là phẩm tâm cao nhất của toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Mà nhân vật chính là Thiện Tài Đồng Tử, một mẫu người lý tưởng có chí tiến thủ sắt đá, nguyện hiến dâng suốt đời mình để phụng sự đạo vô thượng. Đồng Tử đã chẳng từ nan đi khắp đó đây tìm cho được minh sư, thiện hữu, tham học đủ với mọi hạng người, từ bậc thượng trí thượng căn đến những người thấp hèn trong xã hội, nguyện dốc lòng hướng thượng cầu được Giác Ngộ, hướng hạ rãi tâm đại từ rộng phắp bốn phương, mong cứu độ toàn thể chúng sanh trong cõi Ta Bà đầy thương đau khổ luỵ. Hay nói khác hơn “Nhập pháp giới” là đi vào thế giới bao la của tình thương và trí tuệ. Nhập vào cảnh địa Tỳ Lô Giá Na pháp thân chứng được nhất tâm chơn như vô chướng ngại pháp giới, hay lìa thế gian sai biệt giả tướng bề ngoài mà nhập vào thế giới thể tánh bình đẳng vô sai biệt tướng bên trong, nhập vào tâm đại đồng của vũ trụ, thấy mình với người, tâm và cảnh, tuy hai mà một, một mà hai.
Trong thời gian hai mươi mấy năm trời, không ngại sương sa tuyết lạnh, mưa dầm nắng hạn, Thiện Tài lê gót khắp nơi tìm cầu Thiện Tri Thức để tu Bồ Tát Hạnh trải qua tất cả năm mươi ba vị. Điều này có ý nghĩa:
Mục đích của Thiện Tài là “Nhập Pháp Giới”, vì vậy trên lộ trình từ thế gian giới đến Pháp Giới Phật phải trải qua quá trình gian nan cam go đầy thử thách, với người có ý chí kiên cố, nguyện lực vững vàng của một hành giả mang hoài bão to lớn nối truyền mạng mạch Phật Pháp mới có thể gánh vác nổi. Trải qua 53 vị Thiện Tri Thức (vị thầy học đạo), Thiện Tài đã đạt được 53 quả vị từ Thiện đến Thánh đến Bồ Tát mà trong Hoa Nghiêm Tông đã vạch ra để dẫn dắt Thiện Tài hay người học Phật đến quả vị Phật. Năm mươi ba quả vị gồm có:
Thập Tín
Thập Trụ
Thập Hạnh
Thập Hồi Hướng
Thập Địa
+ Vị thầy đầu tiên của Thiện Tài là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ, với nhiệm vụ hóa đạo. Hết thảy cái gì tiêu biểu cho Đại Trí Tuệ bất khả tư nghì của Như Lai đều được Ngài Văn Thù lãnh hội. Do đó ta có thể nói Văn Thù là vị Bồ Tát tiêu biểu Đại Giác của Phật Thích Ca. Vị Thầy sau cùng là Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, tượng trưng cho hạnh nguyện. Đây là sự phối hợp hài hòa giữa Tri và Hành. Người muốn tu học Bồ Tát Đạo phải có trí tuệ sáng suốt, phải tìm mọi cách để phát huy nguồn linh quang sẵn có nơi mình. Trí tuệ tượng trưng cho lý tánh, là ngọn đuốc soi đường cho hành giả, còn hạnh nguyện tượng trưng cho sự tướng, ví như đôi chân. Bao giờ “Lý sự viên dung”, “Tri hành hợp nhất” thì tánh tướng vô ngại dung thông, hành giả ung dung bước vào tòa nhà Như Lai.
+ Thiện Tài là một Phật Tử tha thiết tìm chân lý mà chân lý là một thực thể tuyệt đối, tuy thường hằng nhưng đa dạng, tuy chói sáng nhưng lại ảo diệu lung linh, ví như một viên như ý bảo châu, tuy bản thể của nó chỉ là một nhưng lại tỏa ra muôn ngàn tia sáng long lanh và chiếu ra muôn màu sắc. Muốn nhận ra nó và muốn nắm giữ được nó phải trải công tìm hiểu chân lý muôn mặt là tránh đi cái lỗi lầm của những “người nấu cát mà muốn thành cơm”. Chính vì lẽ đó mà Thiện Tài không quản bao công lao khó nhọc đi hỏi đạo khắp nơi, tuy biết rằng lẽ đạo nhiệm mầu nhưng trước sau chỉ có một.
+ Tốn công lao trong mấy chục năm trời, lặn lội chân trời góc biển, hết thọ giáo với vị này lại theo lời chỉ dẫn tìm đến vị khác, chẳng phải Thiện Tài chỉ cầu nghe Đạo mà thật ra trong thời gian đó Thiện Tài đã thực hành đủ 3 phương pháp Văn – Tư – Tu. Chính nhờ thực hành phương pháp Văn – Tư – Tu một cách nhuần nhuyễn mà Thiện Tài đã nắm được chìa khóa mở cửa ngôi nhà Chánh Pháp.
+ Vai trò quan trọng của Thiện Tri Thức: Người cầu đạo Bồ Tát là người đã biết phát tâm Bồ Đề, tức là đã có một yếu tố tiên quyết để thành đạo, nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Thiện Tri Thức thì chẳng thể nào tiến tu được. Do đó vai trò của Thiện Tri Thức rất quan trọng đối với hành giả. Vì Thiện Tài chính nhờ vào năm mươi ba vị Thiện Tri Thức mới thành tựu sự tu học. Chúng ta có thể tóm tắt vai trò của Thiện Tri Thức như sau:
Thiện Tri Thức là người chỉ đường cho hành giả, vì họ là những người đã có kinh nghiệm đi trước. Muốn tìm đường lên núi phải hỏi những người đang xuống núi. Muốn tu pháp Thiền phải thỉnh cầu vị Thiền Sư … Nếu như hành giả tự mình vạch lối, rẽ lau thì chẳng những hao tốn nhiều công phu mà đôi khi còn lầm đường lạc lối.
Thiện Tri Thức là người tạo cho hành giả một môi trường tốt đẹp để tiến tu. Bởi vì nếu hằng ngày hành giả chỉ giao tiếp với các Thiện Tri Thức, thường được nghe giảng những lời kim ngọc thì chủng tử thiện ngày càng tăng trưởng, làm cho các chủng tử ác phải tiêu hao. Cũng như ở cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà sự tu tập luôn thuận lợi … hành giả dễ chứng đắc tiến lên địa vị Bất Thối.
Thiện Tri Thức là những người có cái nhìn khách quan nên dễ nhận ra những thiếu sót, sơ hở của hành giả để kịp thời chỉ bảo cho hành giả sửa đổi. Nếu một mình ẩn tu, hành giả rất khó bỏ ngã chấp-vị kỷ. Tục ngữ có câu “Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng”. Cho nên người tu cần phải can đảm đón nhận những lời phê bình quý giá của các bậc Thiện Tri Thức.
Qua 53 tiến trình tu học của Thiện Tài Đồng Tử, ta thấy Kinh Hoa Nghiêm lập ra cho ta nền giáo dục vững chắc, giáo dục từ thô đến vi tế pháp từ cách ăn nói (ái ngữ), hành xử (lợi hành đồng sự) …cho đến thái độ (Hoan hỷ địa) và vi tế sâu sắc hơn là giáo dục về trí tuệ Bát Nhã giải thoát. Đạo Phật chủ trương giải thoát ngay trong hiện tại (Hiện tiền địa) nương vào Phật lực để hành đạo Bồ Tát (Thiện Huệ địa) và luôn nhấn mạnh việc lấy đức làm đầu (Pháp vân địa). Kinh Hoa Nghiêm cũng như các Kinh Đại Thừa đều lấy trí tuệ chỉ đạo cho mọi hành động và để mở rộng phương tiện làm đạo Bồ Tát không khép kín trong mô hình cố định nào. Điều này nổi bật tính “Bất định” trong Phật Giáo, đồng thời những hành giả Đại Thừa rất tôn trọng ý chí tự do, có như vậy mới thấy hết khả năng của con người để tận dụng vào công việc một cách chính xác hợp với khả năng của họ. Hơn nữa Đạo Phật thường chủ trương “tri hành hợp nhất” nghĩa là cái biết đi trước, việc làm theo sau, người có trí tuệ rồi, có đủ tri thức mới có thể làm đạo được. Theo Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đã trải qua học hơn 50 cái biết đạt đến chỗ Nhất Thiết Trí, khi ấy Bồ Tát Phổ Hiền mới ấn chứng cho Thiện Tài hành Bồ Tát hạnh. Từ ngoài thế gian giới Thiện Tài học hỏi để biết Nhập Pháp Giới rồi từ trong Pháp Giới Thiện Tài trở lại thế gian giới để kiểm chứng lại mình.
Qua sự cọ xát với cuộc đời mới đánh giá được thực chất của con người đã có trình độ, có Kinh nghiệm tu chứng thật sự. Cho nên Đạo Phật giáo dục con người cốt là đào tạo về chất lượng trí tuệ, phẩm hạnh giới đức, thái độ giải thoát và cách hành xử bình đẳng không thiên vị. Học hỏi nghiên cứu giáo lý Đạo Phật mới thấy được những điểm nổi bật này vượt trội hơn các đạo khác ở bốn yếu tố đó. Ngoài ra đạo Phật còn chủ trương tinh thần vô chấp thủ qua pháp môn hồi hướng, đây là một dạng “cho” triệt để không mong cầu trả lại, nhưng xét kỹ đó chẳng qua đó là trao đổi vật thể vô hình, đổi cái hữu lậu để lấy cái cao quý vô lậu. Qua đó ta thấy Đạo Phật chỉ cốt giáo dục bằng tâm, một nền giáo dục siêu hình nhưng bám sát thực tại mà lại siêu thực và trở thành nền giáo dục siêu thế gian không một đạo giáo nào có thể sánh kịp. Vì vậy Giáo Sư Lý Kim Hoa, một học giả nổi tiếng khoa sử Việt Nam nhận định về giáo dục Phật Giáo như sau:
“Nền giáo dục Phật Giáo là một nền giáo dục của khối óc và con tim quả cảm. Tư tưởng giáo dục Phật Giáo là tư tưởng giáo dục hiện thực và hành động”.
C. KẾT LUẬN
Kinh Điển tùy duyên tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lợi đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như.
(Cố Hòa Thượng Phước Hậu, Chùa Báo Quốc)
Đây chính là tư tưởng chung của những hành giả học Kinh Điển Đại Thừa và họ có lối nhìn phóng khoáng của người ngộ đạo. Hoa Nghiêm gắn liền với lối sống thực tại dù là một thực tại nay đau thương nhưng nó vẫn thực tế hơn và sự hiện hữu của nó là sự hiện hữu của bức thông điệp ngàn đời bất hủ. Vì vậy hành giả phải lấy cái xấu của cuộc đời để quan sát, thấy cái ác để tránh, thấy cái tội lỗi để răn mình. Cho nên khi đối diện với nghịch cảnh trái ngang, hành giả không cảm thấy chán chường hay thất vọng, sự mất mát đau thương của kiếp sanh lão bệnh tử là cái “Bi” của thế gian đối nghịch với cái “Hỷ” của xuất thế gian là vô sinh và bất diệt. Hành giả học Phật là giữ được tính thăng bằng của nội tâm, vì nội tâm an lạc là nội tâm tràn ngập “Từ, Bi, Hỷ, Xả” vượt khỏi bản ngã nhỏ hẹp, vị kỷ mà vị tha, xem nhẹ cái riêng mà đặt nặng cái chung. Khi hành giả đạt đến trạng thái tâm ấy thì sẽ dung hòa được tất cả pháp, đạt đến chỗ “Một là tất cả, tất cả là một” đó chính là tâm vô phân biệt của lý tưởng sự sự vô ngại pháp giới của Tông Hoa Nghiêm “Nhất tức nhất thế”. Như vậy hành giả đã thể nhập vào pháp giới Hoa Nghiêm và cảm nhận được:
Đây là tịnh độ tịnh độ là đây
Mỉm cười chánh niệm
An trú hôm nay
Bụt là chín, Pháp là mây bay
Tăng thân khắp chốn
Quê hương nơi này
Thở vào hoa nở
Thở ra trúc bay
Tâm không ràng buộc
Tiêu dao tháng ngày
(Đây là Tịnh Độ – Thiền sư Nhất Hạnh)
Đúng như lời Thiền sư Vạn Hạnh đã dạy;
Trời tam muội bao la vô cùng tận
Trăng tứ trí viên mãn chiếu sáng ngời
“Có còn chi để kiếm tìm
Niết Bàn rõ ràng trước mặt
Cõi giới này là cõi Liên Hoa
Chính thân này là thân Phật”.
(lượt trích Luận văn tốt nghiệp. Thích Nữ Tâm Thảo.)