Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.6)


Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.6) - (Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)
531. HỎI: Phẩm “Tùng địa dũng xuất” thứ mười lăm trong Kinh Pháp Hoa nói: Để hộ trì Phật pháp nơi cõi Ta-bà này, vì thế các vị Bồ-tát từ dưới đất vọt lên và xin để các ngài hộ trì, các ngài đó chính là đệ tử của Phật nơi quá khứ. Chính Đức Phật đã xác nhận rằng các ngài là đệ tử quá khứ, vì Ngài đã thành Phật từ nhiều kiếp trước.
Nhưng theo giáo lý Đại thừa, có nhiều chỗ nói Đức Phật là Bồ-tát Hộ Minh từ trên cung Trời Đâu Suất giáng trần, mới thành Phật kiếp này?
ĐÁP: Phẩm Như Lai Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa dùng danh từ “Trần điểm kiếp” để thí dụ, vì thời đó chưa có Đại số: Vi trần là đơn vị rất nhỏ, Phật đem thí dụ số kiếp rằng: Đem một đại thiên thế giới mài thành mực, rồi cứ đi qua mười đại thiên thế giới thì chấm một chấm mực, chấm hết tất cả mực. Thử hỏi số mực của một đại thiên thế giới là bao nhiêu? Rồi lại cách mười đại thiên thế giới mới chấm một chấm mực? Sau khi chấm hết tất cả mực, lại đem những đại thiên thế giới có chấm mực và không chấm mực đều mài thành hạt bụi, vậy số đó đếm làm sao nỗi? Mà Đức Phật nói: “Thọ của ta là hơn số đó!”
Kỳ thật, Phật đã nói trắng ra cho chúng ta biết là vô thỉ, tức chẳng có sự bắt đầu. Hễ có sự bắt đầu là có con số, dù gọi là trần sa số kiếp, nhưng đếm lâu ngày, lâu năm, lâu kiếp cũng sẽ đếm hết; nói “Không có bắt đầu” là vô số, vô số thì chẳng thể đếm, nên nói vô sanh.
Nay chúng ta nói Phật giáng sinh, nhưng giáo lý của Phật là vô sanh, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, tức được tự chứng phần rồi chứng tỏ chẳng có sự sanh khởi. Do đó, nói về số kiếp bắt đầu ấy chỉ là phương tiện mà thôi.
Trong lịch sử Thiền tông, có một vị Tăng hỏi Mã Tổ:
- Sao ông nói tức tâm tức Phật?
- Tại muốn gạt con nít nín khóc.
- Sau khi nín thế nào?
- Chẳng phải tâm chẳng phải Phật.
Cho nên, tất cả lời Phật lời Tổ cũng chỉ là phương tiện thôi.
532. HỎI: Phương pháp chiếu soi và hằng sống với bản giác của mình, đó có phải là bước đường từ phàm phu đến các đẳng vị Bồ-tát?
ĐÁP: Bây giờ nói sống với bản giác của mình; bản giác của mình đâu có mất? Ai ai cũng sống với bản giác, nếu không có bản giác thì chẳng thể sống. Dù không có tu cũng sống với bản giác, cái bản giác đó vẫn y nguyên. Bản giác tức Phật tánh, do tu mới dứt các tập khí phiền não, dứt tri kiến rồi bản giác mới hiện ra, nay dù chưa hiện nhưng không mất. Do đó, nói “Sống với bản giác” ấy là thừa.
533. HỎI: Con đọc trong Kinh Dược Sư, nói Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai chỉ đọc một câu thần chú là chúng sanh hết bệnh khổ, nghĩa đó như thế nào? Xin Sư phụ giảng thuyết cho con được rõ.
ĐÁP: Kinh Dược Sư thuộc Kinh Bất Liễu Nghĩa, theo cách tu nhơn thiên thừa, tức tạm thời chẳng thể tu đến giải thoát, chỉ xây dựng nền tảng để sau này tiến lên con đường giải thoát.
Hiện nay, pháp Tịnh độ được hoằng dương nơi thế gian có ba thứ, phổ biến nhất là Di Đà Tịnh độ, cũng gọi là Tây phương Tịnh độ; Tịnh độ của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai gọi là Dược sư Tịnh Độ, cũng gọi là Đông phương Tịnh độ. Ngoài ra còn có Đâu Suất Tịnh độ của Bồ-tát Di Lặc.
Phương pháp tu theo Tây phương Tịnh độ đối với phước báo của thế gian đều buông bỏ, tu theo Dược sư Tịnh độ còn cầu phước báo thế gian, vẫn còn ở trong luân hồi, nhưng thích hợp với tư tưởng của người đời. Như hiện nay đa số Phật tử đến chùa là cầu phước báo, ít có cầu tu giải thoát.
Về Đâu Suất Tịnh độ của Bồ-tát Di Lặc: Bồ-tát Di Lặc hiện đang ở Nội viện cõi Trời Đâu Suất, trong Nội viện là những người tu giải thoát, còn Ngoại viện là của cõi Trời. Người được sanh vào Nội viện, đợi khi Bồ-tát Di Lặc giáng sinh nơi cõi Ta-bà này nối tiếp Phật pháp của Phật Thích Ca, những vị này sẽ xuống để trợ giúp Phật Di Lặc hoằng dương Phật pháp.
Người cầu sanh nơi Đâu suất Tịnh độ thường là những vị pháp sư giảng Kinh thuyết pháp có trí huệ cao, người tu Dược sư Tịnh độ phần nhiều là người chỉ ham đắm phước báo, không có trí huệ, nhưng Đức Phật cũng đặt ra phương tiện để họ cầu cho đúng, sau này nhờ phước báo đó gặp được thiện tri thức rồi hướng dẫn tu theo con đường giải thoát.
534. HỎI: Trong Kinh Dược Sư có bảo chưng bốn mươi chín ngọn đèn, vậy phải chưng như thế nào?
ĐÁP: Ấy chỉ là hình thức nghi lễ để cho người ta cầu phước báo; phải làm việc thiện để giúp đỡ cho người khác, sau này người khác trả ơn nên được phước báo. Nói ngọn đèn chỉ tượng trưng cho niềm tin, nếu bày đèn ra để cúng sao thì việc đó là mê tín, chẳng thuộc pháp môn Dược Sư Tịnh độ.
535. HỎI: Có một vị Sa-di ra đời nhưng sợ thiếu nợ thí chủ, rồi đem tiền đến chùa đã ở trước kia để cúng dường, như vậy có hết thiếu nợ không?
ĐÁP: Cúng dường thì được phước báo, còn nợ là phải trả riêng, chứ nhân quả chẳng thể bù trừ được. Tạo nghiệp thiện được thiện quả, gây ác nghiệp phải chịu ác quả, hai cái chẳng thể bù trừ, nhưng mình tu thì có thể sửa lại được.
Tu đến tâm lực mạnh hơn lúc tạo nghiệp ác đó thì sửa đổi được. Kỳ thực tâm lực của mọi chúng sanh đều bằng nhau, do bị che khuất nên nhờ sự tu mới hiện ra. Ví như tâm lực lúc tạo nghiệp ác chỉ có một độ, nay nhờ sự tu khiến tâm lực lên đến mười độ, thì quả báo của tâm lực lúc mười độ sẽ đến trước, điều đó cũng như sự thiếu nợ nơi thế gian, hễ ai có thế lực mạnh sẽ được trả trước, thế lực kém thì trả sau, nên nhân yếu nơi một độ được kéo về sau.
Nếu như tu đến tâm lực mười độ rồi ngưng không tu tiếp thì quả báo của mười độ trả hết đến chín độ, rồi tám độ… dần dần quả báo của một độ cũng sẽ đến. Nếu chúng ta không ngừng tu hành và tiến mãi đến hai mươi độ, ba mươi độ… đến khi kiến tánh thành Phật, thành Phật rồi ác nhân vẫn còn, nhưng đã thành Phật là tự giác giác tha, độ tất cả chúng sanh, kể cả chủ nợ; bất cứ chủ nợ mạng, chủ nợ thịt đều được ưu tiên độ trước, thì lúc đó nghiệp nhân mới hết. Điều đó phải tự mình sửa, chứ dùng tiền tài là không thể thay thế.

Không có nhận xét nào: