Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Mộng Du Tập: Trích Quyển Mười Hai


~Trích Quyển Mười Hai~
Pháp Ngữ Tịch Chiếu Khải Công
Thỉnh Ích 8 Tắc
       1. Hỏi:
       Kinh nói: “Huệ thanh tịnh vô ngại đều do thiền định sanh”. Tại sao Nam Nhạc bảo Mã Tổ rằng:
       Nếu học đạo tọa thiền, thì thiền chẳng phải là ngồi, nằm. Nếu học làm Phật, thì Phật chẳng phải là tướng định. Ở nơi pháp vô trụ, chẳng nên thủ, xả?
       Hai thuyết này dường như có một đúng, một sai.
       Đáp:
       Dưới cửa Tổ Sư, chẳng luận ngồi thiền hay làm Phật, chỉ quý kiến tánh. Nếu thấy tự tánh, rõ ràng phân minh thì không có thủ, xả. Vừa có thủ xả liền rơi vào đúng sai.
       2. Hỏi:
       Kinh Viên Giác nói: “Tứ đại của ta bây giờ nghĩa là các thứ cứng, ướt, ấm, động, mỗi thứ hoàn lại cho đất, nước, lửa, gió. Thế thì khi tứ đại mỗi thứ chia lìa, vọng thân này sẽ ở chỗ nào? Chưa rõ thân này lúc chưa chết, mỗi thứ có lìa không? Hay đợi chết rồi mỗi thứ mới lìa?
       Đáp:
       Cốt lúc chưa chết vứt xuống được, lúc sắp chết chẳng bị nó làm lụy. Đợi đến lúc chết muốn lìa thì khó rất khó như rùa sống lột mai. Người xưa nói: “lúc nhàn làm, để lúc vội dùng” chính là đây vậy.
       3. Hỏi:
       Kinh Lăng Nghiêm nói: “Anan bạch Phật rằng:
       - Từ đâu nhiếp phục gốc phát tâm để nhập tri kiến Phật?
       Phật bảo:
       - Các ông muốn vào tri kiến Phật, phải nên quán kỹ: nhân địa phát tâm cùng với quả địa giác ngộ là đồng hay khác? Nếu nơi nhân địa đem tâm sanh diệt làm gốc tu nhân mà cầu Phật thừa bất sanh bất diệt, thì không thể được?
Chưa rõ hiện giờ cái tâm muốn ra khỏi sanh tử tham thiền học đạo, có phải là tâm sanh diệt không?
       Đáp:
       Người học tham thiền, trước hết đoạn tâm sanh diệt, đến lúc phát minh thì thấy được tánh chẳng sanh diệt. Nếu dùng tâm sanh diệt để tham thì chỉ là theo vọng tưởng lưu chuyển chứ chẳng phải là tham cứu.
       4. Hỏi:
       Thiền sư Bách-trượng Hoài Hải nói:
Tham kiến thiện tri thức, tìm cầu một chút hiểu biết là ma thiện tri thức, vì việc đó sanh ngữ kiến vậy.
       Nếu phát 4 thệ nguyện lớn, nguyện độ tất cả chúng sanh rồi mới thành Phật thì đó là ma Bồ Tát pháp trí, vì thề nguyện chẳng xả vậy.
       Nếu trì trai giới, tu thiền, học huệ là thiện căn hữu lậu, thì dù có ngồi đạo tràng thành Đẳng chánh giác, độ người như số cát sông Hằng, tận chứng quả Phật Bích Chi đó là ma thiện căn, do khởi tham đắm vậy.
       Nếu ở các pháp đều không tham nhiễm chỉ còn thiền lý, thiền định rất sâu, lại không tăng tiến, đó là ma tam muội, do đam mê nghiền ngẫm lâu dài.
       Nay người tham thiền học đạo làm sao khởi được ma này để vào đường tu hành chân chánh?
       Đáp:
       Các người tu hành chỉ vì chẳng quên tâm, kiến nên động theo lưới ma. Nếu tâm, kiến tiêu mất thì Phật cũng chẳng lập.
       5. Hỏi:
       Phá 4 đại, 5 ấm, có trước sau chăng?
       Đáp:
       Kinh nói: 5 ấm phá từ từ, ắt phá sắc ấm trước. Nếu tham thiền đánh bể thùng sơn thì phá thức ấm trước. Thức ấm đã phá thì 4 đại không chỗ nương. Nên như cắt nước, thổi ánh sáng. Trọn không chạm nhau.
       6. Hỏi:
       Bốn câu kinh Kim Cang, xưa nay chưa có ai nói rõ. Hoặc chỉ sắc, thanh, hương v.v... là bốn câu. Hoặc chỉ mắt, tai, mũi, lưỡi là 4 câu, hoặc chỉ các tướng chẳng phải tướng v.v..., hoặc chỉ có đế, không đế v.v... Đến Thiên Thân thì nói: “Ta lên Đâu Suất Đà Thiên, thỉnh hỏi Đức Từ Thị, thì Ngài bảo là không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng”. Lục Tổ thì nói là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Đại Sĩ Song Lâm lại nói: “Trong kinh trì 4 câu, nên phải không rời thân, người ngu xem tợ mộng, người trí chỉ thấy chân”. Từ xưa đến nay chẳng hề có lời nhất định là sao?
       Đáp:
       Phật nói Bát Nhã như các thứ cỏ trên núi Tuyết, cái nào cũng là thuốc. Cần đến liền dùng, nhất định trừ hết bịnh. Nên cổ nhân đưa ra điều gì là bốn câu, mỗi đều là một cọng cỏ của núi Tuyết vậy.
       7. Hỏi:
       Cổ nhân nói: “Thuần thanh tuyệt điểm” vẫn là chân thường lưu chú. Dù được “Không một pháp xứng tình” vẫn bị Ngưỡng Sơn kiểm điểm. Dù được “Khắp thân là chiếu”, vẫn ở chỗ rũ tay của con nhà nạp tăng. Dù được “ở mé Oai Âm trước bảy Phật tiến thủ”, vẫn là hội ở lời nói. Nay người học, quả thật có đến cảnh giới này chăng?
       Đáp:
       Cổ nhân chỉ dạy, chỉ vì sợ người lạc ở giữa đường, người học dù đến đây, cũng là việc ở giữa đường, huống là chưa đến đây, mà mở miệng nói Thiền, đều là tâm lừa dối.
       8. Hỏi:
       Đại Sư Viên Ngộ nói: “Có Tổ về sau, chỉ cốt truyền riêng chỉ thẳng, lấy lời đuổi lời, dùng cơ đoạt cơ, đem dụng phá dụng. Do đó có sự phân chia chi phái, mỗi phái chuyên chiếm môn phong. Phải là người có căn khí hướng thượng, có chí thiệu long thánh chủng, sau đó thâm nhập được vào chỗ uyên áo, mới có thể được ấn chứng.” Điều này phải được xem là quý báu, sâu kín, chớ cho là dễ dàng. Nay thấy người học, phần đông chẳng xét căn khí của mình, liền muốn tham cứu việc hướng thượng. Quả thật không cần luật căn khí chăng?
       Đáp:
       Tổ sư chọn người luận căn khi tức như trong kinh Phật luận về chủng tánh. Nếu chẳng phải chủng tánh loại này, rốt cuộc cũng chỉ là dính da, bám xương. Nay người căn khí chẳng trong sạch, nhất định không được dự phần vào việc này. Nếu ai chịu lưu tâm đến việc này, từ đây chẳng lui sụt, lâu dần có thể thăng tiến. Đây là người thuộc hạng bất định tánh.

Am Vương Giới Chu Bạch Dân
Thỉnh ích
       1. Hỏi:
       Phật nói đến đốn giáo, tiệm giáo. Thiền mở đốn môn, tiệm môn. Hai giáo, hai môn là đồng hay khác?
       Đáp:
       Phật tổ ra đời, vốn không pháp có thể thuyết. Nhưng pháp vốn không thuyết, thì đâu có đốn, tiệm mà sai biệt? Nói đốn tiệm là chỉ vì căn cơ mà bày, chẳng liên can đến pháp.
       Giáo có đốn tiệm là như Phật Tỳ Lô Giá Na lúc mới thành chánh giác, tại đạo tràng Bồ Đề nói Kinh Hoa Nghiêm, chóng chỉ pháp môn tâm địa pháp giới bình đẳng. Chỉ thẳng không sót. Như mặt trời vừa mọc trước chiếu núi cao. Sau những nhà phán giáo gọi là pháp môn viên đốn. Đây là đốn pháp của Phật chỉ dành cho một loại chúng sanh đại căn địa thượng, trong đó có bốn mươi hai thứ lớp. Đây là tiệm trong đốn vậy.
       Ngoài ra, những người căn cơ hạ-liệt tại tòa như mù, như điếc, tuyệt nhiên không có phần. Đó là pháp tuy lớn mà nhiếp cơ chẳng rộng. Tức chỗ Kinh nói: “Chỉ có một cửa mà lại nhỏ hẹp”. Như thế, há Phật thuyết pháp riêng cho một người sao? Do đó Phật hiện Ứng Hóa Thân thuyết pháp ba thừa tùy theo ba căn cơ mở bày. Ban đầu từ tiệm tu chứng, nghĩa là tiệm giáo vậy.
       Sau đến Lăng-Già, Pháp-Hoa, Niết-bàn chóng chỉ chủng tử Phật tánh. Đó là do tiệm mà đến đốn vậy. Đây là sự phân đốn tiệm của Giáo.
       Còn cửa Thiền, các kinh đều nói trong lục độ của Bồ Tát có hai độ là Thiền định và trí huệ. Bồ tát phán giáo căn cứ hai độ mà khai mở hai môn Chỉ Quán làm gốc tu hành. Đây là ở trong giáo dùng đốn mà tiệm tu, ở thiền là tiệm trong đốn. Thiền Đạt Ma là nhân Thế Tôn sau cùng đưa cành hoa, Ca Diếp “phá nhan vi tiếu” (tươi mặt mỉm cười). Phật bèn dạy đó là chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm. Rồi thành ý chỉ giáo ngoại biệt truyền. Tại Tây-Vức truyền đến 28 đời, rồi Đạt Ma qua Tàu truyền sáu lần, đến Tào Khê trở xuống, Truyền Đăng có ghi các Tổ là thiền “Truyền riêng chỉ thẳng một tâm”. Thiền trong lục độ chẳng thể so với đây được. Vì đây riêng dạy một tâm, lại không pháp khác. Ngay đó chóng thấy tự tâm, chẳng thuộc nhân quả tu chứng mê ngộ. Đặc biệt hiển bày chỗ Phật chưa xuất thế, đây là một đường hướng thượng gọi là đại thừa đốn giáo. Đó là đốn của thiền.
       Đến như lịch đại tổ sư, đốn ngộ tâm này, tuy ngay một lời, một câu, một gậy, một hét, liễu ngộ thẳng tắt, cũng do nhiều đời tu tập, gốc Bát Nhã sâu, lúc nhân duyên đến, ngày nay thành thục. Cũng có người đời này tham cứu, công phu hai ba mươi năm, sau đó được ngộ. Như vậy, tuy đốn cũng từ tiệm mà thành. Như Quy Sơn nói: “Người học nếu có thể một niệm liễu ngộ tâm mình thì gọi là ngộ. Nhưng còn vô minh từ vô thủy trôi chảy nhỏ nhiệm, đem cái ngộ trừ sạch hiện nghiệp lưu thức, thì gọi là tu. Chẳng phải ngoài đây ra lại có cái tu khác. Lấy đây mà quán thì trong đốn chưa từng có không tiệm. Tôi thường xem Lăng Già, phân bốn môn đốn tiệm:
       1/ Đốn đốn
       2/ Đốn tiệm
       3/ Tiệm đốn
       4/ Tiệm tiệm
       Nên biết việc này chẳng thể chấp cứng mà luận. Tuy đốn ngộ mà chẳng bỏ tiệm tu. Tâm Phật và tổ vốn không hai vậy.
       2. Hỏi:
       Phật thuyết các kinh đều luận đàm xứng tánh, toàn là ý chỉ liễu nghĩa. Tại sao nói Đạt Ma từng khen Lăng Già rằng: “Kinh này là tâm yếu của ta”. Đến Hoàng Mai thì chỉ dùng Kim Cang. Còn các kinh khác có sai biệt gì không?
       Đáp:
       Phật thuyết các kinh đại thừa, tuy là bàn về liễu nghĩa xứng tánh nhưng là dựng lập cửa giáo hóa chẳng lìa mê ngộ, tánh tướng đối đãi. Cốt yếu phản vọng về chân, đều có sự hòa hội mới hiển nhất chân. Đến kinh Lăng Già chỉ thẳng một tâm, tuy có chân vọng mà dạy thức tàng tức Như Lai tàng, chẳng cần hòa hội. Riêng hiển bày cảnh giới Tự Giác Thánh Trí. Nếu rõ vọng tưởng từ tâm hiện, không có tự tánh, tức là Thánh Trí chẳng cần chuyển nữa. Nghĩa là lối tu hành này chỉ quán ngay tự tâm lưu trú, vọng tưởng hiện lượng, mau đạt được tự tâm, cũng chẳng lập địa vị, lập giai cấp; nên nhà phán giáo gọi là pháp môn đốn giáo. Cho nên Đạt Ma lấy kinh này làm tâm ấn, để dạy yếu quyết thiền tông, vì kinh này khó rõ, hạng hiểu kém khó thâm nhập nên truyền đến Hoàng Mai thì lấy kinh Kim Cang ấn tâm.
       Kinh Kim Cang là một trong tám bộ Bát Nhã, văn có 600 quyển, chỉ riêng quyển này hợp tâm ấn Tổ Sư. Lấy Bát Nhã làm cửa đầu tiên vào đại thừa. Chính như Lăng Nghiêm nói: “Bồ Tát dùng tâm bất sanh diệt làm gốc tu nhân” mà Bát Nhã là Thực Trí căn bản của Phật, chính là tâm bất sanh diệt vậy. Kinh Kim Cang lấy vô trụ làm tông, dứt nghi làm dụng. Vì nhị thừa vọng khởi các thứ trụ-trước chúng sanh kiến, Phật kiến, Pháp kiến lớp lớp khởi nghi kinh này nhổ hết gốc nghi, đến thẳng đất chẳng nghi, tri kiến tiêu vong, chẳng lập một pháp, đuổi hết tâm trụ trước. Chính là cùng với thủ đoạn gỡ niêm tháo chốt của Tông môn tương đồng. Chặt đứt ý lời, phân biệt, chính là chỗ Tông môn chẳng cho nghĩ suy, chẳng mắc tư duy, thức-tình khô sạch, thấu pháp thân hướng thượng. Hoàng Mai lấy đây ấn tâm là có lý do vậy. Các kinh khác đều còn chỗ bám, kinh này cắt đứt, tham thiền rõ điều này thì dễ vào vậy.
       3. Hỏi:
       Nếu có Như Lai thiền Tổ Sư thiền, hai thứ thiền này quả thật đồng hay khác? Hương Nghiêm chạm trúc có tỉnh, trình kệ: “Năm ngoái nghèo chưa thật nghèo” với Ngưỡng Sơn, Sơn bảo: “Mừng cho Sư huynh hội được Như Lai thiền, còn Tổ Sư thiền chưa từng mộng thấy”. Dựa vào lời này thì thấy có Như Lai thiền, Tổ Sư thiền khác. Nếu từ Ca-Diếp truyền đến Sơ Tổ Tây lai, Tổ Tổ truyền nhau và Thủy Tổ các tông tức là Phật Thích Ca thì làm sao khác được?
       Đáp:
       Như Lai thiền và Tổ Sư thiền xưa nay không hai. Nhưng Như Lai thiền là trong mê nói ngộ, cốt tu rồi sau nhập vào (chơn tánh). Tổ sư thiền một lần chẳng thuộc mê ngộ, chẳng nhờ tu tập, cốt người ngay đó chóng rõ tự tâm. Phàm rơi vào cửa mê ngộ tức là nghĩa thứ hai. Do đó Cổ Đức nói: “Tu hành thì chẳng phải không, mà nhiễm ô sao được?” Thế nên một đường hướng thượng của tông môn phải là “một cá nhân” mới được. Trong kinh Lăng Già nói 4 loại thiền, thì thiền tối thượng nhất thừa, tức Tổ Sư thiền, kỳ thực vốn không có khác.
       Nếu căn khí bất tịnh, vọng khoe tri-kiến thông minh để hội Tổ Sư thiền, như thế thì ngay cả Như Lai thiền cũng chưa hề mộng đến. Ví như người nghèo vọng xưng đế vương tự rước tôi tru lục, không đáng sợ sao? Không đáng sợ sao?

Dạy Tiêu Huyền Phố Tông Bá
       (Thiên Khải Quý Hợi mùa đông, ngày 6-10 từ đây tuyệt bút).
       Nhập đạo, trước cần liễu ngộ tâm thể của đương nhân, xưa nay quang minh quảng đại, bao gồm tất cả, thanh tịnh tràn đầy, thánh phàm chẳng lập. Chẳng bị thân tâm thế giới làm trở ngại. Đây tức là một đường hướng thượng. Tâm ấn của Tổ Sư chỉ thế mà thôi. Đã có thể ngộ suốt tâm này, thì ở chỗ ứng duyên hằng ngày tất cả cảnh giới như hình hiện trong gương, đến không chỗ dính mắc, đi không vết tích. Thế thì tất cả chỗ hành động đều từ trong mé thực chơn tâm lưu xuất. Mỗi sự nghiệp đều chân thật bất hủ, chẳng những cùng trời trăng đua ánh sáng mà đối với người mê khư khư kia, vọng tưởng làm những sự dối trá, há có thể so sánh ư? Một đoạn ánh-sáng này, người người đầy đủ, vốn không kém thiếu, chỉ có ngã kiến kiên cố, hễ có làm gì ắt cho là công của mình, chấp chỗ thấy là đúng, phải trái xen lẫn, trọn không có luận nhất định. Sở dĩ như thế vì không có tâm của bậc đại công khoáng đạt mà muốn xây dựng sự nghiệp ngàn thu bất hủ, thật khó vậy.
       Lại,
       Tâm thể chúng ta xưa nay tròn đầy sáng suốt. Mà nay chẳng thể đốn ngộ, chẳng được thọ dụng hiện tiền bởi vì các thứ phiền não tham, sân, si, ái từ vô lượng kiếp đến nay ngăn che tự tâm. Do đó công tiệm tu chẳng thể thiếu.
       Quy Sơn nói: “Người học có thể một niệm chóng ngộ tự tâm, nếu đem chỗ ngộ trừ sạch hiện nghiệp lưu thức, thì gọi là tu, chẳng phải ngoài đây có cái tu khác”. Nếu người học đạo chỉ cần đốn ngộ liền xong, toan bảo không công có thể dụng, vậy thì tập khí ẩn sâu, gặp cảnh lén phát, để lâu sẽ trôi vào cõi ma. Nhưng công tiệm tu cũng chẳng phải có thứ lớp, chỉ trong nhật dụng nhắm chỗ chưa khởi tâm động niệm, đứng vững gót chân phản quán nội chiếu. Ở chỗ một niệm khởi nên truy xét một niệm này từ chỗ nào khởi, truy đến chỗ một niệm sanh vốn tự sanh thì tất cả vọng tưởng, tình lự ngay đó băng tiêu. Nhưng kỵ nhất là không có sức dũng mãnh, chẳng thể nắm chẹt cổ họng, bất giác tương tục thì trôi đi mà chẳng quay lại được.

Dạy Chu Tử Dần
       Hôm nay trong núi đại chúng kiết chế, Hải Ấn chiếm tòa thuyết kinh Pháp Hoa. Lúc đó túc hạ cầm thư đến, lại có quả đẹp, đủ đoán túc hạ là người trong pháp hội, là người trước được đạo quả. Đây chẳng phải bói mò. Thư trước nói rằng: Nhật nghiệp chính chắn như vậy chẳng sai, cũng có thể dần dần vào pháp môn bất nhị. Nếu trong đó hằng ngày niệm niệm đều là tâm hạnh sanh diệt, đâu thể “tịch diệt vi lạc”. Nếu muốn thọ dụng được tâm địa, lại phải nhắm lúc đọc sách, viết văn đã xong, chỗ các thứ ứng duyên, ngay đó thực sự dũng mãnh phản quán nội chiếu, quán mọi thứ tâm tác động sanh diệt, rốt cuộc từ chỗ nào khởi, rồi bây giờ diệt đi về đâu? Như thế quán cho thật sâu, lâu dần nhập vào chỗ nhỏ nhiệm kín đáo. Ở trong đây, nơi tất cả tập khí ngầm ngầm trôi chảy, nơi phiền não vô cớ nổi lên, nên thực sự nhìn xem cho chắc, xem chúng rốt cuộc là vật gì, từ chỗ nào khởi diệt, truy lùng đến chỗ quét sạch dấu vết, như trong nồi nước sôi nhỏ một cụm tuyết vậy. Như thế hằng ngày niệm niệm chẳng được lơi lỏng. Ngay lúc đó mảy may một tâm niệm lười biếng, giải đãi, cầu an, mưu cầu khoái hoạt, hưởng thụ phát sanh, thì đây chính là gốc bệnh phát tác, liền nhắm ngay đây mà dựng lông mày một cách mãnh liệt, chẳng thể bị chúng cột trói cứng. Vừa thấy bị cột trói, cần nhất là không nên để nó lôi đi. Rất kỵ! Rất kỵ! Mau dùng một tiếng Bồ tát hoặc một tiếng Phật dựa vào cho chắc, vật lộn với nó. Khi gặp các thứ ác tập nổi lên, liền hết sức đem thoại đầu này mà đề khởi. Hướng vào hư không quét một trận, chẳng kể là ma, là Phật, là tập khí phiền não, là thiện ác suy lường, tất cả tình trần nhất tề đốn dứt, như là chém cuộn chỉ rối. Hạ công phu như thế thì chẳng ngại đọc sách, chẳng ngại viết văn. Khi đọc sách, hãy xem việc đọc sách này nhắm chỗ nào gởi gấm. Viết văn, hãy xem văn này từ đâu chạy ra? Cũng chẳng ngại tiếp đãi khách khứa, uống trà, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện. Tất cả chỗ không để lọt đường tơ kẻ tóc, nên như thế mà an tâm. Lại cùng với chỗ Vĩnh Gia nói:
Khéo khéo lúc dụng tâm
Khéo khéo không dụng tâm
Không tâm khéo khéo dụng
Thường dụng khéo khéo không.
       Là một loại hay chẳng phải một loại?
       Chẳng biết túc hạ có thể tin lão Hải Ấn này không dối gạt chăng? Thỉnh tự thử xem! Túc hạ nếu thấy tin chẳng lầm, mới biết Trang Tử tâm trai 3 tháng, thật là đáng buồn cười. Một bộ kinh Viên Giác, túc hạ đọc thuộc, mỗi ngày từ sáng đến chiều lấy làm công khóa, đợi đến mùa xuân gặp mặt sẽ cùng nhau quyết trạch. Tâm thường viết thư cho túc hạ, chẳng khỏi có vương chút tình thức, tự thẹn vì túc hạ chưa triệt, chẳng phải không triệt mà sợ túc hạ lòng tin chưa triệt. Nay thấy túc hạ lòng tin dần tăng, ngày càng thanh tịnh. Lúc này nếu không khoét tấm lòng son đưa túc hạ thì đến lúc nào mới triệt. Nếu túc hạ lần lửa chẳng chịu triệt thì Hải Ấn tự triệt vậy. Thế nào? Thế nào? Nhân thế đáng thương! Tuy nói đáng thương nhưng ngóng tâm túc hạ lại càng đáng thương hơn!
       Lại,
       Thư đến thưa hỏi thật là tha thiết. Vì túc hạ chưa được rõ hai chữ “không huyễn” nên đối với tâm cảnh đều bị ngăn ngại, do đó công phu khó làm. Nay vì túc hạ nói phá để rõ ràng không còn nghi lo nữa.
       Chỗ nói “không” không phải là cái không trống rỗng. Chính như tục ngữ nói: “Bên cạnh như không người”, há bên cạnh thực không có người sao? Nhưng mà trong mắt coi như không có người vậy. Nói là “huyễn” chẳng phải là cái huyễn biến hóa quái dị, mà có nghĩa là có mà không thật. Giống như người làm trò ở chợ lấy trong ống đồng ra khá nhiều nhân vật, nhưng trong ống này vốn không có. Do vốn không có nên vốn không. Vì thế nói: ví như huyễn hóa chẳng phải không có người huyễn hóa, mà người huyễn hóa chẳng phải người thật, người chẳng phải thật, không phải là không sao? Phật nói chữ “không” nghĩa là phá cái chấp trước của người đời cho là thật có. Chẳng phải nghĩa đoạn diệt tuyệt không có gì. Lại sợ người đời chìm trong đoạn diệt, Ngài lại nói chữ “huyễn” để trừ cái thấy đoạn diệt. Thế nên tất cả thân tâm, các pháp nhân “huyễn” nên “không”, do “không” nên nói “như huyễn”, hỗ tương mà quán thì chóng thấy chỗ kỳ diệu. Nói “không” tức huyễn có, nên quán không gọi là chân không. Nói “có” là vốn không mà huyễn có, gọi là diệu hữu. Do chân không nên tâm không phải là đoạn diệt, do diệu-hữu nên cảnh là vô sanh, cảnh đã vô sanh thì tâm nắm bắt cái gì? Tâm đã chẳng phải đoạn thì vọng niệm chẳng còn, vậy đem tâm nào chấp cảnh? Cảnh vốn là huyễn thì lấy cảnh nào lôi tâm? Vậy chỉ cần tâm không giữ cảnh mà tâm chẳng phải đoạn diệt. Cảnh chẳng phải lôi tâm mà cảnh tự như như, chỗ nào chẳng vui? Đây là chỗ nói: “Tâm vốn không sanh, do cảnh mà có. Cảnh trước mắt nếu không thì tâm cũng không”. Nếu chỉ xem thấu như huyễn, chẳng thực thì gọi là như không; linh tâm riêng chiếu, vọng tâm chóng dứt cũng gọi là không. Chỗ này là không vọng tâm, đâu phải là tuyệt hẳn không có chân tâm! Thế nào là vọng tâm? Là người chấp cảnh chẳng biến đổi vậy. Thế nào là chân tâm? Là chẳng giữ tướng thân, tâm, cảnh giới, liễu liễu thường tri, linh nhiên tịch chiếu vậy.
       Dụng tâm như thế có gì chướng ngại? Nên nói: “Tự tâm chấp giữ tự tâm, chẳng phải huyễn mà thành pháp huyễn”. Không chấp giữ, không phi huyễn. Phi huyễn còn chẳng sanh, pháp huyễn làm sao lập?
Chính là chỗ nói:
       Cảnh duyên không tốt xấu
       Tốt xấu khởi nơi tâm
       Tâm nếu không gượng gọi
       Yêu ghét do đâu khởi?
       Đó là “Nếu tình không gá vật, vật há làm ngại người”. Vật đã chẳng thể làm chướng ngại người, người chẳng lẽ ngại với vật sao? Người đời sở dĩ chẳng được tự tại chỉ vì không đạt tâm cảnh vô sanh, như huyễn không thực. Nếu đạt rõ được một niệm vô sanh như huyễn thì tất cả tình trạng khổ vui, lo lắng, được mất, yêu ghét, lấy bỏ, ngay đó ngói bể băng tiêu. Nên nói: “Biết huyễn tức lìa, chẳng tạo phương tiện, lìa huyễn tức giác, cũng không thứ lớp”. Đây là “một niệm chóng đến nhà Phật”, chẳng phải lời nói suông. Túc hạ nếu quán chỗ tất cả vọng niệm khởi diệt, chỗ tất cả cảnh giới khởi diệt, đều là huyễn hóa không thật thì tâm tự nhiên chẳng bôn ba theo cảnh, cảnh tự nhiên chẳng lôi kéo tâm. Qua lại ứng duyên, thì một niệm rỗng sáng, rỡ ràng riêng chiếu. Chiếu soi thân tâm hiện tiền như huyễn như hóa, như trăng trong nước, như bóng trong gương, như mây trong không, như sóng nắng ngựa hoang. Nên như thế nắm chắc, con mắt Kim Cang chớ động nữa. Mặc kệ tất cả cảnh giới, chạm tới liền tiêu, dù cho có vọng tâm nào, nhìn tới liền diệt. Dụng tâm như thế lại có vọng tâm nào quấy nhiễu? Lại có cảnh vọng nào có thể chạm đến tâm? Đây xét rõ lời nói, thật là Hải Ấn cực lực vì túc hạ hết mình thố lộ, trình bày triệt để cặn kẽ, túc hạ chớ hoài nghi nữa. Cần chớ nên nghĩ trước tính sau, các thứ suy lường đều là ác giác, ác tập, đều là nhân duyên chướng đạo. Nếu được như lời nói này của lão nhân thì trước mắt đã là người cực lạc, thư tay mà trách bút bất giác viết lan man tâm lão bà như vậy, lôi thôi thế đó. Trân trọng.
       Lại,
       Một lần xa cách mới đó đã vài tháng. Thời gian chóng vánh, ngày tháng dối người. Mỗi lần nghe túc hạ tinh tấn gấp bội, tôi vui sướng ngập long. Ban đầu ý định tôn nhân đi rồi, ắt được vào núi gặp gỡ một phen, cùng nhau ấn chứng công phu đã qua để quyết trạch. Đây tưởng là chân thật, bất giác như các việc mộng. Đáng cười đạo nhân cũng rơi vào tình kiến như thế.
       Thứ đến nói: nhân ngồi để mong được tĩnh lặng, nhân tĩnh lặng để cầu tâm. Đây là cửa ban đầu vào đạo thích đáng nhất. Nhưng trong khi ngồi mà chưa sáng được chỗ ách yếu, do đó ngồi lâu mệt mỏi. Vì chẳng đạt sự thần diệu của tâm thể nên tĩnh lặng lâu lại muốn được nghe tiếng rồi lại nổi nghi như không có chỗ quay về. Bởi vì tâm năng cầu mà chưa được bí quyết, do đó một niệm cầu, giác trở lại thì mệt nhọc. Đó là đem tâm tìm tâm. Đúng như con nai khát nước đuổi theo song nắng.
       Truyện nói: “Biết dừng, sau có định”. Vì tâm túc hạ chưa biết dừng nên chẳng được định. Vì theo sự đòi hỏi nên có điều mục trị tâm như: 4 điều chớ làm, 3 điều tĩnh yếu. Dẫn tâm này mà vào, giữ tâm này mà định. Đây là chỗ tinh-tâm-khổ-thiết của túc hạ, nên bỉ nhân rất mong mỏi ở túc hạ. Nay đã nhận được tự tâm, lại trở lại giữ bí mật, tiếc rẽ ư? Hơn nữa, sợ túc hạ mới vào trong Phật pháp của ta, chưa được nghe nhiều đến nỗi phần nhiều chuyển lấy thói quen thấy nghe ngày cũ mà hiểu danh ngôn, khiến đã ban cho thuốc Cam lộ chẳng thể dùng để được công hiệu cải lão hoàn đồng. Pháp môn dạy người của Phật Tổ từ xưa tuy có nhiều đường chẳng ngoài tam học Giới Định Huệ, nghĩa là nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Tiết mục rõ ràng, Kinh chẳng qua Lăng Nghiêm. Đến như lời Tổ không gì bằng một cuốn Vĩnh Gia Tập. Túc hạ nên đọc thuộc, nghiền ngẫm, trong đó có yếu quyết nhập định dụng tâm. Như nói:
Khéo khéo lúc dụng tâm
Khéo khéo không tâm dụng
Không tâm khéo khéo dụng
Thường dụng khéo khéo không
Lại như:
Vọng tâm chi hậu tịch tịch
Linh tri chi tánh lịch lịch
Vô ký hôn muội chiêu chiêu
Khế bổn chân không đích đích
(Sau vọng tâm nên lặng lặng
Tánh linh tri thường rõ ràng
Vô ký mơ màng phải tỉnh sáng
Khế hợp chân không luôn đúng đắn)
       Đây là thần phù của sự dụng tâm. Như 4 điều chớ làm, 3 điều tỉnh xét chính là giới, trong đây đủ hết. Kỳ thực công phu tu tâm chẳng ra khỏi 3 món chỉ, quán, đẳng trì (thiền). Trong tập này, xa-ma-tha là chỉ, bà-xá-na là quán, ưu-tất-xoa là chỉ quán song vận tức định huệ đẳng trì.
       Hãy khuyên tròn những chỗ bế tắc trong tập, lặng hơi ngưng thần, nếu chẳng hiểu đừng hiềm gởi thư hỏi hoài. Đến chỗ chỉ quán thẳng tắt, cho viết lại một tờ để bù vào chỗ thiếu hôm nay.
       Lại,
       Một đoạn nhân duyên này là việc rất dễ mà rất khó. Vì vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tạp nhiễm lưu chuyển, tập khí sâu lại dày. Hôm nay được một niệm phát lòng tin, mới trong sớm chiều mà muốn cạn dòng dài muôn kiếp. Phương thế này thật chẳng dễ dàng. Ngay một niệm tâm hồi đầu này cũng rất khó phát. Đây là hạt mầm linh minh do căn lành nhiều kiếp, gặp lúc nảy mầm bây giờ mới nhú lên, rồi nở hoa phô bày thực sự. Toàn do Toàn do luôn luôn tài bồi chăm sóc. Nếu không thì sẽ khô cháy ngay. Gặp cảnh gặp duyên dùng sự xử sự, lâu dần thuần thục. Lại thêm công chỉ quán thì có thể dần dần giải thoát. Nhưng vì chúng ta vốn tự giải thoát, do đó nếu phiền não, không giải thoát thì chẳng phải lỗi của pháp mà là tự tâm trói buộc vậy. Bởi do xưa nay thế tình nồng hậu, tập nhiễm chín muồi, chỗ quen thì khó quên, nên chạm đến liền phát. Vì thế nói: “Ta chưa thấy người mến đức bằng mến sắc”. Nếu đem kia đổi đây thì chỗ sống tự chín, chỗ chín tự sống. Sống thì lợt lạt, lợt lạt thì xa, xa thì đạm bạc, đạm bạc thì quên, quên thì chẳng cần cầu thoát mà tự chẳng trói buộc. Cứ thế mãi thì tâm này được định, muôn ngàn trạng thái trước mắt xem như hoa đốm hư không, như trăng đáy nước, như sóng nắng, sông băng, vốn không thể buộc ràng, lại còn cầu thoát gì nữa? Túc hạ nói: Lời “vật bất thiên” của Triệu Công được đắc lực. Đây trừ phi túc hạ là bậc đại căn khí, còn không thì chẳng thể nhập vào cửa cổng của lão này. Riêng câu “nhật nguyệt lệ thiên” chẳng thấu triệt, thì biết về Triệu Công chẳng suốt, chẳng suốt thì chẳng phải đắc lực thật. Lời này lão nhân nghi đến mất năm, rốt cuộc ở trong tâm ta riêng tự tỉnh. Từ đó về sau, chỗ ứng duyên đắc lực phần nhiều nhờ lời lão này. Túc hạ vừa ra cửa đã thấy tin, thật chẳng phải là duyên nhỏ, lão nhân chẳng tiếc vì túc hạ nói phá. Lại sợ túc hạ ngày sau sẽ mắng lão tăng. Túc hạ nếu đem câu này đặt vào lòng, ở tất cả chỗ động tác làm việc, tất cả chỗ thanh sắc tài lợi, tất cả chỗ cảnh duyên nghịch thuận, tất cả chỗ mừng, giận, buồn, vui, tất cả chỗ yêu ghét, lấy bỏ. Hễ gặp cảnh lưu động liền lấy ấn này, ấn một ấn, ấn đứng xem nó thế nào là chỗ chẳng dời (chẳng đổi)? Thế nào là chỗ thường tĩnh lặng? Thế nào là chỗ chẳng trôi chảy? Thế nào chỗ chẳng động? Thế nào là chỗ chẳng khắp? Như thế khán qua khán lại, đột nhiên bùng vỡ, khán thấu lời này thì mới biết lão nhân chẳng dối túc hạ, mới tin bổn chân chẳng tự lừa dối vậy.

Dạy Hoàng Duy Hằng
       Túc hạ tuy nói: “Hướng về đạo mà trong đây mắt mũi chưa được sáng suốt, thường đem thế pháp, Phật pháp, cùng Tông với Giáo chẳng khỏi cho là hai, thì tất cả ghét – thương, nghịch thuận, lấy bỏ, tốt xấu, bần cùng, thịnh đạt, động tĩnh v.v… ắt là điều bị chia hai.” Hải Ấn luôn luôn vì túc hạ nói Phật Tổ nguyên không có pháp thực cho người. Nhưng chỉ vì người mà nói rõ việc sẵn có của mỗi người”. Tông Cảnh nói: “Lấy nhất tâm làm tông, chiếu vạn pháp làm gương”. Chỉ do chúng ta không thể biết nhất tâm nên Phật thuyết giáo để chỉ. Chúng ta chẳng thể thấy tự tâm nên Tổ mượn thiền để dạy. Cả hai đều bất đắc dĩ. Nay túc hạ nói: “Tập theo giáo, tinh thần chẳng khỏi mệt mỏi, theo tông như cỡi thuận gió”. Đây là túc hạ tập khí Bát-nhã nhiều đời sâu dày. Đại khái như thế. Đối với Hải Ấn tôi, cả hai đều hư dối, đều không nói khó dễ. Nếu túc hạ không đạt được tự tâm thì tông là giải, tà nhiễm, đều rơi vào hang ổ của thức tình, mà giáo cũng là vọng tri, vọng kiến, lạc vào ngôn thuyết nói năng cả, chẳng phải chỗ cứu cánh chơn thật. Riêng chẳng biết kinh giáo là mắt Phật, thiền là tâm Phật, cả hai chẳng phải hai, há có kia đây. Hải Ấn tôi dạy người xem kinh tham thiền đều chẳng phải thuộc loại tri kiến này. Túc hạ hôm nay hiểu như thế, chẳng những cô phụ Hải Ấn cũng lại cô phụ tánh linh của mình. Từng nhớ khi có người hỏi rằng: “Cổ nhân lúc đói ăn cơm, lúc mệt đi ngủ đều là đạo. Người thời nay đói ăn mệt ngủ vì sao chẳng phải đạo?” Thì đáp rằng: “Cổ nhân ăn cơm chỉ là ăn cơm, đi ngủ chỉ là đi ngủ. Do đó là đạo. Người nay ăn cơm chẳng chịu ăn cơm, đi ngủ chẳng lo đi ngủ, suy tính lung tung, do đó trái đạo”. Từ đấy mà xem, túc hạ hằng ngày chỉ đem lông mày vén lên, quát một tiếng khiến thần kinh quỷ sợ, thiên ma vỡ mật, âm quỷ hồn tiêu, một hét hét lui, được bổn địa tĩnh tĩnh lặng lặng, tấc tơ chẳng khoác, trần trùng trục, sạch bon bon. Theo gia phong này cần đọc sách cứ đọc sách, không đọc thì gấp bỏ một bên, chẳng cho đeo một chữ. Muốn làm văn thì làm văn, chẳng làm thì dẹp một bên, chẳng cho nghĩ tính loạn xạ. Cho đến uống trà ăn cơm, cần ngủ cứ ngủ, cần đại tiện tiểu tiện, cứ đại tiện tiểu tiện, chạm đến liền xong, chẳng cho sau đó nghĩ lường giống như hồn quỷ vất vơ. Tuy khô khô sạch sạch, trong trong, trắng trắng, cũng chẳng cho ngồi trong chỗ khô sạch trong trắng. Như thế “đơn đao trực nhập”, một niệm thẳng đến trước thì đọc sách thấy cổ nhân, làm văn cũng chỉ nhắm từ trong lòng mình phát ra miệng, không có trước sau, lúc hàm súc (giấu cái đẹp bên trong) liền là thổ lộ, lúc thổ lộ cũng là lúc hàm súc. Như thế chẳng bị chỗ động, tĩnh, sáng, tối… chuyển, chẳng bị các thứ khéo léo dời đổi. Đó là bậc đại nhân đĩnh đạc, là vị khó lường. Túc hạ tin không? Nếu quả thấy tin được thì khởi lên nhắm đây mà vào.
       Trân trọng, trân trọng.

Dạy Cư Sĩ Mã
       Người học đạo điều quan trọng nhất: tâm sanh tử phải tha thiết. Thứ nhì: biết thân là gốc khổ, tâm là gốc vọng tưởng tạo nghiệp. Thứ ba: chân thật khán phá, công danh, phú quý, thanh, sắc, tài lợi ở đời đều là hư dối chẳng thực. Thứ tư: sợ đời này tạo ác nghiệp tương lai sẽ đọa địa ngục, chịu các thứ khổ không người cứu giúp. Thứ năm: biết mạng căn hiện tại chỉ trong khoảng một hơi thở này. Nếu hơi thở này dứt thì muốn cầu việc tham thiền, học đạo, làm phước như ngày nay trọn chẳng thể cầu được nữa, huống là hưởng phú quý ư? Người học đạo nếu có được 5 tâm này, giờ giờ khắc khắc ôm ấp trong lòng thì tự nhiên lãnh đạm trước tất cả cảnh giới phù hoa, tâm địa tự nhiên trong sạch, đem chỗ học từ trước, bao nhiêu tri kiến, học vấn, miệng lưỡi khéo léo, tất cả buông hết, phát tâm bồ đề, dứt hẳn rượu thịt, chẳng tham, chẳng yêu, trì giới, tu phước, tạo các công đức để làm căn bản tải đạo. Luôn luôn đọc kinh điển đại thừa, trợ phát tự tâm, mở tri kiến Phật, mới có thể quán. Chỉ quán tâm này, quảng đại tròn sáng, thanh tịnh rỗng lặng, một pháp không thể được, vọng niệm vốn không, cũng không sanh diệt, mà căn thân này, tất cả động tác như người huyễn, nguyên không tâm thức. Tất cả cảnh giới trước mắt giống như hoa đốm giữa hư không, chợt khởi chợt diệt, xưa nay chẳng có. Duy chỉ một niệm viên minh, rõ ràng chẳng mờ. Niệm này cũng không, đó là chánh niệm. dụng tâm như thế, trong 12 thời, động tĩnh, nhàn rỗi bận rộn, đều đều như chẳng động; nghịch thuận, tốt xấu, oán thân đều bình đẳng. Tùy thuận thế duyên, làm các công đức, một việc, một pháp đều thành tịnh hạnh viên diệu. Hành như thế gọi là Bồ Tát hạnh. Đạo nhân nếu như thế dụng tâm có thể nói chẳng ra khỏi trần lao mà làm Phật sự, hiện thân Tể quan mà thuyết pháp, nghĩa là báo được ân Phật, báo được ơn nước. Ông bẩm tánh lanh sáng, phát tâm hướng về đạo nên tôi đặc biệt chỉ dạy như thế. Xin tặng cho hiệu là cư sĩ Tịnh Diệu. Nếu ông không phụ tánh linh của mình thì chớ quên lời này.
       Trân trọng.

Dạy Vương – Sinh
       Cầu thọ giới, đổi tên tự
       Vương Sinh tên Đình Tá, tự là Tử Chiêm. Ý của Sinh cho tên mình tục và tự thì phạm đến người xưa, thỉnh huyễn nhân đổi tên mới. Huyễn nhân vui vẻ bảo ông rằng:
       Lạ thay cho tư chất của ông! Truyện có nói: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Nếu ngày đổi mới, ngày ngày đổi mới, ngày càng thêm mới). Nay chí nguyện của ông là bỏ cái cũ, nên ta sẽ làm mới hết. Không những mới cái tên của ông mà mới luôn tâm ông. Tên là khách của thực, tâm là thực của đức. Nếu chẳng nghĩ đến thực mà mong tên rỗng thì chẳng phải đức vậy. Do đây mà quán, chẳng những ông tục ở tên mà còn tục ở tâm, nghĩa là người tục chẳng phải ở áo mão, lời nói, dung mạo mà là thói quen nhiễm ô ở tánh đức vậy. Tánh đức chúng ta vốn sáng, do ngày ngày nhiễm tham dục, do mắt chạy theo sắc tà, tai theo tiếng dâm, mũi theo mùi hôi, lưỡi theo vị bậy, than theo xúc chạm hư vọng, tâm theo nghĩ tà. Sáu cái chen lẫn, chìm đắm mê mờ trong đó, nung đúc dần dần nhiễm quen thói thành tánh, cho là có sẵn, là cố nhiên, cho nên rong ruổi mãi trong cảnh hôn mê. Tánh đức vốn sáng, trở thành vật khác. Đâu biết cái ta cố nhiên này có phải là chính ta xưa cũ không? Thánh nhân thương xót chỗ này, nên ban nước giới để tẩy rửa. Hơn nữa, giới chẳng phải là vật gì khác mà chính là trí quang sẵn có của tự tâm, tức nhà nho gọi là minh đức. Nay người này trí quang chẳng sáng nên minh đức ngày càng mờ. Nay minh đức trở về với thiên nhân, ắt phải sáng trí quang mà phá mờ tối, mờ tối bị phá, bổn thể hiện, trí quang sáng, thì các chướng tiêu. Đức Phật chúng ta sở dĩ cấm sát sanh để thành tựu nhân, cấm trộm cắp để thành tựu nghĩa, cấm tà dâm để lập lễ, cấm nói dối để đôn đốc tín, cấm uống rượu để sáng trí. Ngũ giới đủ thì đủ ngũ thường, bớt lục tình thì tam nghiệp trong sạch. Đây nghĩa là rửa sạch tập nhiễm cũ, tiến đến ngày càng mới, bỏ cái ta xưa cũ mà tạo sự chuyển hóa mới. Nên huyễn nhân cũng đổi tên là Ngôn, tự là Tử Luân, đem danh tự này mà phụng trì giới Phật như theo mệnh vua vậy. Ông hãy cố gắng.

Dạy Chu Tử Tiềm
       Năm màu khiến mắt người mù, năm âm khiến tai người điếc, năm vị khiến miệng người lầm, rong ruổi săn bắn khiến tâm người phát cuồng. Đây là giới của Lão Tử. Không phải lễ chớ nhìn, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ động. Lại nói “lúc nhỏ, khí huyết chưa ổn định thì phải giữ gìn ngăn cấm sắc. Đến trưởng thành khí huyết mới cứng chắc thì răn giữ chỗ tranh đầu. Kịp đến già, máu huyết đã suy, ngăn ngừa chỗ sở đắc”. Đây là giới của Khổng Tử.
       Chẳng giết, chẳng trộm, chẳng dâm, chẳng vọng ngôn ỷ ngữ, không 2 lưỡi, ác khẩu, chẳng tham sân si. Đây là giới của Phật. Ôi! Vì tánh chúng ta vốn tự lanh sáng, trong sạch, chỉ vì tập nhiễm vấy bẩn. Ngày càng chìm đắm trong mê mờ chẳng tỉnh. Chỉ trong khoảng mắt, tai, miệng, mũi, thân tâm cùng thanh, sắc, hương, vị, xúc, pháp, đối đãi nhau, dính khắn, buộc ràng, dẫn dắt tâm tranh đấu. Mê hoài chẳng quay trở lại. Nên thánh nhân bi mẫn đặt ra giới - luật, muốn đem trừ tập nhiễm cũ, đoạn dứt trần tập mà hồi phục chân tâm thanh tịnh của mình. Do đây mà quán, giới tại ta mà đủ tại tâm, tu cho thân là nghĩa đạo chẳng xa người. Nên nói: “Thánh cách xa rồi ư? Theo đây tức là thần”. Chúng ta muốn đến nguồn của đại đạo, chỉ ở chỗ thuần cẩn phụng trì theo đây mà thôi. Chu Tử tuổi trẻ có chí tha thiết hướng thượng chú tâm về đây, nên tôi nhân đó viết thư này mà dạy.

Dạy Sa Di Tổ Định
       Ông thường thấy chợ búa ở đời bày bán la liệt thịt chặt, nấu, mà người đi qua, không mấy ai không trố mắt nhìn thèm nhỏ rãi và đều muốn nếm một miếng. Đây là tình thường. Mỗi lần thấy đồ đệ ta xưng là Sa Môn, Thích Tử, thân ở rừng Chiên Đàn, chân đạp đất Thanh Lương, trải qua chợ Đại Pháp bày diệu vị Cam Lồ đề hồ, mà lại coi khinh như thuốc độc, không đáng thương sao?
       Tuy nhiên vì chưa biết nếm qua nên khiến cho biết, há chịu thua cái tình thèm thịt sao? Đức Phật chúng ta đầu tiên ra đời liền đem Ba-la-đề-mộc-xoa để dạy người. Đây là đem cam lồ bày ở khắp đường, mong mỏi người người nếm đến, để đồng vào làng bất tử. Có mấy người đi qua mà chịu nếm? Tôi tùy duyên vào thành Vương Xá, dừng ở vườn rừng đấng Từ Thị, vừa mở chợ Cam Lồ có Sa Di Tổ Định, từ Ngô Hưng đến tham vấn cõi Phật trang nghiêm, pháp môn tối thượng. Nhân đó chỉ vào trong rừng, thì được nếm pháp vị Cam lồ này. Nói là pháp Cam Lồ tức là 4 giới trong căn bản.
       Than ôi! Người ta chìm đắm miệt mài đã lâu trong trường sanh tử, tạo xong khổ-cụ giường đồng đều nương 4 cái dâm, sát, đạo, vọng mà lập. Cho đến Tịnh Độ Trang Nghiêm của chư Phật cũng đều từ chỗ đoạn 4 cái này mà thànhh tựu. Nên nói: đoạn hẳn tâm dâm, mới thành Phật đạo v.v… Nay Sa Di toan bỏ ngói gạch làm tòng lâm. Chuyển đất dơ thành tịnh độ, nếu chẳng lật phá 4 căn làm 4 mặt hồ thanh lương, há có thể biến 3 độc thành 3 loại giải thoát ư? Thế nên Lão nhân Hải Ấn khen rằng: Phật tử nếu muốn thành tựu pháp môn công đức vô tận, phải nên khéo léo học Ba-la-đề-mộc-xoa này là đệ nhất nghĩa đế. Tất cả pháp môn đều từ đây mà vào.

Dạy Ngô Công Mẫn
       Không Sanh hỏi Phật “Làm thế nào an trụ? Làm thế nào hàng phục được tâm?” Phật đáp: “Nên như thế trụ, như thế hàng phục tâm”. Lại nói: “Nên không chỗ trụ mà sanh tâm”. Lại nói: “Tin tâm thanh tịnh tức sanh thực tướng”. Nhưng thực tướng không có tướng thì ở đâu có sanh? Bởi vì sanh tức vô sanh, thì trụ vốn không trụ. Tin tâm như thế thì ngũ uẩn thanh lương, một niệm chóng không, các vọng diệt hết, hàng phục như thế thì không phải hàng phục mà thật là hàng phục. Công Mẫn tin tâm rất thuần nhất, theo tôi xin thọ giới Bồ Tát. Lại hỏi phương pháp gìn giữ tâm. Tôi bảo cho phương pháp điều phục như thế. Lại đổi tên tự là Điều Phục. Còn như tướng tức vô tướng thì chẳng thể đem vô tướng làm vô tướng. Nên lại đặt đó làm định khóa, hằng ngày chẳng đổi, lâu dần thuần nhất, dứt hết các tướng, chóng khế hợp vô sanh. Tức là chỗ nói lòng tin thanh tịnh liền sanh thực tướng.

Dạy Hai Ông Trừng Và Hoành
       Ngữ nói: “Quân tử bên trong chẳng hậu trọng thì ngoài chẳng có uy. Sự học thì chẳng bền chắc”. Lại nói: “Trong không chủ chẳng lập, ngoài không chính chẳng hành”. Lời này tuy nhỏ có thể lấy để dụ việc lớn. Đó là Đạo học Thánh hiền, thế và xuất thế, chẳng có ai chẳng tụ chính tâm, thành ý, tu thân, mà đến được chỗ vật trí tri”, “minh tâm kiến tánh”. Nên Khổng tử vì Nhân lấy 3 điều tỉnh xét, 4 điều chớ làm, làm đầu. Đức Phật chế tâm lấy tam nghiệp, thất giác chi làm gốc. Xem khắp nhân vật xưa nay từ trên xuống dưới, người thành bậc đại khí mở mang nghiệp lớn, ánh sáng chiếu khắp vũ trụ, rỡ ràng làm sư phạm cho người, chưa có ai chẳng do đây mà đến đó, do thô mà đến chỗ cực kỳ tinh tế, do gần mà đến chỗ rất xa. Nay, người học phần đông lấy tai miệng cho là thực học. Cho cái thấy của mình là chân tham. Cho bàn luận phù phiếm là thuận vật. Cho phóng túng là thích tình. Cho sự xuôi theo là dung chúng. Lấy buông lung làm dưỡng khí, cho ăn no ở yên là điều thân, cho duyên tưởng là chính tâm, cho thúc liễm là khô hình, cho đoan trang là ngạo nghễ, cho khắc niệm là tự làm khổ, cho tinh trì là làm duyên, làm bộ. Cho đạo nghiệp là vật lâu dài, cho thân thể là kim cương, cho sanh tử việc thừa. Thân chẳng lập, tâm chẳng tham cứu, đạo nghiệp chẳng thành, học vấn chẳng tinh. Đây là lý do mà đời càng xuống thấp, đạo càng suy vi, tâm ngày càng mờ mịt, chí ngày càng tiêu mất, thói quen ngày càng tệ hại, hạnh thì ngày càng thiển bạc. Kinh điển ngày càng suy đồi, Phật pháp ngày càng hủy diệt. Đuổi gió bắt bóng, người hậu học không nơi nương tựa, mong thấy thực chất trong sạch hoàn toàn trong sự tu của chúng ta có thể được sao?
       Khổng Tử nói: “Thánh nhân ngộ bất đắc nhi kiến chi hỹ. Đắc kiến hữu hằng gia. Tư khả hỹ” (Bậc Thánh nhân ta chẳng làm được mà có thể thấy được. Thấy được người bền bỉ, hằng không thay đổi thì có thể thành thánh nhân vậy). Cho nên mộng của Chu Công, lời than của Phụng Điểu, quân tử có chí há cứ thả lỏng lòng mình ư? Hai ông cố gắng lên!

Dạy Giang Ngô Dư
       Cùng túc hạ mỏi miệng đã 10 năm. Như dạy người uống rượu phải chừa rượu, phải nghiêm trang. Không được không nghiêm trang cung kính. Nói chung sự cung kính đó là thái độ của người say. Nay đọc thư tay của túc hạ, vừa hốt nhiên từ trong mộng say thức dậy. Khiến người động lòng thương sót, rồi mừng rỡ hoan hỉ. Vì ở đời đều say, nếu mọi người đều như túc hạ thì chẳng quý một mình tôi tỉnh. Thường bảo Tô Tử là gã lưỡi dầy một miệng, ông ta mong cầu phú quý, hăng hái không ai bằng, mỗi lần lười biếng, treo tóc lên xà nhà, đâm đùi để đối trị cho tròn chí nguyện. Huống giá trị của bậc thánh hiền xuất thế một người được vô thượng diệu đạo mà đem bao nhiêu vàng ra so sánh cho được? Việt Vương gặp cái nhục Cối Kê, chí muốn báo thù Vua Ngô, bèn nằm gai nếm mật hơn 12 năm, mới xong nghiệp bá. Vậy mà tham ái nhiều kiếp há ngang với thù Ngô? Bị giam hãm tối tăm trong sanh tử, khốn nhục hình hài há ngang với cái nhục Cối Kê? Nếu túc hạ chẳng ôm mối hận, nghiến răng mà quên tâm nằm gai nếm mật, chẳng thể cột tóc sà nhà, đâm đùi cho đau, thì lấy gì để đền đáp cái chí ban đầu? Rửa cái nhục lớn được? Được nghe, trên cùng lập đức, kế đó lập công, sau nữa lập danh. Túc hạ thật có thể đem cái trên cùng tự khích lệ thì nghèo mà có thể vui. Ngoài ra có gì chạm đến tâm? Khổng Tử nói: “Kẻ sĩ để chí nơi đạo mà còn hổ thẹn, ăn không ngon, mặc không đẹp thì chưa đủ cùng họ bàn luận”. Cổ nhân cũng nói: “Nếu có được cái vui đạo nghĩa thì hình hài có thể gạt ra ngoài”. Hình hài đã gạt ta ngoài thì ngoài việc này còn gì nữa. Vậy còn gì có thể chạm đến tâm, lo lắng, mà không khoáng đạt ư? Mong túc hạ cố gắng lên.

Dạy Vương - Mục – Trương Và
Chu - Thế - Phụ
       Người ta thường bảo: “Trời sinh muôn vật chỉ có người là tối linh” Đây là Cổ Ngữ vậy. Tôi cho đó không đúng. Sao vậy? Vì người cùng muôn vật đều đầy đủ tánh linh giác; tánh này chia đồng đều mọi vật, đâu từng có gián cách giữa người và vật. Rốt cuộc sở dĩ khác với vật vì vật có đủ mà chẳng biết. Người thì biết cái đủ này. Người biết vốn đủ mà sống trọn vẹn là thánh, biết nên sống trọn vẹn mà chẳng thể chóng trọn vẹn là hiền. Người biết mà chịu mong cho trọn vẹn là trí. Người biết mà chẳng chịu quay trở lại mong cầu là ngu. Biết mà không chân thật, mong cầu thái quá gọi là cuồng. Biết mà chẳng sáng, chấp một giới hạn cho là tất đáng gọi là hẹp hòi nóng nẩy. Đến như người chẳng biết mà vọng cầu gọi là quái, cùng bọn chẳng biết mà chẳng cầu là vật mà thôi. Than ôi! Đấy là người cùng vật khác nhau, chỉ ở chỗ biết cùng chẳng biết, cầu cùng chẳng cầu. Tuy cách nhau hào ly mà được và mất xa nhau vạn dặm. Trộm xem Tam Tề Quân tử ai chẳng lòng bực bội, miệng tấm tức, miệt thị ngàn xưa, phỉ nhổ công danh. Tuy sự nghiệp như Y, Chu vẫn chẳng đủ xem. Kịp khi hỏi đến tâm tánh thì trố mắt ngậm miệng. Bàn về cái diệu của tâm thì đều cười cợt vỗ tay, đến lúc nói về Phật thì ngó mông lung chẳng đoái hoài. Ôi! Biết có tâm mà không biết có Phật, thì giống như biết hai lần năm mà chẳng biết mười. Thế nên đạo thuật chẳng sáng, mà bậc anh minh hào kiệt cũng chẳng khỏi bị vùi lấp ở đây. Đây chẳng phải lỗi của biết mà kỳ thực là lỗi của không biết. Lại chẳng phải lỗi của không biết, kỳ thực là lỗi của không tin tâm. Tôi trộm nghĩ không phải thật không tin tâm mà vì chưa có người đem chân tâm mà nói cho biết. Nếu như sớm chiều đem chân tâm thật ngữ huân tập, đào luyện dần dần quen thuộc. Tuy chẳng thể tự tin, cũng sẽ theo đó biến đổi. Quân tử ở đời thấy nghe là chuyện thường của tai mắt, thì sự thông minh trời ban cũng sẽ cùng sự thấy nghe mà biến đổi. Nên nói: tập tục dời đổi con người, người hiền cũng không thoát khỏi. Lời đó đáng sợ thay! Than ôi! Tiếng than đêm dài vì ai mà nổi lên. Tôi nay để thân ở biển đông, núi trống đầm lớn, xông vào hiểm trở, đạp vào chỗ cơ nguy cũng đến mấy lần, suýt chẳng thoát khỏi miệng hùm; người biết ta bảo tâm ta lo, người không biết ta bảo ta mong cầu điều gì. Đây sở dĩ ôm lời than đêm dài mà nuốt nước mắt cùng biển động đua chảy. Tuy nhiên một lần khói bay, đại địa mùa xuân bừng dậy, một chiếc lá lìa cành, mà khắp trời thu đến. Vì cảm chẳng sâu nên ứng chẳng tới. Sang năm mới, đất này có 2, 3 quân tử đủ cốt trượng phu, thấy tin tự tâm mồ hôi tuôn thấm 2 nách, mà diệu Dương Hòa sắp thấy. Tôi đem xương hóa sóng dài, có gì ăn năn? Vương Sinh Mục Trương, Chu Sinh Thế Phụ, ngày Đông Quý Tỵ, đến thưa hỏi Hải Ấn, đạo vị thiên nhiên này, đại khái không có mảy may khư khư tục tập. Tôi thầm than: “Đây là những nam tử kỳ khôi”. Tuy nhiên Mục Trương, Mục Trương! Thế Phụ, Thế Phụ! Đã biết cái “bổn hữu” mà chịu tìm cầu, thì tôi cũng mong mỏi ở hai ông. Chẳng mong ông làm Phật mà mong hiện thân Tể Quan, Cư sĩ thuyết pháp, sẽ thấy cội rễ Bát-nhã sâu dày; tập tục nồng hậu, chăm chỉ chuyển hóa. Những người non yếu cõi này, như người hoặc vật đều được dựng lập, đều được dạy dỗ để sanh về làng Cực Lặc. Ông hãy cố gắng! Ông hãy cố gắng! Vì đâu mà xưng là quân tử?

Dạy Đỗ Sinh
       Khổng Tử nói: “Chỗ ba quân có thể đoạt chức nguyên soái, còn kẻ thất phu chẳng thể đoạt chí của hắn”. Lại nói “Ẩn cư để cầu chí, quả có thể cầu sao?” Kha Chi (Mạnh tử) nói rằng: “Giữ cái chí, đừng làm bạo cái khí”. Đây là thánh hiền dạy người, phơi bày hết gan mật. Phàm châu chấu nổi giận giơ càng chống lại bánh xe, cái chí này quả bằng thế sao? Tôi thường xem người học ở đời, người thì nói có chí ở công danh, hoặc có chí ở phú quý, hoặc nói có chí ở trung hiếu. Nêu lên điều gì cũng hay đẹp, kịp đến vừa gặp vũ nhục, lo lắng, hoạn nạn, đói rét, nghèo, bệnh, những chuyễn chẳng vừa lòng thì khí tiêu thần tan, thở than khốn khổ không xiết, vừa gặp kẻ ngỗ nghịch thì phẫn hận chẳng kể đến thân, tửu sắc dâm đãng thì vui đến quên đời. Thế nên tôi thường nói rằng: “Cái chí chưa thấy như lời dạy của Khổng Tử, là chẳng thể đoạt, như lời dạy của Mạnh Tử là gìn giữ nó”. Đây cũng không khác, vì ẩn cư chưa từng cầu vậy. Than ôi! Vũ nhục, ưu hoạn, đói lạnh, nghèo bệnh, ngang ngược, tửu sắc chẳng lớn đối với bánh xe, mà người chẳng phải nhỏ đối với châu chấu nhưng trọn không có một phen phẫn nộ để chống cự. Đây là vì cớ sao? Người học tìm hiểu sâu chỗ này thì mới có thể đem “chí” mà nói với họ.

Không có nhận xét nào: