Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Pháp Hành Quyết Định Thành Phật Cho Người Học Phật Ngày Nay (P.1)

Pháp Hành Quyết Định Thành Phật Cho Người Học Phật Ngày Nay (P.1)
Lệ thường những người tìm đến đạo Phật xưa nay sớm muộn gì rồi cũng sẽ tìm đến một pháp hành, trụ vào pháp hành đấy người học Phật những mong đạt đến sự chứng ngộ.
Với tâm mong cầu chứng ngộ có thể người học Phật đó sẽ bị nhiều người học Phật nửa vời chê cười. Song Ngạo Thuyết lại cho rằng người học Phật quyết chí hành trì pháp Phật ngõ hầu đạt đến sự chứng ngộ thực sự là người học Phật chân chính.
...
Và cũng đã trở thành thông lệ truyền thống người đến với đạo Phật ngày nay sẽ được sư thầy, Tăng Bảo và các vị thiện tri thức chỉ bày những pháp hành như giữ giới, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ngồi thiền, làm lành, lánh dữ,... Người người học Phật xưa nay theo lối truyền thống sẽ khởi đầu pháp hành thông qua việc học Phật là như thế.
Lâu dần về sau, tâm phân biệt tông chi, hệ phái ở người học Phật rõ ràng hơn pháp hành của người học Phật từng bước có những ngã rẽ nhất định.
Sở dĩ có những ngã rẽ ở pháp hành nơi người học Phật là do người học Phật khởi tâm chứng ngộ và việc tìm hiểu giáo lý cũng như việc nương tựa sư thầy Tăng Bảo mà có những sự ảnh hưởng về mặt pháp hành. Một số người học Phật khác rẽ sang pháp hành chuyên biệt có thể do tin nhận thiện tri thức chỉ bày, số khác có thể chạy theo trào lưu.
Và nếu bạn hay một ai đó đặt mình vào vị trí khách quan quan sát sẽ nhận ra người học Phật xưa nay cứ loay hoay, lẩn quẩn ở các pháp hành Thiền - Tịnh - Mật, Thiền Vipassana, Tứ Niệm Xứ,...
Người học Phật sau khi đến với Phật giáo Bắc Tông mà không đạt được sự tỏ ngộ sẽ quay sang pháp hành của Phật giáo Nam Tông. Và ngược lại người học Phật hệ phái Nam Tông sau một khoảng thời gian dài hành pháp Tứ Niệm Xứ, Thiền Minh Sát (Vipassana) không đạt kết quả như mong đợi sẽ tìm đến các pháp hành thuộc về Phật giáo Bắc Tông.
Không chỉ quẩn quanh ở các pháp hành thuộc về đạo Phật, có rất nhiều người học Phật sau quãng thời gian dài "theo đuổi" đạo Phật mà không toại ý đã ngã sa quy thuận ngoại đạo ngõ hầu tìm một chốn bình yên tâm linh.
Khởi từ việc nắm bắt tâm ý của những người học Phật mong cầu việc chứng đắc có lắm kẻ học Phật cả Tăng lẫn tục, thậm chí là ngoại đạo đã cải biên chút ít lẫn nhiều nhiều giáo lý đạo Phật, vài ngôn từ Phật học và dùng yếu tố huyền hoặc để mê hoặc tín đồ phục vụ cho những tự tư, tự lợi cá nhân.
Việc làm đó nếu không vì lợi thì cũng là vì danh. Một số người học Phật vốn là Tăng Bảo ít tiếng tăm lẫn danh tiếng vì một chữ Ngã mà rơi vào bại địa.
Một số vị Tăng bảo lấy danh nghĩa hoằng dương Phật pháp nhưng lại tạo dấu ấn riêng cho chính mình, lại chẳng biết mọi vết chạm khắc, xăm trổ đều tóe máu, là việc làm thân Phật chảy máu..
Đơn cử như Tịnh Độ Tông, người học Phật Việt Nam xưa nay chừng như quen thuộc với câu niệm Phật hiệu - A Di Đà Phật, hoặc Nam Mô A Di Đà Phật thì có vị Tăng Bảo cao niên dính mắc chút ngôn từ cải biến thành A Mi Đà Phật, Nam Mô A Mi Đà Phật. Thế là Tịnh Độ Tông phân nhánh, rẽ cành. Mắt thấy việc chia Tông, rẽ giáo dễ mang lại danh nghĩa giáo chủ thế là có thêm kẻ tục nhân tai điếc cải đổi câu niệm Phật hiệu thành Diệu A Di Đà Phật.
Thiền Tông những năm gần đây việc chia rẽ tông giáo cũng không hề kém cạnh, do pháp tọa thiền được người học Phật coi trọng nên các vị Thiền nhân Tăng lẫn tục ra mắt đại chúng học Phật với những dạng thiền hơi thở, thiền tỉnh thức, thiền rải tâm từ, thiền năng lượng, thiền ánh sáng, thiền quán âm, thiền luân xa, thiền cột tâm, thiền xả tâm, khán thoại đầu, tham thoại đầu, chiếu cố thoại đầu,...
Mật Tông nào đâu chịu kém với Chân ngôn - Mật chú, Thủ Ấn, Mạn đà là, các vật dụng pháp khí... Mỗi vị Tông chủ sẽ kiến tạo một vị thế cho mình dựa vào niềm tin tín đồ và những câu chuyện kể đầy mê hoặc được kể cho đồ chúng về các bậc thầy Mật giáo đã truyền thừa, những công năng bí thuật đặc dị mà vị Tông chủ đó đang thọ trì,...
...
Nhiều nên loạn, ngoại đạo thấy miếng mồi béo bở đến từ đạo Phật cũng nương gá, mượn danh tiếng, giáo lý đạo Phật cộng với chút ít sáng tạo về những điều huyền hoặc...
Tín đồ học Phật sơ cơ không rõ chân ngụy, ngộ nhận Phật tâm tông ngỡ Ngũ Thông ngoại đạo, bùa chú, ngải thuật,... là chỗ linh ứng, cao thâm của đạo Phật nên ra sức xưng tán, truyền tai nhau... Nay có vị này là Phật sống, Bồ tát sống,... Mai có vị kia đắc đạo có thần thông,... Nay pháp môn này tu nhanh chứng, nhanh đắc; Ngày kia pháp môn nọ mới chánh tông là pháp hành do đích thân Phật Thích Ca truyền thừa,...
Nhưng sau cùng, tất cả chỉ là những tin đồn và không thể kiểm chứng. Những người được tiếng là Phật sống, Bồ tát sống, người chứng ngộ đa số mộ đã xanh cỏ. Nhìn lại hành trạng, pháp thoại của những người được tán thán là chứng ngộ, là đạt đạo còn đầy dẫy những si mê, u tối về mặt chánh pháp.
Điều này không phải chỉ riêng mỗi mình Ngạo Thuyết nhận biết. Cách đây chừng non tháng có một người bạn vong niên điện thoại cho Ngạo Thuyết hỏi đáp qua về về những vấn đề Phật học. Người bạn vong niên này vốn là một nhà trí thức và đang thọ trì pháp hành mặc chiếu của Tông Tào Động (Một tông phái lớn trong 5 Tông phái danh tiếng của Thiền Tông Đông Độ). Người bạn vong niên đấy đặt vấn đề:
- Những năm gần đây tôi chợt có những hoài nghi về đạo Phật. Liệu có việc giác ngộ giải thoát hoàn toàn không?
Ngạo Thuyết liền hỏi:
- Chú hoài nghi về sự tồn tại của Giác Giả Thích Ca hay về con đường mang lại sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn?
Người bạn vong niên đáp:
- Tôi cũng không rõ nhưng tôi hoài nghi về những pháp hành đang được hướng dẫn cho người học Phật. Tại sao với những pháp hành được cho là do Phật, do Tổ chỉ bày mà hầu như ngày nay rất ít thấy có người chứng ngộ. Hơn hai ngàn năm đâu thấy có được mấy người tỏ ngộ còn việc giác ngộ thành Phật thì lại càng viễn vông, xa vời. Nếu có pháp hành đúng ắt hẳn đã phải có rất nhiều người chứng ngộ Giác Giả,... Vậy nên tôi nghi ngờ các pháp hành ở đạo Phật là không thật đúng, có gì đó khiếm khuyết chăng?
...
Bên cạnh đấy, trong suốt quãng thời gian gần 10 năm Ngạo Thuyết trình bày lại sự hiểu biết về đạo Phật của bản thân gửi đến mọi người, Ngạo Thuyết vẫn thường được khá nhiều người bạn ở nhiều tông phái Thiền - Tịnh - Mật, Nam Tông, Pháp Luân Công, Thiền Luân Xa, ngoại đạo hỏi Ngạo Thuyết về pháp hành, hỏi Ngạo Thuyết đã thọ trì pháp hành nào mà thành tựu được sự hiểu biết có vẻ thông tỏ nhưng lại chẳng giống ai như thế.
Vấn đề pháp hành luôn là điều trăn trở, khát khao của rất nhiều người học Phật. Sự khát khao tìm kiếm một pháp hành kiến tánh thành Phật là điều đáng trân trọng, là điều chính đáng, đáng gìn giữ ở người học Phật.
...

Không có nhận xét nào: