Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 2)




Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào (P. 2)
Ngạo Thuyết xong việc ngày nay rồi chạnh thương đời đạo, thương những người bạn vong niên từng mạn đàm Phật pháp đang loay hoay với mớ tri kiến Phật học bồng bềnh rối rắm nên Ngạo Thuyết viết ra sách Hãy Là Đường Xưa Mây Trắng Bay nhắm trạch pháp, chỉ rõ những lối mê.
Kể từ đó Ngạo Thuyết dấn thân trên con đường báo đền ơn Phật, đi trong phi đạo hành Phật đạo. Tuy nhiên, bản tính Ngạo Thuyết thường lặng lẽ nên chẳng ham việc đứng trước người, lòng vẫn thường mong sẽ sớm tìm thấy Bậc Long Tượng xuất thế, hộ trì Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng. Chỉ cần nhận biết có vị Danh sư xuất thế thì Ngạo Thuyết sẽ phủi tay quy ẩn, vui thú điền viên.
Khoảng thời gian 10 năm nhanh chóng trôi qua, Ngạo Thuyết cũng bồng bềnh trong thanh sắc "nửa đời, nửa đạo". Dù rằng với "tai tinh, mắt sáng" và không ngừng lần tìm một vị minh sư ở cả hai nẻo đạo đời. Song bóng dáng của một người chứng ngộ giáo môn giác ngộ giải thoát vẫn mãi là bóng chim, tăm cá.
Thời may, đạo tràng Tương Tác Phật Học Online, Nikaya & Đốn Ngộ theo tháng năm cũng có được những sự tăng trưởng đáng khích lệ. Với góc nhìn của mình, Ngạo Thuyết nhận ra những người bạn cùng Ngạo Thuyết đi qua những tháng năm là những người học Phật lành mạnh, có đạo tâm và có lòng chí thành cầu đạo giác ngộ giải thoát.
Có được duyên lành như thế nên Ngạo Thuyết sẽ từng bước bóc tách những gốc khuất, những sai lạc nơi đạo Phật những mong thành tựu Di Lặc Thiên Bá Ức Hóa Thân, diệu pháp mà vị Giác Giả thứ hai đã cơ xảo phổ truyền.
10 năm thả lòng và kiên trì lần tìm những vị minh sư sáng mắt hộ trì chánh pháp ở giới Tăng Bảo xuất gia và cư sĩ học Phật tại gia đủ để Ngạo Thuyết nhận ra rằng đã rất lâu rồi không có một vị chân sư như thế xuất hiện, người học Phật có đạo tâm có vẻ không ít nhưng do lọt vào biên kiến đạo Phật, đánh mất trung đạo và do tuệ tri không đủ, lại thiếu minh sư sáng mắt chỉ đường nên dẫu trải qua những quãng thời gian rộng dài, những người học Phật có đạo tâm cũng dần đánh mất chánh niệm, đạo tâm trở nên thui chột và chìm dần vào nhân ngã, vào hệ phái, tông môn, vào đạo Phật; Chánh pháp mà họ vay mượn từ kinh Phật ngõ hầu thuyết pháp độ sinh dần trở thành tà giáo và làm thui chột cả tuệ giác của chính những người học Phật tín thành, đồng thời gây ra họa hại đến cả đại chúng học Phật.
Sơ khởi tìm đến đạo Phật, Ngạo Thuyết biết đến Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh, Tịnh Không,...
Và Ngạo Thuyết đã từng trân quý tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng để rồi xót xa nhận ra rằng sư Thích Nhất Hạnh lạc lối chánh đạo, sự Tỉnh Thức mà sư Nhất Hạnh ra sức phổ truyền không giúp được sư minh tâm, kiến tánh lúc cuối đời.
Tương tự như thế cái thấy biết thường hằng của sư Thanh Từ cũng không giúp sư Thanh Từ giữ được sự sáng suốt ở những năm cuối đời.
Và đều đáng tiếc bên cạnh đó là những người học Phật hàng Tăng Thân đệ tử của những vị Danh Tăng đó cũng không hiểu đúng Phật pháp, không chịu thức tỉnh trước hiện tướng Bệnh Khổ, Già Khổ, Tử Khổ của các vị Danh Tăng. Họ thật sự là đã hiểu sai chánh pháp, ngộ nhận về đạo Phật khi kêu đại chúng học Phật ra sức cầu nguyện giật giành lại mạng sống cho những vị Danh sư những khi trái gió, trở trời. Việc làm ngô nghê như thế thật sự là không đúng với chánh pháp và vùi lấp tín đồ vào bể khổ mê tín dị đoan.
Người học Phật há lại chẳng biết hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, thu qua, đông đến,... đó là duyên sinh diệt, há dễ cưỡng cầu. Cớ sao người học Phật lại tự huyễn nhau việc cầu nguyện có thể giúp các vị Tăng Bảo duy trì mạng huyễn, làm chậm được việc sống chết.
Người học Phật mà tác pháp như thế thì quả thật là đang ra sức hủy hoại chánh pháp, chà đạp lên quy luật nhân quả luân hồi mà Phật Thích Ca đã thuyết giảng - Sao lại chẳng điềm nhiên như hạt sương đêm?
...
Ngạo Thuyết đã từng nghe sư Thanh Từ nói với đại ý rằng cuộc đời này có gì đâu mà khổ, cuộc đời này vui đấy chứ và lúc bấy giờ sư Thanh Từ đã nói ra nguyện lực sẽ tái sinh trở nhằm dẫn dắt đại chúng vượt thoát luân hồi.
Tương tự như thế Hòa thượng Tịnh Không người dấn thân trên con đường niệm Phật A Di Đà nguyện vãng sanh Tây Phương cũng đã đánh tiếng về việc tái sinh lại để dìu dắt tín đồ tiến nhập cõi Tây Phương cực lạc trước rồi mới ngồi lên bảo tòa Liên Hoa ở chốn Tây Phương.
...
- Chúng ta thấy gì về những nguyện lực nghe chừng như rất đỗi Từ Bi Bác Ái này?
Và đấy không chỉ là hai vị Danh Tăng duy nhất sau những năm tháng dài đằng đẳng với nguyện lực tự cứu bản thân đã khởi ý làm bồ tát đưa người, ta xin đưa qua sông.
- Với nguyện lực có vẻ đại hùng, đại lực đại từ bi như thế liệu những vị Danh Tăng đấy có thể thực hiện được trọn vẹn nguyện lực của mình?
Nguyện lực tái sinh của những vị Danh Tăng là hoàn toàn không khó, thậm chí không phát nguyện vẫn sẽ tái sinh, nhất là khi các vị Danh Tăng đã hiểu sai về nền tảng chánh pháp cơ bản. Sự thật là việc giải thoát hoàn toàn mới khó nhằn chứ còn việc tái sinh xưa nay vốn dĩ là việc không cầu mà được.
Còn việc các ngài tái sinh với mộng tưởng độ thoát cho tín chúng thì chắc chắn rằng khó thể thành tựu. Người sáng mắt xưa từng nói "Bồ tát cách ấm còn mê" với ý là cho dù là Bồ tát thật nhập thai trưởng dưỡng 9 tháng 10 ngày còn không thể nhớ được hạnh nguyện của bản thân, mê mờ chánh trí; chỉ đến khi đủ duyên thì may ra mới phát khởi được chánh tri.
Bồ tát hàng thật còn không dễ thành tựu việc làm còn dỡ dang thì những người chưa thâm nhập được kinh Phật, chánh trí chưa sinh như hai vị Danh Tăng kia hiển nhiên khó thể thành toàn nguyện lực của chính mình.
Ngoài ra yếu tố duyên tái sinh quyết định rất nhiều đến việc tăng tiến trên đường đạo ở mỗi chúng sinh. Và chúng ta đều biết dòng chảy của cộng nghiệp như con nước lớn, nước ròng bất định và khôn lường. Cộng nghiệp sẽ chi phối và dễ dàng vùi lấp mọi nguyện lực của mọi chúng sinh trong bể khổ luân hồi; Đây là điều mà hai vị Danh Tăng trên cũng như các vị tu sĩ Mật Tông Tây Tạng xưa nay không hiểu hết.
Những người quan tâm đến đạo Phật, đến Mật Tông Tây Tạng dễ thường sẽ biết đến vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay chính là hóa thân của nguyện lực tái sinh dẫn dắt dân tộc Tây Tạng của vị Đạt Lai Lạt Ma đời đầu. Điều đó có nghĩa là ngài Đạt Lai Lạt Ma đã tái sinh ít nhất 14 lần.
- Với nguyện lực đại từ, đại bi như thế ngài Đạt Lai Lạt Ma đã thành tựu được những gì sau 14 lần tái sinh?
Cứ tạm xem như việc tìm người tái sinh chuẩn xác, các vị Đạt Lai Lạt Ma tái sinh đều được tín chúng tìm đúng người. Và kết quả là ngài Đạt Lai Lạt Ma thật sự không đánh giá được cộng nghiệp nhân loại cũng như duyên thời cuộc, điều này đã phơi bày ra một thực trạng ngài Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong, trong khi đó dân tộc Tây Tạng vẫn chịu sự giày xéo của gót giày của Tập Cận Bình và Trung Cộng.
Tương tự như thế ngài Ban Thiền Lạt Ma sau 11 lần tái sinh để độ chúng đã bị chính quyền Trung Cộng bắt cóc vào năm 1995, khi mới 6 tuổi và bị quản giáo nghiêm ngặt đến mức giới truyền thông quốc tế không thật sự rõ ngài Ban Thiền Lạt Ma còn sống hay đã chết, người sống đó có thật là ngài không?
...
Thế đấy! Rõ thật là việc tái sinh hoằng pháp tiềm ẩn những rủi ro khôn lường mà đến cả chân bồ tát tức người sáng mắt cũng như Phật Thích Ca cũng không đa sự, việc xong rồi liền thôi.
Chớ vọng ngôn khinh xuất nói rằng tâm đại từ, đại lực, đại bi của Phật Thích Ca và những vị Giác Giả tiền bối hẹp kém hơn những vị Danh Tăng đương thời. Người thấu đạt tự biết công thành, thân thoái - Tre tàn thì măng sẽ mọc, chẳng ôm mộng dời non, lấp bể vậy.
- Vì sao những vị Danh Tăng sau khi dấn thân tìm đạo, học đạo, hành đạo một quãng thời gian dài đằng đẳng với nguyện lực thoát khỏi luân hồi lại khởi nguyện tái sinh độ chúng, tiếp tục dẫn dắt tín đồ?
Vì lẽ họ ngộ nhận tâm yếu chánh pháp giác ngộ giải thoát, ngộ nhận vai trò của họ đối với đại chúng học Phật, ngộ nhận cả về công đức, phước báu.
Do được đại chúng học Phật đãi ngộ trọng hậu nên những vị Danh Tăng đã có cái nhìn lệch lạc với chánh pháp. Đời là bể khổ là điều Phật Thích Ca đúc kết được khi nhìn xuyên suốt quy luật luân hồi. Song do sống giữa sự phồn hoa danh lợi ở vị trí là những vị Danh Tăng nên những vị Tăng Bảo này đã không nhận ra rằng đời đích thực là bể khổ; Niềm vui bên đời hẳn nhiên là có tồn tại nhưng nó không là gì với Sinh Khổ, Bệnh Khổ, Già Khổ, Chết Khổ, Cầu Bất Đắc Khổ, Ái Biệt Ly Khổ, Oán Tăng Hội Khổ, Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ.
Vì không hằng sống trong những khổ sầu khi được danh cao, lợi lớn những vị Danh Tăng đã không khêu sáng được chánh trí nên dần trở nên Ham Tiếc Sinh Tử. Do ngộ nhận công đức tích lũy trong quá trình hoằng truyền pháp Phật là thật có, do ngộ nhận phước báu tích lũy được ở hiện đời là hữu hình, là nhân đã gieo sẽ trổ quả ở đời sau và cả một sự hứng khởi, bốc đồng âm ỉ các vị Danh Tăng người trước, kẻ sau phát khởi nghuyện lực tái sinh ngõ hầu thu đoạt tín tâm của tín chúng học Phật và cả nghĩ rằng ở kiếp tái sinh đạo tràng cũ, quyến thuộc xưa sẽ lại quây quầng cùng nhau xưng tán, cung phụng danh lợi, vun bồi vị thế cho họ nhưng lại luôn là những tín đồ thuần thành với thân phận bề tôi. Do hiểu sai công đức, phước báu theo lối học Phật truyền thống, giới Tăng Bảo đã hư vọng PR những lời dối trá ngọt ngào đến với đại chúng học Phật; Vô hình chung trở thành điều tự huyễn đối với chính họ.
Rồi sẽ lại có người cho rằng Ngạo Thuyết ra sức bêu riếu, kích khởi thị phi bài xích chư Tăng Bảo. Như Ngạo Thuyết đã từng nói việc hủy hoại danh tiếng chư Tăng không mang lại cho Ngạo Thuyết thêm chút nào tiếng tăm, danh lợi.
Hãy nên nên nhận vấn đề ở góc nhìn khoáng đạt, thông thoáng hơn! Ở nơi tấm lòng bao dung, cởi mở các bạn sẽ nhận thấy rằng Ngạo Thuyết không dè bĩu, không chê bai Tăng Bảo; Ngạo Thuyết chỉ là chỉ ra những sai lầm có thật ở giới Tăng Bảo xưa nay.
Thông qua việc chỉ ra việc học và hành pháp chệch hướng chánh đạo ở giới Tăng Bảo, Ngạo Thuyết cất lên một tiếng nói đại diện cho cả hai nẻo đạo đời đặt giới Tăng Bảo vào lại đúng vị trí là thành phần Thanh Văn học Phật, đặt giới Tăng Bảo về đúng với vai trò gìn giữ và truyền trao ngọn đuốc chánh pháp giác ngộ giải thoát mà Phật Thích Ca đã phổ truyền.
Và nếu muốn đột phá vượt ra khỏi giới hạn là thành phần Thanh Văn học Phật thì giới Tăng Bảo cần phải trau dồi trí tuệ ngõ hầu tháo gỡ những tầng tầng, lớp lớp vô minh để trở nên là một vị Duyên Giác - Độc Giác nhẫn đến Toàn Giác.
Và những việc trạch pháp nhằm vào những vị Tăng Bảo danh tiếng lạc lối Phật môn khó mong chạm đến các vị Danh Tăng. Ngạo Thuyết chỉ hy vọng rằng những vị Tăng Bảo trẻ tuổi sẽ đủ duyên tham khảo những bài Ngạo Thuyết viết và đủ chánh trí vượt qua những chấp thủ hệ phái, tông môn, đại ngã mà từng bước trở nên là những vị Tăng Bảo chân chính, đúng mực.
Bên cạnh đó, Ngạo Thuyết cũng hy vọng đại chúng học Phật và người đời sẽ đủ duyên tham khảo những bài trạch pháp của Ngạo Thuyết ngõ hầu tỏ tường chân ngụy, từng bước xa rời những đứa mê tín dị đoan, chạm đến suối nguồn giải thoát, để rồi không còn là những tà thí chủ, tà cư sĩ đẩy giới Tăng Bảo xuất gia vào vực sâu là những Tà Tăng.
Con người Ngạo Thuyết xưa nay quả thật là có chỗ tà quái. Lệ thường Ngạo Thuyết không dễ học được nhiều điều từ những cái tốt, cái hay; Song Ngạo Thuyết lại học được nhiều hơn những điều hữu ích từ cái sai, cái chưa đúng của người cũng như của mình.
Ngạo Thuyết lại thường thấy lỗi của người chính là lỗi của mình vậy. Ngay như trước những lệch lạc, ngộ nhận chánh pháp ở giới Tăng Bảo; Mỗi lần trạch pháp Ngạo Thuyết thường rất đắn đo, sợ rằng động chúng, sợ rằng ảnh hưởng đến sự tôn kính của viên ngọc quý thứ ba của Tam Bảo, sợ rằng ngoại đạo thừa cơ hủy hoại đạo Phật.
Nhưng rõ thật là viên quý Tăng Bảo đang ngày càng mờ nhạt, rạn vỡ. Thế nên nếu không sớm thức tỉnh, không sớm sửa sai thì chính giới Tăng Bảo sẽ biến mình thành những túi da béo phì, xấu xa, hôi thối, là những kẻ ăn không, ngồi rồi lại ăn trên ngồi trước tạo ra ác nghiệp hủy hoại đạo Phật, hủy hoại Tam Bảo - Phật Pháp Tăng.
Ngạo Thuyết nhận ra những lỗi lầm của giới Tăng Bảo là lỗi của chính mình; Biết mà không nói đích thực là lỗi lớn vậy.
Chỉ mong giới Tăng Bảo, đặc biệt là những vị Danh Tăng đủ duyên tham khảo những bài viết ở chủ đề Cẩm Nang Vượt Thoát Luân Hồi thân tâm liền chấn động, chí thành sám hối thì tin rằng việc sáng mắt, sáng lòng ở họ sẽ không còn xa; Nếu không được vậy thì có thể nói với họ rằng là chung thân bất cứu.
...
P/S:
Ngạo Thuyết dự rằng sẽ gói ghém toàn bộ nội dung bài viết sự thật về giới Tăng Bảo, công đức và phước báu hư vọng vào phần 2. Nhưng xem ra Ngạo Thuyết bá đạo nhiều chữ quá thế nên phải sang đến phần ba mới hoàn thành được bài viết Sự Thật Về Giới Tăng Bảo Xưa Nay - Công Đức, Phước Báu Là Sự Dối Trá Ngọt Ngào.
Mời các bạn kiên nhẫn đón xem, Ngạo Thuyết hy vọng rằng ngay khi Ngạo Thuyết dừng viết thì các bạn nghiễm nhiên hội tụ trọn vẹn trí tuệ Phật và con đường dấn thân về sau sẽ là sự chọn lựa tự chủ của mọi người.
Nam Mô Di Lặc Thiên Bá Ức Hóa Thân Tôn Phật!

Không có nhận xét nào: