Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 1)



Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 1)
Có không ít người thấy Ngao Thuyết cứ thường vạch ra chân tướng và sự tà vạy ở giới Tăng Bảo thì có phần khó chịu, lấy làm không vừa ý. Người cảm mến, yêu quý Ngạo Thuyết thì sợ rằng việc nói ra cái sai của chư Tăng Bảo sẽ khiến Ngạo Thuyết sẽ tổn phước, sẽ đọa địa ngục.
Ở bài viết Ba Lần Đối Diện Với Tâm Ma đã phần nào phơi bày bóng dáng Ma Vương Ngạo Thuyết lầm lũi bước vào địa ngục, do đó Ngạo Thuyết có xuống địa ngục cũng là lẽ thường. Xuống địa ngục mà tổn phước đến mức không thể ở địa ngục thì Ngạo Thuyết chỉ có nước lên Thiên đàng thôi.
Thật ra phước báu, công đức là sự dối trá ngọt ngào đang hiện tồn nơi đạo Phật.
Vì sao Ngạo Thuyết vẫn cứ thường phơi bày ra sự kém cỏi của giới Tăng Bảo xưa nay?
Rõ thật là chư Tăng Bảo đương thời và ngày xưa không hề tranh cơm áo gạo tiền với Ngạo Thuyết, chư Tăng cũng chẳng thể tranh danh, đoạt lợi từ Ngạo Thuyết.
Vậy phải chăng giữa Ngạo Thuyết và họ có sự hiểu lầm chi hay có oán thù sâu nặng nào đó khiến Ngạo Thuyết không thể đặt xuống?
Thật ra thì Ngạo Thuyết đã chịu ơn giới Tăng Bảo, những người đã giữ lửa và lan truyền ngọn đuốc chánh pháp đến muôn nơi. Chính nhờ việc hộ trì, gìn giữ pho Tam Tạng Kinh của giới Tăng Bảo đã giúp Ngạo Thuyết có cơ duyên chạm đến giáo lý chánh pháp để rồi hoát nhiên đại ngộ.
Thế nên việc Ngạo Thuyết đang làm chính thật là việc trả ơn Tam Bảo, đặc biệt là với chư Tăng Bảo.
Có câu "Thọ ân giọt nước, báo ơn suối nguồn" và muốn trả ơn chư Tăng Bảo không gì tốt hơn bằng việc chỉ ra những sai lầm then chốt khiến họ không thể tiến tu dẫn đến việc chứng ngộ ở giới Tăng Bảo trở thành viễn vông, hư ảo.
Thêm nữa, Ngạo Thuyết cũng không muốn giới Tăng Bảo, những người đảm nhận vai trò, trách nhiệm hộ trì Phật - Pháp - Tăng lại trở thành tội nhân thiên cổ, là những người phá hoại đạo Phật, là thành phần trực tiếp hủy hoại đạo Phật trong tương lai gần vì những sự hiểu biết sai lạc về chánh pháp ở họ.
...
Thời gian gần đây trong giới học Phật có lan truyền một bài viết do người học Phật hệ phái Nam Tông ra sức, bài viết có nội dung đưa ra những luận thuyết để chứng thực rằng giáo lý Phật giáo phát triển Bắc Tông không do Phật Thích Ca thuyết mà đó là thủ đoạn phá hoại đạo Phật của ngoại đạo Bà La Môn.
Các bạn có thể tham khảo nội dung bài xích Phật giáo Bắc Tông ở những người học Phật Nam Tông bảo thủ cực đoan ở link - https://www.facebook.com/113031753784684/posts/213273020427223/.
Ở bài viết đấy có đoạn:
...
“Bấy giờ, trong phòng Duy Ma Cật có một Thiên nữ thấy các vị Trời người đang nghe thuyết pháp, liền hiện hình thiên nữ rải hoa trên thân các Bồ Tát và đại đệ tử. Hoa đến thân các Bồ Tát liền rơi xuống đất, đến các đại đệ tử thì dính trên thân chẳng rơi xuống. Tất cả đệ tử dùng thần lực phủi hoa cũng chẳng rơi xuống.
Lúc ấy, thiên nữ hỏi Xá Lợi Phất rằng:
-Tại sao phủi hoa?
Ðáp:
-Hoa nầy chẳng đúng pháp nên phủi.
Thiên nữ nói:
-Chớ bảo hoa này chẳng đúng pháp. Tại sao? Vì hoa này chẳng có phân biệt, tại nhơn giả tự sanh phân biệt tưởng mà thôi. Người ở nơi Phật pháp xuất gia, có tâm phân biệt là chẳng đúng pháp, nếu chẳng phân biệt tức là đúng pháp. Nay thử xem các vị Bồ Tát chẳng dính hoa là vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng vậy. Ví như người đang có khiếp sợ thì phi nhơn mới được dịp mê hoặc. Cũng thế, các vị đệ tử vì đang sợ sanh tử thì sắc, thanh, hương, vị, xúc mới được dịp mê hoặc. Kẻ đã lìa được khiếp sợ thì tất cả ngũ dục đều chẳng thể mê hoặc. Kẻ kiết tập (tập khí trói buộc) chưa sạch, hoa mới dính vào thân. Kẻ kiết tập đã sạch thì hoa chẳng dính vậy.”
~ Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh
Một bậc A-la-hán, người đã đoạn tận các lậu hoặc, hơn nữa còn là bậc có trí tuệ giải thoát đệ nhất trong hàng Tỷ-kheo, còn có thể có tâm phân biệt, tâm chấp trước được chăng?
Đức Phật dạy rằng về mức độ diệt tận lậu hoặc, thì Mahakassapa, Sariputta, cũng như những đệ tử Thanh văn khác, là ngang hàng với chính Ngài. Vậy có lẽ chính Đức Phật cũng vẫn còn tâm phân biệt, tâm chấp trước chăng?
Nếu những hàng Bồ-tát bất thối chuyển ấy, chưa chứng ngộ được sự diệt tận vô minh, mà vẫn có thể chỉ ra được con đường để đưa một vị A-la-hán, người đã tu tập theo Chánh Pháp của Đức Phật, người mà Đức Phật đã xác chứng rằng vị ấy đã hoàn toàn giải thoát, đến được một mức giác ngộ cao hơn nữa, thì hai sự việc sau đây có thể xảy ra:
– Một vị chưa diệt tận vô minh dạy cho một vị đã diệt tận vô minh con đường đưa đến quả vị cao hơn. Cũng ví như một người mù, trong buổi sáng, muốn nắm tay dắt một người sáng mắt đi trên con đường, mà con đường này người sáng mắt đã đi đến tận cùng, đã tỏ tường các hẻm hóc lớn nhỏ, các viên đá, các chướng ngại vật trên đường như hiểu rõ lòng bàn tay mình, trong khi người mù này vẫn chưa bao giờ đi hết con đường ấy.
– Con đường mà Đức Phật đã tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, Pháp mà Đức Phật đã tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, được chính Ngài truyền dạy cho thế gian, được chính Ngài tuyên bố là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ giải thoát, thì con đường ấy, Pháp ấy vẫn chưa đưa đến giải thoát tột cùng. Nghĩa là chẳng những các vị A-la-hán đệ tử, mà ngay chính Đức Phật cũng vẫn còn là một bậc hữu học. Nghĩa là Đức Phật đã nói không như thật.
Những việc nêu trên là phi lý, không tùy thuận Chánh Pháp, nội hàm tự sinh mâu thuẫn, do vậy đó là những điều không thể có được.
...
Qua đoạn trích dẫn trên chúng ta dễ dàng nhận ra những luận điệu của người học Phật Nam Tông này có vẻ rất đanh thép, gay gắt và dường như đúng trên nền tảng luận thuyết và sự hiểu biết của người đó.
Thậm chí là người học Phật Nam Tông này còn cả gan kéo cả Phật Thích Ca chèn vào những luận điểm của mình để tăng tính quyết liệt xen lẫn cả việc thị uy.
Tiếc thay những luận thuyết này lại không y tựa hoàn toàn nơi lời Phật Thích Ca thuyết mà dựa trên Tạng Kinh Nikaya và phần chú giải Kinh Phật nguyên thủy.
Việc dựa trên nền Kinh Nikaya vốn đã tạo ra sai sót rất lớn vì có đến 80 - 90% nội dung Kinh Nikaya không phải là lời Phật thuyết, ngay cả việc xác thực đệ tử chứng đắc Tứ Quả Vị Thánh phần nhiều cũng là việc làm của người đời sau.
Song trên thực tế người học Phật Nam Tông đưa ra luận thuyết bài xích giáo lý Phật giáo phát triển Bắc Tông trên chủ yếu dựa trên những bản chú giải Kinh Nikaya, việc làm cơ sở này nhằm tiến đến sự triệt hạ, xóa sổ hoàn toàn Phật giáo Bắc Tông, đây là việc làm sai chồng thêm sai. Việc chú giải Kinh Nikaya chủ yếu vốn do người tục, tai điếc ra sức, điều này đã tạo những chú giải hoàn toàn không đúng về quả vị A la hán, về Tam Minh - Lục Thông, Niết Bàn, Luân Hồi và đạo Phật,...
...
Ngạo Thuyết đã từng bước phá việc chấp pháp môn, chấp hệ phái, chấp Tăng Bảo và tiến đến là việc phá chấp Đại Thừa - Tiểu Thừa, nhẫn đến việc phá luôn việc chấp Phật Thích Ca, chấp đạo Phật.
Việc làm này của Ngạo Thuyết hẳn sẽ khiến nhiều người học Phật hoang mang, kinh sợ.
Tuy nhiên, nếu bạn là người học Phật chân chính thì bạn hãy lắng đọng lòng mình để đủ duyên nhận diện được rằng những điều Ngạo Thuyết trình bày đều dựa trên nền tảng lẽ thật. Và Phật Thích Ca là người tôn trọng cũng như bảo vệ sự thật; Điều Phật Thích Ca từng làm cũng chính là việc giúp con người tiếp cận, chạm đến sự thật.
...
Do chấp chặt Y Kinh nên những người học Phật thủ cựu, cực đoan đã không thể mở lòng ra chấp nhận những sự thật.
Họ như những đứa trẻ con không bao giờ lớn, sau khi được thầy cô dạy học thuộc lòng bản cửu chương thì cứ ê a đọc tụng mà không thể áp dụng bản cửu chương vào việc tính toán hoặc nâng cấp bản cửu chương ở những con số cao hơn.
Điều đáng tiếc hơn là do bản thân họ không thể lớn, không thể trưởng thành nên họ bày ra những tà kiến, ác kiến nhằm giam hãm, kìm kẹp những người đã tín nhiệm họ khiến những người đó không thể trưởng thành, không thể lột xác để chạm đến sự giác ngộ giải thoát.
...
Giới Tăng Bảo xưa nay chính là đại biểu chính danh của thành phần học Phật hàng Thanh Văn. Và từ xưa đến nay giới Tăng Bảo Thanh Văn học Phật rất hiếm hoi người chứng ngộ, Tiểu Ngộ đã khó, Đại Ngộ càng khó hơn, Toàn Giác thì quả thật là như bóng chim, tăm cá.
Ngạo Thuyết nói giới Tăng Bảo xưa nay hiếm hoi người chứng ngộ chứ không nói rằng không có người chứng ngộ bởi lẽ Ngạo Thuyết biết rằng có ít nhất là hai người chứng ngộ ở lịch sử tồn tại của đạo Phật:
- Đã có một người chứng ngộ Toàn Giác sau thời Phật Thích Ca, sự hiện diện của bộ kinh sách Phật học phát triển Bắc Tông là dấu vết để nhận biết của sự tồn tại một vị Giác Giả thứ hai có trí tuệ viên dung, trác tuyệt.
- Và người chứng ngộ thứ hai sau thời Phật Thích Ca đáng kể đến chính là Lục Tổ Huệ Năng, chủ nhân của bộ Kinh Pháp Bảo Đàn.
...
Vì sao giới Tăng Bảo xưa nay hiếm hoi người chứng ngộ?
Nguyên tắc quan trọng nhất mở ra cơ may chứng ngộ sự giác ngộ giải thoát chính là việc hành nhân dấn thân trên con đường trung đạo; Các bạn học Phật đúng mực hãy sáng mắt, sáng lòng để nhận diện ra một sự thật rằng chính lý trung đạo mới là cửa ngõ vào đạo giác ngộ giải thoát chứ không phải Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế hay thiền định, thiền quán hay một pháp môn, một hệ phái học Phật nào cả.
Do đó, một khi hành nhân chọn lựa xuất phát điểm sai tức là đã gieo nhân sai biệt, nhân sai biệt dễ thường sẽ dẫn đến việc trổ quả thành hư vọng.
Dựa vào lý trung đạo chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra giới Tăng Bảo xưa và nay đã đánh mất trung đạo ngày khi hạ quyết tâm chọn lựa việc dấn thân học và hành trên lối mòn đạo Phật. Việc chọn xuất phát điểm sai đã khiến giới Tăng Bảo xưa nay khó thành tựu đạo quả dẫu cho có chánh tín xuất gia cùng với việc kiên trì hạ thủ công phu.
Giới Tăng Bảo xoa nay vì thế đã trở nên là thành phần học Phật hạng Thanh văn khó thể xé toạc bức màn vô minh và kiên cố dựng lên những Tà kiến, những Ác kiến. Rõ thật là giới Thanh văn học Phật khó thể chứng ngộ việc chứng ngộ giải thoát khi đạo Phật thiếu vắng đi một Bậc Long Tượng hộ pháp, một vị minh sư sáng mắt dẫn đường.
Rất khách quan chúng ta dễ dàng nhận ra giới Tăng Bảo xuất gia xưa nay đánh mất trung đạo khi nhốt thân vào đạo Phật rồi lần lượt tự giam cầm chính mình vào hệ phái, vào pháp môn, vào việc tơ tưởng ngộ nhận làm thầy của Trời - Người một cách hư vọng. Đây thực sự là hiện trạng của giới Tăng Bảo ngày nay.
Con đường giác ngộ giải thoát lẽ ra sẽ mang lại cho hành nhân từng bước thoát khỏi những trói cột, buộc ràng thân tâm. Trong khi đó chúng ta đã và đang nhìn thấy một sự thật là giới Tăng Bảo xưa nay đang tự cột trói với rất nhiều xiềng xích, dây trói, tự gông cùm bằng cả một mạng lưới vô minh dày đặc.
- Tại sao lại như vậy và liệu có đúng là như thế không?
Rõ thật là với hiện tướng sa môn ở giới Tăng Bảo học Phật thì chúng ta dễ dàng nhận ra giới Tăng Bảo xưa nay đang bị cột trói với tầng tầng, lớp lớp vô minh.
- Thân tướng của giới Tăng Bảo đã xác định như vậy liệu tâm của giới Tăng Bảo có vượt thoát khỏi những màn lưới vô minh sâu nặng không?
Có vẻ cả thân tâm của giới Tăng Bảo xưa nay đều đánh mất trung đạo dẫn đến việc tự vùi lấp định huệ. Và điều này hoàn toàn đúng trong suốt quá trình hình thành, phát triển và tồn tại của đạo Phật. Vì lẽ đó vị Giác Giả thứ hai đã dùng phương tiện xác quyết rằng giới Tăng Bảo, ngay cả giới Tăng Bảo thượng thủ thời Phật Thích Ca tại thế cũng chỉ thành phần Thanh Văn học Phật, họ đã thui chột pháo khí đại thừa, tâm hạnh Bồ tát nên rất khó để chứng ngộ sự Toàn Giác.
...
Chậm lại một chút. Ngạo Thuyết sẽ đưa ra những dẫn chứng rất thật để chúng ta có thể xác thực, kiểm chứng lại sự đánh mất lý trung đạo ở giới Tăng Bảo và nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng trượt dài trong bóng tối vô minh ở giới Tăng Bảo xưa nay.
Do chọn xuất phát điểm rơi vào biên kiến đạo Phật và không có minh sư sáng mắt dẫn đường nên giới Tăng Bảo xưa nay lần lượt rơi vào những lỗi lầm rất sơ đẳng và ấu trĩ ở 10 điều chớ vội tin được thể hiện trong bản Kinh Kalama. Cụ thể, giới Tăng Bảo học Phật ngày nay do chấp trước Y Kinh, chấp trước đạo Phật là chánh pháp, chấp trước vào lời Phật nên họ mắc đủ trọn vẹn cả 10 lỗi chớ vội tin:
1. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
5. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
6. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
8. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
9. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Thả lòng ra và khách quan nhìn nhận chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra đúng thật là giới Tăng Bảo ngày nay mắc trọn vẹn đủ cả 10 lỗi này khi xuất gia học Phật. Và do y tựa, cả tin vào quý thầy Tăng Bảo đã dẫn đến đại chúng học Phật cũng mắc đúng 10 lỗi này khi tìm đến đạo Phật, điều này đã khiến việc học Phật ở cả Tăng lẫn tục đều lạc lối, chánh pháp giác ngộ giải thoát thông qua việc học Phật ngày càng trở nên thâm tà, ngụy dị đến tối tăm.
...
Các bạn đã nhìn thấy giới Tăng Bảo xưa nay đích thực đã đánh mất trung đạo khi nhốt cả thân tâm vào đạo Phật. Và tiếp theo đây Ngạo Thuyết sẽ đưa ra những dẫn chứng xác thực rằng giới Tăng Bảo đang bị nhốt cả thân tâm vào hệ phái, vào pháp môn, vào phước báu, vào ngã mạn làm thầy của Trời - Người thông qua hiện tướng đinh ninh khai thị dù diễn thuyết không hoàn toàn đúng với tâm Phật; Điều này đã dẫn đến giới Tăng Bảo ngày càng không làm đúng vai trò, trách nhiệm hộ trì Tam Bảo - Việc bảo vệ chánh pháp trước sự chống phá của ngoại đạo ở giới Tăng Bảo hiện nay là rất tắc trách, rất bê trễ mà nguyên nhân chính để dẫn đến việc kém cỏi hộ pháp của giới Tăng Bảo chính là việc trói thân tâm vào đạo Phật mà không chạm đến việc tỏ ngộ.
...
Với một sự khách quan dựa trên nền tảng tổng thể, xuyên suốt chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra giới Tăng Bảo danh gia từ cao niên đến chư Tăng Tài trẻ tuổi, năng nổ - họ đều tự nhốt họ vào những giới hạn hệ phái, pháp môn, danh và lợi; Tất cả những điều đó đang gông cùm giới Tăng Bảo của chúng ta.
Do duy ngã nên giới Tăng Bảo tỏ ra an toàn trong những chiếc lồng tri kiến vô minh đó và do việc nhận thức không sáng nên họ bắt đầu công cuộc lừa người - đại chúng học Phật và người đời, nào hay đó cũng chính là nhân dẫn đến việc tự huyễn hoặc, tự gạt chính mình ở giới Tăng Bảo.
...
Chúng ta đều biết ngày nay sự phân biệt kì thị, chê bai pháp môn, hệ phái Phật học Nam - Bắc Tông đã đang và sẽ xảy ra trong suốt lịch sử phát triển và tồn tại của đạo Phật. Điều mê muội, ngu xuẩn này đang được giới học Phật cả Tăng lẫn tục ngày nay ra sức duy trì; Đây là lỗi lầm đáng xấu hổ ở người học Phật xưa nay.
- Và thành phần học Phật chính nào sẽ chịu trách nhiệm chính khiến thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng?
Hiển nhiên là với vai trò chính danh giữ gìn ngọn đuốc chánh pháp, là một trong ba viên ngọc quý Tam Bảo, giới Tăng Bảo sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự chia rẽ đạo Phật một cách mê muội và ngu xuẩn.
- Tại sao giới Tăng Bảo trực thuộc hệ phái Phật học phát triển Bắc Tông không thể tháo gỡ, triệt giải sự phân chia hệ phái Phật học một cách thiển cận và ấu trĩ như thế?
Vì giới Tăng Bảo Bắc Tông nhốt thân vào đạo Phật, vào hệ phái, vào pháp môn, vào danh lợi đang được thụ hưởng nên không thể thấu hiểu tâm Phật và đồng thời không đồng cảm được nỗi lòng của đại chúng học Phật. Trên tất cả là do việc tự nhốt mình vào những giới hạn Tông phái, việc đánh mất trung đạo nên giới Tăng Bảo Bắc Tông không thể chứng ngộ "Minh tâm, kiến tánh". Kết quả của việc không tỏ ngộ đã khiến giới Tăng Bảo Bắc Tông trở thành những vị Tăng Bảo cơm áo cô phụ sự cúng dường của đàn na tín thí, họ ngày càng chìm đắm trong muôn lối vô minh.
- Tại sao giới Tăng Bảo trực thuộc hệ phái Phật học phát triển Nam Tông không thể tháo gỡ, triệt giải sự phân chia hệ phái Phật học một cách thiển cận và ấu trĩ như thế?
Không chỉ vậy. Chính giới Tăng Bảo Nam Tông vì sự thủ cựu, cực đoan, quá khích đã gây ra sự chia rẽ đạo Phật; Sự cực đoan đánh mất trung đạo đã khiến giới Tăng Bảo Nam Tông không dễ dàng chấp nhận sự trưởng thành, sự lớn khôn ở người học Phật theo năm dài, tháng rộng.
- Lẽ nào người học Phật sẽ vẫn mãi là những đứa trẻ có lớn mà không có khôn, việc học thuộc bản cửu chương chỉ có công năng lâm râm đọc Thần chú?
Và vì rơi vào Ngã chấp, đạo Phật nguyên thủy chấp mà giới Tăng Bảo Nam Tông ngày nay tiếp tục duy trì việc chia rẽ đạo Phật, họ ra sức bài xích, công kích với chiêu bài thiệt hạ Phật giáo phát triển Bắc Tông một cách đầy thù địch và mê muội.
Không chỉ vậy. Ngay trong chính nội tại của hệ phái Nam Tông đang diễn ra việc công kích, bài xích lẫn nhau giữa các chi phái Nam Tông.
- Ai đã kích khởi sự chia rẽ nơi nội tại của hệ phái Phật học Nam Tông?
Hiển nhiên vẫn là giới Tăng Bảo thủ cựu, hẹp lòng cùng với sự tiếp tay của thành phần học Phật Nam Tông sa đọa ở sự cuồng tín, cực đoan.
Những người học Phật Nam Tông cả Tăng lẫn tục đang ra sức "Bới lông tìm vết" Phật giáo nguyên thủy chân truyền không có một chút lai tạp nào và điều này là hoàn toàn không thể.
Những người học Phật thủ cựu này thật đáng thương và cả đáng trách. Hơn 2550 đã trôi qua mà họ vọng tưởng sẽ tìm thấy một giáo trình Phật học chân phương nguyên thủy. Điều này đồng nghĩa rằng họ đang đi tìm chỉ những câu chữ mà chính Phật Thích Ca đã nói mà không qua bất kì sự trùng tuyên của bất kỳ ai; Họ đi tìm điều đó bằng tư duy chấp Ngã hẹp hòi, bằng lòng hoài nghi và đố kị. Người học Phật mà sa đọa vào Tà kiến, Ác kiến này quả thật rất đáng tiếc và nguyên nhân dẫn đến sự lầm lạc nông nổi này chính là do việc đánh mất lý trung đạo ở người học Phật.
Và rất đáng tiếc là chính những vị Tăng Bảo thượng thủ danh tiếng của Phật giáo Nam Tông đã kích khởi sự mê muội, vọng chấp này. Bên cạnh đó là sự tắc trách hộ trì Tam Bảo do việc trói thân vào hệ phái, vào pháp Thực Tại Hiện Tiền, Chánh Niệm Tỉnh Giác, vào danh tiếng ở những vị Tăng Bảo Nam Tông thượng thủ khác.
Giới Tăng Bảo Nam Tông thượng thủ danh tiếng hiện nay có những ai? Và họ đã làm những gì trước sự chia rẽ nơi nội tại của Phật giáo Nam Tông cũng như việc không gắng sức sửa chữa sai lầm từ việc gây chia rẽ đạo Phật thành hệ phái Nam Tông và Bắc Tông?
Họ âm thầm duy trì sự khuấy động làm chia rẽ đạo Phật nhưng giả vờ như không làm gì cả.
Lẽ ra việc họ nên làm là hàn gắn, xoa dịu những vết thương hơn là cào cấu cho tóe máu những vết thương và gây ra thêm những tổn thương khác.
Danh Tăng Phật học Nam Tông ngày nay có thể kể đến là Hòa thượng Viên Minh, Giới Đức, Bửu Chánh, Toại Khanh - Giác Nguyên,...
Và có một sự thật là việc thuyết giáo, hoằng pháp cũng như pháp học, pháp hành của những vị Danh Tăng Nam Tông này đều có dấu tích của sự Tàu hóa, họ kế thừa rất nhiều những nền tảng từ Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật giáo Đông Độ gồm thơ Đường, thư pháp, bon sai, tiểu cảnh, cả tư tưởng khí khái của một đại hiệp bước ra từ tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc và cả Thiền ngữ của Trung Hoa, Nhật Bản.
Mặc dù pháp ngữ của họ chứa đựng đầy chất liệu Tàu nhưng họ lại ra sức duy trì việc Bài Tàu, triệt hạ Phật giáo phát triển Bắc Tông vì cho rằng đây là Phật giáo hàng Tàu, Phật giáo Bà La Môn.
Và dù thể hiện tư tưởng bài Tàu nhưng giáo lý Phật học hệ phái Nam Tông lại chứa nhiều Hán tự hơn cả những bản dịch của Kinh Phật thuộc hệ phái phát triển Bắc Tông.
Chỉ cần tham khảo những bản dịch Kinh Nikaya và Tạng Vi Diệu Pháp chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy người học Phật Nam Tông cả Tăng lẫn tục chịu sự ảnh hưởng của Hán tự nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Pháp học đã nhiễm chất liệu Tàu thì hiển nhiên pháp hành ở người học Phật hệ phái Nam Tông khó thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của nền tảng Tàu hóa.
Qua phần dẫn chứng rất thật, rất xác đáng bên trên chúng ta sẽ nhìn nhận lại vấn đề này như thế nào? Tại sao cách hành xử của giới Tăng Bảo Nam Tông lại có sự trái khoáy, tiền hậu bắt nhất như thế? Thậm chí là tính quân tử, trượng phu - Sự khí khái ở giới Danh Tăng Nam Tông cơ hồ như bị đánh mất? Tại sao?
Tại vì họ đích thực là thành phần học Phật hạng Thanh văn. Chính việc đánh mất trung đạo, rơi vào biên kiến đạo Phật, từng bước dính mắc vào pháp môn, hệ phái, việc hộ trì Tông môn hoằng pháp, việc ngộ nhận nối pháp Phật chánh tông và sự chấp Ngã - Tính tự mãn đã khiến họ lệch lạc, sa ngã như thế. Họ sai mà không biết đã sai và do uy tín nơi Tăng đoàn họ sẽ kéo theo đông đảo đại chúng học Phật lạc lối chánh pháp.
Vị Giác Giả thứ hai ra đời sau Phật Thích Ca những 400, 500 năm nên đã nhìn thấy rõ hiện tướng này và sự thoái hóa của đạo Phật ở tương lai nên lập ra phương tiện khéo Đại Thừa - Tiểu Thừa; Trong đó Tiêu Thừa với thành phần chính là người học Phật hạng Thanh văn cả Tăng lẫn tục.
Còn đại biểu Đại Thừa với thành phần nòng cốt là những cư sĩ tại gia có tâm hạnh đại thừa, là lực lượng chính cúng dường y áo, vật thực, thuốc men,... đảm đang cho sự tồn tại và phát triển của Tăng đoàn , tạo điều kiện tốt nhất cho Tăng đoàn giữ gìn Pháp Bảo.
Do đó về lý Đại Thừa và Tiểu Thừa là một phân ranh giả lập giữa Tăng Bảo xuất gia và Bồ tát cư sĩ tại gia.
Đáng tiếc là do lòng hoài nghi, đố kỵ, tâm tánh hạ liệt của những người học Phật thủ cựu, cực đoan thuở xưa nên họ đã không nhìn ra, không ý thức được rằng phương tiện ngài Xá Lợi Phất bị hoa trời dính trên áo và ra sức phủi hoa mà hoa không rơi xuống chính là nhằm vào việc thể hiện tánh Tiểu Thừa của giới Tăng Bảo học Phật chứ không phải ám chỉ rằng giới Tăng Bảo Nam Tông là Tiểu Thừa, giới Tăng Bảo Bắc Tông là Đại Thừa. Vì hiểu sai dụng tâm của vị Giác Giả thứ hai mà nội bộ của Tăng Đoàn phát sinh mâu thuẫn và mâu thuẫn không được giải tỏa dẫn đến việc chia rẽ đạo Phật ra thành nhiều hệ phái, nhiều Tông môn,...
Và tại sao ngài Xá lợi phất, người được cho rằng đã chứng ngộ A la hán, dứt trừ hết lậu hoặc, đoạn hết các kiết sử mà hoa vẫn dính trên áo?
Vì lúc bấy giờ vị Giác Giả thứ hai cũng đã nhận thấy những bản chú giải Kinh Pháp Cú, Kinh Nikaya đã bị lệch lạc, không đúng với tâm Phật - việc diễn giải về quả vị A la hán bị sai sót, sa đà vào Thần thông huyễn hóa, hoàn toàn không thật đúng.
Tuy nhiên, những bản chú giải này đã phổ truyền, đã ngấm vào máu, vào tri kiến của người học Phật cả Tăng lẫn tục lúc bấy giờ.
Biết rằng sự hiểu biết đó là sai với chánh pháp giác ngộ của Phật Thích Ca nhưng tri thức nền của đại chúng học Phật lúc bấy giờ không đủ sức trạch pháp.
Do đó vị Giác Giả thứ hai nhận định được rằng việc vạch rõ sự chân ngụy nơi Kinh Phật, các bộ Luận, Tạng Vi Diệu Pháp và các bản chú giải Kinh Luận khi tri thức người đương thời chưa vững vàng, chưa sáng tỏ sẽ dẫn đến việc động chúng, hậu quả đối với sự tồn tại giáo lý và con đường giác ngộ giải thoát thật khó lường.
Vì lẽ đó với trí tuệ bất khả tư nghị và tâm bi mẫn khôn cùng vị Giác Giả thứ hai đã phổ truyền bộ Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết làm giềng mối trạch pháp cho người đời sau.
Quả thật là quả vị A la hán, Tam Minh - Lục Thông hoàn toàn không đúng như những gì mà người học Phật và người đời xưa nay lầm tưởng.
...
Mời các bạn tiếp tục tham khảo phần 2 của bài này có tiêu đề tương tự để vỡ ra rằng phước báu đích thị là một quả lừa và hơn thế nữa...
...


Không có nhận xét nào: