Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Mộng Du Tập: Trích Quyển Ba Mươi Chín & Bốn Mươi Sáu


~Trich Quyển Ba Mươi Chín~
Thành Tâm Dạy Đàm Chi
       Tâm chẳng chí thành thì chẳng sáng,
       Tánh không tĩnh thì không định,
       Tinh không tụ lại thì chẳng hoàn toàn,
       Thần chẳng ngưng thì không nhàn dật,
       Chí không chuyên nhất thì chẳng hết lòng,
       Khí chẳng nuôi dưỡng thì không hòa,
       Giận tức mà không trừng trị thì không bình,
       Lòng dục không lấp được thì không bớt,
       Học mà không giảng thì không rộng rãi,
       Hởi mà không biện thì chẳng thông,
       Tiết chẳng lập thì chẳng kiên vững,
       Tháo không giữ gìn thì không cứng mạnh,
       Thế nên cái học của người quân tử ở chỗ trọng những cái người ta khinh, thêm những cái người ta giảm, lấy những cái người ta bỏ, được những cái người ta không. Cho nên đạo lớn đức rộng, thân thông thả, danh được quý trọng; siêu vượt, không ai bì được.

Khắc Tựa Đại Thừa Khởi Tín Luận
       Đạo “chỉ thẳng” chẳng phải đợi đến Đạt Ma ở Tây sang, mà đức Thế Tôn của chúng ta đã riêng vì một đại sự này mà xuất hiện ở đời. Nghĩa là chỉ đem tri kiến Phật để khai ngộ cho chúng sanh. Nên nói “Chỉ một sự thật này, có cái thứ hai nào khác thì chẳng phải chân”. Xem như thế thì đức Phật thuyết một đại tạng giáo trong suốt 49 năm đâu có gì chẳng phải là pháp “trực chỉ nhất tâm”. Chỉ vì chúng sanh căn cơ ám độn, nên Phật đại từ bi đem tâm lão bà tha thiết rủ mọi phương tiện mà khai thị chỉ cho tất cả quay về độ nhất nghĩa đế. Than ôi! Cái mê của chúng sanh quá cứng nhắc. Ngay khi Phật nhập diệt chưa được bao lâu mà tà kiến đã nổi lên, phá hoại chánh pháp. Chẳng kể ngoại đạo mà thôi, ngay đến đệ tử Phật cũng thân tập quyền thừa chấp đó là cái thấy của mình, tử diệt chánh pháp, huống nữa là ai khác! Vì thế hai tông tánh tướng ở Tây Vực, mỗi tông dựng lập môn đình khác nhau thậm chí chia nước sông mà uống. Sau đó khá lâu, hơn 600 năm, có đại sư Mã Minh xuất hiện làm một cuộc chấn hưng lớn lao, tốm thâu áo nghĩa của Lăng Già v.v... Một trăm bộ kinh đại thừa, trước tác Đại Thừa Khởi Tín Luận để phá tà chấp, mở rộng cửa nhất tâm pháp giới, nhiếp hội tánh tướng vào một nguồn, đưa ba thừa về chỗ chí cực, khoảng trong một vạn lời. Ngay cho các nhà có nổi lên lại cũng không thể tăng thêm một chữ. Có thể bảo là tấm gương tròn sáng để tu hành. Than ôi! Mã Minh là tông sư truyền tâm theo Lăng Già để tạo luận. Đạt Ma là tỵ tổ của Thiền Tông cũng chỉ Lăng Già để ấn tâm. Sỡ dĩ như thế chính vì sợ người tu hành đời mạt pháp, chính nhân không được sáng, rơi vào tà kiến mà phá hoại chánh pháp. Sao người thân giáo gần đây chẳng lo minh tâm, chỉ chấp vào văn tự ngữ ngôn cho là cứu cánh. Còn người tham thiền lại dùng tu mù làm việc hướng thượng, mạt sát giáo thừa; cam rơi vào chỗ ngu mê, cố thủ thiên chấp cho là tất đáng? Một cuốn luận này chính là sách chỉ nam cho cả giáo và thiền vậy; là gương sáng của nhất tâm, mà so sánh cho là văn tự há chẳng lầm lớn sao! Ô hô! Ở Ấn Độ, cái chấp tánh tướng đã bị Mã Minh cực lực đả phá… Còn phương này, sự thiên chấp của giáo thiền thì có Khuê Phong viết “Thiền – Nguyên Thuyên”, Vĩnh Minh lại sưu tập 100 cuốn Tông Canh phát minh yếu chỉ tánh tướng một nguồn, như “Bạch nhật lệ thiên” mà kể hậu học chẳng thèm nhìn đến. Như thế há là người chơn thật tham cứu đại sự sao? Tôi lúc trẻ đã bỏ giảng nghĩa. Ban đầu nghe các Kinh chẳng biết nói gì, liền dốc chỉ tham cứu. Khi tánh được khai mở, trở lại xem văn tự, thì thật là như đẩy cửa rơi chốt. Nên có viết Lăng Già Bút Ký và Lăng Nghiêm huyền cảnh; đều là đem giáo thừa chỉ quay về một đường hướng thượng, nhưng mà những người học tập kinh điển ở đời lại cho là tôi không theo xưa, còn người tham thiền lại cho tôi là ông thầy văn tự. Tôi tuy lưỡi có dài quét đất cũng chẳng làm sao được? Không lạ lùng sao? Họ xem Mã Minh, Long Thọ, Khuê Phong, Vĩnh Minh là người ở ngoài tông môn, cho một đại tạng kinh là giấy lau mủ đàm, lại trách thuyết phát minh nhất tâm là văn tự, mà chấp cơ duyên của chư Tổ là việc hướng thượng. Nhưng cơ-duyên không phải là văn tự sao? Tôi bảo là người cố thủ vọng tưởng, tăng trưởng ngã mạn mà tham thiền, thì chẳng bằng người thân trì kinh luận là hạt giống chính nhân Bát-Nhã. Lại nữa tham thiền cần lìa tâm ý thức; đã có thể lìa tâm ý thức để cầu hướng thượng, há chẳng thể lìa văn tự để ngộ ý chỉ ngoài lời sao? Cái tệ này của pháp môn chẳng phải là lỗi của người học. Bởi vì thầy trò chánh nhãn chẳng sáng, có lỗi vọng chấp cái thấy của mình.
       Luận này Cựu Tôn Hiền Thủ sớ giải do Trường Thủy ghi lại quá rắc rối, người học hoang mang, mờ mịt không thể tra cứu. Tôi theo bản sớ giải cựu, bỏ bớt những chỗ phiền phức, gian lược cho nhất quán, lời đường như không đầy đủ nhưng vì ý nghĩa bài sớ của Tổ là giải thẳng, đem bản văn mà sớ cho thông suốt, muốn người học theo ngay một cửa này mà vào. Như thế thì giáo có thể lìa lời mà được nghĩa, còn thiền cũng chẳng rơi vào đường tà; là cái chìa khóa cửa lớn để cứu sự mạt-pháp. Bản giải này người xem phần đông vui mừng vì rất thẳng tắt nên đã khắc ở An Thành Chung Nam. Nay lại khắc ở Tân An. Người xướng đạo trợ duyên đều là pháp lữ tứ chúng một thời vậy.

Bài Tựa Diệu – Pháp – Liên Hoa Kinh Thông Nghĩa
       Tôi năm mười chín tuổi cạo tóc theo tiên sư Vô Cực, nghe Hoa Nghiêm huyền đàm, đối với tông chỉ pháp giới viên dung có niềm tin chắc thật, đến cái dụng thường trụ của hải-ấn tam muội, chợt khế ngộ bèn quay về tông pháp giới. Sau nghe kinh Pháp Hoa, bàn về thực tướng, mà tôi chẳng biết thực tướng ra sao. Lại nghe nói: “Nếu rõ thực tướng thì văn tự có thể lược bớt. Do đây hoài nghi rất cấp thiết. Mỗi lần bị ép giảng kinh, tôi đều rất mù mờ. Đến lúc đi hành khước phương Bắc, phàm tham vấn các bậc kỳ túc, tôi đều đem câu “Thế nào là thực tướng” để thưa hỏi. Nhưng rốt cuộc không có ai khải phát cho. Tôi mới để chí mộ tham thiền, chuyên tâm vào một đường hướng thượng. Từ đó tôi dẹp hết văn tự, vào núi Ngũ Đài tập khô thiền, nỗ lực nghiên cứu việc của chính mình suốt 8 năm, được tự tin chút đỉnh. Tôi trở về Đông Hải, một hôm chúng thỉnh thuyết kinh Pháp Hoa, giảng đến phẩm Phương Tiện, cảm ơn Phật thâm sâu, tôi bất giác rơi lệ khóa òa. Đối với ý chỉ thực tướng, một lần nữa hốt nhiên chẳng còn nghi ngờ. Nhưng đối với lời văn của kinh vẫn chưa thấu triệt hoàn toàn, dường như vật làm ngại mắt. Không bao lâu, vì việc hoằng pháp, tôi có xúc phạm đến Hoàng Đế khiến ngài nổi giận đày ra Lôi Dương. Đại sư Đạt Quán có hẹn với tôi đến Tào Khê lễ bái và đã đến đợi tôi ở Khuông Lô. Khi nghe tôi gặp nạn, ban đầu cho là chắc chết. Đại sư liền đến trước Phật, hứa tụng một trăm bộ Pháp Hoa để cầu nguyện cho tôi. Sau tôi về Nam, qua Long Giang, sư đến từ biệt tôi trên sông, báo cho tôi biết việc hứa tụng kinh. Năm Bính Thân, suốt 3 tháng đi đường, đến qua năm Mậu Tuất, tôi bèn kết pháp xã ở Lũng Bích Thanh Môn Ngũ Dương, tập họp đệ tử chừng vài chục người, tụng kinh Pháp Hoa để trọn nguyện trước. Đại chúng thỉnh tôi diễn giảng, đến phẩm Hiện Bảo Tháp, rõ ràng như gặp vật cũ trong nhà, mới tin đây là Phật chỉ tri kiến Phật; cho đến tám phẩm sau phẩm Thần Lực, người xưa phán cho là lưu thông. Tôi xem kỹ biết là không đúng, bèn dùng bốn chữ “khai, thị, ngộ, nhập” để phán toàn kinh này thì sau là nhập tri kiến Phật. Trong hội những người nghe xong đều vui mừng hớn hở. Giảng xong, họ yêu cầu tôi ghi lại. Nhân đó tôi đặt tên là kích tiết, đem bốn chữ thông suốt ý chỉ đầu đuôi một kinh.

*

~Trích Quyển Bốn Mươi Sáu~
Kính Sơn Tạp Lục
       Sư ở Kính Sơn, cùng đệ tử tiếp kiến, những lời chỉ dạy hằng ngày đều là ấn chứng và lợi sanh rất là thân thiết, không nên để thất lạc. Tôi bình thường có thể lãnh ý chỉ mà không thể ghi nhớ. Sư nói sâu rộng mênh mông mà tôi 10 ngày sau mới khởi ý này cho nên không nhớ được hoàn toàn đúng lời; thứ tự trước sau. Nay tôi ghi lại được. Những lời trước và những lời khai thị tiếp. Ghi hết vào làm pháp thoại Kính Sơn để tiện khắc bản rộng rãi, và không uổng lòng từ của đại sư ban bố.
       Tất cả đại chúng đều cùng một lòng.
       Đệ Tử Chu Lộ ghi.
       Một đại sự này phải bình thực thương lượng mới được thọ dụng. Đệ nhất chẳng được thích sự huyền diệu, môi mép như sóng mòi, tôi bảo đó là đùa tinh hồn.
       Việc này nếu không do tham cứu mà vào thì không đắc lực, nếu không có dùng kinh ấn chứng thì không được chánh tri kiến, nếu không ở nơi cảnh duyên mà rèn luyện thì cũng chỉ là việc bóng sáng ngoài cửa. Đến khi gặp cảnh giới bát phong nghịch thuận thì liền bị dao động, cướp mất, chẳng thấu qua được. Nếu dùng tông nhập, dùng giáo ấn, dùng cảnh duyên hằng ngày để nghiệm, chỉ ở trên cảnh nhẹ nhàng thoát ra, không tâm dính mắc thì đó chính là chỗ dụng tâm đắc lực. Có thể lấy cảnh duyên tự khám nghiệm. Cũng chẳng cần nương hoàn toàn vào lời nói của thiện tri thức mà cho là pháp thực. Cắn chặt thoại đầu, chẳng phải mong sáng tỏ thoại đầu, mà chỉ nhờ thoại-đầu để phát nghi, chặt dứt vọng tưởng. Tham cứu cần phải lìa chỗ thoại đầu mà tham cứu. Hễ hạ được nghi tình mới đắc lực. Cổ Đức nói: “Lìa lưỡi câu ba tấc, ông làm sao nói?” Người xưa để tâm vào đấy, nghi cho đến lúc tình thức chẳng tới, lời nói chẳng thông. Chỗ bức bách cùng cực mới vọt ra một chút bóng sáng. Gọi là Lôi Quang Tam Muội. Chính nên tiến bước, không được vui mừng. Nếu nhận đây là đúng tức là có chút ít cho là đủ, toàn thể đều bị cái điểm sáng này che mất; không ló ra được. Về sau phát xuất ra đều bị nó sai khiến, hàm tàng trong bát thức còn có tập khí nhiều đời chung tử vi tế chợt hiện tiền. Nếu chỗ dùng sức chẳng được phải mượn sức chú để tiêu trừ chúng.
       Hỏi:
       Chỗ không đồng của trí và thức.
       Đáp:
       + Chỉ là một niệm hiện lượng tối so là trí, vừa chuyển đến cái thứ hai thì thành tỷ lượng, là rơi vào tình tưởng. Lại nói: Dính khắn vào tình là thức, không dính khắn vào tình là trí. Cắn chặt thoại đầu là nắm đứng con đường tình thức đến, chẳng cho khởi niệm thứ hai.
       + Tham ngộ cũng chẳng phải là việc rất khó. Trong ba tháng vững tâm nhất định thấy chỗ đặt chân. Đệ nhất chẳng được còn tâm đợi ngộ tức là chờ đợi cái ngộ khác bên ngoài. Ngay đây liền là tấm ván ngăn, công phu không thể vào lại được.
       + Lại nói: việc này cần phải là người dũng mãnh mới làm được.
       + Người lợi căn đã nhiều đời được trí huệ, đời này gặp duyên, ngay đó liền xong. Có người chẳng do tham mà vào, chỉ cần bảo nhậm thấu thoát như Lục Tổ.
       + Còn người độn căn thì thế nào? Chỉ cần tự nhận ra mình. Độn căn chẳng có gì khéo, chỉ từ chỗ độn mà đắc lực.
       + Cắn chặt thoạt đầu. Trong tất cả giờ đều dùng được hết, liền có thể đi trên núi dao, đống lửa. Dùng được nhằm liền là chỗ được định lực. Nếu có mảy may tránh né, thì toàn thân đọa lạc.
       + Người tham thiền chẳng được ngồi trên đất sạch trong, khiết bạch. Đây là hầm giam hãm ngàn kiếp muôn đời, tôi muốn vì chúng nói phá cho rõ ràng nên làm bài ca Đàm Bản.
       + Giáo nhân, tông nhân vốn không hai nhãn. Sư Vĩnh Minh nêu tông, toàn trích lời kinh để ấn nhập. Sợ người cứ một bề hướng bên đường không giáo nghĩa mà lầm đặt chân. Nếu không được con mắt giáo liền rơi vào tà kiến. Tôi chú giải các kinh sách Kim Cang, Pháp Hoa, Lăng Già, Lăng Nghiêm v.v... theo từ chỗ tình thức chẳng đến, bên đường không giáo nghĩa vọt ra nắm lấy. Lại muốn đem giáo ấn tông, người học sẽ tự được.
       + Tôi lúc ở Đông Hải, một tối ngồi thiền, thân và thế giới đều không, hai ấn phát quang, cảnh giới núi sông chấn động, có chốc lát ngộ nhập, vào được tương-ưng-huệ, chỗ Lăng Nghiêm viết đang khẩn cấp (trói chặt), hốt nhiên ở trước mắt. Tôi vội vàng đốt đuốc viết, tay viết không kịp dừng, đến hết canh năm là viết xong Lăng Nghiêm huyền cảnh. Thị giả ra hầu thấy đuốc tàn còn trên bàn, lấy làm lạ lùng.
       + Bồ Tát đều lấy lợi sanh làm sự nghiệp. Nếu chẳng thấu qua các pháp thế gian thì không thể đầu cơ lợi sanh được.
       + Người học Phật trước phải phát tâm đại bi, phá chấp ngã làm chủ.
       + Công án cũ, người đời nay cứ đem tâm vọng tưởng đo lường, thì mũi kim cũng chẳng đúng. Dù hội được, nói được, cũng không có chút sức nào trên phần mình.
       + Trong động hội được dễ vào, trong tĩnh vào được vô lực. Từ tri kiến người khác mà vào không có sức mạnh, trong tự tánh mà hội nhập mới đắc lực.
       Hỏi:
       Theo duyên tiến được là thế nào?
       Đáp:
       Duyên có hai. Duyên kiến văn thì có thối thất, duyên cảnh giới thì không thối thất. Hư thực không đồng.
       Chúng sanh dục nhẫn, nhị thừa sanh nhẫn, Bồ Tát vô sanh nhẫn, Phật tịch diệt nhẫn. Chỉ một tri kiến Phật là chính. Lại có tri kiến Bồ Tát, tri kiến nhị thừa, tri kiến chúng sanh, tri kiến ngoại đạo, các thứ tri kiến này đều sai lầm. Sỡ dĩ Thế Tôn dùng các thứ phương tiện chỉ cốt người rõ nhất tâm. Nhập vào chánh tri kiến, gọi là tri kiến Phật.
       + Rõ được tâm sanh diệt tịch diệt là rõ được sanh tử.
       + Thế nào là hướng thượng? Chỉ có cái buông xuống.
       + Lời Tổ sư; câu câu sống. Người học cho là pháp thực, thì câu câu chết.
       + Công phu hằng ngày chỉ cần xem thấu vọng niệm, không bị nó sai sử, chớ không có chỗ dụng tâm nào khác.
       + Nếu lúc quán tất cả không chẳng được thì sao?
       Chỉ rõ biết là giả thì tất cả có thể không, tất cả có thể nhẹ.
       + Bồ tát ở Cực Lạc làm việc gì? Tôi cần phải kéo ông ta ra.
       + Niệm câu A-Di-Đà, vốn đồng với một thoại đầu, người đời nay lại hiểu là đến Tây Phương.
       + Tất cả là huyễn. Ai ai cũng hiểu được. Nhưng cần phải có chủ trương tác dụng về huyễn, mới không bị huyễn chuyển. Lúc tôi ở Hải Ấn, chợt nhớ công án “Lục Tổ nửa đêm bị người đến chặt đầu” liền muốn học định lực ấy. Mỗi đêm tôi mở cửa tập quán tưởng, giả như có người đến đòi mượn đầu, tôi cũng hoan hỉ cho ngay. Đêm nay như thế, đêm mai cũng vậy. Lâu ngày biết mình có sức định. Một đêm, bỗng nghe báo có ăn trộm vào, tôi nói:
       - Hãy gọi họ đến.
       Đốt đuốc sáng, tôi ngồi ngay ngắn không có chút tâm sợ sệt. Người ấy đến cửa, bò lết không dám vào, một người thật to lớn. Tôi nói:
       - Trong đây không có gì cả!
       Và sai người vào khố lấy 200 tiền ra cho.
       Nếu trước không có chủ trương thì đã sợ hết vía rồi.
       + Khi tôi ở trong núi Ngũ Đài, tiến huyên náo như trăm vạn cuộc chiến, không có một giây nào yên. Một hôm nghe tiếng suối thường ngày chảy hết sức mạnh bạo, chợt không nghe nữa. Tôi vừa khởi nghĩ: “sao vậy?” Lại nghe. Tôi bèn đến chỗ nước phun mạnh nhất, ngồi mấy ngày. Ngồi lâu, tiếng nước vắng lặng. Từ đây tiếng nước tuy chảy không dứt mà tôi như không nghe. Sau này ở yên trong núi, không bị tiếng huyên náo làm động nữa.
       + Lúc tôi ở Đông Hải, gặp Hoàng Thái Hậu sai nội quan đem nhiều bạc đến cho, tôi chẳng dám cự tuyệt. Nhưng độ sức mình không thể lạm xử dụng, nghĩ đến những nơi đói khát, nên nhờ của Thái Hậu để bố thí, nội quan không chịu. Tôi liền báo mỗi huyện, những người được nhận bạc, tạo một tập sách đáp lại. Như vậy, sau hai cung nghe được đều rất vui. Và đến lúc bị nạn, nhờ sức của một việc này, bèn biết lúc gặp tài vật chẳng thể cẩu thả.
       + Lúc ở Lãnh Nam, nhân tình chưa thuần thục. Tại bờ núi tôi không làm sao cho họ quen với mình được; không thể thân cận. Có một đứa bé muốn đến gần mà sợ tôi. Một hôm tôi học cách sư tử giỡn con, nên cố gắng chổng ngược thân để làm quen, hái trái rừng cho nó, rồi càng ngày càng thân, nó không sợ tôi nữa. Từ đó, người ta gặp tôi không còn né tránh, đến làm quen.
       + Lúc tôi đến thăm Mổ Tổng Phủ. Ông cầm lại bảo đứng chờ dưới sân. Đến giờ đóng cửa cũng chẳng thấy cho đứng lên. Tôi hiểu ra bèn ứng tiếng hô tên tuổi xin yết kiến. Quay lại nhìn các cửa thấy không thể ra được, nó nặng như nghìn cân. Không biết làm sao, tôi lại gắng xưng tên tiếp kiến. Sau mới được đứng lên đi. Hôm sau tham yết cũng lại như vậy. Suốt một năm chẳng đếm xỉa gì đến. Những người chung quanh bảo ông ta là quan võ, đâu biết ông ta phá lệ thường tiếp đãi thiện tri thức. Cuối cùng ông ta hẹn ngày đông đến yết kiến Vũ Viện, Tông phủ sắm một chiếc thuyền, trang bị thức ăn, hoa quả, như đãi khách quý rồi mới thỉnh tôi qua thuyền làm lễ mời ngồi trên, thưa:
       - Chẳng phải tôi không biết tiếp đãi ngài. Nhưng biết ngài là người khí cốt cao ngạo nên tôi mới như thế để làm thành cho nhau.
       Ông vui vẻ chuyện trò rồi quỳ gối từ biệt. Hóa ra trong đám tể quan cũng có người tâm sâu xa như thế! Sao lại nói là võ biền ư!
       + Đọc sách không để tâm thể nhận thì không dùng được. Tôi chú giải Lão Tử đến chỗ “Thiên chi đạo, kỳ du trương cung hồ!” (đạo của Trời giống như dương cung sao!) Thêm mấy ngày, suy nghĩ cho thích hợp mà không thể được. Tôi bèn mượn người một cây cung, dương lên và treo trên vách, nằm ngồi đều ngắm nó. Hai ngày sau chợt ngộ chữ “trương” là đối với chữ “thỉ” (thỉ-trương là một mặt giữ, một mặt buông) mà nói. Lúc buông cung, bệ cung cao có dư mà dây thấp không đủ thì không dùng được, và khi dương cung, đè cao mà nâng thấp, lấy bớt chỗ cong mà phụ vào chỗ dây tiêu thì trên dưới quân bình có thể bắn trúng được. Thiên đạo toàn lấy động làm dụng. Chủ trương cho mà không chủ trương nhận. Giải thích như thế là thích hợp vậy. Đến hai câu “trọng vi khinh căn” (nặng là căn bản của nhẹ), cũng phải hết mấy năm, không dám giải ẩu. Đúng ngay ngày về Nam, tôi ngồi một mình trong thuyền tình cảnh buồn bã. Cái hiểu về khinh-trọng, tĩnh-tháo chợt hiện rõ trước mắt, mới ngộ ý chỉ lời của Thái Thượng. Bởi vì chính thân mình thử nghiệm và sau lại thấy. Vậy thì chưa thể bảo lời trình bày trên giấy chẳng có mùi vị chơn thật. Nên tôi chú thích một cuốn Đạo Đức Kinh mà trải qua 13 năm mới xong bản thảo, chẳng phải là sơ sài.
       Tôi viết kinh phải ngưng thần nhập quán, thể khế tâm Phật, thì đầu mối mới vọt ra. Nếu phải suy nghĩ thì không dùng trúng rồi.

Cách Thức Giáo Hóa Chúng Sanh
       Sách nói: Thánh nhân không ra đời thì vạn cổ như đêm dài đen tối, nên Phật Thích Ca của ta thị hiện ở vương cung, xuất gia ở Tuyết Sơn, sáu năm khổ hạnh, ngộ đạo thành Phật, rồi thuyết pháp độ sanh ở vườn Lộc Uyển. Lúc đức Phật chưa ra đời, ở Ấn Độ có 96 phái ngoại đạo, mỗi phái lập môn đình xưng là sư trưởng. Đến khi Phật thành đạo tuyết pháp, tất cả ngoại đạo đều quy y xuất gia làm đệ tử Phật, y theo giáp pháp tu hành, chứng quả A La Hán, nên trên hội Linh Sơn có 1250 người vốn đều là ngoại đạo, ngay lúc đó, những người tin Phật thì quy y Phật pháp, y giáo vâng làm, còn người không tin thì sanh kinh nghi cho đến nỗi tạo các ma hại, hủy báng mà bị đọa vào ác đạo chẳng thể kể. Như thế thì biết ngày nay, những nơi chưa hành theo Phật pháp đều do lúc Phật chưa ra đời có trí hay ngu, hiền hay bất tiếu; tuy có nghi hay tin không phải một, đều vì chẳng biết bổn hoài xuất thế của Phật chúng ta và phép tắc của phương tiện độ sanh có thứ lớp. Nên nay tôi lượt thuật thứ tự của phương tiện độ sanh cho người chưa nghe, chưa tin Phật pháp, biết chúng ta là tăng, pháp môn hóa sanh chẳng phải là một việc, một hạnh, một môn mà có thể vào được; nên nói: “phương tiện có nhiều cửa, quy nguyên tánh chẳng hai”.
       Tóm lại trong 49 năm đều tùy thứ tự căn cơ lớn nhỏ, sâu cạn, nên nói kinh giáo chẳng nên vượt bực. Mong mọi người nên biết rõ, chớ cho là lời tầm thường.
       Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ở đời, nghĩa là khai thị cho chúng sanh tri kiến Phật, khiến họ ngộ nhập. Chỉ một việc này thôi chứ không còn gì khác. Một đại sự là muốn chúng sanh biết sanh tử là một việc lớn. Tri kiến Phật tức là Phật tánh sẵn có của mỗi một chúng sanh, do mê Phật tánh này mà thành sanh tử; nay muốn ra khỏi khổ sanh tử, thì phải lấy sự ngộ tri kiến Phật làm nghĩa đầu tiên. Như thế há chẳng phải Phật chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật ra khỏi thế gian sao? Như thế thì Thiền đạo chỉ một đường ngộ tâm, chẳng phải đợi đến Đạt Ma từ tây sang. Nhưng Phật đặc biệt vì việc này mà ra đời, mà đâu dè chúng sanh nhiều kiếp đến nay, tham, sân, si, ái, phiền não, ác kiến, mê mờ quá sâu; chẳng kham chỉ nagy cho đại pháp ngộ tâm. Nên ngài đem pháp Nhất thừa chia ra làm ba, do đây nên mới có bày ra thứ lớp tam thừa, nghĩa là tiểu thừa, trung thừa, đại thừa. Cho đến có người không kham nổi pháp tiểu thừa thì ngài bày ra ngũ giới, thập thiện là thiện quả trời người, để họ khỏi đọa vào cái khổ của 3 đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nên nói: “Chẳng giữ ngũ giới thì đường Nhân Thiên bị cắt đứt”. Nay chúng ta là đệ tử Phật, tuân theo Phật dạy, lấy độ sanh làm sự nghiệp. Nếu không dùng phương tiện thứ lớp, dẫn dụ người vào đạo, rồi một ngày nào đó, đem đại pháp dạy họ thì ngược lại sẽ khiến họ sanh nghi báng, tự rước cái khổ tam đồ, đó là đem đề hồ làm thành độc dược, lỗi do không rành dẫn đường. Nên chúng ta tuân theo lời Phật chế, thiện nam tử tại gia gọi là Ưu-Bà-Tắc, nữ thì gọi là Ưu-Bà-Di, nên giữ giới để tu quả lành Trời Người.
       Năm giới của người tại gia là:
       1./ Không sát sanh (giới này cảm quả báo đời sau trường thọ và được quyến thuộc hòa hợp, hiện tại có con cháu hưng thạnh).
       2/ Không trộm cắp (phàm cái gì không cho mà lấy đều là trộm. Giới này cảm quả báo sau được giàu có, ăn mặc đầy đủ, cầu được như ý).
       3./ Không tà dâm (chẳng phải vợ mình mà sanh dâm dục gọi là tà dâm. Giới này cảm đời sau được vợ trinh lương, cha lành con hiếu, quyến thuộc lục thân hòa hợp).
       4./ Không nói dối (phàm nói không đúng sự thật, gây chia rẽ hai bên, gọi là vọng ngữ. Giới này cảm quả báo đời sau, trí huệ hơn người, lời nói chân thật, ai nghe cũng tin, theo lời dạy mà làm).
       5./ Không uống rượu (Rượu làm hôn mê, rối loạn tâm tánh, phát cuồng sanh họa, là gốc của nghiệp ác. Giới này cảm quả báo vị lai, trí huệ minh đạt, sự thấy biết siêu việt).
       Trên đây là năm giới, khi Phật ra đời, lúc ban đầu vì người tại gia ở đời, đặc biệt đặt ra lời dạy này khiến người y theo giới tu nhân thì chẳng phụ đời này, khỏi đọa đường ác, mà còn có thể cảm đời sau không mất thân người, được sống lâu, giàu có con cháu, gia đạo hưng thịnh, văn minh thành đạt. Phàm đời nay, những người chức cao, quyền trọng, phú quý phong vinh, thông minh lợi đạt, đều là do giữ năm giới mà được. Năm giới này cũng là ngũ thường của nhà nho, bất sát là nhân, bất đạo là nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí, không nói dối là tín. Nên Phật pháp phụ giúp cho vương đạo đem năm giới giáo hóa mọi người thì không tranh tụng, bớt hình phạt, nhà được an ổn, phong tục được thuần mỹ.
       Đây là lời Phật bày nghi thức đầu tiên để giáo hóa chúng sanh. Nay người thế tục chẳng biết Phật pháp, toàn là người không có tâm thích thiện, mà nghịch lại sanh cái thấy báng Phật, báng pháp, báng tăng. Đó là tự mình cam chịu ngu mê, tự ôm đường khổ. Lại có một hạng người tuy có thể ăn chay, ăn rau mà không biết con đường tu hành chơn chánh của Phật pháp, lại nghe theo người tà vô vi, ngoại đạo, chẳng kính Phật Tổ, Trời Đất, chẳng hiếu để với cha mẹ, không đốt hương, lễ báo Tam Bảo, chỉ chuyên theo tà hạnh, tà thuyết, người mù dẫn bọn mù, tụ họp nói bậy, cho là truyền pháp, họ hoàn toàn không biết có con đường tu hành chơn chánh, mà ngược lại báng Phật Pháp tăng, chấp cứng không giáo hóa được. Đây là người quá sức ngu si, là người đáng thương xót! Nay chúng ta vâng theo chiếu chỉ, chính đây là những điều đang cấm.
       Cúi mong các bậc cao minh quân tử ở đời, hãy biện rõ tà chánh, phải trái. Phàm gặp bọn này, hãy nên khai thị cho họ bỏ tà chánh, không những hộ trì Phật pháp mà còn hỗ trợ vua cai trị. Học tà, học chánh đều là một niệm tâm lành. Đáng tiếc vì chẳng biết là tà, mà lầm đọa. Nay nếu biết là trái, sao lại không bỏ bọn tà mà mà làm người hiền lành chơn chánh, làm lương dân của đời Thánh?
       Năm giới trên là Phật dạy tu nhân quả nhân đạo, ngài lại bày đường mười nghiệp-thiện, là nhân quả nhân thiên. Mười điều thiện là:
       1. Ba nghiệp ác của thân: sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Nếu dứt được 3 điều ác này thì gọi là 3 đường thiện.
       2. Bốn nghiệp ác của miệng: nói láo, ỷ ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, nếu đoạn được bốn điều này gọi là bốn đường lành.
       3. Ba ác nghiệp của ý: tham, sân, si. Nếu đoạn ba điều này gọi là ba đường lành. Mười điều ác trên, người đời làm hằng ngày mà chẳng biết. Nay nếu có thể dứt mười điều ác này thì gọi là thập thiện; là nhân để sanh thiên. Đó là người thuần thiện. Mười điều thiện này chính là đạo chánh tâm, thành ý, tu thân của nhà nho. Nếu quả có thể tu điều này, thì hiện đời là Thánh, là Hiền và nhất định cảm đời sau sanh ở thiên cung, hưởng cái vui thắng diệu. Đây thật sự muôn ngàn lần là hạnh chơn thật. Người đời vì sao ngu mê chẳng biết, lại chuyên hướng theo tà đạo mà làm cho được? Há chẳng phải cô phụ tâm này sao?
       Ngũ giới, thập thiện ở trên là đức Phật của chúng ta đặc biệt vì người tại gia ở đời, bày ra kinh giáo muốn người y theo đây tu nhân thì chẳng mất phước của trời người. Đây là lời tuyên dạy từ kim khẩu của Phật chẳng phải lời bàn hư vọng. Nếu không tuân theo đây mà tu, thì đều là tà đạo, chẳng phải là chánh hạnh. Tuy chịu khổ tâm tu-hành mà đều không lợi ích, ngược lại còn tăng thêm quả khổ. Đây là dùng khổ bỏ khổ. Đức Phật chúng ta đã đau khổ với nó quá kỹ rồi. Nay người đời có năm bộ kinh, sáu cuốn sách, chính là ngoại đạo, tà nhân mà xưng càn là sư trưởng, lén trộm ngôn cú của Phật Tổ, góp nhặt loạn xạ những lời quê mùa ca vè thế tục để ngu hoặc dân. Đó là người tà đạo làm loạn chơn lý. Nay thánh-chỉ cấm chính đều là bọn này. Người tại gia đã có lòng yêu điều thiện, sao chẳng quy y Tam Bảo mà đem cái thấy tự ỷ thế trí thông minh lanh lợi rồi sanh tâm ma hạ liệt, coi thường ngũ giới, thập thiện, chẳng thèm làm, cho ưa thích thiền là tối thượng thừa, chẳng tu ba nghiệp bèn đem công án hiện thành của tổ sư, xem xong vài tắc, ghi nhớ trong bụng rồi ưa lợi khẩu, khoái dùng cơ phong cho đây là diệu ngộ của chính mình, hoàn toàn chẳng biết là trái. Hơn nữa lại phỉ báng kinh điển đại thừa, cho là văn tự chẳng để tâm, cười tăng chân tu thật hành cho là tiểu thừa, vọng khởi các thứ tà kiến, hoàn toàn chẳng tin có nhân quả tội phước, thậm chí khinh mạn Phật, khinh mạn pháp, khinh mạn tăng, họ đâu chẳng biết tự rơi vào hầm nghiệp chướng ngu mê, vợ con xúm lại, đủ các khổ nhiệt não đốt cháy, mà vọng chỉ trước mắt là đạo. Người ngu si như thế là người rất đáng thương xót! Mình đã có một niệm tâm hướng thượng, sao chẳng chân chân thật thật, hành công phu đứng đắn? Đó là chỗ nói: “Nói được mười phần, chẳng bằng hành được một phần”, cứ nói bậy như thế, ví như người nghèo mà vọng xưng đế vương, tự chuốc tội bị tru lục, không đáng buồn sao? Xin khuyên các bậc thiện lương ở đời, người thông minh lợi căn có chí ra khỏi sanh tử, nên tự lượng căn khí của mình, tham thiền chắc chắn là một đường hướng thượng, vì đây là Phật Tổ chuyên vì người thượng-thượng-căn mà nói. Các người hãy tự mình kiểm điểm xem có phải là bậc thượng-thượng-căn không? Quả có thể ngay đây liền rõ hết sanh tử trăm kiếp chăng? Nếu căn mình chẳng phải là thượng thượng thì nên lượng sức chính mình chuyên tâm tu môn Tịnh Độ, hồi hướng về Tây Phương, nguyện sanh về Cực Lạc, bỏ hẳn cái khổ ở Ta-Bà. Một pháp môn này, người từ xưa tu nhân, tăng tục theo đây ra khỏi sanh tử không thể đếm hết. Chỗ nói: “Vạn người tu vạn người đi” rất là ổn đáng, là đại pháp môn một mảy chẳng lầm. Tổ Sư nói: “duy có đường tu hành tắt, chỉ niệm A-Di-Đà Phật”. Vì pháp môn này hoàn toàn không làm người lầm lạc. Nếu có thể buông hết thân tâm, theo đây tu hành, có quy tắc nên thực hành, tôi lược dạy ở sau đây:
       Một môn Tịnh Độ, thường thường các bậc sĩ đại phu bàn luận đều cho là vì người trung hạ căn mà đặt ra. Nhưng không biết môn này nhiếp hết cả ba căn, không cơ nào chẳng thấu, rất là quảng đại. Hơn nữa vừa đơn giản lại dễ thực hành. Ngay các tổ sư ngày xưa, sau khi ngộ đạo, người hồi tâm hướng về Tịnh Độ không phải ít, như các đại Tổ sư Vĩnh Minh, Trung Phong v.v... chẳng phải chỉ một người. Nhưng tu hành niệm Phật có 3 căn thượng, trung, hạ, chẳng đồng, nên cửu phẩm ở Tịnh Độ cũng nhận nơi căn cơ mà có khác biệt.
       Tịnh Độ có 3 loại:
       - Thường Tịch quảng độ
       - Thật báo trang nghiêm độ
       - Phương tiện hữu dư độ. Đây tức là phàm thánh đồng cư độ.
       Và ba cõi này tu nhân không đồng, nên chỗ cảm khác biệt. Nay tôi thử nói sơ lược.
       + Thường tịch quảng độ: tức là ở kinh Viên Giác nói Đại Quang Minh tạng. Trong đây phàm thánh bình đẳng, y báo và chánh báo không phân biệt. Chỉ có pháp thân Phật trạm nhiên thường tịch, là cảnh giới chứng pháp thân của chư Phật. Đây chỉ có chư Tổ từ trước một niệm ngộ ngay pháp thân, diệu khế đồng thể, nhập vào cảnh giới Phật ở. Đấy chính là Tịnh Độ của người thượng thượng căn. Há có thể coi thường là vì người trung, hạ mà lập.
       + Thật báo trang nghiêm độ: Đây tức là 20 lớp thế giới Hoa Tạng, là cõi vi diệu của Phật Lô Xá Na của chúng ta, do tu hành khoáng kiếp chiêu cảm xứng với lượng pháp giới vô tận trang nghiêm như Hoa Nghiêm nói: Trùng trùng vô tận thế giới trang nghiêm”. Đây là chỗ ở của Báo Thân Phật, là cõi tịnh độ của bậc Bồ tát Thập Địa chuyển đại pháp luân, là chỗ mà nhị thừa thanh văn chẳng thấy, chẳng nghe. Đây tức là những người được thọ ký trên hội Pháp Hoa, đợi tu nhân nhiều kiếp, tương lai sẽ cảm ứng Tịnh Độ một phần trong cõi này. Đây đâu phải chỗ hạng tầm thường dễ dàng đến được!
       + Phương tiện hữu dư độ: Cũng gọi là Phàm Thánh đồng cư độ. Đây chính là cõi hóa độ của Phật A-Di-Đà, có 9 phẩm phân biệt. Vì thế giới Hoa Tạng có 20 lớp. Từ lớp thứ nhất có vi trần số thế giới cõi Phật vây quanh, dưới nhỏ, trên lớn, như cái tháp lật ngược. Từ đây trở lên càng tăng gấp bội, đến lớp thứ 13 thì cõi ta bà này là cõi nằm ở trung tâm. Cõi Cực Lạc và Ta-Bà bằng nhau. Từ giữa đến bên má hoa lá là phía Tây, nên nói qua 18 ngàn cõi Phật là kể luôn cõi Ta-Bà, vì cõi Phật mười phương chỉ có Ta Bà là cực ác, đất, đá, cát, núi, dơ bẩn tràn đầy, tam đồ bát nạn, các khổ nhóm họp nên gọi là kham nhẫn, chúng sanh cang cường rất khó điều phục. Nên đức Phật Thích Ca chúng ta, dù đem thập-thiện để giáo hóa dẫn đạo nhân thiên mà chúng sanh vẫn chìm trong sanh tử chưa ra khỏi luân hồi. Nếu có tham thiền ngộ tâm, cũng lại rất khó ngộ ngay, nên ngài thiết lập một môn cầu sanh Tịnh Độ gọi là vượt ngang ba cõi. Vì nương sức nguyện trong nhân của Phật A-Di-Đà rằng:
       “Chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu có người niệm danh hiệu tôi, mà không sanh nước tôi, thì tôi thề chẳng thành Phật”. Vì nương nguyện lực này, hễ ai niệm Phật thì Phật Di-Đà nhất định đến tiếp dẫn được sanh vào cõi Tịnh Độ kia. Cho nên dễ sanh. Nhưng Tịnh Độ này mở ra 9 phẩm. Nếu người tham thiền ngộ tâm mà chưa thể quên tâm cảnh thì sanh thượng thượng phẩm. Có người niệm Phật nhất tâm chẳng loạn thì sanh thượng trung phẩm. Có người tham thiền chưa ngộ mà trì danh tinh thuần, vạn hạnh trang nghiêm thì sanh thượng hạ phẩm. Nếu người tu vạn hạnh, trì kinh đại thừa, chuyên trì danh hiệu, chí nguyện vãng sanh thì sanh trong ba phẩm trung.
       Có người tinh trì ngũ giới, thập thiện chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện hồi hướng, chẳng kể tăng hay tục, phần nhiều sanh ba phẩm hạ. Đây tuy chưa đoạn phiền não, mà nếu được sanh nước đó, gặp Phật, nghe pháp, cũng ở địa vị bất thối chuyển, nhất định không rơi vào ba cõi sanh tử. Rồi từ đây phát nguyện trở lại ba cõi để độ sanh, thì đến đi tự tại, chẳng bị sanh tử khổ não níu giữ. Do đó thiền sư Vĩnh Minh nói: “Nếu được thấy Di Đà lo gì không khai ngộ”. Một pháp môn này, một đời tinh thành có thể xong. Đã sanh lên đó rồi sẽ chóng thoát sanh tử, ra khỏi hẳn luân hồi. Pháp môn thẳng tắt như thế, lại còn lo gì nữa mà không chịu tu, còn coi thường nó ư! Tham thiền liễu sanh tử khó, còn niệm Phật liễu sanh tử dễ, chỉ cần chúng ta một niệm tâm chân thật, chịu cực khổ thiết tha thôi. Người từ xưa sanh Tịnh Độ vô lượng, vô số đều là người đời mắt thấy được, nếu không tin thì có pháp nào đáng tin nữa? Nay kính khuyên bậc cao minh trí sĩ nên tin tự tâm, chẳng nên tin lầm thuyết tà. Ở trong pháp môn này, người thiền tịnh kiêm tu rất nhiều. Như Vĩnh Minh nói: “Tham thiền niệm Phật, niệm Phật tham thiền”:
       Có thiền, có tịnh độ
       Ví như cọp mang sừng
       Hiện đời làm thầy người
       Tương lai làm Phật, Tổ.
       Đây cũng là hạnh tối thượng cùng với người vọng xưng ngộ đạo đọa vào tội đại vọng ngữ, cách nhau một trời, một vực. Chỉ vì tất cả chúng sanh tự mê Phật tánh sẵn có nên đọa lạc vào 3 cõi sanh tử, luân hồi trong sáu đường khổ nạn, suốt kiếp trầm luân, chẳng xa lìa được. Tất cả đều do tham, sân, si, ái, tạo chứa các ác nghiệp dâm, sát, trộm, vọng ngữ, rồi xả thân lại thọ thân. Tất cả đều vì dâm dục mà nhận tánh mạng, đời đời, kiếp kiếp, cha mẹ, vợ con, lục thân quyến thuộc, ân ái buộc ràng. Bị ngọn lửa lớn trong 3 cõi thiêu đốt, không người nào thoát khỏi được. Nên đức Bổn sư Thích Ca chúng ta ở cõi Thường Tịch Quang hưng khởi tâm đại bi cứu khổ, xả bỏ pháp lạc của tự tánh, từ trời Đâu Suất giáng xuống vương cung, nhập vào thai mẹ, rồi ngài lại bỏ cha mẹ, vợ con, đoạn dứt ân ái thâm trọng của thế gian, bỏ ngay ngôi vua Kim Luân, chạy vào núi Tuyết, cạo bỏ râu tóc, chịu đói lạnh suốt sáu năm, hành trì khổ hạnh cho đến ngày ngộ đạo thành Phật. Đây là một lối vì sanh tử xuất gia bậc nhất. Rồi sau khi thành Phật ngài lại bị ma hại, chịu nạn kim thương, mã mạch, các thứ kham nhẫn vứt bỏ thân mạng, chịu hết vô lượng nạn ma oán, thuyết pháp 49 năm. Chỉ là một niệm từ bi vì muốn độ chúng sanh, cứu họ ra khỏi khổ mà thôi. Chỉ một việc này chớ không còn việc nào khác, nên 1250 đệ tử trên hội Linh Sơn đều là những bậc anh linh hào kiệt một thời, học hạnh của Phật, ai nấy đều xa lìa cha mẹ, vợ con, ân ái thế gian, nương Phật tu hành, rồi liễu ngộ ân ái, được ra khỏi sanh tử, chúng quả A-La-Hán. Như ngài A-Nan là em của Phật cũng theo xuất gia, theo chúng chịu cực khổ. Đây là cách thức độ đệ tử xuất gia của Phật chúng ta.
       Lúc Phật ở đời, đệ tử theo Phật xuất gia, không biết pháp tu hành, nên Phật nhân sự việc mà thuyết giới khiến dừng ác, ngăn sai, được sự huân tu chơn chánh. Vì vậy người mới xuất gia gọi là Sa Di, Phật đặt 10 giới, cho đến tỳ kheo thì Ngài đặt 250 giới. Đàn bà xuất gia gọi là tỳ kheo ni, Ngài đặt 500 giới. Cho đến quốc vương, đại thần, tể quan, cư sĩ cùng những người tại gia, xuất gia, tứ chúng tiến tu đại giới Bồ Tát thì có kinh Phạm Võng, ngài thuyết 10 giới trọng, 40 giới khinh, các giới luật này là gia pháp của pháp môn Phật. Nên nói: “Nếu người nào thọ giới của Phật tức là vào địa vị chư Phật”. Nếu làm tăng mà không thọ giới thì người ta gọi là ngốc tặc, ăn trộm cà-sa của Phật, bán đứng Như Lai chớ chẳng phải đệ tử Phật. Làm tăng vâng theo Phật pháp như thế thật chẳng phải dễ. Lúc Phật ở đời, tuổi thọ con người là một trăm tuổi. Phật đáng lý thọ một trăm năm, vì nghĩ đến đệ tử đời mạt pháp vô phước nên ngài chỉ trụ thế 80 năm; lưu lại phước của 20 năm chưa hết cho con cháu đời sau. Nên nay các đệ tử được cúng dường tứ sự đều là thọ dụng một phần công đức trong ánh sáng bạch hào của Phật, tức là cọng rau, hạt gạo của thí chủ, một phân một hào của thí lợi đều là phước điền còn sót lại của Phật. Nay người vào làm tăng trong pháp môn mà lại không hề biết Phật là người nào, cũng chẳng biết mình làm việc gì? Chẳng biết vì sao bỏ cha mẹ, vợ con, cạo bỏ râu tóc, không ở nhà thế tục mà vào ở chùa? Lại cũng chẳng biết rằng mình không cày cấy, không dệt sợi mà cơm áo từ đâu tới? Chỉ cho rằng chính mình có khả năng, đi quyên hóa thí chủ cúng dường, mà lại không biết lòng tin của thí chủ, máu mủ khó tiêu, tương lai phải kéo cày, lôi bừa, đeo hàm sắt, mang yên, chịu bao nhiêu khổ để trả nợ. Đây là mọi người nhất tề mê muội mà chẳng biết, nếu cứ thọ dụng như thế mà có giữ giới hạnh sơ sơ, trì kinh niệm Phật, giữ bổn phận thì cũng tạm được. Huống lại hoàn toàn không biết tăng thể, chẳng thọ giới hạnh, phóng túng thân tâm phan duyên theo thân thuộc thế tục, ra vào không úy kỵ, chẳng tránh sự chê cười gièm pha cho đến vi phạm pháp cấm, hoàn toàn chẳng biết là trái, lại không phải chỉ có một loại. Trọn không biết vì sao xuất gia, vì sao xả tục, vì sao cạo bỏ râu tóc? Chẳng những không biết việc tu hành, mà ngay cả tâm thắp hương lễ Phật, kính thờ Tam Bảo, tuyệt nhiên quên mất, hỗn độn một đời, sống say chết mộng. Hoàn toàn chẳng biết con đường chân chính tu hành, mà có gặp ai tu thì ngược lại cho là trái. Đây thật là người rất đáng thương xót! Phật nói: “Tam đồ, địa ngục, chưa phải là khổ, dưới lớp áo cà sa mà mất thân người, mới thật là khổ”. Tóm lại là chẳng biết tăng là gì? Nên kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:
       Phật bảo: “Tỳ kheo các ông! Mỗi buổi sang nên tự vò đầu”. Nếu chịu tự vò đầu thì phản tỉnh chính mình thật không còn râu tóc. Vì không biết quy củ xuất gia của Phật pháp, nên thầy không thành thầy, đệ tử cũng chẳng thành đệ tử, trên dưới đoạn dứt phận, cùng bầy cầm thú, chỉ biết sự cấp thiết của ăn mặc mà hoàn toàn chẳng biết việc sanh tử; chẳng sợ có cái khổ tam đồ ở tương lai. Thế gian do thói quen này trở thành phong tục và cho là việc thường. Còn có người bỏ làng đi hành khước khắp nơi, mà cũng chỉ biết có cơm cháo ở tòng lâm, chứ mờ mịt chẳng biết có Phật pháp thiền đạo. Đây lại thật là người rất đáng thương xót! Tuy nhiên, trong ấp có mười nhà, thì chắc chắn có người trung tín. Nay ở các núi hiện tại há không có bậc anh-linh hào kiệt sao? Ở mỗi phương, nếu có một hai người chịu phát tâm hưng khởi, tự nhiên có cơ hội chuyển hóa. Vì thế nay tôi chỉ mong các bậc có chí trụ ở chùa, mỗi người nên suy nghĩ xét mình quay đầu về, nên nghĩ đến việc lớn sanh tử, thống thiết sửa đổi lỗi trước, phát khởi một niệm tâm hướng về đạo. Sự phát tâm ban đầu, trước cần tham thỉnh thiện tri thức là thọ mười giới Sa Di. Nếu giữ mười giới không phạm thì tiến lên 250 giới của Tỳ kheo, mỗi mỗi giới điều đều cẩn thận kiểm điểm cho đến tiến lên thọ giới Bồ Tát. Vì Phật thiết lập giáo pháp lấy tam-học Giới-Định-Huệ làm căn bản Phật pháp, nghĩa là nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ, đó là 3 vô lậu học. Các giới tướng ghi đủ trong giới kinh, mời mọi người tự kiểm xem chẳng kể kỹ. Sau khi có thể thọ giới rồi, chẳng kể là ở một mình hay theo chúng, nhất định cần mỗi nửa tháng đến trước Phật tụng niệm giới phẩm. Ai có hủy phạm thì đối trước chúng sám hối, sửa lỗi bản thân, thì thân tâm thanh tịnh, nghiệp chướng được tiêu trừ. Đó là điều cốt yếu ra khỏi khổ não. Ai đã có thể trì giới là gốc tu hành thì nên gần gũi Phật pháp, dù không ra khỏi cửa, đi nơi khác nghe giảng, cũng nên tự mình phát tâm chuyên nhất trì tụng các kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Viên giác, Lăng Nghiêm để trồng nhân duyên Bát-Nhã, hoặc ai có chí chuyên tu một môn Tịnh Độ thì lấy niệm Phật làm hạnh chánh, tụng kinh đại thừa làm hạnh trợ giúp, 6 thời phát nguyện hồi hướng, cầu ra khỏi đường khổ sanh tử. Như thế mới không phụ nhân duyên lớn lao của người xuất gia; cũng chẳng trôi suông đời này. Nếu người có căn thượng thượng, phát tâm thoát ly nghiệp đời, đi các nơi tham thỉnh tri thức, chí muốn tham cứu đến cùng đại sự sanh tử, chỉ cần đề lên một niệm thôi, chẳng cần cầu bên ngoài. Đây là căn khí tối thượng nhất thừa. Nhưng nếu, phát tâm tự nhận, nhất định có lúc phát minh liễu ngộ, thì do căn khí mỗi người, chí hướng thế nào.
       Như trên đã nói, trì giới, tu hành, tụng kinh, niệm Phật tuy chẳng thể chóng ngộ tự tâm mà cũng không bỏ phí thời giờ, cũng chẳng phụ duyên xuất gia. Nếu cứ nhởn nhơ buông lung thì đến chết cũng chẳng thành. Chẳng đáng thương lắm sao? Qua suông đời này, đọa lạc vào tam đồ, thì tương lai chẳng biết bao giờ mới ló đầu ra được.
       Như trên đã nói, pháp tu hành của người xuất gia và tại gia, tuy cạn sâu không đồng, là pháp Phật thuyết trong 20 năm đầu. Phật thuyết pháp 49 năm, pháp được thuyết có 3 thừa là tiểu, trung, đại thừa. 20 năm đầu chỉ nói hữu giáo gọi là tiểu thừa, Phật nói có cái khổ sanh tử trong 3 cõi có thể ra khỏi, có Niết Bàn Nhị thừa có thể cầu, có nhân quả cõi lành Trời Người, có nhân quả ác nghiệp tam đồ, tất cả các pháp là thực có nên nói pháp tứ đế. Đế tức là thực. Tứ-đế là bốn pháp khổ, tập, diệt, đạo là thực, thực có khổ có thể thọ. Tập là tham, sân, si, ái, phiền não. Ngài nói phiền não này là nhân của các khổ, hay chiêu quả khổ nên nói thực, thực có tập của phiền não có thể đoạn. Diệt là Niết bàn thiên không của Nhị thừa, vượt ra ngoài 3 cõi. Do ra khỏi sanh tử, chứng được Niết Bàn này, nên nói là thực, thực có Niết Bàn có thể chứng. Đạo là phương pháp tu hành, là chỗ tu của nhị thừa: chán khổ, đoạn tập, mộ diệt, tu đạo. Nghĩa là bát bối xả, ngũ đình tâm quán: quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, lại có quán tổng tướng niệm, biệt tướng niệm v.v... Đây gọi là pháp tu ra khỏi khổ của người tiêu căn, là tiểu thừa giáo.
       Lại có một hạng căn khí có chút lanh lợi gọi là trung thừa, tức là Phật mở rộng tứ đế trước, thuyết pháp thập nhị nhân duyên: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữa, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, ưu bi, khổ não. Đó gọi là 12 hữu chi. Mười hai chi này gồm nhân quả ba đời: quá khứ 2 chi nhân là vô minh, hành; hiện tại năm chi quả từ thức đến thọ; hiện tại ba chi nhân là ái-thủ-hữu; vị lai hai chi quả là sanh-lão tử ưu bi khổ não. Duyên là dẫn nghĩa là nhân quả luân hồi ba cõi, dẫn dắt lẫn nhau mà có. Vì người căn cơ bậc trung quán 12 nhân duyên này có 2 môn lưu chuyển và hoàn diệt. Nghĩa là từ vô mình đến lão tử v.v... là môn lưu chuyển. Nếu vô minh diệt thì 12 hữu chi đều diệt là môn hoàn diệt. Quán ngược xuôi như thế thì ngộ sanh vô sanh. Chứng quả Bích Chi Phật, Độc giác là pháp trung thừa vậy. Pháp nhị thừa này, Phật thuyết trong 20 năm vì những người căn cơ chậm lụt không kham thọ đại thừa. Nên là quyền tạm. Sau 20 năm này, căn cơ dần dần thông thái, Phật mới thuyết đại thừa Bồ Tát tu pháp Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục tinh tấn, thiền định, trí huệ. Sáu độ này là chỗ tu của Bồ Tát đại thừa, gọi là Đại Thừa. Nếu tu sáu độ này, riêng vì “hạ độ chúng sanh, thượng cầu Phật quả”. Pháp lục độ này lấy Bát Nhã làm chủ, nên thời thứ hai Phật thuyết kinh Bát Nhã có 22 năm, kinh này nhiều nhất, đem qua Trung Hoa có 8 bộ Bát Nhã cộng 600 quyển. Kinh này hoàn toàn nói về trí huệ chân không Bát Nhã, phá cái hữu kiến về Niết bàn sanh tử của Nhị thừa, bàn rộng về Lục độ cho đến các pháp tứ đế, thập nhị nhân duyên đều lấy Bát Nhã chơn không làm cực tắc, đào thải cái thấy “chấp có” trước, như tâm kinh Kim Cương, đều là tông cực của Bát Nhã. Vì Nhị thừa trước chấp không là thiên không, nghĩa là cái không đoạn diệt. Nay Bát Nhã là thật tướng chơn không, do Phật thuyết tam quán: không, giả, trung là diệu môn thành Phật. Chỉ một bộ kinh Bát Nhã này thuyết riêng một không quán, nên là cửa đầu tiên nhập vào đại thừa, là diệu pháp tu hành của Bồ Tát. Bát Nhã là tiếng Phạn, đây là trí tuệ, vì thế Bồ Tát lợi ích chúng sanh, lấy trí tuệ làm đầu. Chỗ nói: không trí huệ thì bị phương tiện cột, có huệ thì phương tiện mở. Nhưng một môn không quán này tuy ghi trong 8 bộ Bát Nhã, ký thực rất mau tắt, thiết yếu. Chỉ ở tâm kinh đã gồm đủ 14 hạnh nghiệp, một cuốn tâm lại riêng ở một câu “chiến kiến ngũ uẩn giai không” đã đủ hết nghĩa. Trong câu này, nếu hạ thủ công phu thì chỉ ở một chữ “chiếu” mà thôi. Đây là pháp môn tối giản yếu. Nhưng thiền môn tu hành, công phu dụng công ban đầu chỉ một chữ “chiếu”, tức là “pháp môn một chữ”. Phật đợi đến 30 năm mới nói. Xem đây thì pháp tu tâm há chẳng phải là chuyện phàm phu tầm thường dễ tu hành sao? Pháp môn một chữ này là dạy cho Bồ Tát, là pháp đặi thừa vậy.
       Bổn hoài xuất thế của Phật chỉ là muốn cho tất cả chúng sanh thành Phật, chớ không vì gì khác. Tức là 49 năm thuyết thời giáo một đời, nay là một đại tạng kinh. Thảy đều là pháp môn học thành Phật. Phương tiện thành Phật chỉ có Lục độ vạn hạnh, đủ nhiều thứ cửa mà ý chính chỉ có tam quán là căn bản thành Phật. Tam quán là không, giả, trung đạo. Một đời giáo hóa chỉ thuyết ba quán này. Từ trước cho đến khi thuyết Bát Nhã là vừa mới thuyết xong một môn không quán. Như thế thì biết pháp chẳng phải dễ thuyết, cũng chẳng phải dễ vào. Trên hội Bát Nhã, những người Nhị thừa nghe pháp trong hội, đều cho Bát Nhã không phải thuộc về trí của mình, hoàn toàn không để ý, huống là đích thân nhận lời Phật dạy. Đã 30 năm mà còn chẳng tin, chẳng nhập. Như hiện nay bọn phàm phu ác nghiệp, miệng miệng nói không, vọng nói pháp không, không Phật, không Tổ, không tu, không chứng, rồi tự xưng mình là những căn cơ thượng thượng, há chẳng phải quá dối lừa người. Nhưng Phật đã thuyết Bát Nhã chân không, rồi sau mới thuyết quán giả. Một môn quán này có nói trong kinh Giải Thâm Mật, nói về pháp môn Duy Thức, nghĩa là vì mê Như Lai tàng gọi là A-lại-da thức, nương thức Lại da này đầy đủ 3 phần, biến ra căn, thân và khí giới, tất cả đất đai sông núi, chúng sanh, thế giới. Đó là pháp giả, là cảnh giả, chỉ có thức biến, như bóng trong gương, như trăng đáy nước, tuy có mà chẳng thực, nên gọi là giả.
       Hỏi:
       Nhưng Phật vì sao mà quán giả?
       Đáp:
       Do trước, người Nhị thừa chấp Niết Bàn cho là có thực, rơi vào thiên không, nên Phật thuyết Bát Nhã là Chân Không. Để phá cái kiến chấp có, nên quán thực tướng Bát Nhã Chân Không. Lại có một loại Bồ Tát ưa cái không tăng thắng, chấp chỉ riêng không mà không nhập vào cái có (thiệp hữu), chẳng chịu độ sanh. Nên Phật thuyết tất cả chúng sanh, thân, tâm, thế giới đều chỉ có thức biến hiện, toàn là pháp giả, dùng pháp môn duy thức này hội Có-Không; ngài muốn hiển bày cái Có-tức-Không, cái Không-tức-Có, quán thẳng duy thức để chứng Chơn Như. Đây là pháp môn dạy Bồ Tát, trước ra khỏi Không nhập vào Giả để độ sanh. Nên một môn quán này, có kinh Giải Thâm Mật v.v... Lúc thuyết kinh dành cho Bồ Tát đại căn, đã có thể tin nhận. Còn Nhị Thừa tiểu căn, rốt cuộc chẳng dám vào cõi tục lợi sanh. Vì thế Phật thuyết kinh Duy Ma, đem cư sĩ Tịnh Danh để thị hiện việc ở thế tục có vợ con, quyến thuộc, tạm mượn nhân duyên thăm bịnh cùng Văn Thù đối đáp pháp môn bất nhị, quở trách Nhị thừa để kích phát tâm nhập tục độ sanh.
       Kinh này gọi là chê thiên, trách tiểu, khen đại, tán viên. Vì tiểu thừa chẳng nghĩ lường pháp môn, cứ khư khư cái thấy nhỏ hẹp của nhị thừa. Ở đây Phật rất mực từ bi vì người căn cơ nhỏ hẹp, dùng các thứ phương tiện quyền xảo, ý muốn dẫn họ vào đại thừa. Như thế thì biết việc Bồ Tát vào tục lợi sanh, chẳng phải người căn cơ thấp thỏi có thể kham được. Công giáo-hóa hơn 40 năm của Phật còn phí phương tiện thần lực như thế. Còn như hiện nay, người đang ở trong biển khổ ngũ trược, phiền não, sanh tử, miệng miệng nói không, đàm thiền, thuyết đạo, tự động cho một việc hướng thượng là trách nhiệm của mình, chê bai chánh pháp, chẳng sợ nhân quả, chẳng biết thương mình, vọng tự dối gạt như thế sao? Vì xem phương tiện quyền xảo của Phật khi lợi sanh, đã khổ tâm biết bao, chẳng dám dễ dàng nói dạy người một chữ thành Phật. Người đời hễ nói thì siêu Phật, vượt Tổ. Như thế thì chẳng phải vọng hay sao? Chẳng đáng sợ sao?
       Phật ra đời thuyết pháp 49 năm, kinh điển gần một đại tạng, đầu đuôi chỉ nói rõ tám chữ “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” từ đầu đến đây, đã trải 40 năm mới thuyết rõ ra được ý nghĩa của một câu “vạn pháp duy thức”. Vẫn còn chưa dám hiển thị ý chỉ duy tâm. Vì duy tâm là cực tắc của vạn pháp. Từ trước đến nay, các đại đệ tử đã nghe pháp môn duy thức, nên từ đây về sau, Phật bèn thuyết kinh Lăng Già để hiển thị pháp môn “tam giới duy tâm”, muốn người ngộ ngay một tâm này, để làm cực tắc. Nên thâu hai “Không Giả” trước, dứt hết hai đế, quay về một tâm. Sau đó viên mãn một tâm, tiêu dung vào trung đạo là lý cứu cánh. Nên kinh Lăng Già nói: “Tịch tịch là nhất tâm”, nhất tâm gọi là Như Lai tàng nghĩa là tàng thức. Tức là Như Lai tàng không phải không, không phải có, chỉ thẳng một tâm lìa danh dứt tướng, tuyệt hẳn thánh phàm, chẳng thuộc giai cấp tu chứng. Chóng quán tàng tánh gọi là cảnh giới Tự Giác Thánh Trí, lìa ngay tất cả vọng tâm phan duyên. Nếu rõ vọng tưởng không có tánh tức ngộ vô sanh. Đó là pháp môn đốn giáo. Tổ sư Đạt Ma truyền cho Nhị Tổ là đại sư Huệ Khả, lấy kinh này làm tâm ấn. Vì thế kinh này dành riêng cho người căn cơ thượng thượng, người Nhị thừa không có phần. Dưới cửa Tổ sư, người mới học tham thiền cần phải lìa tâm-ý-thức mà tham, lìa cảnh giới vọng tưởng mà cầu, ra khỏi đường phàm thánh mà học. Đó là thuần lấy kinh này làm tông cực. Kinh này là thuyết cực tắc của một tâm. Phật đã hơn 49 năm dùng nhiều phương tiện khai thị, trải qua bao nhiêu pháp môn, nay mới thuyết kinh này. Người tiểu căn còn chẳng có phần, mà tăng tục bây giờ giáo nhãn chưa sáng, chẳng biết đường tu hành, mù đui chẳng biết vọng tưởng phan duyên trong tâm của mình hoàn toàn không biết nó khởi diệt bao nhiêu; ngày đêm chưa hề có một niệm thanh lương, mà lấy một việc hướng thượng lìa tâm-ý-thức cho là trách nhiệm của mình, thoại đầu cũng chưa từng mộng thấy mà mở lớn miệng thuyết thiền Tâm tự dối như thế sao? Có thể nói là người rất không biết hổ thẹn, chẳng đáng sợ sao? Chẳng những người đời vô tri nói bậy mà ngay kẻ hậu học, tăng đồ trong pháp môn ta cũng hoàn toàn chưa hề nghe pháp môn Phật dạy tu tâm, hoàn toàn không có chánh kiến công phu dụng tâm. Chỉ có mấy giờ vọng tưởng, hoàn toàn không có chánh kiến, liền xưng ngộ đạo, tự cho là đủ. Thế thì ai dối? Ai lầm? Xin can! Xin can! Cẩn thận! Cẩn thận!
       Sau 40 năm này Phật mới dạy pháp môn Nhất tâm, đủ thấy pháp chẳng dễ nói, chẳng dễ tu, chẳng dễ ngộ.
       Đức Thế Tôn đặc biệt vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, một đại sự nghĩa là tri kiến Phật của chúng sanh. Vì chúng sanh vốn đủ tri kiến Phật mà nay mê đi trở thành tri kiến vọng tưởng sanh tử, nhiều kiếp đến nay mê đi mà chẳng biết, ví như gã cùng tử ôm hạt châu làm ăn mày uổng chịu cực khổ. Vì vậy Phật hưng đồng thể đại bi, đặc biệt ra đời để khai thị cho chúng sanh, biết mình có tri kiến Phật sẵn có khiến cho ngộ nhập được. Ví như chỉ cho cùng tử hạt châu nằm trong chéo áo, khiến cho y biết được lấy dùng. Nhưng tri kiến Phật tức là Nhất tâm mà kinh Lăng Già thuyết, gọi là Tự Giác Thánh Trí vậy. Phật một bề không dám nói liền, vì quán chúng sanh căn cơ ám độn, không kham nhận pháp này. Nên Phật lặng thinh không lo nói vội điều cốt yếu. Cho đến 40 năm sau, dùng nhiều cách đào thải, căn cơ dần dần thuần thục, việc hóa duyên sắp xong, nên Ngài thuyết kinh Lăng Già, dạy pháp môn nhất tâm để hiển lý cứu cánh. Sau đó Ngài thuyết kinh Pháp Hoa, chỉ dạy thực tướng các pháp, để hiển sự cứu cánh. Đây là thứ lớp Phật thuyết pháp, do sự-lý rốt ráo mới biết được cực tắc của một tâm. Vì vậy các người Nhị thừa đến lúc này mới tin tâm Phật quyết định, không còn nghi, cũng ngộ được Phật tánh sẵn có của mỗi người, chắc chắn chẳng mất, ví như cùng tử lâu ngày bỏ trốn qua nước khác, nay mới trở về gặp cha, cũng tin gia nghiệp của cha đều là của mình. Thân tâm đều tin nhận, có thể kham nối nghiệp nhà, nên được trưởng giả giao phó tài sản cho. Người ta thường nói một kinh Pháp Hoa này như ông trưởng giả viết chúc thư giao phó việc nhà, chính là bổn hoài cứu cánh của Phật lúc lợi sanh. Vì thế Phật bảo các đệ tử, thọ ký cho từng người, tương lai nhất định thành Phật. Lại nói: “Phàm có người nghe pháp, tất cả đều thành Phật”. Một đại sự nhân duyên này của Phật đã xong, gọi là chung giáo, chẳng bao lâu Ngài nhập Niết Bàn. Nhưng ở một thời Pháp Hoa, bổn hoài của Phật xuất thế lợi sanh đã tận. Đến kinh Niết Bàn thì hiển nghĩa Phật tánh, để thâu những cơ chưa hết của Pháp Hoa, và phá cái nghi chưa hết của các đệ tử đến trước, vì Phật thuyết pháp ai đến nghe cũng thành Phật. Đây thì Ngài sợ đệ tử trước đã nghe người Xiển đề không có lòng tin, không cho thành Phật. Nghe điều này sẽ sanh nghi. Vì thế Phật thuyết kinh này, bảo Xiển đề cũng có Phật tánh, mượn hình ảnh đồ tể Quảng Ngạch buông dao đồ tể liền thành Phật. Đến đây tin chắc, phàm người có biết cuối cùng sẽ thành Phật, quyết định không nghi. Như thế mới hết ý nghĩa một phen xuất thế của Như Lai, công việc giáo hóa lợi ích chúng sanh đến đây đã xong. Nên bây giờ nhập Niết Bàn. Như trên đã nói, quy tắc Phật ra đời một đời thủy chung hóa độ chúng sanh, pháp môn thứ tự tu nhân, tuy quán chúng sanh sẵn có Phật tánh, ai ai cũng đầy đủ, không ai không mong thành Phật. Nhưng vì chướng phiền não dày, căn tội nghiệp sâu, Phật chẳng kham dạy ngay đại pháp. Nên ngài đem pháp Nhất thừa phân biệt nói thành ba. Đây là lý do thiết lập nhất thừa và tam thừa. Vì thế trước kinh Lăng Già là quyền giáo tam thừa còn Pháp Hoa, Lăng Già là thực giáo nhất thừa. Nên các nhà Thiên Thai phán định là giáo khai quyền hiển thực. Như thế thì biết 40 năm đầu Phật thuyết quyền giáo vì căn cơ chẳng đồng vậy.
       Như trên đã nói, đốn, tiệm chẳng phải một, để thông suốt giáo nghĩa. Nhưng kinh Lăng Già chỉ ngay một tâm là Như Lai Thanh Tịnh thiền, thì giáo há chẳng phải là thiền tông chăng?
       Đến như Thế Tôn tự nói:
       - “Ta suốt 49 năm không hề nói một chữ”! Rồi cuối cùng đưa cành hoa lên dạy chúng. Cả trăm vạn người đều mờ mịt không hiểu, chỉ có một mình Ca Diếp mỉm cười. Thế Tôn bèn nói:
       - Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn - Diệu Tâm nay giao cho ông.
       Đó là ý chỉ truyền riêng ngoài giáo, từ đây truyền đến A-Nan, cho đến 28 Tổ phương Tây, 6 tổ Đông Độ, Đạt Ma từ Ấn Độ sang được coi là Thiền Tông “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật” gọi là pháp môn truyền riêng. Nên từ Tào Khê về sau hai phái, năm tông, truyền đăng ghi 1700 người, đều là bậc đại sĩ ngộ tâm. Hễ có ngôn cú thì gọi là công án, vì thiền vốn ly ngôn, chỉ để lại một lời, nửa câu làm chứng cứ ấn tâm, như văn thư ở công đình tại thế gian, chẳng phải muốn người cho đây là pháp thực, đem miệng tai mà truyền bá, cho là tri kiến huyền diệu của chính mình.
       Sự nghiệp của Phật đã nói xong một đại tạng giáo, đến như pháp môn nhất tâm không đầy đủ sao mà phải đưa cành hoa lên để làm tâm yếu? Đó là vì ý chỉ nhất tâm lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên. Vì từ trước, người nghe tuy ngộ bổn tâm nhưng chưa có thể lìa tướng nên cuối cùng mượn cành hoa đưa lên để trừ dẹp tập khí chấp ngôn thuyết, tức là trị bệnh chấp danh ngôn, lấy đây làm cây gậy vàng. Người đời nay chẳng biết ý chỉ giáo thiền một tâm là phương tiện hóa độ chúng sanh của Phật, mỗi người vọng chấp một mối cho là đúng đắn, nên chấp giáo không phải thiền, chấp thiền không phải giáo. Người chấp giáo không phải thiền, dĩ nhiên đi lầm lẫn mà người chấp thiền không phải giáo lại còn lầm quá xa! Vì người chấp thiền là chấp cái ngu của mình, vọng nhận cái thấy của mình đó là tự lầm, lại phỉ báng kinh đại thừa liễu nghĩa cho là văn tự, đến nỗi cứu cánh chẳng thành, thật là người đáng thương. Tôi xem đời mạt pháp này, các nơi giảng đã ít, không có bậc tông tượng cho nên người ít tuổi lanh lợi, không có nghe nhiều, không trí huệ. Dù có người có chí hướng thượng lại không có chí quyết định lâu bền, vì không có bậc trí thức mắt sáng, chỉ có theo đời lừa dối đến nỗi lạc lầm rất nhiều. Đây thật là đáng vì họ mà rơi lệ! Rồi lại có tăng đồ tự cho mình ngộ đạo, cuống hoặc ngu phu thế tục, tham cầu sự cúng dường có ai qui y thì liền khai thị tham thiền làm một đường hướng thượng, có ai tin mình dù họ thoại đầu chưa thuần thục, vọng tưởng tung hoành như nước sôi, cũng ấn chính cho; cho là có chỗ ngộ nhập, đến nỗi làm rơi vào tà kiến. tai hại quá nhiều như thế, không thể không biết sợ hãi mà tự răn mình. Theo ngu kiến của tôi, thì không phải không cần tham thiền, chỉ nói là tham thiền không được chơn thật, lại không có chí quyết định lâu xa, vọng tự cho là ngộ, làm lầm người rất nhiều. Theo ngu ý của tôi thì nếu như xem kinh giáo mà chẳng thể tham thiền và người tham thiền mà không quyết định thì đều không bằng chuyên tâm tu tịnh nghiệp, chẳng để qua suông một đời. Người trí có thể tự xem, xin mọi người tự suy nghĩ may ra không tự lừa dối mình.
       Trộm xem các bậc đại sĩ đại phu, tể quan tham thiền liễu ngộ từ xưa chẳng phải ít ỏi rõ ràng trong Truyền Đăng có ghi không phải là một người. Trong hàng tể quan đời nay, người có chí ngoại hộ pháp môn, phần đông lấy tham thiền làm đường hướng thượng. Đây không phải là tầm thường, chắc chắn đã được nói đến. Bởi vì xưa có bậc theo pháp môn tham thiền mà chưa được đại ngộ triệt rồi phát nguyện hộ trì Phật pháp, cũng có các Tổ sư có nguyện lực lớn độ sanh va Bồ tát thị hiện cứu thế, cũng có người khi xưa làm tăng mà tham cứu chưa thấu triệt, do tập khí dẫn dắt, nên nay ra đời, tuy ở trong trần lao tục đế mà chỗ học tập ngày xưa, chủng tử Bát Nhã một niệm quang minh thấu lộ, chẳng thể ém đi, nên phát ra sự nghiệp văn chương công danh; để làm người ngoại hộ. Pháp môn có các phương tiện, tác dụng chẳng đồng và cửa hạnh cũng không phải chỉ có một thứ, có người chuyên hướng thượng, có người chuyên công hạnh. Các Tổ sư cũng kiến lập tam-bảo chứng nguyện hộ pháp, có người chỉ lo sanh tử của chính mình, có người cốt làm người trung hiếu, các thứ hạnh đều là Bồ tát đạo, chẳng nên đem chỉ một hạnh môn trong tăng đoàn mà nhìn, thì chỉ là người trong hàng ngũ tăng già mà không biết hai tông giáo - thiền, cũng có người khổ hạnh đầu đà, cũng có người chuyên tu tịnh nghiệp, cũng có người chân thật theo hạnh môn cũng có người tùy duyên làm Phật sự để trợ dương pháp môn, cũng có người trì tụng, viết chép kinh điển để cầu hạnh môn. Tất cả đều ở trong ánh bạch – hào của Phật. Các thứ nhân duyên vì cầu Phật đạo cũng chẳng thể đem vơ cả nắm. Nên trong hàng tể quan, phàm người có tham tâm hộ pháp, chỉ giữ một hạnh của tăng là được, cũng chẳng cần quyết định ai ai cũng tham thiền mới là chánh hạnh. Vì tham thiền tuy hay, kỳ thực chẳng phải người tiểu căn có thể hành được.
       Lúc Phật ở đời, trời người có cả trăm vạn mà chỉ có một mình Ca Diếp, Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang chỉ được Nhị Tổ; ở Hoàng Mai hơn 700 người chỉ một mình Lục Tổ được ấn tâm. Há phải việc nhỏ sao? Nếu người trong tăng chúng chỉ có một hạnh, khả dĩ là việc chính của pháp môn, khả dĩ giáo hóa chúng sanh, tức là Bồ Tát. Nên nói “Các thứ hạnh đều là Bồ tát đạo”. Nếu có thể giữ một việc đã vượt khỏi bọn cơm cháo tầm thường, bỏ trôi thời gian gấp vạn vạn lần rồi. Nghĩa là trong cái dở giữ cái hay thì không phải là người bỏ đi, trong cái hay giữ cái dở thì không là phải người toàn vẹn. Từ xưa cả thế và xuất thế gian, người toàn vẹn rất khó được.
       Như trên tôi đã dài dòng nói về thứ lớp nghi thức của Phật dùng hóa độ chúng sanh. Phật há không muốn người chóng ngộ tự tâm ngay đó thành Phật? Nhưng chỉ vì chúng sanh căn độn, chẳng thể không dùng quyền tạm để tiếp dẫn.
       Cổ nhân nói: “Tăng đồ chẳng thể liễu ngộ tự tâm mà lưu tâm ở giáo pháp thì cũng không bỏ phí thời giờ”. Tôi thì bảo tăng đồ bây giờ dù chẳng thể tham thiền, xem kinh, cũng có thể năng trì giới, tụng kinh, làm phước, hộ pháp, cũng có thể nói hơn bọn ma tầm thường vạn vạn lần.
       Ở trong hàng cư sĩ, nếu người hay trì trai niệm Phật, trợ lực hoàng dương tam bảo, đều là hạnh chơn thật. Đó là chỗ mong mỏi của chư Phật, xin các bậc đại sĩ cao minh các nơi nên tự tin điều này. Cẩn thận chớ cho những lời của tôi là hư vọng.


Không có nhận xét nào: