Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

MỘNG DU TẬP


Mộng Du Tập


Lời Đầu Sách
            Phật Tổ gá thân mộng, dạo cảnh mộng, giáo hóa người trong mộng, mong tất cả mau ra khỏi mộng dài sanh tử, làm người tỉnh thức, tự tại thong dong.
            Chúng tôi nhân đọc Mộng Du Tập của ngài Hám Sơn, thâm cảm chỗ dạy chí tình của ngài, nên mộng đem lời quê mùa củng vốn liếng chữ Nho ít ỏi, trích dịch tập này, trước để tự xem, sau mong tất cả các bạn đồng mộng có duyên xem đến có được chút ít lợi ích nào chăng!
Hạnh Huệ

~
Thiền sư Hám Sơn
Đức Thanh

(1546-1623)
            Thiền tăng đời Minh, họ Thái, tự Trừng Ấn, Đăng Ấn, hiệu Hám Sơn, Hám Sơn Lão Nhân, Hám Sơn Đạo Nhân, người xứ Toàn Tiêu (nay thuộc tỉnh An Huy) Trung Quốc. Sư chủ trương dung hợp hai tông "Thiền và Hoa Nghiêm", ba giáo: Nho, Đạo, Thích cùng về một thuyết, cho rằng "Không biết xuân thu thì chẳng thiệp thế, không tinh thông Lão Trang thì chẳng thể quên thế gian; không tham thiền thì chẳng thể xuất thế".

Xin cảm ơn cô Chân Hiền Tịnh đã phát tâm đánh máy quyển sách này.

 

Mộng Du Tập: Trích Quyển Bốn

~Trích Quyển Bốn~
Pháp Ngữ
Dạy Cư Sĩ Dung Ngọc
Lúc tôi ở am Tam Nhất, có cư sĩ Vương Dung Ngọc ở Hóa Châu đến thưa rằng:
- Đệ tử tâm hướng về đạo đã lâu mà chí chưa được chuyên nhất. Con nghĩ rằng sống phải có danh giáo, lấy trung hiếu làm đầu, thẹn mình chưa được công danh để tỏ lòng trung với vua, chưa gánh đá để tỏ lòng hiếu với từ thân, tâm con chưa yên nên khó định chí.
Tôi bảo:
- Đúng thay! Trung hiếu thực là gốc của đạo cả, là sự tốt đẹp của lòng người. Đâu thể bỏ trung hiếu mà nói đạo, ngược với tâm tánh mà nói đức hạnh sao? Nhà Nho cho lời Phật dạy là bỏ nhân luân, dẹp trung hiếu, cho là ngược dòng (bối trì). Họ không biết chỗ ngược là vết tích còn chỗ hướng đến là tâm. Truyện nói: “Muốn thờ cha mẹ, không thể không biết đến người, muốn biết người, không thể chẳng biết trời”. Người tức là lòng nhân, là đức của tánh vậy.
Xem đây thì luận về việc thờ cha mẹ mà không biết người, chẳng gọi là hiếu. Luận về biết người mà không biết trời, chẳng gọi là biết người. Nói biết trời mà không thấy tánh thì trời cũng hoang mang không có chứng cử. Thế thì tâm tánh tại ta tức là thiên chân sẵn có. Người biết được thiên tánh chân thật tức là Chân nhân. Dùng cái hiếu của thiên chân tức là chân hiếu. Hay dụng công thấy tánh để tu là chân tu. Dùng cái vui của chân tánh để làm vui cho cha mẹ tức là diệu hạnh. Đó tức là hiếu, là chí hiếu vậy. Nhiều người cho rằng: “Lấy sự cung kính làm trọng, còn miệng và thân là nhẹ”, chỉ là đè ở ngọn.
Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử lòng đã rõ lời chỉ dạy, biết công của sự thấy tánh thật lớn, lấy đây để làm cha mẹ được vui, sở nguyện đã vững. Nhưng đạo bao la như biển, mênh mông không ai chỉ lối về, mong thầy chỉ dạy công phu thẳng tắt.
Tôi nói:
- Cổ đức có nói: “Có một đường tắt tu hành là niệm Phật A Di Đà. Tiếng Phạn “A Di Đà” nghĩa là “Vô Lượng Thọ”, Phật là giác. Tức là giác tánh thiên chân sẵn có của chúng ta. Đó là diệu môn đệ nhất của sự thấy tánh. Tánh này vốn có trước thiên địa mà chẳng già, còn sau trời đất mà không phải chấm dứt, ở trong sanh tử mà chẳng biến đổi, ở chỗ đổi thay mà không dời chuyển, vượt trên vạn vật, không chỗ tận cùng, nên gọi là Vô Lượng Thọ. Thọ này chẳng lệ thuộc hình hài dài ngắn, năm tháng chóng chầy. Nếu chúng ta có thể thấy được tánh này thì gọi là Phật.
Hơn nữa, Phật chẳng phải tên gọi Vị Thánh nhân ở phương tây, mà là ta nhập được vào tự tánh chân thật của chính mình. Các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang là bậc thiên dân tiên giác (Dân trời biết trước), nhưng thiên dân do đối đãi mà biết được, còn thánh nhân sanh ra đã biết trước. Cái giác biết này chẳng phải là giác của Phật tánh sao? Mạnh Tử bảo Nghiêu Thuấn đồng với người, chỗ đồng chính là đây. Nếu biết được giác tánh này thì mọi người đều có thể là Nghiêu Thuấn thì mọi người đều có thể làm Phật, rõ ràng là thế. Than ôi! Người đời cứ khư khư ôm cái thấy nhỏ hẹp, chưa gặp bậc chân nhân chỉ dạy, chỉ bó buộc theo tục học, cho thức ăn của tai là chính đáng, không quái gỡ sao? Cứ mờ mịt không biết về chỗ an nghi.
Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử nhờ onn khai thị, tin biết tự tâm là Phật, tự tâm làm Phật, không cần tìm cầu bên ngoài. Nhưng con không biết yếu chỉ làm Phật, công phu hạ thủ, cúi mong thầy chỉ dạy.
Tôi nói;
- Chúng ta nếu biết tự tâm là Phật, cần phải xét nhân đâu mà làm chúng sanh? Vì chúng sanh và Phật như nước với băng, tâm mê thì Phật làm chúng sanh, tâm ngộ thì chẳng sanh là Phật như nước đóng thành băng, băng chảy thành nước, chỉ đổi tên chứ không đổi thể. Nếu mê thì chẳng giác, chẳng giác tức chúng sanh. Chẳng mê thì giác, giác tức chúng sanh là Phật. Ông muốn cầu Phật, chỉ cầu tự tâm. Tâm nếu có mê, chỉ cần nhớ Phật, Phật khởi lên tức giác, giác thì tự tánh sáng suốt, bày lộ rõ ràng, vọng tưởng tham, sân, si từ trước ngay đó như băng tiêu. Nghiệp cấu đã tiêu thì tự tâm thanh tịnh. Giải thoát không hệ lụy thì khổ biến mất, còn lại an vui, tai họa bay đi, phước đức ở lại. Chân lạc đã còn thì không tánh nào chẳng vui, phước trời theo đây hiện thì gặp gì cũng an. Chỉ có đây là an lạc chân thật, há miệng và thân có thể đến, phú quý có thể với tới sao? Đây là chỗ nói “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Công phụng sự tâm không ngoài đây, vốn liếng của tịnh độ cũng không ngoài đây.
Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử nghe dạy tâm và mắt được mở sáng như thấy đường về nhà, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng nếu cho niệm Phật là hiếu, làm sao đến cái hiếu này? Đó là chỗ còn chưa an, xin thầy chỉ dạy.
Tôi nói:
- Ngày xưa, có người con hiếu đi xa, nhà có khách đến, người mẹ mong con không thấy về bèn cắn ngón tay, người con liền đau lòng, biết mẹ đang nghĩ tới mình, bèn trở về. Mẹ cắn ngón tay màlòng con đau, tức là do cùng thể mà tâm là một vậy. Ông nếu thấy rõ được tự tâm, hốt nhiên sẽ giác ngộ tâm tức tâm mẹ. Đem cái giác của mình để giác cho mẹ, đem niệm của mình mong mẹ niệm. Mẹ đã yêu thương thân con, lại không yêu thương tâm con sao? Nếu mẹ yêu thân con thì thân lụy, tâm sẽ khổ, còn nếu mẹ yêu tâm con thì quên thân mà tâm được vui. Hơn nữa, thể của tâm mẹ và con là một. Xưa mẹ nhớ con, cắn ngón tay mà lòng con đau. Nay con nhớ mẹ quên thân, há lòng mẹ chẳng an vui hay sao? Nhưng sợ con phụng sự tâm chẳng hết lòng, tập quên chẳng đến nơi, không bằng được sự tha thiết của mẹ nhớ con, để cảm được tâm mẹ vui. Vì thế, người con hiếu ngày xưa không dùng tâm sanh, ngũ đảnh để nuôi dưỡng cha mẹ, mà mặc lấy áo sặc sỡ nô đùa. Người đại hiếu là làm vui lòng cha mẹ chứ chẳng phải nuôi dưỡng thân của cha mẹ, hiếu ở đời là thế. Nếu có thể khiến cho mẹ, trong những năm cuối cuộc đời, đem tâm quay về tịnh độ, hưởng trọn cái vui của một ngày, vẫn hơn phú quý trăm năm. Còn khiến mẹ hằng ôm lòng lo lắng, thì tuy phú quý mà cha mẹ chẳng vui, tức là vui mà lại có lý do chẳng vui tồn tại. Nay ông do niệm Phật mà có thể khiến mẹ ông vừa an lại vui, vui lại lâu, đó không phải là Vô-lượng-thọ sao. Mẹ thọ vô lượng, con cũng thọ vô lượng thì Tịnh độ do ta chứ chẳng do người, Phật tại tâm mà không ở vết tích. Ông hãy vững chí.

Dạy Thiền Nhân Tự Am Hữu Trụ Núi
       Phật dạy: “Tất cả chúng sanh lưu lãng trong sanh tử, đều do vọng tưởng điên đảo làm căn bản”. Nếu tưởng điên đảo diệt và khẳng nhận tự tâm tức là thời tiết liễu thoát sanh tử, ra khỏi biển khổ. Nếu vọng tưởng chẳng dừng thì sanh tử khó ra. Nên nói: “Cuồng tâm chẳng dứt, nếu dứt tức Bồ đề”. Chúng ta nếu quả thật có thể chóng dứt cuồng loạn thì liền ra khỏi tam giới, dẹp quân ma, ngồi giữa trời xưng là đạo nhân vô sự. Lão Diêm la mặt sắt dù có ác tâm, ra tay tàn độc cũng không mò bắt được, tha hồ ngang dọc, tự do tự tại, làm một người đại giải thoát. Thời tiết như thế thì dù gọi là Phật là Tổ cũng chẳng chịu, huống nữa là kết bầy với bọn ruồi lằn ngu ngốc trong cầu tiêu, tranh dành đồ hôi tanh, thối tha hay sao? Mười phương thế giới đều thành tịnh độ, lấy Đại Viên Giác làm già lam của ta, thân tâm trùm khắp, cùng mười phương chư Phật nắm tay mà đi, được đại tự tại. Ở đây, am tức là mình, mình tức là am. Am tức là núi, núi tức là người, không trong, không ngoài, không kia, không đây. Như thế thì trụ không chỗ trụ, đi không chỗ đi, tu không chỗ tu, mới xứng là Tự Am. Còn nếu nuôi dưỡng sự biếng lười, mê ngủ thì ba đời sáu mươi kiếp chỉ là đầy tớ kẻ khác. Hãy nghĩ đó! Nghĩ đó!

Dạy Thiền Nhân Khánh Vân
Người xuất gia cầu sáng việc lớn:
       1- Cần chân thật vì sanh tử, tâm phải tha thiết.
       2- Cần nhất chí quyết định ra khỏi sanh tử.
       3- Cần liều một đời đến chết không đổi tiết tháo.
       4- Cần thật biết thế gian là khổ, hết sức nhàm chán xa lìa.
       5- Cần gần gũi bậc tri thức cao tuyệt, đủ tri kiến chân chánh, luôn luôn thưa hỏi, vâng lời dạy dỗ, theo lời mà làm. Siêng năng chẳng lười, không bị ngũ dục phiền não ngăn chướng, chẳng bị thói quen xấu ác sai khiến, chẳng bị bạn ác lay chuyển, chẳng bị duyên ác cướp đoạt, chẳng cho căn cơ ngu độn mà sanh lui sụt. Phát tâm như thế, dốc lòng như thế, lâu dần sẽ thuần thục, tự nhiên ăn khớp với chỗ nguyện cầu xưa như hộp với nắp. Dù đời này chẳng liễu ngộ, thấy rõ tự tâm, thì trăm kiếp ngàn đời cũng lấy hôm nay làm nhân đầu tiên. Nếu không thế mà chi dùng tri kiến hẹp hòi, tập khí hèn nhát, rụt rè cầu an, muốn đem thiền đầu môi, tâm cuồng vọng, hơi dơ dục, gốc rễ tà kiến toan cho là chánh nghiệp xuất gia, lấy đây mong ra khỏi biển khổ thì vẫn là ưa nước Việt mà đến nước Yên, không chịu bước mà đòi tiến đến trước. Than ôi! Đời mạt pháp người chánh tín hiếm hoi, thiền nhân đã biết được chỗ hướng về, nên xét biết bổn tâm, lấy quyết định chân thật làm nghĩa đệ nhất. Cố gắng! Cố gắng!

Dạy Thiền Nhân Như Thường
       Phật dạy: “Từ thân xuất gia, biết được tâm, đạt được gốc, hiểu pháp vô vi gọi là Sa môn thường hành 250 giới”. Lại nói: “Đoạn dục, trừ ái, biết nguồn tâm của mình, đạt lý sâu của Phật, ngộ pháp vô vi”. Lại nói: “Cắt bỏ râu tóc làm Sa môn, thọ nhận pháp Phật, bỏ tài sản thế gian, khất thực biết đủ, ăn ngày một bửa, ngủ dưới cây một đêm, cẩn thận không trở lại. Điều khiến người trở thành ngu tệ là ái và dục vậy”.
       Những lời dặn dò tha thiết như thế đều là những điều thiết yếu để làm đệ tử Phật. Khi xuất gia, việc đầu tiên là lấy ly dục làm hạnh đệ nhất. Con cháu đời sau, thân tuy xuất gia làm tâm say trong ngũ dục, chẳng biết cái hại nào cần phải xa lìa, đạo nào là đạo ra khỏi khổ, cứ triền miên mê muội chẳng tự tỉnh giác, rồi lại giả bộ oai nghi, làm vẻ đạo đức, ngoài dối người, trong dối lòng, che đậy tỳ vết không chịu tự giác. Những này muốn được niệm chân chánh thật khó vậy!
       Ngài Tịnh Danh nói: “Trực tâm là đạo tràng”. Như Thường đã có chí cầu pháp xuất ly, nên lấy trực tâm làm điều trên hết. Trân trọng.

Dạy Thị Giả Huệ
       Phật vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Đó là muốn cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Mà tri kiến của Phật tức là tri kiến của chúng sanh, tri kiến chúng sanh tức là tri kiến sanh tử. Nên nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến tư tức niết bàn” (Trên tri kiến không có hiểu biết tức gốc vô minh. Trên tri kiến không có hiểu biết tức là niết bàn). Thế thì tri kiến của phàm và thánh không phải là hai, mà có mê ngộ chẳng đồng, lỗi ở lập hay là chẳng lập. Tổ sư nói: “Nếu lập một trần, nước mất nhà tan”. Vì tri kiến vốn không phàm thánh, nếu có lập, tức có ngã. Có ngã thì các chướng chóng nổi lên, không ngã thì muôn pháp lặng lẽ. Vậy ngã là gốc rễ sanh tử. Đâu phải riêng phàm phu tạo tham sân si mà bị ngã làm chướng tất cả thánh nhân, những người tu hành nếu tri kiến chưa quên đều thuộc ngã chướng. Hơn nữa, vì gốc sanh tử khó nhổ, nên trong hai chướng có thô tế chẳng đồng. Thô thì dễ đuổi, tế thì khó trừ. Vì rễ tri kiến trong tâm khó nhổ, nên kinh nói: “Còn ngã giác ngã đều là chướng ngại”. Đây chính là Tri Kiến Lập Tri tiềm ẩn sâu xa như tính mạng, chẳng thể đoạn dứt. Do đó cổ nhân hai ba mươi năm tham học, dù cho ngộ được tự tánh đầy đủ như trăng sáng nơi đầm lạnh, tiếng chuông đêm vắng tùy ý gõ đánh không hề khuyết, chạm ba đào mà không tan, cũng vẫn là việc đầu bờ sanh tử. Đây là chỗ người xưa thật chẳng tự dối. Nếu tự dối mình dối người thì tự mình bị hoại và làm hoại người vậy.
       Thị giả Phước Huệ sớm theo hầu lão nhân xuất gia. Lúc mới gặp lão nhân, ông là một người xuẩn xuẩn, biệt đi mười năm lại càng xuẩn xuẩn thêm, nhưng thường vui vì trong cái xuẩn xuẩn có chỗ tỉnh tỉnh không xuẩn” này làm mạng căn. Nay đã được năm năm, cái xuẩn này ngày càng tăng, cái không xuẩn cũng âm thầm lớn lên. Do đây, người ta thấy thị giả xuẩn, thị giả cũng tự thấy mình xuẩn càng thêm xuẩn, mà người người chẳng tự biết đó là xuẩn. Hạ năm nay, lão nhân từ Tây Việt trở về núi, thị giả chợt ra khỏi tình trạng xuẩn, lão nhân cả cười. Cái xuẩn này không còn có lúc ló ra được nữa. Nếu bảo đây là người xuân lập xuẩn là đã lỗi rồi. Nếu có thể lấy xuân này làm chỗ thọ dụng cũng có lẽ tự đủ, cũng có thể liễu thoát sanh tử, cũng không phụ việc xuất gia hành khước. Còn nếu lấy đây để lập thêm cái xuẩn thì bịnh chẳng khác gì Tri Kiến Lập Tri. Thị giả nếu có thể đẩy ngã cái xuẩn này thì chẳng lo gì không được cùng lão nhân kết chặt lông mày.

Dạy Đặng Ti Trực
       Phật tổ ra đời thuyết pháp Bát nhã, dạy người tu hành phải lấy Bát nhã làm gốc, Bát nhã là tiếng Phạn, nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ này là Phật tánh sẵn có của chúng ta. Còn gọi là tự tâm, tự tánh. Thể này xưa nay không mờ nên nói Quang minh, xưa nay rộng lớn bao dung nên nói là Hư không, xưa nay không vọng nên nói Nhất chân, xưa nay không động không biến nên nói Chân như, như như, xưa nay viên mãn không đâu chẳng chiếu nên nói Viên giác, xưa nay tịch diệt nên nói Niết bàn. Chư Phật chứng ngộ trọn vẹn nên nói Đại giác, còn gọi là Bồ đề. Vì chư Phật xử dụng nên là thần thông diệu dụng. Bồ tát tu gọi là diệu hạnh. Nhị thừa đắc gọi là giải thoát. Phàm phu mê thì là vọng tưởng nghiệp thức, từ đó phát ra tham sân si kiêu siêm khi trá, tạo nghiệp dâm sát vọng trộm, kết quả là các thứ dụng cụ đau khổ: dao, cưa, sắt, mài cho đến vặc dầu, đỏ than v.v… đến từ tâm mình biến hiện. Chính như người đang tỉnh táo vô sự, trước mắt có các việc vui vẻ, bỗng chợp mắt ngủ mê, mộng thấy chịu đủ đắng cay khổ sở ở địa ngục, với các việc khổ khó kham khó nhẫn. Ngay lúc muốn cầu cứu mà chẳng thể được đó, khách ngồi trước nhà vẫn còn tro chuyện huyên náo chưa dứt. Giật mình tỉnh giấc, ngáp dài mà dậy, thấy cảnh vui vẻ rõ ràng trước mắt, rượu còn ấm, đồ nhắm còn nóng. Chưa rời khỏi gối chiếu mà cảnh khổ vui đã chóng đổi khác. Điều cốt yếu là vui thì từ ngoài đến, khổ từ trong ra. Do đây mà xem thì thuyết thiên đường, địa ngục rõ ràng xuất hiện ở tâm mình, có gì là hư huyễn, kỳ quái? Đó đều vì mê mờ tâm mình mà ra cả. Kinh nói: “Tự tâm giữ tự tâm, không phải huyễn mà thành pháp huyễn”. Lại nói “Pháp trong ba cõi trên dưới đều chỉ một tâm tạo”. Xét đó thì đâu phải riêng Phật pháp nói nhất tâm, Thánh hiền từ trước cho đến cả chín dòng dị thuật cũng đều từ một tâm này mà thành, chỉ có lớn nhỏ, nhiều ít, lành ác, tà chánh, sáng tối không đồng nên chỗ dùng khác nhau. Nên nói: “Sơn hà đại địa toàn lộ thân pháp vương. Vảy vỏ, cánh lông đều hiện sắc thân tam muội”. Đây đều là chân quang của Bát nhã, bóng dáng của tự tâm chúng ta.
       Tâm thể sẵn có của chúng ta xưa nay bao dung rộng lớn, thanh tịnh quang minh như vầy, các cảnh tượng màu sắc trước mắt xen lẫn chập chùng, bốn bề la liệt lại đều là tâm ta hiện như thế. Chúng ta có cái tâm này mà chẳng biết, thật đáng thương! Lại còn ôm giữ những thứ do tâm hiện, cho là chỗ vui thích đáng yêu. Mắt hài lòng với sắc đẹp, tai thích tiếng dâm, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân ưa xúc chạm, tâm ưa các pháp. Chúng đều từ tâm mà ra, mình lại giữ lấy cho là sung sướng, rồi tham sân si, tạo các thứ huyễn nghiệp dâm sát trộm vọng, chiêu lấy sự khổ kịch liệt trong tam đồ ở đời vị lai, như người mộng du không tịnh, không rất đáng thương sao?
       Vì tâm này cùng chư Phật đồng thể không hai, lịch đại Tổ sư ngộ rõ chẳng khác. Riêng có chúng ta đầy đủ mà chẳng biết. Như đứa con thơ bỏ trốn quên đường trở về, cha mẹ nhớ thương tìm kiếm. Do đó, đức Thích Ca ra đời, tổ Đạt ma từ Ấn Độ sang, cho đến ba mươi năm thuyết pháp ở Tào Khê, rồi chư Tổ có một ngàn bảy trăm công án đầy đủ để chỉ dạy người, đều là việc này vậy.
       Kinh nói: “Chỉ một việc này là thực, có cái thứ hai thì chẳng phải chân”. Như vậy, ngoài một việc này, tất cả đều là lời của ma, là hý luận. Thế thì chư Phật chứng đủ mà không xuất thế thì cô phụ chúng sanh, chư Tổ ngộ mà không xuất thế thì cô phụ chúng sanh, chư Tổ ngộ mà không thuyết pháp thì cô phụ chư Phật, còn người có nghe mà không tin, không hiểu, không nhận, không hành thì cô phụ chính mình. Phụ chúng sanh thì kiêu mạn, phụ chư Phật thì đọa, phụ chính mình thì ngu si. Vậy thì có thể phụ Phật Tổ mà không thể phụ chính mình, vì sẵn có mà chẳng cầ, đầy đủ mà chẳng khéo dùng, ví như cầm châu báu mà đi ăn mày, không rất đáng thương sao?
       Nay Ti Trực thân chạm biển trần, tâm đọa đường mê, bổng nhiên mảnh tỉnh, quay đầu tìm cầu việc này, giống như đứa con cầm châu báu hổ thẹn sống chung với bọn ăn mày, cứ hướng về người để cầu no đủ. Lão nhân vội đem pháp này chỉ thẳng cho, rõ ràng chỉ cho thần châu trong áo, nguyên là Ti Trực đã có sẵn, chứ chẳng phải lão nhân nắm đưa để lấy cảm tình. Nhưng bảo châu như ý này, tùy chỗ cầu mà ứng, các thứ sự nghiệp, hoàn cảnh nhận dùng chẳng chút thiếu thốn. Đến như cầu phương pháp để được đáp ứng thì cũng ở tự tâm của Ti Trực, nhờ sức khéo léo siêng năng, khắc khổ. Nếu quả có thể tự nhận, cực lực tự cầu, một ngày nào đó hoát nhiên đại ngộ thì một miệng có thể hớp hết sông núi, đất đai, các loài vẩy, vỏ, lông, cánh cùng chư Phật ba đời, lịch đại Tổ sư, và cả sự nghiệp của Nghiêu, Trăn, Chu, Khổng, chẳng nhờ vào sức ai khác. Nếu không có y như cũ, chỉ là một chúng sanh mộng tưởng điên đảo, lấy cái gì mà xưng là đại trượng phu?
       Ti Trực! Ti Trực! Ông tha có thể trên phụ Phật Tổ, dưới phụ lão nhân, muôn vạn lần chớ phụ chính mình, phụ vua, phụ người thân. Lão nhân hôm nay thuyết Bát Nhã, đều là pháp môn tâm địa của chư Phật Tổ ngàn xưa, tức là cùng với lời đại sư Lục Tổ thuyết đầu tiên. Đã đem một người sánh với một ngàn hai trăm chúng ngày xưa, lão nhân hoan hỉ khôn cùng nên cũng vì ông thuyết Bát nhã. Như Phật Tổ của chúng ta đã nói: “Như vì một người, vì chúng đông cũng thế”. Đặng Sinh giữ lấy điều này để tự lợi mình, lợi người, chưa chắc không phải là lưỡi rộng dài đâu nhé!

Dạy Hành Nhân Khoan Lưỡng
       Người xưa vì sanh tử đi hành khước. Người nay chỉ hành khước mà không biết sanh tử, rất đáng thương! Đó là dùng hàng ngày mà chẳng biết vậy. Lỗi tại không biết mình sẵn có, nêế người biết có, liền biết tự trọng, thì Kadampa bị vật chuyển mà có thể chuyển được vật. Có câu thơ: “tâm ta chẳng phải đá, không thể chuyển”. Phải biết nếu không phải tâm địa kim cương thì đều bị vật chuyển, đã bị vật chuyển thì đi theo nó, còn xưng là nạp tử hành khước được sao?
       Khoan Nhưỡng từ Bắc đến Nam, tới đây tức là đã an ủi ta vậy. Oôg không bị chuyển vì đường xá gian nan, đói lạnh khổ sở. Lão nhân chỉ biết gót chân này cứng nên gọi là Chân Sắt, nay thấy tâm ông chẳng đối, nên lại đem hai chữ Lòng Sắt khen ông. Nhưng lòng sắt là lão nhân biết, còn việc hành khước thì nhất định ông không biết. Nếu biết hành khước thì chẳng thình lình đi thẳng như thế. Lão nhân thương ông ngu, sợ ông không biết nên gởi thư này cho ông. Hành khước nữa đi! Nếu sau này rờ chẳng nhằm lỗ mũi, ngày nào đó chắc chắn khó gặp được như ngày hôm nay.

Dạy Chu Sướng Nhụ
Chu Tử thỉnh ích tông chỉ pháp tướng. Lão nhân nhân đây nêu bài tụng Thức Trí của Lục Tổ:
Đại viên cảnh trí, tánh thanh tịnh.
Bình đẳng tánh trí, tâm vô bịnh
Diệu quan sát trí, tánh phi công,
Thành sở tác trí đồng Viên cảnh.
Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển
Đản chuyển danh ngôn vô thực tánh,
Nhược ư chuyển xứ bất lưu tình,
Phồn hưng vĩnh xứ Na-già định
Dịch:
Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh
Bình đẳng tánh trí tâm không bịnh
Diệu quan sát trí, thấy không công
Thành sở tác trí đồng viên cảnh.
Năm, tám, sáu, bảy chuyển quả nhân
Chỉ chuyển tên gọi không tánh thực.
Nếu ở chỗ chuyển chẳng lưu tình
Xứ sở đông đúc thường đại định.
       Tám câu này đã phát ra hết cốt tủy cỷa tân Phật Tổ, nêu bày căn nguyên tánh tướng. Thường thường bọn đếm của báu, đếm số cát ham nhai cho nhiều ma chẳng nát, xem qua cho là đồ chơi, không chịu ngó kỹ, thật đáng thương xót. Hoặc cho là Lục Tổ không biết chữ, chẳng thông kinh, dựa vào đâu mà nói thế này? Họ đâu biết rằng huệ mạng của Phật Tổ chỉ gồm trong tám chữ này không sót, đó là: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Vì duy tâm nên ba cõi lặng lẽ, trọn không một vật, vì duy thức biến hiện nên cầu tự tâm, tự tánh ở đó đâu thể được. Do đó Phật Tổ dạy người, chỉ nói: ngoài tâm không một mảy may nào có được. tức là ở Hoàng Mai nửa đêm lộ ra “xưa nay không một vật”. Tức một lời này, mười phương ba đời chư Phật, lịch đại Tổ sư chẻ ra chẳng bể, nên y bát dừng lại Tức hai phái, năm tông đều từ một lời này tuôn ra, đâu từng có phân chia tánh hay tướng? Và tôi xem bài tụng Thức Trí, giải thích sơ lược:
       Nếu trong ba cõi duy tâm, thì không có chỗ mở miệng. Do mê, tâm này biến thành thức nên mất tên Chân như, chỉ gọi là thức A lại da, cũng gọi là Tàng thức. Thức này là toàn thể chân như biến ra. Đây chính là chỗ nói sanh diệt cùng bất sanh diệt hòa hợp mà thành. Đây là căn bản của chơn vọng, mê ngộ, gốc của sanh tử, phàm thánh. Kinh Lăng Già nói: “Biển tàng thức thường trụ, gió cảnh giới làm động, sóng mòi vỗ nơi hang tối, không có lúc đoạn dứt”. Đã nói tàng thức tức A lại da mà lại nói thường trụ thì vốn là không động, chỗ động không phải tàng thức mà là gió cảnh giới vậy. Kệ nói:
       “Cảnh trước nếu không, tâm cũng không”. Thế thì chấp giữ cảnh giới không phải là tàng thức mà là tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt này gượng gọi là thức thứ bảy, kỳ thực là sự động niệm của thức thứ tám. Nghĩa là sanh cơ. Nếu cơ này dứt, tiền cảnh (cảnh trước mắt) liền trở thành không, thức thứ sáu dù hay phân biệt cũng không bám vào đâu được. Như năm thức trước vốn không có thể riêng, chỉ là cái dụng ứng duyên của tàng thức, chỉ hay chiếu cảnh chứ không thể phân biệt, nên nói đồng viên cảnh. Phân biệt năm trần không phải là năm thức mà là ý thức đồng thời, nên ý thức giữ lấy công. Nếu không khởi phân biệt thì thấy không công. Do đây mà quán, tàng thức vốn chân nên nói tánh thanh tịnh, lỗi ở một niệm sanh tâm, đó là tâm bịnh. Có sanh thì có diệt, duy cái sanh diệt này như dòng nước, chẳng phải ngoài nước có dòng riêng, nhưng tánh nước không dừng nên thấy có dòng, có dòng thì không phải vực sâu, rõ rồi vậy. Nên Lăng Già có nêu hai loại sanh trụ diệt là: tướng sanh trụ diệt và lưu trú sanh-trụ-diệt. Hai loại sanh diệt này đều thuộc tàng thức. Sanh diệt không diệt thì bảy thức trước sanh, sanh diệt nếu diệt thì chỉ một tinh-chân. Tánh chân-như này tự hồi phục lại. Phục lại thì thức chẳng gọi là thức mà gọi là trí, nên nói tâm không bịnh.
       Bài tụng của đại sư Lục Tổ căn cứ theo chuyển tám thức thành bốn trí: đại-viên-cảnh-trí là tàng thức chuyển, bình-đẳng-tánh-trí là thức bẩy chuyển, diệu-quan-sát-trí là thức thứ sáu chuyển, thành-sở-tác-trí là năm thức trước chuyển. Vì vọng thuộc về dụng của tàng thức, nên chân cũng đồng viên cảnh. Nhưng hai thức sáu và bảy chuyển trong nhân trước, còn các thức năm và tám một thể đến quả mới tròn. Như thế mà quán thì thức vốn không thực, vọng có hai tác dụng, nên nói chỉ chuyển tên gọi mà thôi, đổi tên không đổi thể. Thể này lại chẳng do thiền định, tu hành, chỉ ở chỗ dùng hàng ngày, tất cả phàm thánh đồng thời chuyển, chỉ ở trong chỗ lưu tình hay không lưu tình mà có mê ngộ, phàm thánh sai khác.
       Chu Tử có chí ở đây, phải thật lòng hướng vào chỗ chuyển việc làm hằng ngày mà để mắt. Thử đảm đương xem!

Dạy Lưu Bình Tử
       Hướng về đạo chẳng khó mà khó ở phát tâm. Học đạo chẳng khó, mà khó ở cầu bên ngoài. Hội đạo chẳng khó, mà khó ở giản trạch (chọn lựa). Vào đạo chẳng khó mà khó ở chỗ tự cho là đủ. Ngộ đạo chẳng khó mà khó ở chỗ cầu huyền diệu. Người học đạo ở đây mỗi mỗi khám phá ra được thì chẳng bị người lừa, tâm thênh thang, thần vui vẻ, thư thái bươớ một mình. Đây là bậc thông huyền vậy.
       “Tánh tương cận, tập tương viễn”, lời này chỉ thẳng đường tắt tu hành từ ngàn xưa. Chúng ta nếu biết tự tánh vốn gần chỉ do tập khí làm xa, thì chóng có thể chận dứt cửa bến trọng yếu. Tập khí bên trong không cho ra, tập khí bên ngoài không cho vào, ngồi dứt hai đầu, ở giữa đậc lập. Chỗ một mình trơ trọi chính là “như có chỗ đứng cao vót”.
       Tử Dư có nói: “Đạo học vấn không có gì khác, mong là buông được tâm mà thôi”. Tuy nhiên cũng có tâm chưa từng chẳng cầu mà người học hỏi vẫn chẳng sáng. Sao vậy? bịnh tại không buông mà buông, cầu mà chẳng cầu lờ mờ phảng phất, xem nó thì 4 thước giống 6 thước. Nếu biết không buông mà buông thì tự chẳng buông, cầu mà không cầu tức là chân cầu. Tử Dư minh tâm kiến tánh, chỗ truyền riêng chỉ thẳng chỉ là đây mà thôi. Người có chí hướng về đạo nên lấy đây làm tiêu chuẩn.
       Đạo ở chỗ dùng hằng ngày mà chẳng biết. Đạo ở trước mắt mà không thấy. Vì chỉ biết việc hằng ngày mà không biết đạo, thấy trước mắt không thấy đạo. Chẳng phải đạo xa người mà người tự xa đạo, nên nói: “Đạo ở trước mắt, chẳng phải là trước mắt. Pháp cũng chẳng lìa trước mắt, nhưng chẳng phải chỗ tai mắt đến được”. Nếu có thể thấu qua cái trước mắt, thì chẳng phải bị lôi kéo theo cảnh khen chê, thuận nghịch, xoay mình đi thẳng. Dụng tâm như thế thì thánh nhân chẳng ở ba đời, xưa nay không lìa một niệm. Ông có chí hướng về đạo, lúc mới phát tâm neê theo đây mà vào.

Dạy Lương Đằng Tiêu
       Bậc quân tử xử thế, ngay lúc chưa gặp thời, ai cũng có chí nguyện phò vua, giúp dân, xây dựng sự nghiệp bất hủ. Đến lúc lên làm quan, chỉ lo để tâm lập danh tiếng, quên mất lý do lập công, lâu ngày nhiễm dần thói tục, tâm thần bị vẩn đục, bất giác trôi vào đường phú quý, đến nỗi danh dự cũng không có chỗ kiêng dè. Xét lại tâm ban đầu, chẳng thể được. Sao vậy? Vì chí nguyện đầu tiên không đặt trên căn bản thực tế mà đến, chỉ là vọng tưởng hâm mộ phù phiếm mà thôi, vốn không phải chỉ kiên cố không lay chuyển được, thì đâu có thể lập nên sự nghiệp bất hủ! Lương sinh Đẳng Tiêu xương cứng, khí khoáng dật, thật chẳng phải là người trong phong trần. Mỗi lần đi theo tôi, nghe câu nào, chữ nào cũng kinh tâm lo sợ. Lúc rảnh thường thưa hỏi, tôi bảo:
       Người học phải nên cầu chí ở đạo đức, phàm để chí ở đạo đức, trước hết phải nghiên cứu căn bản thực tế của chúng ta thiết yếu từ chân tánh lưu xuất. Chân tánh này rất rộng, rất lớn, quang minh, thanh tịnh, mảy bụi cũng quét sạch. Thể tánh của ta đây tức là nhân. Trong thể này một hạt bụi cũng chẳng lập. Nếu có một niệm vọng tưởng liền có ngã. Có ngã thì đối đãi với vật. Vật ngã đã phân thì ta-người hai bên đều lập. Ta-người đã lập thì thể đại đồng bị mờ mịt, bít lấp, là nhân sao được? Bổn thể bị bít lấp mờ mịt thì làm đủ các vọng. Dù có chí công danh, đều từ vọng tưởng phát huy, có hành động gì đều chẳng phải chân thật, căn bản đã vọng thì gót chân chẳngổn. Do đó một lần nhập vào duyên đời là nhiễm liền thói tục. Lương sinh tử nay nên làm công phu tự tánh, tham cứu căn bản từ thực tế, chỉ đem câu Không Nghĩ Thiện, Không Nghĩ Ác, ngay lúc đó thế nào là Bản Lai Diện Mục của Thượng Tọa?” của Lục Tổ chứa ở trong ngực suốt mười hai thời khẩn thiết tham cứu. Tham đến chỗ một niệm chẳng sanh, hốt nhiên biết được bổn lai diện mục, mới thấy Lão Lư chẳng lừa dối ta.

Dạy: Thiền Nhân Tịch Giác Lễ Phổ Đà
       Thiền nhân Tịch Giác sắp về phương Đông lễ Phổ Đà, xin dạy một lời quan trọng để hành khước. Lão nhân dạy rằng:
       Người xưa xuất gia đặc biệt vì việc lớn sanh tử nên đi các nơi hành khước, tham phỏng thiện tri thức, lên núi xuống sông, đến lúc triệt ngộ mới thôi. Nay người xuất gia mang suông cái tên hành khước, năm nay lên Ngũ Đài, Nga My, sang năm đến Phổ Đà, Phục Ngưu. Miệng nói là viếng danh sơn, tùy hỉ đạo trường, kỳ thực không biết danh sơn là vật gì? Đạo trường là việc gì? Lại chẳng biết người nào là thiện tri thức. Chỉ nhớ non cao, nước sâu, cháo cơm tùng lâm ngon dở mà thôi, cứ lo chạy khắp thiên hạ, không có một lời trở về núi nhà cửa, chẳng đáng thương sao?
       Biển Nam không bờ là biển sanh tử sóng trôi, màu núi Phổ Đà là pháp thân Đại-sĩ thường trụ, biển động tiếng hải triều là đại-sĩ Phổ Môn thuyết pháp. Thiền nhân nếu quả muốn qua biển sanh tử, gặp Đại-sĩ ở phổ môn, nghe pháp âm ở bờ biển, thì hãy nghe ngược lại tự tánh, không cần ra khỏi cửa một bước, hà tất phải đợi đến Phổ Đà mới thấy! Nếu chưa như thế, đường lộ xa xôi, tới lui uổng phí, Đại-sĩ có hiện trên đỉnh đầu cũng chẳng nhổ nghiệp căn sanh tử cho ông được. Thiền nhân tự nhận định xem! Nếu Đại-sĩ có nói lời gì, trở về kể lại cho Lão nhân nghe. Cẩn thận chớ để uổng phí tiền giày cỏ.

Dạy Lương Trọng Thiên
       Lương Tứ Tướng tự là Trọng Thiên, theo Lão nhân đi cả năm. Lão nhân mến tâm ông chất trực, khẳng khái. Mỗi lần thấy việc bất bình, chẳng kể làm được hay không, nếu là việc nghĩa có thể làm thì ông buông bỏ thân mạng mà gánh vác. Mỗi lần như thế, lão nhân đều trách ông nông nổi, vì có đạo thể mà thiếu công hàm dưỡng, gìn giữ đức hạnh, như cỡi tuấn mã mà không có giây cương, chẳng khỏi bị ngã ngựa.
       Lão nhân sắp đi, đưa nhau lên thuyền Thiều Dương, ông thỉnh pháp ngữ để sửa mình. Tôi bèn viết lời này gởi ông. Tôi bảo:
       Lương Tử có đạo, chất thực không quanh co, đây là gốc đạo vậy. Khẳng khái gần như dũng mãnh, hấp tấp gần như từ bi, quên mình để theo là không lượng sức. Chẳng xét rõ quyền biến, chẳng tìm gốc mà lo ngọn, đều do khí sốc nổi sai khiến, chẳng phải do đạo lực phát ra. Thánh nhân đời xưa giao thiệp với đời, có thể và dụng hoàn toàn, nên ứng cử đúng lúc gương sáng soi rõ đẹp xấu, cân nhắc để định khinh trọng, thật chẳng phải lạm dụng khí huyết. Lương Tử từ nay về sau trước hết nên tẩy trừ tập khí, dụng tâm sâu vào đạo, đem câu “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ đặt trong ngực, giờ giờ khắc khắc để ý chỗ niệm khởi, không luận thiện ác, cứ đem thoại đầu đập một phát, ngay đó tiêu vong. Ông hãy miên miên mật mật, đem thoại đầu này làm bổn mạng nguyên thần, lâu ngày thuần thục tự nhiên tâm cảnh rỗng rang. Hễ gặp động tĩnh lăng xăng thì thoại đầu hiện tiền liền, tức là chiếu dụng phân minh chẳng loạn, định lực gìn giữ, tự không rơi trong giới lỗ mãng thô phù, chẳng chuyển theo gót người. Tức là đọc sách viết văn cũng không ngại bổn tham đọc xong, viết xong, buông xuống thì lại trở về “Bổn Lai Vô Nhất Vật”, tự nhiên trong ngực bình bình bén sát, lâu ngày chợt thấy vốn không tâm thể, như ở trong kho quang minh, khắp các lỗ chân lông đều là sự nghiệp lợi sanh, lại còn thân mạng nào để buông bỏ? Dụng tâm như thế, gìn giữ trưởng dưỡng, tâm tính sẽ hiện tiền, xem sách tức cùng thánh nhân tâm tâm soi chiếu, viết văn là từ tự tánh tuôn ra. Đây là việc đúng khả năng của bậc trượng phu khẳng khái. Nghĩa là chốt cửa đã được vào khớp, đã được ứng dụng vô cùng, thì chỗ kiến lập công nghiệp đều thành bất hủ. Lương Tử đã có căn bản, lại lo gì mà chẳng làm đi!

Dạy Lưu Trọng An
       Tôi ở Ngũ Dương, một thưở có chúng đi theo, gặp được Lưu Tử, xương cứng, khí vận hồn hậu, có thể bảo là xưa đã đủ duyên Bát Nhã, có chủng tử gần với đạo. Tôi sắp đi Nam Nhạc, Lưu Tử đưa đến thuyền, xin chỉ dạy thưa:
- Đệ tử đạo tâm rất tha thiết, nhưng vì tập khí cũ nồng hậu, bị vọng tưởng quấy nhiễu, không thể buông bỏ ngay mà hướng thượng. Mong Thầy chỉ dạy.
Tôi bảo:
- Ông biết vọng tưởng thì vọng tưởng tự nó không thể quấy rối. Đã gọi là vọng tưởng thì vốn không có thể thật, ví như hoa đốm ở hư không, đâu thể kết thành trái ở hư không được? Do ông không đạt vọng tưởng vốn là không, cho nó là pháp thực, cùng nó đối đãi, niệm niệm chen lẫn, dồn dập tuyệt không có lúc một niệm dừng nghỉ. Thế thì chỉ do vọng tưởng làm chủ mà bổn thể bị chôn vùi, vì thế thấy đến đạo rất khó. Há ông không thấy tăng hỏi Cổ Đức:
- Lúc vọng tưởng chẳng dừng thì thế nào?
Cổ Đức nói:
- Vọng tưởng chẳng ác.
Lục Tổ ở trên hội ngài hoàng Mai, chỉ nói câu: Bổn Lai Vô Nhất Vật. Ông từ hôm nay dụng công phu, chỉ nên đem câu Bổn Lại Không làm thoại đầu, trong 12 giờ thiết tha tham cứu. Chỉ cần xem chỗ khởi của vọng tưởng, chớ lưu chuyển theo nó, ngay đó đánh một cái, tự nhiên quét sạch mọi dấu vết.



Không có nhận xét nào: