Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.4)

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.4) - ( Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)
513. HỎI: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, có hai đoạn hình như mâu thuẫn nhau: Đoạn trên ngài Lục Tổ dạy Huệ Minh khi đối cảnh chẳng khởi thiện chẳng khởi ác, đoạn sau lại dạy cho Ngọa Luân đối cảnh tâm cứ khởi, vậy hai đoạn này có phải mâu thuẫn không?
ĐÁP: Lời của Lục Tổ nói với Huệ Minh chẳng phải lời dạy, ấy là câu thoại đầu, thoại đầu là chưa nổi niệm lên, chẳng khởi niệm thiện cũng chẳng khởi niệm ác mới được gọi là thoại đầu. Nếu đã khởi lên một niệm, dù là niệm thiện cũng gọi là thoại vĩ chứ chẳng phải thoại đầu. Đến thoại đầu là chẳng có niệm nào, chỗ đó gọi là đầu sào trăm thước, hễ tiến thêm một bước là kiến tánh. Lục Tổ muốn Huệ Minh ngay đó kiến tánh, chứ chẳng phải dạy.
Đối với bài kệ để phá chấp thật của Thiền sư Ngọa Luân, như trên đã nói, chỉ là phá chấp thật thôi, cũng chẳng phải là dạy. Bởi vì vô sở hữu thì đâu có gì để dạy! Chư Phật chư Tổ cũng chẳng có gì để dạy, chẳng có gì cho người; trong Truyền Đăng Lục nói: “Nếu nói tôi có gì cho ngươi, ấy là lừa gạt ngươi”.
Cho nên, nếu dùng tư tưởng chấp thật để tìm hiểu kinh điển Đại thừa là sai lầm, vì tất cả Kinh Đại thừa đều chỉ là phá chấp thật mà thôi.
514. HỎI: Trong Kinh Phật thường nói đến hai chữ “Chánh niệm”, tức tâm mình ở trong trạng thái chánh niệm. Theo con hiểu, chánh niệm là vô niệm. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Vô niệm là nơi niệm mà lìa niệm”, tức trong tâm chẳng khởi niệm nào thì tâm được chánh định, phải không?
ĐÁP: Phải. Bài Vô Tướng Tụng trong Kinh Pháp Bảo Đàn: “Vô niệm niệm tức chánh, hữu niệm niệm thành tà”, chẳng có niệm nào cả là chánh niệm, bất cứ nổi lên niệm gì, dù là niệm thiện, cũng thành tà. Chữ Tà này chẳng phải tà ác, chỉ là không đúng với chánh thôi.
515. HỎI: Lúc tâm mình chẳng khởi lên một niệm nào, thì tâm ở vào trạng thái đó gọi là chánh định, phải không?
ĐÁP: Lúc đó sẽ gần đến bản lai. Câu tiếp theo trong Vô Tướng Tụng là “Tà chánh đều chẳng chấp” mới là đến chỗ bản lai. Nếu còn chấp vào cái chánh, chỉ là đến thoại đầu, chỗ đầu sào trăm thước, nên phải từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước, tức chẳng trụ nơi chánh nữa.
516. HỎI: Nếu tham đến chỗ chỉ còn một niệm, tức nhìn vào câu thoại muốn biết mà biết không nỗi đó, thì gọi là nhất tâm bất loạn, phải không?
ĐÁP: Nói nhất tâm bất loạn là của pháp môn Tịnh độ, còn Thiền tông thì định với loạn là tương đối, ví như vô ký, dù lúc đó tâm chẳng có loạn, mà Thiền tông cho đó cũng là bệnh.
Vì Thiền tông muốn giữ sự thắc mắc, muốn biết mà không biết, vẫn còn là không biết. Nhất tâm bất loạn của Tịnh độ có cái nguyện cầu vãng sanh, còn Thiền tông thì chẳng có nguyện, vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ, nên giống mà chẳng phải.
Tổ sư thiền là pháp thiền trực tiếp, mục đích là đi đến chỗ ngộ, chứ không muốn đi đến chỗ nhất tâm bất loạn, thanh thanh tịnh tịnh. Chẳng có sự mong cầu gì, hễ công phu đến mức tự động sẽ ngộ.
517. HỎI: Về phần lý, đến chỗ nhất tâm bất loạn có phải là định chưa?
ĐÁP: Tất cả thiền đều muốn đạt đến thiền định giải thoát, còn Tổ sư thiền thì như ngài Lục Tổ nói với Pháp sư Ấn Tông trong Kinh Pháp Bảo Đàn: “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Những gì của Giáo môn coi trọng như thiền định giải thoát … thì Thiền tông lại không màng đến, nên Lục Tổ nói thẳng là chẳng phải Phật pháp.
Vì Thiền tông là muốn đến chỗ thực tế, thực tế bất nhị, chẳng tương đối. Thiền định là đối với tán loạn, dẹp bỏ tán loạn rồi mới nói là định; giải thoát là đối với trói buộc, mở trói rồi mới được giải thoát. Tự tánh bất nhị, vốn chẳng phải loạn thì làm sao có định; vốn chẳng trói buộc thì làm sao nói là giải thoát!
Cho nên, có một vị Tăng đến hỏi Tổ sư xin giải thoát, Tổ nói:
- Ai trói buộc ngươi?
- Chẳng ai trói.
- Thế thì đâu cần xin giải thoát!
Thiền tông khác với các tông phái khác là đối với tất cả những danh từ đều không màng đến, những gì Giáo môn cho là quý, Thiền môn chỉ cho đó là dây xích bằng vàng, cũng là dây xích trói buộc thôi.
518. HỎI: Về phần hành, khi nghi tình làm mất câu thoại, tiến vào vô thỉ vô minh hoặc đến thoại đầu, vậy thì thoại đầu với nơi chánh niệm hay chánh định đó có khác nhau không?
ĐÁP: Bây giờ nói chánh niệm, thoại đầu, vô thỉ vô minh, căn bản vô minh v.v… mặc dù đủ thứ tên gọi nhưng không khác, tức chỗ đó là nguồn gốc của ý thức, từ chỗ đó tiến lên một bước, lìa ý thức là kiến tánh, phải lìa ý thức rồi mới không có tương đối, còn ý thức là còn phân biệt là tương đối.
519. HỎI: Về phần lý là vô niệm, tức nơi niệm mà lìa niệm, về phần thực hành thì pháp môn tham thoại đầu đã đưa người ta thực sự tâm chẳng còn dính một niệm nào, vậy theo con tìm hiểu pháp tham thoại đầu này qua phần lý và phần thực hành rất tương ưng. Chúng con được pháp này là một điều đại nhân duyên, nay con đã được Hòa thượng từ bi khai thị rõ ràng, chỉ dẫn con đường sáng tỏ để đến bờ bên kia, xin thành kính cảm tạ ơn Sư phụ.
ĐÁP: Đó là bổn phận của tôi. Bổn phận người Tu sĩ là đi đúng theo nghĩa chữ Phật: Tự giác và giác tha, muốn tự giác giác tha phải dùng công phu, phải tu, nếu chỉ học hỏi là không đủ.
520. HỎI: Sư phụ vì lợi ích tất cả mọi người đứng ra hoằng pháp, khổ tâm khổ trí, theo tư cách của một người tu phải chơn tham, chơn thực tu hành mới mong đạt đến kết quả giải thoát. Thế mà có những người bắt chước lời Phật lời Tổ, bắt chước cách làm của Tổ, làm trò cười cho thiên hạ, Kinh Phật nói là “Kẻ đáng thương xót”. Đối với những người đã lâm vào tà kiến như thế, có cách nào giúp cho họ ra khỏi sự tà kiến đó?
ĐÁP: Những người không có sự chơn tu, chỉ bắt chước lời nói cử chỉ của chư Phật chư Tổ, Thiền tông gọi là “Con chó” chứ chẳng phải con sư tử, tự tạo tội địa ngục mà chẳng hay. Những người này chẳng cách nào trị nỗi, kể cả Phật Thích Ca. Phải đợi họ xuống địa ngục, chịu đủ khổ rồi ra mới sửa đổi được, còn bây giờ thì vô phương trị.
521. HỎI Những người xuất gia học Phật pháp đều biết rằng đã xuất gia lìa khỏi gia đình, đối với tình cảm cha mẹ họ hàng đều không quan tâm đến, gọi là thân sơ bình đẳng. Nhưng bản thân con chắc do ảnh hưởng tư tưởng thế gian nhiều, cho nên tình cảm cha mẹ vẫn ăn sâu vào tâm khảm, nhất là khi về nhà thăm gia đình, thấy cha mẹ tuổi già vẫn còn phải lao động làm con cảm thấy buồn. Vậy đó là do tâm trí con quá yếu hèn, phải không?
ĐÁP: Đó là tập khí phiền não từ lâu đời, người nào cũng vậy. Bây giờ tu là muốn sửa lại tập khí, phải có công phu mới sửa đổi được. Kỳ thật, cha mẹ vẫn có nhân quả của cha mẹ, con cái tự có nhân quả của con cái. Đối với cha mẹ kiếp này, nếu mình không xuất gia thì ở nhà lo cho cha mẹ, còn đã xuất gia, thọ sự cúng dường của mười phương, phải xem cha mẹ cũng như những Phật tử khác vậy.
Tôi thường nói Tu sĩ phải tự giác giác tha, cha mẹ cũng nằm trong đối tượng giác tha đó, đâu phải ở ngoài? Như Phật Thích Ca thành đạo rồi cũng về độ hết cha mẹ vợ con và dòng tộc, nhưng không xem họ là đặc biệt hơn, cũng như đối với cha mẹ người khác vậy.
522. HỎI: Con theo Sư phụ đã được đôi ba năm, xét về phần tu hành không thấy khả quan lắm, nhưng vẫn cố gắng học hỏi tu tập giới luật, nếu có thời gian rãnh cũng nghiên cứu kinh điển, trao dồi thêm giới phẩm của mình.
Thấy gần đây những Tu sĩ phần nhiều chú trọng học thức, không chịu nghiên cứu thêm giới luật, tế hạnh, để làm mô phạm cho tất cả chúng sanh, làm bậc thầy của trời, người, nên con thấy đây là vấn đề nan giải và đau lòng nhất. Kính mong Sư phụ ban cho vài lời cảnh sách.
ĐÁP: Nói đến Giới luật rất vi tế, Luật sư Hoằng Nhất ở Trung Quốc thời gần đây nói: Mặc dù ngài đã thọ giới Tỳ-kheo qua Tam đàn đại giới, nhưng đối với sự vi tế của giới luật Tỳ-kheo cũng chưa đủ, mà chỉ giữ đầy đủ ngũ giới của cư sĩ thôi. Thế mới biết sự vi tế như thế nào. (Sư phụ giảng về giới luật, xem câu 91, 92)
Người phạm giới là vì muốn thỏa mãn dục vọng của mình, nếu có công phu thì tự nhiên không nhớ đến dục vọng và giữ giới được. Còn bây giờ học và ghi nhớ giới luật, nhưng gặp cảnh liền bị cảnh lôi kéo và phạm giới. Cho nên, nhiều người thông suốt giới luật vẫn phạm giới, do không có tu nên chẳng có sức lực dẹp tan dục vọng. Ví dụ đối với số tiền ít thì không bị động tâm, hễ gặp số tiền lớn thì động tâm. Các cái khác cũng vậy, tài, sắc, danh, thực, thùy (ngủ)… ngủ thì không phải, đó thuộc vấn đề sinh lý, nhưng người tu hành ngủ vừa vừa thôi, chứ không cho ngủ nhiều.
Nói tóm lại, bất cứ tu pháp môn nào, phải có sự tu, phải có công phu mới mong sửa lại dần, nếu không tu mà chỉ nghiên cứu, mặc dù tất cả giới luật học thuộc lòng, rốt cuộc đối cảnh cũng bị phạm. Phải đối cảnh chẳng động tâm mới chắc là giữ được giới.
523. HỎI: Trong Kinh dẫn dụ: Chúng sanh vô lượng vô biên mà ứng thân của Phật tùy theo căn cơ trình độ của mỗi loài cũng ứng hóa vô lượng vô biên. Thế nhưng trong thực tế, Phật nói tám mươi bốn ngàn pháp môn chỉ ứng dụng cho loài người, còn đối với súc sinh lớn như con voi, nhỏ như côn trùng thì Đức Phật hóa độ bằng cách nào?
ĐÁP: Trong lục đạo luân hồi gồm Trời, Người, A-tu-la, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục, cõi Trời phước báo lớn hơn, chỉ thọ vui mà chẳng có khổ, vì không có khổ để kích thích sự ham tu, nên chỉ hưởng vui, không biết tu. Chỉ có cõi Người có khổ có vui mới biết tu. Cõi A-tu-la phước báo bằng cõi Trời, nhưng vì có tánh sân, hay nổi giận, lại cố ý nghịch với Phật pháp nên cũng không có tu. Súc sinh thì phải trả ác nghiệp, không thể tu; Ngạ quỷ và Địa ngục cũng vậy, do phải chịu khổ báo, khó tu, cho nên chỉ có con người mới tu được.
Do đó trong Phật pháp có câu: “Thân người khó được”, chỉ có thân người mới nghe được Phật pháp tu giải thoát, cũng chỉ có cõi người mới được thành Phật, ngoài ra năm cõi kia thì chẳng có. Còn Súc sinh phải chịu khổ báo mãn rồi mới có thể đầu thai thành con người và gặp được Phật pháp mới tu hành thành Phật.
524. HỎI: Người tiểu căn nghe pháp môn Tổ sư thiền ví như cây cỏ, cội gốc thì nhỏ, nếu bị mưa lớn sẽ ngã ngay, chẳng thể nào tăng trưởng được. Như chúng con thì thế nào?
ĐÁP: Nếu người tiểu căn nghe pháp Tổ sư thiền không được thì tu Tiểu thừa, bất quá chậm thôi. Tôi đã nói hạ căn có thể chuyển thành thượng căn, mạt pháp có thể chuyển thành chánh pháp, hễ người nào tự cho mình là tiểu căn mà muốn tu pháp Tổ sư thiền, dần dần đủ lòng tin rồi cũng tu được, tức chuyển hạ căn thành thượng căn.
525. HỎI: Như Sư phụ mấy ngày nay giảng, tất cả đều là diệu dụng của vô sở hữu. Tu pháp tham thoại đầu đến đầu sào trăm thước có biết tất cả những sự việc hay không?
ĐÁP: Tôi nói cái vô sở hữu đó là bổn lai vốn như vậy, chứ chẳng phải do tu mới thành. Ngài Long Thọ nói: “Hư không vô sở hữu mới dung nạp tất cả”, hiện tiền trước mắt đây, cũng như thầy đang hỏi tôi, tôi giải đáp được cũng nhờ cái hư không vô sở hữu này; thầy thấy được tôi, tôi thấy được thầy cũng là nhờ cái hư không vô sở hữu này; tất cả vạn vật đều là ở trong cái vô sở hữu này.
Nên bài Đại Trí Độ Luận mà tôi trích dịch ra, có người hỏi:
- Tại sao nói hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật, mà chẳng nói hư không quảng đại dung nạp tất cả vật?
Ngài Long Thọ đáp: Vì hiện tiền thấy hư không là vô sở hữu, nhưng tất cả vũ trụ vạn vật đều ở trong đó, đều phải nhờ cái vô sở hữu mới được hiển bày.

Không có nhận xét nào: