Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Hoa Nghiêm- Bài 34 - 2 Bồ Tát Phổ Hiền: Yếu tố hạnh nguyện.

Đây là biểu tượng cho bản nguyện rộng sâu mang chiều hướng lịch sử về tâm địa tu hành của một vị Bồ Tát. Trong bản nguyện bao gồm cả trí tuệ, hành trì và bản thể của Phổ Hiền.
Như vậy, hết thảy chư Bồ Tát tham dự kiến thiết pháp giới đều xuất phát từ đời sống và thệ nguyện của Phổ Hiền … Chủ đích của Thiện Tài Đồng Tử qua hơn 50 cuộc hành trình được mô tả trong Hoa Nghiêm không gì hơn là một cuộc tự đồng nhất mình với Phổ Hiền Bồ Tát và cuối cùng đươc Ngài ấn chứng dạy về nhân địa tu hành, về tri kiến, bản nguyện và năng lực thần thông … tất cả Phật Pháp đều từ Phổ Hiền phóng ra. Do đó trên quãng đường hành Bồ Tát Đạo Phổ Hiền theo sát hành giả từ khi bắt đầu sự nghiệp và hiện diện suốt cả cuộc đời của mình. Nghĩa là Bồ Tát bắt đầu một lý tưởng phải lập nguyện cho đến khi thành đạt lý tưởng đó.
Bản nguyện là thuật ngữ Phật học được lưu xuất từ đại hạnh nguyện của Bồ Tát. Lời nguyện luôn gắn liền với niềm tin vững chắc bởi thế nó mang tính chất kiên thệ. Người tụ tập Đại Thừa lấy bốn lời nguyện của Ngài Phổ Hiền là tổng nguyện
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô lượng thệ nguyện thành.
và mỗi người phải lập biệt nguyện riêng của mình. Như 24 nguyện của Phật A Súc Bệ cõi Diệu Hỷ ở Phương Đông, 48 nguyện của Phật A Di Đà ở phương Tây … Ngài A Nan nguyện “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”, còn Ngài Địa Tạng lập nguyện “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh dị độ phương chứng Bồ Đề”.
Trên thực tế một người bình thường vào đạo phải phát nguyện, tức là thay đổi toàn bộ hệ thống tâm lý làm phân ranh giữa hai cuộc đời thế gian và xuất thế gian.
Bản nguyện của Phổ Hiền là hướng đến giác ngộ giải thoát, cứu độ chúng sanh kể cả hữu tình và vô tình. Hạnh nguyện của Bồ Tát phải được thể hiện trong đời sống thực tại là sự hiến dâng đời mình để dẫn dắt mọi loài đến giải thoát giác ngộ tối hậu, kiến tạo hạnh phúc trong lòng thế gian.
Hạnh nguyện là việc làm mang tính phổ cập, phát sáng toàn cõi đến tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời, không giới hạn mức độ và đối tượng nào.- Như xưa Thái Tử Tất Đạt Đa vượt thành xuất gia dưới gốc Bồ Đề, nguyện không rời nơi đây dù thịt nát xương tan, Ngài quyết thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lời nguyện kiên cố như mũi tên cắm sâu vào lòng đất, như con thuyền lướt phăng trên mặt sóng gian nan, như bức thành vững chắc … đưa Ngài đến đỉnh cao nhất là sự thành công chứng Phật quả. Từ đó, bản nguyện luôn canh cánh bên lòng theo Ngài suốt 49 năm hoằng đạo lợi ích cho đời, tri thức của Ngài soi sáng cả vũ trụ và được mọi người chiêm ngưỡng. Đó là điểm cốt yếu tạo thành đời sống hành trì từ hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.
Kinh Hoa Nghiêm tiêu biểu cho tuệ giác của Như Lai và ý nghĩa đúng đắn của pháp tu theo bản nguyện được diễn tả trong phẩm Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm. Phổ Hiền là hóa thân Phật Thích Ca xuất hiện trên cõi đời làm lợi ích chúng sanh và những ai y theo hạnh Phổ Hiền tu tập người đó là hóa thân của Phổ Hiền.
Như bản nguyện có sức mạnh hùng vĩ có thể vượt qua mọi hàng rào chướng ngại, đi trên gian nan để thành công một mục đích nào đó. Phổ Hiền Bồ Tát ngự trên voi trắng cũng đồng nghĩa với trang nghiêm thân tâm bằng sức mạnh trong sạch tuyệt vời chi phối cả toàn bộ pháp giới một cách an nhiên tự tại. Chỉ có hàng Bồ Tát mới thực thụ gánh vác nổi công việc của Ngài Phổ Hiền.
Muốn lành mạnh Phổ Hiển phải trải qua Tam Thừa Giáo tu hành. Từ vị trí phàm phu, hành giả tu ba nghiệp thanh tịnh, ly tham, ly sân, ly si, vô minh diệt, trí tuệ xuất hiện, có những đặc tính tốt làm mô phạm trong hàng Sa Môn.
Từ ưu thế của người đã tròn hạnh theo pháp tu thuộc nhơn thừa, thiên thừa, hành giả tiến tu Tam Thừa Giáo: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Tu pháp của Thanh Văn-Duyên giác để phát tiển đạo đức, tri thức và nhập cuộc giáo hóa chúng sanh hay đi vào con đường hành Bồ Tát đạo. Qua điểm này ta thấy việc giáo dục trong nhà Phật trước hết là giáo dục về tâm đức, sau mới phát triển về trí đức.
Bồ Tát là người kết hợp hai yếu tố này mới có thể vào đời lãnh đạo mà không làm tổn thương đến cuộc đời.
Từ cơ sở giáo dục qua hạnh Phổ Hiền, hành giả được trang bị đầy đủ những gì cho một vị Bồ Tát đủ sức vào đời để làm đạo và qua sự tiếp xúc với cuộc đời hành giả kiểm chứng lại tâm mình, trước mọi cám dỗ vật chất không khởi tâm ham muốn, trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch đều có thể hiện đủ phương tiện để đối trị … Bồ Tát hành tất cả hạnh đức vì mục đích giáo hóa con người giúp họ trở về với tánh thiện và nuôi dưỡng giáo dục con người mở rộng tri thức, mở rộng tầm nhìn quan sát cuộc đời đúng theo tinh thần Phật Giáo và hướng theo tinh thần làm đạo của hạnh Bồ Tát Phồ Hiền để chuyển hóa cuộc đời.
Cuộc sống cần vui hãy làm chim hót
Sỏi đá khô cằn xin chuyển hóa màu xanh
Lại nguyện làm hoa khi vườn lạnh khô cành
Làm đuốc sáng khi dặm dài tăm tối
(Trích thơ thi sĩ Tống Anh Nghị)
Kinh Hoa Nghiêm chủ trương hành đạo bằng tâm, không để vọng thức suy nghĩ nên việc làm của Ngài bất khả tư nghì. Từ sự thành tựu Tam Thừa Giáo, Bồ Tát bắt đầu “Nhập Pháp Giới” đi vào tánh tu giáo hóa thẳng vào tâm, không qua ngôn ngữ. Cũng như Thiện Tài Đồng Tử sau khi đến Bồ Đề đạo tràng lần chót, được Bồ Tát Phổ Hiền xoa đãnh tán dương công đức của Thiện Tài và ngay lúc ấy Thiện Tài nhận được tâm ấn của Bồ Tát Phổ Hiền và đồng hóa mình với Ngài Phổ Hiền. Phổ Hiền đưa tâm Ngài vào tâm Đồng Tử và tâm Đồng Tử biến thành tâm Ngài. Thiện Tài đã có tâm chứng, đồng nguyện đồng hạnh với Phổ Hiền, nhận được lực bất tư nghì của Ngài nên vào đời làm mọi việc mà không nhọc sức. Sự chuyển hóa chúng sanh từ nội tâm, điều động công việc cũng từ nội tâm, dùng tâm chuyển vật, không cần cử thân động niệm, sức mạnh phi thường của tâm tác động cho công việc thành tựu đó là Vô Tác Diệu Lực. Đây là ý chính mà Kinh Hoa Nghiêm muốn đề cập, nó thể hiện trí tuệ tuyệt vời và năng lực của tâm thức khi đã đạt đến sự chứng đắc tâm linh.
Kinh Hoa Nghiêm đại diện cho hệ thống giáo dục của Phật Giáo Đại Thừa nhằm xây dựng con người toàn diện cả hai mặt Tri và hành. Đây là nền giáo dục nhập thế tích cực, mang lại ánh sáng cho cuộc đời và cuối cùng hồi hướng những thành quả đó đến Vô Thượng Bồ Đề, đến chân như thật tướng.
Một tinh thần Vô ngã-Vô chấp thủ lại nổi bật trong giáo lý Phật Đà mà các nhà giáo dục cần phải chú ý đến khi triển khai Bồ Tát hạnh.(lượt trích)
Không có mô tả ảnh.
Tất cả cảm xúc:
3

Không có nhận xét nào: