Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Mộng Du Tập: Trích Quyển Năm & Sáu


~Trích Quyển Năm~
Dạy Thiền Nhân Song Luân Chiếu
       Thiền nhân Song Luân Chiếu đến tham vấn. Lại bảo: “Sắp ẩn cư trong núi, riêng tham cứu việc hướng thượng, xin Lão nhân pháp trụ núi”. Nhân đó dạy rằng:
       Cổ nhân trụ núi là chỗ bỏ thân mạng lớn, đâu phải việc nhỏ, chuyên yếu khéo dụng tâm mình. Pháp dụng tâm, đơn đề một niệm hướng thượng. Phải thẳng hướng chỗ Phật Tổ chẳng dung, đứng vững gót chân. Kế đó cần đem hết tất cả tri kiến, lời huyền, tiếng diệu tạp độc trong lòng, nhất tề mửa bỏ. Tiếp đó biết được bổn thể trọn không một pháp. Chẳng thể thứ cảnh giới, làm hoặc loạn chánh niệm. Rồi cần phải khán thoại đầu bổn tham. Như công án “chẳng mục”? của Lục Tổ, cực lực đưa lên nhắc nhỏm. Nếu có tất cả ác tập hiện tiền, liền đem một lời “bổn lai không” khán phá. Cần chẳng được theo nó lưu chuyển, tương tục, cắn chặt hàm răng. Chỗ này nhất định nắm đứng, mới chẳng bị nó cướp đoạt. Dụng tâm như thế, mới là giờ giờ tỉnh tỉnh, chỗ chỗ ra sức nếu dụng tâm ra sức thái quá, thì tâm giải đãi sanh, liền khởi hôn trầm nặng nề. Lúc này chỉ cần mau chóng vận dụng tinh thái. Chẳng thể rơi vào trong hang ổ hôn trầm, phải mau trì chú. Nương sức chú này, đủ địch ma này. Vì trong tàng thức tập khí ác nhiều đời, nay bị thoại đầu bức bách xuất hiện biến hóa thành cảnh giới vô cùng. Tất cả cảnh ma từ vọng tướng sanh. Tất cả hôn trầm từ tán loạn sanh, chính ngay lúc dụng tâm, chợt có một niệm tán loạn liền rơi vào hôn trầm. Đây phải khéo biết. Tứ liệu giản “tịch tịch, tỉnh tỉnh” của Vĩnh Gia rất là thiết yếu. Cổ nhân dụng tâm, chỉ đem một câu thoại đầu bổn tham dựa chắc như vách sắt, núi bạc; nếu đem chỗ một niệm không sanh cũng là đắc lực; chẳng nên cho là hội được cứu cánh. Ngay đến công phu nhậm vận hồn nhiên chẳng nhờ tư duy, một niệm hoát nhiên thân tâm như thoát không, chỉ mới là chỗ công phu bắt tay vào; cũng chưa là cứu cánh. Nếu đến đây, có thể tự nhiên khinh an tự tại liền sanh hoan hỷ. Nhưng đây là việc bổn phận của mình, chưa có gì kỳ đặc. Nếu sanh ý tưởng kỳ đặc liền rơi vào ma hoan hỷ, rồi khởi tri giải cuồng điên vô cớ. Cửa này rất nguy hiểm. Lão nhân chỗ này đều có thử cả.
Xưa nói:
       Khô mộc nham tiền thố lộ đa
       Hành nhân đáo thử tận sa đà,
       (Cây khô trước núi nhiều đường tẻ
       Người đi đến đấy thảy sa đà).
       Chẳng phải là việc nhỏ. Cho dù có sức vượt qua các thứ cảnh giới, chính nên tu hành, chính nên bảo hộ, chưa phải là đến nhà. Nếu cho đây là đủ, liền khởi các thứ niệm về chuyện ngũ dục thế gian. Cửa này rất khó qua. Trăm người chỉ qua được một, hai. Sở dĩ chẳng đến được ruộng đất cổ nhân, chính là lỗi lầm được ít cho là đủ. Dù người học các ông khổ tâm một đời được đến đất này, nếu bị ác tập này lôi kéo, vẫn là đọa lạc trong lầm sanh tử, công phu lúc trước vất bỏ hết, chẳng đáng buồn sao? Chuyện như thế, lời cổ nhân ghi chép không ít. Lão nhân lược nêu lên, vì trong đời mạt pháp khó được người học đạo chân chính, và cũng vì từng làm khách lãng tử, đáng thương!
       Đại khái người xưa trụ núi chẳng phải nuôi dưỡng sự biếng lười mong khoái hoạt, mà riêng vì việc lớn sanh tử của chính mình, do đó chạy vào núi lạnh muôn trùng, tạo kế sống, không có gì khéo léo. Nếu tại đây lần lửa qua ngày, hoa phí thời gian, há chẳng đáng buồn sao? Tuy nhiên dụng tâm sai biệt đã tự biết rồi. Trong núi những cảnh duyên huyễn biến trước mắt như nước chảy, gió thổi, vượn hú, chim hót, mây trôi, sương giăng; khua động ở trước, lại bị ồn náo tạp nhạp. Lời “thấy đạo quên núi” của Vĩnh Gia cần phải xem lỹ. Lão nhân ban đầu lúc ở Long Môn Ngũ Đài, dưới núi lạnh vạn trượng, trong khói băng tuyết như chôn người chết, núi lạnh thấu cả ngũ tạng, chỉ có một hơi thở nhỏ nhiệm, nhìn theo trong băng ra vào. Đến đây phản quan, tìm chỗ một niệm khởi của tự tâm trọn chẳng thể được. Cảnh này chính là duyên trợ đạo, lại lúc gió lớn nổi lên, tiếng rít cuồng nộ ở muôn hang, ngày đêm chẳng dừng, rồi tuyết tan, khe suối chảy, tiếng như sấm rền. Lại dường như thiên binh vạn mã phóng chạy. Cảnh giới tạp loạn như thế, ban đầu rất khó chống chọi. Nhân nghĩ người xưa có nói: “Nghe tiếng nước 30 năm không chuyển ý căn, có thể choa vào đạo”. Lão nhân bèn phát nhẫn, ngồi ngay trên cầu độc mộc; trọn ngày nghe tiếng nước. Ban đầu om sòm rất khó tiêu, lâu dần quả thật hốt nhiên tịch diệt. Từ đây tất cả cảnh giới đều tịch diệt. Nghĩa là vạn cảnh vốn nhàn, chỉ người tự ồn náo. Đây lại là dụng công phu đệ nhất của đạo nhân trụ núi. Thiền nhân nhớ lấy, chớ bỏ qua.

