ nói năng tiếp khách, vốn chẳng dính dáng gì. Chẳng cho là cơm này ngon cơm kia không ngon, áo này đẹp áo kia xấu … đủ thứ phân biệt đều do tự tâm mình tạo ra, nên nói nhất thiết duy tâm tạo.
507. HỎI: Câu “Dục trừ phiền não trùng tăng bệnh, xu hướng Chơn như tổng thị tà”, hai câu này đối đãi nhau, trong khi con muốn trừ phiền não thì phải làm sao?
ĐÁP: Tất cả lời nói của chư Phật chư Tổ đều chẳng thật, chính Đức Phật nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”, Kinh Kim Cang nói: “Vô pháp khả thuyết mới gọi là thuyết pháp”; “Nếu ai nói ta có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, vậy có phải mâu thuẫn không? Không, bởi vì lời nói đó chẳng phải, cái phải đó chẳng thể nói. Tất cả những gì mình hiểu được, nói được đều chẳng phải thực tế, cái thực tế đó phải ngộ mới được.

Không có nhận xét nào: