Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

“SỰ THẬT và DỐI TRÁ”

 “SỰ THẬT và DỐI TRÁ”




Đây là bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ người Pháp Jean Leon Gerome (1824-1904),
mang tên
“The Truth Coming Out Of Her Well“
- Tạm dịch là SỰ THẬT NƠI ĐÁY GIẾNG.

Bức tranh này được vẽ năm 1894 dựa trên một câu chuyện dân gian như sau:

Chuyện kể rằng có một ngày hè, Sự Thật và Dối Trá tình cờ gặp nhau.
Dối Trá nói:
" Hôm nay trời đẹp quá! ".
Sự Thật ngước nhìn lên và đúng như lời Dối Trá đã nói.
Trời rất trong xanh,
tràn ngập nắng vàng,
từng cụm mây trắng lững lờ trôi thật đẹp...

Rồi cả hai lại đến bên một cái giếng.
Dối Trá nói:
" Giếng trong mát quá.
Chúng mình hãy tắm đi!".
Sự Thật mới đầu còn nghi ngại, nhưng khi nhìn xuống giếng, thấy nước trong mát thật,
bèn trút bỏ bộ quần áo đẹp và nhảy xuống giếng tắm cùng Dối Trá.

Chỉ chờ có thế,
Dối Trá leo nhanh lên khỏi miệng giếng, khoác vào người bộ y phục đẹp đẽ của Sự Thật rồi bỏ chạy thật nhanh.
Sự Thật hốt hoảng leo lên miệng giếng,
bối rối đuổi theo để giành lại bộ quần áo.

Nhưng nàng đuổi tới đâu cũng có đám đông hai bên đường túa ra chỉ trỏ,
cười nhạo vì nàng hoàn toàn loã thể.
Sự Thật trần trụi thấy xấu hổ quá nên không đuổi theo Dối Trá nữa mà chỉ bưng mặt trèo lại xuống đáy giếng, lặn trốn mất tăm.

Kể từ đó,
loài người không còn ai nhìn thấy được Sự Thật nữa.
Họ chỉ thấy Dối Trá ung dung hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc.
Họ luôn tán dương nó,
vuốt ve nó, say mê nó,
học đòi theo nó,
chỉ vì vẻ ngoài hào nhoáng và đẹp đẽ mà nó đã ăn cắp từ Sự Thật.

Sự Thật dẫu có tốt thì vẫn luôn là trần trụi,
Dối Trá dẫu xấu xa nhưng lại vô cùng quyến rũ!
Chừng nào loài người còn say mê trước những ngọt ngào và kiều diễm,
thì chừng nấy Sự Thật còn lặn rất sâu.

(Sưu tầm)

GIÁ TRỊ PHẢI ĐƯỢC ĐẶT ĐÚNG CHỖ

 Một người cha nói với con trai mình vừa tốt nghiệp:" Con đã tốt nghiệp, bố sẽ dành tặng cho con một chiếc xe bố đã mua được nhiều năm trước... Nó đã hơn 50 tuổi. Nhưng trước khi bố đưa xe cho con, con hãy đưa nó đến chỗ bán xe cũ đã qua sử dụng xem họ trả được bao nhiêu."

Người con trai đi đến chỗ xe đã qua sử dụng, trở về với cha và nói: "Họ đề nghị 1,000 đô la vì nó trông nó đã quá đát".
Người cha nói: "Con đưa nó đến tiệm cầm đồ"
Người con trai đưa đến tiệm cầm đồ, trở về nói với cha: "Tiệm cầm đồ đã đề nghị 100 đô la vì nó là một chiếc xe sắt vụn"
Người cha bảo con trai đưa nó đến câu lạc bộ ô tô và cho họ xem xe.
Đứa con trai đưa xe đến câu lạc bộ, trở về và nói với cha: "Một số người ở câu lạc bộ đã đề nghị $ 100,000 cho nó, vì nó là một Mustang cổ điển và được tìm kiếm rất khó thấy trong số các thành viên câu lạc bộ"
Người cha nói với con trai của mình: "Bố muốn con biết rằng con hãy ở đúng nơi coi trọng con đúng cách"...
Nếu con không có giá trị, đừng buồn và tức giận, điều đó có nghĩa là con đang ở sai chỗ. Những người biết giá trị của con là những người đánh giá cao về con, và không bao giờ được ở một nơi mà không ai nhìn thấy giá trị của mình.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Những mẩu chuyện về Nasredin Hodja


 1. Một buổi thuyết giảng nọ, Nasreddin mới hỏi giáo đoàn:

- Các bạn thân mến ơi, sau này tôi chết thế nào người ta cũng hỏi các bạn rằng lúc còn sống tôi là người như thế nào, thì các bạn sẽ nói sao?
- Chúng tôi sẽ nói rằng ông ấy là một người rất tốt. – Giáo đoàn đồng thanh đáp.
- Thế thì… đừng chờ đến lúc tôi chết. Giờ các bạn hãy nói luôn thế đi để tôi còn được nghe.

2. Một người tham ăn tìm đến Hodja phàn nàn:
- Trên đời làm gì có ai hoàn hảo cơ chứ. Tôi chỉ có mỗi cái tật là ăn nhiều thôi mà ai cũng chế nhạo, rầy la cứ như thể đấy là tội tày đình không bằng. Tôi biết phải làm sao đây?
- Đừng bận tâm. – Hodja đáp. – Ăn thế nào đâu có quan trọng. Nuốt ra sao mới đáng phải bàn chứ.

3. Có một lần Hodja bị ốm nặng. Khách khứa đến thăm ai cũng an ủi:
- Đừng lo lắng anh bạn, đời ai cũng chỉ một lần chết mà thôi.
- Thế thì tôi mới lo chứ. – Hodja khó nhọc nhấc đầu lên. – Chứ mà được chết nhiều lần thì tôi lo gì.

4. Một người phung phí hết gia sản thừa kế chỉ trong một thời gian ngắn, mới đến gặp Hodja cầu cứu:
- Ngài thân mến ơi, tôi đã tiêu hết những gì tôi có rồi. Xin ngài làm ơn chỉ giúp tôi những điều đúng đắn.
- Chỉ cần năm năm nữa thôi là anh sẽ không phải bận tâm đến chuyện tiền bạc nữa đâu. – Hodja đáp.
- Sao kia? Thế là năm năm nữa tôi sẽ lại trở nên giàu có à?
- Không, mà vì lúc ấy anh đã quá quen với cảnh nghèo túng rồi.

5. Lần nọ có người hàng xóm nhiều chuyện chạy sang mách với Hodja:
- Này ban nãy tôi thấy có người vác theo một nồi gì to to ý.
- Chuyện đó thì liên quan gì tới tôi chứ. – Hodja đáp.
- Ồ, nhưng mà hắn mang từ trong nhà anh ra cơ mà. – Người kia bực tức thốt lên.
- Thế thì, đấy lại không phải là chuyện của anh.

6. Một người hàng xóm biết Hodja có loại dấm ngâm 40 năm tuổi mới chạy sang xin. Hodja từ chối.
- Tôi không thể cho anh tí nào được.
- Sao, thế mà là hàng xóm của nhau à? Tại sao lại không cho tí nào được?
- Vì nếu ai xin tôi cũng cho như thế thì làm sao bây giờ nó thành dấm 40 tuổi được.

7. Tự dưng Tamburlaine Đại đế nảy ra ý định làm thơ. Ông ta sáng tác một bài rồi cho gọi Hodja lên để hỏi ý kiến. Hodja bảo đây là một bài thơ tồi, Tamburlaine giận quá mới sai người nhốt ông vào kho chứa cỏ. Hôm sau Tamburlaine lại cho gọi Hodja lên và đọc cho ông nghe một bài thơ mới. Trước khi Tamburlaine kịp hỏi cảm nghĩ của Hodja thì Hodja đã đứng dậy và dợm bước đi. Tamburlaine ngạc nhiên hỏi Hodja đi đâu. Ông đáp:
- Đi vào kho chứa cỏ ạ.

8. Một ngày nọ, hai bố con Hodja cùng đi ra chợ. Hodja để con trai ngồi trên lưng lừa còn mình thì đi bộ bên cạnh. Một người đi đường thấy đứa trẻ trên lưng lừa mới quay sang quở trách:
- Cậu không biết xấu hổ à, để cha già đi bộ thế kia mà coi được à?
Hodja bèn để con xuống đi bộ còn mình thì trèo lên lưng lừa. Một người khác đi qua thấy vậy mới trách móc Hodja:
- Ông là người lớn mà không biết xấu hổ khi để con trẻ phải đi bộ thế kia trong khi mình thì được cưỡi lừa à?
Lần này Hodja lại tụt xuống khỏi lưng lừa và hai bố con đi bộ cạnh nhau. Một người khác trông thấy cảnh này mới kêu lên:
- Thực là những người kỳ dị! Có lừa thì chẳng cưỡi mà lại đi bộ cả thế kia.
Lúc này Hodja mới quay sang con trai và bảo:
- Con thấy chưa, chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người được vì kiểu gì họ cũng sẽ phê bình chúng ta. Giờ chỉ còn mỗi cách duy nhất là bố con mình cõng con lừa lên lưng mà thôi.

9. Hình như Nasrereddin Hodja thích ăn mặn. Một số người nhận ra điều đó mới bình luận:
- Nghe nói ăn mặn là bị khô não đấy.Ông ăn mặn thế để làm gì?
- Để cho não tôi được giống như mọi người chứ sao nứa- Hodja thản nhiên đáp

 

Nasreddin Hodja: chuyện về người đàn ông cưỡi lừa ở Thổ Nhĩ Kỳ


 Một hôm, có một người hàng xóm đến gặp Nasreddin và hỏi mượn con lừa của ông trong hai giờ đồng hồ để chở hàng lên thị trấn. Nasreddin thực sự không muốn cho mượn con lừa của mình, ông suy nghĩ một lát sau đó nói:

"Bạn thân mến, tôi rất muốn giúp anh, nhưng tôi đã cho người khác mượn con lừa rồi".

Ngay lúc đó, con lừa được nhốt bên kia bức tường trong sân bắt đầu rống lên. Anh bạn lập tức kêu lên:

"Nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng kêu của nó đằng sau bức tường đó mà".

"Anh tin lời con lừa hay tôi?" - Nasreddin trả lời đầy vẻ bực bội.

Tính hài hước và dí dỏm thường xuất hiện trong mỗi câu chuyện của Nasreddin Hodja. Đây là một ví dụ khác:

Một lần Nasreddin được mời đến tham gia một buổi diễn thuyết. Khi lên tới bục giảng, ông hỏi:

"Các vị có biết tôi sẽ nói về vấn đề gì ngay sau đây không?"

Sau khi nghe tất cả khán giả đều trả lời rằng "không biết", Nasreddin đáp: "Tôi không muốn nói chuyện với những người thậm chí không biết tôi sẽ nói về vấn đề gì!" , rồi bỏ về nhà.

Mọi người cảm thấy rất khó chịu và quyết định mời Nasreddin trở lại buổi diễn thuyết vào ngày hôm sau.

Lần này, Nasreddin vẫn hỏi câu như hôm trước và mọi người đồng thanh trả lời rằng "có biết". Vì vậy, Nasreddin nói: "Vâng, các vị đã biết tỏng những gì mà tôi muốn nói nên tôi sẽ không làm lãng phí thêm thời gian của mọi người nữa!", rồi bước thẳng xuống bục và bỏ về nhà.

Mọi người thực sự bối rối nhưng vẫn không chịu thua và quyết định sẽ thử lại một lần nữa trong buổi diễn thuyết diễn ra vào tuần kế tiếp.

Một lần nữa, Nasreddin vẫn đưa ra câu hỏi như hai lần trước:

"Các vị có biết tôi sẽ nói gì hôm nay không?"

Mọi người có mặt đã chuẩn bị từ trước đó và một nửa trong số họ trả lời "có biết", trong khi nửa còn lại trả lời "không biết".

Nasreddin bình tĩnh đáp: "Vậy hãy để một nửa những người đã biết tôi sẽ nói gì trình bày với những người khác", rồi bỏ về nhà!

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

QUÁN TÂM TÔNG

Pháp sư Tăng Triệu nói: “Mọi sự mọi vật đều do tâm thành, tâm có cao thấp nên sinh ra gò nổng”. Lại nói: “Cõi Phật thường tịnh, đâu chờ biến hóa rồi sau mới tịnh”. Bởi biến đổi theo chỗ thấy của chúng sinh nên chúng sinh thấy là đất đá núi sông, đều do nghiệp sinh khởi. Bồ-tát chỉ toàn là trí tuệ vi diệu, lìa tâm Thánh phàm, không có cảnh chân tục.
Thiên Thai Vô Lượng Thọ Sớ nói: “Cõi vui với cõi khổ, vàng bạc với đất cát, thai ngục với ao sen, rừng gai với rừng ngọc, thật ra do tâm phân biệt cấu tịnh, mà thấy sự hơn thua của hai cõi, bày ra thiện ác, thô diệu của hai phương, dụ như hình ngay thì bóng thẳng, nguồn đục thì dòng nhơ. Cho đến có thể nói là “vi hành yếu thuật, diệu quán chí đạo”.
Theo kinh này, tâm quán là tông, thật tướng là thể. Ký nói: Diệu quán chí đạo, nghiệp hành tuy nhiều song chỉ lấy tâm quán làm yếu thuật. Một niệm tâm khởi, tịnh độ rõ ràng không tạo tác thể tính như như nên nói “vi hành”. Nhất tâm tam quán là không giả trung, năng sở dù phân chia chiếu soi lẫn nhau bất tư nghì, cảnh chủ yếu ở nơi tâm nguyên tức là công phu tu quán vậy. Dọc ngang cùng khắp bình đẳng không hai, nhân của tam quán tròn thì quả của tam đức đủ, đều do tâm yếu nghĩa thành cho nên nói là chí đạo yếu thuật.
Pháp sư Tăng Triệu nói: “Mọi sự mọi vật đều do tâm thành, tâm có cao thấp nên sinh ra gò nổng”. Lại nói: “Cõi Phật thường tịnh, đâu chờ biến hóa rồi sau mới tịnh”. Bởi biến đổi theo chỗ thấy của chúng sinh nên chúng sinh thấy là đất đá núi sông, đều do nghiệp sinh khởi. Bồ-tát chỉ toàn là trí tuệ vi diệu, lìa tâm Thánh phàm, không có cảnh chân tục.
Như Hoa Nghiêm Luận nói: “Kinh Hoa Nghiêm nói về môn duyên khởi pháp giới lý sự không hai, không duyên nào chẳng tịch, không sự nào chẳng chân, mười phương thế giới nhất chân tính hải, đại trí tròn sáng, vì quốc độ cảnh giới đều là biển tính, là nhất chân pháp giới, chẳng phải hữu tình vô tình theo nghiệp mà nói, vì trong Hoa Nghiêm cảnh giới thuần chân đều là trí. Bồ-tát Thập trụ lấy tuệ làm cõi nước, Bồ-tát Thập hạnh lấy trí làm cõi nước, Bồ-tát Thập hồi hướng, Thập địa lấy diệu làm cõi nước, không nói hữu tình với vô tình sai biệt, vì kinh Hoa Nghiêm hiển bày pháp gốc khác với tam thừa quyền giáo, vì vô tình, hữu tình có sinh có diệt”.
Hỏi: Tất cả thân độ do tám cực vi tạo thành, tại sao duy tâm mà không có chất ngại?
Đáp: Chấp sắc cực vi có tính chất ngại là Tiểu thừa, không phải tông chỉ Đại thừa. Người thấy nước, quỉ thấy lửa, đâu phải do khác ở nơi chốn. Biển trong sợi lông, quả núi trong hạt cải ai luận lớn nhỏ ? Một trần một thức, muôn cảnh muôn tâm. Nếu mê tâm mà quán sắc thì thông bít rõ ràng. Nếu rõ sắc minh tâm thì dứt sạch thị phi. Do đó Cổ đức nói: Nếu biết sắc là không, thì quán sắc là sai chăng? Nếu chấp sắc là có thì quán sắc là đúng chăng? Nếu biết không là sắc thì quán không là sai chăng? Nếu thấy không khác với sắc thì quán không là đúng chăng? Đây là sự hiểu biết và sự mê hoặc khác nhau, tự phân đẹp xấu, đâu liên quan đến sắc không mà rõ chính tà? Nếu thấu suốt tông chỉ này thì thường quán sắc mà luôn luôn chính, nếu chẳng rõ chỉ thú này thì tuy quán không mà luôn luôn tà.
Vả lại, chúng sinh chẳng thấu rõ nhị không, vì chấp tâm sắc thật có nên quán tâm không thâm diệu, chiếu cảnh không công năng. Đã chẳng hiểu tức sắc minh không mà còn không thể phân tích tỉ mỉ, làm sao biết sắc tự thô tế, tận cùng tâm nguyên chân vọng. Nay đối với căn cơ sâu cạn mà nêu sơ lược ý nghĩa của tính tướng giúp cho hàng trung hạ được lợi ích.
Cổ đức nói: Như Lai xuất thế vốn vì độ sinh, hữu tình mê chấp quá nặng, vọng chấp thật có ngã pháp, đức Phật liền khéo bày phương tiện khiến họ trừ tâm điên đảo. Đối với sắc tụ, Phật dạy họ phân tích, rõ ràng hai chấp ngã pháp đều không, sắc tuy vô lượng nhưng không ngoài hai loại: một là câu ngại, hai là sở ngại.
Câu ngại sắc nghĩa là năm cảnh, năm cảnh hay tạo ra bốn đại, đây là tổng thể. Còn phân biệt ở trong là xanh vàng đỏ trắng, bốn thứ này là thật; dài ngắn vuông tròn thô tế cao thấp cong ngay, mười thứ này là giả. Y theo thật có nên gọi là hình sắc, hay ngại cái khác và cũng bị cái khác làm ngại nên nói là câu ngại. Y theo đây phân tích thành cực lược sắc. Cực lược sắc thuộc về pháp xứ.
Lại có bóng sáng, khói, mây, bụi, mù thuộc về sắc, biểu sắc không nhất định hiển sắc v.v…đều là giả có, do bị cái khác làm ngại, chứ không làm ngại cái khác nên gọi là sở ngại sắc. Y theo đây giả tưởng phân tích gọi là cực hướng sắc, cực hướng sắc thuộc về pháp xứ.
Ba hiển bày hành tướng và định sở y, nghĩa là các sư Du-già lúc tu quán hạnh, y theo bốn tĩnh lự căn bản định tâm, tương ưng với tuệ, nhờ căn cảnh và ngoại sắc làm chất; ở trên tự thức biến ra bóng dáng mà duyên lấy. Ở trong một sắc tụ, mới đầu phân tích làm hai. Quán trên hai phần sắc này ngã pháp đều không, rõ ràng phân minh không hôn trầm không tán loạn. Lại e rằng trong hai phần sắc ngã pháp vẫn còn, lại dùng tuệ tâm phân tách làm bốn biệt, như vậy cho đến một tướng lân hư không thể phân tích gọi là sắc hậu biên. Nếu phân tích nữa là phi sắc. Y theo đây giả lập hai thứ cực nhỏ là cực lược và cực hướng. Xét tìm ngã pháp thật thể đều không, đạt biến kế là không, ngộ y tha là giả, liền có thể dẫn khởi nhị không vô lậu, căn bản trí sinh liền chứng nhị không, chân lý hiển bày.
Lại nói về Phật quốc, như trong một nước đều do thiên tử thống lĩnh, không gì chẳng thuộc về nước ấy. Nay cũng thế, tùy tâm một tưởng một duyên, hữu tình vô tình, hoặc sắc hoặc tâm đều là cảnh được chiếu bởi thật trí; vì thấu rõ tính tướng nên gọi là Phật quốc.
Thiên Thai Tịnh Danh Sớ ghi: “Tùy sự thành tựu chúng sinh mà Phật độ tịnh; tùy Phật độ tịnh mà việc nói pháp tịnh; tùy việc nói pháp tịnh mà trí tuệ tịnh; tùy trí tuệ tịnh mà tâm tịnh; tùy tâm tịnh mà tất cả công đức tịnh. Cho nên Bồ-tát Bảo Tích muốn được tịnh độ thì phải tịnh tâm của mình”.
Tùy tâm tịnh thì Phật độ tịnh, nghĩa là quán tâm tính vốn tịnh dường như hư không, là cảnh của tính tịnh, cảnh là cõi nước. Quán trí giác ngộ, tâm này gọi là Phật. Mới quán gọi là nhân, quán thành gọi là quả. Nếu luận về tự tu hành là tâm vương không nhiễm, nếu luận về hoá tha là tâm sở giải thoát. Trí tuệ số là đại thần có thể loại trừ các mê hoặc trên các số để trở về tâm nguyên thanh tịnh độ, cho nên nói tâm tịnh thì Phật độ tịnh.
Trích dẫn:

TÔNG CẢNH LỤC 

THIỀN SƯ DIÊN THỌ 


LẤY PHÁP GÌ TU ĐẠO

Không dùng sự thấy nghe hiểu biết, chẳng được, chẳng chứng; đối với tất cả pháp không tướng, không chỉ bày gọi là tu đạo”. Hoa Nghiêm Sớ nói: “Đốn giáo không nói đến pháp tướng, chỉ bàn về chân tính, không có tướng sai biệt của tám thức”.
Giải thích: Tám thức tâm vương còn không sai biệt, huống là các pháp do tâm biến hiện là có chăng ? Tâm sinh thì các pháp sinh; tâm diệt thì các pháp diệt. Cho nên luận Khởi Tín nói: “Tất cả các pháp chỉ nương vào vọng niệm mà có sai biệt. Nếu lìa tâm niệm thì không có các tướng cảnh giới, thế nên tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, tuyệt đối bình đẳng không sai khác, chỉ là nhất tâm nên gọi là chân như, vì tất cả ngôn thuyết giả danh không thật chỉ tùy vọng niệm bất khả đắc”.
Do đó Sớ nói: “Những gì hiện hữu đều là vọng tưởng, tất cả pháp giới chỉ là tuyệt ngôn”, cho nên luận Khởi Tín nói: “Chân như cũng không có tướng, nghĩa là tột cùng của ngôn thuyết, nhân lời nói dẹp bỏ lời nói. Thể của chân như không thể dẹp bỏ vì tất cả pháp đều chân thật; cũng không thể lập vì tất cả pháp đều đồng chân như; phải biết tất cả pháp không thể nói, không thể niệm nên gọi là chân như, vì tất cả pháp tính đều lìa ngôn thuyết”.
Nếu thông đạt bốn thứ pháp giới thì không thể nói là công phu không được gì cả. Sự chứng đắc ấy không nên cho là thật, vì lý vốn không lời. Sự lý xen suốt không thể đem sự lý để nói, sự sự tương tức không thể đem nhất đa để bàn. Như trong kinh Lăng Già tuy nói về năm pháp là danh, tướng, vọng tưởng, chính trí, như như đều không tịch. Nghĩa là mê thì như trở thành danh, tướng, vọng tưởng; ngộ danh, tướng vốn như thì vọng trở thành trí, không còn danh, tướng, vọng tưởng, chỉ có như, trí thôi.
Trí nhân như mà lập, trí thể cũng không; như nhờ trí mà sáng, xưa nay thường tịch, nên cũng không; huống chi tám thức căn cứ theo sự đều là duyên sinh tính không, vì có ngã pháp nên nói hai thứ vô ngã, ngã còn chẳng được, vô ngã làm sao có ? Cho nên Trung Luận có kệ:
Chư Phật hoặc nói ngã.
Hoặc nói không có ngã.
Trong thật tướng các pháp,
Không ngã không phi ngã.
Cho nên đều phải dẹp bỏ cả hai. Sớ nói: “Quở giáo, khuyên lìa, hủy tướng, dứt tâm”. Quở giáo nghĩa là đem tâm truyền tâm, chẳng nhờ văn tự. Khuyên lìa nghĩa là khuyên nên xa lìa pháp. Pháp tuy nhiều vô lượng nhưng không ngoài sắc tâm; lìa tâm tâm như, lìa sắc sắc như, cho nên khuyên lìa hết để khế hợp tâm thể ly niệm. Hủy tướng theo cảnh, vì những gì có tướng đều là hư vọng. Dứt tâm theo trí, rõ cảnh tướng không, tạm gọi là trí. Tướng đã không, trí làm sao thật ? Tâm cảnh đều mất thì thảy đều dứt sạch.
Tâm không có tâm tướng tức là an tâm, nên nói sinh tâm là vọng, chẳng sinh tâm là Phật. Nói sinh tâm nghĩa là chẳng phải chỉ sinh những tâm khác, cho dù sinh tâm bồ-đề, niết-bàn, quán tâm, kiến tính cũng gọi là sinh tâm, đều là vọng tưởng. Niệm tướng đều tịch mới gọi là bất sinh; tịch chiếu hiện tiền làm sao không gọi là Phật ? Cho nên trên bia Tổ Đạt-ma có ghi: “Tâm có thì nhiều kiếp đọa phàm phu, tâm không thì sát-na lên Chính giác”.
Nói tâm không, chẳng phải là thấu rõ tâm không chẳng sinh liễu tri, vì thế Vi Thị Ngự hỏi hòa thượng Ngưỡng Sơn ý nghĩa liễu tâm; hòa thượng đáp: Nếu muốn liễu tâm, không có tâm để liễu, vô liễu mà liễu đây là chân liễu. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:
Tất cả pháp chẳng sinh,
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền.
Nói hiểu như bất sinh chẳng hạn, hiểu mà chẳng có tướng hiểu, chẳng phải là nói hiểu suông nơi bất sinh. Sớ nói: “Không Phật chẳng phải là không có Phật, không chúng sinh chẳng phải là không có chúng sinh, đó là quét sạch dấu vết trước kia, vì chúng sinh mê nên nói tức tâm tức Phật, đã không có chúng sinh thì đâu từng có Phật ?” Cho nên kinh có kệ:
Chân pháp giới bình đẳng
Không Phật không chúng sinh
Chấp Phật nói không Phật,
Chẳng phải là không Phật.
Vì thế nói chẳng phải không Phật, đây là dẹp bỏ lại dẹp bỏ, nếu có chút sở đắc đều là vọng tưởng. Cho nên kinh Phật Tạng nói:
“Người đối với pháp có chút sở đắc là tranh cãi với Phật, tranh cãi với Phật là tà đạo, chẳng phải đệ tử ta”. Lại chỉ phân biệt không Phật cho là chân Phật, nên nói chẳng phải không Phật. Vì vậy kinh có bài tụng:
Tánh không tức là Phật,
Không có thể nghĩ lường.
Nếu có sinh tâm, sinh tâm là vọng, nên nói vô sinh. Phật còn không có, làm sao có vô sinh ? Nếu có sự hiểu biết về vô sinh thì bị vô sinh trói buộc cho nên nói chẳng phải không sinh.
Lại tất cả pháp chẳng sinh thì bát-nhã sinh, nên nói chẳng phải không sinh. Sinh cùng chẳng sinh xoay trở trái nhau, cũng xoay trở làm thành nhau. Chỉ cần bặt lời thì có thể khế hợp với đạo; tâm rỗng thì có thể thông lý. Nếu bặt lời thì thôi không cần nói; nếu tâm rỗng thì ngã pháp vi diệu khó hiểu đâu thể vọng sinh tri giải ?
Lại hễ vào Tông Cảnh thì pháp nhĩ bặt lời, trí chẳng thể biết được, chỉ có lòng tin mới vào được. Như Tán Bát-nhã có kệ:
Nếu ai thấy bát-nhã
Tâm luận nghĩa dứt tuyệt
Như khi mặt trời mọc
Sương sớm tức thời tan.
Cho nên Tổ sư nói: “Luận chẳng phải nghĩa, nghĩa chẳng thể luận; nếu muốn luận nghĩa thì trọn chẳng phải nghĩa luận”. Ngày xưa Lương Vũ Đế tại điện Trùng Vân trong vườn Hoa Lâm tập họp bốn chúng, tự giảng kinh Tam Tuệ Bát-nhã. Khi ấy Phó đại sĩ có mặt tại đấy, Thái tử hỏi: Đại sĩ sao không luận nghĩa ? Phó đại sĩ đáp: Những gì hoàng đế nói chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, như như chính lý còn phải nói chi nữa ? Lưu Trung Thừa lại hỏi: Xin ngài nói lại, mọi người muốn được nghe! Phó đại sĩ đáp: Mặt trời mặt trăng dừng lại, bốn mùa điều hòa.
TÔNG CẢNH LỤC
THIỀN SƯ DIÊN THỌ

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.6)


Hỏi Đáp Về Pháp Môn Tổ Sư Thiền Với Hòa Thượng Thích Duy Lực (P.6) - (Nguồn Tổ Sư Thiền - Internet)
531. HỎI: Phẩm “Tùng địa dũng xuất” thứ mười lăm trong Kinh Pháp Hoa nói: Để hộ trì Phật pháp nơi cõi Ta-bà này, vì thế các vị Bồ-tát từ dưới đất vọt lên và xin để các ngài hộ trì, các ngài đó chính là đệ tử của Phật nơi quá khứ. Chính Đức Phật đã xác nhận rằng các ngài là đệ tử quá khứ, vì Ngài đã thành Phật từ nhiều kiếp trước.
Nhưng theo giáo lý Đại thừa, có nhiều chỗ nói Đức Phật là Bồ-tát Hộ Minh từ trên cung Trời Đâu Suất giáng trần, mới thành Phật kiếp này?
ĐÁP: Phẩm Như Lai Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa dùng danh từ “Trần điểm kiếp” để thí dụ, vì thời đó chưa có Đại số: Vi trần là đơn vị rất nhỏ, Phật đem thí dụ số kiếp rằng: Đem một đại thiên thế giới mài thành mực, rồi cứ đi qua mười đại thiên thế giới thì chấm một chấm mực, chấm hết tất cả mực. Thử hỏi số mực của một đại thiên thế giới là bao nhiêu? Rồi lại cách mười đại thiên thế giới mới chấm một chấm mực? Sau khi chấm hết tất cả mực, lại đem những đại thiên thế giới có chấm mực và không chấm mực đều mài thành hạt bụi, vậy số đó đếm làm sao nỗi? Mà Đức Phật nói: “Thọ của ta là hơn số đó!”
Kỳ thật, Phật đã nói trắng ra cho chúng ta biết là vô thỉ, tức chẳng có sự bắt đầu. Hễ có sự bắt đầu là có con số, dù gọi là trần sa số kiếp, nhưng đếm lâu ngày, lâu năm, lâu kiếp cũng sẽ đếm hết; nói “Không có bắt đầu” là vô số, vô số thì chẳng thể đếm, nên nói vô sanh.
Nay chúng ta nói Phật giáng sinh, nhưng giáo lý của Phật là vô sanh, nên người chứng quả gọi là ngộ pháp vô sanh, tức được tự chứng phần rồi chứng tỏ chẳng có sự sanh khởi. Do đó, nói về số kiếp bắt đầu ấy chỉ là phương tiện mà thôi.
Trong lịch sử Thiền tông, có một vị Tăng hỏi Mã Tổ:
- Sao ông nói tức tâm tức Phật?
- Tại muốn gạt con nít nín khóc.
- Sau khi nín thế nào?
- Chẳng phải tâm chẳng phải Phật.
Cho nên, tất cả lời Phật lời Tổ cũng chỉ là phương tiện thôi.
532. HỎI: Phương pháp chiếu soi và hằng sống với bản giác của mình, đó có phải là bước đường từ phàm phu đến các đẳng vị Bồ-tát?
ĐÁP: Bây giờ nói sống với bản giác của mình; bản giác của mình đâu có mất? Ai ai cũng sống với bản giác, nếu không có bản giác thì chẳng thể sống. Dù không có tu cũng sống với bản giác, cái bản giác đó vẫn y nguyên. Bản giác tức Phật tánh, do tu mới dứt các tập khí phiền não, dứt tri kiến rồi bản giác mới hiện ra, nay dù chưa hiện nhưng không mất. Do đó, nói “Sống với bản giác” ấy là thừa.
533. HỎI: Con đọc trong Kinh Dược Sư, nói Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai chỉ đọc một câu thần chú là chúng sanh hết bệnh khổ, nghĩa đó như thế nào? Xin Sư phụ giảng thuyết cho con được rõ.
ĐÁP: Kinh Dược Sư thuộc Kinh Bất Liễu Nghĩa, theo cách tu nhơn thiên thừa, tức tạm thời chẳng thể tu đến giải thoát, chỉ xây dựng nền tảng để sau này tiến lên con đường giải thoát.
Hiện nay, pháp Tịnh độ được hoằng dương nơi thế gian có ba thứ, phổ biến nhất là Di Đà Tịnh độ, cũng gọi là Tây phương Tịnh độ; Tịnh độ của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai gọi là Dược sư Tịnh Độ, cũng gọi là Đông phương Tịnh độ. Ngoài ra còn có Đâu Suất Tịnh độ của Bồ-tát Di Lặc.
Phương pháp tu theo Tây phương Tịnh độ đối với phước báo của thế gian đều buông bỏ, tu theo Dược sư Tịnh độ còn cầu phước báo thế gian, vẫn còn ở trong luân hồi, nhưng thích hợp với tư tưởng của người đời. Như hiện nay đa số Phật tử đến chùa là cầu phước báo, ít có cầu tu giải thoát.
Về Đâu Suất Tịnh độ của Bồ-tát Di Lặc: Bồ-tát Di Lặc hiện đang ở Nội viện cõi Trời Đâu Suất, trong Nội viện là những người tu giải thoát, còn Ngoại viện là của cõi Trời. Người được sanh vào Nội viện, đợi khi Bồ-tát Di Lặc giáng sinh nơi cõi Ta-bà này nối tiếp Phật pháp của Phật Thích Ca, những vị này sẽ xuống để trợ giúp Phật Di Lặc hoằng dương Phật pháp.
Người cầu sanh nơi Đâu suất Tịnh độ thường là những vị pháp sư giảng Kinh thuyết pháp có trí huệ cao, người tu Dược sư Tịnh độ phần nhiều là người chỉ ham đắm phước báo, không có trí huệ, nhưng Đức Phật cũng đặt ra phương tiện để họ cầu cho đúng, sau này nhờ phước báo đó gặp được thiện tri thức rồi hướng dẫn tu theo con đường giải thoát.
534. HỎI: Trong Kinh Dược Sư có bảo chưng bốn mươi chín ngọn đèn, vậy phải chưng như thế nào?
ĐÁP: Ấy chỉ là hình thức nghi lễ để cho người ta cầu phước báo; phải làm việc thiện để giúp đỡ cho người khác, sau này người khác trả ơn nên được phước báo. Nói ngọn đèn chỉ tượng trưng cho niềm tin, nếu bày đèn ra để cúng sao thì việc đó là mê tín, chẳng thuộc pháp môn Dược Sư Tịnh độ.
535. HỎI: Có một vị Sa-di ra đời nhưng sợ thiếu nợ thí chủ, rồi đem tiền đến chùa đã ở trước kia để cúng dường, như vậy có hết thiếu nợ không?
ĐÁP: Cúng dường thì được phước báo, còn nợ là phải trả riêng, chứ nhân quả chẳng thể bù trừ được. Tạo nghiệp thiện được thiện quả, gây ác nghiệp phải chịu ác quả, hai cái chẳng thể bù trừ, nhưng mình tu thì có thể sửa lại được.
Tu đến tâm lực mạnh hơn lúc tạo nghiệp ác đó thì sửa đổi được. Kỳ thực tâm lực của mọi chúng sanh đều bằng nhau, do bị che khuất nên nhờ sự tu mới hiện ra. Ví như tâm lực lúc tạo nghiệp ác chỉ có một độ, nay nhờ sự tu khiến tâm lực lên đến mười độ, thì quả báo của tâm lực lúc mười độ sẽ đến trước, điều đó cũng như sự thiếu nợ nơi thế gian, hễ ai có thế lực mạnh sẽ được trả trước, thế lực kém thì trả sau, nên nhân yếu nơi một độ được kéo về sau.
Nếu như tu đến tâm lực mười độ rồi ngưng không tu tiếp thì quả báo của mười độ trả hết đến chín độ, rồi tám độ… dần dần quả báo của một độ cũng sẽ đến. Nếu chúng ta không ngừng tu hành và tiến mãi đến hai mươi độ, ba mươi độ… đến khi kiến tánh thành Phật, thành Phật rồi ác nhân vẫn còn, nhưng đã thành Phật là tự giác giác tha, độ tất cả chúng sanh, kể cả chủ nợ; bất cứ chủ nợ mạng, chủ nợ thịt đều được ưu tiên độ trước, thì lúc đó nghiệp nhân mới hết. Điều đó phải tự mình sửa, chứ dùng tiền tài là không thể thay thế.