Dạy Thiền Nhân Quán Trí Vân
Người học đạo:
       Thứ nhất: Cần nhìn cho rõ ra tất cả cảnh giới thế gian để chẳng bị chuyển theo vọng duyên.
       Thứ hai: Cần niệm một tấm lòng sắt đá quyết định vì việc lớn sanh tử, chẳng bị vọng tưởng phan duyên đoạt mất chí mình.
       Thứ ba: Cần đem những tri kiến, ác giác, tập khí cũ từ trước, tất cả rửa sạch không còn một mảy.
       Thứ tư: Cần chơn thật buông bỏ thân mạng chẳng bị sanh tử, bệnh hoạn, ác duyên làm chướng ngại.
       Thứ năm: Cần phải chánh tín, chánh kiến. Chẳng được nghe tà sư làm lầm lẫn.
       Thứ sáu: Cần biết được chỗ dụng công chân thiết của người xưa, nắm lấy mà tham cứu thoại đầu.
       Thứ bảy: Cần trong tất cả chỗ nhật dụng được chánh niệm hiện tiền. Chẳng bị chuyễn hóa mê hoặc, tâm tâm không gián đoạn, động tĩnh như một.
       Thứ tám: Cần trực niệm hướng đến trước. Không được đem tâm đợi ngộ.
       Thứ chín: Cần có tâm lâu bền, chí không đến được ruộng đất cổ nhân, quyết không chịu thôi; không nên được chút ít cho là đủ.
       Thứ mười: Trong lúc hạ thủ công phu, cần phải buông xả, thôi dứt. Xả rồi lại xả, thôi rồi lại thôi, xả đến chỗ không thể buông xả, thôi đến chỗ không thể thôi. Tự nhiên thấy được tin tức tốt. Người học dụng tâm như thế, mới cùng bổn phận có chút phần tương ưng. Người có chí hướng thượng, nên lấy đây mà tự gắng sức.


~Trích Quyển Sáu~
Dạy Tây-Đường Kính-Sơn
Thiền Nhân Linh-Giám
       Kinh nói: “Tất cả pháp chẳng sanh. Ta nói là nghĩa sát-na. Vừa sanh tức có diệt chẳng vì người ngu mà nói”. Cổ Đức nói: “Người ngộ vô sanh, mới thấy sát-na”. Nhưng đã ngộ vô sanh, lại có sát-na nào có thể thấy? Nếu thấy có sát-na, thì chẳng phải ngộ vô sanh. Nay sao lại nói người ngộ vô sanh mới thấy sát-na, thế thì vô sanh và sát-na là một hay khác? Phật y nơi bất sanh thuyết sát-na thì chẳng phải khác. Tổ sư nói: “Ngộ vô sanh mới thấy sát-na thì vô sanh sát-na lại chẳng phải một; nếu lìa một và khác mà cầu, thì ý vô sanh cũng là cọc cột lừa. Quy Sơn nói: “Người đời nay một niệm chóng rõ tự tâm, gọi là ngộ. Rồi đem sở ngộ tịnh trừ hiện nghiệp lưu thức, gọi là tu”. Nhưng lưu thức là sanh diệt vi tế, tức là tâm sát-na vậy. Nói ngộ rồi tu tức là ngộ rồi sau mới thấy. Lại nữa ngộ rồi sau mới thấy sát-na thì ngộ trước chưa phải là chân vô sanh; đã rõ vậy. Nay tham thiền đề thoại đầu, tuy nói ra sức mà sanh diệt vi tế trôi chảy thầm thầm, như đá đè cỏ, đen tối chẳng thấy. Nếu chẳng đoạn sanh diệt, làm sao ngộ được vô sanh, lại lấy gì địch lại sanh tử? Nếu ngộ rồi sau thấy, thì Thế Tôn y sát-na mà thuyết vô sanh lại là pháp thừa Tây Đường ăn no nê giáo nghĩa, nay bỏ chỗ tập quen, riêng đề một đường hướng thượng. Ở đây thử định đúng xem! Nên chẳng được dùng nghĩa lý hòa hội, cũng chẳng hướng ý hiểu mà cầu, có thể ở trong một niệm sát-na chóng thấy vô sanh thì lỗ mũi Phật, Tổ một xâu xỏ hết.

Không có nhận xét nào: