Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Mộng Du Tập: Trích Quyển Tám & Chín


                       
~Trích Quyển Tám~
Dạy Thiền Nhân Bảo-Tạng Tướng Lễ Phổ-Đà
       Quan Âm đạo sĩ, chứng bổn căn viên thông đem pháp giới này tùy duyên ứng hiện, há nhất định ở núi Phổ Đà sao! Biển dụ cho sanh tử, núi dụ cho Niết Bàn. Đại sĩ đem pháp thân ứng khắp trong biển sanh tử, tức là chúng sanh trong nhật dụng tầm thường đều là oai thần đại sĩ hiển hiện, trạm nhiên tịch diệt, ví như núi báu, nên lấy núi Phổ Đà trong biển đề làm biểu tượng. Bởi vì chúng sanh trong biển phiền não, chúng sanh có khổ tức là cái khổ của đạo sĩ. Nên một lần xưng danh hiệu liền được giải thoát, tức là chúng sanh gọi tỉnh Đại sĩ của tâm mình. Đại sĩ hiện tiền thì tịch diệt hiện tiền, tịch diệt thì khổ chẳng thể đến. Nên núi ở trong biển, ba đào không thể lay động. Thế nên gọi là Đại Sĩ thường ở Phổ Đà. Chẳng phải cuộc ở hòn đá con trong biển cho là nơi Đại sĩ nương gá. Chúng sanh mê vọng, chẳng lễ Đại sĩ tự tâm đích thân ngồi ở đạo tràng tịch diệt, nguy nguy bất động như núi trong biển, mà lặn lội núi sông hơn vài ngàn dặm, vấp váp khổ cực, hướng bên ngoài mà tìm. Quá mê vậy! Tuy như thế kinh lại nói: “Quy nguyên không hai, mà phương tiện nhiều cửa”. Nau chúng sanh khắp đại địa đều tin Đại Sĩ ở biển Nam, nên hợp với căn cơ đó mà dẫn dắt tiến lên, khiến họ xuống biển lên núi, một lần niệm Đại sĩ mãnh tỉnh tự tâm, thì ba đào chạm mắt đều nhập vào cửa viên thông, ắt khiến tự tin mà thôi. Đồng với đây mà đi, nếu có một người tin lời này của lão nhân thì chẳng phụ một phen hành khước, không thế thì uổng phí tiền giày cỏ.

Dạy Thiền Nhân Dạ-Đài
       Bồ Tát Văn Thù trụ núi Thanh Lương, cùng một vạn quyến thuộc thường diễn thuyết pháp. Nên sa môn Tây Vực xa lễ núi này, cho là thế giới Kim Sắc. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Văn Thù Sư Lợi đến từ tất cả chỗ, và tất cả chỗ đều là thế giới Kim Sắc”. Xem đây thì Văn Thù quả thường trụ ở núi này sao? Vì trong cõi chúng sanh phiền não tập hợp, là đất nhiệt não, nếu hành nhân có thể mở con mắt trí tuệ, đạt được gốc, quên tình, biết tâm thể hợp, thì ngay đó mát mẻ thanh lương. Như thế thì chạm mắt không đâu chẳng phải là hóa cảnh của Văn Thù, bước bước chẳng rời đạo trường thanh lương. Đây là nghĩa tất cả chỗ đều là thế giới Kim Sắc của Văn Thù vậy. Thiền nhân Dạ Đài trụ lâu ở Đài-sơn, ban đêm đi dạo nên được tên này. Nay đến phương Nam hành khước, tham lễ trí thức, thì ắt đích thân từ Văn Thù chỉ điểm mà đến. Như Thiện Tài đi lần về Nam, tuy trải qua 110 thành mà chưa hề động gót chân một bước, như trước chu hành mười phương thế giới, chưa rời cõi Kim Sắc, tại mỗi tri thức tùy pháp môn thuận nghịch, không đâu chẳng phải mắt trí tuệ của Văn Thù. Nay ông gặp lão nhân ở ngọn núi Ngũ Nhũ, cùng thế giới kim sắc là đồng hay khác? Trong đây nếu biện được, thì chấp nhận ông thân thấy Văn Thù. Nếu như chưa được vậy, lại mua giày có mà hành khước đi. Tham, tham!


~Trích Quyển Chín~
Dạy Thiền Nhân Huệ-Huyền Hưng-Hậu
       Đông Hải là đất mà Phật pháp chẳng được lưu hành. Từ Linh Sơn, sư Quế Phong khai hóa, khiến người bỏ tà theo chánh chẳng ít. Lão nhân xưa ở chùa Hải Ấn, khen sư pháp lợi hưng thạnh, hàng đệ tử của sư có thể thuyết pháp, rất nhiều. Nay học nhân Hưng Hậu là cháu đích tôn vậy. Lão nhân rời Linh Sơn đã có 28 năm, sau năm Tân Dậu, ông đến tham vấn ở Khuông Sơn, rồi cuối năm từ giã trở về núi cũ, thỉnh ích pháp yếu tu tâm. Lão nhân nhân đây dạy:
       “Đức Phật rất quở trách hai thứ chướng phiền não và sở tri là căn bản sanh tử. Phiền não chướng là tham, sân, si, ái, đó là căn bản sanh tử của phàm phu. Còn sở tri chướng là tri kiến Phật pháp, đó là căn bản sanh tử của thánh nhân tâm thừa. Nếu hai chướng chẳng trừ, thì khổ đau không do đâu mà ra khỏi được. Ôi, người đời nay chẳng biết Phật pháp, cố nhiên chẳng có gì lạ. Mà ngay người học pháp Phật, chẳng đoạn trừ phiền não, lại đem sở học về Phật pháp làm sở tri chướng, sanh trương ngã mạn, tăng thêm ngã mạn, tăng thêm phiền não, tâm địa nhiễm ô, chủng tử chạm đến liền phát sanh, hiện hạnh phóng dật, thân tâm chẳng thúc liễm mảy may, theo tình thức tạo nghiệp, há chẳng phải lấm lớn sao? Học nhân nay nghe lão nhân khai thị, biết vì việc lớn sanh tử, phát tâm tham cầu công phu bổn địa. Đây là nguyện lực tối thắng. Nhưng nay, công tham cứu, chẳng cần cầu gì khác, chỉ cần đem chủng tử tập khí có sẵn trong lòng, nhất tề điểm mặt làm cho khô sạch trọi trơn, chẳng cho xúc phát hiện hành. Rồi ở nhật-dụng đối cảnh gặp duyên, lúc khởi tâm động niệm ngay đó xem rõ, chẳng cho tương tục. Sự dụng tâm hạ thủ này chỉ như kinh Lăng-Nghiêm nói: “Nhĩ căn viên thông của Quan Âm, xoay ngược cơ quan nghe, nghe ngược lại tự tánh”. Một quán môn này là dụng tâm tốt nhất. Nếu ở chỗ thấy nghe hằng ngày thật có thể quán ngược lại tự tánh thì chẳng theo ngoại cảnh lưu chuyển, như thế niệm niệm trôi ngược về thì niệm niệm là đường quy chơn. Như thế dụng tâm, nếu tập khí chẳng trừ, xúc phát hiện hành thì nhất định là chẳng đắc lực. Đây hoàn toàn là do một phen ngược lại với hiện nghiệp làm hạnh tối thượng, tất yếu cũng là tâm sanh tử tha thiết, chịu hạ tử-công-phu. Người học nếu thật vì sanh tử, cứ chân thiết dụng tâm là có thọ dụng, chẳng phải nói xong rồi thôi, tạo một thứ tri kiến Phật pháp.

Dạy Lão Túc Nhân Thiên
Trì Kinh Pháp-Hoa
       Đại Đức Nhân Thiên tụng kinh Pháp Hoa hơn hai mươi năm sắp đi, bèn đến thỉnh ích. Lão tăng nhân đó bảo rằng:
       Pháp Hoa tối thượng thừa là bí yếu từ lâu của đức Phật chúng ta, là cuốn sách chứng cứ (khoán thư) thọ ký các đệ tử. Lục Tổ nói: “Tâm mê Pháp Hoa chuyển, tâm ngộ chuyển Pháp Hoa. Tụng kinh không hiểu ý, cùng nghĩa thành oán cừu…” Tổ thứ 27 nói: “Thở vào không ở ấm giới, thở ra không giao thiệp các duyên, thường chuyển kinh như thế, trăm, ngàn, vạn, ức quyển”. Như hai Tổ trên nói thì Nhân Thiên rốt cuộc trì kinh này như thế? Kinh nói: “Pháp này chẳng phải chỗ tư lương phân biệt có thể hiểu”. Như thế thì Lục Tổ dù cho hiểu ý cũng chưa thể trì. Lại nói: “Kinh này mở cửa phương tiện để khai thị tướng chơn thật của các pháp”, như thế thì sơn hà đại địa, cỏ cây, ngói, đá đều là thực tướng. Dù như Tổ 27, rời hơi thở ra vào cũng chưa thể trì. Thế thì Nhân Thiên rốt cuộc trì như thế nào? Như Phật thuyết phẩm Trì: “Cho đến lần lượt người thứ năm mươi chuyển dạy trì kinh, công đức chẳng thể nghĩ lường”. Xem đây thì công đức chuyển giáo chẳng kể hiểu nghĩa hay không hiểu nghĩa, lìa hơi hay thở hay không lìa hơi thở; chỉ hay một niệm tin tâm, tự biết cái sẵn có của mình, thì huệ mạng chẳng đoạn. Do đây lão nhân rất ca ngợi pháp-xã Thanh-Liên, lấy trì Pháp Hoa làm diệu hạnh. Vì một lần nghe kinh này, liền là gieo hạt giống chơn thật thành Phật. Nhân Thiên lấy việc này chuyển giáo nhiều người. Có thể như lời Phật khen ngợi tán thán. Lại có pháp nào hơn đây nữa?

Không có nhận xét nào: