Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.5)

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.5) - (Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)
526. HỎI: Trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, Kinh Pháp Hoa lại nói: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”, vậy có khác nhau không?
ĐÁP: Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Hoa đều là Đại thừa liễu nghĩa, ý vốn chẳng khác. Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, vì có sở hữu tức là hư vọng, hễ có sở hữu một tí cũng là chướng ngại, sở hữu nhiều chừng nào thì chướng ngại nhiều chừng nấy, nên nói là hư vọng. Chỉ có vô sở hữu mới không bị hạn chế. Đến chừng hoàn toàn vô sở hữu rồi thì có tên gọi là thật tướng, thật tướng vô tướng, đó chẳng phải hư vọng. Đại thừa ấn chứng người đã ngộ gọi là “Ấn thật tướng”
Hai câu: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ” của Kinh Pháp Hoa là nghĩa vô sở trụ, cũng là vô sở hữu. Pháp nào trụ theo ngôi pháp đó, ví như cái dĩa này là trụ theo ngôi pháp dĩa, dĩa này làm bằng mủ, đem đốt thành tro thì trở thành pháp vị tro, tro đó bị gió thổi tan thành không thì trụ ngôi pháp vị không. Pháp vị sanh trụ nơi sanh, pháp diệt trụ nơi diệt, chữ TRỤ ở đây không thể dịch là “Còn”, thường trụ không thể dịch là thường còn, chẳng trụ cũng không có nghĩa là chẳng còn, nếu dịch thành “Còn” là không đúng nghĩa, vì ngôi pháp biến đổi hoài. Vô sở trụ chẳng phải không còn, chỉ là không trụ thôi, tất cả cũng y như cũ.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Vốn là Như Lai tạng”, là tùy theo pháp vị, chẳng thêm vào ý mình cho là đúng hay sai, cho là hợp lý hay chẳng hợp lý… thì không trụ theo pháp vị.
Nay Phật dạy chúng ta trụ theo pháp vị tức vô sở trụ, vô sở trụ tức vô sở hữu, thế gian tướng phải trụ như vậy. Nghĩa thế gian tướng là sanh diệt, nhưng nếu trụ như vậy thì pháp sanh trụ nơi sanh, pháp diệt trụ nơi diệt, nên thế gian tướng thường trụ; thường trụ như thế là chẳng trụ chỗ nào cả.
527. HỎI: Con tham câu: “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?” nhưng tự nhiên lúc đang tham, trong tư tưởng của con phát ra những câu nói: “Phật tánh vốn không sanh diệt, chơn tâm vô sanh bất hoại, vạn vật bất khả trường tồn, thân ý bất luận như nan, đắc quả chơn vị Bồ-đề, không không có có Như Lai thị. Vậy những câu nói trên do thức nào của con phát sinh ra?
ĐÁP: Do vọng tưởng của cô. Tại cô cứ suy nghĩ hoài, tham thiền là muốn chấm dứt sự suy nghĩ. Nay tôi nói cho biết: Tất cả vật chất đều tồn tại vĩnh viễn, chưa bao giờ mất, ví như ly nước tôi đang uống đây, có thể cả tỷ người đã uống qua, nó không có mất, mà tất cả năng lượng đều tồn tại vĩnh viễn không có mất, Kinh Lăng Nghiêm nói: Tất cả tánh thấy, tánh nghe của mình chẳng chết cũng chẳng mất, tánh ngửi, tánh nếm cũng vậy. Dù thân này hư hoại, nhưng những tánh thấy, tánh nghe vẫn tồn tại, ấy là năng lượng của tâm.
528. HỎI: Kính bạch Hòa thượng, chúng con cũng rõ chơn tâm của chúng con vốn là thường trú, thể tánh cũng sẵn là tịch minh, hơn nữa nó là bất sanh bất diệt…
ĐÁP: Ấy là lời nói, là hiểu biết theo lời nói. Ví như người mù hỏi người mắt sáng “Mặt trời như thế nào?”. Người mắt sáng nói: “Mặt trời là tròn với nóng”; ấy là lời nói, nhưng nếu cho tròn với nóng là mặt trời thì sai. Nay dùng lời nói để truy cứu thực tế thì càng truy cứu càng xa.
Cho nên, Đức Phật khuyên chúng ta tu, khi được tự chứng phần rồi tự rõ, nếu không tu mà chỉ dùng bộ não để truy cứu, cũng như các nhà khoa học, nhà triết học muốn nghiên cứu sự bắt đầu của vũ trụ, sự bắt đầu của sinh mạng, dù nghiên cứu thêm một tỷ năm cũng không được, vì vốn chẳng có sự bắt đầu.
Đức Phật nói: “Vô thỉ vô sanh”, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, chứng vô sanh pháp nhẫn. Pháp đã vô sanh thì làm gì có nghĩa lý để tranh cãi, để hỏi? Cái hỏi đó đã có sanh khởi, đã có sự bắt đầu rồi!
529. HỎI: Nếu nói vốn là vô sở hữu thì chúng con phải dụng công như thế nào?
ĐÁP: “Vô sở hữu”cũng là lời nói, phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật
530. HỎI: Con có những điều nghi vấn, kính xin Sư phụ giảng rõ: Trước đây Sư phụ có nói mượn hữu hình giảng về vô hình, mượn tất cả nhân duyên “Có” mà nói “không”, mượn nhân duyên “Không” mà nói “Có”.
Trong tứ thời đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng nhập vào Thiền định thì mắt nhìn vào chỗ hư không, lỗ tai nghe vào chỗ hư không, mũi cũng ngửi chỗ hư không, thiệt nếm chỗ hư không, thân và tâm ý cũng ở trong hư không, thế thì con đã nhập được pháp giới tánh của chư Phật chưa?
ĐÁP: Chưa.
Hỏi: Vậy làm sao để nhập được pháp giới tánh của chư Phật?
Đáp: Phải hỏi câu thoại và nhìn vào chỗ không biết. Tại ông biết nhiều quá, mục đích tham thiền là chấm dứt sự hiểu biết, nay ông chẳng chịu chấm dứt, lại phân tích đủ thứ, cho là tri kiến cao siêu. Tất cả tri kiến đều phải quét sạch mới là đúng với Tổ sư thiền.

Không có nhận xét nào: